Chủ Nhật , 5 Tháng Năm 2024
Home / Trang Chủ / UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN

UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN

SUY NGHĨ VỀ TRUYỀN THỐNG UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM
“Hãy tưởng nhớ Đấng Tạo Hoá ngươi”   (Truyền đạo 12:1)

ecclesiastes-12-1

Là người Việt Nam, chúng ta vô cùng tự hào về những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta như: Truyền thống yêu nước bất khuất chống ngoại xâm, tinh thần đoàn kêt yêu thương đùm bọc lẫn nhau, tinh thần lạc quan, truyền thống nhân đạo nhân văn sâu sắc…Ngoài những truyền thống ấy, người Việt ta còn có tinh thần nhớ ơn Tổ tiên. Lòng nhớ ơn Tổ tiên được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Uống nước nhớ nguồn” là để dạy dỗ lớp hậu sanh về tinh thần nhớ ơn Tổ tiên.

Trong khuôn khổ bài này, tôi xin được tâm tình, trao đổi cùng quý thân hữu, tín hữu làm thế nào để làm đúng, làm trọn vẹn ý nghĩa câu tục ngữ nói trên.

Trước hết, tôi xin trình bày phần thứ nhứt:

l. UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN

   Kính thưa quý vị!

“Uống nước nhớ nguồn”, nhớ ơn cha mẹ, ông bà, nhớ ơn tiền nhân là lẽ sống tốt đẹp. Chỉ có những người vô đạo đức, những kẻ vong ơn bội nghĩa mới không biết nhớ ơn tổ tiên, mới uống nước mà quên nguồn.

Bây giờ ta thử tìm hiểu người Việt Nam ta có thực hiện đúng câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn” chưa?

Theo số đông người Việt Nam, để thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn thì phải thờ cúng ông bà, tổ tiên. Vì thế, ngoài những nhà tin thờ Chúa, nhà nào cũng có bàn thờ ông bà đặt ở nơi tôn nghiêm nhất trong ngôi nhà ở của mình, thường là nơi căn giữa của ngôi nhà. Trên bàn thờ, thường có lư hương, chân đèn, bài vị tổ tiên, ngày nay có thêm ảnh chân dung người quá cố. Hằng năm đến ngày người thân qua đời, hoặc ngày Tết, người Việt thường sắm nhiều lễ vật như: xôi thịt, bánh, hoa quả, giấy tiền, vàng mã… bày biện lên bàn thờ, rồi thắp hương khấn vái, mời ông bà về hưởng lễ vật và xin người quá cố phù hộ cho con cháu mạnh khoẻ, làm ăn phát tài phát lộc, học hành hiển đạt…Làm như thế, người Việt cho là đã thể hiện  đạo lý  “uống nước nhớ nguồn”.

Tôi xin thưa rằng, với việc làm như thế, người Việt mới chỉ làm theo chiều hướng đúng chứ chưa thật sự đúng, và cũng có thể nói là không đạt được mục đích, ý nghĩa như lòng mong ước của mình.

Có thể quý vị thắc mắc “tại sao lại nói như thế?” Tôi xin được giải thích như sau:

Theo phong tục thờ cúng của người Việt, thì trong gia đình con trai trưởng, trên bàn thờ chỉ thờ có năm đời; kể từ trên xuống, gồm các ông: CAO, TẰNG, TỔ, KHẢO, HIỂN. Khi có người thuộc đời thứ sáu qua đời thì đem người đời thứ sáu lên thờ trên bàn thờ. Thế là phải loại ông trên cùng là ông CAO ra khỏi bàn thờ và đưa ông TẰNG lên làm ông CAO,,, rồi cứ thế, cứ thế, các vị trên cùng phải bị đưa ra khỏi bàn thờ trong gia đình.

Để giải quyết ông CAO bị loại ra này, người ta đem bài vị ông “an vị” nơi nhà từ đường. Từ đây, việc cúng giỗ ông Cao này, tộc họ sẽ lo. Thế nhưng, ta thấy ở mỗi tộc họ, người ta cũng chỉ biết và thờ nhiều nhất là khoảng 20-25 đời. Còn các bậc ở trên cao nữa thì không ai biết đâu mà thờ cúng. Thế là việc thờ cúng, việc gọi là uống nước nhớ nguồn của người Việt lại đi vào ngõ cụt. Có thể nói là việc thờ cúng như thế mà gọi là uống nước nhớ nguồn là không ổn rồi. Và cũng có thể nói là hoàn toàn không đạt được mục đích ý nghĩa tốt đẹp như lòng mong muốn. Như thế việc nhớ nguồn cũng mới chỉ là nhớ sông  chứ chưa tới nguồn được !
Tôi xin nêu một ví dụ minh họa như sau:

Sau năm 1975, chiến tranh vừa kết thúc, núi rừng còn rậm rạp, xanh tươi, củi khô, củi tươi nhiều vô kể, bà con ở quê tôi, khi mùa màng rảnh rỗi, thường rủ nhau đi củi nguồn. Họ chống xuồng dọc theo sông Vu Gia lên nguồn đốn củi. Trong những năm đầu, củi còn rất nhiều nên chỉ cần lên đến Ba Khe (xã Đại Đồng ) hoặc lên đến Hoà Hữu (xã Đại Hồng) thì dừng  xuồng lại, lên núi ,đốn củi; chỉ đốn 3-4 ngày là đã được rất nhiều củi, rồi đem xuống sông, kết bè, hoặc chất lên  xuồng chở về. Mọi người đều gọi là đi củi nguồn. Lần lần, núi Ba Khe, Hoà Hữu hết củi, người ta lại lên đến Đồng Chàm, Tân Đợi (xã Đại Sơn) mới có củi để đốn. Rồi một thời gian sau nữa, phải lên đến Thạnh Mỹ, Đá Trắng (thuộc huyện Nam Giang) mới có củi để đốn, và khi chở về vẫn gọi là củi nguồn. Vậy cứ thế, cứ thế, càng về sau lại càng đi xa hơn, cao hơn … Thử hỏi bao giờ mới đến nguồn thật.

Từ việc này, ta có thể nói rằng người Việt Nam mình gọi việc thờ cúng ông bà là việc nhớ nguồn nhưng thật ra cũng chỉ nhớ được đến sông thôi. Đã chưa đến nguồn tức là chưa đạt được mục đích, ý nghĩa như mong muốn mà hể chưa đạt đến đích thì làm sao mà tốt được!

Một bài toán chỉ có một đáp số đúng. Làm không đúng đáp số là giải sai bài toán.

Vậy muốn thực hiện đúng đạo lý uống nước nhớ nguồn thì ta cần phải làm như thế nào? Phải thờ phượng như thế nào mới đạt được mục đích ý nghĩa thật như mong muốn trong câu tục ngữ trên? Để giải quyết nan đề này, xin mời quý vị theo dõi tiếp phần II của bài viết này.

ll.PHẢI THỜ PHƯỢNG ĐÚC CHÚA TRỜI

Đức Chúa Trời, Thượng Đế hay Ông Trời là Đấng sinh tạo nên muôn loài, trong đó có loài người chúmg ta. Ngài là nguồn cội của mọi dân tộc trên thế giới. Vì thế, chỉ có thờ phượng Ngài mới đúng là Uông nước nhớ nguồn.

Ta thấy, từ nơi sâu thẳm trong tâm hồn, người Việt Nam đều tin và nghĩ rằng có một Ông Trời là Đấng sinh ra muôn loài vạn vật. Trong văn học dân gian, có nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ cho thấy đồng bào ta tin rằng Ông Trời đã tạo nên núi non, sông biển:

“Non kia ai đắp nên cao,
Sông kia, biển nọ ai đào mà sâu”
(Ca dao)

Mọi người đều biết rằng đây không phải là câu hỏi (câu nghi vấn) mà là câu hỏi tu từ dùng để khẳng định và thể hiện lòng biết ơn Đấng Tạo Hoá đã tạo dựng nên núi cao, biển rộng, sông dài để làm môi trường sống cho loài vật và loài người.

Trong lao động sản xuất, người lao động Việt Nam cũng thể hiện lòng biết ơn Trời, Đấng làm nên mưa thuận gió hoà để cho mùa màng tươi tốt:

“Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu…”

“Nhờ trời mưa gió thuận hoà
Nào cày, nào cấy, trẻ già đua nhau”

Trong khẩu ngữ đời thường, vẫn thường nghe nhân dân  ta nói: “Trời sinh người, sinh lộc”, “Trời sinh,Trời dưõng”, “Trời cho ai nấy nên”…

Còn trong tín ngưỡng dân gian, người Việt Nam có ước vọng tâm linh muốn được giao thông, thờ phượng ông Trời. Điều này được thấy trong các lễ tế Trời hằng năm ngày xưa, do triều đình đứng ra tổ chức, trong lễ này, đích thân nhà vua làm chủ tế. Để được thanh sạch mà thay mặt toàn dân đứng ra tế Trời, nhà vua phải xa cách cung phi, mỹ nữ trong một thời gian nhất định, bởi người xưa ý thức rằng Trời là Đấng thánh khiết. Ngày nay, ở phía tây cố đô Huế còn có đàn Nam Giao; đây là nơi tế Trời dưới triều Nguyễn.

Kính thưa quý vị!

Những điều trong văn học dân gian, trong tín ngưỡng của người Việt như vừa nêu ở trên cho ta biết rằng người Việt Nam tin có một Ông Trời và cũng muốn tôn thờ Trời. Thế nhưng vì người Việt ta không biết rõ ràng Trời là Đấng như thế nào và không biết thờ Trời như thế nào cho phải lẽ nên người Việt Nam thờ trời theo cách suy nghĩ của mình và hiển nhiên việc thờ cúng theo ý riêng như thế là không đẹp ý Đức Chúa Trời.

b 2

Hơn nữa, ngoài việc thờ phượng Trời không đúng cách, người Việt ta còn thờ cúng nhiều thần tượng khác, thờ cúng ông bà, tổ tiên, thờ cúng ông Địa, ông Táo, Thành hoàng, Hà bá…Những điều này không những không vừa lòng Đức Chúa Trời mà còn chọc giận Đức Chúa Trời, bởi chỉ có một Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá là đáng để cho loài người thờ kính; các thần tượng khác chỉ là hư không, do trí tưởng tượng, do chính bàn tay con người làm ra. Ông bà cha mẹ ta cũng là tạo vật của Thương Đế, ta chỉ hiếu kính chứ không được thờ phượng. Đức Chúa Trời đã công bố cho con người luật pháp của Ngài (Mười điều răn), trong đó có cấm con người thờ cúng bất cứ đối tượng nào: “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác…” (trích trong Kinh Thánh ở sách Xuất Ê-díp-tô ký, đoạn 20, câu 3). Ngài còn tuyên bố sẽ trừng phạt nếu ai bất tuân luật pháp của Ngài.

Kính thưa quý thân hữu!

Thượng Đế cấm con người thờ phượng bất cứ đối tượng nào ngoài Ngài và cũng buộc con người phải hiếu kính cha mẹ: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi” (trích trong Kinh Thánh, sách Xuất Ê díp-tô ký, đoạn 20, câu 12). Vì vậy để làm tốt, làm đúng câu tục ngữ “ Uống nước nhớ nguồn,” đối với tiền nhân, ông bà, cha mẹ, ta phải thể hiện lòng hiếu kính, biết ơn bằng cách thương yêu, chăm sóc khi ông bà, cha mẹ tuổi già, bệnh tật, ốm đau. Khi ông bà, cha mẹ qua đời thì lo an táng, mồ mả chu đáo để các thế hệ sau biết đó là nơi yên nghỉ của tiền nhân. Hằng năm hoặc theo chu kỳ quy định (tuỳ hoàn cảnh của gia đình), thì tổ chức con cháu thăm viếng phần mộ tổ tiên, hoặc kỷ niệm để ôn lại, nhắc nhở con cháu về công ơn, truyền thống tốt đẹp của tiền nhân và răn dạy con cháu thương yêu, đùm bọc nhau; khuyên răn con cháu phải chăm lo học hành để có đời sống tốt đẹp, thanh cao hầu làm vẻ vang cho dòng họ, đừng để người đời chê trách phiền hà…

Làm như thế là thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng hiếu kính chứ không phải tổ chức cúng giỗ linh đình mới là hiếu kính, bởi vì người đã chết thì không “hưởng” được những lễ vật của người còn sống cúng dâng cho họ. Người chết không bao giờ trở về được. Họ phải ở một trong hai nơi – thiên đàng hoặc địa ngục – tuỳ theo họ chọn khi còn sống và tuỳ theo thái độ, tấm lòng, niềm tin của họ đối với Thượng Đế khi họ còn đủ lý trí, hiểu biết.

Lời của Chúa trong Kinh Thánh có chép:

“Mây tan ra và đi mất thể nào
Kẻ xuống âm phủ không hề trở lên cũng thể ấy
Họ không hề trở về nhà mình…”
(Gióp 7: 9-10)

Người chết không về được thì cúng giỗ mà làm chi. Tôi nghĩ rằng người xưa có dụng ý tốt là để cho con cháu có dịp quây quần bên nhau nên mới tổ chức tiệc tùng trong ngày kỷ niệm chứ không nhằm mục đích để dâng cúng cho người chết và mục đích chính của ngày kỉ niệm là để cho con cháu có dịp đoàn tụ bên nhau, để củng cố tình ruột thịt thiêng liêng.

Nhưng cũng buồn thay khi có nguời dùng việc cúng giỗ như là cơ hội để “trả nợ miệng”. Ông bà ta cũng có câu phê phán những hạng người bất hiếu, khi cha mẹ còn sống thì không quan tâm, rồi khi chết thì làm giỗ, cúng tế linh đình:
“Sống thì lại chẳng cho ăn

Để đến khi chết làm văn tế ruồi”

Kính thưa quý vị!

Suy xét cho cùng, những việc con cháu, những thế hệ sau làm cho thế hệ trước như: kỉ niệm, cúng giỗ, xây nhà thờ, truy điệu, tôn vinh…đều không ích gì cho họ. Chẳng qua là để người sống khỏi tủi lòng, lương tâm bớt cắn rứt, khi nhớ lại lúc họ còn sinh tiền, mình sống không xứng đáng, hoặc có nhiều sai quấy, lỗi lầm đối với họ.

Trong bài thơ có tựa đề “KỶ NIỆM NGUYỄN DU,” nhà thơ Chế Lan Viên có viết: “Khi ta kỉ niệm Nguyễn Du chả ích gì cho Nguyễn, chẳng qua để kẻ yêu thơ khỏi tủi trong lòng.”

Từ Kinh Thánh đến văn học dân gian, văn học hiện đại đều có nhận định giống nhau về việc cúng giỗ: việc cúng giỗ không ích lợi gì cho người đã khuất. Đã không ích lợi cho người đã khuất mà trái lại là vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời.

Như thế, muốn thực hiện đúng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” thì ta phải thờ phượng một Đức Chúa Trời, bởi vì Ngài là cội nguồn của loài người. Vì Ngài là cội nguồn nên ta chỉ thờ phượng mình Ngài thì việc thờ phượng của ta sẽ trọn vẹn, đầy đủ ý nghĩa, viên mãn trăm phần. Việc thờ phượng Đức Chúa Trời giống như là những trận mưa lớn, từ trên trời cao, trút xuống, nước mưa tưới khắp mọi nơi từ nguồn chí biển.

Nhưng làm sao loài người có thể thờ phượng Đức Chúa Trời theo đúng như điều mà Ngài mong muốn. Muốn rõ, xin quý vị theo dõi tiếp phần sau:

lll. CÁCH THỜ PHƯỢNG ĐỨC CHÚA TRỜI

Loài người không thể tự mình đến được với Đức Chúa Trời. Mọi nỗ lực của loài người như tu tâm, dưỡng tánh, làm lành lánh dữ, làm công quả đều không thể đưa được chúng ta đến với Đức Chúa Trời. Bởi vì đối với tiêu chuẩn thánh khiết của Đức Chúa Trời, mọi việc thiện lành của con người chẳng có ý nghĩa gì cả. Nhà tiên tri Ê-sai, một người có thể nói là một ông thánh của thời đại đó (khoảng 600 năm TCN ), thế nhưng ông đã phải thốt lên rằng: “Chúng tôi thảy đều như vật ô uế, mội việc công chính của chúng tôi như áo nhớp, chúng tôi thảy đều héo như lá, và tội ác chúng tôi như gió đùa mình đi”  (Ê-sai 64: 4)

bible

Lời Kinh Thánh ở Rô-ma 3:23 có chép rằng: “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”.

Trong sách “Minh tâm bửu giám” có câu: “Chung thân hành thiện, thiện du bất túc; nhất nhật hành ác, ác tự hữu dôi” (dịch là trọn đời làm lành, lành thời chẳng đủ; một ngày làm ác, ác lại có thừa). Còn trong triết học của Phật Giáo có câu “Nhất niệm sân si khởi, năng thiêu thiên vạn công đức chi lâm” (tạm dịch: một ý nghĩ sân si nổi lên có thể đốt cháy hàng vạn công đức)

Từ Kinh Thánh, đến Nho Giáo, Phật Giáo đều cho thấy rằng mọi việc thiện lành của con người đều không thể đưa con người đến được với Đấng Thiện lành, có nghĩa là con người đành phải xa cách Đức Chúa Trời, bởi vì tội lỗi của mình. Mà hễ xa cách Đức Chúa Trời tức là xa cách nguồn của sự sống, nghĩa là con người đang ở trong tình trạng chết. Như một cành hoa bị cắt khỏi cây hoa và cắm vào lọ hoa, tuy còn tươi thắm nhưng thật ra nó đang ở trong tình trạng chết vì không còn nhận được nhựa sống từ cây mẹ.

Thật là tuyệt vọng cho loài người!

Nhưng không! Cảm tạ tình thương lớn lao của Đức Chúa Trời! Đang khi chúng ta tuyệt vọng thì Đức Chúa Trời lại mở ra cho loài người một con đường tràn đầy hy vọng. Đó là Chúa Giê-xu, Ngôi Hai trong ba ngôi của Thượng Đế, xuống trần gian làm người và chết thế cho loài người trên cây thập tự cách đây gần hai ngàn năm, hầu cho hễ ai tin nhận Chúa Giê-xu thì được Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi và nhận được sự sống vĩnh phúc (theo sách Giăng 3:16). Sứ đồ Phao-lô, một người từng chống đối, bách hại đạo của Chúa, sau khi được trở thành môn đồ của Chúa đã viết: “Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (theo Rô-ma 5:8).

Và ông cũng tuyên bố một câu hết sức mạnh mẽ rằng: “Đức Chúa Giê-xu Christ đã đến trong thế gian để cứu vớt kẻ có tội; ấy là lời chắc chắn, đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy- trong những kẻ có tội đó, tôi là một đại tội  nhân”.

Chúa Giê-xu là Đấng vô tội đã chịu chết vì tội lỗi của cả nhân loại. Sự hy sinh của Ngài là một tế lễ dâng lên Đức Chúa Trời, để Đức Chúa Trời tha thứ tôi lỗi cho toàn thể nhân loại. Sự chết của Chúa Giê-xu làm thoả mãn yêu cầu công chính mà Đức Chúa Trời đòi hỏi kẻ có tội phải trả. Chính vì thế mà Chúa Giê-xu đã công bố: “Ta là đường đi, chân lý, sự sống; chẳng bởi ta, không ai được đến cùng Cha” (theo Giăng 14:6).

Muốn đến được với Đức Chúa Trời, muốn thể hiện đúng đạo lý “uống nước nhớ nguồn” thì con người phải nhận rằng mình là người có tội, phải tin nhận Chúa Giê-xu là Đấng đã chết thế cho chính mình. Chúa Giê-xu là con đường duy nhất để loài người đến với Đức Chúa Trời, nếu không tiếp nhận Ngài thì nhân loại không thể đến được với Đức Chúa Trời và có nghĩa là con người vẫn không làm trọn được đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

Để kết luận, tôi xin minh họa bằng một ví dụ như sau: Chúng ta trồng một giàn bầu, đang ở vào thời kỳ ra hoa, kết trái. Lại gặp phải lúc nắng hạn, thiếu nước, dàn bầu bị héo. Nếu ta đem nước tưới nơi thân, nơi lá thì biết đến bao giờ dàn bầu mới xanh tươi lại được? Nhưng nếu ta tưới nước vào tận gốc thì chỉ cần ít phút sau, cả dàn bầu sẽ xanh tươi trở lại vì nước từ gốc sẽ được rễ hút vào và được hệ thống mao mạch của cây bơm lên toàn thân, nhánh, lá, hoa, nụ, quả. Cả dàn bầu đều hưởng được nước đã tưới vào gốc.

Chỉ có tin nhận Chúa Giê-xu, thờ phượng Đức Chúa Trời thì mới thực hiện trọn vẹn, viên mãn đạo lý “uống nước nhớ nguồn.”

Vậy kính mong quý thân hữu mau mau tin nhận Chúa Giê-xu để được Đức Chúa Trời tha thứ mọi tội lỗi và được làm con cái của Đức Chúa Trời, được Ngài ban cho sự bình an và sự sống vĩnh phúc như lời Chúa Giê-xu đã phán: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư mất mà được sự sống đời đời”  (theo Giăng 3:16 ).

          Thân chào quý vị!

Sau khi đọc bài này, nếu quý vị muốn tiếp nhận Chúa Giê-xu để được làm con của Đức Chúa Trời, để làm trọn đạo lý “uống nước nhớ nguồn” thì quý vị có thể tự thưa với Chúa theo đại ý lời hướng dẫn sau:

“Kính lạy Đức Chúa Trời!

Từ trước đến nay, con chưa biết Ngài, chưa tôn thờ Ngài. Nhưng tạ ơn Ngài vì hôm nay con đã biết được Ngài là Đấng Tạo Hoá, Đấng đã dựng nên vũ trụ và dựng nên loài người. Con cũng biết vì yêu thương con mà Ngài đã sai Chúa Giê-xu xuống thế gian để chết thay cho con. Nay con xin mở lòng tiếp nhân Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của cuộc đời con. Xin Chúa tha tội cho con và nhận con làm con của Ngài, xin ban cho con sự sống đời đời như Ngài đã phán. Con cảm ơn Ngài.

Con cầu nguyện trong danh Chúa Giê-xu Christ, A-men!”

Lưu ý: khi bạn thưa với Chúa như thế với tất cả tấm lòng và đức tin thì bạn đã được Chúa nhậm lời và bạn đã trở thành con của Đức Chúa Trời. Để được “lớn lên” trong sự hiểu biết về Chúa, bạn nên đến với một Hội thánh Tin Lành gần nơi bạn ở để được giúp đỡ thêm và có cơ hội tương giao, thờ phượng Chúa.

TÔ VU GIA

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn