Thứ Sáu , 3 Tháng Năm 2024
Home / Trang Chủ / HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG

HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG

quẻ 3

“Mẹ chuẩn bị về quê hương rồi nè!” Vừa nói, mẹ vừa lấy tấm vé máy bay từ trong túi xách ra khoe với cả nhà! Mẹ cầm tấm vé trên tay, mặt mẹ tươi như hoa hồng mới nở trước sân. Tôi thấy mẹ vui hẳn lên nên tôi cũng ngẫu hứng ngân nga mấy câu thơ của Đỗ Trung Quân để tặng mẹ.

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay
Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông…

Nghe xong mấy câu hát, mặt mẹ tôi bỗng dưng biến sắc chuyển nỗi vui thành niềm nhớ! Tôi đành đánh trống lảng với mẹ: “Ủa, giọng con hát nghe ghê lắm hay sao mà thấy mẹ buồn hiu như bánh bao buổi chiều vậy? Mẹ nói: “Con hát làm cho mẹ nhớ quê hương quá! Nhớ từng đồng ruộng, khóm chuối, đường đi, lối về, nhớ  bạn bè, người thân…!” Bé Kha con gái của tôi nghe bà ngoại hay nói “quê hương”, “quê hương” nên lại hỏi tôi: “Mommy! What is quê hương?” Tôi không biết trả lời thế nào cho một đứa trẻ bảy tuổi có thể hiểu được quê hương là gì! Tôi nói: “Quê hương là nơi mình sinh ra, là nơi chôn nhau, cắt rốn. Ví dụ, bà ngoại sinh ra ở Việt Nam thì quê hương của ngoại là Việt Nam.” Bé Kha nói: “Oh! Now I understand. My quê hương is bệnh viện Memorial Hermann!” Sự ngây thơ cộng với cái giọng nghêu ngao ba rọi nửa mỡ, nửa nạc (nửa Việt, nửa Anh) của bé Kha làm cho bà ngoại bật cười tít mắt!

Mẹ tôi dễ buồn mà cũng dễ vui. Hình như tuổi về già mẹ tôi tính tình hơi giống con trẻ một tí! Mẹ tôi năm nay bảy mươi lăm tuổi. Mẹ có năm người con. Mẹ sang Mỹ theo diện H.O.  (Humanitarian Operation) cùng ba tôi và ba người con nhỏ hơn. Còn người con trai lớn và người con gái lớn không sang Mỹ được nên mẹ tôi cứ ba năm, năm năm lại có dịp về Việt Nam một chuyến để thăm quê hương, con cái, cháu nội, cháu ngoại… Ước mơ của mẹ tôi là muốn về Việt Nam dưỡng già. Theo mẹ thì  tuổi già ở Mỹ buồn quá! Con cái tối ngày đi làm hết, mẹ ở nhà muốn đi đâu cũng không biết lái xe, không biết tiếng Anh. Còn ở Việt Nam thì xe ôm, xe xích lô ra đường là có ngay. Nước Việt, người Việt, nói tiếng Việt với nhau thân thiện, dễ hiểu nên mẹ thích về Việt Nam lắm!

Cứ mỗi lần chuẩn bị về thăm quê hương là mẹ tôi mất ăn mất ngủ. Mẹ nhờ ba chở đi mall, đi Walmart, đi chợ Việt Nam, đi chợ trời,  đi cả chợ một đồng nữa. Mẹ tìm mua đồ chơi cho mấy đứa cháu, mua quần Jeans, đồ lót, áo thun, bánh ngọt, hạt dẻ, kẹo chewingum, kẹo socola, dầu gió xanh, dầu cù là, thuốc đau bụng, thuốc ho, thuốc cảm, thuốc sốt, thuốc sữa ong chúa, xà phòng gội đầu, kem đánh răng, phấn, son… linh tinh đủ thứ. Mẹ còn mua mấy hộp bandage về để dành, có đứa cháu nào bị trầy vi tróc vảy gì thì lấy dán lại để bụi khỏi bám vào. Cầm mấy hộp bandage trên tay, mẹ nói với tôi: “Cái này mấy đứa cháu ở bên đó tụi nó thích lắm, lần trước mẹ về đứa cháu nhỏ nhất con của thằng Hưng mỗi lần nó xước chút da là chạy vô xin bà. Hôm đó, nó cứ theo đòi bà nội dán cho nó hoài nên mẹ đưa nguyên cho nó một hộp lớn. Ai ngờ! Nó ra ngoài hiên ngồi gở hết nguyên một hộp dán từ đầu đến chân, nhìn nó nghịch mà mẹ cười muốn đau cả bụng. Bởi vậy, qua đây rồi, mỗi lần nhìn thấy miếng dán bandage là mẹ nhớ nó quá chừng!”

Mỗi lần về quê là mẹ tôi mang theo lỉnh kỉnh đủ thứ đồ. Vậy mà mẹ đòi đi mua sắm nơi nào, ba tôi cũng lái xe chở mẹ đến. Mẹ đi mua cái này, quên cái khác nhưng lại không ghi xuống mua cái gì nên ông tài xế trung thành của mẹ cứ phải đề pa cho xe chạy đều đều. Nhiều hôm trời nắng chang chang, tôi thấy ba mẹ cứ tay xách, tay mang nặng nề, tôi nói: “Ở Việt Nam bây giờ cái gì cũng có, người Mỹ còn mua đồ của Việt Nam xài mà mẹ mua đồ về chi nhiều cho mệt  nhọc! Sao mẹ không để dành tiền về cho, ai thích gì, cần gì thì mua nấy! Chứ mẹ mua về biết đâu mấy người nhận quà của mẹ họ không thích thì sao!”

Mẹ tôi nói: “Lâu lâu mẹ mới về một lần, nếu không có quà thì coi sao được, mấy đứa cháu tụi nó trông! Mẹ về gặp con, gặp cháu, gặp người nào thân, thích là cho quà liền chứ đợi về bên nó mua thì lâu lắm tội nghiệp! Chị Hai của tôi gọi điện qua bảo: “Mẹ về thăm là chúng con vui rồi! Chúng con ở đây cũng chẳng thiếu thốn gì mẹ đừng mang quà cáp về làm gì cho cực!” Vậy mà mẹ cứ mua hoài. Mỗi valy hành lý ‎chỉ được chứa năm mươi pounds! Thế mà mẹ cũng chất cho dư, bỏ lại thì tiếc nên mẹ mang quà theo xách tay nữa! Mẹ tính từng ngày, trông từng giờ, nhất là gần đến ngày về là mẹ không ngủ được, lòng mẹ cứ nôn nóng, nao nao làm sao đấy! Mẹ trông về tới quê hương để gặp con, gặp cháu, thăm bà con, xóm làng… Mẹ ngồi xuống với đôi tay gầy, xương xẩu cầm bút ghi ngày… giờ… đi thăm ai, cho quà gì…

que 2

Rốt cuộc, rồi cũng tới ngày mẹ tôi lên máy bay về thăm quê hương. Tiễn mẹ lên phi trường mà tôi khóc, khóc vì thương mẹ đi có một mình tội nghiệp, nhỡ có chuyện gì không biết hỏi ai, khóc vì thấy mẹ càng ngày càng già thêm, không biết mẹ được về thăm quê hương bao nhiêu lần nữa, hay đây là lần về thăm cuối cùng của mẹ! Tôi hôn vội trên má mẹ và quay mặt đi nơi khác, cố dấu những giọt nước mắt đang phải chảy xuống! Không biết sang năm tới mẹ tôi có còn khỏe như năm nay không! Mẹ cũng rưng rưng lệ, hôn lên trán tôi mười mấy cái rồi vẫy tay tạm biệt. Tôi nhìn theo bóng dáng mẹ bước đi mà lòng thầm cảm ơn Chúa cho tôi còn có mẹ!…

Ngồi suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ trên  không trung, chân của mẹ tê cứng, lưng đau, mông ê ẩm, nhức mỏi khắp mình! Mẹ vừa xuống phi trường Tân Sơn Nhất đã thấy gia đình của anh và chị tôi đến đón. Mẹ ôm đứa này, hôn đứa kia một lúc rồi họ cùng nhau lên máy bay đến  Chu Lai và thuê ô-tô về Tam Kỳ. Mẹ về Tam Kỳ vài hôm nghỉ ngơi, thăm bạn bè, người thân, thăm nhà thờ Tam Kỳ, chợ Tam Kỳ… Mẹ gọi điện cho chúng tôi biết rằng, mẹ về bình an. Tam Kỳ bây giờ khác lắm, dân đông, đường sá, nhà cửa, phố xá đẹp lắm! Những món khoái khẩu của mẹ như cơm gà, cơm hến, bê thui vẫn ngon “tuyệt cú mèo” như ngày nào!…

tam

Mẹ ở Tam Kỳ được một tuần rồi lên Tiên Phước thăm quê nội, thăm dòng sông Tiên, thăm bạn hiền, thăm lại những người thân quen. Mẹ nói: “Ở quê hương còn nhiều người nghèo khó lắm con ơi! Mẹ đi thăm người này, người kia cho chút quà mọn chẳng thấm thía vào đâu!” Nghe mẹ nói làm cho tôi nhớ lúc còn nhỏ, nơi khô cằn, sỏi đá ấy, mẹ đã nuôi tôi lớn lên. Nơi ấy tôi đã bơi lội trên dòng sông, trèo hái những chùm khế ngọt, thả diều trên đồng nội, và nhớ nhất là ngày đầu tiên mẹ dắt tôi đi học. Mẹ may cho tôi quần áo mới trước những ngày chuẩn bị cắp sách đến trường! Nơi ấy, mẹ đã tần tảo nuôi tôi nên người, mẹ cuốc đất, lật cỏ, vun những hàng khoai lang, khoai mì, trồng những liếp rau muống, rau răm. Mẹ nắm chặt những bông lúa chín vàng, nặng trĩu cắt lấy và gánh về nhà. Mồ hôi của mẹ tôi thơm tho mùi gạo mới cho tôi no đủ mỗi ngày…

Mẹ tôi thương nhớ quê hương lắm! Mỗi lần về là mẹ ra đồng ruộng, nâng niu từng bông lúa, thăm từng mảnh vườn. Mẹ nhớ từng khóm chuối, bờ đê, nhớ hàng râm bụt đỏ hoe trước nhà… Vậy mà, ở Tiên Phước chưa được một tuần, mẹ tôi lại nhớ ở Mỹ. Chị Hai tôi bảo: “Mẹ đổi vé máy bay ở lại Việt Nam chơi vài tháng hãy trở lại Mỹ!” Mẹ tôi nói: “Không được đâu, mẹ nhớ mấy đứa con, mấy đứa cháu bên Mỹ lắm!” Mẹ nhớ từng ngày, từng giờ.  Mẹ nói: “Bây giờ là bảy giờ chiều bên Mỹ, con Út nó đi làm về nè!” Một lát sau thì mẹ lại nói: “Bên đó bây giờ là tám giờ rồi nè, thằng chồng của con Út đi làm về lúc này và chuẩn bị ăn cơm tối!” Mẹ canh đến ngày, giờ của thứ Tư ở bên Mỹ là mẹ tự nhắc nhớ: “Chiều nay bảy giờ bên đó là giờ cầu nguyện của Hội Thánh!” Đến ngày thứ Bảy thì mẹ nói: “Bảy giờ chiều thứ Bảy là bên đó Hội Thánh có giờ tập hát, tập nhạc!” Còn đến ngày Chúa Nhật thì mẹ bảo rằng: “Ở Việt Nam thì ngày thứ Hai rồi, chứ ở Mỹ, Hội Thánh của mẹ lúc chín rưỡi sáng là nhóm thờ phượng, sau đó học Trường Chúa Nhật!” Về Việt Nam, mẹ mừng, mẹ vui nhưng lại nhớ ở Mỹ, muốn trở lại Mỹ.

Tôi gọi điện về hỏi thăm thì mẹ lại khóc nói nhớ mấy anh em chúng tôi và mấy đứa cháu ở Mỹ. Mẹ gởi lời thăm người này, người kia líu lo. Mẹ nói: “Mấy chục năm nay ở Mỹ cũng quen. Mẹ ở nhà với ba hoài nên khi về Việt Nam không có ba mẹ cảm thấy vắng vắng.” Tôi chọc ghẹo cho mẹ vui: “Mẹ nhớ ba thì nói đại cho rồi, còn bày trò nhớ con, nhớ cháu!” Mẹ tôi cười hề hề!

Thấm thoát đã một tháng trôi qua, mẹ tôi trở lại Mỹ. Tôi thấy mẹ mệt nhoài, nhưng vui cười luôn miệng.  Mẹ mang về Mỹ cũng nhiều thứ như đi Việt Nam. Valy của mẹ cũng nặng ì nào là áo quần, đồ lót, áo dài, giày dép, ra trải giường, tách trà, tiêu, nghệ, khô mực, tranh sơn mài (câu gốc Kinh Thánh)… Mẹ nói: “Nước Mỹ là quê hương thứ hai của mẹ nên đi đâu mẹ cũng muốn trở về!”

Ba tôi nói: “Ở Mỹ ngày nào bà cũng thả hồn về Việt Nam. Khi về Việt Nam thì bà lại đếm từng ngày để được trở về Mỹ, vậy quê hương nào bà ham mến nhất?” Mẹ tôi bảo: “Ở Mỹ mẹ cũng yêu thích, ở Việt Nam mẹ cũng nhớ thương, nhưng quê hương mẹ ham mến nhất không thuộc về thế gian này!”

Tối đến tôi nằm suy nghĩ về chuyến đi về quê hương của mẹ. Câu Kinh Thánh trong Hê-bơ-rơ đoạn 11 câu 1 được nhắc đến trong lòng tôi rằng: “Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng trông thấy.” Thật vậy, lúc mẹ tôi mua vé máy bay, mẹ tin rằng, nơi mẹ đến sẽ là Việt Nam. Và khi ở Việt Nam, mẹ tôi tin rằng mẹ sẽ đến Mỹ. Mẹ ngồi trên máy bay mấy chục tiếng đồng hồ, mẹ chẳng thấy mặt người phi công nhưng mẹ vẫn tin rằng người lái phi cơ sẽ chở mẹ đi đến nơi, về đến chốn.

Sách Hê-bơ-rơ 11:13-16 dạy rằng: Con cái Chúa là những lữ khách bộ hành trên đất. Lời Chúa hứa: “Nếu chúng ta ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời; Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của chúng ta, vì Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta một thành.”

Vậy mục đích tối hậu của con người là vui hưởng bên Chúa và thờ phượng Ngài trong mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Chúa đang chờ đón tôi và bạn tin, sống, theo Chúa, luôn hướng lòng mình về một quê hương đời đời phước hạnh!

 

helen

TÔN THIỆN THI   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn