Chủ Nhật , 28 Tháng Tư 2024
Home / Tổng hợp / ĐỘNG LỰC CỨU NGƯỜI

ĐỘNG LỰC CỨU NGƯỜI

Động Lực Cứu Người

Một trong những câu hỏi quan trọng, mà người tin Chúa luôn luôn đối diện, là người Việt có cần tin Chúa Giê-su để được cứu rỗi không? Đã có đạo cổ truyền rồi, người Việt có cần tin theo Chúa Giê-su không? Số phận những người không tin Chúa Giê-su sẽ ra sao? Hội Thánh và tín hữu người Việt tha hương có thể làm gì để góp phần truyền bá Tin Lành cứu rỗi cho đồng bào Việt ở quê hương? Việc truyền giáo là nhiệm vụ của Hội Truyền Giáo hay là trách nhiệm của mỗi người tin thờ Chúa?

Người Việt Với Văn Hoá Việt

nguoiv

Đối với người Việt Nam, một dân tộc nặng về tình hơn về lý, nặng về truyền thống tín ngưỡng và truyền thống gia đình, thì sự ràng buộc trong gia đình đang còn sống với số phận những thân nhân đã chết là những vấn đề thân thiết nhất. Người Việt đang có nhiều rào cản, ràng buộc, khó vượt qua, để tự do đến cùng Chúa. Người Việt sợ theo Chúa thì mất hết quyền lợi đời nầy mà không tha thiết quan tâm đến việc mất linh hồn.

Chịu ảnh hưởng truyền thống tín ngưỡng Á Đông, người Việt coi trọng vong linh của ông bà cha mẹ, là những người khuất bóng, nhưng tin rằng họ vẫn còn lảng vảng xung quanh để phù hộ cho con cháu. Sợi dây thân bằng quyến thuộc, tình cảm láng giềng, tục lệ đình làng, ràng buộc chặt chẽ và tác động mạnh mẽ. Tình cảm bà con sâu đậm liên kết nhau qua sự liên hệ máu mủ, qua sự thăm viếng, có qua có lại, gần gũi, giúp đỡ đùm bọc nhau những khi tối lửa tắt đèn. Cả ba thế hệ có thể sống chung quay quần quanh một mái ấm gia đình, chung một làng xã, với những ngày giỗ kỵ, những quan hôn tang tế, với tục lệ ba ngày Tết nguyên đán thiêng liêng. Tất cả đã quyện lại với nhau, tạo nên sức mạnh đoàn kết keo sơn của người Việt trải qua các đời, nhưng đó cũng là đồn lũy, ngăn trở cho việc truyền bá Tin Lành đến từng cá nhân, từng gia đình, từng làng xã.

Người Âu Mỹ nặng về cá nhân, với quan hệ xã hội độc lập, nặng tính riêng tư, phần ai nấy lo. Người Việt Nam nặng về tập thể, với quan hệ xã hội gắn bó bền chặt, người nầy lo cho người khác. Người Việt sợ mất mặt, trọng nễ ý kiến của người khác, sợ làm gì bị người khác khinh chê, chỉ trích. Con cái sợ cha mẹ từ. Cha mẹ sợ bà con trách móc không biết dạy con, gia đình không gia giáo… Cá nhân ở Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh trong quyết định của tập thể. Truyền giáo cho người Việt không thể bỏ qua ảnh hưởng tập thể nầy của văn hóa Việt. Chỉ có người Việt Nam mới hiểu tâm tình của người Việt. Trách nhiệm của những tín hữu Việt Nam ngày nay, đối với đồng bào, đồng loại, càng trở nên nặng nề.

Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn hy vọng. Bằng chứng là người Trung Hoa hay người Đại Hàn cũng có những hàng rào văn hóa ngàn đời ngăn cản, nhưng quyền phép của Tin Lành vẫn chiếu rọi vào được tận linh hồn những người đang kháo khát sự sống tâm linh. Tôi tin chắc, Tin Lành là quyền phép của Đức Chúa Trời, để cứu mọi người tin. Tôi ước mong, mỗi người Việt được nghe đầy đủ về Tin Lành cứu rỗi, để có cơ hội chọn lựa số phận đời đời. Việc gì bất năng cho loài người thì khả năng cho Đức Chúa Trời.

Động Cơ Truyền Giáo

Trong bài viết về “Đức Chúa Trời và Những Nhà Lập Quốc Mỹ” của Jon Meacham đăng trên Báo Newsweek, tháng Tư, 2006, tôi đọc những dòng sau đây:

“Các tổ phụ lập quốc và những tổng thống trải qua các đời đều tin tưởng Đức Chúa Trời là Đấng đã dựng nên thiên đàng và quả đất, cũng là Đấng ban cho con người quyền tự do để tin Ngài hay không tin, để yêu Ngài hay không yêu, để vâng lời Ngài hay không vâng lời. Đức Chúa Trời ban cho con người ý chí tự do, vì tình yêu mà bị bắt buộc không còn là tình yêu nữa mà chỉ là tùng phục. Đó là lý do những người có tôn giáo phải ở tuyến đầu binh vực quyền tự do tôn giáo.” (The Founding Fathers and presidents down the ages have believed in a God who brought forth the heavens and the earth, and who gave humankind the liberty to believe in Him or not, to love Him or not, to obey Him or not,. God had created man with free will, for love coerced is no love at all, only submission. That is why the religious should be on the front lines of defending freedom of religion).

Chính phủ và nhân dân Mỹ ngày nay, đang đeo đuổi lý tưởng chia sẻ và tranh đấu cho dân chủ tự do, nhất là quyền tự do tôn giáo. Bầu không khí tự do nầy đang hổ trợ phần nào cho công tác truyền giáo khắp nơi trên thế giới.

Con người có quyền tin Chúa hay không tin Chúa. Ở xã hội Mỹ xưa nay, đó là chuyện tự nhiên, không ai cần phải đặt vấn đề. Đức Chúa Trời ban cho con người quyền tự do để quyết định số phận của mình. Mỗi người có quyền tin Chúa hay khước từ Chúa. Điều mỉa mai là những người vô thần dùng câu nầy để bảo vệ quyền không theo tôn giáo của mình nhưng họ còn đi xa hơn là dùng quyền riêng của mình để cấm việc truyền đạo cho người khác. Những người yếu đuối thuộc linh cũng dùng câu nầy để bỏ qua nhiệm vụ giúp đỡ người khác tin Chúa. Nhưng những người tin Chúa cần dùng câu nầy để nắm lấy quyền chia sẻ Tin Lành cho người khác, ít nhất là một lần, để người nghe có cơ hội chọn lựa tin Chúa hay không tin, tin Chúa ngay hôm nay hay chờ đến ngày mai.

Đọc Kinh Thánh xuyên suốt, chúng ta thấy Đức Chúa Trời là Đấng truyền giáo, Con Một Ngài giáng thế cũng là nhà truyền giáo và những môn đệ của Ngài đều là những nhà truyền giáo. Đức Thánh Linh đã kêu gọi, thúc dục và sai phái các giáo sĩ ra đi khắp nơi để rao báo Tin Lành. Trước khi về trời, Chúa Giê-su đã truyền lịnh làm chứng về Ngài từ “thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.”

Sứ đồ Phao-lô tin chắc rằng nếu dân tộc Do Thái của ông không tin Chúa, họ sẽ hư mất, mặc dù ông biết rõ rằng họ là những người có đặc ân nhiều nhất và có đủ điều kiện nhất để lên thiên đàng. Nhưng ông đã viết những lời tha thiết nhất về dân tộc của ông và đã dám đánh đổi điều mà không một ai trong chúng ta dám đánh đổi.

Sứ đồ Phao-lô đã viết: “Trong sự hiện diện của Chúa Cứu Thế, tôi nói thật hoàn toàn—tôi không nói dối đâu—lương tâm tôi và Đức Thánh Linh xác nhận điều tôi đang nói đây là thật. Lòng tôi đầy buồn rầu cay đắng và đau đớn không nguôi vì dân tộc của tôi, những anh chị em người Do Thái của tôi. Tôi sẵn sàng chịu rủa sả đời đời—bị cắt bỏ khỏi Chúa Cứu Thế!—nếu điều nầy có thể cứu rỗi được họ. Họ là người Y-sơ-ra-ên, được chọn làm con cái đặc biệt của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự vinh hiển của Ngài cho họ. Ngài đã lập giao ước với họ và ban luật pháp cho họ. Họ có đặc ân thờ phượng Ngài và nhận lãnh những hứa ngôn kỳ diệu của Ngài. Tổ phụ của họ là những vĩ nhân của Đức Chúa Trời, và chính mình Chúa Cứu Thế cũng là người Do Thái theo phần xác. Ngài là Đức Chúa Trời, là Đấng tể trị trên mọi sự và là Đấng xứng đáng ca ngợi đời đời. A-men.” (Rô-ma 9:1-5). (NLT)

Hơn thế nữa, sứ đồ Phao-lô đã làm một điều vô cùng cần thiết, là ông đã cầu nguyện cho dân tộc ông. Ông kêu gọi, “Anh chị em thân yêu, sự mong ước trong lòng tôi và lời cầu nguyện của tôi với Đức Chúa Trời là xin cho dân Do Thái được cứu rỗi” (Rô-ma 10:1).

Sứ đồ Phao-lô đã khẳng định mục đích và đức tin của ông nơi ý định tốt lành của Chúa. Ông tin quyết Chúa muốn mọi người đều được cứu rỗi. Salvation Is for Everyone. Ông viết tiếp câu khẩu hiệu mà tất cả các nhà truyền giáo trên thế giới đều dựa vào đó để tìm thấy động cơ và mệnh lệnh truyền giáo cho bản thân mình.

“Tin cậy Chúa Cứu Thế chúng ta sẽ được cứu rỗi. Đây là điều đang ở trong tầm tay—đó là thông điệp chúng tôi đang rao giảng. Thực ra, Kinh Thánh chép, “Thông điệp nầy rất gần; ở sát ngay nơi miệng và nơi lòng của con.” Vì nếu con mở miệng xưng Giê-su là Chúa và trong lòng con tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, con sẽ được cứu rỗi. Vì bởi đức tin trong lòng mà con được phục hoà với Chúa, và bởi miệng con xưng nhận như vậy thì con được cứu. Như Kinh Thánh dạy ta, “Ai tin Ngài sẽ không thất vọng.” Cả người Do Thái lẫn các dân ngoại đều giống như nhau trong khía cạnh nầy. Họ đều có chung một Chúa, là Đấng rộng lòng ban phát sự giàu có của Ngài cho tất cả những người cầu xin. Vì “Hễ ai kêu cầu danh Chúa thì được cứu rỗi.”

Kết luận, Sứ đồ Phao-lô đã thách thức chúng ta:

“Nhưng làm thể nào để họ kêu cầu Chúa nếu họ chưa tin Ngài? Làm thể nào để họ tin nếu họ chưa hề nghe đến Ngài? Và làm thể nào để họ nghe đến Ngài nếu không có ai nói cho họ nghe? Và làm thể nào để đi và nói nếu không có người được sai đi? Như Kinh Thánh đã nói cách đầy ý nghĩa rằng: “Bàn chân người đem Tin Lành thật đẹp biết bao!” (Rô-ma 10: 8-15). (NLT)

Hội Thánh người Việt chúng ta cần hưởng ứng lời thách thức của nhà truyền giáo Phao-lô để sai phái nhiều người ra đi truyền bá Tin Lành và xây dựng Hội Thánh… từ thủ đô cho đến các tỉnh thành, các quận huyện, các xã phường trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam.

Thách Thức Mới

Lịch sử truyền giáo luôn luôn có những khó khăn. Lịch sử thế giới luôn luôn thay đổi. Đầu thế kỷ 20, Hoa Kỳ và Âu Châu là những nước sai phái giáo sĩ ra khắp thế giới. Ngày nay, tỉ lệ này đã chuyển qua những nước khác thuộc vùng Nam Sa Mạc Sahara Phi Châu, Châu Mỹ La-tinh và vùng Thái Bình Dương.

Có người nhận xét rằng trong thời đại hiện nay, các nhóm dân quân Hồi Giáo, chủ nghĩa hậu hiện đại và chủ nghĩa đại đồng là những thế giới quan chính yếu đang nghịch lại với Tin Lành. Dù chủ nghĩa Cộng Sản không còn đe dọa như trước nhưng triết lý nấp sau chủ thuyết đó vẫn còn sống và đang nổi dậy. Đó là sự thách thức của chủ nghĩa vật chất – một thế giới quan đặt giá trị cao trên những điều thuộc vật chất và đặt giá trị thấp nơi những điều thuộc linh.

Tuy nhiên, ngay giữa những thách thức có thật như thế, một sự kiện đáng lưu ý là những tín hữu mạnh mẽ nhất và sinh động nhất chính là những người đang trải qua trường đau khổ giữa những rối ren về kinh tế, chính trị và xã hội. Một giáo sư Đại Học Truyền Giáo ở Mỹ, ông Howard Foltz, đã có nhận xét thật hay về sự tăng trưởng lạ lùng của Hội Thánh đang diễn ra tại Trung Hoa (nước Cộng Sản lớn nhất thế giới) và tại Indonesia (nước Hồi Giáo lớn nhất thế giới). Ông nói, “Nơi nào có bắt bớ và thù địch với Tin Lành, thì nơi đó Hội Thánh lại phát triển nhanh hơn.”

Một giáo sư Đại Học Truyền Giáo ở Mỹ, ông Howard Foltz, đã có nhận xét thật hay về sự tăng trưởng lạ lùng của Hội Thánh đang diễn ra tại Trung Hoa (nước Cộng Sản lớn nhất thế giới) và tại Indonesia (nước Hồi Giáo lớn nhất thế giới). Ông nói, “Nơi nào có bắt bớ và thù địch với Tin Lành, thì nơi đó Hội Thánh lại phát triển nhanh hơn.”

Đức Chúa Trời có kế hoạch để cứu rỗi người Việt Nam theo cách của Ngài và theo thời điểm của Ngài, phần chúng ta hãy chuẩn bị và sẵn sàng tham gia khi Ngài sai phái. Ngài đã sai phái rồi, nhưng nhiều người được lịnh sai phái, chưa chịu ra đi. Chắc chắn Chúa đang dùng người Việt để cứu người Việt, đúng như dân tộc tính và hoàn cảnh sống của người Việt Nam.

Mô Hình Mới

Truyền giáo thế giới không còn là công việc chính của Hội Thánh Tây Phương mà là đặc ân của Hội Thánh toàn cầu. Mô hình truyền giáo ngày nay của các giáo sĩ là người hiệp tác (partners) hơn là cha mẹ/con cái (parents). Các giáo sĩ nước ngoài không còn là người kiểm soát/ giám đốc nhưng là người đầy tớ/ huấn luyện viên. Ngày nay ai nấy đều chấp nhận rằng những nhà truyền giáo bản xứ thi hành công tác truyền giáo cho người bản xứ có hiệu quả hơn người ngoài rất nhiều. Các Hội Truyền Giáo nước ngoài cần quyết định ngay từ đầu để cho Hội Thánh bản xứ tiến nhanh tới tự túc, tự trị và tự truyền bá. Thực tế là người có tiền thì muốn có quyền, và người nắm quyền không muốn nhường quyền. Hãy để Thánh Linh làm công việc của Ngài.

Quan sát những chiều hướng đang diễn ra, tôi nhận thấy Cơ Quan Truyền Giáo Việt Nam có thể truyền giáo cho người Việt hữu hiệu hơn là Cơ Quan Truyền Giáo Thế Giới của người Mỹ, cũng một thể ấy, những nhà truyền giáo Việt tại Việt Nam, sẽ truyền giáo hiệu quả hơn là các nhà truyền giáo Việt đang sống ở nước ngoài. Và ở Việt Nam, người miền nào truyền giáo cho người miền đó là tốt nhất. Hội Thánh địa phương nào nên tìm người lãnh đạo nơi Hội Thánh ở địa phương đó là tốt nhất. Chúa có người của Ngài ở khắp mọi nơi. Chúa ban đầy đủ mọi ân tứ cần thiết để duy trì và phát triển Hội Thánh của Ngài. Ý thức nầy nên khai triển và áp dụng khắp nơi để tiết kiệm thời gian và các nguồn nhân vật lực.

Theo kinh nghiệm vận động tài chánh của Hội Truyền Giáo Gospel For Asia (GFA), mỗi tín hữu Tin Lành tại Hoa Kỳ hay các nước khác có thể dự phần cho công việc truyền giáo tại Á Châu MỖI NGƯỜI, MỖI NGÀY DÂNG MỘT ĐÔ-LA. Ai cũng có thể làm được, một em bé cũng có thể làm được. Người Mỹ làm được và đã giúp cho GFA sai phái hơn 14,500 giáo sĩ bản xứ đi truyền giáo tại Ấn Độ, Sri Lanka, Nepal, Miến Điện. Người Việt tha hương ở Bắc Mỹ và các nước Âu Châu, Úc Châu cũng có thể dự phần tài chánh như vậy cách dễ dàng cho công cuộc truyền giáo trên quê hương Việt Nam.

Tôi muốn giới thiệu với các bạn đọc, và qua bạn, đến với các anh chị em khác trong Chúa khắp nơi trên thế giới, chương trình truyền giáo cho người Việt Nam với tên gọi: GOSPEL FOR VIETNAM. Khẩu hiệu của GFV là chuyên tâm “truyền bá Tin Lành bởi người Việt, với người Việt và cho người Việt.”Khải tượng của GFV là tìm kiếm, đào tạo và sai phái các giáo sĩ người Việt ra đi truyền bá Tin Lành trên khắp nẻo đường đất nước Việt Nam. GFV có thể hiệp tác và sử dụng nguồn năng lượng của tất cả các tín hữu không phân biệt hệ phái nhằm một mục đích duy nhất “tất cả cho người Việt Nam được cứu rỗi”.

GFV có thể hiệp tác và sử dụng nguồn năng lượng của tất cả các tín hữu không phân biệt hệ phái nhằm một mục đích duy nhất “tất cả cho người Việt Nam được cứu rỗi”.

 

Tôi rút tỉa kinh nghiệm từ Hội Truyền Giáo Gospel For Asia và kinh nghiệm nầy làm tôi thích thú, tin tưởng. Dù bạn là ai, thuộc dân tộc nào, bạn vẫn có thể là người đồng công (partners) danh dự và đáng kính của chúng tôi. Hãy nhớ để dành mỗi ngày một đô-la để dự phần giúp truyền giáo cho dân tộc Việt Nam.

Nhiệm Vụ Chưa Hoàn Thành

Năm 2002, một Trung Tâm nghiên cứu về truyền giáo thế giới, đã nhìn nhận có sự tăng trưởng của đạo Chúa trên thế giới, nhưng cũng đã lưu ý đến hai điều quan trọng. Thứ nhất, là sự gia tăng dân số của Hồi Giáo nhiều hơn so với Cơ-đốc Giáo. Thứ hai, là các nguồn tài chánh đang dành cho các tín đồ ở các nước có người tin Chúa cao, chiếm tỉ lệ quá nhiều, hơn là tỉ lệ dành cho những nhóm ngữ tộc chưa nghe đến Tin Lành. Một nhà nghiên cứu cũng ghi nhận rằng, tín hữu của Chúa có đủ tài chánh để hổ trợ Hội Thánh, nuôi dưỡng người đói, và phát triển vương quốc Chúa… nếu đa số các tín hữu biết trung tín dâng phần mười cho Chúa. Con số đáng lo, là hiện nay chỉ có 9 phần trăm những tín hữu Tin Lành biết dâng phần mười.

Tuy nhiên, đồng tiền không phải là nguồn sức mạnh duy nhất của công cuộc truyền giáo. Lòng quyết tâm gieo rắc Tin Lành có thể vượt qua sự thiếu thốn về tài chánh. Chẳng hạn, hiện nay trên thế giới, có hai nước đang đứng đầu trong việc sai phái giáo sĩ ra đi truyền giáo là Nigeria và Đại Hàn. Với thu nhập hằng năm bình quân là $280/người, hầu hết những tín hữu Nigeria dầu không dư ăn dư để, cũng đã sai phái đến 3,700 giáo sĩ Nigeria ra đi truyền giáo trên hơn 50 quốc gia. Còn người Nam Hàn, với thu nhập hằng năm bình quân $10,550/người, nghĩa là khoảng 1/3 thu nhập của người dân Mỹ, đang hổ trợ cho hơn 12,000 giáo sĩ ra đi đến 156 quốc gia (theo Operation World của Patrick Johnstone). Tiền bạc không phải là tất cả. Chính tình yêu và lòng thương xót người hư mất mới là động lực mạnh mẽ nhất để truyền giáo thành công.

Với thu nhập hằng năm bình quân là $280/người, hầu hết những tín hữu Nigeria dầu không dư ăn dư để, cũng đã sai phái đến 3,700 giáo sĩ Nigeria ra đi truyền giáo trên hơn 50 quốc gia.

Chỉ 100 năm trước đây, Hàn Quốc còn là quốc gia phần lớn do Phật Giáo ngự trị. Hiện nay khoảng 30% dân số Hàn Quốc xưng nhận họ là Cơ Đốc Nhân. Tiến sĩ Bong Ro, một giáo sĩ của OMF quốc tế: “Trước kia, dân tộc Hàn chúng tôi tiếp nhận các giáo sĩ đến từ phương Tây, nhưng bây giờ chúng tôi đã có thể gởi các giáo sĩ của mình đến những quốc gia khác, chiến dịch truyền giáo vẫn đang phát triển và chúng tôi cầu nguyện đến năm 2000, các Hội Thánh tại Hàn Quốc sẽ gởi đi ít nhất là 10,000 giáo sĩ. Lời cam kết này đã được minh chứng một cách bất ngờ, khi xấp xỉ khoảng 70.000 sinh viên đã tập trung tại sân vận động Olympic ở thủ đô Seoul, để quyết định dấn thân vào công cuộc truyền giáo thế giới. Các Hội Thánh Hàn Quốc đã cam kết sẽ tập trung mọi nổ lực vào hơn 1.000 dân tộc, trong số những dân tộc còn lại chưa biết Chúa.”

Chiến Lược Phát Triển Hội Thánh Tại Trung Quốc

Tôi rất chú ý đến sự phát triển của đạo Chúa tại Đại Hàn trước đây và ngày nay tại Trung Quốc. Trung Quốc là nước láng giềng sát ngay biên giới phiá Bắc đang có ảnh hưởng lớn trên đất nước và con người Việt Nam. Từ trước tới nay, Việt Nam chưa bao giờ thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc. Tại Trung Quốc hiện nay, công cuộc truyền giáo đang phát triển mạnh, con số tín hữu đang gia tăng vượt bực, với khoảng 100 triệu tín hữu Tin Lành và phong trào dân chúng trở lại tin thờ Chúa đang diễn ra rộng khắp mỗi ngày. Việc Chúa đang làm tại Trung Quốc, Ngài có thể làm tại Việt Nam.

Sau đây là vài thông tin mà tôi nhận được trong chuyến đi truyền giáo ngắn hạn tại Mã Lai, vào tháng 5 năm 2005.

Đảo Hải Nam của Trung Quốc:

Năm 1993 có 3 Hội Thánh (100 tín hữu).

Năm 2001 có 3.400 Hội Thánh (300,000 tín hữu).

Do địa hình và văn hoá (một phần nào đó) đảo Hải Nam gần giống với phía bắc Việt Nam, chúng ta sẽ cùng xem kỹ hơn thí dụ này:

1. Nhà truyền giáo đến đảo Hải Nam vào năm 1993 đã ước tính phải có 5,000 HỘI THÁNH trên hòn đảo với số dân trên 5 triệu người đó, để mỗi người đều có thể đi bộ đến nhà thờ.

2. Ông đối chiếu hai kế hoạch khả thi:

a) Có 20 đội mở mang Hội Thánh và mỗi đội mở một Hội Thánh hàng năm. Với tỉ lệ này thì sẽ mất thời gian là 250 NĂM để mở 5,000 hội thánh cần thiết.

b) Một Hội Thánh mở ra một Hội Thánh, mà Hội Thánh đó mỗi năm lại sản sinh ra một Hội Thánh khác. Với tỷ lệ này thì sẽ mất 15 NĂM để mở mang 5,000 Hội Thánh cần thiết!

3. Khi chọn kế hoạch b, ông khích lệ mỗi Hội Thánh mới mở ra một Hội Thánh con, trong vòng MỘT NĂM HAY DƯỚI MỘT NĂM.

4. Mọi người quá vui mừng đến nỗi tính trung bình cứ MỖI MỘT CHU KỲ 6 THÁNG, mỗi Hội Thánh đã mở được một Hội Thánh con!

Yếu tố nào đã khiến cho các Hội Thánh tăng trưởng, và nhân rộng một cách thật nhanh chóng đến thế? Những lãnh đạo Hội Thánh đã khám phá rằng, Đức Thánh Linh đã dẫn dắt các nhà lãnh đạo khác nhau trong những cách hết sức tương đồng, tại những địa điểm đó. Có rất nhiều điểm chung. Điều trước tiên và quan trọng nhất, là tại tất cả những nơi có phát triển, người ta CẦU NGUYỆN NHIỀU, họ có ĐỨC TIN và KHẢI TƯỢNG, tin quyết Đức Chúa Trời sẽ làm những công việc lớn lao.

Tiếng gọi của Chúa cho công tác truyền giáo cho quê hương Việt Nam vẫn còn đó, “Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho chúng ta?”

Trong Thư Chủ Nhiệm, Đặc San Hướng Đi số 16, mùa Đông 2005, tôi đã viết lời kêu gọi sau đây:

“Trong đêm Giáng sinh đầu tiên, từ trời cao, các thiên thần đến báo Tin Lành cho nhân loại. Tin Lành đó là Chúa đã thành người, sống giữa loài người để giải quyết nan đề của loài người. Trời người xa cách giờ đã gần gũi lại. Giải pháp đã mở ra. Kinh Thánh chép: “Thiên sứ bèn phán rằng: Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân; ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Christ, là Chúa…” (Lu-ca 2:10-11).

Đây là một Tin Lành lớn nhất cho nhân loại. Những người chăn chiên sau khi nghe Tin Lành, đã tìm hiểu, đã kinh nghiệm và đã ra đi để loan báo Tin Lành cho mọi người. Họ là những nhân chứng của Tin Lành. Chứng nhân là những người có kinh nghiệm sống nói lại cho người khác những điều tai nghe mắt thấy.

Trong lịch sử dân Israel vào thời tiên tri Ê-li-sê đã xảy ra trận đói khủng khiếp đến nỗi người ta phải xẻ thịt con để ăn cho đỡ đói. Thành phố bị quân Sy-ri bao vây. Nguy cơ bị tiêu diệt gần kề. Ở bên ngoài thành có 4 người phung đang ẩn náu. Họ cũng đói gần chết. Họ đã khôn ngoan bàn với nhau rằng đi vào thành cũng chết, ở đây cũng chết, chi bằng đến trại quân kẻ thù để xin ăn, may ra còn sống. Họ đã tìm đến trại quân của kẻ thù và ngạc nhiên thấy bọn chúng đã bỏ chạy đâu hết, trại và thức ăn, quân trang quân dụng đầy dẫy khắp nơi. Đức Chúa Trời đã làm phép lạ gây tiếng vang làm quân thù hoảng sợ tưởng quân Israel có viện binh lớn nên bỏ của chạy thoát thân. Những người phung ăn uống no say, thu lượm thật nhiều vật dụng, nhưng rồi họ cũng đã khôn ngoan bàn nói với nhau: “Chúng ta làm chẳng phải; ngày nay là ngày có Tin Lành, và chúng ta nín lặng sao! Nếu chúng ta đợi đến rạng đông, thì sự hình phạt chắc sẽ lâm vào chúng ta. Vậy, ta hãy đi báo tin này cho nhà vua” (2 Vua 7:9). Lập tức họ đi báo Tin Lành. Sau đó quân dân trong thành chạy ra cướp lấy lương thực và vật dụng do quân thù để lại. Thức ăn thật nhiều. Tin Lành đã loan ra và nạn đói cùng sự chết chóc đã được giải quyết.

Kinh Thánh chép, “Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu. Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào? như có chép rằng: Những bàn chân kẻ rao truyền Tin Lành là tốt đẹp biết bao! (Rô-ma 10:13-15).

Tin Lành về giải pháp cho nạn đói thể xác dù là tin tốt nhưng không quan trọng và cấp bách cho bằng Tin Lành giải quyết nạn đói và sự chết mất tâm linh. Ngày nay chúng ta có Tin Lành cứu rỗi chắc chắn và bảo đảm từ Chúa Cứu Thế Giê-su, chúng ta há nín lặng sao? Đó là câu hỏi mà mỗi chúng ta cần tự trả lời. Hãy cùng tôi bắt đầu từ chỗ nhìn nhận, “Chúng ta làm chẳng phải” và mau mau điều chỉnh đời sống tâm linh. Chúng ta hãy cùng nhau loan báo Tin Lành bằng đời sống, bằng lời nói và bằng ngòi bút của chúng ta.”

Martin Luther, nhà cải chánh Giáo Hội nổi tiếng đã chia sẻ kinh nghiệm quý báu, “Tôi đã cố giữ nhiều thứ trong tay tôi và tôi đã mất tất cả; nhưng điều gì tôi đã đặt vào tay Chúa, tôi vẫn còn tất cả.” “I have held many things in my hands, and I have lost them all; but whatever I have placed in God’s hands, that I still possess.” (Martin Luther)

Tận hiến cho công tác truyền giáo là bí quyết hầu việc Chúa của đời tôi.

 

photo (8)

Trích từ Hồi Ký của Mục sư Nguyễn Văn Huệ.    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn