Thứ Năm , 2 Tháng Năm 2024
Home / Trang Chủ / HOA XUÂN NỞ MUỘN

HOA XUÂN NỞ MUỘN

Báo Xuân ĐINH DẬU 2017
HOA XUÂN NỞ MUỘN
Lý Khoa Văn

images-2

Đêm mùng 2 Tết. Dường như đã khuya lắm rồi. Ngoài đường vắng tiếng xe cộ và người qua lại, mà Ông Tân vẫn chưa ngủ được. Ông nằm yên lặng để theo dõi từng hơi thở yếu ớt, rời rạc và thỉnh thoảng lại thêm tiếng thở dài phiền muộn của người bạn đời đang nằm cạnh ông. Hình như bà cũng có mối trăn trở lo lắng như ông vậy. Thỉnh thoảng, ông nhướng người lên để thử nghe có tiếng xe ngừng trong sân, và tiếng chìa khóa lách cách mở cửa của con ông không?…
Đã mấy tháng nay, đứa con trai cưng chiều, yêu quý của ông bà bỗng nhiên thay đổi hẳn tính nết và nếp sống hiếu thảo, mẫu mực vốn có từ lâu trong gia đình. Nó thường bỏ học đi rong chơi, đêm thường về nhà rất muộn, có khi lại ngủ hẳn ở nhà bạn bè. Ông bà tìm mọi cách dò hỏi, khuyên răn thì nó chỉ im lặng, tìm cách lánh xa họ.
Đợi cho hơi thở của Bà sâu lắng, đều đặn, Ông mới rón rén ngồi dậy, bước ra ngoài và đến ngồi bên chiếc bàn học kê gần cửa sổ. Ngoài trời tối đen. Thỉnh thoảng một vài tia chớp ngoằn ngoèo xé rách màn đêm, như muốn báo trước một cơn giông có thể kéo đến bất cứ lúc nào. Vậy mà con Ông vẫn chưa về. Ông ôm đầu suy nghĩ miên man…Những kỷ niệm buồn, đắng cay tủi nhục của một thời gian khổ đã qua, chợt hiện đến như một đoạn phim quay chậm, khiến ông bị xúc động mạnh. Ông vội vớ lấy tập giấy trên bàn và cặm cụi viết…viết như tuông chảy hết những điều từ lâu Ông muốn nói với con, mà chưa nói được:
– Con ơi, bây giờ con đang bình yên sống ở Hoa Kỳ, một đất nước mà sự bình đẳng, nhân quyền, tự do được đề cao và tôn trọng. Bình đẳng trên mọi lãnh vực. Và sự bình đẳng này đã âm hưởng sâu rộng đến nhiều nơi trên thế giới. Bởi vậy, một đứa bé mới sáu tuổi đời ( cái tuổi rất ngây thơ trong trắng và thuần phục cha mẹ) khi từ Việt Nam vừa đặt chân xuống phi trường Portland và trên chuyến xe đi về nơi ở mới, em đã nhìn thẳng vào mặt người mẹ đang vòng tay ôm mình, rồi đắc ý nói:
– “Bây giờ mà mẹ còn đánh con nữa, con sẽ gọi cảnh sát bắt mẹ đó.”
Ba cảm thấy một nỗi buồn bỗng xâm chiếm lòng mình và lo nghĩ đến ngày mai, khi những đứa bé như thế này lớn lên trong một môi trường mà mọi giá trị vật chất được nâng lên hàng đầu, và giao tiếp với phần lớn bạn bè quen với cuộc sống tự do phóng túng, thì thử hỏi nó có còn là một người con đúng nghĩa trong gia đình của người Việt Nam hay không? Hay chỉ là hình ảnh của một người Mỹ tóc đen trong một gia đình có nề nếp Á Đông? Hay khi một đứa con trong một cơn cãi vã với người Cha, đã vênh váo thọc hai tay vào túi quần, đứng hiên ngang trước mặt Cha mình và đốp chát lại bằng một câu rất Mỹ:
– “I don’t care”
Người Cha bỗng lặng người đi trong sự kinh ngạc và thất vọng… Ba bàng hoàng nhận thấy nền tảng phụ quyền trong luân lý Việt Nam được hình thành và tôn trọng qua bốn nghìn năm văn hiến, đang bị lung lay và trở nên lỗi thời trên đất nước mới mẻ nầy. Con thì chắc không như vậy. Ba dám khẳng định về điều ấy. Nhưng có những biến chuyển mới đáng ngạc nhiên trong tâm tính và cử chỉ của con, khiến ba mẹ chạnh lòng lo nghĩ. Gần đây, con hay tỏ ra tự phụ về những việc làm của mình và hay làm ngơ trước những lời khuyên răn dạy bảo của Cha mẹ. Con chỉ làm theo những gì con ưa thích, chẳng cần biết việc đó có làm Cha mẹ lo lắng hơn không? Và dần dà mối liên hệ với gia đình, sự ràng buộc tình cảm với Cha mẹ, anh chị em trong lòng con ngày một nhẹ đi. Phải chăng nếp sống vị kỷ, sự tương giao có tính toán sòng phẳng trong xã hội văn minh vật chất ở xứ người, đã sớm xâm chiếm một phần lớn trong tâm hồn Á Đông còn non kém của con.
Xã hội Mỹ vốn nặng về văn minh vật chất nên xem thường những giá trị về tinh thần, không mấy chú trọng đến những tình cảm thiêng liêng, những ràng buộc sâu đậm trong mối thâm tình ruột thịt như người Á Đông. Tuy vậy, người Mỹ vẫn duy trì được một tập tục vô cùng tốt đẹp, và đáng kính nể hơn mọi biểu lộ về sự tôn trọng luân lý của nhiều dân tộc khác. Đó là hằng năm, họ dành hai ngày (đã được ghi vào niên lịch quốc gia) để vinh danh công ơn sâu nặng của người Cha và người Mẹ. Đây là một dịp để nhắc nhở cho những người con tạm ngưng với công việc bận rộn hằng ngày để nhớ đến công ơn Cha mẹ mình, để hồi tưởng lại những hy sinh to lớn, những khó khăn vất vả,những tình cảm sâu đậm không gì so sánh được mà Cha mẹ đã dành cho mình, nhất là người mẹ.
Con ơi, chắc con không hề để ý đến hình ảnh một người mẹ cưu mang một bào thai chín tháng mười ngày, với biết bao nhiêu là mệt mỏi nặng nhọc, đi đứng khó khăn, chưa kể đến những nỗi khốn khổ ê chề mà thai nhi đã hành hạ người thai phụ đến đứng ngồi không yên từng phút, từng giây. Rồi đến khi lâm bồn, người mẹ lại phải chịu đựng sự đau đớn tột cùng của thể xác để trả giá cho sự chào đời của một đứa con.
Tuy vậy, vẫn chưa hết đâu con. Chưa kịp tắt nụ cười mãn nguyện khi nhìn thấy đứa con yêu dấu, tác phẩm kỳ diệu của mình được lành lặn, đầy đủ từng chi tiết nhỏ trên thân thể nhỏ bé đáng yêu đó, người mẹ còn tiếp tục đón nhận lấy những khó nhọc, lo lắng, vất vả triền miên mà đứa con đã vô tư trao phó trong suốt cuộc đời của mẹ. Cho đến một ngày mà hơi thở của mẹ ngưng lại, thì quả tim từ ái của mẹ mới không còn tính năng sinh tồn để yêu thương, lo lắng, ấp ủ hình bóng thân yêu của con mình.
Bây giờ, con đang sống tự do ở một đất nước mà quyền con người được tôn trọng, vật chất, thức ăn dư thừa nửa ăn, nửa đổ…Không ai có thể ngăn cản con hưởng thụ tùy theo khả năng của mình có được. Nhưng con đâu có biết rằng ở độ tuổi của con, Ba và hàng hàng lớp lớp thanh niên khác đang ngồi ở ghế học đường với mộng ước tương lai rực rỡ, đầy hứa hẹn trên con đường học vấn…thì phải vội vàng xếp bút nghiên theo việc binh đao, chấp hành lệnh gọi Tổng động viên lên đường nhập ngũ, để nhận lãnh sứ mạng hành quân diệt thù cứu nước, bảo vệ quê hương.
Sau hơn 9 tháng miệt mài gian khổ nơi quân trường, và sau đêm dự Lễ Tuyên Thệ mãn khóa 24/SQTB/TĐ, Ba cùng một số bạn đồng môn tình nguyện chọn Binh chủng LỰC LƯỢNG ĐẶC BIỆT (GREEN BERET) để thử thách lòng can đảm, sức chịu đựng gian khổ và óc phiêu lưu mạo hiểm của mình. Các chiến hữu đương thời phong tặng những người đảm nhận công tác đặc biệt nầy là :”Những bóng ma của đường mòn Hồ Chí Minh”.

Thật vậy, lúc ra đi thì âm thầm, khi trở về thì lặng lẽ và thường thì…một đi không trở lại…
Làm sao mà kể hết cho con biết những nỗi hiểm nguy, gian khổ chết chóc và lắm khi phải bỏ thây ở lại chiến địa, không mang về để chôn cất được. Vì mỗi lần xuất quân, mỗi toán chỉ có 5 hoặc 7 người trong vùng hoạt động mênh mông rừng sâu núi thẳm…Nên, nếu bị địch phát giác bao vây, hoặc sắp bị bắt sống, bị thương nặng…thì chỉ có một con đường lựa chọn là tự sát! Để rồi:
“ Dòng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông.”
Ai chiến đấu mà không mong chiếng thắng để được thăng quan tiến chức, để tên tuổi, hình ảnh mình được vinh danh trên báo chí. Nhưng, dù có thịt nát xương tan thì Ba và đồng đội cũng chỉ là những ANH HÙNG VÔ DANH:
“Họ là những Anh hùng không tên tuổi

Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.”

Việc đầu tiên trong con đường binh nghiệp là Ba phải trải qua các khóa huấn luyện rừng núi lình lầy, mưu sinh thoát hiểm và nhảy dù. Về Rừng Núi Sình Lầy, thì khóa sinh phải dầm mình ở dưới thung lũng bùn lầy một tuần lễ. Sình lầy và nước phèn chua lúc nào cũng ngập tới bụng, ngực. Ăn ngủ, di chuyển, vệ sinh cá nhân cũng ở dưới đó thôi. Phải chịu đựng dai dẳng với cái lạnh có gai cứ châm chích vào da thịt tê buốt tới tận xương tủy…Thỉnh thoảng cũng giật mình hoảng hốt khi có những sinh vật sinh sống ở dưới sình lầy, hoặc rắn nước chui vào ống quần, ngực áo quậy phá…
Sau tuần lễ sình lầy, đến 2 tuần lễ học Mưu Sinh Thoát Hiểm. Từng toán nhỏ được máy bay trực thăng thả vào một khu rừng núi rậm rạp mà không được cấp phát lương thực mang theo. Chỉ có súng cá nhân, lều võng ngủ đêm, đèn bấm, dao rừng, xẻng cuốc…Học viên phải tự mình đi kiếm thức ăn và nước uống lấy. Phải biết áp dụng mớ lý thuyết đã được trang bị từ trước khi đi, để biết chắc là loại hoa quả nào có thể ăn được không bị ngộ độc. Loại rễ củ hoặc rễ chùm nào có thể ăn, hoặc chặt ra lấy nước uống được. Hang nào là hang của rắn thường, rắn độc hoặc là hang của chuột rừng…Mỗi bước đi đều phải âm thầm lặng lẽ, cảnh giác cao độ để tránh khỏi bị thú dữ tấn công hoặc bị địch phát giác, theo dõi rồi tấn công bất ngờ…

dai2
Đêm xuống…Rừng già thật đáng sợ! Từng mùa thu qua…Mùa thu qua hàng thiên niên kỷ. Cây rừng trút lá vàng, chồng chất lên nhau mục rã thành một tấm nệm lân tinh khổng lồ. Nên mỗi khi dừng quân, mắc võng ngủ trong rừng, có cảm giác như mình đang lạc loài chới với trên một dãi ngân hà bạt ngàn tinh tú lấp lánh, và cảm thấy thân phận con người quá bé nhỏ chơi vơi trên ngoại từng không gian mênh mông vô tận!…

Ngày cuối của cuộc hành quân, đơn vị được lệnh di chuyển đến bên cạnh một con suối lớn, nước chảy xiết cuồn cuộn, không có thân cây lớn làm cầu để vượt qua suối. Một sĩ quan cố vấn Mỹ đi theo đoàn, người cao lớn lực lưỡng. Anh ta đi dọc theo bờ suối để tìm kiếm, cân nhắc địa hình thích hợp. Sau đó, anh ta rút trong ba lô ra một đoạn dây nylong dài, một đầu có cột sẵn vào một cái móc sắt hình 3 chĩa cong như chiếc neo tàu.
Dùng hết sức mình, anh ta quay tròn cái móc sắt nhiều vòng rồi buông tay… Chiếc móc mang một đầu dây, phóng mình bay vút qua bên kia bờ suối và quấn chặc vào một cành cây cao.
Rồi lần lượt từng người bám vào đầu dây còn ở bên nầy, đu qua bên kia bờ suối, xong thẩy đầu dây lại cho người kế tiếp phóng qua cho đến người cuối cùng. Xong, tất cả di chuyển đến điểm hẹn để chờ máy bay trực thăng đến bốc về trại.
Chưa hết gian khổ đâu con, còn phải qua khóa Nhảy Dù hơn một tháng nữa. Mỗi buổi sáng từ lúc 5 giờ, tất cả khóa sinh phải mang trên vai một chiêc ba lô nặng hơn 15kg chạy hơn 10 cây số để rèn luyện sức khỏe và sự chịu đựng dẻo dai, sau đó mới trở về ăn sáng rồi đến lớp học lý thuyết. Rồi phải học nhảy chuồng cu, đi dây tử thần…Bài học này nhằm giúp cho học viên biết cách đứng hoặc té lộn nhào an toàn, không bị gãy xương lưng, xương chân khi cánh dù rũ xuống, không còn nâng đỡ sức nặng cơ thể của mình được nữa, vì chân của mình đã chạm mạnh xuống mặt đất.

Khóa huấn luyện Biệt Kích Nhảy Dù của Ba được lệnh nhảy biểu diễn ở một thành phố miền biển cùng với một đơn vị bạn, trước khi làm Lễ Mãn Khóa. Từ lúc còn tờ mờ sáng, tất cả đã có mặt đầy đủ ở phi trường để chờ máy bay đến bốc đi. Hôm nay là ngày ra mắt đầu tiên với công chúng, nên Ba có phần lo lắng và hồi hộp lạ thường. Lúc đầu, cả 10 đội đều xếp hàng dài đứng chờ, nhưng sau chịu không nỗi dưới sức nặng của 2 cây dù lưng và dù bụng đeo trên mình, nên mọi người phải đỡ nhau lần lượt ngồi bệt xuống đất. Trông người nào cũng có vẻ nặng nhọc như một phụ nữ có bầu đến tháng cuối.
Giây phút chờ đợi sao mà lâu thế! Nhưng rồi việc phải đến đã đến. Từ trong các Hangar ở phía bên kia phi đạo, mười chiếc Dakota lần lượt nối đuôi nhau tiến vào bãi đậu. Tiếng động cơ gầm rú, tiếng chong chóng rít lên từng hồi, phà những luồng khí nóng hăng hắc xoáy tròn vào mặt mọi người. Người Monitor trưởng đưa tay ra hiệu, tất cả cố níu kéo nhau đứng dậy. Và lần lượt nối đuôi nhau leo lên cửa máy bay. Một người lính khỏe mạnh đứng sẵn bên cầu thang để phụ đỡ từng thành viên một. Mỗi đội được chia thành hai ê-kíp nhảy, ngồi ra hai bên thành máy bay. Mười chiếc Dakota như những con cá mập trườn mình ra sắp hàng dài ở đầu đường băng. Từng chiếc một đứng gào rú, rung chuyển một hồi để lấy trớn, rồi được nhả thắng, phóng đi như một mũi tên và cất mình bay lên không trung. Cảnh vật bên dưới mờ dần rồi mất hẳn khi máy bay chui vào một vùng mây trắng nỏn nà xốp như bông gòn.
Ba mươi phút sau, máy bay bắt đầu hạ thấp độ cao. Qua khung kính của máy bay, Ba thấy rõ thành phố trải dài bên cạnh bờ biển cát trắng tinh, với những ngọn sóng nhỏ bạc đầu lao xao trên mặt đại dương xanh ngắt. Người Monitor đứng dậy, ra hiệu đã đến bãi thả. Ba hồi hộp nhìn xuống bên dưới. Giữa vòng tròn người và xe cộ vây quanh bãi cát, những tấm Pano màu cánh sen được trải dài theo hình chữ T. Một làn khói màu tím cuồn cuộn bốc lên trời từ quả đạn khói K18 Smoke để phi công biết hướng gió mà ước lượng khoảng cách và hướng thả…
Sau 2 vòng lượn tròn trên thành phố, mọi người được lệnh đứng dậy, móc dây soar tự động mở dù vào dây cable căng dọc theo thân máy bay và sẵn sàng trong tư thế nhảy. Người mang số 1 đứng vịn hai tay vào khung cửa máy bay, đầu ló ra ngoài nhìn xuống dưới đất để chờ lệnh. Đèn xanh ở đuôi máy bay chuyển qua màu đỏ. Một hồi chuông vang lên. Tiếp theo là một tiếng hô ”Go” sắc lạnh của người Monitor. Người đầu tiên phóng mình ra ngoài. Những người trong toán I khẩn cấp nối đuôi nhảy theo, và đếm…331…332…333…tiếng đếm bị nghẹn lại khi cánh dù mở, giật ngược con người lên. Những cánh dù mở rộng, lấp lánh trong ánh nắng ban mai rực rỡ của thành phố vùng biển cả…(Đếm đến 334…335…mà dù lưng vẫn chưa mở, thì phải giật dù bụng mà xuống. Nếu không sẽ quá trễ !!!…)

images
Chiếc máy bay vòng lại một tua nữa để toán II của Ba có đủ thì giờ chuẩn bị đội hình nhảy tiếp. Những tiếng “go”…”go”…”go”, tiếp tục vang lên, tiếng dây cable rung lên bần bật…Nhưng, bỗng người Monitor nhoài mình ra ngoài, dang hai tay bít kín cửa máy bay lại và thẳng chân đá văng Ba dội ngược vào bên trong thân tàu. Ba ngạc nhiên chẳng hiểu gì cả! Anh ta lấy tay chỉ vào sau đuôi máy bay : một chỏm dù màu rêu bị móc vào cánh sau và một thân người bị kéo lê chới với bên dưới. (Vì lý do kỹ thuật, dù lưng của anh ta bị bung sớm và vướng vào đuôi máy bay).
Sau gần tiếng đồng hồ quần thảo, lượn quanh trên thành phố với đủ các tư thế để hy vọng múi dù được sút ra khỏi cánh máy bay, nhưng vô hiệu! Phi hành đoàn và tất cả khóa sinh đều sợ tái cả người. Phần lo tính mệnh của người đồng đội, phần lo nếu cuối cùng máy bay bị bắt buộc phải hạ cánh vì thiếu nhiên liệu …chắc chắn sẽ xảy ra tai nạn chết người thảm khốc!
Sau mấy phút suy tính căng thẳng tột độ, người Monitor tháo chiếc dù điều khiển màu xanh, đỏ của anh ta móc sẵn ở thân tàu mặc vào cho mình, mang thêm chiếc thắt lưng rộng bản có con dao lê lủng lẳng bên cạnh đùi. Lấy một đoạn dây soar dài, một đầu cột quanh bụng và đầu kia cột vào khoen khung cửa máy bay. Thảo luận chớp nhoáng với phi hành đoàn xong, anh ta ra hiệu phi công cho máy bay cất đầu lên với góc độ 450. Ước lượng khoảng cách xong, anh ta phóng mình dọc theo đuôi máy bay…
– Dính !…
Tất cả reo lên mừng rỡ khi thấy anh ta bám được vào cánh dù đuôi nheo đang bay phần phật trong cơn gió xoáy quay cuồng. Anh ra hiệu cắt dây dù, người bị nạn gật đầu hiểu ý. Một thân hình lao xuống đất. Một cánh dù bụng trắng toát bung ra. Người bị nạn nhẹ nhàng đáp xuống đất.
Lại một bóng người nữa lao xuống. Người Monitor cứ lăn tròn…lăn tròn…lăn tròn mãi mà khống thấy có cánh dù nào bung ra cả !!! …
– “Nghiêm !”
Tất cả được lệnh đứng nghiêm, lặng người trên máy bay để chào vĩnh biệt một người thầy, một người bạn vô cùng cao cả kính yêu vừa mới tan xác ở một nơi nào đó trên thành phố vùng biển cả, vì đã âm thầm chấp nhận một giải pháp quá ư nghiệt ngã…nhưng không thể làm khác được.
Sau nầy, Ba được biết anh ta tử nạn vì một đoạn dây soar cắt rời khỏi thân tàu còn vướng lại trên người anh, và vì gió thổi mạnh bị quấn chặt vào phần tay nắm mở dù điều khiển, nên anh loay hoay mãi vẫn không giật được tay nắm mở dù, mà thời gian rơi thì…quá ngắn ngủi!
Con ơi, ba phải kể một phần nào những nỗi đắng cay, gian khổ trong quãng đời lính chiến của Ba để con tự hào, hãnh diện về những công lao đóng góp quá to lớn, những hy sinh vô bờ bến mà tất cả các chiến sĩ QLVNCH và gia đình đã ngang nhiên chấp nhận, để thế hệ của các con thừa hưởng, có được như trong ngày hôm nay. Đắng cay, gian khổ, tủi nhục đã nhiều, nhưng nỗi buồn đau tiếc nhớ vẫn không ít đối với gia đình mình đâu con!.. Như ngày ba mới đi cải tạo về, thì mẹ con đã thân cò lặn lội một nắng hai sương, thắt lưng buộc bụng để mua được một miếng đất nhỏ, cất lên một căn chòi với một nửa mái: mái trước lợp tôn, mái sau bỏ trống vì thiếu tiền. Tuy vậy, mấy mẹ con vẫn được trải qua chuỗi ngày tháng thật thú vị: những đêm trời quang tạnh thì mấy mẹ con nằm trên tấm phản gỗ, ngước mắt nhìn lên nửa mái trống để nghe tiếng gió hú và ngắm cảnh trăng sao… Những ngày mưa gió não nùng thì mẹ con ôm nhau ngồi co ro trên tấm ván, đội tấm bạt nylong lớn để tránh mưa và chờ sáng!!!…
Sau ngày Ba đi cải tạo về, thì ba má hợp lực với nhau, cố gắng lao động để có tiền lợp tiếp mái thứ hai. Và cũng bắt đầu từ đó, gia đình mình có được những tháng ngày tuy vẫn nghèo khó, nhưng vui vẻ hạnh phúc, ấm cúng… Cho đến một ngày gia đình mình đã hoàn tất được hồ sơ xin tái định cư ở Mỹ theo diện HO, và chờ đợi phỏng vấn để lên đường. Đêm mồng hai Tết năm đó, người em trai bạn dì ở nhà bên cạnh, lấy xe Honda chở anh con ra quốc lộ 1 để thăm từ giã vài gia đình ở khu xóm dưới. Lúc đó, Ba đang ngồi nói chuyện với vài người khách đến chúc mừng năm mới, và cũng vừa kịp nhìn thấy chiếc Honda 67 mang hai anh em phóng ra khỏi nhà.
Mười phút sau, … có vài người hoảng hốt chạy vào báo tin hai anh em đã tử nạn ở ngoài quốc lộ 1 vì hai chiếc xe Honda xuôi, ngược đã tông mạnh vào nhau!!!… Mẹ con té xỉu xuống đất. Còn Ba thì như cái xác không hồn tất tưởi chạy theo người báo tin… Giữa dòng người vây quanh, Ba nhìn thấy người em trai nằm sấp chết tại chỗ, và anh con thì đang còn thoi thóp. Ba thuê một chiếc xe chở gấp anh con lên bệnh viện Huyện rồi Bệnh Viện Tỉnh… nhưng chỗ nào cũng từ chối vì vết thương quá nặng không cứu chửa được… Cuối cùng đến Bệnh Viện Chợ Rẫy thì cũng vừa lúc anh con trút hơi thở cuối cùng vào lúc 12 giờ khuya cùng ngày. Ba sụp đổ xuống trên chiếc xe băng ca chở con mình vào nhà xác! Đến đây, họ làm hô hấp nhân tạo cho Ba tỉnh dậy và yêu cầu rời khỏi nơi nầy !!!…
Đêm mồng 2 Tết! Nhà thì xa, lại “tứ cố vô thân”, chẳng biết đi về đâu… Ba đành ngồi dựa lưng vào cánh cửa sắt của Nhà-Vĩnh-Biệt, ở riêng một góc tối của bệnh viện để chờ trời sáng… Con cứ tưởng tượng ở sát bên trong cánh cửa sắt đóng kín là thân xác cứng lạnh của anh con…còn bên ngoài cánh cửa sắt là hình hài của Ba đang hóa đá! Tâm hồn Ba dường như đã chết lịm. Ba thẩn thờ ngước mắt nhìn lên bầu trời lạnh giá, và những vì sao nhấp nháy như những đôi mắt ướt u buồn nhỏ lệ…Thỉnh thoảng một vài tràng pháo đón xuân rời rạc muộn màng như muốn xé rách con tim của Ba ra từng mảnh vụn. Sáng sớm, anh rễ của con từ nhà lên Bệnh viện, cùng với Ba liên lạc Ban chung sự của Bệnh viện để lo việc tẩm liệm và chở quan tài về nhà. Ngồi trên xe tang, gục đầu trên thân xác của con mình mà Ba chỉ lo nghĩ đến sự an nguy của Mẹ con. Ba tưởng tượng Mẹ con có thể điên lên được, có thể sụp đổ không gượng dậy nỗi về niềm đau bất chợt quá lớn nầy. Vì anh con là đứa con mà Mẹ con thương yêu nuông chiều nhiều nhất. Mỗi buổi chiểu, dù có bận rộn việc gì thì Mẹ con cũng bỏ hết, ra đứng đợi anh con đi học về ở ngoài đầu đường. Và khi thấy anh con xuất hiện trên chiếc xe đạp cùng với các bạn học khác, thì Mẹ con mới yên chí về nhà để tiếp tục công việc. Nay bất ngờ anh con đã ra đi và không trở lại nữa… thì mẹ con sẽ ra sao đây hở con?!
Vừa về đến nhà thì Ba vội chạy xuống bếp để tìm Mẹ con. Ba sững sờ nhìn thấy Mẹ con ngồi bó gối ở dưới đất, đầu tóc rũ rượi che kín cả khuôn mặt tái xanh. Ba quỳ xuống, vén mái tóc rối bời của Mẹ con, nắm hai bàn tay khô cứng của Mẹ con và hỏi tới tấp :
– Em có sao không ?… Có sao không ?…
Thật lâu, Mẹ con mới ngước đôi mắt u buồn lên nhìn Ba rồi thì thào:
– Con đã về chưa anh ?… Anh yên chí, em vẫn gượng được, chưa đến nỗi phải sụp đổ hoàn toàn, vì em nhớ lời Chúa dạy đời này là cõi tạm. Của phù du, thân cát bụi lại trở về với cõi hư không cát bụi. Bây giờ, Chúa gọi con mình về trước và sau này mình sẽ gặp lại con ở cõi vinh hiển. Suốt đêm qua em đã khẩn thiết cầu nguyện, giao phó niềm đau cho Chúa. Chúa đã an ủi em thật nhiều và cất khỏi em niềm đau tuyệt vọng mà mới đầu, em tưởng là em không đủ sức để vượt qua nỗi! Điều mà em muốn biết là bây giờ anh có sao không ?…Có đói bụng lắm không ?…
Ba vội quỳ xuống lần nữa bên cạnh Mẹ con và nói lời khẩn thiết:
– Cám ơn Chúa…cám ơn Chúa đã an ủi và xoa dịu bớt niềm đau tuyệt vọng trong tâm hồn của vợ con…
Đó là lời cảm tạ chân tình, thành kính mà lần đầu tiên, kể từ khi cưới Mẹ con, Ba mới trải lòng mình ra với Chúa. Vì bao nhiêu năm tháng qua, Ba chưa hề tin Chúa thật sự. Ba chỉ đi nhà thờ cho có lệ và để làm vui lòng Mẹ con thôi.
Ba đỡ Mẹ con dậy, để cùng ra ngoài nhà thăm anh con. Ba luôn theo dõi ánh mắt, gương mặt của Mẹ con để đề phòng một sự sụp đổ bất ngờ vì quá xúc động. Ba cảm nhận có vài dấu hiệu biến chuyển giống như sự thay đổi đột về thời tiết trong bầu trời tâm hồn của Mẹ con, nhưng không báo trước một cơn giông bão sắp xảy đến. Cám ơn Chúa. Mẹ con vuốt nhẹ lên nắp quan tài và nói nhỏ với anh con:
– Con hãy đi trước bình an phước hạnh, hãy nương cánh vĩnh sinh về nước Chúa… Mẹ không buồn con đâu!…
Ba đứng lặng người, nhìn sự bình tĩnh của Mẹ con mà không ngớt cám ơn sự biến hóa kỳ diệu của Chúa trong lòng Mẹ con. Suốt đêm mùng 3 Tết, hai chiếc quan tài lặng lẽ nằm bên cạnh nhau trong một không gian yên tĩnh, không có nhang khói và tiếng kêu gào khóc than như người đời vẫn làm… Vì tất cả người thân yêu đều là con cái của Chúa và hết lòng vâng phục ý Chúa.
Sáng mồng 4 Tết, hai chiếc quan tài với hai tấm di ảnh tươi cười của hai thanh niên tuổi vừa mới đôi mươi, được đặt trên 2 chiếc xe máy xới, nối đuôi nhau chạy trên quốc lộ 1 để tiến về hướng nghĩa địa. Sau khi Mục Sư cầu nguyện, hát thánh ca xong, những nắm đất mới lần lượt lấp đầy phần mộ của hai người con nằm cạnh bên nhau, thì Mẹ và dì ruột của con mới sụm xuống như hai cành cây bị gãy đổ, vì ngoài sức chịu đựng về mức khổ đau, thương tiếc quá lớn nầy.
Mấy ngày sau, cha mẹ người gây ra tai nạn mới đến nhà nhận lỗi, phân ưu và đưa ra một số tiền lớn để bồi thường thiệt hại, tang phí, đồng thời xin miễn thưa kiện, khiếu nại. Nhưng Mẹ và dì ruột con một mực từ chối không nhận tiền. Mẹ con nói:
– Xin ông bà an tâm. Chúng tôi là người có Chúa nên sẵn sàng tha thứ và không làm khổ ai cả. Mặc dù chúng tôi rất nghèo khó, nhưng xin không nhận số tiền này. Ông bà có thể mang về để lo cho con của ông bà đang điều trị ở bệnh viện. Năn nỉ mãi không được, hai người quá xúc động khóc, và cám ơn cáo từ.
Riêng Ba cũng quá xúc động trước nghĩa cử chân tình, cao đẹp, rộng lượng của Mẹ và dì con. Ba thấy Mẹ con vì nhân danh Chúa nên đã có một tâm hồn cao thượng, vị tha đáng trân quí như vậy. Nên từ đó, Ba thật sự quì gối cầu nguyện tin nhận Chúa là Cứu Chúa của đời mình. Mẹ con rất vui mừng, vì bây giờ Ba đã là con cái trung tín của Chúa, là kẻ đồng hành của Mẹ con trong đời sống và đức tin. Đây là ước mơ đã thành sự thật, mà trước đây Mẹ con hằng đêm vẫn cầu nguyện nài xin Chúa thương xót, cảm hóa cứu vớt linh hồn của Ba. Điều mà Ba Mẹ vui hơn nữa là mấy Chúa Nhật sau đó, hiện diện trên hàng ghế cuối của nhà thờ, vẫn có bóng dáng gia đình của người gây ra tai nạn… Họ tìm đến với Chúa vì được cảm kích qua tâm tình cao đẹp của Mẹ và dì con… Cám ơn Chúa. Con ơi, chắc con không thể nào hình dung được ngày con mới ra đời, Ba đang bận trực hành quân ở đơn vị. Được tin vui, Ba vội phóng về Bệnh viện Phụ sản trên chiếc xe Honda 50 phân khối của người bạn. Và vì mãi mê tưởng tượng về con, nên Ba đã không để ý đến một con bò kếch xù đang chuẩn bị băng qua đường. Đến khi Ba chợt nhìn thấy bóng dáng con bò lướt qua trước đầu xe, thì Ba chỉ kịp nhắm mắt để chờ đợi…”Bình”, cả chiếc xe lao vào bụng con bò,… Và Ba không hiểu động lực nào đã hất Ba văng qua khỏi thân hình to tướng của con bò, rồi lộn mấy vòng trên con đường nhựa trong một buổi trưa hè vắng người và xe cộ lưu thông. Hình ảnh mà Ba chợt cảm nhận được là con bò hự lên một tiếng lớn rồi tiếp tục lết qua đường. Còn Ba thì lồm cồm ngồi dậy, ngao ngán nhìn bánh trước của chiếc xe bị cong vòng số 8 mà không hiểu tại sao bản thân Ba lại được an toàn một cách lạ lùng, ngoại trừ hai đầu gối quần bị cày rách tả tơi. Ba chỉ biết cảm tạ ơn Chúa đã quan phòng, che chở cho Ba được tai qua nạn khỏi.
Sau khi giao chiếc xe Honda cho một người lính trong đơn vị, Ba lên xe Jeep của mình đến ngay bệnh viện, và nhìn thấy con thật dễ thương nằm ngủ bên cạnh Mẹ. Còn Mẹ con thì đang tần ngần đếm kỷ từng ngón tay, ngón chân nhỏ xíu của con, xem thử có thừa thiếu ngón nào không.
Rồi Mẹ con mãn nguyện khoe với Ba:
– Anh xem nè, con mình lành lặn và đẹp trai chưa?

images-3
Ba thật sự quên hẳn mọi rủi ro vừa rồi, và cảm thấy vô cùng hạnh phúc với sự xuất hiện của một thành viên mới trong gia đình của mình. Con sống bình yên giữa sự quây quần đùm bọc, thương yêu của Ba mẹ và anh chị em cho đến chưa đầy bốn tháng tuổi, thì biến cố đau thương của đất nước chợt xảy đến. Mẹ con phải một mình đùm bọc con và dẫn dắt mấy anh chị em của con chạy xuống xà lan để được chuyển sang tàu lớn di tản vào Sài Gòn. Con không thể tưởng tượng được cái cảnh hỗn độn của một thời buổi loạn ly. Xà lan thì chật như nem, người ta chen chúc nhau đông như kiến để giành giật nhau một chỗ đứng chật hẹp, khó thở. Cảnh cướp giật, xô đẩy, la hét chửi bới nhau là điều không thể tránh được. Một thân hình yếu đuối như Mẹ con phải chống chọi để bảo vệ con an toàn trên tay, vừa phải che chở, dẫn dắt mấy đứa con thơ dại khác nữa. Phải chịu đựng đói khát, nắng mưa, mấy ngày đêm mới được chuyển qua tàu lớn neo ở ngoài khơi. Vì xà lan quá thấp so với tàu lớn, nên Mẹ con phải chờ khi có một đợt sóng lớn nâng chiếc xà lan lên cao gần bằng chiếc tàu, mới bồng từng đứa một ném qua để nhờ người trên tàu bắt lấy. Đến lượt con, vì phải quấn trong chiếc khăn lông lớn, nên khi người ta chụp được chiếc khăn thì…con suýt bị rơi xuống nước ! Mẹ con thật muốn chết ngất vì đứng tim ! …
Cuộc ra đi vội vàng, tức tưởi và đầy nước mắt của biến cố 1975 nầy, nhiều gia đình phải gánh chịu biết bao là đau thương, tang tóc, mất vợ chồng, con cái. Như gia đình một người bạn của ba mẹ, lúc xuống xà lan thì gồm sáu người, hai vợ chồng và bốn đứa con. Nhưng sau khi sang tàu lớn, do đám đông hổn loạn chen lấn xô đẩy…hai đứa nhỏ vì níu tay nhau nên bị rớt chùm xuống nước ! Người Mẹ điên cuồng gào thét rồi nhảy luôn xuống biển để chết theo với núm ruột không rời của mình. Gương mặt hung tàn của biển cả còn phải cau lại để đón nhận thêm một thiên tình Mẫu tử bi đát nhất của thời đại. Vẫn chưa hết đau khổ đâu con. Lại thêm một đứa con nữa của họ bị mất tích trong khi tàu ghé bỏ bớt người xuống, và bốc thêm người lên ở các bến cảng miền Duyên hải khác. Rồi khi tàu cập bến Sài Gòn, chỉ còn lại hai cha con, với hai chiếc bóng cô đơn thất thểu trên các đường phố thủ đô đang sôi sục vì không khí chiến tranh. Trong cơn dầu sôi lửa bỏng đó, Ba không thể đi cùng để giúp đỡ Mẹ và các con được, vì Ba đang đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng của một đơn vị, nên Ba phải ở lại đến giờ phút cuối cùng, khi thành phố Đà Nẵng thất thủ, Ba mới xuống chuyến tàu sau cùng để vào Nam. Đêm tàu ra khơi, Ba buồn tủi đứng trên boong tàu để nhìn lần cuối bến cảng Đà Nẵng bị đối phương pháo kích tơi bời, trong ánh sáng lòe chớp không ngừng của đủ loại trọng pháo và hỏa tiển xuất phát từ trên các đỉnh núi cao của Đèo Hải Vân. Ba lặng người đi trong niềm đau ly biệt Thành phố thân yêu, ly biệt những Chiến Hữu trong mọi Quân Binh Chủng đã một thời lẫy lừng trong chiến trận, mà nay phải bị bỏ lại một cách oan uổng. Còn Ba, tuy có được chỗ đứng trên tàu, nhưng lại phải ra đi trong tâm trạng hờn đau của một kẻ chiến bại.

images
Cuối cùng thì Ba cũng tìm lại đầy đủ mấy mẹ con. Cảm ơn Chúa, Ba không hiểu nổi năng lực huyền bí nào khiến Mẹ của các con có được sự khôn ngoan tuyệt vời, và dũng cảm phi thường để bảo vệ các con qua khỏi cơn giông tố phủ phàng. Có phải là do sức mạnh vô song của tình thương yêu, và lòng hy sinh vô bờ bến dành cho các con, mà Mẹ đã trở thành hiên ngang như vậy?
Ba không ngờ vượt qua bao nhiêu gian khổ, chết chóc để rồi chúng ta đoàn tụ với nhau trong cảnh nồi da xáo thịt, chia rẻ hận thù của một giai đoạn lịch sử đen tối của đất nước. Những ngày sau đó, Ba và các cựu sĩ quan khác đều phải bị lùa vào Trại lao tù cải tạo tập thể… Nói sao cho hết những buồn đau tủi nhục phải không con!?
Con ơi, sau ngày Ba vào tù thì Mẹ và các con cũng phải đi khai khẩn đất hoang ở vùng “Kinh tế mới”. Mới có bảy tháng tuổi đời, làm sao mà con có thể hiểu được nổi khốn khổ tận cùng, mà mẹ con phải gánh chịu ở vùng đất đầy đọa rừng rậm hoang vu đó. Với một thân hình mảnh mai, nhỏ thó của một nhà mô phạm, với đôi bàn tay búp măng chỉ chuyên cầm viết, với hành trang chỉ gồm một bầy con thơ dại… thì làm sao mà mẹ con có thể khai hoang được một “công” rừng rậm một ngàn mét vuông (10 m x 100 m) gồm những cỏ gai bạt ngàn và thân cây bằng lăng cả một vòng tay ôm không xuể, để lấy đất trồng trọt canh tác. Cuối cùng Mẹ con bỏ cuộc, đành gửi con trong căn chòi lá của bà cụ hàng xóm tốt bụng, và suốt ngày con bò lê la chơi với mấy con gà, con vịt để Mẹ dắt mấy anh chị em con đi xa hàng cây số, tìm mót từng dé lúa người ta gặt còn sót lại trên các nương đầm, ruộng rẫy. Và mỗi buổi chiều trở về nhà, cả nhà mới xúm lại tuốt từng hạt lúa bỏ vào trong chiếc nón sắt, và Mẹ con ngồi giả lọc cọc, cố gom lại từng nắm gạo quí giá hơn cả vàng ngọc, để nấu nồi cháo “đại dương” nuôi sống các con qua ngày.
Đắng cay gian khổ như vậy cho đến một ngày, Mẹ gửi các con ở lại với bà con xóm giềng để lặn lội đi thăm Ba lần đầu tiên ở trong trại cải tạo. Ba thật không thể cầm được nước mắt trước một thân hình quá tiều tụy của mẹ con. Còn đâu nữa bóng dáng trẻ trung đài các, với mái tóc óng mượt, với đôi bàn tay trắng trẻo tuyệt đẹp rất ít khi đụng chạm tới việc rửa chén quét nhà… vậy mà thời gian và sự lao khổ đã tàn phá dung nhan của con người một cách tàn nhẫn. Ba không biết nói thế nào để con hiểu hết được sự xúc động của Ba trước tấm lòng hy sinh vô bờ bến của Mẹ đối với các con. Đó là chuyến thăm nuôi lần đầu và cũng là lần cuối cho đến ngày Ba được thả về. Ba không báo tin những lần thăm nuôi kế tiếp cho Mẹ biết (mặc dù Ba luôn luôn đói khát và thèm ăn đủ mọi thứ) vì Ba không muốn Mẹ chia xớt cho ba phần ăn quá thiếu thốn và kham khổ của các con. Ba cũng tự hứa với lòng mình là trong những tháng năm còn lại của cuộc đời, Ba sẽ dành tất cả tình thương yêu vợ chồng cho Mẹ con, để bù đắp lại một phần nào muôn vàn khó nhọc, và hy sinh lớn lao mà Mẹ đã một mình âm thầm gánh chịu vì sự sống còn của các con. Bây giờ đã qua khỏi bao nhiêu đắng cay giông tố phủ phàng, qua khỏi một thời đạn bom chết chóc, qua khỏi thời kỳ hy sinh xuân sắc vô cùng quí báu của người mẹ, qua khỏi sự trả giá quá đắt một phần đời trong chốn lao tù của người cha… Con mới được vinh dự đặt chân đến đất nước tự do này. Đến vùng đất hứa mà cả hàng trăm triệu người khác, dù có mơ đến hết cuộc đời của mình để được may mắn như con, thì giấc mơ đó cũng khó có thể trở thành sự thật được…

images-4
Vậy mà trong ngày Lễ Mẹ vừa qua, và Tết năm này, trong khi hàng triệu người con sống trên đất nước Hoa Kỳ đã nô nức đi mua hoa, mua quà để dâng Mẹ, gởi về cho Mẹ, để tỏ lòng biết ơn Mẹ đã hy sinh suốt cả cuộc đời cho mình… Thì con lại vô tình đến nỗi chỉ lo nghĩ đến những người dưng xa lạ khác, mà quên hẳn Mẹ đang ở bên cạnh con, và đang trải lòng ra để mong đợi một cử chỉ tỏ lòng biết ơn của con…
Con ơi, con đâu hiểu được rằng Mẹ con sẽ phải âm thầm buồn tủi biết bao nhiêu, khi mỗi năm một lần con bỏ lỡ cơ hội đó qua đi… và cuộc đời của Mẹ thì còn được bao nhiêu cơ hội như thế nữa để con còn có dịp vinh danh mẹ!…
Con ơi, không có tình thương yêu nào tha thiết và vĩnh cửu hơn tình thương yêu của Cha Mẹ. Không có công ơn nào lớn hơn công ơn của Cha Mẹ. Không có tình nào đẹp hơn tình mẫu tử. Không có hy sinh nào rộng lớn, bao la như lòng hy sinh của người mẹ đối với con. Và không có niềm ân hận nào ray rức gậm nhấm tâm tư người con bằng khi biết nghĩ đến công ơn của cha mẹ, thì cha mẹ đã không còn sống trên cõi đời này nữa!… Trong niềm cảm xúc và suy tư chợt đến, Ba đã vắt cạn cả con tim của
mình, để viết lên những dòng tâm huyết này, mong rằng con đọc lấy và suy ngẫm. Cầu xin Chúa đầy lòng nhân từ, thương yêu, dẫn dắt con trở về con đường ngay thẳng, an bình mà con đã từng đi qua… Con yêu quí của Ba Mẹ…
Viết đến đây, Ông thấy trong người quá mệt mỏi rã rời. Ông gục đầu xuống bàn và chìm sâu vào giấc ngủ say nồng của trẻ thơ. Trong cơn mê, ông cảm nhận hình như có người đứng cạnh ông, gỡ nhẹ bàn tay ông ra để lấy tập giấy… rồi có những giọt nước mắt nhỏ xuống và cứ lăn dài trên mái tóc đã bạc màu thời gian của ông.
Ông mở mắt ra, và bàng hoàng xúc động khi thấy người con trai yêu quý của ông bà đang đứng vịn tay vào vai ông mà khóc sụt sùi vì quá hối hận… Người con trai cúi xuống thì thầm bên tai ông:
– Ba ơi! Xin Ba Mẹ tha thứ cho con. Bắt đầu từ bây giờ, con hứa sẽ có nếp sống lành mạnh, không ngừng phấn đấu vươn lên để được xứng đáng và tự hào về công khó, lòng hy sinh vô bờ bến của Ba Mẹ…
Bà cũng vừa thức dậy. Cả nhà mừng rỡ, hạnh phúc vì một niềm vui lớn chợt đến bất ngờ trong ngày đầu năm mới. Và cũng bắt đầu từ bây giờ, Hoa Xuân mới thật sự nở rộ trong căn nhà từ lâu đã vắng tiếng cười đùa, vui vẻ của họ.
Cảm ơn Chúa, Ngài là đấng Thành-Tín, Nhân-lành đã lắng nghe và ban phước trên lời khẩn thiết cầu xin của ông bà.

images-5

Lý Khoa Văn
Phone: (971) 222-8210
Email: [email protected]   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn