Thứ Sáu , 26 Tháng Tư 2024
Home / Tổng hợp / Hy Vọng Của Người Việt

Hy Vọng Của Người Việt

thong_ke_cdg-2

Bạn suy nghĩ thế nào trong khi 90% người Mỹ thờ Trời theo Kinh Thánh thì người Việt hiện nay chỉ có khoảng 10% dân số đang thờ Trời theo Kinh Thánh? Tôi tự hỏi làm thế nào để người Việt có thể theo kịp người Mỹ trong đời sống? Đức Chúa Trời đã dùng người Mỹ để giúp đỡ nhiều người. Chúa cũng muốn chúng ta noi gương người Mỹ để giúp đỡ người khác. Hãy suy nghĩ hầu hết các người tỵ nạn đến Mỹ trong những ngày đầu đều phải nhờ một Hội Thánh hay một hội đoàn nhân đạo của người Mỹ bảo trợ. Ở Mỹ có hơn 2 triệu người Việt sinh sống, hầu hết đã theo kịp người Mỹ về mức sống kinh tế. Người Việt được tự do giống như mọi người Mỹ khác. Nhiều người Việt đã làm giàu, đã có địa vị cao trong xã hội. Tập thể người Việt đã có tiếng nói. Người Việt đã tiến một bước khá xa về phương diện vật chất.
Nhưng tôi không biết bao nhiêu người Việt biết ơn Trời và hãnh diện làm người thờ Trời? Người Việt biết câu, “Trời cho không ai thấy, Trời lấy không ai hay” nhưng ít người để ý sống cho đẹp lòng Trời. Tinh thần yêu Trời yêu người, ý thích ban cho, dâng hiến, tình nguyện phục vụ tha nhân của người Việt khi nào mới giống như người Mỹ?
Chúa Cứu Thế Giê-su kêu gọi:
Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” (Ma-thi-ơ 11:28-30).
Bạn đã đến cùng Chúa chưa? Bạn đã được yên nghỉ trong tâm hồn chưa?
Đây là một tiến trình quay trở lại, đến cùng Chúa, học với Chúa và cùng làm việc với Chúa. Đây là chương trình lâu dài để học hỏi, tìm hiểu, thực hành đời sống tâm linh. Đây là một tiến trình biến đổi từ trong mỗi cá nhân cho đến mỗi gia đình. Thay đổi bên trong chắc chắn sẽ dẫn đến thay đổi bên ngoài. Bên ngoài chưa thay đổi vì bên trong lòng chưa thay đổi.
Chúng ta có lời hứa từ Kinh Thánh: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới” (2 Cô-rinh-tô 5:17).

Người Việt ham học
Tôi hy vọng với sự nhắc nhở của Trời, với lòng biết ơn Trời, người Việt sẽ sớm quay lại thờ Trời. Người Việt, nam hay nữ, già hay trẻ, miền Nam hay miền Bắc, ai ai cũng có những đức tính tốt, những khả năng để tiến bộ. Tiềm năng của người Việt thật to lớn, vì người Việt thông minh, cởi mở và muốn đổi thay. Tôi suy nghĩ đến truyền thống ham học và truyền thống bảo vệ gia đình. Người Việt tin rằng đi học là con đường tiến đến tương lai.
Đi một ngày đàng học một sàng khôn
Học Thầy không tày học bạn
Học, học nữa, học mãi
Học ăn, học nói, học gói, học mở
Ăn vóc, học hay.
Học hay, cày biết.
Dốt đến đâu học lâu cũng biết.
Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học.
Có học mới biết, có đi mới đến.
Muốn lành nghề, chớ nề học hỏi.
Chẳng cấy lấy đâu có thóc, chẳng học lấy đâu biết chữ.
Không thầy đố mày làm nên.
Học tài thi phận.
Tiên học lễ, hậu học văn.
Bạn có thấy tính ham học là quý không? Bạn có còn ham học không? Còn đọc sách là bạn còn ham học. Tôi không biết có bao nhiêu người Việt đã đọc Kinh Thánh? Có bao nhiêu người Việt vâng lời Kinh Thánh?

TH 2

Người Việt coi trọng tình gia đình
Đối với người Việt, gia đình là rất quan trọng. Quý trọng sợi dây ràng buộc của gia đình là truyền thống tốt đẹp của người Việt. Người Việt hay nói, “Một giọt máu đào hơn ao nước lã.” Ca dao tục ngữ Việt Nam rất giàu các câu nói, bài viết liên quan đến gia đình.
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Gia đình là một mái ấm, có ông bà, cha mẹ, con cháu sống chung, trên thuận dưới hòa. Gia đình là gia giáo, gia phong, là giọt máu đào, là tình cảm ruột thịt, là sợi dây ràng buộc. Trải qua bao nhiêu năm tháng, từ mùa lạnh qua mùa nóng, từ chiến tranh qua hòa bình, từ thời xưa đến thời nay, qua các giai đoạn lịch sử thăng trầm, từ nghèo đến giàu, từ học ít đến học nhiều, người Việt vẫn duy trì và phát triển được những giá trị quý báu của gia đình. Giữ gìn tình gia đình là quan trọng. Gia đình tan vỡ là xã hội tan vỡ. Gia đình là dân tộc, gia đình là quê hương, là di sản. Gia đình là nơi chôn nhau cắt rún. Là cái nôi, là bầu sữa mẹ, là tiếng mẹ đẻ, là chữ quốc ngữ. Gia đình là mái nhà, là miếng cơm, món ăn, ly nước, đôi đủa, chiếc võng, món quà, quyển vở, cây viết, đôi dép, cái áo, cái quần…Gia đình là ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ, tình nghĩa vợ chồng, tình huynh đệ, tình bà con… Tôi thích khái niệm “Kính Lão Đắc Thọ” mà người Việt trân trọng. Bạn có thấy tình cảm gia đình là quan trọng không? Ai đã ràng buộc bạn như thế? Chính Đức Chúa Trời đã ban cho tất cả chúng ta những giá trị của tâm hồn, của gia đình. Đức Chúa Trời là Cha của mỗi gia đình. Mỗi người tin Chúa đều có thể dạn dĩ cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời.”
Chỉ có biết yêu Trời bạn mới có thể yêu cha mẹ bạn cách ý nghĩa. Bạn có yêu cha mẹ không? Bạn có đến thăm, có hỏi chuyện, có tặng quà, có nói lời cảm ơn hay lời an ủi khích lệ cha mẹ bạn không? Bạn có đem cháu đến thăm gặp ông bà nội, ông bà ngoại không? Đối với người Việt,
mối liên hệ tốt với cha mẹ là quan trọng bởi vì đây là mối quan hệ ân nghĩa nhất, ích lợi nhất. Đừng chỉ nghĩ đến bề ngoài hãy chú ý đến bề trong. Người Việt xưa nay luôn khích lệ con cháu sống có hiếu với cha mẹ, không một ai muốn mang danh là đứa con bất hiểu cả. Hiếu kính cha
mẹ là điều hợp ý với Đức Chúa Trời. Ngài đã ban cho nhân loại lời hứa lớn, “Hãy hiếu kính cha mẹ người hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất.” Đó là mạng lịnh của Cha chúng ta ở trên trời.
Người Việt xưa nay ai nấy đều cố giữ tốt truyền thống hiếu kính cha mẹ. Điều nầy rất hợp ý Trời vì đây là một điều răn quan trọng trong Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời. Nhưng nhiều người chỉ nghĩ đến hình thức mà không chú ý đến chất lượng. Người Việt đa số đều muốn bày tỏ lòng hiếu kính cha mẹ y như cách người xưa dạy bảo. Làm theo bổn phận, không theo tình yêu. Chẳng hạn mỗi nhà dù muốn hay không cũng có lập bàn thờ gia tiên, có nghi thức cúng giỗ ông bà. Cả xã hội đều chấp nhận phong tục nầy, không ai muốn làm khác người ta. Người Việt thích “xưa bày nay bắt chước” nên nghĩ rằng nghĩ rằng gia đình nào không tỏ lòng hiếu kính cha mẹ như mình, không bày biện cúng kiến như mình, không lập bàn thờ ông bà tổ tiên và không thắp hương khấn vái như mình đều là bất hiếu, là bỏ ông bỏ bà. Nhưng nhiều người quên mất kinh nghiệm xem trái biết cây đồng thời quên cả nguyên tắc gieo chi gặt nấy. Có người không gieo mà cứ muốn gặt. Lại có người gieo gió nhưng không muốn gặt bão. Nhiều người không muốn sống đẹp lòng Trời lại cứ chờ Trời ban phước. Chúng ta thường quên mất giá trị của học tập là phải thay đổi. Không chỉ chọn cái tốt mà chọn cái tốt nhất. Cha mẹ ông bà nào lại không muốn con cháu như thế. Tôi nhớ câu ca dao khuyến khích, “Con hơn cha là nhà có phước.” Tôi tin ông bà cha mẹ ta hết thảy đều muốn con cháu mình học giỏi, sống đầy đủ, sống văn minh, sống hạnh phúc. Tất cả những phước hạnh nầy đều nhận được từ sự ban cho của Đức Chúa Trời. Chỉ có người biết thờ Trời mới hiểu hết ý nghĩa của sự nhận lãnh và chia ơn sẻ phước.
Giống như các xã hội loài người, ở khắp các nước, chỗ nào cũng có những tập quán cổ truyền. Tập quán nào cũng có cái tốt, có cái không tốt, có cái đúng, có cái không đúng, có cái hợp thời, có cái lỗi thời, chúng ta cần suy nghĩ và phân biệt. Chúng ta phải biết phân biệt giữa truyền thống với đức tin, giữa sự hữu ích và vô ích. Chúng ta cũng phải biết phân biệt giữa cái thật với cái giả. Cái thật nên giữ, cái giả nên bỏ. Đây là những quyết định khó khăn đối với nhiều người Việt, một vấn đề thực tế vẫn còn cho đến ngày nay. Tôi không biết có bao nhiêu người Việt nói, “Gia đình tôi thật hạnh phúc”? Có bao nhiêu người Việt nói, “Gia đình tôi đã được Trời cứu”?

Nhiều người cũng quên rằng dù bạn có làm đủ hết bổn phận đối với gia đình, có trả hiếu hết cho cha mẹ ông bà theo như bạn nghĩ nhưng nếu bạn không làm tròn bổn phận đối với Trời thì bạn vẫn còn thiếu hụt: bạn chưa làm đẹp lòng Trời. Đẹp lòng Trời quan trọng hơn đẹp lòng người. Chỉ khi nào làm đẹp lòng Trời bạn mới có thể làm đẹp lòng người.

Biết được nguyên nhân chúng ta hy vọng có giải pháp.

 

MỤC SƯ NGUYỄN VĂN HUỆ   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn