Thứ Bảy , 4 Tháng Năm 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Vấn Đề Với “Lẽ Thật”

Vấn Đề Với “Lẽ Thật”

Kinh Thánh Là Quyển Sách Hấp Dẫn

Vấn đề với “lẽ thật”

Từ thời của Kant cho đến ngày nay, gần như mọi người ở Phương Tây đều tin rằng tâm trí diễn giải các giác quan, đem lại kết quả là “tri thức.” Khi tâm trí của chúng ta diễn giải các ký hiệu toán học, chúng ta có được kiến thức toán. Khi đôi mắt chúng ta truyền đạt những ấn tượng từ một buổi hoàng hôn, chúng ta có được kiến thức về tự nhiên. Khi lý trí của chúng ta diễn giải từ ngữ trong Kinh Thánh được đọc qua đôi mắt, chúng ta có được kiến thức Kinh Thánh. Chúng ta tưởng rằng mọi người đều hiểu lẽ thật trong Kinh Thánh có tính khách quan và có thẩm quyền, nhưng chúng ta đã sai.

Đây là vấn đề: tâm trí và các giác quan của tôi có tính cá nhân và chủ quan. Những ấn tượng do giác quan của tôi cảm nhận có thể khác biệt với những ấn tượng của bạn. Cũng vậy, tâm trí của tôi có thể diễn giải những dữ liệu đó khác đi so với điều mà tâm trí bạn diễn giải. Tôi có thể nói bàn phím máy vi tính của tôi có màu “đen” nhưng bạn có thể nói nó màu “xám”. Ai là người quyết định điều nào đúng? Tôi không thể tuyên bố thẩm quyền khách quan đối với những điều tôi “biết,” và bạn cũng vậy. Trong khi thế giới “hiện đại” (từ thời Cải Chánh cho đến khoảng những năm 1960) tin rằng lẽ thật có tính khách quan, thì thế giới “hậu hiện đại” (sau những năm 1960) lại không tin điều đó. Đó chính là thời đại mà chúng ta đang sống và được kêu gọi để chinh phục các linh hồn cho Đấng Christ.

Có lẽ bạn đã đến Cầu Cổng Vàng tại San Francisco. Nếu bạn sống tại khu vực đó, có lẽ bạn sẽ biết rằng cây cầu được xây băng ngang qua nơi Đứt Gãy San Andreas. Song đó lại là một trong những nơi an toàn nhất khi có động đất xảy ra. Lý do là vì các cột móng của chiếc cầu được đưa sâu xuống tầng đá nền và được cố định tại đó. Khi nào các then cài vẫn còn giữ chặt các cây cột cố định với tầng đá nền, khi đó cây cầu vẫn còn đứng vững vàng.

“Thế giới Hậu hiện đại” chủ trương rút những chiếc then cài khỏi những trụ cột của thế giới “hiện đại” về lẽ thật khách quan, rút từng chiếc một. Hãy xem những chiếc cờ-lê để tháo các then ấy hoạt động như thế nào.

Chúng ta bắt đầu với Friedrich Nietzsche (1844-1990), người đi tiên phong trong triết học hậu hiện đại.6 Nhà phê bình niềm tin Cơ Đốc này tin rằng thế giới được tạo nên từ những mảnh vụn riêng lẻ mà tâm trí của chúng ta tái cấu trúc thành một quan điểm liền mạch về “thực tại.” “Lẽ thật” thu nhận được chỉ là một điều hư cấu tiện lợi mà ngôn ngữ của chúng ta tạo nên.7

Chẳng hạn như, không có điều gì gọi là lá cây, chỉ có điều gọi là chiếc lá đơn lẻ. cây cân nặng bao nhiêu? Lá cây có màu gì? Chúng ta biến một cá thể riêng biệt gọi là chiếc lá thành một thể loại trừu trượng là cây, là điều chỉ tồn tại trong kiến thức chủ quan của chúng ta. Theo Nietzsche, mọi “lẽ thật” phổ thông đều được tiếp thu theo cùng một cách. Chúng ta tạo ra những nguyên tắc trừu tượng từ những kinh nghiệm cụ thể. Nhưng những thực tại tuyệt đối mang tính trừu tượng đó chỉ mang tính chủ quan, cá nhân, và không có tính ràng buộc.

Cũng vậy, Friedrich Schleiermacher (1768-1834) tin rằng bản văn Kinh Thánh không phải là lẽ thật khách quan nhưng là sự phản ánh kinh nghiệm của tác giả. Vậy theo quan điểm của ông, Kinh Thánh là một cuốn nhật ký tôn giáo, một bộ sưu tập những niềm tin chủ quan.8 Ông định nghĩa tôn giáo là cảm giác tin cậy hoàn toàn, một kinh nghiệm cá nhân hơn là lẽ thật phổ thông, khách quan. Chúng ta không nên tập trung quá nhiều vào Cơ Đốc Giáo nói chung cũng như kinh nghiệm Cơ Đốc của bạn hoặc của tôi. Các giáo lý trừu tượng là điều thứ cấp và ít cần thiết cho niềm tin cũng như thực hành.

Có thể bạn sẽ cảm thấy xa lạ và mới mẻ với những quan điểm trên.9 Bạn tự hỏi những tranh luận học thuật như thế có liên quan gì đến Kinh Thánh ngày nay. Nhưng dù bạn có nghe về những quan điểm cũng như các học giả ủng hộ các quan điểm này hay chưa, những ý tưởng này đã thống trị nền văn hóa của bạn.

Có lẽ bạn đã đi đến Châu Âu và thấy những nhà thờ lớn trống không ở hầu hết các địa điểm. Có thể người dân bản địa vẫn là thuộc viên của một nhà thờ quốc giáo bởi vì đó là nơi họ được sinh ra và làm báp-têm, nhưng họ hiếm khi nào đến nhà thờ dự lễ. Họ không tin lời dạy của Hội Thánh là cần thiết hoặc thậm chí là có liên quan đến cuộc sống của họ.

church-eastern-europe

Quan điểm đó ngày một trở nên phổ biến tại Hoa Kỳ, đặc biệt ở thế hệ dưới ba mươi tuổi. Vấn đề tâm linh là cá nhân và chủ quan. Mọi con đường đều dẫn đến cùng một ngọn núi. Không quan trọng bạn tin gì, miễn là bạn chân thành và dung thứ niềm tin của người khác. Nếu chúng ta đề nghị điều ngược lại, nghĩa là chúng ta đã thúc đẩy cho việc không chấp nhận sự khác biệt, là nguyên nhân dẫn đến thảm họa ngày 11 tháng 9.

Mọi người “biết” rằng lẽ thật là chủ quan và đạo đức thì mang tính cá nhân. Không ai có quyền áp đặt lẽ thật “của họ” cho người khác. Việc không dung thứ chính là tội lỗi chủ yếu trong nền văn hóa của chúng ta. Miễn là chúng ta bảo đảm mỗi người đều có quyền nhìn thế giới theo cách của họ, mọi điều sẽ trở nên tốt đẹp.

Người Cơ Đốc phản ứng như thế nào?

Làm thế nào chúng ta bảo vệ cho những tuyên bố lẽ thật khách quan của Đạo Cơ Đốc và liên kết tin tức tốt lành với thế giới hậu hiện đại của chúng ta? Trong một nền văn hóa không tin vào thẩm quyền thì cam kết của chúng ta với thẩm quyền Kinh Thánh có điều gì tốt? Làm thế nào chúng ta có thể thúc đẩy lẽ thật Kinh Thánh trong thời đại mà chính lẽ thật ấy bị nghi ngờ?

Chủ nghĩa hậu hiện đại và lý do

Đầu tiên, hãy xem xét một câu trả lời hợp lý. Nhiều thế kỷ trước Công nguyên, một trường triết học Hy Lạp được biết đến là những người hoài nghi đã tranh luận rằng không có điều gì tuyệt đối chắc chắn. Về tuyên bố này thì họ tuyệt đối chắc chắn. Quan điểm phi lý này của họ lại đứng sau phương pháp hậu hiện đại của chúng ta ngày nay và vẫn để ngỏ cho những sự chỉ trích như ngày xưa.

Nếu lẽ thật khách quan không tồn tại, làm thế nào tôi chấp nhận tuyên bố này là một lẽ thật khách quan? Theo quan điểm hậu hiện đại, không một tuyên bố nào là lẽ thật khách quan và độc lập. Song chính tuyên bố này lại được cho là một lẽ thật khách quan và độc lập. Chúng ta không được dung thứ cho sự không dung thứ. Tuy nhiên, đối lập với quan điểm này, chúng ta không thể đưa ra một tuyên bố tuyệt đối nói rằng thực tại tuyệt đối là không thể có. Thế giới hậu hiện đại không thể cùng một lúc có được cả hai điều trên.

Một câu trả lời phải lẽ thứ hai đối với chủ nghĩa hậu hiện đại nhắm đến khía cạnh chủ nghĩa này bác bỏ đạo đức khách quan. Vì mọi lẽ thật đạo đức đều được cho là hoàn toàn võ đoán và theo bối cảnh, không một lập trường khách quan nào có thể được đánh giá hoặc chối bỏ bởi những lập trường bên ngoài nền văn hóa đó. Nếu điều đó đúng là như vậy, làm thế nào chúng ta nhìn nhận những sự kiện như nạn tàn sát người Do Thái thời Đức Quốc Xã?

Tôi chú ý thấy thuyết tương đối hậu hiện đại phổ biến ở những nơi thuận tiện. Người ta nói với tôi rằng tôi không có quyền áp đặt niềm tin tôn giáo của tôi trên họ. Nhưng đồng thời, họ sẽ áp đặt niềm tin vào luật pháp của họ trên những ai muốn đánh cắp tài sản hoặc muốn cấy một vi-rút vào máy vi tính của họ. Có những chuẩn mực đạo đức và luật pháp căn bản mà mọi người đều khẳng định, dù họ có chấp nhận lẽ thật khách quan hay không. Chẳng hạn như, giết người là sai trái. Nếu không có những chuẩn mực cơ bản đó, xã hội của chúng ta sẽ nhanh chóng lao dốc về thời không chính phủ và hỗn loạn.

Chúng ta đều biết điều đó.

Chẳng có ý nghĩa gì khi tranh luận rằng không tồn tại lẽ thật khách quan, hoặc chẳng có ý nghĩa gì khi áp dụng một phương pháp ở nơi mà phương pháp đó tự đem lại ích lợi cho chính nó. Nhưng nền văn hóa của chúng ta dường như ngày càng nắm chắc lấy một thế giới quan đầy mâu thuẫn.

Chủ nghĩa hậu hiện đại và kinh nghiệm thực tiễn

Tuy nhiên, nếu những người bạn của chúng ta tin theo chủ nghĩa hậu hiện đại tỏ ra thờ ơ trước bác bỏ phải lẽ của chúng ta mà nói rằng: Thế thì sao? Khi đó chúng ta có thể chuyển hướng sang câu trả lời thực tiễn. Tại đây ưu thế của chúng ta đó là việc chủ nghĩa hậu hiện đại chối bỏ quan điểm hiện đại. Thế giới hiện đại đã dựng nên rào cản lớn nhất đối với niềm tin, khi kỷ nguyên khoa học bám sát vào bằng chứng thực nghiệm và xác minh khoa học. Chúng ta được dạy rằng một tuyên bố cần phải được chứng minh bằng tính hợp lý hoặc thực tiễn trước khi được cho là đúng đắn. Chuẩn mực đó đã làm suy yếu mọi kinh nghiệm về mối quan hệ, trong đó có lĩnh vực niềm tin.

Người theo chủ nghĩa hậu hiện đại bác bỏ quan điểm trên. Kết quả đó là một mối quan tâm được làm mới lại trong vấn đề tâm linh chưa từng có tiền lệ trong một thế kỷ qua. Dù mối quan tâm về vấn đề tâm linh này bao hàm mọi thể loại tôn giáo, Cơ Đốc Giáo ít nhất có thể đóng vai trò là một trong số các lựa chọn.

Khi bắt đầu giảng dạy tại các trường đại học hai mươi năm về trước, tôi thường được hỏi về vấn đề tiến hóa và tạo hóa, các tôn giáo trên thế giới, điều ác và sự đau khổ. Các sinh viên muốn nói về những bác bỏ mang tính hợp lý và mang tính khoa học đối với niềm tin Cơ Đốc. Ngày nay việc bác bỏ niềm tin Cơ Đốc dựa trên những cơ sở đó đã lỗi thời. Niềm tin của tôi có thể có hoặc có thể không có tính khoa học, tính hợp lý và bằng chứng hỗ trợ. Nhưng những vấn đề đó chỉ là thứ cấp. Điều gì có liên hệ đến tôi và được cá nhân chứng thực mới là điều quan trọng nhất trong ngày hôm nay.

Các sinh viên cởi mở với niềm tin Cơ Đốc, chủ nghĩa thần bí Phương Đông, Do Thái Giáo, và phong trào Thời Đại Mới. Nền văn hóa của chúng ta bị mê hoặc bởi “các lẽ thật thuộc linh”  càng mới càng tốt. Làm thế nào chúng ta có thể khiến cho thẩm quyền Kinh Thánh và lối sống trở nên thu hút trong một thị trường đầy dẫy những đối thủ cạnh tranh về tâm linh, mỗi một đối thủ tỏ vẻ khá  đúng đắn? Chúng ta có thể làm điều đó bằng cách lật ngược chiến thuật “hiện đại.” Trong thế giới hiện đại chúng ta đã nói với nền văn hóa của mình rằng: Đạo Cơ Đốc là thật; chính vì thế đạo ấy có liên quan đến các bạn và rất hấp dẫn. Chúng ta đã mời những người chưa tin tiếp nhận niềm tin dựa trên những phẩm chất khách quan theo Kinh Thánh. Điều Kinh Thánh nói là tất cả thẩm quyền mà những công bố lẽ thật của chúng ta đòi hỏi.

Trong nền văn hóa hậu hiện đại chúng ta cần phải sử dụng chiến thuật ngược lại. Đó là niềm tin của chúng ta phải thu hút; sau đó mới thể hiện tính liên quan đến cá nhân; kế đến mới là tính đúng đắn cho những người tin theo. Nếu chúng ta có thể cho những người tìm kiếm ý nghĩa thuộc linh thấy rằng Cơ Đốc Giáo rất cuốn hút, thú vị và hấp dẫn, họ rất có thể sẽ muốn khám phá niềm tin đó liên quan đến cuộc sống của họ như thế nào. Khi họ thấy được niềm tin đó liên quan đến họ và có tác động biến đổi cuộc sống, họ sẽ quyết định thử niềm tin đó. Khi điều đó thành công, họ sẽ quyết định đó là lẽ phải đối với chính họ. Họ sẽ xác nhận thẩm quyền Kinh Thánh và mối liên hệ của Kinh Thánh với cuộc sống của họ, không phải để họ tìm đến niềm tin, nhưng vì họ đã có được niềm tin.

(Còn nữa)

James C. Denison 

Trích từ “THE BIBLE – YOU CAN BELIEVE IT”

Translated by Vinh Hien 

Huongdionline cần sự ủng hộ của bạn đọc để duy trì và phát triển các mục vụ. Mọi sự dâng hiến cho Hướng Đi Ministries xin gởi về:

VIETNAMESE MISSIONARY INSTITUTE

BBVA compass BANK

3111 North Galloway Ave.

Mesquite, TX 75150, USA

Routing# 113010547

Account# 6702149116

 

 

Chân thành cảm ơn.

hue

Mục sư Nguyễn Văn Huệ.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn