Chủ Nhật , 28 Tháng Tư 2024
Home / Trang Chủ / Món Quà Chúa Ban

Món Quà Chúa Ban

Bài trước:
https://huongdionline.com/2016/07/19/doi-dien-luong-tam/

z1

Món quà Chúa ban.
Lương tâm của bạn rất quan trọng, và bạn phải thật cẩn thận với những gì bạn đối xử nó. Hãy để tôi cho bạn tám lý do tại sao lương tâm bạn lại quan trọng.

Lương tâm là món quà Chúa ban.
Lương tâm của bạn quan trọng vì nó là món quà Chúa ban. Bạn được dựng nên “theo hình của Ngài” (Sáng Thế Ký 1:27). Được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời nghĩa là chúng ta có trí óc để suy nghĩ, một tâm hồn để cảm nhận và một ý chí để quyết định. Bản chất của chúng ta là một linh hồn. Một con người không chỉ có phần thân thể; về bản chất người đó là một linh hồn. Thánh Augustine đã nói “Chúa dựng nên chúng con cho chính Ngài; tâm hồn của chúng con sẽ không yên nghỉ cho đến khi tìm được chỗ nghỉ yên trong Chúa.” Một minh chứng khác về hình ảnh của Đức Chúa Trời trong con người là khả năng phân biệt đúng sai. Rô-ma 2:14,15 nói với chúng ta rằng con người có lương tâm. Đó là món quà Chúa ban cho con người.
Các nhà khoa học đang cố gắng khám phá lương tâm đến từ đâu. Một số những quan điểm sai trật về nguồn gốc của lương tâm đã được phát triển. Một vài người nói rằng lương tâm có từ sau khi con người xuất hiện –đó là một phần của sự tiến hóa. Khi con người tiến hóa qua nhiều thế kỷ, lương tâm cũng tiến hóa cùng với con người. Và Darwin trong cuốn sách Nguồn Gốc Loài Người đã nói thế này: “Điểm khác biệt nhất giữa con người và các động vật cấp thấp khác là ý thức đạo đức hay còn gọi là lương tâm chính là điều quan trọng nhất.” Ngay cả Darwin cũng không thể giải thích lương tâm đến từ đâu.
Lương tâm không phải là một sản phẩm kèm theo của thuyết tiến hóa; nó cũng không có sau khi chúng ta xuất hiện. Lương tâm cũng chẳng có nguồn gốc từ xã hội quanh ta. Tôi nghe mọi người nói rằng lương tâm đơn thuần chỉ là tổng hợp tất cả các chuẩn mực đạo đức của xã hội quanh ta.
Triết gia Schopenhauer nói rằng lương tâm bao gồm “Một phần năm là sự sợ hãi của con người, một phần năm là sự mê tín, một phần năm là định kiến, một phần năm là phù phiếm và một phần năm là phong tục.” Nói cách khác, lương tâm của bạn là một kiểu “rau xà lách trộn” – bạn trộn mọi thứ trong xã hội với nhau.
Xã hội giúp chúng ta có những tiêu chuẩn đạo đức, nhưng xã hội không cho chúng ta lương tâm. Chúng ta học được rằng lương tâm là một khả năng đặc biệt, nó đáp ứng những tiêu chuẩn đạo đức mà ta có. Lương tâm không sản sinh ra tiêu chuẩn đạo đức và tiêu chuẩn đạo đức không sản sinh ra lương tâm. Lương tâm là một cửa kính cho ánh sáng chiếu vào –nó không sản sinh ra ánh sáng. Trong khi con người có nhiều tập quán khác nhau và tiêu chuẩn đạo đức khác nhau ở mỗi vùng trên thế giới, lương tâm vẫn có cùng việc làm, cho dù bạn có đi đâu chăng nữa.

z2
Lương tâm không có từ sau khi chúng ta ra đời và lương tâm cũng không đến từ những thứ ở quanh ta. Lương tâm cũng chẳng đến từ sâu thẳm bên trong mỗi chúng ta. Nhiều nhà tâm thần học muốn chúng ta tin rằng chúng ta có thể tạo ra lương tâm của chúng ta –nó là sản phẩm phụ của cách cha mẹ nuôi dưỡng, giáo dục chúng ta. Tôi không đồng tình với tất cả các cách giải thích này. Tôi nghĩ rằng lương tâm là món quà của Chúa. Theo lời của Ngài, lương tâm đến từ Đấng Tối cao. Lương tâm là một hiện tượng phổ biến. Bạn có thể tìm thấy lương tâm ở mọi nơi trên thế giới; vì thế, nó phải có một khởi nguồn chung và khởi nguồn chung đó chính là Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã đặt để trong tâm hồn của mỗi người một khả năng đặc biệt phi thường mà chúng ta gọi nó là lương tâm. Vì thế bạn phải cẩn trọng với cách mà bạn đối xử với lương tâm mình, bởi vì lương tâm là món quà Chúa ban cho bạn.

Lương Tâm Dẫn Lối Cho Hạnh Kiểm Của Chúng Ta

Lý do thứ hai giải thích tại sao lương tâm lại quan trọng là: Lương tâm dẫn lối cho hạnh kiểm của chúng ta. Tôi nghe mọi người nói rằng: “Hãy để lương tâm dẫn lối cho bạn.” và dưới một góc độ nào đó thì đây là một lời khuyên tốt. Nó quan trọng đấy, tuy nhiên để lương tâm dẫn chúng ta làm đúng thì phải có một chuẩn mực đạo đức đúng đắn để lương tâm theo sau.
Trong sách Công Vụ 24:16 chúng ta đọc được những lời của sứ đồ Phao-lô: “Cũng vì cớ ấy, nên tôi vẫn gắng sức cho có lương tâm không trách móc trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt loài người.” Phao-lô thừa nhận rằng lương tâm của ông cần được tôi luyện. Nếu lương tâm không được tôi luyện, chức năng của nó sẽ hoạt động sai trật. Nó không bao giờ có thể là “không bị trách móc trước mặt Chúa và trước mặt loài người.” Nhưng khi lương tâm hoạt động đúng chức năng của nó, nó có thể dẫn dắt chúng ta.
Đức Thánh Linh muốn sử dụng lương tâm của bạn. Trong Rô-ma 9:1 Phao-lô đã viết rằng lương tâm ông làm chứng cho ông bởi Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh dùng Lời Chúa để cho chúng ta biết ý muốn của Đức Chúa Trời và lương tâm của chúng ta liên quan đến quá trình này. Nếu lương tâm của bạn hoạt động theo mục đích nó được tạo ra thì nó sẽ là la bàn để dẫn lối cho bạn, là ánh sáng hướng dẫn bạn và là quy luật mang lại cho bạn sự khôn ngoan trong đời sống Cơ Đốc Nhân.

Lương Tâm Khuyến Khích Sự Phục Vụ

Lương tâm là quan trọng vì nó là món quà Chúa ban và bởi vì nó có thể dẫn lối cho hạnh kiểm của bạn. Lý do thứ hai giải thích tại sao lương tâm lại quan trọng là vì nó khuyến khích bạn trong sự phục vụ Cơ Đốc.
Chúng ta đọc trong I Ti-mô-thê 1:5: “Mục đích của sự răn bảo, ấy là sự yêu thương, bởi lòng tinh sạch, lương tâm tốt và đức tin thật mà sanh ra.” Mục đích của lời Chúa là làm cho tôi có tình yêu thương từ một tấm lòng tinh sạch, nhờ đó tôi có một lương tâm tốt và nhờ lương tâm tốt này tôi mới có thể có một đức tin thành thật không dối trá.
Trong I Ti-mô-thê 1:19 nói rằng: “Cầm giữ đức tin và lương tâm tốt. Mấy kẻ đã chối bỏ lương tâm đó, thì đức tin họ bị chìm đắm.” Khi bạn bắt đầu đùa giỡn với lương tâm mình thì bạn chuẩn bị bị chìm đấy. Lương tâm là kim chỉ nam hướng dẫn chúng ta. Khi bạn không theo kim chỉ nam đó hay bạn cố gắng thay đổi nó thì kết cục của bạn là bị chìm đắm.
Trong I Ti-mô-thê 3:9 Phao-lô đã viết rằng các chấp sự nên: “Nhưng phải lấy lương tâm thanh sạch giữ lẽ mầu nhiệm của đức tin.” Vậy nên lương tâm được kết nối rất hoàn hảo với chức vụ của chúng ta và sự phục vụ.
Trong II Cô-rinh-tô 4:2 Phao-lô đã viết: “Nhưng chúng tôi từ bỏ mọi điều hổ thẹn giấu kín. Chúng tôi chẳng theo sự dối gạt, và chẳng giả mạo lời Đức Chúa Trời, nhưng trước mặt Đức Chúa Trời chúng tôi tỏ bày lẽ thật, khiến lương tâm mọi người cho chúng tôi là đáng chuộng.”
Trong II Cô-rinh-tô 5:11 nói rằng: “Vậy chúng tôi biết Chúa đáng kính sợ, nên tìm cách làm cho người ta đều tin; Đức Chúa Trời biết chúng tôi, và tôi mong anh em cũng biết chúng tôi trong lương tâm mình.”
Trong chức vụ của mình, Phao-lô đã rất cẩn trọng để có một lương tâm tinh sạch và chăm lo cho người khác. Lương tâm rất quan trọng bởi nó khuyến khích chúng ta trong sự các mục vụ Cơ Đốc. Khi lương tâm bạn tinh sạch bạn có thể đối mặt với bất cứ kẻ thù nào.

z3

Lương Tâm Làm Mạnh Mẽ Tình Yêu Anh Em Trong Chúa
Lương tâm làm mạnh mẽ tình yêu anh em trong Chúa của Cơ Đốc Nhân. Chúng ta sẽ khám phá trong Rô-ma 14 và 15 và từ I Cô-rinh-tô 8, 9,10 một số người có một lương tâm mạnh mẽ và một số người có lương tâm yếu ớt. Những người có lương tâm yếu ớt thường xuyên gây ra những vấn đề trong mối quan hệ với anh em trong Chúa. Thỉnh thoảng những người có lương tâm mạnh mẽ cũng tạo ra những chuyện như vậy nhưng theo hướng ngược lại với những người có lương tâm yếu ớt.
Một vài người có lương tâm yếu ớt trong sách Rô-ma hợp lại và họ không ăn thịt. Một vài người trong Hội Thánh Cô-rinh-tô có lương tâm mạnh mẽ thì họ không những ăn thịt mà còn ăn thịt tại các đền thờ thần tượng và tham gia vào các lễ hội tôn giáo khác. Phao-lô viết cho những người đó và giải thích lương tâm yếu ớt là như thế nào và lương tâm mạnh mẽ là như thế nào.
Bạn muốn trở thành một Cơ Đốc Nhân có lương tâm mạnh mẽ. Một lương tâm mạnh mẽ không cho phép bạn đặc quyền được phạm tội! Người có lương tâm mạnh mẽ phải công bố đặc ân và sự tự do mà chúng ta có trong Lời của Chúa, tận hưởng những đặc ân và sự tự do đó nhưng không bao giờ sử dụng chúng để làm tổn thương người khác. Chúng ta sẽ giải quyết nhiều vấn đề lớn trong Hội Thánh của chúng ta nếu chúng ta muốn học làm thế nào để có một lương tâm mạnh mẽ. Con người thường bị chia rẽ dưới ánh mặt trời. Chúng ta là các Cơ Đốc Nhân không có đủ đức tin để chấp nhận những lẽ thật trong lời Chúa và làm theo. Đôi khi những Cơ Đốc Nhân có lương tâm mạnh mẽ không biết làm sao để chấp nhận những Cơ Đốc Nhân có lương tâm yếu đuối và giúp họ trưởng thành trong Chúa. Lương tâm sẽ làm mạnh mẽ tình yêu anh em trong Chúa của chúng ta.

Lương Tâm Khuyến Khích Chúng Ta Làm Chứng Về Chúa
Lý do thứ năm tại sao lương tâm lại quan trọng. Lương tâm khuyến khích sự ra đi làm chứng cho Chúa. Khi bạn có một lương tâm mạnh mẽ, một lương tâm tốt bạn sẽ không sợ hãi khi phải đối diện với những vấn đề, những sự khó khăn của cuộc sống. Bạn sẽ thấy những khó khăn đó chính là những cơ hội để làm chứng.
I Phi-e-rơ 2:19 nói rằng “Vì nhân cớ lương tâm đối với Đức Chúa Trời, mà chịu khốn nạn trong khi bị oan ức, ấy là một ơn phước.” Bất kỳ ai cũng phải chịu khổ sở khi anh ta làm gì đó sai –thì điều này không phải là một ơn phước. Nhưng khi bạn làm một vài điều đúng và bạn phải chịu khổ thì chuyện này lại khác. Điều gì đã làm bạn vượt qua được sự khốn khổ đó. Chính là nhờ một lương tâm tốt. Khi lương tâm đứng về Đức Chúa Trời, nó sẽ tạo ra những khác biệt về những gì mà mọi người nói về bạn hay đối xử với bạn.
I Phi-e-rơ 3:15,16 nói rằng, “Nhưng hãy tôn Đấng Christ, là Chúa, làm thánh trong lòng mình. Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em, song phải hiền hòa và kính sợ, phải có lương tâm tốt, hầu cho những kẻ gièm chê cách ăn ở lành của anh em trong Đấng Christ biết mình xấu hổ trong sự mà anh em đã bị nói hành.”
Một lương tâm tốt khuyến khích bạn làm chứng. Không gì có thể làm bạn ngậm miệng giống như khi lương tâm lên án bạn. Khi chúng ta biết chúng ta đã làm điều gì đó sai, khi đó sẽ có gì đó ngăn trở giữa chúng ta với Chúa, và chúng ta sẽ không thể nào là những chứng nhân giỏi phải không?

Lương Tâm Giúp  Chúng Ta Trong Sự Cầu Nguyện
Lý do thứ sáu giải thích tại sao chúng ta phải có một lương tâm tốt. Lương tâm tốt giúp ta trong sự cầu nguyện. I Giăng 3:19-22 nói, “Bởi đó, chúng ta biết mình là thuộc về lẽ thật, và giục lòng vững chắc ở trước mặt Ngài. Vì nếu lòng mình cáo trách mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự. Hỡi kẻ rất yêu dấu, ví bằng lòng mình không cáo trách, thì chúng ta có lòng rất dạn dĩ, đặng đến gần Đức Chúa Trời: và chúng ta xin điều gì mặc dầu, thì nhận được điều ấy, bởi chúng ta vâng giữ các điều răn của Ngài và làm những điều đẹp ý Ngài.”

images
Nếu tôi quỳ gối cầu nguyện mà lương tâm lên án tôi, tôi sẽ phải ăn năn tội của mình thì mới có thể nói chuyện với Đức Chúa Trời. Nếu tôi đến với Chúa bằng lời cầu nguyện mà có gì đó trong đời sống tôi sai trật thì lương tâm tôi sẽ nói với tôi về điều đó. Thật tuyệt vời nếu có thể cầu nguyện trong ý muốn của Chúa mà không bị buộc tội bởi lương tâm của chúng ta.
Tác giả Thi Thiên nói rằng, “Nếu lòng tôi có chú về tội ác, ắt Chúa chẳng nghe tôi.” (Thi Thiên 66:18). Lương tâm nâng đỡ chúng ta trong sự cầu nguyện. Khi chúng ta đối mặt với Chúa, nếu chúng ta có một lương tâm tốt, một lương tâm không làm ai buồn lòng mà hướng về Đức Chúa Trời và người khác thì chúng ta có thể cầu nguyện một cách có hiệu quả.
Đức Chúa Jesus đã nói về điều này trong Bài giảng trên núi. Ngài phán rằng: “Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của lễ nơi bàn thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của lễ trước bàn thờ, trở về giảng hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của lễ.” (Ma-thi-ơ 5:23-24)

Lương Tâm Tác Động Đến Bổn Phận và Quyền Công Dân
Lý do thứ bảy giải thích tại sao chúng ta phải chú ý đến lương tâm của mình và phải cẩn thận như thế nào khi đối xử  với nó: Lương tâm tác động đến bổn phận của công dân.
Có những thời điểm nào đó mà các Cơ Đốc Nhân không tuân lệnh chính phủ? Trong Rô-ma 13 chúng ta được dạy rằng mọi người phải vâng phục bậc cầm quyền bởi vì họ được ban cho quyền chức từ Đức Chúa Trời. Vì thế chúng ta nên tuân giữ luật pháp bởi vì Đức Chúa Trời lập ra chính phủ. Nếu như chúng ta không tuân giữ luật pháp thì chúng ta sẽ bị hình phạt.
Nhưng trong Rô-ma 13:5 Phao-lô nói rằng, “Vậy nên cần phải vâng phục, chẳng những vì sợ hình phạt thôi, nhưng cũng vì cớ lương tâm.” Vậy người từ chối nhập ngũ vì nghĩ rằng điều đó trái với lương tâm thì sao? Có chỗ nào trong lời của Chúa nói về kháng cự thụ động không (phản đối mà không dùng bạo lực)? Nếu như lương tâm của bạn hoạt động đúng theo cách mà nó được tạo ra thì nó sẽ chỉ cho bạn biết rằng khi nào phải tuân theo luật pháp loài người và khi nào thì không tuân theo.
Giả sử rằng bạn không được phép làm chứng. Giả sử rằng như Đa-ni-ên, bạn không được phép cầu nguyện. Giả sử rằng giống như những bà mụ người Hê-bơ-rơ bạn phải giết trẻ em. Bạn sẽ làm gì? Lương tâm sẽ giúp chúng ta thực thi quyền công dân. Nó sẽ giúp chúng ta trở thành những công dân tốt và sử dụng quyền công dân của mình để làm vinh hiển danh Đức Chúa Trời.

z4

Lương Tâm Giúp Xây Dựng Tính Cách
Lý do thứ tám giải thích tại sao chúng ta phải quan tâm tới lương tâm của mình chính là điều này: Lương tâm giúp xây dựng tính cách. Hê-bơ-rơ 5:13,14 nói rằng, “Vả, kẻ nào chỉ ăn sữa thôi, thì không hiểu đạo công bình; vì còn là thơ ấu. Nhưng đồ ăn đặc là để cho kẻ thành nhân, cho kẻ hay dụng tâm tư luyện tập mà phân biệt điều lành và dữ.” Tác giả đang nói về sự tăng trưởng tâm linh và trưởng thành trong đời sống theo Chúa. Nếu như bạn không sử dụng khả năng đặc biệt của mình (lương tâm) thì chúng sẽ trở nên vô dụng. Nếu một người buộc tay phải của họ vào thân thể họ và không dùng đến nó, nó sẽ bị teo lại.
Ý nghĩa thuộc linh về việc làm của lương tâm cũng giống như vậy. Nếu như chúng ta không rèn luyện các giác quan thuộc linh của mình thì chúng ta sẽ không thể nào học được cách phân biệt giữa tốt và xấu, và vì thế chúng ta không trưởng thành trong Chúa. Vì thế việc tạo dựng lương tâm của chúng ta rất quan trọng đối với chúng ta. Chúng ta cần có: một lương tâm tốt, một lương tâm trong sạch, một lương tâm không trách móc – bởi vì những điều này giúp chúng ta xây dựng phẩm cách đời sống Cơ Đốc.
Tôi tin là tôi đã thuyết phục được bạn bằng tám lý do trên rằng: Lương tâm là quan trọng. Chúng ta không thể đùa cợt, giỡn chơi với lương tâm. Lương tâm là món quà Chúa ban. Nó có thể dẫn lối cho hạnh kiểm của bạn, khuyến khích sự phục vụ, làm mạnh mẽ tình yêu anh em trong Chúa, khích lệ bạn ra đi làm chứng, giúp bạn khi cầu nguyện, hướng dẫn bạn quan tâm đến quyền và bổn phận công dân, và cuối cùng là giúp bạn xây dựng nhân cách. Đó là lý do tại sao Charles Wesley viết trong bài thánh ca: “I want a principle within/ Of watchful, godly fear” (Tôi cần một nguyên tắc bên trong/ sự kinh sợ thánh khiết và cảnh giác.) Nguyên tắc đó chính là lương tâm.
Nếu như bạn nhận biết Chúa Jesus cách cá nhân, tin Ngài là Đấng Cứu Thế của bạn, Ngài sẽ thanh tẩy lương tâm của bạn và điều đó sẽ giúp bạn xây dựng một cuộc sống dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời.

 

Warren W. Wiersbe
Translated by Hoa Da Quy   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn