Thứ Bảy , 4 Tháng Năm 2024
Home / THẦY ƠI / Sự Rủa Sả Của Đức Giê-hô-va Giáng Trên Nhà Kẻ Ác

Sự Rủa Sả Của Đức Giê-hô-va Giáng Trên Nhà Kẻ Ác


Sự rủa sả của Đức Giê-hô-va giáng trên nhà kẻ ác.
Song Ngài ban phước cho chỗ ở của người công bình.

Châm Ngôn 3:33

William Penn, người lãnh đạo của American Quaker đã viết vào năm 1863, “Nếu không được Đức Chúa Trời cai trị, chúng ta sẽ bị các bạo chúa cai trị.” Ông đã đúng. Không có quốc gia nào minh họa tốt hơn cho điều này cho bằng tuyển dân Israel. Bởi vì tuyển dân thường xuyên không vâng phục Chúa, họ phải chịu đau khổ dưới ách cai trị của các bạo chúa cho đến khi Đức Chúa Trời giải phóng họ ra khỏi cảnh phu tù. “Nhà Hê-rốt” cai trị người Do Thái trước khi Chúa Giê-su sinh ra và trải qua nhiều thập kỷ sau đó.

Người lập nền tảng cho “nhà Hê-rốt” là Vua Hê-rốt (73 trước CN- 4 sau CN). Đây là người tìm cách giết Chúa Giê-su. Những kẻ thù của Hê-rốt nhận xét về ông, “cướp ngai vàng như một con cáo, cai trị như một con hổ, và chết như một con chó.” Đó là một đánh giá không tồi. Chúa Giê-su đã gọi Hê-rốt Antipas là, “con chồn cáo” (Lu-ca 13:32). Hoàng đế Caesar của La mã nói rằng ông thà làm con lợn của Hê-rốt (hus) còn hơn là con trai của Hê-rốt (huios), và cách chơi chữ của ông xem như đã đánh trúng mục tiêu.

Hê-rốt sinh năm 73 trước Công nguyên, ông bắt đầu cai trị vùng Ga-li-lê vào năm hai mươi lăm tuổi. Và mười năm sau đó ông là vua của các xứ Ga-li-lê, Judea, Ituria và Traconitis. Ông là vua của người Do Thái, nhưng ông không nhận biết Đức Chúa Trời của Israel. Ông là một bạo chúa tìm mọi cách để bảo vệ bản thân, ngai vàng và bảo đảm sự thành công chính trị của gia đình. Sử gia Will Durant đã viết, “nhân cách của Hê-rốt là ví dụ điển hình của một thời đại sản sinh ra rất nhiều người có trí tuệ nhưng không có đạo đức; có khả năng và không có sự do dự khi làm điều ác; có can đảm nhưng không có danh dự.” Đó là một đánh giá tốt.

Nhưng phẩm chất vô thần của vua Hê-rốt có nguồn gốc lâu đời từ nhiều thế kỷ trước. Nếu muốn hiểu đầy đủ hơn về Hê-rốt và những hành vi độc ác của ông, chúng ta phải trở về với câu chuyện của hai anh em sinh đôi trong gia đình của Y-sác và Rê-be-ca. Trong khi nghiên cứu sâu hơn về điều này, chúng ta cũng sẽ có bài học cho chính mình.

HAI ANH EM THÙ NGHỊCH (Sáng thế ký 25:19-34)

Nếu giao ước của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham được thực hiện, thì điều cần thiết là Y-sác và Rê-be-ca phải sinh con cái để hình thành nên một gia đình. Nhưng sau hai mươi năm kết hôn, họ vẫn chưa có con. Đức Chúa Trời trả lời sự cầu nguyện của họ trong một đường lối họ không mong đợi. Cuối cùng thì Rê-be-ca mang thai song sinh hai bé trai, và hai đứa này xung đột với nhau từ khi còn trong bụng mẹ. Tiên tri Ê-xê-chi-ên đề cập đến một “sự thù địch cổ xưa” (Ê-xê-chi-ên 35:5) “Because you have had an ancient hatred, and have shed the blood of the children of Israel by the power of the sword at the time of their calamity, when their iniquity came to an end” (Ezekiel 35:5), và cứ thế lưu truyền mãi.

Hai đứa trẻ không giống nhau về cá tính. Gia-cốp thích sống yên lặng ở trong nhà giữa những lều trại, trong khi Ê-sau (người có nhiều lông) rong ruổi ngoài đồng săn bắn thú rừng. Gia-cốp thích nấu các món ăn và suy ngẫm về giao ước của Đức Chúa Trời đã thiết lập với ông nội Áp-ra-ham và với cha Y-sác của mình. Trong khi đó Ê-sau hoàn toàn không quan tâm gì đến các vấn đề thuộc linh, và rồi một ngày kia sẵn sàng bán quyền trưởng nam cho Gia-cốp để đổi lấy một tô canh.

Chúng ta đã học biết rằng Ê-sau là một người nam không tin kính, là một  người sống bên ngoài đền thờ (xem Hê-bơ-rơ 12:6) và không lưu tâm đến những điều thuộc về Đức Chúa Trời. Gia-cốp không phải là một chàng trai hoàn hảo nhưng ít nhất cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều các di sản thuộc linh từ Áp-ra-ham. Thiết kế của Đức Chúa Trời là, “đứa lớn (Ê-sau) sẽ phục vụ đứa nhỏ (Gia-cốp)” (Sáng. 25:23). Lỗi lầm của Rê-be-ca và Gia-cốp là dùng sức riêng cố gắng để thực hiện điều này thay vì trông đợi Chúa hành động (Sáng. 27).

Hai anh em trong câu chuyện trên minh họa cho chúng ta về sự xung đột giữa Thánh Linh và xác thịt trong đời sống của con cái Chúa. Ê-sau, người con đầu bị từ chối. Còn Gia-cốp, người con thứ hai được thừa hưởng phước lành. Bây giờ chúng ta đọc trong Tân ước, Chúa Giê-su phán dạy, “các ngươi phải sanh lại” (Giăng 3:7). Sứ đồ Phao-lô viết, “vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với những điều của Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với của xác thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm” (Ga-la-ti 5:17). Nếu tiếp tục nuông chiều xác thịt, chúng ta sẽ ở trong sự nguy hiểm mà Ga-la-ti 5:19-21 đã cảnh báo. Nhưng nếu sống theo Thánh Linh, chúng ta sẽ sản sinh ra các bông trái như trong Ga-la-ti 5:22-23. Bởi vì khi được sanh lại trong Christ Giê-su, đời sống cũ của chúng ta đã bị đóng đinh với Ngài và cùng chết với Ngài. Vậy nên khi bước đi cùng Thánh Linh, chúng ta sẽ có Christ hành động bên trong và sản sinh các bông trái cho Ngài (Ga-la-ti 5:24-26).

Kinh Thánh chỉ ra rằng vua Hê-rốt không có Thánh Linh kiểm soát và ông ta sống hoàn toàn theo xác thịt. “Thật thế, nếu anh em sống theo xác thịt thì phải chết; song nếu nhờ Thánh Linh, làm cho chết các việc của thân thể, thì anh em sẽ sống” (Rô-ma 8:13). Ông nội và cha của Hê-rốt là một người Ê-đôm, còn mẹ của vua là một người Ả-rập. Khi Hê-rốt tuyên chiến với hài nhi Giê-su, điều đó cũng giống như cuộc xung đột giữa Gia-cốp và Ê-sau tái diễn.

HAI QUỐC GIA CHIẾN TRANH

Hai đứa trẻ lớn lên, kết hôn và thành lập các quốc gia. Gia-cốp trở nên tổ phụ của mười hai chi phái Israel (Sáng. 46). Còn Ê-sau là người lập nền tảng cho nước Ê-đôm (Sáng. 36). Ê-sau có nghĩa là đỏ, và đó cũng là biệt danh trùng hợp với màu sắc của món canh đậu màu đỏ mà Gia-cốp đã bán cho Ê-sau để lấy quyền trưởng nam (Sáng. 25:29-30).

Israel và Ê-đôm luôn luôn có chiến tranh, và hai quốc gia này tiếp tục xung đột trong nhiều thế kỷ sau đó.  Mặc dù trong Sáng thế ký, có hai thỏa thuận hòa bình: khi Gia-cốp và Ê-sau gặp nhau tại Mahanaim (Sáng. 32-33) và khi họ cùng chôn cất cha Y-sác tại Mamre (Sáng. 35:27-29). Các nước Israel và Ê-đôm sống trong sự thù địch lẫn nhau, và Ê-đôm làm hết sức mình để gây khó khăn cho Israel. Họ cổ xúy Ba-by-lôn hủy phá Giê-su-sa-lem và cư dân ở đó (Thi thiên 137). Người Ê-đôm sống trên các ngọn đồi cao, điều này làm cho họ mang ảo tưởng rằng không ai có thể đánh bại được họ (Áp-đia 8-10, 15). Nhưng các tiên tri của Chúa đã cảnh báo rằng một ngày nào đó Ê-đôm sẽ không còn nữa (Giê-rê-mi 49:7-22; Ca thương 4:21; Ê-xê-chi-ên 25:12-14; A-mốt 1:11-12)

Thật bi thảm khi một mối thù xa xưa trong gia đình đã phát triển thành một cuộc khủng hoảng cấp quốc gia, và mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn. Khi Hê-rốt xuất hiện trên sân khấu chính trị, ông có mười người vợ và mười bốn người con. Những người này đã tranh giành quyền lực với nhau và với cả Hê-rốt. Nếu có bất kỳ ai, ngay cả những thành viên trong gia đình biết được các kế hoạch bí mật của Hê-rốt, người đó sẽ bị vua Hê-rốt thủ tiêu ngay. Khi Chúa Giê-su sinh ra tại Bết-lê-hem xứ Giu-đa, Hê-rốt tấn công Cứu Chúa. Trong một ý nghĩa Ê-sau đã tấn công Gia-cốp một lần nữa (Ê-đôm phát động chiến tranh với Israel.)

HAI VƯƠNG QUỐC ĐỐI NGHỊCH

Các bác sĩ trong câu chuyện tìm thờ Cứu Chúa ở Bết-lê-hem là những thầy tế lễ, nhà khoa học và chiêm tinh gia. Vua Hê-rốt không mong đợi một sự viếng thăm cấp nhà nước từ nơi xa, đặc biệt là từ Persia. Từ những lễ vật họ mang tới cho Ấu Chúa, nhiều người cho rẳng họ có ba người. Nhưng Kinh Thánh không cho chúng ta biết phái đoàn của họ có bao nhiêu người. Khi họ đến Giê-ru-sa-lem, toàn thành phố và cả vua Hê-rốt đang ngồi trên ngai đều bối rối. Từ “bối rối”  được Ma-thi-ơ 2:3 đề cập đến được dịch từ chữ “sợ hãi” trong Ma-thi-ơ 14:26, và nó nối kết với cụm từ “làm rối động” trong Công vụ 17:8. Tất cả mọi người tại Giê-ru-sa-lem trở nên hỗn loạn khi các nhà thông thái (bác sĩ) đến. Vua Hê-rốt không bị truất ngôi bởi vị Vua mới hạ sinh. Nhưng ở đây Ê-sau một lần nữa tấn công Gia-cốp, Ê-đôm tuyên chiến với Israel. Vương quốc tối tăm đang tấn công vương quốc sự sáng.

Hê-rốt nói dối với các bác sĩ khi tuyên bố rằng ông sẽ đến thờ lạy vị Vua mới. Ý định thực sự của ông là muốn giết Ấu Chúa. Hê-rốt không cần tiết lộ điều sâu hiểm của ông với các bác sĩ, vì ông là tôi tớ của Satan. Satan là một kẻ nói dối và giết người (Giăng 8:44). Chúa Giê-su là Lẽ Thật, còn Hê-rốt là một kẻ dối trá. Chúa Giê-su là Sự sống, còn Hê-rốt là công cụ của sự chết. Lịch sử luôn luôn tái diễn: Ê-sau muốn giết Gia-cốp, và Ê-đôm muốn quét sạch dân Do Thái ra khỏi Giê-ru-sa-lem.

“Nhà của Hê-rốt” được biết như là những kẻ giết người. Hê-rốt không chỉ tìm cách giết Chúa Giê-su, nhưng ông giết Mariamne là người vợ yêu quí của mình. Ông cũng giết ba người con trai, một bà mẹ vợ và một người anh trong họ hàng. Hê-rốt đã giết toàn bộ hội đồng Tòa Công Luận của người Do Thái chỉ chừa cho hai người còn sống. Ông cũng giết bốn mươi lăm người thuộc họ tộc của Maccabeans – là người anh hùng của Israel. Con trai của Hê-rốt là Hê-rốt Antipas đã chặt đầu Giăng Báp-tít (Ma-thi-ơ 14:1-12).  Hê-rốt Agrippa đã giết sứ đồ Gia-cơ, ông này còn muốn giết Phi-e-rơ nhưng Đức Chúa Trời đã bảo vệ đầy tớ Ngài (Công vụ. 12). Satan là một kẻ nói dối và giết người, và vì vậy những đầy tớ của nó, và các con trai của những đầy tớ đó cũng thường xuyên đi theo khuôn mẫu của Satan.

Khi vua Hê-rốt biết rằng ông đã bị các bác sĩ đánh lừa, vua đã tức điên lên và ra lệnh tàn sát tất cả các bé trai từ hai tuổi trở xuống ở Bết lê-hem và khu vực xung quanh. Lúc đó Chúa Giê-su vào khoảng một tuổi. Bết-lê-hem chỉ là một thị trấn nhỏ, chúng ta không thể biết chắc có bao nhiêu trẻ em bị giết (nhưng nếu chỉ giết một đứa thôi cũng đã là quá dã man!) Ê-sau đã tấn công Gia-cốp, nhưng một lần nữa Đức Chúa Trời của Gia-cốp không để cho Ê-sau thành công. Ngài đưa Con Ngài đến Ai-cập tị nạn chính trị cho đến khi Giô-sép và Ma-ri cảm thấy an toàn để đưa Cứu Chúa trở về quê hương. Ma-thi-ơ trích dẫn các phần Kinh Thánh Cựu ước trong Giê-rê-mi 35:15-17 và Ô-sê 11:1 để làm rõ các sự kiện này. Giê-rê-mi nhìn thấy Ra-chên là mẹ của Israel than khóc các con mình, và Ma-thi-ơ áp dụng điều này cho sự kiện các bé trai ở Bết-lê-hem bị vua Hê-rốt giết. Tiên tri Ô-sê nhìn ngược về quá khứ và nhắc nhở tuyển dân sự giải cứu ra khỏi Ai-cập mà Đức Chúa Trời đã thực hiện. Và Ma-thi-ơ áp dụng điều này cho Chúa Giê-su.

Thật đáng buồn khi các cố vấn của vua Hê-rốt biết nơi Chúa Giê-su sinh ra, nhưng họ không tìm đến để gặp Ngài. Trong khi các bác sĩ ngoại bang đi theo ngôi sao huyền nhiệm dẫn đường, tin vào Kinh Thánh và tìm đến thờ phượng Cứu Chúa của thế giới. Giới học giả của Do Thái giáo biết Kinh Thánh nhưng lại không thờ phượng Chúa vừa mới hạ sinh. Họ đã đánh mất cơ hội lớn nhất của đời sống.

Vua Hê-rốt không chỉ là một kẻ dối trá và giết người, mà ông còn là một nhà xây dựng lớn. Ông đã xây dựng cảng Casea cũng như Masa và cung điện Hê-rốt hào nhoáng. Ông đã xây dựng lại Samaria và thêm một ngôi đền ngoại giáo dành riêng cho Augustus Caesar. Vua cũng xây dựng một nhà hát lớn Hy Lạp và quảng bá các môn thể thao, điền kinh, trò chơi Hy Lạp. Thành tựu kiến trúc đỉnh cao của ông là ngôi đền tại Giê-ru-sa-lem. Ông đã chọc tức những người Do Thái tin kính khi đặt một con đại bàng La Mã bằng vàng ở cổng vào của ngôi đền, nhưng ít nhất ông đã cho mọi người thấy tấm lòng của ông thực sự để ở đâu. Đền thờ ông xây dựng không phải để dành cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời; nó là đền thờ của Hê-rốt và của đế quốc Rô-ma. Người Rô-ma đã phá hủy nó khi họ chiếm được Giê-ru-sa-lem.

Mặc dù Hê-rốt là một nhà xây dựng lớn, ông cũng là một kẻ phá hủy những thứ quan trọng nhất. Có mười người vợ đẹp có ý nghĩa gì nếu bạn sống trong tham dục nhưng không có tình yêu, hoặc nhà lớn mà chi nếu bạn không có mái ấm gia đình, sự giàu có ý nghĩa gì nếu bạn không có những thứ mà tiền không thể mua được? Sa-lô-môn đã viết, “Sự công bình của người trọn vẹn ban bằng đường lối người;
Nhưng kẻ hung ác vì gian ác mình mà sa ngã….Người nhân từ làm lành cho linh hồn mình;
Còn kẻ hung bạo xui khổ cực cho thịt mình” (Châm 11:5, 17). Sự rủa rả của Đức Giê-hô-va chắc chắn giáng trên nhà của Hê-rốt, cũng như giáng trên nhà của những kẻ ác chối từ ân điển Chúa. Họ xuất hiện trong xã hội loài người với một diện mạo thành công hào nhoáng, nhưng cuối cùng phải chuốc lấy sự hổ nhuốc đời đời.

Vương quốc sự sáng vẫn còn đối lập với vương quốc tối tăm, nhưng vương quốc sự sáng của Đức Chúa Trời mãi trường tồn bất diệt. “Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời” (1 Giăng 2:17).

Warren W. Wiersbe
Translated by Tuong Vi

 

🙂

Câu hỏi: Có bao nhiêu vị vua Hê-rốt được nói đến trong Kinh Thánh?

Giải đáp: Có 6 vị vua Hê-rốt khác nhau nhưng cùng gia tộc được Tân Ước nói đến:

  1. Hê-rốt Đại đế (Herod the Great).

– Là vị vua trùng tu đền thờ Giê-ru-sa-lem.

– Cai trị xứ Giu-đê lúc Chúa Jesus giáng sanh (Ma-thi-ơ 2:1).

– Ông ra lệnh giết các bé trai dưới hai tuổi trong thành Bết-lê-hem (Ma-thi-ơ 2:16).

  1. Hê-rốt A-chê-la-u (Herod Archelaus): Con của Hê-rốt Đại đế.

– Sau khi Hê-rốt Đại đế qua đời, ông làm vua xứ Giu-đê (Ma-thi-ơ 2:22)

  1. Hê-rốt An-ti-ba (Herod Antipas): Con của Hê-rốt Đại đế. Em ruột của A-chê-la-u.

– Cai trị xứ Ga-li-lê (Lu-ca 3:1).

– Ông lấy người phụ nữ tên Hê-rô-đia, là vợ của Hê-rốt Phi-líp, em trai cùng cha khác mẹ với ông (Mác 6:17).

– Ông bắt giam Giăng Báp-tít vì Giăng lên án cuộc hôn nhân bất chính nói trên (Ma-thi 14:1-5; Mác 6:17,18)

– Ông ra lệnh chém đầu Giăng báp-tít trong buổi tiệc sinh nhật của mình, vì nghe theo lời xúi giục của hai mẹ con Hê-rô-đia và Sa-lô-mê (Ma-thi-ơ 14:6-10; Mác 6:21-28).

– Ông rất muốn gặp mặt Chúa Jesus (Lu-ca 9:7-9).

– Ông muốn giết Chúa Jesus (Lu-ca 13:31).

– Chúa Jesus bị dẫn đến vua nầy khi Chúa bị bắt (Lu-ca 23:7-12).

  1. Hê-rốt Phi-líp (Herod Philip): Con của Hê-rốt Đại đế, em khác mẹ với Hê-rốt An-ti-ba.

– Cai trị xứ Y-tu-rê (Lu-ca 3:1).

– Ông cưới cháu gái của mình là Hê-rô-đia (Hê-rô-đia là con gái của Herod Aristobulus, một người con trai khác của Hê-rốt Đại đế, Tân Ước không nói gì về ông nầy). Hê-rô-đia có con gái là Sa-lô-mê (Tân Ước không nêu tên Sa-lô-mê), là cô gái khiêu vũ trong ngày sinh hật của Hê-rốt An-ti-ba (Mác 6:22)

  1. Hê-rốt Ạc-ríp-baI (Herod Agrippa I): Cháu nội của Hê-rốt đại đế, con của Aristobulus.

– Ông giết sứ đồ Gia-cơ (Công Vụ Các Sứ Đồ 12:2).

– Ông bắt giam sứ đồ Phi-e-rơ (Công Vụ Các Sứ Đồ 12:4,5).

– Ông bị thiên sứ của Chúa đánh, sau đó bệnh chết (Công Vụ Các Sứ Đồ 12:23)

  1. Hê-rốt Ạc-ríp-ba II (Herod Agrippa II): Con của Hê-rốt Ạc-ríp-ba I.

– Ông được sứ đồ Phao-lô làm chứng về Tin Lành (Công Vụ các Sứ Đồ 26).

– Ông đã phát biểu một lời đáng ghi nhớ sau khi nghe Phao-lô giảng: “Thiếu chút nữa ngươi khuyên ta trở nên tín đồ Đấng Christ.” (Almost thou persuadest me to be a Christian) (Công Vụ Các Sứ Đồ 26:28)

Sơ đồ sau đây trình bày sự liên hệ trong gia đình Hê-rốt: Xin chú ý về những người con trai của Hê-rốt đại đế: Hê-rốt Đại đế có nhiều vợ, Aristobulus là con của bà Mariamne I; Phi-líp là con của bà Cleopatra; A-chê-la-u và An-ti-ba cùng là con của bà Malthace.

 

Trần Đình Tâm

gianggiaithanhkinh.net

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn