Thứ Ba , 7 Tháng Năm 2024
Home / Tổng hợp / MÔN ĐỒ VÀ ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

MÔN ĐỒ VÀ ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

Bài trước:

QUẢN GIA TỐT

 

Lu-ca 11:1-110

1 Có một ngày, Đức Chúa Jêsus cầu nguyện, ở nơi kia. Khi cầu nguyện xong, một môn đồ thưa Ngài rằng: Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu nguyện, cũng như Giăng đã dạy môn đồ mình. 2 Ngài phán rằng: Khi các ngươi cầu nguyện, hãy nói: Lạy Cha! Danh Cha được thánh; nước Cha được đến; 3 xin cho chúng tôi ngày nào đủ bánh ngày ấy; 4 xin tha tội chúng tôi, vì chúng tôi cũng tha kẻ mích lòng mình; và xin chớ đem chúng tôi vào sự cám dỗ!
5 Đoạn, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Nếu một người trong các ngươi có bạn hữu, nửa đêm đến nói rằng: Bạn ơi, cho tôi mượn ba cái bánh. 6 vì người bạn tôi đi đường mới tới, tôi không có chi đãi người. 7 Nếu người kia ở trong nhà trả lời rằng: Đừng khuấy rối tôi, cửa đóng rồi, con cái và tôi đã đi ngủ, không dậy được mà lấy bánh cho anh; – 8 ta nói cùng các ngươi, dầu người ấy không chịu dậy cho bánh vì là bạn mình, nhưng vì cớ người kia làm rộn, sẽ dậy và cho người đủ sự cần dùng. 9 Ta lại nói cùng các ngươi: Hãy xin, sẽ ban cho; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. 10 Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và sẽ mở cửa cho ai gõ.”

prayer-series

Các môn đồ nhận thức mối liên hệ gần gủi giữa Chúa Jesus và Cha thiên thượng trong những ngày Chúa thi hành chức vụ. Họ nhìn thấy thầy của mình thường xuyên ở một mình với Cha sau những lần giảng dạy cho đoàn dân đông. Vì vậy họ đến với Chúa xin Ngài dạy họ cầu nguyện. Và họ được Chúa dạy bảo trực tiếp về nghệ thuật cầu nguyện.

Các môn đồ nhận thức rằng họ không có mối tương giao mật thiết với Cha giống như thầy của mình. “Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu nguyện, cũng như Giăng đã dạy môn đồ mình”. Lời nài xin, “Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu nguyện” mang một ý nghĩa: trong khi họ tin vào Chúa Jesus, họ vẫn chưa phải là môn đồ thật cho đến khi họ có một đời sống cầu nguyện, tương giao gắn bó với Cha thiên thượng  giống như Chúa Jesus đã có. Họ cần vui hưởng mối gắn kết sâu đậm với Cha giống như thầy của mình.

“Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu nguyện” dường như không còn cần thiết cho chúng ta ngày nay? Vì từ những năm đầu tiên đến với Chúa, chúng ta đã nghe những người khác cầu nguyện. Người cha hướng dẫn con cái trong gia đình cầu nguyện, vị mục sư hướng dẫn giáo đoàn cầu nguyện. Những lời cầu nguyện ấy chúng ta đã quá quen thuộc! Nhưng giờ đây chúng ta hãy đặt chính mình vào trong vị trí của những môn đồ đầu tiên để khám phá những gì Chúa dạy. Trong khi Cựu Ước ký thuật lại những buổi lễ của tuyển dân Israel, thì sự cầu nguyện chỉ chiếm một phần khiêm tốn. Họ đến trong đền tạm, dâng các của lễ  chuộc lỗi. Có rất ít sự tương giao mật thiết của từng cá nhân với Cha thiên thượng.

Trong thời Tân Ước, người Pha-ri-si gây ảnh hưởng lên nếp sống cầu nguyện của tuyển dân. Những người này cầu nguyện theo một khuôn mẫu truyền thống của họ. Cách cầu nguyện đó đã bị Chúa Jesus quở trách trong Ma-thi-ơ 6:5, “Khi các ngươi cầu nguyện, đừng làm như bọn giả hình; vì họ ưa đứng cầu nguyện nơi nhà hội và góc đường, để cho thiên hạ đều thấy. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, bọn đó đã được phần thưởng của mình rồi.” Ở đây sự cầu nguyện của người Pha-ri-si không phải là bước vào trong mối tương giao thật sự sâu kín, mật thiết với Đức Chúa Trời nhưng là trình diễn cho công chúng thấy để nhận được sự thán phục và khen ngợi từ phía con người. Họ muốn tạo ấn tượng cho người khác nhằm khoe khoang nếp sống tôn giáo của họ. Chúa Jesus đã quở trách người Pha-ri-si là kẻ giả hình, bởi vì sự cầu nguyện là mối tương giao giữa con người và Đức Chúa Trời chứ không phải là sự trình diễn giữa công chúng nơi góc đường phố hay trong nhà hội.

Các môn đồ không nên bắt chước người Pha-ri-si, Chúa Jesus dạy trong Mat. 6:6, “Song khi ngươi cầu nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu nguyện Cha ngươi, ở nơi kín nhiệm đó; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi.” Ngài đang nhấn mạnh điểm chính yếu trong sự cầu nguyện là sự kết nối giữa tín nhân với Cha thiên thượng. Đây không phải là vấn đề giữa người với người, cũng không phải là sự trình diễn chứng minh cho tính cách “sùng đạo” của mình.

images-1

Các môn đồ không nên bắt chước sự cầu nguyện theo phong cách Pha-ri-si, họ phải học bài học thứ hai Chúa dạy ở đây. “Vả, khi các ngươi cầu nguyện, đừng dùng những lời lặp vô ích như người ngoại; vì họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm: (Mat. 6:7). Các môn đồ không nên thực hành sự cầu nguyện như người ngoại đạo, là những người “dùng những lời lặp vô ích… tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm”. Sự cầu nguyện của môn đồ tương phản với người ngoại – những người cầu nguyện với các thần linh của họ theo một truyền thống sai trật. Còn chúng ta là những môn đồ phải nhận thức rằng những nhu cầu của mình vốn đã được Cha thiên thượng biết từ trước, và Ngài sẵn sàng chu cấp cho chúng ta những điều đó.

Ở đây các môn đồ thiếu hụt kiến thức về sự cầu nguyện. Họ cần được Chúa dạy dỗ. Phong cách cầu nguyện của người Pha-ri-si không phải là giáo lý từ Kinh Thánh. Các môn đồ cũng phải tránh xa không rập khuôn theo cách cầu nguyện của dân ngoại bang. Họ nhìn thấy thầy của mình có một mối liên hệ sâu đậm với Cha thiên thượng qua nếp sống cầu nguyện. Họ nhận thức ra họ cần phải học tập và bắt chước thầy của mình. “Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu nguyện” là một cách để nói rằng: Chúng tôi chưa biết cầu nguyện thế nào cho phải cách, nhưng chúng tôi muốn giống như Chúa trong sự cầu nguyện.

Từ được dùng chỉ về sự cầu nguyện (prayer) trong Tân Ước là một từ thú vị nhất. Theo nghĩa đen từ này có nghĩa là trở nên giống như một con chó trước một ai đó. Khi nhìn thoáng qua, chúng ta có thể ngạc nhiên, hoặc phẫn nộ khi nghe rằng tín nhân giống như một con chó?! Nhưng chúng ta phải nhớ rằng bối cảnh Chúa đang dạy thì quen thuộc với tuyển dân. Người Israel rất quen thuộc với các vật nuôi tập trung thành bầy đàn trong thời của họ. Một người chăn bầy cừu thường có một con chó. Hầu hết mọi công việc trông nom bầy cừu được giao cho con chó tinh khôn này. Con chó này được huấn luyện thành thạo những kỹ năng bảo vệ cừu, nó không phải là ông chủ nhưng nó nhận mệnh lệnh từ chủ. Nó không chạy trước người chủ, nhưng nó đi phía sau chờ đợi và sẵn sàng thực thi mọi mệnh lệnh. Nó tùy thuộc vào người chủ. Nó không có quyền đi vào giữa bầy cừu bắt một con làm bữa ăn tối. Hình ảnh con chó chờ đợi trước mệnh lệnh của người chủ là hình ảnh được dùng để diễn tả tín nhân đến trước mặt Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện.

images

Minh họa: https://www.youtube.com/watch?v=gbwcYuMI3j8

Con cái của Đức Chúa Trời phải tùy thuộc vào Ngài. Giống như một con chó chăn cừu, nó phải theo dõi mọi động thái của người chủ để di chuyển, tiến lên hay nằm xuống. Theo âm thanh từ ống tiêu (một loại kèn) của người chăn, nó hiểu và thuận phục ý của chủ.  Vì vậy “Lạy Chúa, xin dạy chúng tôi cầu nguyện” hàm ý là: xin huấn luyện chúng tôi tùy thuộc vào Chúa, biết ý của Chúa, trung thành với ý chỉ của Ngài như một con chó chăn cừu tùy thuộc vào ý chủ mình. Đức Chúa Trời không chỉ là Cha của chúng ta, Ngài còn là Chủ. Chúng ta là đầy tớ và môn đồ của Ngài.

(Còn nữa)

J. Dwight Pentecost

Trích từ: DESIGN FOR DISCIPLESHIP

Translated by Tuong Vi   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn