Thứ Bảy , 27 Tháng Tư 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / PHƯỚC CHO NHỮNG NGƯỜI HÒA GIẢI

PHƯỚC CHO NHỮNG NGƯỜI HÒA GIẢI

Sự Bình An Của Thập Tự Giá

Tuy nhiên, hòa thuận với Đức Chúa Trời thôi vẫn chưa đủ. Những ai hòa giải với Chúa rồi, còn phải sống hòa thuận với người khác nữa. “Đức Chúa Trời … đã cho chúng ta được hòa giải với Ngài qua Đấng Christ, và giao cho chúng tôi chức vụ hòa giải. Ấy là, trong Đấng Christ, Đức Chúa Trời đã cho thế gian được hòa giải với Ngài, không kể tội lỗi cho loài người, và ủy thác cho chúng tôi sứ điệp hòa giải” (2Cô-rinh-tô 5:18-19).

Nói cách khác, có hòa bình với Chúa nghĩa là sống hòa thuận với mọi người. Cơ Đốc nhân phải có mối quan hệ thuận hòa với gia đình, bạn bè, láng giềng và đồng nghiệp. Ai có kẻ thù thì phải đối xử với họ như Chúa đã đối xử với kẻ thù của Ngài, tức là chủ động giải hòa với họ. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng Kinh Thánh dạy rằng “Hãy tìm cách sống hòa thuận với mọi người” (Hê-bơ-rơ 12:14). Một dấu hiệu cho thấy chúng ta ở hòa thuận với Chúa là chúng ta tìm cách ở hòa thuận với nhau.

round-peacemakers-icon

Một lần kia, có hai người phụ nữ bất bình nhau, mặc dù đã đi nhóm chung trong một hội thánh với nhau trong nhiều năm và còn là bạn thân của nhau. Nhưng người này đã gây cho người kia vấp phạm nghiêm trọng. Và người kia cay đắng rời khỏi hội thánh. Tình bằng hữu thân thiết đã biến ra thù địch. Họ không thèm nhìn mặt nhau hay nói chuyện với nhau trong nhiều năm.

Rồi một ngày kia, họ hòa giải với nhau. Chuyện xảy ra trong một gian hàng sữa tại siêu thị. Người phụ nữ bị xử tệ cúi xuống nhặt một hộp sữa. Khi bà đứng lên thì kẻ thù của bà đang ở đó mở rộng vòng tay. Họ ôm lấy nhau, và người phụ nữ kia đã xin lỗi vì những điều bà đã làm, rồi họ hòa giải với nhau.

Sự bình an giữa hai người phụ nữ đó tuôn chảy từ sự bình an của thập tự giá. Sự hòa giải mà họ có là một phần nhỏ của điều mà Kinh Thánh muốn nói đến trong câu: “Vì Đức Chúa Trời đã vui lòng đặt để mọi sự viên mãn của mình ở trong Ngài, và nhờ Ngài mà hòa giải muôn vật với chính mình, bởi huyết Ngài trên thập tự giá đem bình an đến cho cả những vật dưới đất và những vật trên trời” (Cô-lô-se 1:19-20). Nếu chúng ta đã kinh nghiệm sự bình an này qua công tác hòa giải của Chúa Giê-su Christ, thì chúng ta sẽ tìm cách sống hòa thuận với nhau.

  1. Quyền Năng của Thập Tự Giá

“Vì sứ điệp của thập tự giá đối với những người hư mất là điên rồ; nhưng với chúng ta, những người được cứu chuộc, thì đó là quyền năng của Đức Chúa Trời.”

I CÔ-RINH-TÔ 1:18

Thật khó mà hình dung ra một điều gì đó yếu ớt hơn hình ảnh một người bị treo cây cây thập tự. Bởi vì người ấy lõa lồ và hoàn toàn bị xỉ nhục. Không chỉ hoàn cảnh mà cả sự nhục nhã vì lõa lồ của anh ta cũng bị phơi bày ra hết. Thân thể anh ta bị treo lên đó để ai cũng đều xem thấy tất cả sự yếu đuối của anh.

Thập tự cũng nói đến sự yếu đuối về mặt thể chất. Người bị treo trên thập tự càng lâu thì càng trở nên yếu ớt. Nhịp tim và hơi thở của người ấy càng lúc càng yếu cho đến khi cạn kiệt. Anh ta chẳng thể làm gì để thoát khỏi cái chết không tránh khỏi. Một người bị đóng đinh là một người yếu đuối. Anh ta là một nạn nhân, chứ không phải một người chiến thắng.

Sự yếu đuối của một người đàn ông bị đóng đinh có thể giúp giải thích lý do tại sao nhiều người khước từ Chúa Giê-su Christ. Có thể họ đã nghe Ngài giảng. Họ biết rằng chỗ nào đó trong Kinh Thánh có viết về tiểu sử của Ngài. Nhưng điều đó dường như không quan trọng. Có gì hay ho về một người đàn ông bị treo trên cây thập giá?

CÂY THẬP TỰ CŨ KỸ, RỒ DẠI

Cơ Đốc nhân tin rằng việc Chúa Giê-su chịu đóng đinh cùng với sự phục sinh của Ngài là sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại. Đối với họ, thập tự giá của Đấng Christ là nguồn hy vọng và an ủi. Tuy nhiên, chính cây thập tự rất thu hút những người theo Đấng Christ ấy lại ngăn trở những người khác đến với Ngài.

Điều này đúng từ thời Đấng Christ còn trên đất. Những người Do Thái tìm kiếm điều siêu nhiên. Dưới thời La Mã chiếm đóng, chính quyền La Mã kiểm soát cả kinh tế cũng như định đoạt số phận người Do Thái. Vì thế người Do Thái “đòi hỏi dấu lạ” (1Cô-rinh-tô 1:22). Họ trông mong Chúa cử một vua đến để giải phóng họ khỏi sự đàn áp của người La Mã. Họ tìm kiếm một sự giải phóng siêu nhiên bởi một chiến binh mạnh mẽ. Họ sẽ không tin Chúa Giê-su trừ khi Ngài tỏ cho họ một dấu lạ.

Người Hy Lạp thì tìm kiếm bằng chứng kiểu khác. Họ là những người trí thức trong thế giới cổ đại. Họ chỉ dành thì giờ để nói về “điều mới lạ” mà thôi (Công vụ 17:21). Khi nói đến tôn giáo, họ là những người duy lý. Họ sẽ không tin rằng Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế nếu không có ai chứng minh điều đó cho họ trên cơ sở bằng chứng hợp lý. “Người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan” (1Cô-rinh-tô 1:22).

Những quan điểm này giải thích tại sao người Do Thái và người Hy Lạp đều không mấy hứng thú về Chúa Giê-su Christ. Ngài chỉ là một người bị treo trên thập tự giá. Đấng Christ chịu đóng đinh là một sự ngăn trở đối với người Do Thái. Kinh Thánh gọi sự đóng đinh là một “cớ vấp phạm” (câu 23) ngăn cản nhiều người Do Thái đến với sự cứu rỗi. Có gì diệu kì về một người bị hành hình như một tội phạm thông thường? Thập tự giá là một chướng ngại đối với người Do Thái vì nó yếu đuối.

Đối với người Hy Lạp, thập tự giá thậm chí còn không được xem là một vật cản trở bởi vì họ cho nó là một sự rồ dại. Sự khôn ngoan ở đâu khi chết một cái chết bị Đức Chúa Trời ruồng bỏ? Làm thế nào huyết của một người có thể chuộc tất cả tội lỗi của toàn nhân loại? Thập tự giá đã không gây được ấn tượng cho người Hy Lạp vì nó không hấp dẫn được trí tuệ siêu việt của họ. Vì thế, Đấng Christ chịu đóng đinh là một “sự điên rồ đối với dân ngoại” (câu 23) và là một “chướng ngại” cho người Do Thái.

Thập tự giá của Đấng Christ vẫn còn là một trở ngại đối với con người thời nay. Nhiều người có đạo ngày nay vẫn đang trông đợi đúng những gì mà những người sống trong thời Chúa Giê-su đã trông đợi. Nếu Đức Chúa Trời chưa bày tỏ cho họ thêm phép lạ hay đưa ra thêm bằng chứng thì họ sẽ không tin vào Chúa Giê-su.

Giống như những người Do Thái thời cổ đại, nhiều người đang chờ một điềm siêu nhiên. Điều này giải thích tại sao những thầy bói được người ta ưa chuộng. Chỉ cần trả họ một ít tiền, họ sẽ tiết lộ những điều tương lai hoặc biểu diễn một phép lạ nào đó. Khi nghe đến đạo Cơ Đốc, một số người đòi hỏi phải thấy phép lạ rồi mới tin vào Chúa Giê-su Christ. Họ nói: “Chỉ khi nào Chúa từ trên thiên đàng xuống đây và tỏ cho tôi thấy thì tôi mới tin.”

Những người tìm kiếm phép lạ cũng giống như cậu bé trong một truyện ngắn của John Updike tựa là Pigeon Feathers (Những chiếc lông bồ câu): “Mặc dù thử nghiệm đó làm cho cậu sợ hãi, nhưng cậu vẫn giơ hai tay mình lên trong bóng đêm phía trên mặt mình và nài xin Chúa chạm đến chúng. Với hy vọng: chỉ cần một lần được cảm thấy Chúa trong đời.” Cuối cùng Chúa cũng đụng chạm cậu bé nhưng không phải bằng đôi tay thể xác.

Những người khác tìm kiếm sự khôn ngoan. Không nhiều, nhưng chí ít cũng có một số người như vậy. Họ học đại học. Họ học triết học. Họ đọc về những tiến bộ khoa học mới nhất của loài người. Còn đối với vấn đề tôn giáo, họ muốn Chúa trả lời tất cả những câu hỏi của họ. Họ khước từ tin vào Chúa Giê-su Christ trừ khi ai đó có thể giải gỡ những bí ẩn về tự nhiên, hoặc giải quyết thắc mắc về ý chí tự do của con người, hoặc đưa ra chứng cớ vật lý về sự tồn tại của linh hồn cho họ thấy. Họ cũng giống như triết gia Bertrand Russell (1872-1970), người đã từng chia sẻ với phóng viên về điều mà ông ta sẽ nói với Chúa nếu đột nhiên một ngày ông ta thấy mình trên thiên đàng và tận mắt gặp Chúa: “Thưa ngài, tại sao ngài đã không trao cho tôi bằng chứng tốt hơn?”

Thế gian vẫn đang tìm kiếm bằng chứng lý trí hoặc phép lạ. Nhưng tất cả những gì Niềm tin Cơ Đốc cung cấp là một con người – Đức Chúa Trời chết trên cây thập tự. Sự đóng đinh thậm chí còn không phải là mục tiêu mong đợi của những người hậu hiện đại. Nếu Chúa muốn thực hiện phép lạ nào khác hay cung cấp bằng chứng nào khác thì chắc hẳn thế gian sẽ chú ý. Nhưng cho đến khi đó, cây thập tự cũ kỹ rồ dại vẫn là một sự ngăn trở đức tin.

PHILIP GRAHAM RYKEN

(Còn nữa)   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn