Thứ Bảy , 4 Tháng Năm 2024
Home / Tổng hợp / Thi Thiên 33:12

Thi Thiên 33:12

“Nước nào có Giê-hô-va làm Ðức Chúa Trời mình, Dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp mình có phước thay!”
THI THIÊN 33:12


Khi nói về sự thạnh vượng của Nam Triều-tiên, chắc có người sẽ lên tiếng hỏi: “Thế còn Nhựt-bản thì sao? Nhựt-bản đâu phải là một nước Tin-lành, vậy mà từ một nước nghèo nàn lạc hậu trong thế kỷ 19, nhờ gấp rút canh tân, Nhật-bản đã vượt lên hàng cường quốc quân sự và kinh tế của thế giới?”Xin thành thật thưa rằng tôi không phải là một nhà chánh-trị học hay kinh-tế học. Tôi không biết hết tất cả những yếu tố và nguyên nhơn làm cho một quốc gia được thạnh vượng. Tuy nhiên, trong vấn đề nầy, tôi đã học được từ nội dung của Lời Đức Chúa Trời những điều sau đây:

Thứ nhứt, Đức Chúa Trời ban sự thạnh vượng cho những quốc gia theo đạo Tin-lành. Nếu một mình Nam Triều-tiên được thạnh vượng thì tôi đã chẳng dám nói, song vì xuyên suốt lịch sử, bất kỳ quốc gia nào tiếp nhận Tin-lành thì đều được biến đổi và thạnh vượng.

Ngày nay, khi điểm qua các quốc gia có một số kha khá người theo đạo Tin lành, thì chúng ta thấy đều là những quốc gia thạnh vượng, và có mức sống cao. Chúng ta có thể kể đến Hoa kỳ, Gia-nã-đại, Úc, Tân Tây-lan, Anh quốc, Đức, Hòa-lan, Thụy-sĩ, Phần-lan, Đan-mạch, Thụy-điển, Na-uy. Gần đây, tại Châu Á, ngoài Nam Triều-tiên ra, Tân-gia-ba và Trung quốc Tin-lành cũng phát triển mạnh. Tại Trung quốc, năm mươi năm qua, số tín hữu Tin-lành đã tăng từ non hai triệu lên đến 120 triệu, theo thống kê Nhà nước.

Vì Tin-lành trực tiếp can thiệp đến sự thạnh vượng, mức sống và cả cuộc sống của một dân tộc, nên có hai sự kiện rất hay sau đây, đã nói lên nhiều ý nghĩa. Thứ nhứt, là theo sự ghi nhận của lịch sử, thì từ thời Thượng cổ cho đến nay, sự thạnh vượng hay suy thoái về đạo đức cũng như đời sống xã hội của một quốc gia, luôn luôn tương ứng và trùng hợp với sự thạnh suy của đạo Tin-lành trong quốc gia ấy. Thứ hai, ấy là tại các trại tỵ nạn, dầu ở Đông nam Á hay bán đảo Ban căng, dầu tỵ nạn chính trị hay di dân kinh tế, người tỵ nạn vẫn thích được định cư ở mấy nước chịu ảnh hưởng của đạo Tin-lành.

Thứ hai, sự thạnh vượng của những quốc gia không theo Tin-lành, thậm chí thù nghịch với Tin-lành, không phải là điều trái Kinh Thánh. Nhiều người có thể đưa ra sự thạnh vượng của một quốc gia mà Tin lành là thiểu số, như Nhật-bản chẳng hạn, để bác bỏ yếu tố thạnh vượng trong đạo Tin-lành. Nhưng tôi xin phép để giải thích như thế nầy: Vào cuối thế kỷ 20, Y-khoa đã chế ra một loại thuốc rất hay tên là Izoniazid (INH) để chữa trị hoàn toàn bệnh lao, một căn bệnh nan y. Tất nhiên, mọi người đều công nhận khả năng bài lao của Izoniazid, dầu rằng cũng có người đã được lành bệnh lao mà không hề uống Izoniazid, thậm chí cũng có người không hề dùng bất kỳ một loại thuốc nào mà cũng lành bệnh. Sự không dùng Izoniazid mà lành bệnh lao, không hề bác bỏ khả năng trị lao của Izoniazid.

Cũng thế, sự không theo Tin-lành mà thạnh vượng không hề bác bỏ khả năng biến đổi và làm cho thạnh vượng của đạo Tin lành. Thật ra, cho rằng Đức Chúa Trời chỉ ban thạnh vượng cho nước theo đạo Tin-lành là một ý niệm thô thiển. Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời từng ban sự cường thịnh cho nhiều đế quốc ngoại đạo, và dùng họ để hoàn tất chương trình của Ngài trong lịch sử. Vào những thời điểm nhất định nào đó, Đức Chúa Trời đã ban sự cường thịnh cho các đế quốc Ai-cập, A-si-ri, Ba-by-lôn, Ba-tư, Hy-lạp, La-mã…với những ý định và mục đích rất là rõ ràng.

Ngoài ra, Đức Chúa Trời cũng đãi ngộ với mỗi cá nhân hay mỗi quốc gia theo một số nguyên tắc rất công bình và rất minh bạch. Chẳng hạn như khi Ngài phán:

“Con có thấy người nào siêng năng trong công việc mình chăng?

Người ấy hẳn sẽ đứng ở trước mặt các vua, chớ chẳng phải ở trước mặt người hèn hạ đâu.” (Châm ngôn 22:29)

Đây là luật. Đối với một dân tộc siêng năng và hiếu học như người dân Nhật, Đức Chúa Trời cũng bị ràng buộc bởi sự thành tín Ngài, để ban sự thạnh vượng và phú cường theo như Lời Ngài đã phán.

Thứ ba, sự thạnh vượng và sự được phước không phải luôn luôn giống nhau. “Nước nào có Giê-hô-va làm Ðức Chúa Trời mình, Dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp mình có phước thay!” Thật ra, câu Kinh Thánh suy gẫm của chúng ta hôm nay nhấn mạnh đến sự được phước, mà sự thạnh vượng chỉ là một phần của sự được phước. Ngoài ra, phải nói rõ là có sự thạnh vượng có phước và sự thạnh vượng không có phước. Mục đích tối hậu của Đức Chúa Trời trên một quốc gia Tin-lành hay một tín hữu Tin Lành không phải là biến họ thành một quốc gia hùng cường hay một tín đồ giàu có, mà là biến họ thành một nguồn phước. Chúa thường ban sự thạnh vượng cho một quốc gia hay sự thạnh vượng của một cá nhân là để dùng sự thạnh vượng đó mà ban phước cho thế giới, song thỉnh thoảng Chúa cũng cho phép kẻ ác dấy lên là để dùng họ như những ngọn roi mà sửa phạt các dân tộc. Có sự khác biệt rõ ràng giữa sự thạnh vượng của A-si-ry và Ba-by-lôn với sự thạnh vượng của Hoa kỳ hay Canada. Có sự phân biệt rõ ràng giữa sự thạnh vượng của Hit-le và Sta-lin với sự thạnh vượng của Rockefeller và Billy Graham. Ước mong sự thạnh vượng của đất nước nầy, và của mỗi chúng ta đây sẽ là sự thạnh vượng có phước.

Mục-sư Dương Ðức Hiền 

Nguồn:

http://www.loichua.org

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn