Thứ Hai , 6 Tháng Năm 2024
Home / Tổng hợp / Đức Chúa Trời Được Vinh Hiển Qua Sự Đau Khổ Của Con Người?

Đức Chúa Trời Được Vinh Hiển Qua Sự Đau Khổ Của Con Người?

Phải chăng Đức Chúa Trời tìm cách bày tỏ vinh quang của Ngài thông qua sự đau khổ của con người là điều sai trật?

Khi Chúa Giê-su hay tin La-xa-rơ bị bệnh và sắp chết, Ngài nói cùng các môn đồ rằng, “Bịnh nầy không đến chết đâu, nhưng vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, hầu cho Con Đức Chúa Trời bởi đó được sáng danh” (Giăng 11:4). Một số người đã tự hỏi liệu Đức Chúa Trời tìm cách tôn cao danh Ngài thông qua sự đau khổ của con người phải chăng là điều tự phụ và sai trái. Nhưng làm sao có thể đúng khi Đức Chúa Trời tự tôn vinh Ngài trong khi Kinh Thánh không khuyến khích việc tự tôn vinh bản thân (Thi thiên 115:1; 1 Cô-rinh-tô 1:27-29; 10:31; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:6)?

Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được Kinh Thánh đề cập đến danh cao quý của Ngài như được biết đến và hiển thị qua các thuộc tính của Ngài. Đức Chúa Trời được tôn vinh khi danh Ngài được tôn cao trước mặt người khác qua hành động của những người vâng phục. Chúa Giê-su Christ đã tôn vinh Đức Chúa Trời là Cha qua đời sống vâng phục và làm trọn công việc Ngài (Giăng 17:4). Người tin Chúa cũng có thể bày tỏ sự lớn lao về ân điển của Đức Chúa Trời (1 Cô-rinh-tô 10:31).

Là Đấng Tạo Hóa của vũ trụ hữu hình và muôn vật trong đó, việc Đức Chúa Trời tìm cách bày tỏ danh vinh hiển Ngài là điều thích đáng (Thi thiên 29:1; 96:8). Là Đức Chúa Trời, Ngài xứng đáng với sự bày tỏ này. Khi tìm cách tôn vinh chính Ngài, Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những gì thuộc về Ngài một cách chính đáng mà không thuộc về ai khác. Ngài phán: “Ta là Đức Giê-hô-va: ấy là danh ta. Ta chẳng nhường sự vinh hiển ta cho một đấng nào khác, cũng không nhường sự tôn trọng ta cho những tượng chạm” (Ê-sai 42:8).

Mặt khác, tự tôn vinh mình là một hình thức kiêu ngạo làm giảm bớt sự tôn vinh của Đức Chúa Trời. Điều này là ích kỷ và kiêu ngạo, bởi vì chúng ta có làm nên sự gì, thì ấy là sự ban cho bởi ân điển Đức Chúa Trời (1 Cô-rinh-tô 1:4; 4:7; 2 Cô-rinh-tô 9:11; Ê-phê-sô 1:3).

Kinh thánh có ý gì khi nói, “Đức Chúa Trời đã thay đổi ý định của Ngài” (Xuất Ê-díp-tô ký 32:14)?

Khi dân Y-sơ-ra-ên xoay khỏi Chúa sang thờ con bò vàng trên núi Si-nai, Đức Chúa Trời đã cảnh cáo Môi-se, “Bây giờ hãy để mặc ta làm, hầu cho cơn thạnh nộ ta nổi lên cùng chúng nó, diệt chúng nó đi” (Xuất Ê-díp-tô ký 32:10). Nhưng Môi-se đã cầu thay cho dân sự mà rằng, “Cầu xin Chúa hãy nguôi cơn giận và bỏ qua điều tai họa mà Ngài muốn giáng cho dân Ngài” (32:12). Bấy giờ Đức Chúa Trời bèn nguôi giận và “đổi ý không giáng tai hoạ trên dân của Ngài như Ngài đã đe dọa” (32:14). Câu này phù hợp với lời dạy trong Kinh thánh về sự không thay đổi của Đức Chúa Trời như thế nào? Tiên tri Ma-la-chi đã chép lời Đức Chúa Trời phán rằng: “Vì ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay đổi” (Ma-la-chi 3:6). Gia-cơ chép rằng Đức Chúa Trời “chẳng có bóng của sự biến cải nào” (Gia-cơ 1:17;    1 Sa-mu-ên. 15:29; Thi thiên 110:4). Đức Chúa Trời có thay đổi chăng?

Sự không thay đổi của Đức Chúa Trời có nghĩa là không có sự biến đổi về số lượng hoặc chất lượng trong đặc tính hoặc thuộc tính của Ngài. “Bản chất của Đức Chúa Trời không thay đổi. Vì vậy, Đức Chúa Trời không thay đổi ý định, kế hoạch hoặc hành động của Ngài, vì những điều này dựa vào bản chất của Ngài, vốn không thay đổi.” Thật khích lệ khi biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng đáng tin cậy. Ngài sẽ không hề thay đổi theo thời gian.

Khi nói đến bản chất của Đức Chúa Trời, các lời hứa của Ngài, hoặc các luật lệ cụ thể của Ngài, Đức Chúa Trời không thay đổi. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời có thể và thường rút lại các cáo thị dựa trên sự ăn năn của con người hoặc sự thay đổi trong hành vi họ. Việc Giô-na tuyên bố phán xét trên Ni-ni-ve như một lời kêu gọi dân chúng ăn năn. Khi dân thành Ni-ni-ve đã ăn năn, “Bấy giờ Đức Chúa Trời thấy việc họ làm đều đã xây bỏ đường lối xấu của mình; Đức Chúa Trời bèn ăn năn sự họa mà Ngài đã phán sẽ giáng trên họ, và Ngài không làm sự đó” (Giô-na 3:10). Trong bài viết của mình, “Đức Chúa Trời có thay đổi ý định chăng?” Robert Chisholm kết luận rằng, “Nếu Đức Chúa Trời chưa ban sắc lệnh cho một hành động, thì Ngài rất có thể rút lại một tuyên bố về phước lành hay phán xét?” Trong tình huống này, không phải Đức Chúa Trời thay đổi, mà là con người đã thay đổi.

Thông báo về sự phán xét được phụ thuộc vào việc ăn năn. Nếu người ta ăn năn, Đức Chúa Trời sẽ không phán xét vì lòng trắc ẩn và ân điển của Ngài không hề thay đổi, “không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn” (2 Phi-e-rơ 3:9). )

 

 

admin

sách tham khảo UNDERSTANDING CHRISTIAN THEOLOGY

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn