Thứ Năm , 2 Tháng Năm 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Mục Sư Và Hội Thánh

Mục Sư Và Hội Thánh

Những Trông Đợi Giữa Hội Thánh và Mục Sư

Anh Nam mới vừa dọn vào một chung cư. Một ngày kia, anh đi làm về, gặp một người hàng xóm ở phòng kế bên đang hì hục đẩy một cái tủ khá nặng. Vì cái tủ quá lớn, chiếm gần hết chỗ của hành lang nhỏ, anh Nam nói với người hàng xóm “Để tôi giúp anh một tay nhé!” Hai người, một người đứng phía bên này cái tủ, người kia đứng phía bên kia, cùng nhau hì hục đẩy. Đẩy một hồi lâu mà cái tủ vẫn không nhúc nhích gì, anh Nam ngừng lại, lau mồ hôi trán và nói với người hàng xóm rằng, “Tôi nghĩ là mình phải kiếm thêm người giúp, vì cái tủ này nặng quá, tôi với anh không thể đẩy nó vào được đâu.” Người hàng xóm lúc này mới ngừng lại, nói với anh Nam, “Tôi đâu có đẩy cái tủ này vào đâu; tôi đang cố gắng đẩy nó ra khỏi phòng tôi mà!”

Câu chuyện trên cho thấy nhiều khi công việc chúng ta làm gặp nhiều trở ngại vì không thông tin với nhau và vì không hiểu rõ ràng công việc chúng ta đang làm. Trong các hội thánh Việt Nam ngày hôm nay, biết bao mục sư đang đẩy cái tủ vào trong khi hội thánh thì lại muốn đẩy cái tủ ra. Cả hai bên đều rất thật lòng yêu mến Chúa và muốn hội thánh phát triển. Nhưng vì không thông cảm nhau và nhất là không hiểu rõ những điều trông đợi hay kỳ vọng (expectation) đối với nhau, công việc Chúa tại các hội thánh dễ gặp trở ngại và mối quan hệ giữa mục sư và hội thánh dễ gặp khó khăn. Bài viết của Tiến sĩ Homer A. Kent, Phó Viện Trưởng của đại chủng viện Grace Theological Seminary ở Winona Lake, Indiana, với tựa đề là “Trách nhiệm và bổn phận giữa mục sư và hội thánh” (Obligations of Pastor and Congregation to

Each Other), đăng trong tạp chí thần học Bibliotheca Sacra, V124#496, in tháng 10 năm 1967, trình bày một cách rõ ràng nan đề này. Tuy bài viết đã lâu nhưng nội dung vẫn còn rất thích hợp cho các hội thánh ngày hôm nay, nhất là cho các hội thánh Việt Nam trong Liên Hội Báp-tít chúng ta. Người viết xin được dùng các ý của tác giả bài trên và áp dụng vào các hội thánh chúng ta trong hoàn cảnh hiện nay, sau đó đưa ra một vài đề nghị để góp phần giải quyết nan đề này.

 

I.  NHỮNG ĐIỀU HỘI THÁNH TRÔNG ĐỢI TỪ MỤC SƯ

 

Sứ đồ Phao-lô viết cho người mục sư trẻ tuổi Ti-mô-thê trong sách I Ti-mô-thê 6:11 rằng, “Nhưng, hỡi con, là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi, mà tìm điều công bình, tôn kính, đức tin, yêu thương, nhịn nhục, mềm mại.” Theo danh vị là người của Đức Chúa Trời, hội thánh có quyền trông chờ mục sư của mình làm những điều sau đây:

 

  1. Hội Thánh trông đợi Mục sư rao giảng lời Chúa. Ba lần Chúa Giê-su ra lệnh cho Phi-e-rơ, “Hãy chăn chiên ta!” (Giăng 21:15) Phao-lô bảo Ti-mô-thê, “Hãy giảng đạo, dù gặp thời hay không gặp thời.” (II Ti-mô-thê 4:2) Phao-lô cũng khuyên các trưởng lão hội thánh Ê-phê-sô, “Anh em hãy giữ lấy mình, mà luôn cả bầy mà Đức Thánh Linh đã lập anh em làm kẻ coi sóc, để chăn hội thánh của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã mua bằng chính huyết mình.” (Công Vụ 20:28) Đây là thiên chức quan trọng nhất của người mục sư trong hội thánh. Mọi việc khác các con cái Chúa đều có thể làm thay cho mục sư, duy chức vụ rao giảng lời Chúa là sự kêu gọi đặc biệt của mục sư. Vì thế, hội thánh cần phải thấy mục sư của mình rao giảng lời Chúa một cách ngay thật và trung tín. Một vị mục sư Mỹ lão thành đến giảng thay cho mục sư quản nhiệm đi nghỉ hè. Sau khi giảng xong, các vị chấp sự hội thánh tâm sự với vị mục sư này, “Chúng tôi muốn nhờ mục sư cố vấn dùm cho mục sư chúng tôi vì ông không có thì giờ soạn bài giảng. Chúa nhật nào cũng vậy, chúng tôi đến thờ phượng Chúa như là những con chiên đến người chăn chiên để được ban cho thức ăn, nhưng Chúa nhật nào chúng tôi cũng ra về bụng trống không, vì mục sư của chúng tôi không có gì để cho chúng tôi ăn cả!” Xin đừng để con cái Chúa ra về sau thờ phượng, học Kinh thánh hay nhóm cầu nguyện mà bụng họ lại trống không vì mục sư không có gì để nuôi họ cả.

 

  1. Hội Thánh trông đợi Mục sư có tâm tình của người chăn bầy. Ý nghĩa của chữ chăn bầy bao gồm việc hiểu rõ và thông cảm với các con chiên, chăm sóc và yêu mến chiên. Chữ “mục sư” (pastor, poimen trong Hy-văn) bao gồm ý nghĩa này. Tấm gương Chúa Giê-su trà trộn với dân chúng, chăm sóc họ với thức ăn, chữa bệnh cho họ, cầu nguyện cho họ, là tấm gương mà các vị mục sư cần phải noi theo. Có người nói mỉa mai rằng, “mục sư chúng tôi cả tuần thì không thấy mặt, còn Chúa nhật thì ổng giảng chúng tôi chẳng hiểu gì!” Mục sư cần phải yêu mến các em nhỏ, thân cận với các vị trung niên và chăm sóc các con cái Chúa lớn tuổi trong hội thánh. Mặc dù ngày hôm nay với đời sống bận rộn và nhiều lo lắng, phần đông các hội viên rất mong muốn được thăm viếng và chăm sóc bởi mục sư của mình. Nếu chúng ta thăm viếng và chăm sóc chu đáo, ngày Chúa nhật con cái Chúa sẽ nhóm đông đủ và bài giảng của mục sư sẽ thực tế hơn vì đáp ứng các nhu cầu con cái Chúa mà mục sư đã biết đến khi thăm viếng và chăm sóc họ.

 

  1. Hội Thánh trông đợi Mục sư có đời sống cá nhân gương mẫu. Chữ Phao-lô hay dùng trong các sách ông viết là chữ “tin kính” (godliness). Ông khuyên Ti-mô-thê trong I Ti-mô-thê 4:7, “Hãy tập tành sự tin kính.” Trong hoàn cảnh các linh mục Công Giáo bị tố cáo lạm dụng tình dục ngày hôm nay, đây là một vấn đề các vị mục sư cần phải đề phòng cẩn thận. Trong I Ti-mô-thê 3:2, một trong những tiêu chuẩn của người mục sư là “cần phải không chỗ trách được.” Những tật xấu như uống rượu, hút thuốc, cờ bạc thì dĩ nhiên là không thể chấp nhận được. Tuy vậy, có những tật xấu khác mà không ai biết, chỉ có Chúa mới biết, thì người mục sư cần phải tránh xa, có đời sống tin kính gương mẫu, xứng đáng với chức phận cao quý của mình. Có một mục sư thích ăn đồ biển và thường hay đến ăn đồ biển tại một nhà hàng có đánh bài (casino), mặc dù ông không hề đánh bài. Một lần kia, một em bé trong hội thánh nói với mục sư, “Hôm qua, ba má chở con đi dạo mát, chúng con thấy mục sư ở nhà hàng đánh bài.” Từ đó, vị mục sư này không đến nhà hàng đó nữa, mặc dù không làm điều gì xấu, nhưng có thể gây hiểu lầm và vấp phạm cho tín đồ.

 

  1. Hội Thánh trông đợi Mục sư có lòng mềm mại và kiên nhẫn. Sẽ có nhiều lúc và nhiều việc làm cho mục sư bực mình và dễ tức giận. Đáng buồn là có nhiều tín đồ thích chọc giận mục sư, đây là thú vui của họ. Mục sư đề nghị gì cũng bị bác bỏ. Nhiều tín đồ có lối sống buông thả, lì lợm với Chúa, mặc dù mục sư hết lòng chăm sóc và khuyên can. Đây là lúc mà mục sư cần phải thể hiện đức tính tự chủ, mềm mại và tiết độ (self-control). Đây cũng là một trong chín đặc tính của trái Đức Thánh Linh. Khi mục sư nổi giận, la hét hay cãi vả, hậu quả là uy tín sẽ bị tổn thương và công việc Chúa sẽ bị trì trệ. Có người giữ tính mềm mại khi gặp hoàn cảnh làm mình nổi giận là nghĩ trong đầu đến những hình ảnh đẹp như là bờ biển yên tĩnh, núi cao hùng vĩ, đồng ruộng an bình, để khỏi bùng nổ vì giận dữ. Tín đồ giận dữ nói bậy bạ, sau đó xin lỗi thì được bỏ qua, nhưng khi mục sư giận dữ, những lời nói hay hành động không lấy lại được, làm chức vụ mình trở nên vô hiệu quả.

 

  1. Hội Thánh trông đợi Mục sư rộng rãi trong sự dâng hiến. Không có gì tệ hơn là mục sư kêu gọi hội thánh dâng phần mười, còn mình thì không làm như vậy. Có thể là tín đồ không biết, nhưng thủ quỹ biết, mục sư biết và nhất là Chúa biết. Mục sư cần phải làm gương trong sự rộng rãi dâng hiến cho công việc Chúa. Tiếc thay là các hội thánh Việt Nam rất bủn xỉn trong việc trả lương cho mục sư, giữ mục sư của mình dưới mức lương nghèo đói (poverty level) để gia đình mục sư “nương tựa vào Chúa nhiều hơn.” Có nhiều hội thánh nói với người viết bài này, “Hội thánh chúng tôi tìm mục sư đã lâu nhưng không có!” Tôi muốn nói với họ rằng, câu trả lời nằm ở trong căn nhà mới họ ở, cái xe mới họ đi, những chuyến đi nghỉ hè hay về Việt Nam của họ, còn lương cho mục sư thì quá ít, dâng hiến cho Chúa thì èo uột, trả lương ít nhưng lại muốn “mua một tặng hai hay ba” (bà mục sư và các con phải làm việc không công). Một trong những điều các hội thánh Việt Nam sẽ phải trả lời khi đối diện với Chúa một ngày kia là, “Tại sao các ngươi lại đối xử quá tệ với các đầy tớ của ta?” Dẫu vậy, trong hoàn cảnh nào, mục sư cũng cần có lòng dâng hiến rộng rãi cho công việc Chúa, làm gương tốt cho các tín đồ.

 

  1. Hội Thánh trông đợi Mục sư có tinh thần học hỏi. Khi Phao-lô bị giam ở thành Rô-ma, đợi ngày bị tử hình, ông vẫn muốn học lời Chúa. Ông bảo Ti-mô-thê hãy đem đến cho ông “những sách vở, nhất là những sách bằng giấy da.” Lời Chúa bao la, càng học càng thấy phải học thêm. Ngày nào mà mục sư nói rằng mình đã học đủ rồi, đó là ngày mà ông bắt đầu thụt lùi trong chức vụ của mình. Mục sư cần phải luôn trau giồi nghiên cứu các tài liệu phương pháp giảng dạy có hiệu quả và thu hút hơn, để cho sự rao giảng và dạy Kinh thánh của mình được kết quả tốt cho Chúa. Mục sư cần biết rõ Kinh thánh và theo dõi các tin tức mới nhất để có thể là nhịp cầu nối liền Kinh thánh được viết ra cách đây hai ngàn năm và hoàn cảnh hôm nay của thế kỷ thứ 21.

 

  1. Hội Thánh trông đợi Mục sư được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Nếu không có Đức Thánh Linh thì lời mục sư nói cũng chỉ là lời của một người nói mà thôi. Tâm linh mục sư cũng như cái bình: nếu bình trống thì chứa đầy không khí, nhưng nếu bình đựng nước thì không khí tự động bị đẩy ra ngoài. Có Thánh Linh trong lòng có nghĩa là có Chúa ở cùng, như thế sứ điệp cứu rỗi của mục sư mới có hiệu quả. Khi chúng ta ở trong vườn hoa hồng một thời gian lâu, khi ra khỏi chỗ đó, mùi thơm hoa hồng vẫn còn vương vấn với chúng ta một thời gian. Ở gần Chúa Thánh Linh thì thế nào cũng có mùi hương của Ngài trong đời sống

chúng ta, và những người nghe lời giảng sẽ nhận thấy điều đó.

 

II.  NHỮNG ĐIỀU MỤC SƯ TRÔNG ĐỢI TỪ HỘI THÁNH

 

Mối quan hệ giữa mục sư và hội thánh là mối quan hệ hai chiều và hỗ tương. Mục sư không thể thành công được nếu không có sự ủng hộ từ hội thánh. Hội thánh không thể phát triển được nếu không có sự ủng hộ từ mục sư. Một sự hợp tác hoàn toàn giữa mục sư và hội thánh là điều không thể thiếu được cho sự thành công của công việc Chúa tại hội thánh địa phương. Như vậy, mục sư cũng có những điều ông trông đợi từ hội thánh. Trong lãnh vực này, sách Phi-líp đoạn 1 cho chúng ta vài điều học hỏi.

  1. Mục sư trông đợi Hội Thánh trưởng thành trong đức tin của họ. Câu 6 nói rằng, “tôi tin chắc rằng Đấng đã khởi làm việc lành trong anh em, sẽ làm trọn hết cho đến ngày của Đức Chúa Giê-su Christ.” Khi mục sư trung tín rao giảng lời Chúa, ông có quyền trông đợi con cái Chúa áp dụng lời Chúa trong đời sống họ và lớn lên trong đức tin. Các em bé lớn lên một cách tự nhiên khi các em a) không ăn những chất độc, và b) ăn những thức ăn bổ dưỡng. Con cái Chúa cũng vậy. Mục sư trông chờ họ a) không ăn những thức ăn độc hại cho tâm linh, và b) ăn những thức ăn thuộc linh của Chúa. Buồn thay tại các hội thánh Chúa hôm nay, số người thuận phục lời Chúa thì ít mà số người “nghe qua rồi bỏ, tự lừa dối chính mình” thì nhiều. Vì thế, họ èo uột về phần tâm linh, gây trở ngại cho hội thánh Chúa, nhất là khi vì lâu năm nên nắm giữ những chức vụ quan trọng trong hội thánh.

 

  1. Mục sư trông đợi Hội Thánh kềm giữ tinh thần chỉ trích lẫn nhau. Câu 9 nói rằng, “Lại, điều tôi xin trong khi cầu nguyện, ấy là lòng yêu thương của anh em càng ngày càng chan chứa hơn, trong sự thông biết và sự suy hiểu.” Từ câu này, chúng ta có thể hiểu rằng nếu có điều gì cần phải xây dựng với nhau, lời nói cần phải đặt căn bản trên tình yêu thương và xây dựng lẫn nhau. Trong Ê-phê-sô 4:15, sứ đồ Phao-lô kêu gọi các tín đồ hội thánh Ê-phê-sô hãy “lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chơn thật” (speak the truth in love). Giữa các tín đồ với nhau còn như vậy, huống chi là đối với đầy tớ Chúa. Thế mà cũng có những tín đồ có cuốn sổ, lúc nào cũng cầm theo, ghi xuống những “lỗi và thiếu sót” của mục sư. Họ thường hay “phun nọc độc” trong các buổi họp hay thầm thì nói xấu mục sư. Họ quên câu nói “hàm huyết phún nhân, tiên ô ngã khẩu” (ngậm máu phun người, dơ miệng mình trước). Có nhiều hội thánh đứng núi này trông núi nọ, có mục sư rồi thì lại muốn có mục sư khác nổi tiếng hơn. Thay vì cầu nguyện và giúp đỡ mục sư của mình, họ muốn thay mặt Đức Chúa Trời mà tái bố trí các đầy tớ của Ngài bằng cách đẩy mục sư mình đi và câu mục sư của hội thánh khác đến. Hội thánh cần phải tránh chỉ trích lẫn nhau và chỉ trích mục sư. Khi chúng ta thật sự yêu thương nhau, thì những lời chúng ta nói, dù không vui, vẫn không làm mích lòng nhau.

 

  1. Mục sư trông đợi Hội Thánh chấp thuận những ý kiến hợp với Kinh Thánh. Có nhiều hội thánh áp dụng chính sách “Dù ai nói ngã nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.” Mục sư có ý kiến nào cũng bị bác cả, vì đó không phải là ý kiến của một nhân vật thế lực nào đó. Trong câu 10, Phao-lô nói, “để nghiệm thử những sự tốt lành hơn,” có nghĩa là suy nghĩ và biết điều nào cần được chấp thuận, nhất là khi mục sư là người đưa ra ý kiến đó. Chiếc tàu nào cũng chỉ có một thuyền trưởng mà thôi, những người khác hỗ trợ và giúp đỡ cho thuyền trưởng đưa tàu đến nơi bình an. Mục sư có nhiệm vụ lãnh đạo hội thánh với sự hỗ trợ và giúp đỡ của các chấp sự và con cái Chúa. Thay vì giúp đỡ mục sư làm tròn nhiệm vụ, có những hội thánh có nhiều Đi-ô-trép (3 Giăng 1:9) tự xưng là lãnh đạo, dành tay lái của thuyền trưởng, làm hội thánh đảo điên và Chúa buồn lòng. Khi Chúa giao nhiệm vụ hướng dẫn hội thánh cho mục sư, hãy giúp họ hoàn thành nhiệm vụ và yểm trợ nhau để phát triển hội thánh Chúa. Ai cũng có thể đóng góp ý kiến cả, nhưng ý kiến của mục sư, với sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh và kinh nghiệm của ông, cần được tôn trọng và cứu xét cẩn thận.

 

  1. Mục sư trông đợi con cái Chúa sống thanh sạch. Trong câu 10b, “hầu cho anh em được tinh sạch không chỗ trách được, cho đến ngày Đấng Christ.” Đời sống tinh sạch trước mặt Chúa phải được bày tỏ qua hành động cụ thể như né tránh thú vui của thế gian, tìm kiếm sự công bình của Chúa, đi với Chúa mỗi ngày, phục vụ Chúa qua hội thánh địa phương. Nhiều con cái Chúa ngày hôm nay lười biếng nhóm thờ phượng; họ viện đủ mọi lý do. Khi chúng ta xét lại đời sống mình thì sẽ tìm thấy lý do tại sao không có thì giờ cho Chúa: vì chúng ta dùng quá nhiều thì giờ cho thế gian này. Lê-vi-ký 19:2 nói rằng, “Hãy nên thánh, vì ta Giê-hô-va Đức Chúa Trời các người, vốn là thánh.” Phao-lô gọi các tín đồ là “thánh đồ,” như thế chúng ta phải sống xứng đáng với chức phận của mình.

 

  1. Mục sư trông đợi con cái Chúa áp dụng lời Chúa trong đời sống hàng ngày. Câu 11 nói rằng, “được đầy trái công bình đến bởi Đức Chúa Giê-su Christ, làm cho sáng danh và khen ngợi Đức Chúa Trời.” Đây là mục đích của chức vụ chăn bầy của mục sư. Đây cũng là niềm vui của người hầu việc Chúa. Không có gì nản cho bằng các con cái Chúa nghe lời Chúa nhưng lại không áp dụng trong đời sống của họ. Có người nghe lời Chúa bao nhiêu năm, đến khi gặp khó khăn thì cư xử y như người chưa biết Chúa bao giờ. Mục sư trông chờ con cái Chúa bày tỏ các đặc tính của trái Đức Thánh Linh như là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ trong đời sống của họ. Quý vị có thấy những bông trái này trong đời sống mình chăng? Xin đừng làm buồn lòng Chúa và nản lòng người hầu việc Chúa. Hê-bơ-rơ 13:7 viết như sau, “Hãy nhớ những người dắt dẫn mình, đã truyền đạo Đức Chúa Trời cho mình; hãy nghĩ xem sự cuối cùng đời họ là thể nào, và học đòi đức tin họ.”

 

III. MỘT VÀI ĐỀ NGHỊ

 

Khi xem xét các điều trông đợi giữa hội thánh và mục sư, chúng ta sẽ tự hỏi làm thế nào để góp phần trang bị các mục sư và các hội thánh để cả hai đều thông cảm và hợp tác với nhau một cách tốt đẹp. Câu trả lời gồm ba phần: trở nên, học biết, và thực hành (to become, to know, to do). Mọi con cái Chúa đều phải trở nên giống như Chúa Giê-su ngày càng hơn: mới tin Chúa thì chưa giống Chúa lắm, tin Chúa lâu năm thì phải giống Chúa nhiều hơn. Việc này đòi hỏi sự tái sinh, đầy dẫy Đức Thánh Linh, có bông trái Đức Thánh Linh, v.v. Học biết là đọc và học Kinh thánh để được đổi mới bằng lời của Chúa và biết mình phải làm gì. Thực hành là bày tỏ đức tin bằng hành động cụ thể như kính Chúa yêu người, góp phần xây dựng hội thánh, đi ra nói về Chúa cho nhiều người. Các nghiên cứu về sự phát triển của các hội thánh tại Nam Hàn, Trung Quốc, và Indonesia cho biết họ nhấn mạnh đến sự trở nên, học biết, và thực hành trong đời sống tín đồ.

 

Trên bình diện trang bị cho mục sư và các hội thánh (học biết), Viện Thần Học Báp-tít Việt Nam (Vietnamese Baptist Theological School, VBTS) đã được thành lập qua sự ủy nhiệm của Đại hội 2001. Đây là một chương trình quy mô của Liên Hội Báp-tít chúng ta để đẩy mạnh công tác huấn luyện đầy tớ và con cái Chúa theo cấp số nhơn. Sử dụng các phương tiện kỹ thuật như là video và Internet, các lớp học ở các hội thánh địa phương được dạy bởi các giáo sư chuyên môn lãnh vực đó, mặc dù ở xa nhưng không cần phải bay đi bay về nhiều lần. Viện Thần Học đang đào tạo nhiều nhân sự tại Việt Nam, nhưng tại Hoa kỳ và Canada số học viên không nhiều vì các hội thánh chưa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự học biết trong đời sống Cơ-đốc nhân. Quý mục sư và con cái Chúa nên thu xếp thì giờ theo học các môn học tại Viện Thần Học để họ có thể “trở nên, học biết, và thực hành” đức tin của mình, trực tiếp giúp hội thánh phát triển, qua đó mở rộng Nước Chúa trên thế gian này.

 

Mối quan hệ tốt đẹp giữa mục sư và hội thánh là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của hội thánh. Muốn có mối quan hệ tốt đẹp này, cả mục sư và hội thánh cần hiểu rõ những sự trông đợi của nhau, và đồng lòng giúp đỡ nhau hoàn thành trách nhiệm và bổn phận của mình. Như thế, hội thánh sẽ được Chúa ban phước và cả hai bên đều vui thỏa, cùng nhau phục vụ Chúa trong tình yêu thương và giúp đỡ nhau. Viện Thần Học Báp-tít Việt Nam là một phần của đáp số này. Nguyện xin danh Chúa được cả sáng qua Liên Hội Báp-tít Việt Nam và các hội thánh Báp-tít Việt Nam ở khắp mọi nơi. A-men.

 

Mục sư Trần Lưu Chuyên ([email protected])

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn