Thứ Tư , 8 Tháng Năm 2024
Home / Tổng hợp / NHÀ TRUYỀN GIÁO MẶC ÁO CÀ SA

NHÀ TRUYỀN GIÁO MẶC ÁO CÀ SA

SUNDAR NHẬN ÁO CÀ SA VÀNG (1906-1908)

images (2)

Quá khứ đã chết, tương lai của một người quyết tâm theo Chúa đang được bày tỏ. Sundar một mình yên lặng đứng trước bàn thờ của thánh đường Simla tuyên xưng đức tin. Cậu đã nhận thánh lễ báp têm trở nên một Cơ đốc nhân, hội viên của một cộng đồng bé nhỏ, hẻo lánh và xa xôi. Thật ra, cậu nợ với các giáo sĩ nhiều hơn là với người đồng hương mình và quí vị ấy xem cậu như là một niềm vui chiến thắng lớn lao bởi ân sủng từ Ðức Chúa Trời, còn các Cơ đốc nhân Ấn độ rất thỏa lòng nghĩ đến cậu trai trẻ mà nhiệt tâm dũng cảm theo Chúa. Trong đền thờ của Chúa, khi cậu quỳ xuống để nhận lãnh thánh lễ Báp têm, cái cô đơn của cậu thật là một điều diệu kỳ, nỗi ly cách mọi sự thuộc trần thế của cậu như một sự tán tụng cho sự hiện diện thân mật của Thượng đế.

Khi rời thánh đường, cậu lên đường trở lại Sabathu. Sundar trông giống như bất cứ một cậu con trai Ấn độ nào khác đang đi băng đường rừng, nhưng sự cô đơn của cậu thật đặc biệt. Bây giờ, không ai có thể giúp cậu được. Sự đấu tranh một mình, sự quyết định một mình và có thể cậu còn phải chịu đựng nhiều ngày tháng cho sự xung đột nội tâm, trước khi cậu sẵn sàng trở lại thế giới hàng ngày bằng một tâm linh trong sáng.

Cậu đã tranh đấu với chính mình và tiến bước với hai chân không giày đạp gai rừng khắp đó đây. Thi Thiên 23 được đọc trong dịp lễ Báp têm cho cậu như vẫn còn vang bên tai. Cậu lắng nghe như có tiếng phán riêng cho mình: “Ta là Ðấng Chăn chiên của con… Ta sẽ dẫn dắt con! Con sẽ chẳng thiếu thốn gì! Dầu khi con đi trong trũng bóng chết, con sẽ chẳng sợ tai họa nào. . . Phước hạnh và sự thương xót sẽ theo con mọi ngày và trọn đời con.”  Sundar biết rằng từ nay cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời, cậu sẽ chẳng bao giờ đơn côi nữa.

Hơn một tháng cậu biệt tích khỏi các bạn như một Sadhu (tu sĩ Ấn độ) của khu rừng tỉnh Rampur. Trong bốn tuần lễ đó, tư tưởng của cậu quay về với những vị ẩn tu tiền bối. Cậu còn nhớ đến lời của mẹ hiền: “ biết đâu một ngày kia con cũng sẽ trở thành một Sadhu”.  Có một cái gì thỏa lòng hơn khi được giao thông cùng Ðức Chúa Trời.  Có chỗ nào cho cậu trong Hội Thánh người Ấn không? Hội thánh đã mất hướng đi, đã bị Tây phương hóa, nên thật khó cho cậu hội nhập.  Những bài thánh ca là những bản dịch, cách thờ phượng chỉ thích hợp với người Âu Mỹ mà thôi.  Họ muốn chứng tỏ cho Ấn độ giáo và Hồi giáo biết rằng họ đã bỏ tất cả các thần mà họ thờ trước đây. Nhưng kết quả cho thấy rất nguy hiểm. Những Hội Thánh Ấn trở nên những Hội Thánh của Tây phương tại Ấn độ.

Ngày 3 tháng 10, đúng một tháng sau ngày nhận thánh lễ báp têm, Sundar rời khỏi Sabathu.  Trên đầu cậu vấn một khăn vàng và trên người cậu, mặc một bộ áo cà sa vàng của một tu sĩ Ấn độ Sadhu.  Nhưng đây là một Sadhu khác biệt. Con đường mà tu sĩ này đi là con đường được kêu gọi chẳng còn đơn côi nữa và tu sĩ đó tự xác nhận:

“Tôi không xứng đáng theo đấu chơn Chúa của tôi, nhưng giống như Ngài, tôi không cần có nhà, không có tư sản. Giống như Ngài, tôi thuộc về đường sá, chia xẻ sự đau thương với đồng hương tôi, ăn với những ai cho tôi trú ngụ và rao báo cho họ biết về tình yêu của Ðức Chúa Trời.”

Phải cần một thời gian lâu các bạn thân của vị Sadhu giảng đạo Cơ đốc mới làm quen được với tư tưởng lập dị đó.  Sundar đã nhập lý tưởng tự chối chính mình của người Ấn độ, không phải cho chính mình nhưng cho người khác, và theo lý tưởng Tây Phương về giáo thuyết của tu sĩ hành khất, ông đã chọn một lý tưởng thiên thượng để phục hưng Hội Thánh Ấn độ. Áo cà sa vàng của Sadhu giúp cho Sundar thành công, được chấp nhận bước vào bất cứ nơi nào, dù rằng ông là tu sĩ áo vàng giảng Phúc âm. Khác với những người bụi đời, rách rưới dơ bẩn, Sundar với 16 tuổi rất ngay ngắn sạch sẽ, sáng suốt vặm vỡ cao lớn và nhiều trào phúng qua các câu chuyện đường rừng của cậu.

Sundar thử nghiệm đầu tiên bằng cách quay trở về làng Rampuer quê mình. Dĩ nhiên ông bị gia đình chối bỏ, nhưng rất ngạc nhiên là nhiều khán giả nghe say mê ông giảng đạo. Họ là những nhà buôn, những bác nông phu, những cậu con trai mà trước đây vài năm là bạn cùng lớp với Sundar. Ngay cả khu vực của các phụ nữ thượng lưu cũng mở cửa cho Sundar. Trong thời gian này, Sundar sống với các tín hữu Cơ đốc tại Ropur, nơi ông được cứu sống khỏi chết vì độc dược.

Họ hỏi ông về dự tính tương lai:

“Anh định làm Sadhu như thế này bao lâu, hỡi bạn Sundar?”

“Tôi được gả cho những chiếc áo vàng này, và theo ý muốn của Ðức Chúa Trời, tôi sẽ chẳng bao giờ ly dị với nó.”

Từ đó Sadha Sundar khởi hành hướng về miền Bắc, qua Punjab, qua đèo Bannihal, phía trên của Jammu và Kashmir trước khi bị tuyết đông ngăn chặn. Từ Kashmir ngang qua vùng đất kẻ cướp bóc của biên giới tây bắc đi tới Baluchistan và trở vào xứ sở của Hồi giáo cuồng tín ở Afganistan. Ðương đầu với một chuyến hành trình về miền giá lạnh như thế thật là một khó khăn to lớn. Sundar phải chịu nhiều gian khổ.  Cái áo cà sa vàng mỏng manh không đủ sức chống lại mùa đông giá lạnh. Ông cũng không quen ngủ lạnh ngoài trời mặc dù ông đã từng chịu lạnh như thế. Chân trần không giày dép bị cắt đứt bầm tím để lại những vết chân đẫm máu trên những con đường làng mà Sundar đã qua. Con cái Chúa thời đó gọi Sundar là “Sứ đồ đẫm máu chân”

Ðó là chuyến truyền giáo đầu tiên nhưng đó cũng là những khổ nạn cứ tiếp tục tái diễn trong cuộc đời phục vụ Chúa của ông. Tại Doiwalla, vì chiếc áo cà sa vàng, ông được người ta tiếp đón niềm nở nhưng khi nghe ông nói về Chúa Jesus thì người ta đuổi ông ra ngoài lúc trời đang mưa.  Ðêm ấy, Sundar phải ngủ trong một túp lều tranh xiêu vẹo bỏ trống mà bạn cùng ngủ đêm là một chú rắn hổ mang.  Tại Jallalabad, người Hồi giáo cho ông là mật vụ định tâm chờ ông ngủ sẽ giết nhưng cuối cùng họ tìm thấy ông ở tại một làng khác và kẻ định tâm sát hại ông lại quỳ gối xin ông tha tội và khẩn nài ông rao giảng Tin lành của Chúa Jesus cho ông ta nghe.

Tại Simla, vào mùa Xuân năm ấy, Sundar gặp được một người Mỹ tên là Samuel Stokes, giàu có theo Giáo hội Quaker và muốn hiến cuộc đời mình cho người Ấn. Thay vì nghỉ ngơi sau chuyến truyền giáo gian lao mùa đông vừa qua, Sundar cùng với Samuel Stokes làm một chuyến truyền giáo khác ngang qua Kangra Valley, ban đêm đi bộ rao giảng, ban ngày ngủ và nghỉ ngơi. Cho đến ngày bị ngã quỵ vì chứng sốt rét rừng, cả hai Sundar và Stokes tìm chỗ trú trong nhà của một điền chủ.

Ðối với Sundar, chuyến hành trình kỳ này xem như kết thúc ở đây; nhưng đối với người điền chủ đó là một sự bắt đầu của một chuyến truyền giáo cho người khác như ông. Bởi vì qua cách hành sử của Sundar, ông ta đã trở thành một tín đồ của Ðấng Christ.

Mùa hè năm đó, Sundar làm việc chung với Stokes tại bịnh viện cùi Sabathu cho đến khi bịnh dịch tràn lan khắp vùng đồng bằng vì hạn hán và thời tiết khô cháy. Họ cùng nhau đi xuống vùng cát bụi mát dịu hơn của dãy núi Hy mã lạp sơn để làm việc ban đêm và giảng đạo cho những nạn nhân nạn dịch tại những làng thuộc Punjab và Lahore.

Năm sau là năm 1908, Samuel Stokes trở về Hoa kỳ. Trong những tháng ngắn ngủi chung sống với nhau, Stokes đã giảng giải cho Sundar về lý tưởng của giòng Franciscan , về cách truyền giáo của tu sĩ khất thực.  Ông cũng xác nhận rằng trong sự phục vụ và đời sống tu hành luôn luôn có niềm vui mà chẳng nơi nào có.

Tác giả: Cyril J. Davey

Soạn dịch: Cố Mục sư Trần Như Biên

 

(Còn nữa)

Bài trước:

BỊ BẮT BỚ

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn