Thứ Bảy , 4 Tháng Năm 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / DỪNG BƯỚC GIANG HỒ

DỪNG BƯỚC GIANG HỒ

http://mp3.zing.vn/bai-hat/Dung-Buoc-Giang-Ho-Doan-Trang/ZWZCC8II.html

Bài hát rất hay ngày xưa, thời thanh xuân vẫn hát, lòng rộn ràng vì nhịp điệu rộn ràng của nó, với tiếng hát bay bổng muôn thuở của Thái Thanh (tiếng hát vượt thời gian giờ đây đang đếm thời gian trong một nursing home), nhưng không có một suy nghĩ gì, vì chẳng có kinh nghiệm gì về việc dừng bước giang hồ. Trẻ quá, thanh xuân quá, giang hồ còn rộng còn dài, nghĩ gì đến việc dừng bước.

Tiếng ca xa xa lắng trong bao la, với tiếng ru khẽ rung lên trong chiều gió

Đã bao năm qua, sống nơi phương xa, về quê cũ đành dừng bước chân giang hồ

Tôi mới từ California trở về, năm nay đi Cali hai lần trong vòng 3 tháng, việc bay đi bay về đã trở thành thường xuyên trong cuộc sống bây giờ, đến nỗi nhiều người đã lâu không liên lạc, thỉnh thoảng gọi, hỏi: bây giờ Mục sư đang ở đâu, Hoa Kỳ hay Việt Nam, hay Nga, nói như kiểu người ta hay nói: đi như đi chợ. Đi chợ không đi bằng xe, mà đi bằng máy bay. Nhưng thời gian sắp đến, có thể là việc đi chợ sẽ không thường xuyên nữa, chim bớt bay đi, bão bớt thổi, vì bước giang hồ sẽ tạm dừng chân.

kien

Tôi nhớ lại năm ngoái, khoảng tháng 6, hay tháng 7, trong khi chờ đợi bán căn nhà ở Maryland để mua căn nhà mới ở Georgia, tôi thình lình nghe tiếng phán của Chúa phán với Ê-li trong khi ông ta đang hết sức nản lòng, muốn bỏ cuộc, không chỉ muốn trong lòng, ông nói luôn với Chúa về điều đó. Nói những lời hết sức nặng nề: Ôi Đức Giê-hô-va! Đã đủ rồi. Hãy cất lấy mạng sống tôi, vì tôi không hơn gì các tổ phụ tôi. Sau những ngày nằm trong hang, ăn uống đầy đủ những vật thực Chúa ban, ông ta ra ngoài miệng hang, nghe nhiều tiếng động lớn, thấy nhiều hiện tượng lạ lùng, thì ông nghe tiếng phán êm dịu nhỏ nhẹ: Go back the way you came, theo văn mạch, Chúa muốn ông trở lại công việc cũ đã làm.

Lúc đó tôi mới vừa rời Hội Thánh khoảng một năm, bay cao như chim ưng, không nghĩ gì đến việc go back, vì đã biết chắc Ngài muốn dùng mình như Phao-lô ngày xưa: Hãy đi, vì ta toan sai ngươi đi đến cùng dân ngoại ở nơi xa.Tôi không đang thất vọng hay muốn bỏ cuộc, như Ê-li, nhưng tôi đang bay một lộ trình mới, thình lình, nghe Chúa bảo: hãy thay đổi lộ trình, go back the way you came. Ban đầu tôi ngạc nhiên, lắng nghe, hỏi thêm, và chờ đợi. Không có gì xảy ra sau đó, nhưng không có nghĩa là không có, nó chưa xảy đến, như một lời tiên tri vậy. Nhưng tôi nhớ rõ là ngay tức thì tôi đã đáp ứng tiếng phán của Chúa: “Nếu điều này thật là ý muốn Chúa, con đây là tôi tớ Chúa, xin sự ấy xảy ra cho con như lời người truyền” Giữa tháng 1, khi tôi đang ở nửa chừng chuyến bay Jacksonville thăm một người anh em, nghe một vài thông tin về gia đình khiến cảm xúc bị thương tổn nặng nề. Khi bay chuyến bay thứ hai trong đêm, lòng tôi tràn ngập sự thất vọng, u sầu, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay, không gian tối đen, lần đầu tiên tôi thiết tha nói với Chúa: xin cho con thấy Ngài, ngay bây giờ, ngay trong khoảng không gian đen tối này, cho con một dấu hiệu, để con thấy Ngài, nghe tiếng Ngài. Tôi ngó chăm chăm vào bầu trời đêm, nhìn đóm sáng nhỏ xíu lập lòe ở thân máy bay, hy vọng nghe tiếng Chúa, hy vọng nhìn thấy một tia sáng. Nhưng cho đến khi máy bay hạ cánh, tôi vẫn không thấy gì, không nghe gì, tôi cũng không thể cưỡng ép lý trí và tình cảm rằng Chúa đã nói một điều gì đó. Tôi không thấy gì cả, tôi không nghe gì cả từ khoảng không gian vô tận tối đen.

Khi tôi gặp một người bạn đồng lao ở Jacksonville, chia xẻ với ông điều đó, ông kể rằng đã có một lần ông cũng ở trong một trường hợp giống như vậy, nhưng thay vì đang bay trong không gian tối đen, ông đứng trước biển cả tối đen và hỏi Chúa một câu tương tự, rồi ông nghe như có tiếng của Chúa: hãy cứ trung tín làm việc ta đã giao phó. Tôi nghe và tự hỏi điều đó với tôi có nghĩa là gì? Có phải Chúa đang nói với tôi qua một người anh em? Nhưng điều đó khá mơ hồ. Tôi muốn nghe tiếng Chúa phán với tôi, riêng tôi. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác, mỗi gánh nặng riêng, lời Chúa cũng sẽ đến với mỗi người cách riêng.

Như mọi lần, Chúa không nói với tôi ngay tức thì, dường như đối với một người hay sốt ruột, muốn làm cái gì cũng nhanh, thì Chúa chọn sự trả lời chậm chạp để rèn tính kiên nhẫn: Hãy yên tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ đợi Ngài. Tôi lại phải chờ đợi chứ không thể làm gì nếu không nghe được tiếng Chúa, không thấy sự bày tỏ rõ ràng từ chính Ngài.

Hơn một năm sau khi định cư tại Atlanta, Georgia, thì Chúa từ từ mở cánh cửa mà Ngài muốn. Một loạt những “biến cố” nhỏ, không hề mong đợi, xảy ra, va chạm vào thành trì kiên cố của tôi, ảnh hưởng đến đời sống tôi, chức vụ tôi và gia đình. Tôi phải đương đầu với những cơn sóng lớn và phải tập “lướt sóng’, chụp bắt những làn sóng để lướt đi, như một đoạn viết của Mục sư Rick Warren trong cuốn Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích. Chúa rõ ràng là nắm tay tôi cùng lướt sóng và tôi lướt qua những làn sóng lớn cách an toàn. Nhưng trong khi đang tập trung lướt sóng, thì Chúa cho tôi thấy rằng, dường như “kỳ bay cao” của tôi sắp ngưng để trở lại “kỳ xuống thấp”. Những thay đổi đang xảy ra cho tôi ngày càng thấy rõ ý của Chúa. Nhưng tôi vẫn chờ đợi. Tôi muốn thấy rõ hơn. Tôi không muốn thay đổi nữa, những người đã bước qua tuổi 60 thì ít ai muốn thay đổi nữa, muốn làm công việc mà mình yêu thích cho đến khi nghỉ hưu. Nhưng tôi sẽ thay đổi nếu Chúa muốn tôi thay đổi. Chúa muốn là… Trời muốn mà 🙂  Tôi không dám tự làm một cái gì đó, gợi ý cho ai làm một cái gì đó rồi sau đó đổ thừa là ý Chúa, tôi đã học bài học của Sa-ra, thiếu kiên nhẫn chờ đợi lời hứa ban cho Y-sác, đi trước ý Chúa, đem A-ga về cho Áp-ram, rồi sau đó gây phiền phức cho gia đình. Tôi đã nói với Chúa là cho đến chừng nào con thấy rõ ý Ngài, thì con sẽ vâng lời.

Trong thời gian lướt sóng, từ một môn đồ của Hội Thánh Truyền Giáo trên Đường Dây, tôi được một Hội Thánh Báp-tít ở Greenville, South Carolina mời giảng. Bất cứ Hội Thánh nào, ở đâu, mời giảng là tôi đi, như từ ngày rời khỏi Fort Worth cho đến giờ. Tôi biết là Hội Thánh đang tìm một Mục sư quản nhiệm từ hơn 2 năm, nhưng tôi để yên cho Chúa hành động, không nghĩ ngợi gì hết, không động tĩnh gì hết. Từ nhà tôi ở Atlanta lái xe đến Greenville khoảng 2 tiếng rưỡi. Sau bài giảng đầu tiên vào tháng 10, một vài người trong Ban Chấp Hành đã gợi ý tôi về việc quản nhiệm Hội Thánh. Tôi vẫn nói rằng nếu đó là điều Chúa muốn thì tôi sẽ vâng lời.

Sau bài giảng thứ nhì vào tháng 11, Hội Thánh đặt thẳng đề nghị với tôi. Chúng tôi gặp nhau trong một buổi họp vào tháng 12, tôi muốn cho Hội Thánh biết về một số những trở ngại của tôi để họ tự quyết định. Thật tình mà nói, tôi đã nghĩ rằng sau khi nghe những trở ngại này thì Hội Thánh sẽ “rút lui”. Nhưng chỉ là suy nghĩ của tôi. Chúa nghĩ khác, mà Chúa nghĩ thì quan trọng hơn tôi nghĩ. Tôi nói với Hội Thánh rằng tôi có 4 điều không thể thay đổi trong thời gian này: Tôi vẫn giữ công việc Chủ bút đặc san Hướng Đi mỗi 3 tháng. Tôi vẫn giữ công việc truyền giáo quốc ngoại của tôi hàng năm, mỗi năm một tháng. Tôi quản nhiệm một Hội Thánh gọi là Hội Thánh Truyền Giáo Trên Đường Dây, nhóm nhau lại trên điện thoại, khoảng 40 người từ 17 tiểu bang khác nhau, và mỗi tuần thứ sáu tôi vào Hội Thánh để giảng (thay phiên cùng Mục sư Huệ), cũng như cầu nguyện cùng anh chị em ấy vào tối thứ ba, tôi cũng không thể bỏ việc ấy. Và cuối cùng, có vẻ là khó khăn, khó chấp nhận nhất: tôi sẽ không dọn nhà từ Atlanta đến Greenville ít nhất trong vòng 2 năm, chỉ có thể đến Hội Thánh vào weekend. Tôi muốn Chúa cho tôi thấy rõ thêm ý của Ngài qua điều này. Và một điều kiện: tôi không muốn đến Hội Thánh để “giữ Chùa”  🙂 , nếu tôi đến, và đưa ra những kế hoạch, Hội Thánh phải hứa cùng làm việc với tôi.  Buồn cười, thân mình lo chưa xong, còn điều kiện với người khác. Trong những điều kiện khó khăn này, tôi nghĩ rằng làm một Mục sư quản nhiệm “bán thời gian”sẽ là thích hợp hơn cho cả tôi và Hội Thánh. Tôi nghĩ nhưng không nói, để cho Hội Thánh quyết định. Nếu là Chúa muốn, thì chính Ngài sẽ san bằng những trở ngại. Ngài không muốn, thì sẽ có trở ngại. Tôi kinh nghiệm được sự giao phó hoàn toàn vào tay Chúa, tôi bình an, cho dù vẫn vất vả lướt sóng. Tôi muốn Chúa quyết định. Ngay sau đó, Ban Chấp Hành trả lời đồng ý tất cả mọi điều kiện mà tôi đưa ra. Và nói thêm: Mục sư sẽ đến Hội Thánh vào những cuối tuần, trong tuần vẫn ở Atlanta, khi có nhu cầu cần thiết thì đến. Một gia đình con cái Chúa tình nguyện “tiếp và đãi” Mục sư và gia đình trong những weekend Mục sư đến, bất cứ ngày nào Mục sư đến. Còn đòi hỏi gì nữa? Tôi xin một thư chính thức từ Hội Thánh. Ban Chấp Hành triệu tập một buổi bầu cử chính thức của Hội Thánh và thông báo cho tôi: Hội Thánh đã voted cho việc mời Mục sư làm quản nhiệm Hội Thánh là 100%. Cánh cửa là do chính Chúa mở, không phải tôi.

Khi Hội Thánh Greenville gởi thư chính thức mời tôi quản nhiệm Hội Thánh bằng một nghi thức trịnh trọng, không email, không mail, trao thư mời tận tay ngay sau buổi nhóm, có mặt toàn thể Hội Thánh, tôi xin thời gian một tháng nữa để tiếp tục cầu nguyện tìm cầu ý Chúa, trong những hoàn cảnh đặc biệt người ta muốn nghe rõ sự xác nhận của Chúa, Ghê-đê-ôn đã 2 lần xin Chúa cho những dấu hiệu khác nhau để nhận biết sự ở cùng của Chúa khi ông chiến đấu cùng dân Ma-đi an. Tôi nghĩ rằng Chúa đã tỏ cho tôi dấu hiệu, mời Quản nhiệm và đồng ý thông qua những trở ngại đáng kể, tôi xin một lần nữa, tôi xin Chúa bày tỏ cho tôi hy vọng nhà tôi được chữa lành căn bệnh 4, 5 năm nay. Khi tôi có thể nhìn thấy vài tia sáng hy vọng tôi sẽ xác nhận sự kêu gọi của Ngài. Với tôi đây là một viêc khó, tôi không thể làm gì được, và hình như các bác sĩ cũng không làm gì được, chỉ có Đức Chúa Trời làm được. Tôi biết Hội Thánh rất sốt ruột qua những lần cầu nguyện trong giờ thờ phượng, nhưng tôi quyết định đẩy Chúa đến tận cùng giới hạn, để Ngài nói final answer. Tôi lại nói với Chúa: Ngài đã làm, thì xin làm cho đến cuối cùng, như Ngài từng nói rằng Ngài yêu ai thì yêu cho đến cuối cùng, Chúa là một Đức Chúa Trời không bao giờ thay đổi, để con chắc chắn là đi đúng theo sự hướng dẫn và quyết định của Ngài. Con rất sợ đi theo ý con bây giờ, vì con đã… già rồi  🙂 . Không nên làm những việc mà sau này mình phải hối tiếc nữa.

Trong khi Đức Chúa Trời đang đẩy những phần trăm cao dần lên, những đợt sóng lớn đang dồn lại, tôi suy nghĩ đến một chuyến truyền giáo Việt Nam nữa trong năm nay trước khi bắt đầu dựng chuồng… chăn chiên Chúa. Tôi không muốn vừa về đến Hội Thánh lại dùng một tháng để đi xa. Những thông tin của VMI từ Việt Nam, đặc biệt là Nha Trang quê hương tôi, những lời kêu gọi thiết tha thúc giục tôi về: … Bây giờ huy động để học mà không phải ông Mục sư dạy con nghĩ không có ai học quá  🙂  Ông nghĩ sao ạ? Ai cũng nói chờ ông về, con cũng vậy. Tôi lại cầu nguyện xin Chúa mở đường cho, và phó thác việc ấy cho Ngài. Việc truyền giáo quốc ngoại hàng năm không phải là một việc đơn giản vì phải chuẩn bị nhiều homework, mà một trong những homework khó khăn là vấn đề tài chánh. Một homework khó hơn nữa là vấn đề thời gian cho nhà tôi chữa bệnh. Chúa trả lời nhiều việc, giúp giải quyết một vài homework khó. Tôi có tiền để mua vé máy bay, tiền để đi truyền giáo. Tôi mua vé máy bay trước, và cũng mua vé cho nhà tôi về thăm mẹ ở Houston, Texas trong thời gian tôi đi. Dù vậy, tôi vẫn luôn nói rằng nếu có trở ngại về vấn đề chữa bệnh cho nhà tôi, thì hoặc là sẽ dời ngày đi, hoặc là sẽ hủy bỏ luôn chuyến bay. Việc chữa bệnh cho nhà tôi là việc ưu tiên trong thời điểm này. Truyền giáo có thể đi vào một dịp khác. Tất cả là sự quyết định của Chúa. Ngài muốn thế nào, tôi sẽ làm thế ấy. Mưu sự tại… tôi, mà thành sự tại Chúa 🙂

Chúa mở đường cho sự gặp gỡ bác sĩ Daniel Dung Truong ở California, một bác sĩ, một giáo sư, một chuyên gia về não, chuyên trị Parkinson và bệnh mất tiếng nói. Vì California không nhận bảo hiểm từ Georgia, chúng tôi phải đến gặp ông bằng tiền mặt. Trước khi đi California, một khám phá từ lần chụp MRI cũ khiến chúng tôi vui mừng và hy vọng. Report của bệnh viện Spalding ở Griffin mà nhà tôi MRI xác nhận là não normal, không có dấu hiệu gì bất thường, như một bệnh viện châm cứu ở Hà Nội phán là bị teo não. Đó là một tia sáng mới mọc đầy hy vọng. Sau một vài thử nghiệm tại phòng mạch, bác sĩ đề nghị một số MRI scan nữa để xác định rõ căn bệnh mà ông đang giả định. Tổng cộng số tiền cho 5 cái order ấy lên đến gần $20000 là số tiền chúng tôi không thể lo được, vì California không nhận bảo hiểm Obamacare từ Georgia. Bác sĩ đề nghị transfer sang bác sĩ Mark Stacy, khoa phó phân khoa não của Duke University tại North Carolina, một người bạn của ông, gần tôi hơn, và đề nghị sự giúp đỡ. Khi có kết quả scan, biết rõ căn bệnh thì hai ông sẽ phối hợp điều trị. Tia sáng thứ hai lấp lánh hơn. Tôi đã liên lạc được và lấy cái hẹn sớm nhất vào April 4. Tôi biết là Chúa đã bày tỏ ý Ngài, tôi chỉ cần thấy những tia sáng hy vọng để quyết định cuối cùng. Tôi trả lời với Hội Thánh Greenville là tôi đồng ý.

Chuyến đi Việt Nam cũng đã xác định, nếu Chúa không đổi kế hoạch giờ chót 🙂

Khi mọi sự đã dần sáng hơn, tôi suy nghĩ về cuộc đời tôi.

Đâu vào khoảng đầu thập niên 1960, lúc thằng bé trên dưới 10 tuổi, những khi trở lại quê nhà, đi xe lam từ Nha Trang lên Thành, nơi sinh trưởng của mình. Thỉnh thoảng đi đò qua sông Cái, dòng sông ngầu đục nằm giữa những bụi tre cao vút hai bên bờ, dòng sông đang mênh mông chảy, thình lình đi vào một khúc quành như cái cùi chỏ gập lại, đi vào một khoảng sông hẹp tưởng có thể vươn tay đụng đến bờ. Thằng bé chẳng nghĩ gì hết, vì tâm hồn trẻ thơ đang phơi phới những cánh chuồn chuồn mỏng manh bay chập choạng trên mặt sông, đàn bướm sặc sỡ bất ngờ đổ ra cuối khúc quành. Nhưng nhiều chục năm sau, đi qua những thời gian, khi đã bạc đầu, ngồi lơ mơ nhớ lại, hình ảnh cái cùi chỏ cong vòng ấy chợt gợn lên những làn sóng lăn tăn trên sông, chấp chóa nắng trong tâm hồn.

Những chuyến đò khác đưa tôi đến những bến bờ khác hơn, xa hơn, mênh mông hơn. Nhưng dòng sông nào dường như cũng có những khúc quành, nhiều khúc quành. Dường như nếu không có những khúc quành, thì không phải là sông, mà chỉ là hồ.

Thật thích hợp khi người ta ví sánh cuộc đời con người như môt dòng sông, cuộc đời con người không bao giờ luôn luôn êm đềm trôi chảy mãi, mà luôn có những khúc quanh, dường như là một quy luật từ Đức Chúa Trời, chỉ có khác là mỗi khúc quành của mỗi người khác nhau, có những khúc quành rất ngặt, đôi khi không bẻ tay chèo lái kịp, đâm vào bờ cát, vào bụi tre, mắc vào đó, loay hoay gỡ, cũng có những khúc quành tự nhiên, êm đềm, như dòng sông đi vào một ngã mới, mở ra một chân trời mới.

Thật thích hợp khi người ta ví sánh cuộc đời con người như môt dòng sông, cuộc đời con người không bao giờ luôn luôn êm đềm trôi chảy mãi, mà luôn có những khúc quanh

Như mọi người, tôi đi qua dòng sông, qua những khúc quành, đôi khi, trong những thì giờ hiếm hoi ngồi thư giãn với ly cà phê, nhớ lại những khúc quành mình đã đi qua, nhớ những dòng sông đã thả trôi, đã lênh đênh, đã chèo chống trong suốt những quãng dài ngắn đời mình. Giờ đây, trong sự lèo lái của Đức Chúa Trời, tôi trôi vào một khúc quành khác. Người tín hữu tại Greenville, nói với tôi lời chân tình: thôi Mục sư hãy nhận lời về với chúng tôi, Greenville nhỏ bé, hiền hòa, không nhiều biến động, coi đây là nơi dừng chân cuối cùng cho đến lúc về hưu.

Có phải đây là khúc quành cuối cùng của cuộc đời hầu việc Chúa? Sẽ dừng bước giang hồ tại thành phố xanh lá cây này? Nào ai biết được, chỉ có Chúa biết. Thôi hãy cứ vâng lời Chúa, tới đâu biết tới đó, không thắc mắc. Hiện nay ngươi chẳng biết sự ta làm, nhưng về sau sẽ biết.

 

kienhoa

MỤC SƯ LỮ THÀNH KIẾN

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn