Thứ Bảy , 27 Tháng Tư 2024
Home / Tổng hợp / CÁC THUỘC TÍNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (phần 2)

CÁC THUỘC TÍNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI (phần 2)

CÁC THUỘC TÍNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

  1. Đức Chúa Trời là Thần.

Đức Chúa Trời là Thần  hay TRỜI là Linh. Chúng ta đọc lại câu chuyện Chúa Jesus khải đạo cho một phụ nữ Sa-ma-ri. Người phụ nữ nói, “Tổ phụ chúng tôi đã thờ lạy trên hòn núi nầy; còn dân Giu-đa lại nói rằng nơi đáng thờ lạy là tại thành Giê-ru-sa-lem.” (Giăng 4:20). Đức Chúa Jesus trả lời, “Hỡi người đàn bà, hãy tin ta, giờ đến, khi các ngươi thờ lạy Cha, chẳng tại trên hòn núi nầy, cũng chẳng tại thành Giê-ru-sa-lem.  Các ngươi thờ lạy sự các ngươi không biết, chúng ta thờ lạy sự chúng ta biết, vì sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến.  Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ phượng thật lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ phượng mà Cha ưa thích vậy.  Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” (Giăng 4:21-24)

John 4-24 Worship in Spirit and Truth

Từ “Thần” trong tiếng Hê-bơ-rơ là ruach; trong tiếng Hy-lạp là pneuma. Cả hai ngôn ngữ này đều nói lên một ý chính: Thần hay Linh là một thực thể di chuyển trong không khí như gió hay nhẹ nhàng hơn như hơi thở. Chúa Jesus đã phán với Ni-cô-đem, “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng động; nhưng chẳng biết gió đến từ đâu và cũng không biết đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy.” (Giăng 3:8). “Đức Chúa Trời là Thần (Linh)” (Giăng 4:24) là một thuộc tính hàng đầu của Đấng Tối Cao. Vì là Linh nên Ngài có mặt mọi nơi bất kể không gian và thời gian nào.

Đức Chúa Trời là Linh có nghĩa Ngài không có thân thể vật lý nhưng Ngài có thể hiện ra trong một hình dạng nếu Ngài muốn. Sự hiện ra của Ngài được gọi là theophany (thần hiện ra). Nó là một từ nối của 2 từ Hy-lạp: theos (có nghĩa thần) và phaneia (có nghĩa hiện ra). Theophany có nghĩa là sự hiện ra của TRỜI.

Nếu Đức Chúa Trời là Linh, thì chúng ta có thể mô tả Ngài với mắt mũi, tay chân… giống như một con người? Một sự mô tả như vậy có thể được hiểu là anthropomorphisms (mô tả tượng trưng một thần linh trong hình dạng một con người). Một sự mô tả như vậy được gán cho TRỜI để chúng ta có thể hiểu biết cách giới hạn về sự vĩ đại của Ngài.

Bởi vì Đức Chúa Trời là Linh, nên điều răn thứ 2 truyền dạy chúng ta: “Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất.  Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà….” (Xuất. 20:4-5). Khi một tấm hình hoặc một bức tượng trở thành đối tượng để quì lạy thờ phượng thì vi phạm điều răn của TRỜI.

Thuộc tính Đức Chúa Trời là Thần (Linh) không phủ nhận rằng Đức Chúa Jesus là một Con người. Quan điểm cho rằng TRỜI là một quyền năng siêu nhiên khó hiểu mà con người không thể nối kết được thì xa lạ với Kinh Thánh. Kinh Thánh cho thấy TRỜI là một Người (một thân vị) có khả năng khởi xướng mối quan hệ giữa Ngài với con người chúng ta.

  1. Đức Chúa Trời là Đấng thông suốt mọi sự (Đấng Toàn Tri).
    Một thuộc tính căn bản của TRỜI là biết hết mọi sự. Sứ đồ Phao-lô viết, “Ôi! sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan và thông biết của Đức Chúa Trời! Sự phán xét của Ngài nào ai thấu được, đường nẻo của Ngài nào ai hiểu được!” (Rô-ma 11:33). Đức Chúa Trời không chỉ biết hết các thông tin, các dữ liệu mà còn biết những động cơ, suy nghĩ thầm kín bên trong của con người. Chúa Jesus phán trong Ma-thi-ơ 10:29, “Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất.” TRỜI không chỉ biết mọi điều trong vũ trụ mà Ngài còn biết từng con chim sẻ! Và “tóc trên đầu” mỗi chúng ta cũng đã đếm hết rồi. (Ma-thi-ơ 10:30). Một sự hiểu biết như vậy là vô giới hạn.

Trước giả Thi thiên 139 viết:

“Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã dò xét tôi, và biết tôi.
 Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy;
Từ xa Chúa hiểu biết ý tưởng tôi.
 Chúa xét nét nẻo đàng và sự nằm ngủ tôi,
Quen biết các đường lối tôi.
 Vì lời chưa ở trên lưỡi tôi,
Kìa, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã biết trọn hết rồi….

Sự tri thức dường ấy, thật diệu kỳ quá cho tôi,
Cao đến đỗi tôi không với kịp!” (Thi. 139:1-4; 6)

TRỜI biết quá khứ, hiện tại và tương lai. “Hãy nhớ lại những sự ngày xưa; vì ta là Đức Chúa Trời, và chẳng có Chúa nào khác; ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như ta.  Ta đã rao sự cuối cùng từ buổi đầu tiên, và đã nói từ thuở xưa những sự chưa làm nên. Ta phán rằng: Mưu của ta sẽ lập, và ta sẽ làm ra mọi sự ta đẹp ý.” (Ê-sai 46:9-10)

Không có điều gì có thể che giấu với TRỜI, “Chẳng có vật nào được giấu kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại.” (Hêb. 4:13). “Ngài đếm số các vì sao,
Gọi từng tên hết thảy các vì ấy.
 Chúa chúng tôi thật lớn, có quyền năng cả thể;
Sự thông sáng Ngài vô cùng vô tận.” (Thi. 147:4-5)

  1. Đức Chúa Trời là Đấng có quyền vô hạn (Đấng Toàn Năng).

Tất cả quyền năng đều thuộc về duy nhất Đức Chúa Trời. TRỜI có thể làm mọi điều, mọi việc phù hợp với thuộc tính của Ngài. Sự thật là Đức Chúa Trời sẽ không làm bất cứ điều gì trái ngược với thuộc tính của Ngài. “Nếu chúng ta không thành tín, song Ngài vẫn thành tín, vì Ngài không thể tự chối mình được.” (2 Tim. 2:13)

Quyền năng đòi hỏi khả năng và uy quyền. Một người có thể có uy quyền nhưng không có khả năng để thực hiện quyết định. Và tình huống khác là một người có thể có khả năng để làm một số điều, nhưng không có uy quyền để thực hiện. Còn với TRỜI thì khả năng và uy quyền của Ngài là vô hạn và tuyệt đối.

Hai từ Hy lạp trong Tân Ước bày tỏ hai khía cạnh của quyền năng. Từ thứ nhất Exousia có nghĩa là uy quyền. Chúa Jesus đã phán, “Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta.” (Ma-thi-ơ 28:18). Từ thứ hai là Dunamis (từ phái sinh của từ này là dynamite) có nghĩa là khả năng hay năng lực.

Phao-lô đã viết, “và biết quyền vô hạn của Ngài, đối với chúng ta có lòng tin, là lớn dường nào, y theo phép tối thượng của năng lực mình,  mà Ngài đã tỏ ra trong Đấng Christ, khi khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và làm cho ngồi bên hữu mình tại các nơi trên trời.” (Ê-phê-sô 1:19-20).

Còn Giê-rê-mi cầu nguyện, “Ôi! Hỡi Chúa Giê-hô-va! Chính Ngài đã dùng quyền phép lớn và cánh tay giơ ra mà làm nên trời và đất; chẳng có sự gì là khó quá cho Ngài cả.  Ngài tỏ sự thương xót ra cho muôn vàn, báo trả sự gian ác ông cha vào mình con cháu nối sau. Ngài là Đức Chúa Trời lớn, là Đấng toàn năng, danh Ngài là Đức Giê-hô-va vạn quân.  Mưu mô Ngài lớn lao, và công việc thì có phép tắc. Mắt Ngài mở soi trên mọi đường lối con trai loài người, đặng báo cho mỗi người theo đường lối nó, và theo quả của việc làm.” (Giê. 32:17-19)

TRỜI trả lời cho Giê-rê-mi, “Nầy, ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của mọi xác thịt; có sự gì khó quá cho ta chăng? “ (Giê. 32:27). Câu trả lời là đây: “Vì Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn năng.” (Khải. 19:6)

  1. Đức Chúa Trời hiện diện khắp mọi nơi (Đức Chúa Trời toàn tại).

Đức Chúa Trời toàn tại có nghĩa là Ngài có mặt khắp mọi nơi trong tất cả mọi thời gian. Không có nơi chốn hoặc thời gian nào mà TRỜI không hiện diện. Đức Chúa Trời toàn tri, toàn năng. Bởi vì Ngài hiện diện khắp mọi nơi, Ngài có thể hành động dựa vào sự toàn tri và toàn năng ở khắp mọi nơi. Ba thuộc tính này đi chung với nhau và đó là những thuộc tính đặc trưng cơ bản của TRỜI.

Psalm 139-16 You Saw Me Before I Was Born yellow

Đức Chúa Trời công bố, “Đức Giê-hô-va phán: Ta có phải là Đức Chúa Trời ở gần mà không phải là Đức Chúa Trời ở xa sao?  Đức Giê-hô-va phán: Có người nào có thể giấu mình trong các nơi kín cho ta đừng thấy chăng? Đức Giê-hô-va phán: Há chẳng phải ta đầy dẫy các từng trời và đất sao?” (Giê-rê-mi 23:23-24)

Đa-vít hỏi, “Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa?
Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa?
 Nếu tôi lên trời, Chúa ở tại đó,
Ví tôi nằm dưới Âm phủ, kìa, Chúa cũng có ở đó.
 Nhược bằng tôi lấy cánh hừng đông,
Bay qua ở tại cuối cùng biển,
 Tại đó tay Chúa cũng sẽ dẫn dắt tôi,
Tay hữu Chúa sẽ nắm giữ tôi.” (Thi. 139:7-10)

Đức Chúa Trời toàn tại hàm ý: không có nơi nào mà Ngài không tới được. Trong sách 1 Các vua, khi tiên tri Ê-li đối diện với các tiên tri của thần Ba-anh. Vị tiên tri của Đức Chúa Trời đã thách thức các tiên tri thờ thần ngoại bang. Dĩ nhiên các thần do con người dựng nên không thể so sánh được với Chân Thần duy nhất. “Khi đã đến trưa, Ê-li nhạo chúng mà rằng: Khá la lớn lên đi, vì người là thần: Hoặc người đương suy-gẫm, hoặc ở đâu xa, hoặc đương đi đường; hay là có lẽ người ngủ, và sẽ thức dậy.” (1 Các vua 18:27). Chân Thần duy nhất của tiên tri Ê-li là TRỜI thì không ngủ hoặc đang đi đường, nhưng Ngài có mặt khắp mọi nơi.

Phao-lô đã giảng cho những người ở thành A-thên, “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó, là Chúa của trời đất, chẳng ngự tại đền thờ bởi tay người ta dựng nên đâu…. hầu cho tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta. Vì tại trong Ngài, chúng ta được sống, động, và có, y như xưa một vài thi nhân của các ngươi có nói rằng: Chúng ta cũng là dòng dõi của Ngài.” (Công. 17:24; 27-28)

(Còn nữa)

JAMES SEMPLE

Trích từ: BIBLE TRUTHS ABOUT GOD

Translated by Tuong Vi    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn