Thứ Năm , 9 Tháng Năm 2024
Home / Tổng hợp / Trách Nhiệm và Phần Thưởng Đời Đời

Trách Nhiệm và Phần Thưởng Đời Đời

Sẵn Sàng Cho Trách Nhiệm và Phần Thưởng Đời Đời

Mục Sư Rick Warren2 t
“Vậy nên ta khuyên con hãy nhen lại ơn của Đức Chúa Trời ban cho, mà con đã nhận lãnh bởi sự đặt tay của ta.” (II Ti-mô-thê 1:6)

Ẩn dụ của Chúa Giê-Xu về các tài năng (ta-lâng) bày tỏ rằng Đức Chúa Trời mong muốn chúng ta đạt được kết quả cao nhất từ những điều Ngài ban cho.  Chúng ta cần phát huy mọi ân tứ và khả năng, giữ tấm lòng chúng ta luôn nóng cháy, tiếp tục trưởng thành trong tâm tánh và phẩm hạnh, cùng mở rộng kinh nghiệm bản thân, để không ngừng gia tăng hiệu năng trong công tác phục vụ.

Phao-lô khuyên các tín hữu thành Phi-líp hãy “càng ngày càng chan chứa hơn trong sự thông biết và sự suy hiểu” (Phi-líp 1:9b). Ông cũng nhắc nhở Ti-mô-thê “hãy nhen lại ơn của Đức Chúa Trời ban cho” (II Ti-mô-thê 1:6a).

Nếu bạn không tập luyện các cơ bắp của bạn, chúng sẽ suy yếu và teo đi.  Cũng vậy, nếu bạn không sử dụng khả năng và kỹ năng Chúa đã ban cho bạn, bạn sẽ mất chúng.  Chúa Giê-Xu dạy ẩn dụ về các ta-lâng để nhấn mạnh chân lý nầy.  Đề cập đến người đầy tớ không làm lợi một ta-lâng, chủ phán quyết, “Hãy lấy ta-lâng của người nầy mà cho kẻ có mười ta-lâng” (Ma-thi-ơ 25:28).

Nếu bạn không sử dụng những gì đã được ban cho, bạn sẽ mất nó.  Khi bạn sử dụng những ơn Chúa đã ban cho, Ngài sẽ gia tăng thêm.  Phao-lô khuyên Ti-mô-thê, “Đừng bỏ quên ơn ban trong lòng con . . . Hãy săn sóc chuyên lo những việc đó”  (I Ti-mô-thê 4:14a, 15a).

Bất cứ được ban cho ân tứ nào, bạn đều có thể mở rộng và phát huy nó qua sự thực hành.  Chẳng hạn, không ai được ban cho ân tứ dạy hoàn hảo.  Nhưng với sự học tập, nhận lời phê bình, và thực hành, một người thầy “giỏi” có thể trở thành một người thầy giỏi hơn, và với thời gian, sẽ trở thành một giáo sư bậc thầy.

Đừng dừng lại với một ân tứ phát triển nửa vời.  Hãy vận dụng sức mình và học hỏi tất cả những gì bạn có thể học được.  “Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như một người làm công không chỗ trách được” (II Ti-mô-thê 2:15a).  Hãy tận dụng mọi cơ hội huấn luyện để phát triển tầm vóc thuộc linh của bạn và mài giũa kỹ năng phục vụ.

Trên Thiên Đàng, tất cả chúng ta sẽ phục vụ Thiên Chúa mãi mãi.  Ngay bây giờ, chúng ta chuẩn bị cho sự phục vụ đời đời đó bằng cách thực hành trên Đất.  Giống như các lực sĩ chuẩn bị cho Thế Vận Hội, chúng ta cứ luyện tập cho ngày trọng đại đó.  “Họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát.  Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát” [còn đến đời đời – ND] (I Cô-rinh-tô 9:25b).

Chúng ta đang sẵn sàng cho những trách nhiệm và phần thưởng đời đời.

Thảo Luận

Chúng ta đang vận dụng mọi tiềm năng để phát huy kỹ năng và ân tứ của mình bằng cách nào?

Có những cơ hội học tập nào bạn cần phải tận dụng để phát huy và mài bén kỹ năng của mình?

Nhận định về cõi đời đời sẽ giúp bạn kiên trì trong việc vận dụng đức tin như thế nào?

Bạn Đã Bao Giờ Khốn Khổ Vì “Ganh Ân Tứ” không?

2 c
“Vả, người có tánh xác thịt không nhận được những sự thuộc về Thánh Linh của Đức Chúa Trời.” (I Cô-rinh-tô 2:14a)

Bạn không thể làm gì để có được ân tứ thuộc linh, hay xứng đáng để nhận chúng – chính vì vậy các ân tứ được gọi là sự ban cho!  Chúng bày tỏ ân điển của Đức Chúa Trời dành cho bạn: “Nhưng, đã ban ân điển cho mỗi một người trong chúng ta theo lượng sự ban cho của Đấng Christ” (Ê-phê-sô 4:7).

Bạn cũng không thể chọn lựa ân tứ theo ý thích của mình.  Phao-lô giải thích rằng chính Đức Chúa Trời đã quy định “Mọi điều đó là công việc của đồng một Đức Thánh Linh mà thôi, theo ý Ngài muốn, phân phát sự ban cho riêng cho mỗi người” (I Cô-rinh-tô 12:11).

Bởi vì Chúa yêu thích sự đa dạng, và Ngài muốn chúng ta đều đặc biệt, nên Ngài không ban một ân tứ riêng biệt nào cho tất cả mọi người, và cũng không một cá nhân nào được nhận tất cả mọi ân tứ.  Nếu bạn đã có tất cả mọi ân tứ, bạn sẽ không cần bất cứ người nào khác, và điều đó sẽ làm hỏng một trong những mục đích của Đức Chúa Trời – là dạy chúng ta phải tùy thuộc lẫn nhau.

Những ân tứ thuộc linh của bạn không phải được ban cho để đem lại lợi ích cho chính bạn nhưng để lợi ích cho những người khác, y như những người khác được ban cho những ân tứ vì lợi ích của bạn.  Kinh Thánh chép rằng, “Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung” (I Cô-rinh-tô 12:7).  Khi chúng ta cùng nhau sử dụng ân tứ, tất cả chúng ta đều được gây dựng.  Nếu người khác không sử dụng ân tứ của họ, bạn bị lừa, nhưng nếu bạn không sử dụng ân tứ của bạn, họ bị lừa.  Vì cớ đó Chúa muốn mỗi chúng ta phải khám phá và phát huy ân tứ thuộc linh của mình.

Bất cứ khi nào chúng ta quên những chân lý cơ bản nầy về ân tứ, điều đó sẽ luôn gây ra rắc rối trong Hội Thánh.  Hai nan đề thông thường là “ganh tị ân tứ” và “tự phóng ân tứ”.

  • Nan đề thứ nhất xảy ra khi chúng ta so sánh ân tứ của mình với người khác, cảm thấy không thỏa lòng với những gì Chúa cho, và trở thành bực bội hay ganh tị với cách Chúa sử dụng người khác.

 

  • Nan đề thứ hai xảy ra khi bạn mong những người khác phải có cùng những ân tứ bạn có, phải làm những gì bạn được kêu gọi để làm, và cảm thấy đam mê để làm y như bạn.  Kinh Thánh chép rằng, “Có các chức vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa” (I Cô-rinh-tô 12:5).

Đôi khi chúng ta có thể quá chú trọng đến các ân tứ thuộc linh và xao lãng những yếu tố khác mà Chúa sử dụng để đặt bạn trong sự phục vụ.  Vì thế hãy luôn ghi nhớ, những ân tứ Chúa ban bày tỏ một phần ý muốn của Đức Chúa Trời cho mục vụ của bạn, chứ không phải tất cả ý muốn của Ngài.

Thảo Luận

Tại sao bạn nghĩ Chúa muốn chúng ta học để tùy thuộc lẫn nhau?

Điều gì cần thay đổi trong cách bạn hầu việc Chúa, khi bạn hiểu rằng ân tứ thuộc linh của bạn là vì lợi ích của người khác chứ không phải vì lợi ích của chính bạn?

Hãy nghĩ đến những lúc bạn ngã lòng vì người khác không sốt sắng tận tụy trong công việc Chúa giống như bạn.  Bạn nghĩ Chúa muốn bạn phải thay đổi thái độ của bạn như thế nào?

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn