Thứ Bảy , 4 Tháng Năm 2024
Home / Trang Chủ / SỰ KÊU GỌI CAO CẢ CỦA CHÚA DÀNH CHO NGƯỜI NỮ

SỰ KÊU GỌI CAO CẢ CỦA CHÚA DÀNH CHO NGƯỜI NỮ

SỰ KÊU GỌI CAO CẢ CỦA CHÚA DÀNH CHO NGƯỜI NỮ
(Phần tiếp theo)

Bài trước: https://huongdionline.com/2015/09/27/su-keu-goi-cao-ca-cua-chua-danh-cho-nguoi-nu/

 

IMG_6401

Động Cơ Thích Đáng

Một người vợ Cơ Đốc nên thu hút sự chú ý từ người khác bằng đời sống tin kính của mình chứ không phải bằng quần áo. Cô ta nên bày tỏ tình yêu, sự quan tâm của mình với chồng bằng cách ăn mặc và lối sống. Cô ta nên chứng tỏ một tấm lòng khiêm nhường được tận hiến để thờ phượng Chúa.

Cũng vậy, những phụ nữ độc thân nên nhận biết rằng buổi nhóm thờ phượng không phải nơi để thu hút người nam. Họ cũng nên hiểu rằng một người nên được thu hút bởi tánh hạnh tin kính của họ là quan trọng hơn  vẻ bề ngoài.

Làm sao những phụ nữ độc thân và phụ nữ lập gia đình nhận biết mình ăn mặc phù hợp trong buổi nhóm thờ phượng? Bằng cách suy xét động cơ của mình. Một người nữ nên tự hỏi: “Tại sao tôi lại ăn mặc như vậy? Mục đích của tôi là gì? Tôi đang cố lôi kéo sự chú ý của người khác về Chúa hay về chính tôi? Những gì tôi mặc có nổi bật không, hay có được xem là phù hợp trong chỗ này không?”

1 Phi-e-rơ 3:3-4 là một phân đoạn song song với 1 Ti-mô-thê 2:9-10. Phi-e-rơ viết: “Chớ tìm kiếm sự trang sức bề ngoài, như gióc tóc, đeo đồ vàng, mặc áo quần lòa loẹt;  nhưng hãy tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời.” Cũng giống như Phao-lô, Phi-e-rơ nhấn mạnh rằng một người nữ không nên gây ấn tượng cho người khác bởi những gì mình mặc nhưng bởi chính con người bề trong của mình.

 

THÁI ĐỘ CỦA PHỤ NỮ  (C. 9b)

“Lấy nết na và đức hạnh giồi mình”

Đức Hạnh

Từ Hi Lạp được dịch là “đức hạnh” (aidos) chỉ về sự khiêm nhu và hạ mình. Nó bao hàm một cảm giác hổ thẹn – không phải sự hổ thẹn vì là phụ nữ nhưng hổ thẹn vì đã kích động tình dục hay gây chi phối người khác không thể thờ phượng Chúa một cách đúng đắn. Một người nữ với cảm giác hổ thẹn đúng mực sẽ không ăn mặc để trở thành một nguồn cám dỗ. Aidos nghĩa là từ chối bất cứ điều gì về mặt đạo đức bị cho là hèn hạ đối với Chúa. Một người nữ đau buồn vì khả năng xúc phạm đến Chúa sẽ không làm bất cứ điều gì khiến để khiến ai đó vấp phạm.

Một người nữ tin kính ghét tội lỗi đến nỗi cô sẽ không làm bất cứ điều gì để gây nên tội lỗi trong một ai đó. 

Điều này chắc chắn phù hợp với Lời Chúa phán rằng:

Song, nếu ai làm cho một đứa trong những đứa nhỏ nầy đã tin ta sa vào tội lỗi, thì thà buộc cối đá vào cổ, mà quăng nó xuống đáy biển còn hơn. Khốn nạn cho thế gian vì sự gây nên phạm tội! Vì sự gây nên phạm tội phải có; song khốn nạn thay cho ai là kẻ gây nên phạm tội! Hãy giữ mình đừng khinh dể một đứa nào trong những đứa trẻ nầy; vì ta bảo các ngươi, các thiên sứ của chúng nó trên trời thường thấy mặt Cha ta, là Đấng ở trên trời. 

Tự Chủ 

“Nết na” (Hi-lạp: sophrosune) được dịch đúng hơn là “tự chủ”. Trong văn chương ngoài Kinh Thánh,  sophrosune được dùng để nói về khao khát và ham muốn tình dục của một ai đó. Người Hi-lạp đánh giá cao tánh hạnh nết na – tự chủ này. Euripides gọi đó là “món quà công bằng nhất của các thần” (Marvin R. Vincent, Nghiên cứu từ ngữ trong Tân Ước [Grand Rapids: Eardmans, 1946], 4:224). Trong Republic, Plato nói đó là một trong bốn đức hạnh chủ yếu.

Thất bại trong việc tự chủ có những nguy hiểm đối với những lãnh đạo của Hội Thánh và cả hội chúng mà Phao-lô đã gửi thư. Trong 1 Ti-mô-thê 3 Phao-lô nói rằng cả trưởng lão và chấp sự trong Hội Thánh phải là “chồng của một vợ” (c.2, 12). Cụm từ đó rõ ràng có thể được dịch là “người đàn ông là của một người đàn bà”.  Một người nam ở vị trí lãnh đạo trong Hội Thánh phải hoàn toàn hết lòng với vợ mình. Tôi tin là một trong những nan đề lớn tại Ê-phê-sô chính là những người nam không trung thành với vợ mình. Sa-tan tấn công Hội Thánh bằng cách đem những người nữ quyến rũ vào trong Hội Thánh để dụ dỗ những người nam. Nó vẫn tiếp tục làm như vậy ngày nay.

Sa-tan tấn công Hội Thánh bằng cách đem những người nữ quyến rũ vào trong Hội Thánh để dụ dỗ những người nam. Nó vẫn tiếp tục làm như vậy ngày nay.

Các hội chúng đều bị ảnh hưởng tương tự trong việc không thể tự chủ. Ví dụ, trong tình huống của Hội Thánh Ê-phê-sô trong 1 Ti-mô-thê 5:14, Phao-lô nhấn mạnh tầm quan trọng của những người góa bụa trẻ nên tái hôn. Phao-lô biết phụ nữ trẻ tuổi có khát khao mãnh liệt lập gia đình là những hiểm họa tiềm tàng đối với sự thánh khiết của Hội Thánh. Và điều đó cũng đúng trong thời kỳ của chúng ta nữa.

Vấn đề ở đây rất rõ ràng. Hội Thánh có thể là một nơi thờ phượng, hoặc là chỗ cho người ta dùng làm nơi biểu diễn. Đây là điều làm tôi phiền lòng khi tôi thấy các chương trình truyền hình Cơ Đốc phát hình những người nhận mình là đại diện cho Cơ Đốc Giáo, những người công bố là người đầy tớ của Chúa lại là những người đi ngược với Lời Chúa và rất bận tâm về ngoại hình của mình. Đó là sự phản đề đối với tất cả những gì họ tuyên bố, và chắc chắn là họ không nên mang danh Hội Thánh. Nhưng có một số phụ nữ ích kỷ, là những người lợi dụng Hội Thánh nhóm lại để kêu gọi sự chú ý cho chính mình, phô trương cái đẹp của mình, phô trương sự thịnh vượng của mình, và sự hấp dẫn của họ trước đàn ông.  Vì họ thiếu hạ mình, mềm mại, khiêm tốn và tự chủ trên những khát vọng của riêng mình, chính điều này đem đến thảm họa  cho Hội Thánh.

Trong Tít 2:4-5, Phao-lô hướng dẫn Tít quản trị Hội chúng tại Cơ-rết rằng những người nữ lớn tuổi phải dạy những người nữ trẻ “yêu chồng con mình, có nết na, trinh chánh, trông nom việc nhà; lại biết ở lành, vâng phục chồng mình, hầu cho đạo Đức Chúa Trời khỏi bị một lời chê bai nào”. Thế nhưng, thay vì làm việc lành, một số phụ nữ đã đem đến những nan đề trong Hội chúng.

Một ví dụ khác có thể được tìm thấy trong Hội chúng tại Cô-rinh-tô. Trong 1 Cô-rinh-tô 5 Phao-lô quở trách người Cô-rinh-tô vì đã chứa chấp một trường hợp liên quan đến tội tình dục. Tội tình dục này là một hình thức của sự loạn luân: một người nam có quan hệ tình dục với vợ của cha mình (mẹ kế). Thay vì than khóc cho tội lỗi đó thì người Cô-rinh-tô đã tự hào về nó (c.2). Theo 1 Cô-rinh tô 6:13, họ cố xưng công chính tội lỗi đó bằng cách trích dẫn một câu châm ngôn phổ biến có lẽ là của người Hi-lạp: “Đồ ăn vì bụng, bụng vì đồ ăn”. Có nghĩa là tình dục cũng như thức ăn, chỉ đơn giản là một chức năng sinh học! Nhưng Phao-lô cảnh báo người Cô-rinh-tô hãy lánh xa khỏi tội tình dục (c.18). Tôi tin rằng nan đề liên quan đến phụ nữ với những động cơ không thích đáng đã gây tai họa cho Hội Thánh tại Cô-rinh-tô cũng như Hội Thánh tại Ê-phê-sô và Cơ-rết.

Thất bại trong sự tự chủ có những hậu quả của nó và dẫn đến sự đoán phạt. Trong Ê-sai 3: 16-26, Đức Chúa Trời tuyên cáo sự đoán phạt trên phụ nữ ăn mặc để thu hút sự chú ý cho chính mình:

Đức Giê-hô-va lại phán rằng:

Vì những con gái Si-ôn kiêu ngạo,

Ngóng cổ bước tới,

Liếc mắt trêu ngươi,

Vừa đi õng ẹo, vừa khua động tiếng dưới chân,

Nên Chúa sẽ làm cho đỉnh đầu con gái Si-ôn đóng vảy.

Và Đức Giê-hô-va sẽ lột truồng chúng nó.

Trong ngày đó, Chúa sẽ cất những vòng mắt cá họ trang sức đi,

Cái lưới và cái cài; hoa tai, xuyến và lúp;

Mão, chuyền mắt cá, nịt lưng, hợp hương và bùa đeo;

Cà rá và khoen đeo mũi; áo lễ, áo lá rộng, áo choàng, túi nhỏ;

Gương tay, vải mỏng, khăn bịt đầu và màn che mặt.

Sẽ có mùi hôi hám thay vì thơm tho; dây tói thay vì nịt lưng;

Đầu sói thay vì tóc quăn; bao gai quấn mình thay vì áo dài phấp phới;

Dấu phỏng thay vì sắc đẹp. Lính chiến ngươi sẽ ngã dưới gươm,

Những kẻ anh hùng ngươi sẽ bị tử trận.

Các cửa nó sẽ than khóc và thảm sầu; nó vắng vẻ ngồi trên đất.

Đeo trang sức và mặc đồ đắt tiền không phải là tội, nhưng đeo chúng với mục đích xấu thì là tội. Quần áo bày tỏ những động cơ không trong sáng sẽ không có chỗ đứng trong Hội Thánh thuần khiết.

View More: http://lukasandsuzy.pass.us/shepconf2014

JOHN MACARTHUR

(Còn tiếp)

Translated by Van Pham.

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn