Thứ Hai , 6 Tháng Năm 2024
Home / Tổng hợp / Chức Vụ Của Đức Thánh Linh Trong Tân Ước

Chức Vụ Của Đức Thánh Linh Trong Tân Ước

Đức Thánh Linh Làm Gì?

Chức vụ của Đức Thánh Linh trong Tân ước.

Đức Chúa Jesus được sinh ra nhờ quyền năng Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 1:20) và Thánh Linh cũng đến trên Chúa khi Ngài chịu báp-tem (Ma-thi-ơ 3:16). Ngài được Đức Thánh Linh đưa vào trong đồng vắng chịu ma quỉ cám dỗ, rồi sau đó bước ra thi hành chức vụ (Mác 1:12). Ngài đã trở về Ga-li-lê trong quyền năng Đức Thánh Linh (Lu-ca 4:14). Ngài đuổi các quỉ bởi quyền năng Đức Thánh Linh, và Ngài cảnh cáo bất cứ ai xúc phạm đến Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 12:32).

Đức Thánh Linh hành động trong đời sống và chức vụ Chúa Jesus trong suốt những năm tháng Ngài ở trên đất. Sau đó Chúa Jesus phải ra đi về trời, và để cho Đức Thánh Linh tiếp tục công tác giữa vòng các tín hữu, các Hội thánh và trên khắp thế giới. Khi Chúa Jesus còn trên đất, chức vụ Ngài hiển nhiên bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Còn Đức Thánh Linh thì không như vậy, Ngài có mặt khắp mọi nơi trong mọi thời gian để thực hiện công tác của Ngài. Cha, Con và Thánh Linh là một. Và Đấng Christ cũng có mặt khắp mọi nơi thông qua thân vị Đức Thánh Linh.

Khi Đấng Christ còn ở trên đất, Ngài có thể ở chung với các môn đồ, lánh ra khỏi họ để cầu nguyện hoặc sai phái họ đi ra rao giảng Tin mừng trong một phạm vi giới hạn. Tuy nhiên khi Ngài về Trời, Đức Thánh Linh ở trong các môn đồ khắp mọi nơi. Vì vậy Chúa chúng ta đã giải thích cho các học trò của Ngài: “Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng Yên-ủi khác, để ở với các ngươi đời đời,  tức là Thần lẽ thật, mà thế gian không thể nhận lãnh được, vì chẳng thấy và chẳng biết Ngài; nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài vẫn ở với các ngươi và sẽ ở trong các ngươi.” (Giăng 14:16-17). Lời dạy này hàm ý rằng có sự hiệp một giữa Con và Thánh Linh. Đức Con hiện diện với các tín hữu thông qua Đức Thánh Linh. Đây là điều Phao-lô làm chứng: “Christ sống trong tôi.” (Ga-la-ti 2:20). Cũng vậy, “Thánh Linh của Đức Chúa Trời ở trong anh em.” (Rô-ma 8:9). Và câu tiếp theo vị sứ đồ viết: “Vậy nếu Đấng Christ ở trong anh em, thì thân thể chết nhân cớ tội lỗi, mà thần linh sống nhân cớ sự công bình.” (Rô-ma 8:10)

john

Chức vụ của Đức Thánh Linh ngày nay.

Chúng ta mở Kinh Thánh ra để khám phá những điều sau đây:

  1. Đức Thánh Linh làm vinh hiển Đấng Christ.

Khi chuẩn bị về trời, Chúa Jesus đã phán dạy các môn đồ về Đức Thánh Linh: “Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.  Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về ta mà rao bảo cho các ngươi.” (Giăng 16:13-14). Đức Thánh Linh sẽ làm vinh hiển Đấng Christ qua công tác của Ngài. Lưu ý rằng mỗi ngôi trong ba ngôi Đức Chúa Trời đều làm vinh hiển một ngôi khác. Đức Thánh Linh làm vinh hiển Con, Con làm vinh hiển Cha, và Cha làm vinh hiển Con. Chúa Jesus phán với các môn đồ: “Các ngươi nhân danh ta mà cầu xin điều chi mặc dầu, ta sẽ làm cho, để Cha được sáng danh nơi Con.” (Giăng 14:13). Đức Con khích lệ các môn đồ sinh bông trái: “Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: Ấy là các ngươi được kết nhiều quả,” (Giăng 15:8). Khi nói về chính Ngài, Chúa Jesus khẳng định: “Đức Chúa Trời cũng sẽ làm cho Con Người (Jesus Christ) vinh hiển nơi chính mình Ngài, và Ngài sẽ kíp làm cho vinh hiển.” (Giăng 13:32).

Nếu Đức Thánh Linh ở trong chúng ta, khi ấy chúng ta sẽ có khao khát làm cho Đấng Christ được vinh hiển. Cái tôi của chúng ta càng ngày càng được hạ xuống, và Đấng Christ được tôn cao qua đời sống chúng ta. Giống như Giăng Báp-tít đã nói: “Ngài phải dấy lên, tôi phải hạ xuống.” (Giăng 3:30). Đây là nguyên tắc cho sự trưởng thành của đời sống Cơ đốc.

  1. Đức Thánh Linh cáo trách thế gian về tội lỗi.

Chúa Jesus giới thiệu cho các môn đồ công tác của Đức Thánh Linh: “Khi Ngài (Đức Thánh Linh) đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét.” (Giăng 16:8). Bản Kinh Thánh Tiếng Việt dùng cụm từ “tự cáo về tội lỗi” có nghĩa trong nguyên ngữ là “khiển trách tội lỗi.” Câu này mang ý nghĩa là: Khi Đức Thánh Linh đến, Ngài sẽ khiển trách (hay kết án) thế gian về tội lỗi… (And when He has come, He will convict the world of sin, and of righteousness, and of judgment. NKJV) Chúa Jesus giải thích thêm: “Về tội lỗi, vì họ không tin ta; về sự công bình, vì ta đi đến cùng Cha, và các ngươi chẳng thấy ta nữa; về sự phán xét, vì vua chúa thế gian nầy đã bị đoán xét.” (Giăng 16:9-11). Dĩ nhiên Satan cũng được bao gồm trong cụm từ “vua chúa thế gian này”.

  1. Đức Thánh Linh tái sinh tín nhân

Tái sinh có nghĩa là được sinh lại lần nữa. Đức Thánh Linh chính là tác nhân cho việc tái sinh tín hữu. “không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa về sự lại sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh  mà Ngài đã rải ra trên chúng ta cách dư dật bởi Đức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa chúng ta.” (Tít 3:5-6).

Đức Chúa Jesus đã làm cho Ni-cô-đem ngạc nhiên khi Ngài phán với ông: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.  Ni-cô-đem thưa rằng: Người đã già thì sanh lại làm sao được? Có thể nào trở vào lòng mẹ và sanh lần thứ hai sao?  Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời.  Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần.  Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại.” (Giăng 3:3-7)

  1. Đức Thánh Linh báp-tem mỗi tín hữu vào trong thân thể của Đấng Christ.

“Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa.” (1 Côr. 12:13). Kinh  Thánh dạy rõ ràng: “báp-têm chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân.” Điều này  áp dụng cho tất cả các tín hữu trên khắp thế giới trong mọi thời đại. Báp-tem người tín hữu trong nước là biểu tượng của báp-tem trong Thánh Linh cho sự tái sinh.

Mỗi tín hữu được sinh lại bởi quyền năng Thánh Linh và được báp-tem trong Thánh Linh để hội nhập vào thân thể Đấng Christ. Không có nơi nào trong Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng báp-tem trong Thánh Linh là dấu hiệu của bất cứ điều gì. Sự tái sinh hay báp-tem trong Thánh Linh là đồng nghĩa với nhau và hai điều này xảy ra cùng một lúc.

Billy Graham đã nói: “Lẽ thật của Kinh Thánh là chúng ta được báp-tem vào trong Thân thể Đấng Christ bởi Thánh Linh – đó là sự chuyển đổi từ thế giới tăm tối vào vương quốc sự sáng. Chỉ có duy nhất một phép báp-tem trong Thánh Linh. Thời điểm chúng ta được đổ đầy Đức Thánh Linh, và sau đó được tái đổ đầy, rồi nhiều lần về sau nữa được tái đổ đầy. Nhưng chỉ có một Thánh Linh, tuy nhiên nhiều lần được đầy dẫy Thánh Linh.”4

Báp-tem dầm mình trong nước là biểu tượng của báp-tem trong Đức Thánh Linh cho sự tái sinh. Chúng ta được chôn với Christ để được đồng sống lại với Ngài trong đời sống mới (Rô-ma 6:4). Giăng Báp-tít đã nói, “Về phần ta, ta vốn không biết Ngài; nhưng Đấng sai ta làm phép báp-têm bằng nước có phán cùng ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Đấng làm phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh.” (Giăng 1:33).

  1. Đức Thánh Linh nội trú bên trong mỗi tín hữu.

“Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Đức Chúa Trời, và Thánh Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em sao?” (1 Côr. 3:16; Xem Ga-la-ti 4:6; Rô-ma 8:9-11). Mỗi tín hữu có Đức Thánh Linh ngự bên trong. Một Cơ đốc nhân không cần phải tìm kiếm để nhận lãnh Đức Thánh Linh. Tân Ước không đề cập đến tín hữu phải tìm kiếm kinh nghiệm nhận lãnh Thánh Linh. Nếu một người không có Đức Thánh Linh, người đó không thuộc về Christ (Rô-ma 8:9).

Chúng ta không cần cầu nguyện xin Đức Thánh Linh đến. Ngài đã đến rồi trong ngày lễ Ngũ tuần, và Ngài ngự bên trong tấm lòng của chúng ta khi chúng ta được tái sinh.

  1. Đức Thánh Linh đóng dấu chứng thực cho Cơ đốc nhân.

Hành động đóng dấu là bảo đảm chính xác cho người được đóng dấu từ một cấp có thẩm quyền. Khi một vị vua đóng ấn “tối mật” lên một hồ sơ quan trọng niêm phong, hồ sơ này sẽ không được mở ra cho công chúng nếu không có lệnh của nhà vua.

Lúc tôi còn là thực tập sinh cho một công ty vận tải tôi quan sát điều này: Khi di chuyển các kiện hàng được gởi bằng tàu lửa, công ty đường sắt sẽ đóng dấu trên một loại giấy đặc biệt lên các cửa toa tàu chở hàng cho đến khi chúng về tới bến. Khi về đến nơi chỉ có cấp thẩm quyền mới được tháo bỏ các ấn này tại cửa niêm phong và giao hàng cho chủ nhân.

“Ấy lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi đã nghe đạo chân thật, là đạo Tin lành về sự cứu rỗi anh em, ấy là trong Ngài mà anh em đã tin và được ấn chứng (đóng ấn) bằng Đức Thánh Linh là Đấng Chúa đã hứa,  Đấng ấy làm của cầm về cơ nghiệp chúng ta, cho đến kỳ chuộc lấy những kẻ mà Ngài đã được để khen ngợi sự vinh hiển Ngài.” (Ê-phê-sô 1:13-14). Khi chúng ta được cứu, Đức Thánh Linh đóng ấn chúng ta cho đến ngày chúng ta về đến Thiên đàng. Đức Chúa Trời đóng ấn này và không có ai có thẩm quyền để tháo bỏ ấn này cho đến khi chúng ta về đến nước của Ngài.

Khi được Đức Thánh Linh đóng ấn, điều này có nghĩa chúng ta đã thuộc về Christ. Chúng ta là tài sản của Ngài. Không ai có đủ năng quyền để cướp lấy tài sản của Christ.

Cơ đốc nhân được xác định thuộc về Christ qua hành động đóng ấn của Đức Thánh Linh lên trên người đó.

(Còn nữa)

james

JAMES SEMPLE

Trích từ: BIBLE TRUTHS ABOUT GOD

Translated by Tường Vi 

Huongdionline.com cần sự ủng hộ của bạn đọc để duy trì và phát triển các mục vụ. Mọi sự dâng hiến cho Hướng Đi Ministries xin gởi về:

VIETNAMESE MISSIONARY INSTITUTE

BBVA compass BANK

3111 North Galloway Ave.

Mesquite, TX 75150, USA

Routing# 113010547

Account# 6702149116

 

 

Chân thành cảm ơn.

hue

Mục sư Nguyễn Văn Huệ.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn