Thứ Sáu , 3 Tháng Năm 2024
Home / Trang Chủ / Vai Trò Của Mục Sư

Vai Trò Của Mục Sư

Bài trước: https://huongdionline.com/2018/10/20/vi-tri-trung-tam-cua-hoi-thanh/

Vai trò của Mục sư là gì?

Vậy thì vai trò của Mục sư trong một Hội Thánh hướng đến việc môn đồ hóa muôn dân là gì? Sách Ê-phê-sô cho chúng ta nhận biết thấu đáo về điều này. Phao-lô viết sách Ê-phê-sô khi ông đang ở trong tù (Ê-phê-sô 6:20) khoảng năm 62 sau Công nguyên.2 Trong Ê-phê-sô 4:11-16, Phao-lô đã viết nên những mô tả rõ ràng và đầy năng quyền nhất về những nhiệm vụ trong thân thể của Đấng Christ. Cũng vậy, ông xác định vai trò và nhiệm vụ của mục sư và vai trò của các thánh đồ:

“Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ, cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ. Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc, nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ. Ấy nhờ Ngài mà cả thân thể ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương.”

pas

Mục sư phải “huấn luyện” và “trang bị” cho các thánh đồ, còn các thánh đồ thì phải thực hiện “công tác mục vụ.” Ghi chú Kinh Thánh của Barnes giải thích rằng từ “huấn luyện” này (katartismon) là chỉ về việc “khôi phục bất kỳ điều gì về đúng chỗ của nó. Câu Kinh Thánh này [ở tại  Ê-phê-sô] có nghĩa là nhiều người lãnh đạo đã được bổ nhiệm để mọi việc trong Hội Thánh được sắp sếp tốt, hay nói cách khác là được đặt vào đúng vị trí của nó; hoặc cũng có nghĩa là Hội Thánh sẽ được ‘trọn vẹn.’”3 Sự sắp đặt này cũng gắn liền với việc giúp cách thánh “trong mọi việc được tăng trưởng trong Chúa,” và trở nên những Cơ Đốc Nhân “trưởng thành.” Sự trưởng thành này được thể hiện qua việc họ “không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc.” Việc này cũng liên quan đến cả thân thể được “ràng buộc vững bền bởi những cái lắt léo, khiến các phần giao thông với nhau, tùy lượng sức mạnh của từng phần, làm cho thân thể lớn lên, và tự gây dựng trong sự yêu thương.” Điều này đòi hỏi những Cơ Đốc Nhân trong thân thể phải được kết nối với nhau một cách đúng đắn theo như Đấng Christ mong muốn.

Sự phát triển thuộc linh bao gồm việc môn đồ của Chúa khám phá và phát triển tối đa tiềm năng ân tứ của mình (xem I Phi-e-rơ 4:10-11), trong thân thể của Chúa (nghĩa là trong cộng đồng Cơ Đốc), vì Đấng Christ và Vương Quốc của Ngài. Nếu mỗi một Cơ Đốc Nhân lớn lên và trưởng thành, thì thân thể của Chúa sẽ trở nên khỏe mạnh. Thân thể của Chúa càng có nhiều bộ phận hoạt động “một cách đúng đắn” (theo cách mà Ngài muốn), thì cả thân thể sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Lãnh đạo Hội Thánh cần phải coi trọng sức khỏe trong thân thể của Đấng Christ. Greg Ogden nhận xét rằng: “Hội Thánh không phải là một tổ chức của con người, nơi mà mọi người thống nhất với nhau sẽ giữ mãi kỷ niệm của một vĩ nhân, đó là Đức Chúa Giê-su Christ. Ngược lại, Hội Thánh là một tổ chức thiên thượng được hòa quyện một cách đầy nhiệm mầu vào sự sống và sự cai trị của Đấng Christ, là Đấng vẫn tiếp tục bày tỏ chính Ngài cho những người mà Ngài đã đem về.”4 Một Hội Thánh khỏe mạnh có nghĩa là thân thể của Đấng Christ cũng khỏe mạnh.

Hãy nói về cá nhân

Tôi xin hỏi: Bao nhiêu bộ phận trên cơ thể của bạn muốn hoạt động? Nếu bạn suy nghĩ giống tôi thì mọi bộ phận trên cơ thể tôi đều muốn nó hoạt động cả. Nếu tôi có một bộ phận nào đó không hoạt động, có nghĩa là tôi không cảm thấy khỏe chút nào. Nếu điều này là đúng với cơ thể vật lý của bạn, thì nó cũng đúng với thân thể tâm linh của Đấng Christ. Tại sao chúng ta cảm thấy hài lòng với việc chạy ì ạch khi chỉ có một số ít con cái của Ngài tham dự vào công việc Chúa?

Hội Thánh phải chủ tâm phát triển mọi con cái Chúa để họ đạt đến tiềm năng tối đa của mình. Có lẽ thách thức lớn nhất của việc vươn ra thế giới đó chính là phải sinh sản/phát triển con cái Chúa. Mặc dù Hội Thánh phải rao giảng phúc âm, nhưng Hội Thánh cũng phải tập trung vào mục vụ phát triển các thánh đồ.

Tôi nên làm gì đây?

Hội Thánh sẵn sàng giúp đỡ Cơ Đốc Nhân tăng trưởng và phát triển đến sự trưởng thành. Trưởng thành không hoàn toàn có nghĩa là tìm biết Đấng Christ là ai, hoặc thậm chí là tìm hiểu Cơ Đốc Nhân là gì. Sự trưởng thành được thể hiện đầy đủ khi Cơ Đốc Nhân hoàn thành vai trò mà Chúa giao cho. Bạn có khi nào hỏi rằng: “Tại sao Đức Chúa Trời ban cho mỗi một Cơ Đốc Nhân ít nhất một ân tứ?” Theo I Phi-e-rơ 4:10-11, mỗi một Cơ Đốc Nhân có ít nhất một ân tứ siêu nhiên:

“Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời. Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Jêsus Christ; là Đấng được sự vinh hiển quyền phép đời đời vô cùng. A-men.”

1 Peter 4-10 Each One Received A Spiritual Gift white

Phần Kinh Thánh này nói rõ rằng mỗi một Cơ Đốc Nhân có ít nhất một ân tứ thuộc linh, và chúng ta phải sử dụng ân tứ đó để tôn vinh Đức Chúa Trời. I Cô-rinh-tô 12:7 nói như thế này: “Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung.” Bạn có biết ân tứ thuộc linh của mình là gì không? Bạn có biết mình cần phải sử dụng ân tứ thuộc linh đó để phục vụ người khác không? Bạn có biết mình cần làm gì với ân tứ thuộc linh đó để dâng vinh hiển lên cho Chúa không? Nếu bạn đã biết ân tứ của mình rồi, bạn có đang thường xuyên sử dụng nó để gây dựng người khác không?

 

Hỡi Hội Thánh, hãy tiến lên!

Hội Thánh hiện diện là để truyền bá phúc âm và phát triển Cơ Đốc Nhân để họ trở nên những giáo sĩ. Ed Stetzer đã phát biểu về sứ mệnh của Hội Thánh như sau: “Đức Chúa Giê-su đã đến để cứu rỗi và phục vụ, còn chúng ta thì tham gia vào sứ mệnh của Ngài.”5 Sự tăng trưởng và phát triển của Cơ Đốc Nhân phải được thực hiện ở bề trong (trở nên giống Đấng Christ qua lời nói, suy nghĩ, và thái độ) lẫn bề ngoài (trở nên giống Đấng Christ qua hành động). Khi chúng ta lớn lên và trưởng thành, chúng ta phải tham gia vào sứ mệnh của Đấng Christ đó là đi đến cùng trái đất.

Từ Hội Thánh đơn giản có nghĩa là một nhóm “những người được gọi.”6 Cơ Đốc Nhân được kêu gọi ra khỏi thế gian để đến với một Đấng Cứu Rỗi, là Đấng kêu gọi họ đến với sứ mệnh. Hội Thánh nghĩa là vương quốc được hoàn thành, vương quốc là làm trọn sứ mệnh của Đức Chúa Trời; và sứ mệnh của Đức Chúa Trời bắt nguồn từ bản tính và tình yêu thương của Ngài. Giăng 3:16 thể hiện tốt nhất về điều này: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” Đức Chúa Trời ban Con Ngài với một sứ mệnh cứu rỗi thế gian. Ngài đã hoàn thành sứ mệnh của Ngài và giờ đây Ngài đòi hỏi chúng ta phải hoàn thành sứ mệnh đó. Giăng 20:21 giải thích về điều này như sau: “Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy.” Hội Thánh tồn tại là để chinh phục con người cho Đấng Christ, giúp đỡ họ phát triển trong bước đi của họ với Chúa, và sai phái họ vào sứ mệnh chinh phục thế gian.

Đã 2000 năm trôi qua kể từ khi Hội Thánh đầu tiên bắt đầu sứ mệnh chinh phục và môn đồ hóa thế gian. Vòng thời gian trôi qua, Hội Thánh trong lịch sử cũng đối diện với những khó khăn như sự bắt bớ và đạo lạc. Thêm vào đó, đôi khi Hội Thánh đã phải tranh đấu để hiểu rõ họ cần phải làm gì. Một số Hội Thánh nghĩ rằng nhiệm vụ chính của họ là bày tỏ tình yêu thương cho thế gian. Một số Hội Thánh khác thì tin rằng họ cần phải kết tội và lên án thế gian. Một số Hội Thánh khác nữa thì tin rằng họ phải trở nên giống như thế gian, và hậu quả là họ gần như không khác gì với thế gian. Một số Hội Thánh tin rằng cần phải tập trung vào sự giảng dạy. Một số Hội Thánh khác tin rằng cần tập trung vào truyền giáo. Một số Hội Thánh nghĩ rằng cần tập trung vào sự cầu nguyện. Một số Hội Thánh khác thì nghĩ rằng cần tập trung vào Đức Thánh Linh. Hiển nhiên đối với một người quan sát thông thường, sự diễn giải Hội Thánh cần phải làm gì trở nên mập mờ hơn cả việc một người suy nghĩ như thế nào.

Hội Thánh là thân thể của Chúa

Tôi xin nói rõ rằng: Hội Thánh của Đức Chúa Giê-su Christ là thực hiện công tác giảng dạy phúc âm và giúp đỡ những người đáp ứng với phúc âm được lớn lên vững mạnh về mặt thuộc linh. Khi tâm linh của họ lớn lên vững mạnh, những lãnh đạo Hội Thánh phải giúp đỡ họ khám phá và phát triển ân tứ thuộc linh của mình. Khi những Cơ Đốc Nhân đó sử dụng ân tứ của họ theo đúng cách, thì thân thể của Chúa phát triển khỏe mạnh. Khi thân thể của Chúa phát triển khỏe mạnh, họ sẽ dùng tình yêu thương để đến với thế giới chưa biết đến Chúa bằng sứ điệp của Đấng Christ, khiến nhiều người nghe và tiếp nhận món quà ân điển của Đức Chúa Trời.

Càng nhiều người tăng trưởng và phát triển thì Hội Thánh càng khỏe mạnh. Hội Thánh càng khỏe mạnh, thì thân thể của Chúa càng khỏe mạnh. Đức Chúa Giê-su tiếp tục được nhiều người nghe và nhìn thấy. Thân thể hiện hữu và khỏe mạnh của Đấng Christ sẽ tiếp tục ra đi “truyền tin lành cho kẻ nghèo… cho kẻ bị cầm được tha… kẻ bị hà hiếp được tự do” (Lu-ca 4:18-19). Trong các sách Phúc Âm, Đức Chúa Giê-su kêu gọi các môn đồ theo Ngài và thực hiện kế hoạch của Ngài. Chúng ta khám phá trong các thư tín và nhận thấy Mục vụ cùng sứ mệnh của Đức Chúa Giê-su được tiếp tục qua Hội Thánh của Ngài! Bạn là một phần trong thân thể của Chúa… vai trò của bạn trong sứ mệnh toàn cầu của Đức Chúa Trời là gì?

 

Câu hỏi suy ngẫm –

  1. Bạn nhận biết Đấng Christ khi nào?
  2. Bạn nhận biết Chúa trong trường hợp nào?
  3. Bạn có biết ân tứ của mình là gì không?
  4. Bạn có biết vị trí/vai trò của mình trong thân thể Đấng Christ là gì không?
  5. Hội Thánh nên tập trung vào điều gì?

 

Chú thích

  1. Aubrey Malphurs, Strategid Disciple Making: A Practical Tool for Successful Ministry (Grand Rapids: Baker, 2009), 21.
  2. Charles Ryrie, The Ryrie Study Bible (Chicago: Moody, 1978), 1799.
  3. Xem http://bible.cc/ephesians/4-12.htm (accessed December 12, 2012).
  4. Greg Ogden, Unfinished Business: Returning the Ministry to the People of God (Grand Rapids: Zondervan, 2010), Kindle location 605-7
  5. Xem http://www.edstetzer.com/2010/02/what-is-a-missional-church.html (accessed December 12, 2012).
  6. Xem http://www.xenos.org/classes/um1-1a.htm (accessed December 12, 2012).

(Còn nữa)

Dave Earley and Rod Dempsey

Translated by Vinh Hien   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn