Thứ Bảy , 4 Tháng Năm 2024
Home / Tổng hợp / Cầu Nguyện Trước Hết

Cầu Nguyện Trước Hết

Mục Sư Rick Warren

pray
“Sau các việc này, xảy có dân Mô-áp, dân Am-môn, và những người Mao-nít ở cùng họ, kéo đến đặng đánh giặc với Giô-sa-phát.  Giô-sa-phát sợ hãi, rắp lòng tìm cầu Đức Giê-hô-va, và rao khắp xứ Giu-đa phải kiêng ăn một ngày.” (II Sử ký 20:1,3 – BTT)

Có những lúc dường như nghịch cảnh xảy ra dồn dập với bạn.  Brian Hice, sống ở Provo, Utah, từng có một ngày như thế.  Đầu tiên, căn hộ của anh bị ngập lụt vì ống nước trong căn hộ ở phía trên nhà anh bị vỡ.  Khi anh đi thuê máy hút nước thì nhận ra bánh xe bị xẹp.  Anh phải thay bánh xe và vào trong nhà một lần nữa để gọi điện nhờ bạn đến giúp.  Nhưng khi đang đứng trong căn nhà ngập nước và chộp lấy chiếc điện thoại, anh bị điện giật hoảng hốt đến nổi vô tình giật chiếc điện thoại ra khỏi tường. Trước khi chuẩn bị ra khỏi nhà, nước ngập làm cho cánh cửa nở ra và đóng chặt lại, và anh phải kêu cứu nhờ người hàng xóm đến và xô nó xuống.  Trong lúc này thì chiếc xe hơi của Brian lại bị ai đó đánh cắp.  Tối hôm đó, anh đi dự buổi lễ quân sự ở trường đại học và lại bị thương nặng khi vô tình ngồi lên lưỡi lê ai đó đã vứt lên ghế trước của chiếc xe.  Các bác sĩ có thể may vết thương của anh lại, nhưng không ai có thể làm hồi tỉnh bốn con chim hoàng yến của Brian đã bị đè bẹp bởi khối thạch cao rơi xuống từ trần nhà căn hộ ngập nước.  Khi trở lại trường đại học, anh lại bị trượt trên tấm thảm ướt và bị thương vùng xương cụt. Brian nói anh bắt đầu tự hỏi có phải “Chúa muốn tôi chết nhưng Ngài đã “giết hụt” hay không.”

Bạn đã bao giờ có một ngày như thế?  Bạn làm gì khi phải đối diện với vô vàn vấn đề xảy ra dồn dập không thể vượt qua như vậy?

Trước khi làm bất cứ việc gì, bạn nên đến trực tiếp với Chúa.  Hãy thưa với Chúa: “Chúa ơi, chuyện này quá sức của con!” và hãy hỏi Chúa: “Chúa ơi, Ngài nghĩ gì về tình huống này?”  Tầm nhìn của bạn là hữu hạn còn tầm nhìn của Chúa là vô hạn, vì thế Ngài có thể nhìn thấy điểm bắt đầu và điểm kết thúc.  Cùng một lúc, Ngài có thể nhìn thấy quá khứ, hiện tại và tương lai.  Bạn cần nhìn thấy bức tranh lớn hơn để có thể hiểu rõ vấn đề thực sự dường như quá sức đối với bạn ngay lúc này là gì.

Chúng ta thường xem sự cầu nguyện là phương sách cuối cùng hơn là suy nghĩ trước tiên của chúng ta.  Sự cầu nguyện thường là điều bạn làm sau cùng sau khi đã thử mọi cách khác.  Nhiều người hay nói: “Tôi nghĩ tất cả những gì chúng ta có thể làm lúc này là cầu nguyện!”, giống như đó là sự chọn lựa cuối cùng của họ.

Sự cầu nguyện nên là sự lựa chọn trước tiên chứ không phải phương sách sau cùng của bạn.  Nếu bạn muốn Chúa giúp đỡ mình vượt qua nghịch cảnh trong bất cứ lĩnh vực nào của cuộc sống, thì bạn phải tìm kiếm Ngài trước tiên.

II Sử ký 20:1,3 có chép: “Sau các việc này, xảy có dân Mô-áp, dân Am-môn, và những người Mao-nít ở cùng họ, kéo đến đặng đánh giặc với Giô-sa-phát. Giô-sa-phát sợ hãi, rắp lòng tìm cầu Đức Giê-hô-va, và rao khắp xứ Giu-đa phải kiêng ăn một ngày.” (BTT).  “Các việc này” ở đây là một cơn phấn hưng lớn khắp đất nước, một cuộc tỉnh thức thuộc linh.  Có một thời kỳ cực thịnh vượng và phước hạnh trong xứ, và chẳng bao lâu sau chiến tranh xảy ra.

Sau chiến thắng có thể đến thời kỳ suy thoái.  Và mỗi phước hạnh đều có một thử thách cặp theo.  Có thể bạn lúc này bạn không đang ở trong một trận chiến, nhưng bạn sẽ phải đối diện với nó ngày mai, ngày mốt, hoặc  ngày sau đó.  Bạn nên trông chờ phước hạnh đến trong cuộc đời, nhưng bạn cũng cần dự kiến những chiến trận sẽ xảy đến trong cuộc đời mình.  Bạn sẽ gặp những thời điểm khó khăn trong đời.

Nhưng bạn đừng bao giờ cho phép một hoàn cảnh bất khả thi nào đe dọa mình.  Hãy khiến nó trở thành động lực thúc đẩy bạn cầu nguyện nhiều hơn và tìm kiếm Chúa trước hết.

Thảo luận

Những hoàn cảnh dường như bất khả thi nào bạn đang đối diện hôm nay?

Bạn thường đi đâu khi gặp khó khăn? Ai là người bạn muốn nói chuyện trước tiên?

Xin Chúa Thực Hiện Lại Lần Nữa

Logo HH Media
“Giô-sa-phát đứng trong hội chúng Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, tại trong đền của Đức Giê-hô-va, trước hành lang mới, mà cầu nguyện.” (II Sử ký 20:5-6a – BTT)

Không có nan đề nào quá lớn hay quá nhỏ mà bạn không thể cầu nguyện với Chúa.  II Sử ký 20:5-6 có chép: “Giô-sa-phát đứng trong hội chúng Giu-đa và Giê-ru-sa-lem, tại trong đền của Đức Giê-hô-va, trước hành lang mới, mà cầu nguyện.”  Đó là một việc làm tốt!

Khi đối diện với nghịch cảnh dồn dập, điều quan trọng là bạn cần cầu nguyện theo một cách khác với cách bạn thường làm.  Giô-sa-phát cho chúng ta một khuôn mẫu gồm ba điều bạn cần cầu nguyện khi bạn cảm thấy mọi việc dường như quá sức.

1. Nhắc mình nhớ lại Chúa là ai.  “Lạy Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ chúng tôi! Ngài há chẳng phải là Chúa ở trên các từng trời sao?  Há chẳng phải Đấng quản trị muôn dân muôn nước sao?  Ở nơi tay Chúa có quyền thế năng lực, chẳng ai chống trả Chúa cho nổi.” (II Sử ký 20:6 – BTT). Trước khi nói chuyện với Chúa về nan đề của bạn và tập trung vào vấn đề đó, bạn hãy nhắc mình nhớ rằng Chúa lớn hơn vấn đề mà bạn đang đối diện. Vua Giô-sa-phát ý thức rằng ba quốc gia thù nghịch đang tiến đến đánh mình, nhưng ông dừng lại và nói rằng: “Chúa ôi! Ngài vĩ đại hơn tất cả mọi nước.  Ngài lớn hơn tất cả bất cứ điều gì con sẽ đối diện.”

2. Nhắc mình nhớ lại những việc Ngài đã làm trong quá khứ.  Hãy nghĩ về những lần Ngài đã giúp đỡ bạn và những phép lạ Ngài đã thực hiện trong đời sống bạn. “Ngài há chẳng phải đã đuổi dân ở xứ này khỏi trước mặt dân Y-sơ-ra-ên của Ngài, mà ban xứ ấy cho dòng dõi Áp-ra-ham, là bạn hữu Chúa, làm sản nghiệp đời đời sao?” (II Sử ký 20:7 – BTT).  Vua Giô-sa-phát nhớ lại tất cả những việc Chúa đã làm trong quá khứ cho dân Y-sơ-ra-ên.

3. Xin Chúa giúp đỡ lúc này. Xin Chúa thực hiện lại những điều đó, Chúa ôi!  Xin Chúa làm nữa!  Trong câu 9, vua Giô-sa-phát đề cập đến ba hoàn cảnh: chiến tranh, dịch lệ và đói kém. Ông nói: “Không có điều nào là quá khó với Ngài cả.  Ngài đã từng giúp chúng con trong quá khứ, xin Chúa hãy giúp chúng con nữa!”

Lời cầu nguyện của ông được xây dựng tập trung xung quanh ba câu hỏi: Ngài há không phải như vậy sao?  Ngài đã chẳng làm sao?  Ngài sẽ chẳng làm nữa sao?

“Ngài há chẳng phải là Đức Chúa Trời sao?”  Phải, Ngài chính là Đức Chúa Trời, và Ngài đủ vĩ đại để giải quyết việc này.

“Há chẳng phải Ngài đã từng giúp đỡ chúng con trong quá khứ sao?”  Phải, Ngài đã từng giúp đỡ chúng con trong quá khứ.

“Ngài há không khứng làm lại việc đó sao?”  Phải, Ngài sẽ làm lại việc đó!

Đó là cách bạn cần nên cầu nguyện khi cảm thấy quá sức.  Bất chấp hoàn cảnh gì, trước hết, hãy nhắc lại chính mình Chúa là ai, những việc Ngài đã làm, và sau đó cầu xin Ngài thực hiện việc đó nữa.  Một khi bạn làm như thế thì bạn sẵn sàng để nói về nan đề của mình.

Thảo luận

Việc nhớ lại rằng Chúa lớn hơn những nan đề của bạn sẽ giúp thay đổi cách nhìn của bạn về vấn đề khó khăn mà ban đang đối diện như thế nào?

Sự khác nhau trong việc cầu nguyện trong sự trông đợi là gì? Ba câu hỏi về Chúa có thể giúp bạn cầu nguyện trong sự trông cậy như thế nào?   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn