Thứ Sáu , 3 Tháng Năm 2024
Home / Tổng hợp / NHỮNG CHUYẾN ĐI XA

NHỮNG CHUYẾN ĐI XA

Những Chuyến Đi Xa

 

Cuộc đời là hành trình của những chuyến đi xa. Những chuyến đi xa của tôi đều có hướng đi rõ rệt

kèm theo lời hứa vững vàng. “Ta há không phán dặn ngươi sao? Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng, vì Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi” (Giô-suê 1:9). Tôi có kinh nghiệm chuyến đi nào tôi đi, Chúa cũng đồng đi với tôi.

 

CHUYẾN ĐI TRUYỀN GIÁO TẠI MÃ LAI

Tôi chưa bao giờ đến Mã-Lai. Tôi nghe nói đây là nước theo Hồi Giáo, có thủ đô mang tên Kuala Lumpur, có sản lượng cao su nhiều nhất thế giới, có nhiều cây cọ trồng đại trà để lấy dầu. Nghe nói người Nam Dương, láng giềng của Mã Lai, theo Hồi giáo đã giết người tin Chúa và đốt nhà thờ. Nghe nói ai truyền bá Phúc Âm cho người Hồi Giáo có thể nguy đến tánh mạng. Tôi hơi sợ. Chữ Mã Lai nhắc cho tôi hình ảnh của mấy người Ấn Độ da đen bán hàng tạp hóa mỹ phẩm ở Sài Gòn năm xưa, những người ăn ca-ri vàng nghệ. Tôi vẫn nghĩ rằng Mã Lai cũng là nước nghèo giống như Việt Nam hay Campuchia trong vùng Đông Nam Á. Nhưng sau hai tuần “Mission Trip” đến thăm Mã Lai, kể từ tối May 17, 2005 khi bước vào và ra khỏi phi trường to lớn, ở trọ trên một cao-ốc sát bờ biển, đi cả ngày dọc theo Highway sạch và rộng, với các trạm dừng mát mẽ, sạch sẽ, đến thăm khu trung tâm thủ đô với kiến trúc tháp đôi cao nhất thế giới, không thấy xe đạp, chỉ thấy xe hơi và xe gắn máy… sự hiểu biết và kinh nghiệm của tôi về Mã Lai đã hoàn toàn thay đổi. Tự nhiên tôi có cảm tình với đất nước xanh tươi, văn minh tiến bộ và dân chúng hiền hoà tại đây.

Malaysia 6630

Những ngày nầy tôi nghĩ nhiều về Mã Lai và hàng trăm ngàn người Việt đang lao động khắp nơi trên đất nước nầy. Năm 2003 bắt đầu có nhiều công nhân Việt nam đến Mã Lai trong hợp đồng làm việc 3 năm. Qua năm 2004 đã có cao điểm 85,000 người. Sau đó có 15,000 người về nước, hiện còn khoảng hơn 70,000 công nhân đang làm việc trong các công ty. Có người làm nghề xây dựng, có người làm mộc, lắp ráp điện tử, làm thợ may và nhiều ngành nghề công nghiệp khác. Đa số anh em công nhân, bao gồm người từ 12 dân tộc thiểu số, đến từ miền Bắc Việt Nam. Đã có nhiều người Việt tiếp nhận Chúa tại Mã Lai. Một số người đã về nước và vẫn giữ đức tin. Nhiều người còn đang sinh hoạt thờ phượng Chúa trong các nhà thờ Tin Lành Mã Lai.

Đã có nhiều người Việt tiếp nhận Chúa tại Mã Lai. Một số người đã về nước và vẫn giữ đức tin. Nhiều người còn đang sinh hoạt thờ phượng Chúa trong các nhà thờ Tin Lành Mã Lai.

Tôi nghĩ đến chương trình của Đức Chúa Trời dành cho người Việt đã và đang tin Chúa ngay tại Mã Lai. Những người nầy rồi đây sẽ trở về nước mang hạt giống Phúc Âm gieo rắc ở khắp mọi miền đất nước, nhất là ở quê hương miền Bắc Việt Nam.

Trong Nhật Ký Hành Trình tôi đã ghi nhận những kinh nghiệm đã xảy ra ở Mã Lai. Những kinh nghiệm nầy đã dẫn đến những quyết định khác trong tương lai.

May 19. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Có đi ra mới mở mắt thấy thế giới của người khác và từ đó mới thấy hoàn cảnh của chính mình. Có đi ra tiếp xúc, giao lưu mới thấy có nhiều thành kiến cần xóa bỏ, nhiều hố sâu cần lấp đầy, nhiều hàng rào cần thay thế bằng những cây cầu. Được biết nhiều anh em lao động Việt Nam vốn có thành kiến không tốt về đạo Chúa, hoặc do tuyên truyền hoặc do thiếu từng trải tiếp xúc với con cái Chúa thật nên lúc đầu vẫn còn nghi ngờ và giữ khoảng cách. Tại J., địa điểm đầu tiên đoàn chúng tôi đến phục vụ, có mấy chục anh em lao động được mời đến, nhưng các anh phụ trách truyền giáo địa phương cho biết là không nên kêu gọi họ tin Chúa. Họ chưa sẵn sàng, có người còn chống đối, nghi ngờ. Có người còn yêu truyền thống cũ, thói quen cũ chưa muốn đổi thay.

Đoàn truyền giáo chúng tôi cố gắng tạo bầu không khí vui vẻ, cởi mở và yêu thương. Chương trình giao lưu gồm có trò chơi, ca hát, kịch, và nói chuyện tâm tình. Trong dịp nầy tôi nói về chuyện một người tha hương đã khám phá ra chương trình của Chúa dành cho đời sống mình. Chàng thanh niên Giô-sép 17 tuổi, con cưng của tổ phụ Gia-cốp đã sống tha hương và nhờ tuân theo những nguyên tắc thuộc linh của đức tin đặt nơi Đức Chúa Trời, thanh niên Giô-sép đã sống thành công nơi xứ lạ quê người, trở thành người cứu giúp gia đình và tha thứ cả những người đã từng dứt bỏ tình máu mủ bán anh làm nô lệ… Đức Chúa Trời có mục đích cho những người Ngài thương trong những cuộc tha hương. Khi Chúa dùng một người nào trong công việc lớn và khó, Ngài thường cho người ấy sống tha hương. Tôi thấy nụ cười nở trên môi anh em, anh em ở lại lâu hơn, vui vẻ nhận sách báo để đọc và có người hứa sẽ tìm hiểu thêm về Chúa. Tôi đang cố gắng gieo niềm tin yêu hy vọng và mục đích sống trong lòng những người Việt tha hương. 

Tôi thấy nụ cười nở trên môi anh em, anh em ở lại lâu hơn, vui vẻ nhận sách báo để đọc và có người hứa sẽ tìm hiểu thêm về Chúa. Tôi đang cố gắng gieo niềm tin yêu hy vọng và mục đích sống trong lòng những người Việt tha hương.

May 20. Sau một ngày chia sẻ thông tin, nắm vững tình hình với những anh em truyền giáo địa phương có kinh nghiệm đi trước, đoàn chúng tôi chuẩn bị đến địa điểm mới, A.S. Đoàn gồm 10 người, 4 người đang ở Mã Lai và 6 người (gồm 4 nam 2 nữ trong đó có 2 sinh viên thần học, 2 kỹ sư) từ Texas qua. Từ đảo Penang, nơi chúng tôi tạm trú đến A. S. mất hai tiếng đồng hồ đi xe hơi, băng qua chiếc cầu dài 10 km vào đất liền. Giống như ở các nơi, anh em công nhân Việt suốt ngày đi làm, không thể tiếp xúc thăm gặp được. Thời gian tiếp xúc chỉ diễn ra vào ban đêm. Chương trình thường bắt đầu từ 8 hoặc 9 giờ tối. Các anh em phối hợp đã hiệp tác với các Hội Thánh địa phương để mượn phòng sinh hoạt, gởi giấy mời, thuê hoặc nhờ xe đón rước anh em công nhân. Ở A.S., có một nhà thờ Methodist cho mượn cơ sở. Nhà thờ nầy là nơi thờ phượng Chúa của ba nhóm tín hữu người Hoa, người Mã Lai và người Ấn Độ. Anh em đến khá đông. Khoảng 80 công nhân hiện diện. Hầu hết anh em là người miền Bắc, có người là dân các sắc tộc miền núi. Chương trình sinh hoạt diễn ra vui vẻ. Anh em tham gia nhiệt tình. Ở đây chúng tôi được phép kêu gọi tự do. Tôi đã kêu gọi anh em trở về nhà Cha. Tôi nói về người con trai hoang đàng bỏ nhà cha ra đi, gặp nhiều bất hạnh và quyết định quay về, được cha đón tiếp, tha thứ và phục hồi. Đức Chúa Trời là người cha thiên thượng cũng sẵn sàng đón tiếp, tha thứ những người con xa nhà, tha phương trở về. Kết quả thật lạ lùng và cảm động. Có 43 người tiến lên cầu nguyện tiếp nhận Chúa và ghi danh xác quyết đức tin. Bầu không khí đêm nay thật vui mừng bừng sáng.

Trong buổi truyền giảng nầy tôi thấy có sự tham gia của ba người đến từ Canada, hai người đến từ Việt nam và ngày hôm sau đó có thêm bốn sinh viên thần học đến từ Thái Lan. Anh T., một người gốc miền Bắc, đã tin Chúa từ trại Tị nạn Hồng Kông, đang hưởng ứng tiếng gọi đến Mã Lai để tham gia truyền giáo, nhân dịp nầy đã chia sẻ nhận xét của anh về lý do các công nhân tin Chúa đông như vậy. Anh T. nói, “Môi trường lao động khắc nghiệt của người lao động ở Mã Lai cùng với những khủng hoảng trong đời sống đã thúc đẩy người Việt tin nhận Chúa. Họ đến với Chúa không phải vì động cơ tìm kiếm vật chất nhưng là do họ cần tình người là điều họ không tìm thấy nơi môi trường làm việc. Khi họ được Hội Thánh thăm hỏi, mời đến sinh hoạt gần gủi, vui vẻ, chân thành, họ cảm thấy được yêu thương thật lòng, họ nhận ra phẩm chất tốt đẹp của đạo Chúa. Điều nầy đụng chạm đến lòng của họ và họ tiếp nhận tình thương của Chúa cách cởi mở, dễ dàng.”

3 giờ 30 sáng đoàn chúng tôi mới về tới chỗ nghỉ trọ. Một đêm ngủ vùi, mệt nhưng vui.

May 21. Chiều nay đoàn truyền giáo đến địa điểm mới ở B. M. Ở đây có hai nữ thông dịch viên người Việt là tín hữu đang sống chung giữa anh em công nhân trong những chung cư. Những người nầy là chỗ dựa tinh thần quý báu của anh em công nhân vốn biết ngoại ngữ rất ít. Cùng đi với đoàn cũng có vợ chồng một Luật sư người Mã Lai gốc Trung Hoa. Anh là một tín hữu rất yêu thương người Việt Nam, anh qua Hà Nội học tiếng Việt và cưới vợ Việt Nam. Anh nói, “Tiếng Việt giống như cô gái Việt Nam, càng nghiên cứu càng thấy yêu.” Anh cũng là chỗ dựa tinh thần rất lớn của các công nhân, mỗi khi gặp khó khăn với chủ công ty về tài chánh hay về pháp lý. Họ nhờ anh giúp đỡ. Anh thông thạo luật pháp, quen biết nhiều với chính quyền và Tòa án Mã Lai nên sự giúp đỡ của anh thật thực tế và hiệu quả. Anh luôn bệnh vực quyền lợi công nhân và đã gây được cảm tình lớn giữa vòng công nhân. Anh cũng cùng vợ tham gia liên lạc các Hội Thánh Mã Lai để tổ chức và sắp xếp những cuộc họp mặt và nhóm họp của anh em công nhân. Cơ quan Truyền giáo Quốc ngoại của Giáo Hội Báp-tít đã cử một vợ chồng người Việt đến sống ngay tại Mã Lai. Anh luật sư nầy đã trở thành người hiệp tác và hổ trợ mạnh mẽ cho người hầu việc Chúa ở đây.

Công tác truyền giáo không của riêng một người nào, nhóm nào nhưng là sự hiệp tác của nhiều người được Chúa kêu gọi ở khắp mọi nơi. Vì thế ở Mã Lai các Hội Thánh đã rút được kinh nghiệm là không nên có sự hoạt động riêng lẻ với tính cách giáo phái riêng mà nên xem công việc truyền giáo là công việc chung không phân biệt giáo phái, không lấy credit riêng. Những quy định chung nầy đều được các Hội Thánh Mã Lai và các giáo sĩ đồng ý áp dụng khắp nước Mã Lai. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên kết quả truyền giáo độc đáo ở Mã Lai.

Do không thể đến thăm gặp tất cả các công nhân Việt Nam ở khắp nơi nên phương tiện truyền giáo dọn đường hiệu quả là những quyển sách nhỏ, những CD, VCD, được in ra nhiều và phân phát rộng rãi. Anh em công nhân đói khát tài liệu sách báo tiếng Việt nên đã đón nhận những văn phẩm Cơ-đốc cách cởi mở. Những quyển sách nhỏ chẳng hạn như quyển “Người Việt với Khái Niệm Ông Trời” đã được phổ biến rộng rãi hơn hết vì thích hợp, dễ hiểu và gần gủi.

Tại B.M. có 9 anh em tín hữu có lòng muốn được trang bị phương pháp làm chứng đạo nên đã liên lạc với đoàn và mời tôi hướng dẫn lớp học nầy.  Tôi đã dùng tài liệu trong quyển Sharing Your Faith With Friends and Family của Michael Green để hướng dẫn anh em. Hy vọng với sự trang bị căn bản nầy những con gặt thuộc linh sẽ làm việc cách hiệu quả hơn, tập trung hơn.

Buổi tối anh em góp tiền thuê xe bus đến nhà thờ để nhóm. Địa điểm là nhà thờ Axel Point Community Church. Hôm nay là buổi sinh hoạt đặc biệt, được mời rộng rãi. Số người dự cả trăm người. Anh em sinh hoạt vui vẻ. Người hướng dẫn chương trình là một thiếu nữ miền bắc có năng khiếu ăn nói lưu loát, khéo léo đã tạo ra bầu không khí quê hương thật gần gủi. Có một tín hữu tên là V. đã đứng lên góp phần một bài thánh ca do anh tự biên tự diễn nói lên niềm vui của người tin Chúa thoát khỏi tối tăm đến nơi sáng láng. Sau đó anh em trong đoàn truyền giáo diễn vở kịch một người mua con chim đang bị hành hạ với giá cao để thả cho nó bay đi lồng trong câu chuyện ma quỷ đang hành hạ những tội nhân và được Chúa Giê-su đến giải thoát bằng cách trả giá chịu chết đền tội cho họ. Vở kịch chuẩn bị không khí cho bài nói chuyện của tôi, về thực tế đời sống có Chúa Giê-su là có tất cả những ơn phước và giá trị mà nhân loại trông mong. Có 22 người tiến lên tiếp nhận Chúa và ghi danh xác quyết niềm tin. Lại một đêm nữa đến 3 giờ khuya đoàn truyền giáo mới về tới chỗ nghỉ trọ sau khi ghé lại một quán khuya để ăn cháo gà.

Chúa Nhật May 22. Chuẩn bị một ngày dài làm việc. Hôm nay là một ngày lễ lớn của Phật Giáo ở Mã Lai, dân chúng tụ họp khá đông ở trước chùa, ở ngoài đường. Chúng tôi đến B.W. Tại đây tôi thấy hình ảnh khoan dung tôn giáo ở Mã Lai. Trên cùng một con đường, ngay sát hai bên nhà thờ Tin Lành là hai cái chùa Phật giáo, một cái miếu mái đỏ khói hương nghi ngút, một đền thờ Ấn Độ giáo có tháp cao với đủ thứ hình tượng được điêu khắc lộ thiên và gần đó là đền thờ Hồi giáo. Các nhà thờ Tin Lành ở Mã Lai hầu hết là do người Hoa xây dựng và lãnh đạo. Các tôi tớ con cái Chúa người Hoa rất yêu thương các công nhân Việt Nam và đã tạo điều kiện dễ dàng cho việc sử dụng nhà thờ làm nơi sinh hoạt và truyền giảng. Có Hội Thánh thuê xe bus đưa đón công nhân đến nhà thờ. Nhân ngày lễ được nghỉ ngơi, anh em công nhân được mời đến khá đông và buổi nhóm tại ngôi nhà thờ có máy lạnh rộng lớn diễn ra vui vẻ và mát mẽ. Buổi sinh hoạt bắt đầu lúc 3 giờ chiều. Sau các sinh hoạt cộng đồng và ca hát tôn vinh, tôi lại có dịp nói chuyện với anh em công nhân về sự sống thật, sự sống sung mãn, có giá trị, có ý nghĩa chỉ được tìm thấy trong Chúa Giê-su.

Bài nói chuyện của tôi dựa trên câu Kinh Thánh, “Ai có Đức Chúa Con thì có sự sống, ai không có Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống.” Sau lời kêu gọi có 39 anh chị em công nhân đáp lời mời của Chúa nhận lãnh sự sống mới tâm linh. Ai nấy vui mừng, ca hát. Bài hát Trong Danh Chúa Giê-su được cất cao. Đây là bài hát cộng đồng rất hào hứng, mạnh mẽ nghe nói do một anh em công nhân sáng tác. Tôi mới nghe lần đầu bài hát nầy. “Trong danh Chúa Giê-su, chúng ta là anh em với nhau. Trong danh Chúa Giê-su, chúng ta là một gia đình. Trong danh Chúa Giê-su, chúng ta là một thân trong Chúa, yêu thương và hiệp một như Chúa thường dạy khuyên chúng ta. Đưa tay trái lên cao, chúng ta là anh em với nhau. Đưa tay phải lên cao, chúng ta là một gia đình. Đưa lên cả hai tay chúng ta là một thân trong Chúa. Yêu thương và hiệp một như Chúa thường dạy khuyên chúng ta.” Tiếp theo anh em còn tham gia văn nghệ, có người đọc thơ tự biên tự diễn bày tỏ niềm thương nhớ gia đình và nấn ná cho đến 6 giờ chiều khi xe bus đến đón anh em trở về nhà. Buổi truyền giảng thật vui và kết quả.

Trong khi đó, tại N.T., có một nhóm tín hữu khác khoảng 40 người đang chờ đợi. Một Hội Thánh người Hoa bảo trợ và thuê cho anh em một căn phố lầu rộng rãi sát mặt tiền đường làm nơi sinh hoạt hằng tuần. Được biết anh em đã tập sự hiệp nhau hướng dẫn và chủ động mọi sinh hoạt thờ phượng như một Hội Thánh nhỏ. Đây là một mô hình Hội Thánh mới vốn được áp dụng lần đầu tại Trung Hoa với nhiều kết quả khi các tân tín hữu được huấn luyện để nhận trách nhiệm xây dựng và mở mang Hội Thánh mới. 7 giờ tối khi chúng tôi đến nơi thì bàn ăn đã dọn sẵn chờ đợi. Mục sư và đại diện Hội Thánh người Hoa đã chuẩn bị nhiều món ăn để khoản đãi. Ai nấy ăn uống vui vẻ trong bầu không khí gia đình. Hiện diện còn có cặp vợ chồng Bác sĩ người Ấn Độ, và các chấp sự người Hoa trong Hội Thánh. Chính những người nầy với lòng yêu thương rộng mở, tiếp đón, phục vụ, giúp đỡ tận tình không phân biệt sang hèn đã cảm động lòng anh em công nhân và nâng đỡ tinh thần anh em rất nhiều trong cảnh tha hương.  Ăn xong đến phần sinh hoạt thờ phượng và truyền giảng. Tôi chia sẻ với anh em về hình ảnh người chăn đi tìm chiên, tìm cho kỳ được và vác chiên trở về. Đó là việc Chúa Cưú Thế đã và đang làm hôm nay. Có 6 thân hữu tiếp nhận Chúa. Có 4 anh em người Công giáo bày tỏ lòng vui mừng muốn tham gia sinh hoạt thờ phượng Chúa hằng tuần với anh chị em Tin Lành. Đoàn truyền giáo chia tay trở về lúc 12 giờ khuya sau một ngày dài thật vui.

May 23. Buổi sáng anh em trong đoàn ngồi lại tại nhà với thầy M. để đánh giá các sinh hoạt và rút kinh nghiệm. Ai nấy đều vui và nhận thấy Chúa ban phước thật nhiều cho chuyến đi. Anh em thấy tự tin hơn và thể hiện sự hiệp tác nhịp nhàng, sáng tạo trong từng buổi nhóm. Anh em hết lòng dâng kết quả lên cho Chủ mùa gặt. Bây giờ cánh đồng truyền giáo chẳng những cần con gặt mà cũng cần người chăn. Anh em công nhân cần người lãnh đạo tinh thần như những người cha, người mẹ, chăm sóc, gần gủi, khuyên bảo, cầu thay, ăn uống, giúp đỡ trong bầu không khí gia đình.

Chiều tối đoàn truyền giáo đến S. Ở đây có một gia đình chấp sự người Hoa là ông bà K. vui vẻ tiếp đón, mời ăn và đưa đến nhà thờ. Ông bà có lòng thương người Việt Nam và đã vận động Hội Thánh để mở một ministry giúp công nhân Việt Nam. Nhà thờ là một căn phố rộng sẵn sàng mở cửa để anh em tân tín hữu đến sinh hoạt như một Hội Thánh mới. 8 giờ tối buổi nhóm truyền giảng bắt đầu. Tôi giảng về tình thương là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống. Tôi dạy anh chị em câu nói tiếng Anh và đề nghị anh em áp dụng bất cứ ở đâu và khi nào tiếp xúc với người khác kể cả với chủ nhân hay bạn đồng lao với mình: “God loves you and I love you, too.” Tôi biết đã có người Việt tin Chúa nhờ nhớ lại câu nói nầy. Chúng ta yêu vì Chúa đã yêu chúng ta trước. Hãy kinh nghiệm tình yêu không hề chia cách của Chúa bắt đầu bằng bước đức tin đón nhận Chúa yêu thương vào lòng. Kết quả có 37 người tiến lên tiếp nhận Chúa. Thật là một bầu không khí cảm động vui mừng. Thầy M. cho biết sẽ mở ngay một Hội Thánh mới tại đây. Ngẫm lại nếu không có tình thương và sự sẵn lòng của các Hội Thánh tại Mã Lai, công việc truyền giáo khó có kết quả lớn như ngày nay. Tình thương có sức mạnh cảm động, xoá tan thành kiến và thay đổi lòng người. 

May 24. Buổi sáng đoàn bắt đầu chuyến đi dài 4 tiếng đồng hồ trên hai xe đến K., gần thủ đô Kuala Lumpur. Xa lộ ở Mã Lai rất rộng, sạch và đẹp. Cảnh trí hai bên xa lộ xanh tươi, rừng nguyên vẹn, có những hàng cây trồng, loại cây làm báng súng, có những rừng cây cọ như những rừng dừa xanh thẳm. Cảnh núi non nhất là ở vùng Ipoh thật hữu tình, huyền bí, mờ trong sương, chập chùng chẳng khác nào vịnh Hạ Long trên núi. Trên xa lộ thỉnh thoảng có những trạm thâu lộ phí và có những trạm nghỉ rất sạch và đẹp, có phòng vệ sinh, quán ăn và tiệm bán đồ thủ công lưu niệm. Khách dừng chân tại trạm nghỉ khá đông.

Đến K., đoàn truyền giáo ăn tối tại căn hộ của chị Th., một chị em tình nguyện đến từ California. Chức vụ của chị tại đây có kết quả thật lớn. Nhiều công nhân tin Chúa và đứng vững nhờ sự chăm sóc và phục vụ không quản ngại khó khăn của chị. Nhà của chị trở thành mái ấm, chỗ nương dựa và trạm dừng chân của các tân tín hữu trước khi hồi hương. Chị đã trở thành như người mẹ hiền của các anh chị em công nhân ở K. và vùng phụ cận. Qua chị có một số thân nhân của các công nhân ở Việt Nam cũng trở lại cùng Chúa nữa. Tiếng lành đồn xa. Chị đến Mã Lai từ năm 2003 và sinh sống ở ngay trong một chung cư với anh em công nhân Việt Nam. Có lần chị giúp đỡ cho một công nhân Việt Nam còn trẻ bị chém bể sọ. Anh nầy được chị đưa vào nhà thương, được chăm sóc, được chữa lành, được ở lại tại nhà chị trước khi về lại Việt Nam. Vì anh bỏ công ty cũ để đi làm bên ngoài, bị kể là lao động bất hợp pháp, không ai chịu trách nhiệm giúp đỡ. Chỉ có chị nhận làm thân nhân của anh. Đời sống anh hoàn toàn thay đổi. Ảnh hưởng của chuyện nầy thật lớn, tiếng đồn lan tới thân nhân và họ hàng của anh ở Việt Nam…

Hội Thánh Mã Lai đã thuê cho anh em tại K. một phòng nhóm rộng có thể chứa được 170 người. Số người nhóm lại buổi tối nầy rất đông ngồi chật hết căn phòng, mặc dù bên ngoài trời mưa lớn. Có một số công nhân ở các vùng phụ cận đến nhóm. Tất cả là tín hữu mới tin nhận Chúa, đầy lòng hăng say, cảm nhận và kinh nghiệm tình yêu của Chúa. Tôi nói chuyện với anh em về một đời sống tín nhân được thúc đẩy bởi 5 mục đích: Thờ phượng, Thông công, Môn đồ hoá, Truyền giáo và Phục vụ. Anh em hiểu mình tin Chúa rồi phải làm gì. Có người viết thư về khuyên gia đình tin Chúa. Có một anh nói với tôi là khi về nước sẽ mở ngay một Hội Thánh tư gia trong làng của mình. Kinh Thánh bản dịch mới đang được các tín hữu sử dụng rộng rãi ở đây vì dễ hiểu và có lối văn hiện đại thích hợp với những người chưa hề biết Thánh Kinh. Một anh cho tôi biết đã đọc xong quyển Kinh Thánh một lần và cho biết có nhiều đoạn khó hiểu. Tôi nhớ lại lời khuyên của một Mục sư Đại Hàn về việc đọc Kinh Thánh giống như ăn cá, hãy lựa lấy thịt mà ăn, chừa xương lại. Tinh thần ca ngợi Chúa của anh em ở đây rất cao. Theo nhu cầu của anh em tôi thay cho đoàn tặng một đàn Keyboard và một đầu máy chiếu DVD để anh em sử dụng trong việc thờ phượng và huấn luyện. Ai nấy đều vui.

Nghe nói các anh chị em khác thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam và Hội Thánh Assembly of God đến từ Mỹ cũng đến tham gia truyền giáo trong các vùng lân cận thủ đô Kualar Lumpur với những kết quả khả quan.

Anh em trong đoàn chia ra ngủ ở nhà một tín hữu người Hoa, tôi và thầy M. được một vợ chồng người Hoa chở đến ngủ tại khu nhà nghỉ kiểu Ấn Độ với kinh nghiệm mới và kỷ niệm mới. Vợ chồng người Hoa nầy là chấp sự Hội Thánh có chia sẻ với tôi lòng mong ước của ông bà muốn tìm kiếm một anh em hay chị em nào ở Mỹ đến phục vụ tại Mã Lai trong thời hạn 3 năm để xây dựng một nhóm tín hữu mới do Hội Thánh của ông bà bảo trợ. Bạn muốn đến Mã Lai phục vụ, xin liên lạc với tôi. Tôi sẽ vui lòng giới thiệu.

May 25. Đoàn chúng tôi có thì giờ buổi sáng đi tham quan thủ đô Kuala Lumpur. Chúng tôi ghé thăm khu tháp đôi nỗi tiếng ở thủ đô Mã Lai. Cảnh trí và kiến trúc ở đây thật đẹp. Ngoại trừ thức ăn rẽ, còn những món hàng khác đều có giá cao không thua gì ở Mỹ. Mỗi Mỹ kim đổi được 3 Ringit là tiền Mã Lai. Ở đây có rất đông du khách nườm nượp đi lại lên xuống các cầu thang tự hành. Nhưng không ai được lên những tầng cao nhất của tháp đôi như trước đây kể từ ngày 9/11.

Ăn trưa xong, chụp hình xong, đoàn lại lên đường trở ngược về I. là nơi có tổ chức truyền giảng buổi tối. Đường đi xa lộ mất 3 tiếng đồng hồ. Một Hội Thánh Báp-tít Nam Phương của người Hoa đã mở cửa, đưa đón công nhân, chuẩn bị thức ăn và hiệp tác với mấy chị em trong nhóm Youth For Christ để phục vụ các công nhân Việt Nam. Số người nhóm lại có hơn 100 anh em công nhân. Hầu hết anh em đều đã tin Chúa nhưng mức kết ước chưa cao. Tôi được mời nói chuyện và kêu gọi anh em yêu mến Chúa hơn thể hiện trong việc trung tín nhóm lại thờ phượng Chúa và học lời Chúa. Có 6 anh em quyết định tiếp nhận Chúa lần đầu. Buổi nhóm thật vui. Mục sư và Hội Thánh ở đây rất vui. Đến khuya, anh em công nhân được xe bus đưa về nhà, cả đoàn cũng lên đường trở về Penang, một mình tôi ở lại I. trong nhà khách của anh chị em Youth For Christ. Ba giờ sáng tôi được đánh thức dậy để lên xe bus đi 3 tiếng đồng hồ đến phi trường Kuala Lumpur kịp chuyến bay trở về Mỹ ngày May 26.

Cảm ơn Chúa về cơ hội và kinh nghiệm nhớ mãi trong chuyến Mission Trip lần đầu đến nước Mã Lai. Cảm ơn Chúa về cơ hội gặp mặt hơn 550 công nhân Việt Nam và chứng kiến trong hai tuần có 153 người quyết định tiến lên tiếp nhận Chúa. Việc Chúa làm đang diễn ra trước mắt chúng ta.

 

CHUYẾN ĐI ÚC CHÂU

Vào dịp Lễ Giáng Sinh, ở Mỹ trời đang giữa mùa đông lạnh lẽo, mưa và tuyết lạnh, trong khi đó ở Úc trời lại đang giữa mùa hè, nóng và khô hạn, nhiều khi cháy rừng. Trời vào hè người đi du lịch ra vào nước Úc khá đông nên giá vé máy bay đi Úc khá đắc.

UCCHAU

Tôi đến Úc ngay sau ngày lễ Giáng sinh 2006, thời tiết ở Úc khô và nóng, dân chúng và chính phủ phải cầu Trời cho có mưa. Và Trời có ban mưa xuống thật, thoả mãn khát khao của mọi người. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Úc Châu tổ chức Đại Hội 2 năm một lần và lần nầy tôi được mời làm diễn giả. Đại Hội chọn chủ đề Rao Giảng Tin Lành rất thích hợp với chuyên môn và sở thích của tôi. Tôi giảng ba bài lần lượt theo các chủ đề như sau: Những Người Làm Chúa Vui (Lu-ca 10:1-24); Những Người Chúa Đặt Trên Đường Chúng ta Đi (Lu-ca 10:25-37) và Những Cơ Hội Chúa Đang Mở Cửa (1 Cô-rinh-tô 15:58-16:31). Mỗi bài giảng tôi đều nhắm đến mục đích nhắc nhở mỗi tín hữu trung tín nắm lấy những cơ hội do Chúa đem đến để gieo giống Tin Lành. Ngoài ra tôi có cơ hội hướng dẫn Đại Hội học bài học về Trung Tín Gieo Giống. Tôi rất thích những bài học nầy bởi tính thuyết phục và sức động viên mạnh mẽ, thực tế trong công tác truyền bá Tin Lành. Quyền năng nằm ở hạt giống Tin Lành. Không phải ở người gieo giống. Tin Lành là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu những người mà Chúa Thánh Linh đã chuẩn bị tấm lòng để chúng ta gieo giống. Gieo giống nhiều thì sẽ gặt nhiều. Thông thường thì người nầy gieo và kẻ khác gặt. Hôm nay chúng ta gieo thì ngày mai chúng ta sẽ gặt. Có thể một người người khác sẽ gặt. Hôm nay chúng ta gặt vì có người khác đã gieo. Gieo trong nước mắt sẽ gặt cách vui mừng.

Đến Úc tôi khám phá được một điều là dù tín hữu và Hội Thánh ở Úc có số lượng ít hơn so với các nơi khác trên thế giới nhưng Hội Thánh Tin Lành ở Úc có những chương trình truyền giảng Tin Lành trên làn sóng điện truyền thanh rất tốt, nội dung phong phú, hấp dẫn hơn nhiều nơi khác. Chương trình phát thanh tiếng Việt của Đài Phát Thanh Xuyên Thế Giới (TransWorld Radio) nhằm truyền bá Tin Lành hướng về Việt Nam cũng được thực hiện tại Úc. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Úc Châu cũng có một chương trình phát thanh có tên là Hy Vọng dành cho đồng bào Việt Nam tại Úc liên tục gây ảnh hưởng rất tốt giữa cộng đồng.

Chương trình phát thanh tiếng Việt của Đài Phát Thanh Xuyên Thế Giới (TransWorld Radio) nhằm truyền bá Tin Lành hướng về Việt Nam cũng được thực hiện tại Úc. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Úc Châu cũng có một chương trình phát thanh có tên là Hy Vọng dành cho đồng bào Việt Nam tại Úc liên tục gây ảnh hưởng rất tốt giữa cộng đồng.

Nhân dịp đến Úc lần nầy, tôi cũng tìm dịp giới thiệu nhu cầu xây dựng Ngôi Nhà Tình Thương cho đồng bào nghèo ở những vùng nông thôn Việt Nam. Tôi giới thiệu qua chương trình nầy như một cơ hội làm phước cho đồng bào nghèo. Có một sinh viên Thần Học cảm động và có sáng kiến làm một cái hộp giây vuông ghi chữ Ngôi Nhà Tình Thương và ôm cái hộp đứng xin các tín hữu khác giúp đỡ. Tôi thấy anh hay đứng trước phòng ăn và đưa hộp ra để nhận sự đóng góp kẻ ít người nhiều. Trong mấy ngày Đại Hội số tiền nhận được từ hộp nầy có thể xây được một nửa ngôi nhà.

Mục Sư Trịnh Mỹ Hoa ở Brisbane cũng hưởng ứng tích cực đối với chương trình nầy. Bà đã kêu gọi các tín hữu trong Hội Thánh đóng góp được một số tiền đủ để xây dựng ba ngôi nhà. Tôi đã dành số tiền quyên được ở Úc để xây dựng được bốn Ngôi Nhà Tình Thương ở miền Bắc Việt Nam. Những ngôi nhà nầy lần lượt xây dựng ở Hải Dương và Hà Nam, những địa danh tôi chỉ mới biết đến lần đầu trong chuyến đi thăm miền Bắc một năm qua. Lòng tôi đang hướng về miền Bắc, nơi mà tình thương của Chúa chưa được chia sẻ và biết đến nhiều. Tôi ước ao nhiều người sẽ hưởng ứng tiếng gọi tình thương để góp phần xây dựng quê hương.

Gia đình Luật sư Nguyễn Xuân Cao là người bà con của tôi đang sống ở Sydney đã cảm động dâng tiền để xây một Ngôi Nhà Tình Thương. Số tiền dâng nầy được dùng để xây một ngôi nhà cho một gia đình tín hữu nghèo ở Việt An, Quảng Nam.

Chuyến đi Úc lần nầy cũng mở ra sự hiệp tác quý báu giữa Hội Từ Thiện Ta-bi-tha của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam Úc Châu và Hội Từ Thiện Hướng Đi trong việc vận động bà con người Việt tha hương đáp ứng những nhu cầu tình thương ở Việt Nam. Hội Từ Thiện Ta-bi-tha đã âm thầm làm nhiều việc lành cho đồng bào Việt Nam tại quê nhà trong những năm qua.

 

 

CHUYẾN ĐI JACKSONVILLE, FLORIDA

Mỗi cuộc gặp gỡ của tôi với những người bạn mới đều do ơn trên sắp xếp.

Florida

Chúa Nhật thứ nhì của tháng 2 năm 2007, sau giờ giảng tại Hội Thánh nhà, tôi đáp máy bay  đi Jacksonville, Florida để tham dự chương trình tu nghiệp dành cho các Mục Sư. Tôi thường đi xa vào chiều Chúa Nhật hay thứ Hai để khỏi mất những buổi thờ phượng chính của Hội Thánh nhà. Đây là lần đầu tiên tôi đến Jacksonville và cũng là lần đầu tôi được ngồi ghế First Class trên máy bay hãng America Airline. Lâu nay do đi Hãng máy bay America Airline nhiều lần, tôi đã có được khoảng 200,000 mileages. Bây giờ lần đầu tôi sử dụng số mileage nầy và được một vé free first class đi Florida tốn khoảng 50,000 mileages. Ngồi ghế first class hành khách được phục vụ nhanh chóng về chỗ ngồi rộng rãi và thoả mái về thức ăn nước uống.

Tôi thực hiện chuyến đi nầy thông qua trung gian giới thiệu của Mục Sư Nguyễn Quang, một Mục Sư Tin Lành đã chuyển qua phục vụ trong một Hội Thánh Báp-tít Mỹ. Ông làm staff của nhà thờ First Baptist Church of Jacksonville và đang phụ trách Quản Nhiệm một mission dành cho người Việt Nam có khoảng 100 tín hữu. Hội Thánh First Baptist Church ở Jacksonsonville là một Hội Thánh lớn thuộc loại megachurch có nhà thờ rất lớn đã tổ chức chương trình bồi linh huấn luyện (Pastor’s Conference) hàng năm cho các Mục Sư ở Mỹ. Năm nay Hội Thánh nầy có một số học bỗng dành riêng cho các Mục Sư Việt Nam, khi nghe tin nầy tôi đã đăng ký ngay và được tham dự bồi linh.

Chuyến đi bồi linh lần nầy cũng mở ra sự hiệp tác huấn luyện tu nghiệp hàng năm cho các Mục Sư Báp-tít Việt Nam đang phục vụ tại Hoa Kỳ. Nội dung tu nghiệp đa dạng, chủ đề phong phú, diễn giả nỗi danh và chương trình âm nhạc tuyệt vời. Tôi đã chọn học một số kinh nghiệm mới về cách chia sẻ Tin Lành. Tôi ước mong các Mục Sư mỗi năm nên dành thì giờ tham dự chương trình quý báu và giá trị nầy. Dự chương trình nầy tôi tin chắc ai nấy cũng được bồi linh.

Trong mấy ngày ở Đại Hội, được nghỉ tại nhà Mục Sư Nguyễn Quang, tôi khám phá ra sự chọn lựa kỳ diệu của Chúa trong đời sống của ông. Ông là một Mục Sư trẻ có tinh thần sốt sắng và nhiều sáng kiến truyền giáo. Ông đã từng lập lên một đoàn truyền giáo lấy tên là Mùa Gặt. Đặc biệt ông là con út của vị sáng tổ Vovinam, một môn võ tổng hợp tinh hoa võ cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Tôi thấy trong nhà của Mục Sư Quang có một phòng tập võ rộng lớn với những hình ảnh và dụng cụ tập luyện. Bộ võ phục màu xanh da trời, giàn kiếm, sàn tập, các đai màu phân biệt đẳng cấp, những hình chụp các cuộc biểu diễn và biểu tượng của Vovinam khiến tôi liên tưởng đến những cơ hội truyền giáo cho những võ sinh khắp nơi. Được biết các võ sư và võ sinh Vovinam đang vận động và hy vọng Vovinam sẽ được chọn trở thành Quốc Võ Việt Nam. Tôi cầu nguyện Chúa sẽ dùng Mục Sư Quang trong mối liên hệ đặc biệt của mình để gây ảnh hưởng tốt cho đạo Chúa giữa lòng dân tộc Việt Nam đang ham chuộng võ thuật Việt Nam.

 

Trích từ Hồi Ký của Mục sư Nguyễn Văn Huệ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn