Thứ Ba , 7 Tháng Năm 2024
Home / Trang Chủ / TÌNH YÊU GÓA PHỤ

TÌNH YÊU GÓA PHỤ

trai tim

Thùy Dương nhìn hai đứa con đang ngủ mà lòng dạ ngổn ngang trăm mối. Làm thế nào để nuôi con và tiếp tục đưa chúng đến trường? Thằng cu Tín 8 tuổi đang học lớp 2. Bé Ti 6 tuổi lớp 1. Ba của chúng nó ra biển trên một chiếc ca-nô ba lốc máy đánh bắt cá xa bờ đã hơn một tháng nay không trở về. Đồn biên phòng Cổ Lũy cho biết chiếc thuyền đánh cá mà chồng của Thùy Dương là thuyền viên gắn bó sáu năm nay  mang số hiệu QN 38597-ST xem như mất tích sau bốn tuần tìm kiếm. Cơn bão số 12 đi qua đã làm cho ba chiếc thuyền đánh cá ra đi từ Bình Châu, Quảng Ngãi biến mất không dấu vết.

Thùy Dương lập lên một bàn thờ với tấm ảnh chân dung của chồng, và khấn vái: Anh Trung ơi, nếu anh có linh thiêng thì phù hộ cho mẹ con em. Em muốn có việc làm và thu nhập tốt để nuôi cu Tín, bé Ti khôn lớn thành người.

Gạt đi những giọt nước mắt buồn, Thùy Dương đi vào nhà bếp ngồi xuống và hy vọng. Biết đâu anh ấy còn sống và trở về thì sao? Chắc mình mừng chết mất!  Nhìn vào thùng gạo. Ấy chết, hết trơn rồi. Bây giờ thì lấy tiền ở đâu ra để mua gạo? Đã ba ngày nay chị và hai đứa bé chỉ ăn cơm với nước tương, rau muống cầm hơi qua ngày. Liệu mình có vượt qua được cửa ải này không? Thùy Dương miên man suy nghĩ.

Có tiếng gõ cửa bên ngoài, Thùy Dương nhìn ra, đó là bà Tư hàng xóm qua thăm và biếu cho ba gói mì tôm. “Nè, ăn đỡ gói mì. Còn nước còn tát mà. Biết đâu ngày mai thằng chồng mày nó trở về.”  Tiếng bà Tư bùi ngùi.

“Cám ơn bà, thiệt tình cháu không biết ngày mai sẽ ra sao. Liệu có hy vọng gì không, khi mà mỗi ngày trôi khả năng chồng con trở về càng mỏng manh.” Thùy Dương nói trong dòng nước mắt.

Thùy Dương trở thành đá vọng phu, cứ mỗi hoàng hôn, nàng ra biển nhìn về hướng chân trời xa nói chuyện với gió biển và những con sóng bạc đầu qua bao năm dường như vẫn vô tình lẳng lơ cùng bãi cát với hàng dương liễu lưa thưa.

Trung ra đi vĩnh viễn không về. Có lẽ bây giờ chiếc thuyền và anh đã tan xác pháo chìm xuống một nơi nào đó dưới lòng đại dương mênh mông.

“Biển nuôi ta lớn như lòng mẹ, nhưng biển cũng là nghĩa trang chôn lấp biết bao người…”. Thùy Dương thầm nghĩ. Mình sẽ làm gì trong những tháng ngày sắp tới để nuôi con? Đối với nàng đó là một câu hỏi lớn.

Cơn bão số 12 khủng khiếp trong năm nay gieo tang tóc cho mười sáu gia đình ở Bình Châu, Quảng Ngãi. Người chồng, cột trụ của gia đình ngã xuống, còn lại những góa phụ với đàn con nheo nhóc. Cuộc sống đôi khi thật nghiệt ngã, dường như không có gì hợp lý cả trong trường hợp của Thùy Dương. “Đời là bể khổ, mình sẽ còn khổ đến bao giờ?” Thùy Dương nói với chính mình.

Thùy Dương tìm kiếm một việc làm phù hợp để có thể nuôi con. Những năm qua người phụ nữ này chỉ biết việc nhà, nội trợ và… nuôi con. Bây giờ  cuộc sống  trở nên khó khăn trăm bề. Gia đình nội ngoại của Thùy Dương cũng nghèo lắm. Nếu có giúp đỡ được gì thì cũng chỉ mang tính tượng trưng thôi. Thùy Dương phải xoay xở mọi cách để có thể tồn tại….

Không lâu sau đó trên con đường làng xuất hiện một phụ nữ với gánh đậu hũ. Mọi người đều biết đó là Thùy Dương. Chưa vượt qua tuổi ba mươi nên vóc dáng của nàng còn rất xinh xắn. Khi cô ấy đi qua với gánh đậu hũ trên đôi vai gầy, mọi người đều thương và gọi lại mua ủng hộ. Năm ngàn một chén đậu hũ với nước đường đen trông thật hấp dẫn. “Chị Dương cho em hai chén.” Tiếng của một cô gái trẻ gọi í ới. “Ồ, anh Trung ra đi, bây giờ chị phải gánh đậu hũ đi bán sao?” Thùy Dương mỉm cười mà như mếu: “Biết làm thế nào được, chị phải làm  một cái gì để kiếm sống chứ!”

Dưới cái nắng tháng sáu như đổ lửa trên những con đường làng ở huyện Bình Sơn, Thùy Dương sớm tối đi về, một mình một bóng với gánh hàng rong trên vai. Cuộc sống ơi, ta chào mi. Bạn thân ơi, hãy vui lên vì cuộc đời còn nhiều lý do để sống. Thùy Dương tự động viên mình.  Vâng, mình  phải sống vì tương lai của cu Tín và bé Ti. Đôi vai này gánh nặng hai con, trái tim yêu thương này dành cho chúng nó. Người ta nói gà trống nuôi con, còn mình gà mái nuôi con là đúng rồi. Trời sinh voi sinh cỏ, tại sao phải lo sợ cái ăn cái mặc và chuyện học hành của các con. Ta phải sống vì nắng ấm vẫn còn gọi mùa Xuân đến với đời.

trai tim 2

(Hình chỉ mang tính chất minh họa)

“Nè, cô em kia cho tôi một chén đậu hũ.”  Một tiếng gọi của ai đó từ dưới bờ kênh vang lên. Thùy Dương dừng lại, trước mặt chị  là một người đàn ông. “Vâng, có ngay, anh chờ một chút.”  Thùy Dương múc đậu hũ vào chén trong khi người đàn ông nhìn chằm chằm vào khuôn mặt đẫm mồ hôi của chị với một tâm trạng phấn chấn khó tả. Người góa phụ trẻ vẫn đẹp lạ lùng  dưới cái nắng mùa Hè gay gắt. Đôi má chị dường như ửng đỏ làm tăng thêm nét quyến rũ mà dịu dàng của một phụ nữ miền duyên hải không cần trang điểm. “Cô em ơi, tôi muốn mua luôn hết cái gánh đậu hũ này”. Rồi, vậy là hôm nay mình gặp quí nhân. Coi chừng, ta phải cẩn thận thôi. Thùy Dương cảnh giác: “Ồ không, tôi chỉ bán lẻ từng chén chứ không bán nguyên gánh”. “Cô này lạ nhỉ tôi muốn mua hết gánh cơ, tôi sẽ trả tiền sòng phẳng mà!” Người đàn ông biện luận. “Thôi đi anh Hai, để em còn đi buôn bán nữa, đừng có giỏi mà chọc ghẹo người ta”. Lời qua tiếng lại, câu chuyện đã bắt đầu và người đàn ông dường như không muốn kết thúc, còn Thùy Dương thì rất muốn đi nhưng không dễ dàng để dứt ra được trong tình cảnh này. Sự đời là thế. Đã có hai đứa con rồi vẫn còn có người nói chuyện bướm hoa. Mình phải làm sao đây? ….

Người đàn ông tự giới thiệu anh ta tên Hiệp, còn gọi là Hiệp Cút vì đang có một trại chăn nuôi chim cút ở Bình Hiệp. Anh ta góa vợ và tình cờ biết Thùy Dương là một góa phụ xinh đẹp nên rất muốn tiến tới… góp gạo nấu cơm chung. Thùy Dương vẫn còn ôm trong lòng nỗi nhớ thương chồng da diết, nàng chưa nghĩ đến chuyện bước thêm bước nữa cho dù cuộc sống của ba mẹ con nàng có lẽ cũng cần một đôi vai lực lưỡng nào đó để dựa vào. Thôi ta đành  xếp chuyện này lại vậy. Thời gian thư thả rồi sẽ tính sau. Những suy nghĩ miên man tự động đến trong lòng người góa phụ trẻ.  Hiệp Cút dù rất muốn bước vào cuộc sống của người phụ nữ kia, nhưng nàng đã đóng cửa lại rồi, thôi mình sẽ chờ một cơ hội khác. Mới gặp lần đầu tiên đâu có dễ gì chinh phục được đối phương. Có thể sau dăm ba tháng nữa khi mà tình thế đã chín mùi cho một cuộc tấn công, ta sẽ nắm lấy cơ hội. Hai người theo đuổi hai hướng suy nghĩ khác nhau, tạm thời họ vẫn là hai cánh chim bay lệch hướng, không biết ngày mai tình thế có cải thiện được không?

Thùy Dương sáng đi chiều về với gánh đậu hũ trên vai. Hai đứa con nhỏ tạm thời gởi cho ông bà nội trông coi. Cuộc đời góa phụ bán gánh hàng rong cũng vừa đủ tiền cho hai đứa con ăn học.  Mỗi ngày nàng thức dậy từ 3 giờ sáng để chuẩn bị, 6 giờ là ra khỏi nhà. Với gánh đậu hũ trên vai, nàng sải bước chân trên hai mươi cây số qua những con đường làng quen thuộc để mưu sinh. Những buổi trưa Thùy Dương dừng lại dưới một gốc cây ven đường nghỉ ngơi, ăn cơm mang theo từ trong một hộp nhựa, rồi lại tiếp tục hành trình. Năm giờ chiều về đến nhà, đón hai đứa nhỏ từ nhà ông bà nội gần đó. Cuộc sống cứ thế xoay vần, những ngày mưa gió thì tạm nghỉ.

Vào một ngày kia khi Thùy Dương đi ngang qua một ngôi nhà ở Bình Hiệp, nàng nghe một giọng phụ nữ từ bên trong sân vườn:

– Chị ơi dừng lại, tôi mua đậu hũ.

-Cô mua bao nhiêu chén?

-Tôi mua 15 chén, à không 17 chén.

-Cô mua cho ai  mà nhiều vậy?

-Tôi mua cho các em sinh viên đang học Lời Chúa trên gác kia.

Thùy Dương múc 17 chén đậu hũ cho người phụ nữ. Chỉ 5 phút sau đó một nhóm sinh viên cả nam lẫn nữ từ trên gác kéo xuống sân vườn trong giờ nghỉ giải lao giữa buổi.

-Cám ơn cô Sa-ra đã mua đậu hũ cho chúng em. Một giọng nữ sinh trong trẻo vang lên

-Các em cũng nên cám ơn người bán nữa chứ.

Thùy Dương mỉm cười, vậy là mình biết tên người phụ nữ kia rồi. Sa-ra, cái tên gì lạ quá, chưa nghe bao giờ. Đám thanh niên vây quanh lấy gánh hàng rong:

-Đậu hũ này ngon quá, chị cho em một chén nữa.

Sa-ra can thiệp:

-Mỗi người chỉ có một chén theo tiêu chuẩn, ai muốn ăn thêm phải trả tiền.

-Không thành vấn đề,  hôm nay em sẽ trả hết cho cả lớp. Lớp trưởng Ngọc Bích lên tiếng.

Hôm đó Thùy Dương múc ra 34 chén đậu hũ. Ít khi nàng bán được nhiều như thế này chỉ trong một ngôi nhà. Nhưng lần đó Thùy Dương còn được nhiều hơn.

Đang khi ăn, nhóm sinh viên hỏi thăm gia đình của Thùy Dương và các em làm chứng về Chúa Jesus Christ cho nàng:

-Chị Dương nè, Chúa Jesus Christ yêu thương chị và Ngài đã chết thay cho chị trên thập tự giá. Ngày hôm nay Chúa đang mời gọi chị hãy đến với Ngài: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:28). Khi chị đến cùng Chúa, chị sẽ nhận được sự cứu rỗi. “Kẻ đến cùng ta thì ta không bỏ ra ngoàiđâu.” (Giăng 6:37). Cuộc đời chị sẽ thay đổi khi chị có Chúa Jesus làm chủ.

Ngày hôm nay Chúa đang mời gọi chị hãy đến với Ngài: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.” (Ma-thi-ơ 11:28). Khi chị đến cùng Chúa, chị sẽ nhận được sự cứu rỗi. “Kẻ đến cùng ta thì ta không bỏ ra ngoàiđâu.” (Giăng 6:37). Cuộc đời chị sẽ thay đổi khi chị có Chúa Jesus làm chủ.

Trước khi rời khỏi căn nhà đặc biệt đó Thùy Dương còn được tặng một cuốn Tân Ước và vài quyển sách nhỏ giới thiệu về cuộc đời Chúa Jesus.

-Ngày mai chị nhớ ghé tới đây. Chúng em sẽ mua ủng hộ. Một nữ sinh nói.

-Vâng nếu các em nói như thế, chị sẽ ghé.

Một em nữ sinh rất chân tình tiễn chân Thùy Dương ra khỏi cổng, và nói:

-Em sẽ cầu nguyện cho linh hồn của chị. Xin Chúa ban phước cho chị và hai con của chị.

Rời khỏi ngôi nhà của ông truyền đạo Phi-líp Tráng, Thùy Dương thong thả ra về. Gánh đậu hũ cũng vừa hết. Đâu đó trên ngọn tre dọc bờ kênh những con chim sẻ kêu ríu rít như chúc mừng Thùy Dương hôm nay bán hàng hết sớm hơn mọi hôm. Trên đường về Thùy Dương suy nghĩ mông lung về những gì cô đã nghe được từ đám sinh viên trẻ tuổi kia.

Trong đêm đó Thùy Dương không ngủ được sau khi đọc xong quyển sách nhỏ giới thiệu về cuộc đời Chúa Jesus. Đó là lần đầu tiên trong cuộc đời, cô đọc một quyển sách như vậy. Có một điều gì đó trong quyển sách làm tâm hồn cô bừng tỉnh. Sáng hôm sau cô thức dậy với một tâm trạng háo hức. Thùy Dương tự nói với chính mình: Hôm nay mình sẽ đến ngôi nhà hôm qua.

Với gánh hàng trên vai, Thùy Dương tiếp tục ra đi đơn độc trên con đường làng quen thuộc, bóng nàng phủ xuống bờ kênh với đòn gánh trên vai, hai đầu gánh lủng lẳng vò đậu hũ và ly chén. Nàng lại đến ngôi nhà hôm qua vào lúc 3 giờ chiều, vừa đúng lúc nhóm sinh viên nghỉ giải lao giữa buổi trong giờ học Kinh Thánh.

-Ồ, chào chị Dương, chị đến vừa lúc chúng em được nghỉ giải lao. Một em sinh viên cao giọng.

-Đến hẹn lại lên. Thùy Dương đáp lại với một nụ cười.

Các em sinh viên ở đây đang theo học một chương trình Kinh Thánh vào mùa Hè tại một hội thánh tư gia. Môn học các em đang học và thực hành là Môn Đồ Hóa. Thùy Dương đã đến trong hoàn cảnh đó và ngẫu nhiên cô ấy trở thành đối tượng thực tập cho nhóm sinh viên.

Vừa ăn đậu hũ, vừa trò chuyện, Thùy Dương bị cuốn vào những câu hỏi và giải thích của các em sinh viên về Phúc Âm của Chúa Jesus Christ. Trong lòng Thùy Dương bỗng dưng cảm nhận ra sự chân tình và yêu thương của mọi người, cô ấy hỏi:

-Tôi phải làm gì để được sự cứu rỗi?

Cả lớp học Kinh Thánh chờ đợi câu hỏi ấy từ lâu, và lớp trưởng Ngọc Bích trả lời:

-Hãy tin Chúa Jesus, thì chị và cả nhà chị sẽ được cứu.

-Tôi tin. Các em hãy hướng dẫn tôi.

Thùy Dương cầu nguyện tiếp nhận Chúa Jesus Christ làm Cứu Chúa theo lời hướng dẫn của Ngọc Bích. Cuộc đời của góa phụ trẻ tuổi thay đổi từ đây.

***

Hai năm sau.

Thùy Dương đi cùng với Hiệp Cút đến nhà ông truyền đạo Phi-líp Tráng. Lần này trên vai người góa phụ không còn gánh hàng rong. Ông truyền đạo mở cửa:

-Xin chào hai người, mời vào nhà.

Thùy Dương trình bày câu chuyện của mình: “Tôi đã làm chứng về Chúa Jesus Christ cho anh này, và anh ấy bằng lòng tin Chúa. Chúng tôi đến đây để nhờ thầy truyền đạo hướng dẫn anh ấy hội nhập với hội thánh”.

Thật tuyệt vời! Hiệp Cút học giáo lý báp tem và trở thành thành viên chính thức của hội thánh chỉ ba tuần sau đó.

Ông truyền đạo quản nhiệm trắc nghiệm những câu hỏi liên quan đến đức tin cá nhân của Hiệp Cút. Anh tân tín hữu này trả lời chân thành và trôi chảy. Hiệp Cút cũng đã từ bỏ được hình tượng, thuốc lá và rượu đế, vốn là những món không thể bỏ được trước đây của anh ta. Đáng mừng hơn, anh này còn quyết định dâng mình hầu việc Chúa.

Một cuộc hôn  nhân lần thứ hai dường như đã sẵn sàng chờ đợi Thùy Dương. Không bao lâu sau đó, Hiệp Cút và Thùy Dương trở thành một cặp đôi hoàn hảo trong Chúa. Bây giờ Hiệp là nhân sự truyền giáo của hội thánh, còn Thùy Dương cảm nhận là cuộc đời nàng còn nhiều lý do để sống và phấn đấu trong ơn Chúa. Hai vợ chồng này dự phần hầu việc Chúa với hội thánh địa phương tại Bình Hiệp. Cuộc sống của họ thật ý nghĩa biết bao!

                                                               MỸ LOAN 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn