Thứ Sáu , 26 Tháng Tư 2024
Home / Tổng hợp / Chúa Giê-su sử dụng Kinh Thánh

Chúa Giê-su sử dụng Kinh Thánh

Chúa Giê-su sử dụng Kinh Thánh trong sự giảng dạy

Bên cạnh việc thể hiện niềm tin của Ngài vào thẩm quyền của Kinh Thánh bằng cách phục tùng Kinh Thánh, Chúa Giê-su đã sử dụng Kinh Thánh là thẩm quyền tối hậu trong sự dạy dỗ của Ngài. Mặc dù chính Ngài là Lời mặc khải tối hậu của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 1:3) và mặc dù Ngài đã nhận được sự mặc khải từ Cha (Ma-thi-ơ 11:27), phần lớn sự dạy dỗ của Ngài dựa trên những lời trong Kinh Thánh Cựu Ước. Điều này đặc biệt rõ ràng trong các phần Kinh Thánh sau:

 

Các ngươi chưa đọc những gì Đa-vít đã làm phải không? (Ma-thi-ơ 12:3)

Hay là các ngươi không đọc? (12:5)

Các ngươi há chưa đọc sao? (19:4)

Các ngươi chưa hề đọc lời này sao? (21:16)

Các ngươi há chưa hề đọc lời trong Kinh Thánh sao? (21:42)

Các ngươi há không đọc lời Đức Chúa Trời phán sao? (22:31)

Môi-se đã dạy các ngươi điều gì? (Mác 10:3)

Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc gì trong đó? (Lu-ca 10:26)

Vậy thì điều đó nói gì? (20:17)

Trong luật pháp của các ngươi chép điều gì? (Giăng 8:17)

Điều đó không được chép trong Luật pháp của các ngươi sao? (10:34)

Nhiều lời dạy khác của Chúa Giê-su được giới thiệu bằng những lời tuyên bố tương tự, trong đó Ngài kêu gọi sự chú ý đến Cựu Ước một cách rõ ràng. Nhưng những điều này không có nghĩa là kể tất cả câu chuyện, vì phần lớn Cựu Ước thiết lập nền tảng cho sự dạy dỗ của Ngài.

Các chủ đề cơ bản về sự dạy dỗ của Chúa Giê-su cũng như những chủ đề có tính chất ngẫu nhiên hơn được xây dựng dựa trên Cựu Ước. Lời tuyên bố của Ngài về vương quốc thiên đàng bắt nguồn từ lời tiên tri của Đa-ni-ên rằng “Đức Chúa Trời trên trời sẽ thiết lập một vương quốc” (Đa-ni-ên 2:44). Trong cuộc trò chuyện của Ngài với Ni-cô-đem, Chúa Giê-su ám chỉ rằng lẽ ra Ni-cô-đêm là một người cai trị trong Y-sơ-ra-ên phải biết lẽ thật về sự tái sanh bởi Đức Thánh Linh (Giăng 3:3-8), bởi vì Ê-xê-chi-ên và những người khác đã nói về điều đó (Ê-xê-chi-ên 36:25-27). Chúa Giê-su đề cập đến cơn đại nạn trong tương lai (Mác 13:14) mà Đa-ni-ên đã viết về nó (Đa-ni-ên 9:27; 11:31; 12:11). Và sự mô tả của Chúa Giê-su về hình phạt đời đời, “đó là nơi sâu bọ chúng nó chẳng hề chết, và là nơi lửa chẳng hề tắt” (Mác 9:48) trích từ Ê-sai 66:24.

Để trả lời câu hỏi của những người Pha-ri-si về việc ly hôn, Chúa Giê-su đã căn cứ thần học về hôn nhân dựa trên lời giải trình của sách Sáng thế ký về sự Sáng tạo. Đức Chúa Trời đã tạo ra người nam và người nữ và cả hai trở nên một thịt. Đây là sự dạy dỗ của Kinh Thánh, và vì vậy đây là ý muốn của Đức Chúa Trời (Mat 19: 4-6). Vào một dịp khác, Chúa Giê-su đã tóm tắt sự hiểu biết của Ngài về bổn phận tối thượng của con người trước mặt Đức Chúa Trời trong những lời dạy của Phục truyền luật lệ ký 6:5: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến CHÚA, là Ðức Chúa Trời ngươi.” (Ma-thi-ơ 22:37). Ngay cả điều gọi là Luật Vàng— hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, “vì ấy là luật pháp và lời tiên tri.” (7:12).

Những lời đã được tiên tri Ê-sai nói nhiều thế kỷ trước cho dân sự vào thời của Ngài cũng được áp dụng cho các thầy thông giáo và người Pha-ri-si vào thế kỷ thứ nhất: “Dân nầy lấy môi miếng thờ kính ta; Nhưng lòng chúng nó xa ta lắm. Sự chúng nó thờ lạy ta là vô ích, Vì chúng nó dạy theo những điều răn mà chỉ bởi người ta đặt ra.” (Mat 15:8-9; trích Ê-sai 29:13). Sự phán xét thiên thượng về sự mù quáng thuộc linh vì đã khước từ lẽ thật được tiên tri Ê-sai tuyên bố (Ê-sai 6:9-10) vẫn được áp dụng cho thế hệ từ chối sự dạy dỗ của Ngài (Mác 3:12).

Đôi khi đó chỉ là một cụm từ hoặc ý nghĩ ngắn gọn có thể áp dụng cho một tình huống nhất định. Chúa Giê-su nói đến cụm từ “chiên không có người chăn” (được dùng nhiều lần trong Cựu Ước) là một mô tả rất thích hợp về đoàn dân đông trong thời của Ngài (Dân số ký 27:17; Ê-xê-chi-ên 34:5; Ma-thi-ơ 9:36). Ngài cảnh báo đừng chiếm chỗ ngồi danh dự trong bàn tiệc kẻo có người xứng đáng hơn (Lu-ca 14:7-11), lẽ thật này đã được tìm thấy trong Châm ngôn 25:6-7. Câu nói nổi tiếng của Ngài, “Các ngươi thường có kẻ nghèo ở cùng mình” (Ma-thi-ơ 26:11) dựa trên một tuyên bố có hiệu lực trong Phục truyền luật lệ ký 15:11. Những lời dạy của Chúa Giê-su về việc một hòn đá bị những thợ xây dựng từ chối và những ai vấp phải nó sẽ bị dập nát và nó sẽ nghiền nát những người mà nó rơi xuống là được lấy từ Cựu Ước (Ma-thi-ơ 21:42,44; Ê-sai 8:14-15; Đa-ni-ên 2:34,44). Những trích dẫn và lời ám chỉ như vậy về Cựu Ước có thể được tìm thấy ở nhiều chỗ trong Tân Ước.

Trên hết, Chúa Giê-su dùng Kinh Thánh để giải thích con người và sứ mệnh của Ngài ở thế gian. Chúng ta đã được nhắc nhớ rằng, sau khi Phục sinh, Ngài đã sử dụng toàn bộ Cựu Ước để chỉ dẫn các môn đồ của Ngài về những điều liên quan đến chính Ngài. Nhưng trước đó rất lâu, Ngài đã nói đến sự ứng nghiệm của Kinh Thánh về chính Ngài. Ngài đã đến, “không phải… phá Luật pháp hay là Lời tiên tri,” song để làm ứng nghiệm” (Ma-thi-ơ 5:17). Chức vụ của Giăng Báp-tít đã ứng nghiệm lời tiên tri của Ê-sai rằng một sứ giả sẽ được sai đến để dọn đường trước mặt Chúa (Ma-thi-ơ 11:10; Ê-sai 40:3). Và Chúa Giê-su đã giới thiệu chức vụ của Ngài tại Na-xa-rét bằng cách lấy cuộn sách trong nhà hội và đọc từ Ê-sai 61:1, “Thần của Chúa ngự trên ta: Vì CHÚA đã xức dầu cho ta đặng truyền Tin Lành cho kẻ nghèo” (Lu-ca 4:18). Sau đó, Ngài nói những lời này đã được ứng nghiệm trong chính Ngài (4:21). Vào một dịp khác, khi các môn đồ của Giăng đặt câu hỏi liệu Ngài có thực sự là “Đấng Sẽ Đến” hay không, Chúa Giê-su đã xác thực danh tính của Ngài bằng cách chỉ vào các phép lạ của Ngài, điều này làm ứng nghiệm lời tiên tri mà Ê-sai đã nói tiên tri về Đấng Mê-si và thời gian của Ngài trên đất (Ma-thi-ơ 11:1-6; Ê-sai 35:5-6).

Không chỗ nào trong Kinh Thánh mà sự giải thích của Chúa Giê-su về các hành động của Ngài là sự ứng nghiệm của Kinh Thánh rõ ràng hơn là trong các sự kiện xung quanh sự đóng đinh. Ngài bị các nhà lãnh đạo Do Thái từ chối (Ma-thi-ơ 21:42; Thi thiên 118:22); Ngài bị phản bội bởi một trong các môn đồ của Ngài (Giăng 13:18; Thi thiên 41:9); các môn đồ của Ngài bị phân tán khi Ngài bị bắt (Ma-thi-ơ 26:31; Xa-cha-ri 13:7); Sự chết thế của Ngài (Mác 10:45; Ê-sai 53:10-11)—tất cả những gì mà Chúa Giê-su nói đều được ứng nghiệm Lời tiên tri của Đức Chúa Trời về chính Ngài.

Chỉ một thời gian ngắn trước khi chết, “Ðức Chúa Giê-su biết mọi việc đã được trọn rồi, hầu cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm, thì phán rằng: “Ta khát’” (Giăng 19:28). Ngay cả lời tuyên bố khá ngẫu nhiên của người viết thi thiên về nước uống khó chịu mà Người Đầy tớ Thống khổ của Đức Chúa Trời sẽ nhận được từ những kẻ bắt bớ Ngài cũng đã được ứng nghiệm trong Ngài (Thi thiên 69:21).

Khi Ðức Chúa Giê-su chịu lấy giấm ấy rồi, “bèn phán rằng: ‘Mọi việc đã được trọn’; rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn” (Giăng 19:30). Tất cả những lời tiên tri trong Kinh Thánh nói về sự sống và cái chết của Ngài đã được ứng nghiệm. Là Tôi tớ vâng lời, Ngài phải làm trọn những lời chỉ về Ngài trong Kinh Thánh.

Những gì Chúa Giê-su tin về Kinh Thánh là đặc biệt rõ ràng trong phản ứng của Ngài đối với những người thách thức sự dạy dỗ của Ngài. Trong một số trường hợp, Ngài tìm cách mở rộng tầm mắt của họ trước sự thật bằng cách sử dụng những câu hỏi thăm dò. Trong những cuộc đối đầu này với những kẻ chống đối, Chúa Giê-su luôn luôn cậy vào Kinh Thánh là thẩm quyền tối hậu của Ngài.

Trong dụ ngôn về vườn nho, Ngài đã kể một câu chuyện tác động vào lương tâm của những người nghe là những người đang khước từ Ngài là Con Đức Chúa Trời (Lu-ca 20:16-17). Trong câu chuyện, kết quả của sự khước từ là việc dời chuyển vườn nho, mà vườn nho là tượng trưng cho vương quốc, vương quốc này bị dời chuyển từ những người Do Thái không tin trong thời kỳ của Ngài cho những người khác sẽ tiếp nhận sứ giả chân thật của Đức Chúa Trời. Khi những người nghe từ chối sự ám chỉ của Ngài trong câu chuyện thì la lên rằng, “Ðức Chúa Trời nào nỡ vậy!” (20:16), Chúa Giê-su phản bác lại bằng cách cậy vào Kinh Thánh: “Vậy thì điều này được viết như thế nào? ‘Hòn đá thợ xây nhà bỏ ra, trở nên đá góc nhà, nghĩa là gì’?” (20:17). Đối với Chúa Giê-su, câu Kinh Thánh Cựu Ước này áp dụng cho hoàn cảnh hiện tại của Ngài, và bởi vì Kinh Thánh có thẩm quyền tuyệt đối, nên sự phản đối của những người nghe Ngài đã bị bác bỏ.

Những kẻ chống đối Ngài thường xuyên tìm cách gài bẫy Ngài bằng những câu hỏi khôn khéo. Có một lần, những người Sa-đu-sê, là những người không tin vào sự phục sinh, nghĩ rằng họ đã bác bỏ được sự phục sinh bằng cách đưa ra câu hỏi về người phụ nữ giả định là đã kết hôn liên tiếp với bảy anh em (Ma-thi-ơ 22:23-33). Họ muốn biết người phụ nữ này sẽ là vợ của ai sau khi phục sinh.

Chúa Giê-su đáp lại bằng lời tuyên bố: “Các ngươi lầm, vì không hiểu Kinh Thánh, và cũng không hiểu quyền phép Ðức Chúa Trời thể nào. Vì đến khi sống lại, người ta không cưới vợ, cũng không lấy chồng, song những kẻ sống lại là như thiên sứ trên trời vậy” (22:29-30), và Ngài tiếp tục cho họ một bài học ngắn gọn để sự hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh: “Về sự sống lại của kẻ chết, Các ngươi há không đọc lời Ðức Chúa Trời phán về sự sống lại của kẻ chết rằng: ‘Ta là Ðức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Ðức Chúa Trời của Y-sác, Ðức Chúa Trời của Gia-cốp, hay sao’? Ðức Chúa Trời không phải là Chúa của kẻ chết, nhưng của kẻ sống.” (22:31-32). Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp đã qua đời từ lâu, khi Đức Chúa Trời nói với Môi-se tại bụi gai cháy rằng Ngài là Đức Chúa Trời của họ (Xuất 3:6), điều này cho thấy họ vẫn tồn tại và có sự sống sau khi chết. Điều thú vị cần lưu ý là, theo Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời đã nói bằng những từ có thể “đọc được”, tức là Kinh Thánh.

Vào một dịp khác, khi những người Pha-ri-si thách thức Chúa Giê-su về việc làm của các môn đồ Ngài trong ngày Sa-bát, thì Chúa Giê-su đã đáp lại bằng những lời: “Các ngươi không đọc trong Luật Pháp sao? (Ma-thi-ơ 12:5). Lỗi của họ không chỉ là bỏ qua Kinh Thánh, mà còn là không hiểu ý nghĩa của nó. Vì vậy, Chúa đã dạy họ, “Nhưng nếu các ngươi biết điều này có nghĩa là gì, ‘Ta muốn lòng nhân từ, không phải của tế lễ,’ thì các ngươi đã không kết án người vô tội” (12:7; trích dẫn Ô-sê 6:6).

Một lần nữa khi bị những kẻ chống đối thách thức Ngài, Chúa Giê-su đã trích dẫn Kinh Thánh để trả lời và chấm dứt cuộc tranh luận. Khi những người Pha-ri-si thử Ngài bằng câu hỏi, “Người đàn ông ly dị vợ vì bất cứ lý do gì có hợp pháp không?” Chúa Giê-su đáp: “Các ngươi chưa đọc sao…?” và sau đó Ngài trích dẫn lời giải thích trong Sáng thế ký về hôn nhân đầu tiên cho thấy ý định của Đức Chúa Trời (Mat 19:4-6). Ngay cả khi đáp lại lời buộc tội phạm thượng nghiêm trọng (“ngươi là người, mà tự xưng là Ðức Chúa Trời.” (Giăng 10:33), Chúa Giê-su đã cậy vào Cựu Ước, hỏi rằng: “Điều đó đã không được ghi trong Luật pháp của các ngươi sao?” (10:34).

Đối với Chúa Giê-su, Kinh Thánh là thẩm quyền tối thượng. Không thể bác bỏ việc sử dụng Kinh Thánh đúng cách, và cũng không bao giờ Ngài đặt câu hỏi rằng bất kỳ phần nào là có thẩm quyền. Nếu Kinh Thánh đã nói điều gì, thì điều đó là có thẩm quyền.

 

admin

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn