Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội
Tôi thu tôi bé lại, làm mưa tan giữa trời
Trịnh Công Sơn
Một người viết văn (người viết văn thường nhiều lý lẽ, hay lý sự, như tôi 🙂 ) nói với tôi (không, viết cho tôi sau khi gặp tôi), dù tôi chưa nói gì hết, chỉ chào ông một cách thân thiện như cách mà tôi vẫn làm khi gặp một người mới quen: “Tôn giáo nào cũng tốt, cũng hay, cũng dạy tín đồ làm lành tránh dữ. Vậy mà tại sao tôi không hiểu nhiều vị khi gặp người khác tôn giáo của mình lại cứ nhắc tới vị giáo chủ của mình mà quên đi vị giáo chủ của người đang đối thoại với mình. Bộ vị giáo chủ của mình hay hơn vị giáo chủ khác hay sao. Nói như thế chẳng khác gì mình làm hư vai trò truyền giáo của mình. Làm sao mà “Đắc Nhân Tâm”để chiếm cảm tình của người khác được” Ông là người duy nhất trong các Mục sư mà tôi gặp đã không ngay lập tức nói về Chúa của mình, tại sao vậy?
Tôi nghĩ là chưa đến lúc để nói với ông ta điều tôi nghĩ, vì tôi muốn kết bạn với ông trước. Khi đã là bạn, người ta dễ nói chuyện với nhau hơn.
Nhưng tôi suy nghĩ về câu nói của ông ta: bộ vị giáo chủ của mình hay hơn vị giáo chủ khác hay sao? Câu hỏi gợi cho tôi cả một bài viết dài, và rất có thể, một truyền đạo đơn. Người ta vẫn nghĩ Chúa Jesus của Cơ-đốc-giáo là một giáo chủ của một tôn giáo, như các giáo chủ của các tôn giáo khác, vì khi nói đến tôn giáo, Công-giáo, Tin lành, một đạo giáo, thì phải có một giáo chủ. Điều tôi muốn nói với người bạn văn mới là: ông nói đúng.
Nhưng khoan đã, hãy đợi đấy 🙂 Tôi có nhiều điều muốn nói thêm về đề tài thú vị này. Tôi sẽ không nói về một giáo chủ tôn giáo, cho dù người ta vẫn nghĩ và hiểu Chúa Jesus như là một giáo chủ tôn giáo, trên một khía cạnh nào đó thì quả đúng vậy. Nhưng Ngài khác và cao hơn một giáo chủ tôn giáo. Ngài là ai. Tôi cũng là một người thích nhạc, thích hát, trước khi trở thành một Mục sư, thi một vài kỳ thi hát cấp…. trường, cấp xã, cấp quận 🙂 và sau này khi đã trở thành một Mục sư, tôi vẫn nghêu ngao hát bất cứ đâu (đặc biệt khi lái xe một mình), dĩ nhiên là hát trong nhà thờ. Từ khi còn trẻ tôi thích nhạc và đặc biệt là những ca từ của Trịnh Công Sơn vì tính cách triết lý và chiều sâu của nó. Tôi thích bài hát Biết Đâu Nguồn Cội của ông khi còn là người chưa biết gì về Chúa Jesus, và đôi khi đả kích Ngài, tôi nhiều khi hát:
Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội…
Quả thật vậy, tôi đã vui chơi giữa đời, chẳng cần biết nguồn cội mình, như một người thản nhiên sinh ra từ trong đất trời cây cỏ, không nguồn gốc. Điều này có vô lý không. Tôi có thể nào tự nhiên mà rơi ra giữa đời như một vật thể vô tri? Cha mẹ tôi sinh ra tôi, ông bà nội ngoại tôi sinh ra cha mẹ tôi, ông bà cố tôi sinh ra ông bà nội ngoại tôi, và cứ đi ngược về lại mãi, thì cội nguồn nơi nào? Mà thật ra cũng chẳng có cái gì là tự nhiên cả. Mọi thứ có mặt đều có một xuất xứ. Cái bàn cái ghế tôi đang ngồi viết đây cũng chẳng thể nào tự nhiên mà có, nó phải do những bàn tay nào đó cưa cắt gỗ, bào, đục, ráp nối mà thành, chưa nói là nó phải bắt đầu từ gỗ, chặt từ cây trong rừng, và ai tạo nên cây cối trong rừng, tự nhiên ư? Tôi là một con người với một hình thù đẹp đẽ, một trí khôn tinh tế, một cảm xúc nhạy bén. Quý vị cũng thế. Tôi từ đâu đến? Tôi không thể nghĩ rằng tôi đã có mặt ở đây từ một loài khỉ tiến hóa. Tôi chắc quý vị cũng không thể chấp nhận điều đó.
Darwin nói rằng con người là sự tiến hóa từ loài khỉ, nhưng chẳng lẽ con khỉ tự nhiên mà có? Ai đã tạo ra nó? Tôi không thể đồng ý với Darwin vì thuyết tiến hóa của ông có nhiều sự thiếu sót và có nhiều điều không giải thích được. Nhưng chúng ta không nói đến Darwin ở đây, vào google thì biết. Tôi có thể giải thích nguồn cội con người theo những sự bày tỏ của Kinh Thánh, quyển sách luôn luôn là best seller trong mọi thời đại và số người đọc nó lên đến hàng tỉ tỉ người, hàng ngàn năm qua chưa bao giờ lỗi thời, chinh phục những đầu óc vĩ đại nhất của thế giới. Trên hết, nó đã cứu rỗi linh hồn của hàng tỉ tỉ người trên thế giới, và vẫn đang làm điều đó.
Tôi muốn chia xẻ với bạn về điều tôi biết, tôi hiểu và tôi tin về nguồn cội loài người.
Trước mặt tôi là quyển Kinh Thánh. Kinh Thánh là một tuyển tập gồm có 66 cuốn sách lớn nhỏ, được viết từ rất nhiều người, là các tiên tri, các sứ đồ. Nhưng không phải đó là sáng tác của họ. Họ đã viết bởi ý tưởng của một người khác, được chỉ huy bởi một người khác, và trình bày bằng bút pháp của mình. Chính Kinh Thánh xác nhận điều đó: Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình. 2 Ti-mô-thê 3:16. Hàng tỉ người trên thế giới đã đọc và tin, đã dược thay đổi cuộc đời mình, trong đó có rất nhiều nhà bác học nổi tiếng thế giới, những nguyên thủ quốc gia hàng đầu thế giới, tôi tin rằng họ có đủ sự khôn ngoan sáng suốt để tin Kinh Thánh, như Albert Einstein. Nhà bác học này đã ghi vài chữ xuống cuốn Kinh Thánh này vào năm 1932 để tặng cho người bạn thân của ông bằng tiếng Đức như sau: “Kinh Thánh là nguồn của sự khôn ngoan rất lớn và sự yên ủi và nên đọc thường xuyên” (Is a great source of wisdom and consolation and should be read frequently). Einstein tin vậy và nói vậy, tôi mong rằng bạn cũng chẳng “hẹp hòi” gì mà không tin.
Cuốn đầu tiên trong 66 cuốn tên là Sáng-thế-ký, sách ký thuật về thời sáng thế, thời kỳ bắt đầu của loài người. Câu đầu tiên trong chương đầu tiên của Sáng-thế-ký viết: Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất. Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực. Thần Đức Chúa Trời vận hành trên mặt nước. Câu này cho thấy là vào thời ban đầu, gọi là thuở hồng hoang, thì vũ trụ chẳng có gì hết, chỉ là một cái gì không hình không dạng, mênh mông mờ tối, không có sự sáng và sự sống. Chỉ có một thực thể được gọi tên, là Thần Đức Chúa Trời, đang vận hành, xoay chuyển trên mặt nước, trong cõi mênh mông ấy. Như vậy thì điều chúng ta có thể kết luận rằng vũ trụ đã bắt đầu trong cõi hư không, nhưng đã có sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời là Đấng duy nhất và đầu tiên có mặt từ trong chỗ vô hình và trống không, và Ngài đang vận hành. Ngài đang chuẩn bị cho một cuộc sáng tạo kỳ diệu. Ngài bày tỏ cho vũ trụ biết rằng khi vũ trụ còn trống không thì Ngài đã có. Ngài tự có từ trong chốn vô hình và trống không. Chẳng có ai tạo nên Ngài. Và từ Ngài, vũ trụ được hình thành.
Chương 1 của sách Sáng-thế-ký cho biết bằng lời phán từ miệng Ngài, Đức Chúa Trời đã tạo nên một trái đất với mọi sự toàn hảo không chút khiếm khuyết. Câu 3 bắt đầu với sự sáng tạo: Đức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng, thì có sự sáng. Phải có, thì có ngay. Sự sáng là công việc đầu tiên mà Đức Chúa Trời làm. Mọi thứ phải bắt đầu bằng sự sáng, người ta không thể làm gì trong bóng tối. Như người ta không thể xây cất một ngôi nhà nếu không bắt đầu bằng cái nền nhà. Người thợ cất nhà biết phải làm gì trước làm gì sau cho căn nhà. Đức Chúa Trời biết phải làm gì trước làm gì sau cho cả một vũ trụ hoàn hảo.
Những diễn tiến sau đó đều bằng những lời phán. Ngày thứ hai Đức Chúa Trời tạo nên khoảng không, phân cách trời và đất. Ngày thứ ba Ngài tạo nên đất và biển, đất sinh cây cỏ, tùy loại. Ngày thứ tư Ngài tạo ra mặt trời mặt trăng và các ngôi sao. Ngày thứ năm tạo ra cá dưới nước, chim trên trời, súc vật, côn trùng, thú rừng, đủ mọi loài, mọi loài có nhiều loại. Vũ trụ kể như hoàn tất. Nhưng chưa hoàn tất, Đức Chúa Trời nhà sáng tạo không ngừng nghỉ, chưa thể nghỉ, nếu công trình trong ngày thứ sáu chưa làm xong. Công trình gì mà “ghê gớm” vậy?
Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất. Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.
Ngộ chưa, dựng nên muôn loài, mà không ai quản trị chúng, chúng sẽ “quậy” tan nát, ai mà chịu nổi :), Đức Chúa Trời nghĩ rằng phải tìm một “manager” để quản trị. Để quản trị cả một thế giới phức tạp và tinh vi như vậy với hàng ngàn hàng vạn hàng triệu muôn loài, phải là một manager cực kỳ thông minh, tài giỏi. Ai xứng đáng vào chức vụ ấy, phải là loài người như hình ta và theo tượng ta, một con người, nhưng giống như hình tượng của Đức Chúa Trời, một sáng tạo phải vô cùng độc đáo. Cũng từ Kinh Thánh Lu-ca 24:39 , trong câu chuyện Chúa Jesus sống lại hiện ra với các môn đồ trên bờ biển Ti-bê-ri-át, Ngài nói: Hãy rờ đến ta, và hãy xem, thần thì không có thịt xương, mà các ngươi thấy ta có, vì vậy việc tạo nên con người theo hình ta và tượng ta không thể được hiểu là giống như thân thể của Chúa, vì là một Đức Chúa Trời cao cả Ngài không có thân thể vật lý, nhưng là giống theo bản chất thánh khiết và yêu thương của Ngài.
Việc tạo dựng ấy bắt đầu như thế này, Sáng-thế-ký 2:7: Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sanh khí vào lỗ mũi; thì người trở nên một loài sanh linh. Điều quan trọng người đọc có thể nhận ra là khi sáng tạo loài người thì Chúa không phán nữa, nhưng lấy bụi đất nắn nên hình người, dùng chính nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên và dùng bàn tay mà nắn thành, đó là một sản phẩm handmade, bởi vì con người là một loài thọ tạo đặc biệt của Ngài. Trong câu này có hai phần rõ ràng, bụi đất nắn nên hình người, và hà sinh khí vào lỗ mũi. Đức Chúa Trời đã dùng bụi đất tạo nên thân thể con người, nhưng đến lúc đó vẫn là một cái thân thể, một pho tượng bằng đất, cho đến khi hà sinh khí (hơi thở) của Ngài vào, thì mới trở thành một loài sanh linh, một con người. Người ta vẫn biết rằng con người có thân xác và linh hồn, và khi hồn lìa khỏi xác thì chỉ là một cái xác không hồn. Xác là do Chúa dùng bụi đất tạo nên, và hồn là do Chúa hà sinh khí vào. Kinh Thánh cũng nói rằng khi chết, thân xác bằng bụi đất sẽ trở về bụi đất, và linh hồn do Chúa ban cho sẽ trở lại với Ngài. Truyền-đạo 12:7: và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó
Con người bắt đầu từ Đức Chúa Trời. Nói một cách khác, cội nguồn của con người là Đức Chúa Trời. Người ta gọi Đức Chúa Trời bằng nhiều thứ ngôn ngữ khác nhau của đất nước họ. Người Việt gọi một cách tôn kính là Ông Trời, trong văn chương người ta gọi là Thượng Đế. Chúng ta tin rằng không có một bằng cớ nào xác đáng hơn để chứng minh cội nguồn loài người. Cũng không có ai có bằng chứng xác đáng hơn để loại bỏ bằng chứng này.
Không phải Đức Chúa Trời tạo nên người nam và người nữ cùng một lúc. Ngài chỉ tạo nên một người, đó là một người đàn ông, đặt tên là A-đam. Vào lúc sáng thế chỉ có một người đàn ông, khi Chúa tạo nên vườn Ê-đen, cho A-đam vào ở đó, anh ta chỉ có một mình, vẩn vơ qua lại giữa khu vườn tuyệt đẹp đầy hoa quả thơm ngon, nước sông mát rượi. “Hình như” 🙂 là cho đến lúc đó Đức Chúa Trời mới nhận ra sự cô đơn của người đàn ông. Đoạn 2:18 chép: Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Loài người ở một mình thì không tốt; ta sẽ làm nên một kẻ giúp đỡ giống như nó.
Và Ngài tiếp tục công việc sáng tạo loài người để bù đắp vào chỗ thiếu hụt của người trai trẻ cô đơn. Sáng-thế-ký 2:21-23: Giê-hô-va Đức Chúa Trời làm cho A-đam ngủ mê, bèn lấy một xương sườn, rồi lấp thịt thế vào. Giê-hô-va Đức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy nơi A-đam làm nên một người nữ, đưa đến cùng A-đam. A-đam nói rằng: Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra. Người nầy sẽ được gọi là người nữ, vì nó do nơi người nam mà có. Đây là “cặp đôi hoàn hảo” đầu tiên mà Đức Chúa Trời đã tạo nên, và Ngài đã làm lễ cưới cho họ trong một khu vườn tuyệt đẹp. Sáng-thế-ký 2:8:Đoạn, Giê-hô-va Đức Chúa Trời lập một cảnh vườn tại Ê-đen, ở về hướng Đông, và đặt người mà Ngài vừa dựng nên ở đó.
Một gia đình mới sẽ bắt đầu Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ trở nên một thịt (Sáng-thế-ký 2:24) Đời sống vợ chồng dựa trên nguyên tắc căn bản Hãy kính sợ Đấng Christ mà vâng phục nhau (Ê-phê-sô 5:21) Đời sống gia đình hạnh phúc đòi hỏi: Thế thì mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình, còn vợ thì phải kính chồng (Ê-phê-sô 5:33) Chúa phán một mạng lệnh quan trọng để bảo vệ giá trị hôn nhân: Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi. Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp(Ma-thi-ơ 19:6) Và mục đích của hôn nhân Chúa cũng đã nói rõ Đức Chúa Trời ban phước cho loài người và phán rằng: Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất (Sáng-thế-ký 1:23)
Với tất cả những chi tiết rất chi tiết về việc bắt đầu của loài người và mạng lệnh Hãy sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất, từ A-đam và Ê-va, đã sản sinh ra một thế giới loài người như chúng ta có ngày hôm nay, điều đó là một hiển nhiên không ai phủ nhận được, chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời là nguồn cội của loài người, người Việt Nam gọi là ông Trời, là tạo hóa, là hóa công, là Đấng đã sáng tạo nên mọi loài. Chúng ta có nhiều tôn giáo, mỗi tôn giáo có một giáo chủ, người ta nghĩ rằng Đức Chúa Trời là giáo chủ của Cơ-đốc-giáo, nhưng Ngài là trên cả một giáo chủ. Ngài là Đấng Sáng Tạo. Ngài là nguồn cội loài người. Tôi không thể vui chơi giữa đời, nói rằng chẳng biết đâu nguồn cội. Tôi phải biết nguồn cội của tôi. Tôi phải tìm cho ra nguồn cội của tôi. Tôi không thể nói rằng tôi không có nguồn cội.
Nhà văn nữ nổi tiếng Harper Lee, với tác phẩm kinh điển To Kill a Mockingbird viết rằng Chúng ta có thể lựa chọn bạn bè, nhưng không thể lựa chọn gia đình, họ vẫn là máu mủ của chúng ta bất kể việc chúng ta có công nhận họ hay không. Sẽ thật ngớ ngẩn khi phủ nhận gốc gác của mình.
Tôi sẽ tiếp tục nói cho quý vị nghe việc ông Trời, Đấng Tạo Hóa ấy, đã làm gì cho loài người. Điều gì đã xảy ra sau khi Đức Chúa Trời cho A-đam và Ê-va sống trong vườn Ê-đen với tất cả sự toàn hảo? Họ đã vui thú với tất cả mọi thứ được Chúa ban cho, nhưng có một thử nghiệm cho họ: Rồi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc (chắn) sẽ chết (Sáng-thế-ký 2:16-17)
Rồi một ngày kia, một loài thú là một tạo vật của Chúa sáng tạo, con rắn, với bản chất bội nghịch, đã đến với Ê-va. Rắn bèn nói với người nữ rằng: Hai ngươi chẳng chết đâu; nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác (3:4-5)
Tai họa đã xảy ra Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa (3:6) Phạm tội thì bị phạt, theo luật công bình vì hậu quả của tội lỗi là sự chết (Rô-ma 6:23), Giê-hô-va Đức Chúa Trời bèn đuổi loài người ra khỏi vườn Ê-đen đặng cày cấy đất, là nơi có người ra (3:23) Nhưng Đức Chúa Trời vẫn là Chúa của tình yêu, trước khi phạt con người vì tội bất tuân của họ, Kinh Thánh chép một câu thật cảm động Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho (3:21) Con có tội thì cha phạt, nhưng Cha vẫn yêu con.
Sách Giăng 3:16 chép về tình yêu thương ấy: vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.
Con Một ấy, là Chúa Jesus, đã giáng sinh từ trời cách đây hơn 200 năm, đã sống giữa đời 33 năm, suốt cuộc đời Ngài là một cuộc di chuyển không ngừng nghỉ, Ngài tự mô tả về cuộc đời mình: Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con người (Ta) không có chỗ gối đầu. Ngài đã đi đến tận những chân trời, những biển xa, những làng nghèo, những phố buồn, chỉ với mục đích là đi tìm những đứa con đi lạc ngày xưa, đưa họ trở lại trong ngôi nhà chung ngày cũ, cho dù họ nghi ngờ Ngài, chối bỏ Ngài, thậm chí giết Ngài. Lu-ca 23:33a: Khi đến một chỗ gọi là chỗ Sọ, họ đóng đinh Ngài trên cây thập tự…Ngài chết, nhưng không phải vì Ngài có tội, nhưng vì là Ngài đã chết thế cho tội lỗi con người, những người có tội, phải đền tội theo luật pháp, Rô-ma 5:8:Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.
Không phải là cho đến lúc đó Kinh Thánh mới nói điều đó, 700 năm trước một vị tiên tri nổi tiếng của Do Thái đã nói về sự chết của Chúa Jesus, Ê-sai 53:4-6: Thật người đã mang sự đau ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn khổ. Nhưng người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh. Chúng ta thảy đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy; Đức Giê-hô-va đã làm cho tội lỗi của hết thảy chúng ta đều chất trên người.
Vì là một Đức Chúa Trời vĩ đại có mặt từ cõi đời đời, dù bị đóng đinh và chết trên đồi Sọ, 3 ngày sau Chúa Jesus đã sống lại, hiện ra giữa vòng loài người, và tuyên bố: Ai tin Con, thì được sự sống đời đời; ai không chịu tin Con, thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người đó. Giăng 3:36. Hơn 2 tỉ người trên thế giới đã chấp nhận lời kêu gọi này, quay về cùng cội nguồn, nhận được sự sống đời đời, nhưng vẫn còn rất nhiều người, không chấp nhận lời kêu gọi ấy, vẫn đang sống trong sự thịnh nộ của Đức Chúa Trời, nghĩa là vẫn đang sống trong sự xa cách cội nguồn, xa cách ánh sáng và sự sống của Cha Thiên Thượng, chìm đắm trong mù mịt cuộc đời, bất an và tuyệt vọng. Bạn có thấy mình đang ở trong tình trạng ấy không?
Sự giáng sinh của Chúa Jesus là đưa loài người trở lại với nguồn cội của mình. Đức Chúa Trời không phải là một giáo chủ một tôn giáo, Ngài là cội nguồn con người. Tìm về với Ngài là tìm về cội nguồn của mình. Trở lại với Ngài là trở lại với cội nguồn của mình. Tin lành không phải là một đạo mới, nó là một đạo cũ nhất, xưa nhất trong tất cả các tôn giáo loài người, là khởi đầu của loài người.
Khi biết rõ Đức Chúa Trời là nguồn cội của mình, tôi không hát tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội nữa, nhưng hát tôi thu tôi bé lại, làm mưa tan giữa trời. Tôi nguyện xin làm một giọt mưa tan trong bầu trời bao la của cội nguồn bất tận.
Và mong bạn, biết rằng trong cõi bao la bất tận, mình chỉ là một hạt mưa rơi ngang đời rồi tan biến, hãy thu mình bé lại, cùng những giọt mưa khác, tan trong trong biển trời yêu thương của cội nguồn, Chúa Jesus, Đấng yêu mình, đã bằng lòng từ bỏ chính mình, xuống trần gian, sống để chết cho mình, đưa mình trở lại trong vòng tay Đấng tạo ra mình.
Tôi mời bạn trở lại với cội nguồn, xin hãy gọi cho tôi.
Mục sư LỮ THÀNH KIẾN
(740) 547-7168