Thứ Tư , 18 Tháng Chín 2024
Home / Bài giảng / Các Tính Cách Của Đa-vít

Các Tính Cách Của Đa-vít

THE LORD IS WITH YOU

One of the servants answered, “I have seen a son of Jesse of Bethlehem who knows how to play the lyre. He is a brave man and a warrior. He speaks well and is a fine-looking man. And the Lord is with him.”
“Một người trong vòng tôi tớ cất tiếng nói rằng: Nầy tôi đã thấy một con trai của Y-sai, người Bết-lê-hem; nó gảy đàn hay, một người chiến sĩ mạnh bạo, ăn nói khôn ngoan, và mặt mày tốt đẹp; Đức Giê-hô-va ở cùng người.”
1 Sa-mu-ên 16:18

 

Khi Đa-vít chưa giết Gô-li-át, ông không phải là một người hùng trong mắt của dân chúng như sau này. Nhưng một tôi tớ vô danh của Sau-lơ đã quan sát Đa-vít và cảm phục chàng thiếu niên này. Ông ta đã tiến dẫn Đa-vít để giúp đỡ Sau-lơ trong suốt thời gian nhà vua bị tà linh khống chế. Có nhiều người trẻ khác giữa vòng dân Israel là chiến binh, biết âm nhạc, có tài ăn nói và đẹp trai, nhưng điều đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho người tôi tớ của Sau-lơ đó chính là Đức Giê-hô-va ở cùng Đa-vít. Trước đó Chúa ở cùng Sau-lơ, nhưng Ngài đã rời bỏ nhà vua (1 Sam 10:7; 16:14). Chúa đã ở cùng Áp-ra-ham (Sáng 21:22), Y-sác (Sáng 6:28), Gia-cốp (Sáng 28:15), Giô-sép (Sáng 39:2-3, 21, 23), Giô-suê (Giô 1:5), và nhiều người khác. Nhưng Đa-vít khác biệt với tất cả. Không có lời khen nào tốt hơn là “Chúa ở cùng bạn”, điều này có nghĩa gì?
1. Có nghĩa là bạn có một nhân cách thuộc linh. Khi Sa-mu-ên đi đến nhà của Y-sai để xức dầu cho Đa-vít làm vua, ông bị thu hút với mỗi đứa con của Y-sai. Nhưng Chúa cảnh báo ông đừng chỉ nhìn bề ngoài, vì “Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (1 Sam 16:7). Nhiều năm sau, A-sáp viết về Đa-vít, “Như vậy, người chăn giữ họ theo sự thanh liêm lòng người” (Thi 78:72). Sau-lơ là một người kiêu ngạo muốn được người khác tôn kính (1 Sam 15:30), nhưng Đa-vít khiêm nhường và muốn tìm kiếm vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đa-vít là người đi theo lòng của Đức Chúa Trời (13:14). Robert Murray M’Cheyne đã viết, “Đức Chúa Trời tìm kiếm và ban phước cho người có tấm lòng giống Chúa Jesus.”
2. Có nghĩa là bạn có quyền năng thần thượng. Đa-vít giết tên khổng lồ Gô-li-át bằng cái trành ném đá khi ông còn ở tuổi thiếu niên. Rồi sau đó Đa-vít đã chỉ huy quân lính của mình đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác nên các người nữ Israel hát khen ngợi: “Sau-lơ giết hàng ngàn, còn Đa-vít giết hàng vạn” (18:7). Điều này làm cho lòng ganh ghét của Sau-lơ nổi lên và nhà vua tìm cách giết Đa-vít, nhưng Chúa đã bảo vệ người của Ngài. Người mà Chúa đã gọi, thì Ngài làm cho mạnh mẽ, và Đa-vít lệ thuộc vào quyền năng của Đức Chúa Trời trên mỗi bước đi. Đa-vít biết cách làm thế nào để xây dựng những người lãnh đạo khác (chương 23). Chúa ở cùng và ông sẽ không thất bại. Đa-vít viết, “Vì Chúa đã thắt lưng tôi bằng sức lực để chiến đấu” (Thi 18:39).
3. Có nghĩa là bạn chấp nhận sự đối nghịch. Dân Israel yêu mến và tôn trọng Đa-vít, nhưng Sau-lơ và binh lính của ông tìm cách giết Đa-vít. Bất cứ tín đồ chân thật nào tôn cao Chúa và đi theo sự sáng sẽ bị tấn công từ những người ham thích sự tối tăm (Giăng 3:19-21). Có lẽ trong khoảng bảy năm, Sau-lơ truy nã Đa-vít và đám tùy tùng. Họ phải trốn tránh từ nơi này đến nơi khác, và đôi khi ở trong hang động. Ngày hôm nay bạn và tôi có thể không bị đạo quân nào đuổi theo, nhưng đều phải trải qua bài học này: “Vả lại, hết thảy mọi người muốn sống cách nhân đức trong Đức Chúa Jêsus Christ thì sẽ bị bắt bớ” (2 Tim 3:12).
4. Có nghĩa là bạn nhận được những phước hạnh bền vững. Sách Các Vua thứ nhất chương hai nói về sự chết của Đa-vít, nhưng sau khi qua đời tên của ông được tìm thấy nhiều lần trong Kinh Thánh. Trong một phương diện, Đa-vít vẫn còn chuyển tải phước hạnh đến cho tuyển dân Israel và vẫn đang chúc phước cho dân sự Đức Chúa Trời ngày nay. Ông để lại bản thiết kế đền thờ và các vật liệu để xây dựng đền thờ (1 Sử 28:11-20). Ông cũng để lại vũ khí cho quân đội (2 Các vua 11:10; 2 Sử. 29:26-27; Nê-hê-mi 12:36), và các bài Thi Thiên. Nhiều bài hát chúng ta sử dụng ngày nay xuất phát từ trong các Thi Thiên của Đa-vít. Và Chúa Cứu Thế Jesus sinh ra từ dòng dõi của vua Đa-vít.
Những ân tứ mà Đa-vít có được từ Chúa vẫn là bài học lớn cho chúng ta hôm nay. 1 Giăng 2:17 bảo đảm rằng “song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.” Nguyện Chúa ở cùng chúng ta!
“Đa-vít lại nói với Sa-lô-môn, con trai mình rằng: Hãy vững lòng bền chí mà làm; chớ sợ sệt, chớ kinh hãi chi, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời, tức là Đức Chúa Trời của cha, vẫn ở cùng con; Ngài chẳng hề từ bỏ con, cũng chẳng hề lìa khỏi con.”
1 Sử ký 28:20

Warren W. Wiersbe
Translated by Hon Pham

Người chăn giữ họ theo sự thanh liêm lòng người,

Và lấy sự khôn khéo tay mình mà dẫn dắt họ.

Thi thiên 78:72

Quả là một điều đáng tiếc khi tác giả thư tín Hê-bơ-rơ đã không có đủ thời gian để tả về đời sống đức tin của Đa-vít. Tác giả viết rằng: “Vì nếu ta muốn nói về Ghê-đê-ôn, Ba-rác, Sam-sôn, Giép-thê, Đa-vít, Sa-mu-ên và các đấng tiên tri, thì không đủ thì giờ” (Hê. 11:32), mặc dù có những thắng lợi được kể đến trong câu 33 và 34 là của Đa-vít.

Và cũng thật là một điều đáng tiếc khi có quá ít người nhận ra sự đóng góp thuộc linh mà Đa-vít đã đem lại cho Hội Thánh ngày nay. Khi nhắc đến tên “Đa-vít,” một người đọc Kinh Thánh bình thường sẽ nghĩ ngay đến “Gô-li-át” hoặc “Bát-sê-ba.” Song ở nơi vị vua vĩ đại nhất của Y-sơ-ra-ên này còn có rất nhiều điều đáng kể trong nhân cách và mục vụ hơn chỉ là một chiến thắng vang dội thời niên thiếu và một thất bại phải trả giá đắt vào tuổi trung niên. Khi xem xét kỹ lưỡng những trải nghiệm phong phú của Đa-vít với Đức Chúa Trời, bạn sẽ sớm nhận thấy Đa-vít là một trong những vị anh hùng đức tin đích thực vĩ đại trong Kinh Thánh, một người mà chúng ta sẽ muốn dành thời gian để học hỏi.

Phao-lô đã từng nhắc nhở những người Giu-đa nhóm lại tại nhà hội rằng Đa-vít “lúc còn sống, làm theo ý chỉ Đức Chúa Trời” (Công vụ 13:36). Phao-lô đã không có đủ thời gian (hoặc không dành thời gian) để giải thích rằng Đa-vít không chỉ phục vụ cho thế hệ của ông, nhưng cũng phục vụ mọi thế hệ đến sau ông! Đa-vít đã để lại cho Sa-lô-môn kế hoạch xây dựng đền thờ cũng như mọi vật liệu xây dựng cần thiết. Ông đã tổ chức nhân sự đền thờ, sắp đặt nghi thức tế lễ, sáng chế nhạc cụ cho các nhạc công và viết các Thi thiên cho ban hát. Ngày nay, chúng ta vẫn còn đọc và hát các bài Thi thiên ấy, hơn thế nữa, Kinh Thánh Tân Ước chứa đựng hơn bốn trăm trích dẫn từ Thi Thiên.

Cuộc đời của Đa-vít được ghi lại trong Kinh Thánh đã đem lại sự hướng dẫn và truyền cảm hứng cho dân sự của Đức Chúa Trời qua nhiều thế kỷ. Điều quan trọng nhất, Đa-vít đã thiết lập một vương triều mà qua đó Đức Chúa Giê-su Christ đã giáng sinh vào thế giới này để trở nên Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Đức Chúa Trời đã thiết lập một giao ước không bao giờ thay đổi với Đa-vít, Ngài hứa với ông về một vương quốc đời đời (2 Sa-mu-ên 7), và giao ước ấy được làm trọn qua Đức Chúa Giê-su Christ, Con vua Đa-vít. “Chúa, là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài. Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia-cốp, nước Ngài vô cùng” (Lu-ca 1:32-33).

HÃY CÙNG TÌM HIỂU VỀ ĐA-VÍT!

Cũng như tác giả sách Hê-bơ-rơ, tôi không có đủ thời gian để kể đến mọi tình tiết trong hành trình đức tin của Đa-vít, và điều đó cũng không cần thiết. Đối với tội lỗi của ông, Đức Chúa Trời đã xóa bỏ mọi điều ấy và chúng ta sẽ không bàn đến vấn đề này. Nếu bạn cảm thấy mình xứng đáng, hãy là người đầu tiên ném đá ông. Ngược lại, tôi muốn khám phá bốn hình ảnh qua tuyên ngôn đời sống của Đa-vít. Những hình ảnh này giống như bốn khung cửa sổ mà từ đó chúng ta có thể nhìn thấy con người vĩ đại này và học được từ ông làm thế nào để có một tấm lòng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.

CON CHIÊN

Các tác giả Cựu Ước xem dân Y-sơ-ra-ên như một đàn chiên, và Đức Chúa Trời là người chăn. Đức Giê-hô-va chính là “Đấng chăn giữ Y-sơ-ra-ên” (Thi thiên 80:1). Đây chính là lý do vì sao thầy soạn nhạc trong đền thờ A-sáp đã diễn tả hành trình xuất Ai Cập như sau: “Đoạn Ngài đem dân sự Ngài ra như con chiên, dẫn dắt họ trong đồng vắng như một bầy chiên” (Thi thiên 78:52). Chính Đa-vít đã cầu nguyện rằng: “Xin hãy cứu dân Chúa, và ban phước cho cơ nghiệp Ngài; cũng hãy chăn nuôi và nâng đỡ họ đời đời” (Thi thiên 28:9). Trong những lúc nguy khó, A-sáp đã hỏi Đức Chúa Trời rằng: “Nhân sao cơn giận Chúa nổi phừng cùng bầy chiên của đồng cỏ Chúa? (Thi thiên 74:1); và khi đất nước gánh chịu sự đoán phạt của Đức Chúa Trời, Đa-vít đã thưa với Chúa rằng: “Ấy chính tôi đã phạm tội, tôi là kẻ có tội; còn các con chiên kia có làm chi?” (2 Sa-mu-ên 24:17). Ngày nay, cả Cơ Đốc Nhân lẫn người Do Thái đều hát thờ phượng Đức Chúa Trời rằng: “Chúng tôi là dân sự Ngài, là bầy chiên của đồng cỏ Ngài. (Thi thiên 100:3).

Đức Chúa Giê-su nhìn thấy dân sự trong thời của Ngài giống như một bầy chiên tan lạc, như chiên không có người chăn (Ma-thi-ơ 9:36), một hình ảnh gợi nhớ đến thời Môi-se, chính Môi-se đã từng là một người chăn (Dân 27:17). Hội Thánh đã tiếp thu hình ảnh này và gọi lãnh đạo thuộc linh của họ là “mục sư,” nghĩa là “người chăn” (Ê-phê-sô 4:11), và hội chúng được hiểu là bầy chiên của Đức Chúa Trời (1 Phi-e-rơ 5:1-4). Phao-lô khuyên dạy các trưởng lão Ê-phê-sô rằng: “Anh em hãy giữ lấy mình, và luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn Hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình” và ông cảnh báo họ rằng “muông sói” sẽ xen vào trong vòng Hội Thánh và “chẳng tiếc bầy đâu” (Công vụ 20:28-29).

Việc dân sự của Đức Chúa Trời được ví sánh như bầy chiên không khiến chúng ta bất ngờ nếu chúng ta thành thật với chính mình. Con chiên là một con vật không có khả năng tự vệ, một con vật không có thị lực tinh nhạy như các con vật khác. Chúng phải được người khác dẫn dắt, bảo vệ, nếu không chúng sẽ bị thương, đi lạc đàn hoặc bị thú săn mồi giết. Chiên là động vật khá hữu dụng, chúng cung cấp sữa, len, sanh con, và có thể được làm thịt. Của lễ dâng lên cho Đức Chúa Trời chính là chiên con và chiên trưởng thành, chính vì thế Cơ Đốc Nhân ngày nay được khuyên dạy phải trở nên “của lễ sống” (Rô-ma 12:1), hoàn toàn phó thác cho Chúa.

Đức Chúa Giê-su phán cùng các môn đồ rằng: “Kìa, ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói” (Ma-thi-ơ 10:16), và kể từ đó, vị thế của chúng ta trong xã hội vẫn không thay đổi. Con cháu Cô-rê đã viết rằng: “Thật vì Chúa mà hằng ngày chúng tôi bị giết, chúng tôi bị kể như con chiên dành cho lò cạo” (Thi thiên 44:22). Phao-lô đã trích dẫn câu Thi Thiên trên trong Rô-ma 8:36 và nhắc nhở chúng ta rằng “trái lại, trong mọi sự đó, chúng ta nhờ Đấng yêu thương mình mà thắng hơn bội phần.” Những con chiên đắc thắng! Chiên con đã trở thành sư tử!

Mặc dù là một vị vua – một người chăn được Đức Chúa Trời lựa chọn, nhưng Đa-vít không bao giờ quên rằng ông vẫn là một con chiên trong bầy của Chúa, chính vì thế ông đã viết rằng: “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi” (Thi thiên 23:1). Khi Đa-vít quên lẽ thật quan trọng này, Đức Chúa Trời sẽ đem đến những thử thách hoặc khó khăn xảy đến trong đời sống ông và nhắc cho ông nhớ đến sự yếu đuối của mình. Giê-rê-mi đã nói rằng: “tôi biết đường của loài người chẳng do nơi họ, người ta đi, chẳng có quyền dẫn đưa bước của mình” (Giê-rê-mi 10:23), và lẽ thật này được áp dụng cho cả vua chúa lẫn thường dân. Chúng ta đều cần có Đức Chúa Giê-su là Người Chăn, song nhiều người vẫn đang theo sai người chăn.

NGƯỜI CHĂN

Một số nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Kinh Thánh đã từng là người chăn, trong đó có A-bên là người tử đạo đầu tiên, ngoài ra cũng có Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, Môi-se và trên hết là Đa-vít. Trong thế giới cổ đại, những người cai trị được gọi là người chăn bởi vì người ta mong muốn người cai trị đó sẽ yêu thương, chăm sóc và lãnh đạo dân chúng một cách khôn ngoan. Tiếc thay, nhiều người chăn đã lạm dụng chức quyền và sát hại bầy chiên. Ê-xê-chi-ên đã kêu lên rằng: “Khốn nạn cho kẻ chăn của Y-sơ-ra-ên, là kẻ chỉ nuôi mình! Há chẳng phải những kẻ chăn nên cho bầy chiên ăn sao?” (Ê-xê-chi-ên 34:2). Toàn bộ chương Kinh Thánh này là một bản cáo trạng của Đức Chúa Trời lên án những người lãnh đạo ích kỷ đã ngược đãi bầy chiên của Chúa mặc dù đó là bầy chiên của chính họ.

Trong thời Tân Ước, hình ảnh người chăn không phải là một hình ảnh đẹp đẽ; trong thực tế, người chăn thuộc tầng lớp thấp trong xã hội, cùng với họ là quả phụ, kỵ nữ và những người mắc bệnh phong. Vì đêm ngày ở ngoài đồng mà không thể về nhà, nên những người chăn không thể tham gia vào các hoạt động tôn giáo của đền thờ và nhà hội, và bởi vì họ phải làm việc với thú vật cho nên họ thường không thanh sạch theo luật pháp. Mặc dù vậy, chính những người chăn ngoài đồng là những người đầu tiên được lắng nghe tin tức Đức Chúa Giê-su giáng sinh (Lu-ca 2), và Đức Chúa Giê-su gọi chính Ngài là “người chăn hiền lành” (Giăng 10:11).

Trong chương Kinh Thánh trên, Đức Chúa Giê-su nêu ra ba loại người và xác định mối liên hệ giữa họ với bầy chiên. Người chăn biết tên chiên mình và con chiên thì biết tiếng người chăn, chính vì thế chiên đi theo người chăn, còn người chăn thì chăm sóc cho bầy chiên. Vì lòng yêu thương, người chăn sẵn sàng phó mạng sống mình vì đàn chiên. Những người chăn thuê thì ngược lại: họ làm việc chỉ vì đồng lương. Khi nguy hiểm ập đến, họ bỏ chạy mà không màng đến bầy chiên sẽ ra sao. Trộm cướp muốn làm cho bầy chiên tan lạc, giết chóc và cướp đi từ bầy chiên những gì chúng muốn. Quốc gia Y-sơ-ra-ên đã có rất nhiều lãnh đạo tôn giáo và lãnh đạo đất nước là những người thuộc hạng người chăn thuê và trộm cướp, và hỗ trợ cho họ đó là các tiên tri giả. Hoàn cảnh ngày nay có khác xưa không?

Chiên cần người chăn, và Hội Thánh – bầy chiên của Đức Chúa Trời cũng vậy. Mỗi một mục sư, mỗi một lãnh đạo Hội Thánh cần phải thường xuyên đọc và lưu tâm bài diễn văn của Phao-lô trong Công vụ 20:18-35, đặc biệt là lời của Đức Chúa Giê-su mà Phao-lô đã trích dẫn trong câu 35: “Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh.” Đây chính là tuyên ngôn đời sống của mỗi một người chăn chân thật.

Người chăn làm gì cho bầy chiên? Họ đi trước và dẫn dắt bầy chiên; họ không đi sau để lèo lái. Họ dẫn bầy chiên tránh xa nguy hiểm để đến những đồng cỏ xanh tươi, mé nước bình tịnh (những con chiên không thích dòng nước chảy.) Họ xem trong đồng cỏ có những tảng đá hay hầm hố nào mà chiên có thể bị thương không, và họ phải trông chừng các con thú săn mồi. Họ phải quan sát và đi tìm những con chiên nào lơ đễnh đi lạc đàn. Người chăn rửa sạch và lấy dầu xoa dịu vết thương của chiên. Họ đặc biệt chú ý đến những con chiên non là những con cần phải học hỏi nhiều điều. Chăn chiên không phải là công việc theo giờ hành chánh cho những kẻ biếng nhác; nhưng đó là công việc toàn thời gian cho những ai biết làm việc và hy sinh.

Đa-vít chính là người chăn như thế. Để bảo vệ đàn chiên của cha, Đa-vít đã giết một con sư tử và một con gấu; và để đem vinh quang cho Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, ông đã giết kẻ khổng lồ to mồm và cắt đầu của hắn. Đã bao lần Đa-vít liều mạng sống mình trên chiến trường, những khi kêu cầu Chúa để chiến thắng kẻ địch và đem lại vinh quang cho danh Ngài? Mỗi ngày, Đa-vít phải đưa ra những quyết định khó khăn, những quyết định không thể đi theo tấm lòng mọi người, nhưng ông vẫn đi theo Chúa, Đấng chăn dắt ông. Nơi duy nhất mà Đa-vít không trung tín chăn dắt đó chính là gia đình của ông, và hậu quả là Ta-ma, con gái, bị cưỡng bức, và các con trai là Am-nôn, Áp-sa-lôn và A-đô-ni-gia đều bị giết. Khi người chăn đi trên con đường sai, ông cũng kéo theo những người khác đi lạc đường.

Chăn dắt dân sự của Đức Chúa Trời là một sự kêu gọi cao cả, thánh khiết xứng đáng để chúng ta dâng lên Chúa những điều tốt nhất, và Đấng Chăn Nhân Lành sẽ theo đó mà ban thường cho chúng ta (1 Phi-e-rơ 5:1-4).

TẤM LÒNG

Những người tin kính như Sa-mu-ên thậm chí phải được Đức Chúa Trời chỉnh sửa khi ông đến thành Bết-lê-hem để xức dầu cho vị vua tiếp theo. Khi bảy người con của Y-sai đi qua trước Sa-mu-ên, Đức Chúa Trời đã nhắc nhở ông rằng: “Chớ xem về bộ dạng và hình vóc cao lớn của nó… Đức Giê-hô-va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn thấy trong lòng” (1 Sa-mu-ên 16:7). Chúa đã xem xét tấm lòng của Đa-vít và đúc kết rằng: “Ta đã tìm thấy Đa-vít con của Gie-sê, là người vừa lòng ta” (Công 13:22; xem 1 Sa-mu-ên 13:13-14).

A-sáp dùng từ liêm chính để tả về tấm lòng của Đa-vít. Có một lần Đa-vít đã cầu nguyện với Chúa rằng: “Hỡi Đức Giê-hô-va, xin hãy chỉ dạy cho tôi biết đường lối Ngài, thì tôi sẽ đi theo sự chân thật của Ngài; Xin khiến tôi một lòng kính sợ danh Ngài” (Thi thiên 86:11). Tấm lòng của Sau-lơ không trọn vẹn, và đó là người “phân tâm, phàm làm việc gì đều không định” (Gia-cơ 1:8). Đây là lý do vì sao Sau-lơ đã phá hỏng nhiều cơ hội dưới cương vị là vua của Y-sơ-ra-ên, tại sao ông phát biểu một điều nhưng lại làm một điều khác và nói dối về việc làm của mình. Một mặt, ông muốn vâng theo Chúa, nhưng đồng thời, ông cũng muốn đi theo lòng dân chúng và chính mình. Đó không phải là sự liêm chính; đó là tính hai lòng. Sa-lô-môn, con Đa-vít đã viết rằng: “Sự thanh liêm của người ngay thẳng dẫn dắt họ; Còn sự gian tà của kẻ bất trung sẽ hủy diệt chúng nó. (Châm ngôn 11:3). Đa-vít không phải là một người chưa từng phạm lầm lỗi nào – và không ai trên đời nầy không hề mắc sai phạm – nhưng trong tấm lòng, ông được kể là không chỗ trách được trước Chúa và trước người dân (Thi thiên 18:20-24).

Chúng ta gọi một số trọn vẹn là “số nguyên” và những con số bị chia lẻ là “phân số.” Tấm lòng của Đa-vít giống như số nguyên, còn tấm lòng của Sau-lơ giống như phân số. Tấm lòng của Đa-vít dành trọn cho Đức Chúa Trời, chính vì thế ông có sức mạnh và sự bền bỉ và Đức Chúa Trời trọng dụng ông. Đa-vít biết rằng Chúa không giúp đỡ những người không vâng lời nhưng giúp đỡ những ai “có tay trong sạch và lòng thanh khiết” (Thi thiên 24:4).

Đức Chúa Giê-su phán rằng chúng ta không thể phục vụ hai chủ (Ma-thi-ơ 6:24), Đức Chúa Trời và tiền tài, Đức Chúa Trời và sự theo đuổi danh vọng, Đức Chúa Trời và địa vị, Đức Chúa Trời và sự tận hưởng “hạnh phúc.” Tiền tài, danh phọng, địa vị và hạnh phúc là những hình tượng chiếm lấy vị trí của Đức Chúa Trời và những phước hạnh Chúa ban cho chúng ta bởi vì chúng ta xưng Đức Chúa Giê-su là Chúa nhưng những hình tượng trên vẫn chiếm một vị trí hợp pháp trong tấm lòng mình. “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:33).

Hai lòng – một tấm lòng không trọn vẹn – bắt đầu bằng sự giả hình. Giả hình có nghĩa là “diễn kịch,” lừa dối người khác, nhưng hai lòng nghĩa là lừa dối chính mình. “Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta” (1 Giăng 1:8). Một người có tấm lòng không trọn vẹn rất giỏi lừa dối đến nỗi họ không nhận ra tình trạng của mình trầm trọng như thế nào. Bước tiếp theo là lừa dối Đức Chúa Trời. “Nhược bằng chúng ta nói mình chẳng từng phạm tội, ấy là chúng ta cho Ngài là kẻ nói dối, lời Ngài không ở trong chúng ta” (1 Giăng 1:10).

Thậm chí trong những năm Đa-vít chạy trốn khỏi Sau-lơ, ông vẫn vâng giữ luật pháp Chúa và giữ gìn đời sống thanh sạch. Trong bài thánh thi ca ngợi sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, Đa-vít đã viết rằng: “Vì các mạng lịnh Ngài đều ở trước mặt tôi, còn luật lệ Ngài, tôi nào bỏ đâu. Tôi cũng ở trọn vẹn với Ngài, giữ lấy mình khỏi ác” (Thi thiên 18:22-23). Dù ở đâu Đa-vít vẫn giữ một đời sống thánh khiết và giữ mình thanh sạch trước Chúa.

Trong những bài học trước, chúng ta thấy rằng các lãnh đạo vĩ đại thường thất bại ở điều họ mạnh mẽ nhất – Áp-ra-ham thất bại trong đức tin, Môi-se thất bại trong sự nhu mì, và giờ đây Đa-vít thất bại trong sự chính trực. Ngay khi tấm lòng của Đa-vít ham muốn Bát-sê-ba, ông trở nên hai lòng, tự lừa dối chính mình mà nói rằng: “Ta có thể tránh được điều này.” Ông đi từ giả hình đến hai lòng. Ông lập mưu để đưa U-ri, chồng Bát-sê-ba, vào bẫy, nhưng kế hoạch không thành. Sau đó, ông sắp đặt để U-ri phải chết trên chiến trường. Đa-vít lấy Bát-sê-ba để đứa con được sanh ra hợp pháp, và ông che đậy tội lỗi của mình suốt thời gian Bát-sê-ba mang thai, nhưng đứa con ấy chết. Cuối cùng Đa-vít thú nhận tội lỗi và Đức Chúa Trời tha thứ cho ông, nhưng ông phải trả một cái giá rất đắt.

Lời Đa-vít nói cùng Chúa: “Nầy, Chúa muốn sự chân thật nơi bề trong” (Thi thiên 51:6), ông đang nói về lương tâm và sự liêm chính. Kẻ thù muốn tấn công chúng ta trong những lĩnh vực mà chúng ta mạnh mẽ nhất, vì khi điều mạnh mẽ nhất thất bại thì những điều khác cũng thất bại theo. Đa-vít được phục hồi, và những năm tháng cuối đời, Đa-vít đã không phải sống trong sự đau buồn về quá khứ nhưng đầu tư cho tương lai. Ông chuẩn bị tất cả cho việc xây dựng đền thờ và khích lệ Sa-lô-môn hoàn thành công tác. Sa-lô-môn là con của Đa-vít và Bát-sê-ba. “Nhưng nơi nào tội lỗi đã gia thêm, thì ân điển lại càng dư dật hơn nữa” (Rô-ma 5:20).

ĐÔI TAY

Bàn tay và sự xức dầu của Đức Chúa Trời luôn ở trên Đa-vít (Thi thiên 89:21), và bàn tay của Đa-vít luôn sẵn sàng để Đức Chúa Trời sử dụng. Hãy xem đôi tay của Đa-vít có những gì khi ông hầu việc Chúa.

Cây gậy của người chăn bầy. Đức Chúa Trời huấn luyện Môi-se và Đa-vít bằng cách khiến cho họ trở thành những người chăn. Cuối cùng, dân Y-sơ-ra-ên đã hành động như một đàn chiên, cũng như con người ngày nay! Từ khi còn là một chàng trai chăn chiên, Đa-vít hầu việc Đức Chúa Trời bằng cách phục vụ cha. Khi dẫn dắt bầy chiên đến đồng cỏ, suối nước, chăm sóc những con cừu cái và những con non, giết gấu và sư tử, Đa-vít không biết rằng Đức Chúa Trời đang chuẩn bị ông cho một mục vụ quan trọng hơn rất nhiều. Nguyên tắc này được phát biểu rõ ràng trong Ma-thi-ơ 25:21 – “ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều” – và Đa-vít đã làm được điều ấy.

Một cái trành ném đá. Sau-lơ cho Đa-vít mượn áo giáp và gươm của mình, nhưng Đa-vít biết rằng ông không thể chiến thắng nếu sử dụng trang bị của người khác. Ông đem theo một cái trành ném đá mà ông tin cậy, nhặt năm hòn đá, và dùng một hòn đá để giết Gô-li-át (1 Sa-mu-ên 17:38-50). Sau đó ông lấy gươm của Gô-li-át và cắt đầu tên khổng lồ này. Đức Chúa Trời sử dụng những công cụ kỳ lạ và thú vị để hoàn thành mục đích của Ngài – cái trành ném đá của Đa-vít; cây gậy của Môi-se; chiếc hàm lừa của Sam-sôn; cây kèn, đuốc và bình đất của Ghê-đê-ôn; búa và cọc đóng trại của Gia-ên; bình dầu của người quả phụ; và thức ăn trưa của một bé trai.

Cây đàn hạc. Đa-vít là một nhà thơ và cũng là một nhạc công. Đức Chúa Trời sử dụng tiếng nhạc đàn hạc của ông để làm xoa dịu vua Sau-lơ khi vua đau buồn, và Ngài dùng văn thơ của Đa-vít trong sự thờ phượng và bày tỏ tín lý thần học qua các chương sách Thi thiên. Tiếc thay một số Hội Thánh đã từ bỏ những cách thờ phượng được tìm thấy trong Thi thiên mà bắt chước những người thuộc giới giải trí của thế gian thay vì làm theo “kẻ hát êm dịu của Y-sơ-ra-ên” (2 Sa-mu-ên 23:1).

Thanh gươm. Đa-vít trở thành một chiến binh hùng mạnh và một chiến lược gia quân sự vĩ đại, đến nỗi những người nữ đã hát khen ngợi Đa-vít nhiều hơn những lời ca dành cho Sau-lơ (1 Sa-mu-ên 18:6-9). Điều này khiến Sau-lơ không vui, kể từ đó, Sau-lơ luôn để mắt tới Đa-vít. Chắc chắn, Đa-vít là một sự kết hợp đặc biệt của một người lính, một nhạc sĩ, một nhà thơ, một nhà quản trị, và một người thờ phượng Đức Chúa Trời. Thanh gươm của Đa-vít mở lối cho quân đội Y-sơ-ra-ên đánh bại kẻ thù, mở rộng bờ cõi quốc gia và đem an ninh cho đất nước. Đa-vít không sợ chiến trường, bởi vì ông biết Đức Chúa Trời sẽ ban cho ông chiến thắng.

Điều quan trọng cần phải nhớ đó là Đức Chúa Trời huấn luyện đôi tay của Đa-vít và ban cho ông sức mạnh để chiến đấu trận chiến của Chúa (Thi thiên 18:32-34). Đầu tiên là một con sư tử, sau đó là một con gấu, kế đến là một kẻ khổng lồ, rồi cuối cùng là các đội quân của kẻ thù. Đa-vít nói rằng: “Đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va thay, là hòn đá tôi! Ngài dạy tay tôi đánh giặc, tập ngón tay tôi tranh đấu. (Thi thiên 144:1).

Một cốc nước. Một trong số những chương hay nhất trong cuộc đời Đa-vít xảy ra trong hang đá A-đu-lam (2 Sa-mu-ên 23:13-17). Đa-vít gần như chỉ thì thào, ao ước có một cốc nước lạnh từ giếng gần cổng thành Bết-lê-hem nơi mà lúc còn nhỏ ông đã từng uống nước. Ba trong số các quan tướng đã nghe được điều này nên liều mạng sống họ đi lấy nước mà dâng cho vua. Đa-vít từ chối không hạ thấp chiến công đầy hy sinh này nếu uống nước ấy, bởi vì ông nhìn thấy huyết của các binh sĩ; chính vì thế ông đã đổ nước ra để dâng lên cho Đức Chúa Trời. Điều này nhắc cho tôi nhớ đến Đại tướng Robert E. Lee đã nói khi ông từ chối viết một quyển sách về Cuộc Nội Chiến: “Điều đó đánh đổi huyết của các binh sĩ của tôi.” Đa-vít là bậc thầy tạo nên những trải nghiệm vĩ đại từ những việc dường như nhỏ nhặt, và đây là điều khiến ông được những người theo mình quý mến. George H. Morrison đã nói rằng: “Những việc lớn thể hiện khả năng, nhưng những việc nhỏ bày tỏ sự hiến dâng.”

Kế hoạch xây dựng đền thờ. Đức Chúa Trời đã ban cho Môi-se những hướng dẫn xây dựng đền tạm, và Ngài cũng ban cho Đa-vít những hướng dẫn tương tự cho đền thờ của Ngài (1 Sử ký 28:11). Đa-vít ước ao xây dựng một đền thờ cho Đức Chúa Trời hơn bất kỳ điều nào khác, song Chúa không cho phép. Chính vì thế Đa-vít đã làm điều tiếp theo: ông cầu xin đặc ân được tiếp nhận kế hoạch xây dựng đền thờ, và rồi ông chuyển giao cho con trai mình là Sa-lô-môn.

Vật liệu xây dựng đền thờ. Trong suốt sự nghiệp quân sự thành công của mình, Đa-vít đã lấy được nhiều chiến lợi phẩm và đưa vào nhà Chúa để được sử dụng xây dựng đền thờ (2 Sử ký 29:1-9). Sa-lô-môn không cần phải thuê người gây quỹ, ông cũng không cần phải tăng thuế khi xây dựng đền thờ.

Đa-vít liều mạng sống mình để dân sự của ông có một ngôi nhà vinh quang cho Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời hỏi mỗi một con cái của Ngài rằng: “Trong tay ngươi cầm vật chi?” (Xuất 4:2). Hãy dâng cho Ngài những gì bạn có và nhìn xem Ngài làm những điều kỳ diệu. Bất kỳ điều gì Chúa ban cho bạn, hãy học cách sử dụng chúng một cách thành thạo như Đa-vít đã làm, và hãy dâng cho Chúa đôi bàn tay, tấm lòng, công cụ và kỹ năng của bạn.

Có một bức tượng Đa-vít cao năm mét của Michelangelo được đặt tại quảng trường Piazza Signoria tại Florence, Ý vào năm 1504. Kể từ đó, bức tượng luôn bị những người phản đối ném đá và bị sét đánh. Một cánh tay của bức tượng bị bể khi một người bạo loạn đã ném một ghế dài ra khỏi cửa sổ nhưng không ai màng tu sửa bức tượng. Những người có thiện chí cố gắng lau rửa bức tượng bằng axit clohydric và bàn chải thép nhưng thật ra họ chỉ làm hỏng lớp bảo vệ bên ngoài của bức tượng. Một người điên đã dùng búa tấn công bức tượng, và bức tượng không được bảo vệ ấy đã đứng dưới những cơn mưa lạnh cóng trong nhiều thế kỷ. Cuối cùng người ta quyết định đã đến lúc phải phục hồi bức tượng để thể hiện lòng tôn kính nhân kỷ niệm bức tượng được năm trăm năm vào năm 2004, và chi phí cho việc này lên đến 500.000 USD.

Dù việc gì có xảy đến cho bức tượng thì chàng trai Đa-vít, người được mô tả trong Kinh Thánh, vẫn sẽ hiên ngang, mạnh mẽ và đáng nhận được sự tôn trọng của chúng ta. Nguyện xin Chúa dấy lên nhiều người giống như Đa-vít!

admin

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn