Thứ Bảy , 5 Tháng Mười 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / TỰ DO KHỎI LOÀI NGƯỜI

TỰ DO KHỎI LOÀI NGƯỜI

Bài 7

Tự Do Khỏi Loài Người

1-corinthians

Thật là nguy hiểm khi những người lãnh đạo thuộc linh trở thành những nhà độc tài, hay trở thành nô lệ cho người khác. Sứ đồ Phao-lô viết, “chớ không phải chúng tôi muốn cai trị đức tin anh em, nhưng chúng tôi muốn giúp thêm sự vui của anh em” (2 Cô-rinh-tô 1:24). Trong 1 Cô-rinh-tô 7:17-24, Phao-lô đưa ra nguyên tắc căn bản rằng chúng ta không nên phục dưới quyền con người.

Rốt lại, ai nấy phải ăn ở theo ơn Chúa đã ban cho mình, và theo như Đức Chúa Trời đã gọi. Ấy đó là điều tôi dạy trong hết thảy các Hội thánh. Có người nào đã chịu phép cắt bì rồi được gọi chăng? Nên cứ giữ cắt bì vậy. Có người nào chưa chịu phép cắt bì mà được gọi chăng? thì chớ chịu phép cắt bì. Chịu cắt bì chẳng hề gì, không chịu cắt bì cũng chẳng hề gì; sự quan hệ là giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Ai nấy khi được gọi ở đấng bậc nào, thì phải cứ ở theo đấng bậc ấy. Ngươi đương làm tôi mọi mà được gọi chăng? Chớ lấy làm lo; song nếu ngươi có thể được tự do, thì hãy nhân dịp đó là hơn. Vì kẻ tôi mọi được Chúa gọi, ấy là kẻ Chúa đã buông tha; cũng một lẽ ấy, ai đương tự do mà được gọi, thì làm tôi mọi của Đấng Christ. Anh em đã được chuộc bằng giá cao, chớ trở nên tôi mọi của người ta làm chi. Hỡi anh em, ai nấy khi được gọi ở đấng bậc nào, thì phải cứ ở theo đấng bậc ấy trước mặt Đức Chúa Trời.” (1 Cô-rinh-tô 7:17-24)

Chúng ta hãy xem xét đề tài tự do khỏi con người từ ba khía cạnh khác nhau.

Bối cảnh.

Trước hết là bối cảnh. Nếu chúng ta không hiểu bối cảnh của chương này, chúng ta sẽ có những giải nghĩa sai. Phao-lô đang có vấn đề với người Cô-rinh-tô bởi vì họ lạm dụng sự tự do mới của họ. Hội thánh Cô-rinh-tô đã thỏa hiệp dung chấp một số người đang sống trong tội trọng. Nhiều người đã tham gia vào các thực hành gian ác, và bây giờ họ đã có sự tự do trong Chúa Jesus Christ.

Ga-la-ti 3:28 là chìa khóa giúp chúng ta nghiên cứu chương này: “Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đàn ông hoặc đàn bà; vì trong Đức Chúa Jêsus Christ, anh em thảy đều làm một.” Các tín hữu Cô-rinh-tô hiểu biết lẽ thật nầy, nhưng họ lại tiến đến chỗ cực đoan, quá mức. Họ đang dùng sự tự do của họ như thứ giấy phép. Chẳng hạn, họ nói, “Khi anh được cứu và ở trong đấng Christ, không còn đàn ông hay đàn bà, nên anh có thể hủy bỏ các cuộc hôn nhân của anh em.” Trong 1 Cô-rinh-tô 7:1-16 Phao-lô đã giải thích mối liên hệ của hôn nhân Cơ Đốc. Khi trở thành Cơ Đốc Nhân không có nghĩa là chúng ta có thể xóa bỏ mối liên hệ hôn nhân. Trái lại nó ban cho chúng ta tiềm năng đắc thắng mới và phước hạnh mới trong mối liên hệ hôn nhân đó. Ở Hội Thánh Cô-rinh-tô, các nữ tín hữu lẫn nam tín hữu đều mang sự tự do đi quá xa.

“Không còn chia ra người Do Thái hoặc người Hy-lạp” (Ga-la-ti 3:28). Phao-lô đề cập đến điều này trong 1 Cô-rinh-tô 7:17-20. Người Do Thái được cứu đã muốn trở thành như người Dân Ngoại và đã cố gắng tẩy xóa dấu ấn giao ước khỏi thân thể họ. Mặc khác, người Dân Ngoại lại muốn trở nên giống như người Do Thái! Trong Chúa Jesus Christ, không còn chia ra người Do Thái hay người Dân Ngoại, nhưng điều này không có nghĩa là phải xóa bỏ quốc tịch. Khi tôi được cứu, quốc tịch của tôi vẫn không thay đổi.

“Không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ.” (Ga-la-ti 3:28) Sứ đồ Phao-lô đã đề cập đến điều này trong 1 Cô-rinh-tô 7:21-24. Một số người nô lệ đã được cứu và nói, “Chúng ta không còn làm nô lệ nữa. Nên chúng ta không phải vâng lời ông chủ của chúng ta nữa!” Sứ đồ Phao-lô đã viết cho họ và nói, “Bạn tốt hơn nên cẩn thận về cách sử dụng quyền tự do của bạn.” Họ đã tự thay đổi những gì Chúa không muốn họ thay đổi. Họ dạy các người nô lệ rằng nếu cơ hội tự do đến, hãy nắm lấy tự do. Nhưng họ phải dùng tự do đó cho sự vinh hiển Chúa, chứ không phải dùng vào các mục đích vị kỷ của riêng mình.

Trong Chúa Jesus Christ, “không còn đàn ông hoặc đàn bà” (Ga-la-ti 3:28) nhưng khi anh em được cứu, Chúa đã không thay đổi giới tính của anh em. Trong Chúa Jesus Christ “không còn người Do Thái hay người Dân Ngoại”, nhưng khi anh em được cứu, dân tộc tính hay nguồn gốc dân tộc của anh em đã không thay đổi. Trong Chúa Jesus Christ, “”không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ,” nhưng khi anh em được cứu, tình trạng kinh tế hay xã hội của anh em đã không thay đổi. Sự cứu rỗi ban cho chúng ta tiềm năng để thăng tiến trong mọi hoàn cảnh. Sự cứu rỗi là sự thay đổi thuộc linh. Sự cứu rỗi có thể đem đến sự thay đổi trong gia đình, trong công việc làm, và trong xã hội. Nhưng Chúa không áp đặt từ bên ngoài vào, Ngài làm từ bên trong ra. Phao-lô rất cẩn thận để nói với các tín hữu rằng sự tự do của họ trong Chúa không nên để bị lạm dụng hay biến thành giấy phép.

Nhưng Chúa không áp đặt từ bên ngoài vào, Ngài làm từ bên trong ra. Phao-lô rất cẩn thận để nói với các tín hữu rằng sự tự do của họ trong Chúa không nên để bị lạm dụng hay biến thành giấy phép.

Ý nghĩa.

Bây giờ chúng ta xem xét ý nghĩa của đoạn sách này. Phao-lô đã đưa ra một nguyên tắc căn bản ở đây như ông đã dành cho tất cả các hội thánh. Nghĩa là, ai cứ ở phận nấy và hãy để Chúa làm sự thay đổi.

Rốt lại, ai nấy phải ăn ở theo ơn Chúa đã ban cho mình, và theo như Đức Chúa Trời đã gọi. Ấy đó là điều tôi dạy trong hết thảy các Hội thánh. Có người nào đã chịu phép cắt bì rồi được gọi chăng? Nên cứ giữ cắt bì vậy. Có người nào chưa chịu phép cắt bì mà được gọi chăng? thì chớ chịu phép cắt bì. Chịu cắt bì chẳng hề gì, không chịu cắt bì cũng chẳng hề gì; sự quan hệ là giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Ai nấy khi được gọi ở đấng bậc nào, thì phải cứ ở theo đấng bậc ấy. Ngươi đương làm tôi mọi mà được gọi chăng? Chớ lấy làm lo; song nếu ngươi có thể được tự do, thì hãy nhân dịp đó là hơn. Vì kẻ tôi mọi được Chúa gọi, ấy là kẻ Chúa đã buông tha; cũng một lẽ ấy, ai đương tự do mà được gọi, thì làm tôi mọi của Đấng Christ. Anh em đã được chuộc bằng giá cao, chớ trở nên tôi mọi của người ta làm chi. Hỡi anh em, ai nấy khi được gọi ở đấng bậc nào, thì phải cứ ở theo đấng bậc ấy trước mặt Đức Chúa Trời.” (1 Cô-rinh-tô 7:17-24) Hãy cứ ở trong tình trạng hiện có của bạn. Đừng vội vàng tự thay đổi.

Hãy để sự thay đổi đến từ bên trong. Phao-lô nhắc rằng chúng ta được tự do, nhưng chúng ta không độc lập. Không Cơ Đốc Nhân nào sống độc lập với các Cơ Đốc Nhân khác. Không tín hữu nào độc lập với tín hữu khác. Nghĩa là, không mục sư nào làm nhà độc tài thuộc linh trong đời sống tín hữu trong hội thánh. Không giáo viên nào thành nhà độc tài thuộc linh trong đời sống các học viên trong lớp học của mình. Chúa Jesus cảnh cáo chúng ta không nên gọi bất cứ ai trên thế giới này là Cha thuộc linh của chúng ta (xem Ma-thi-ơ 23:8-12) Nhưng các ngươi đừng chịu người ta gọi mình bằng thầy; vì các ngươi chỉ có một Thầy, và các ngươi hết thảy đều là anh em. 9 Cũng đừng gọi người nào ở thế gian là cha mình; vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời. 10 Cũng đừng chịu ai gọi mình là chủ; vì các ngươi chỉ có một Chủ, là Đấng Christ. 11 Song ai lớn hơn hết trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi.12 Kẻ nào tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên.

Trong một ý nghĩa theo đó ai dẫn dắt chúng ta đến cùng Chúa đều là cha thuộc linh của chúng ta (1 Cô-rinh-tô 4:15) Bởi chưng, dẫu anh em có một vạn thầy giáo trong Đấng Christ, nhưng chẳng có nhiều cha; vì tôi đã dùng Tin lành mà sanh anh em ra trong Đức Chúa Jêsus Christ. Nhưng không theo ý nghĩa như nhà độc tài trên đời sống chúng ta. Các người nô lệ phải tự xem mình là tự do trong đấng Christ, nhưng họ vẫn còn là người nô lệ. Những người làm chủ phải tự xem mình như là nô lệ của đấng Christ, nhưng họ vẫn còn là người chủ. Bạn được tự do thoát khỏi ách thống trị của người khác, nhưng điều này không khiến bạn độc lập. Điều này không khiến bạn gây ra đủ thứ thay đổi. Hãy để sự thay đổi xảy ra tự bên trong.

Chúng ta đã được Đức Chúa Trời kêu gọi.

Sứ đồ Phao-lô đã trình bày bốn luận đề chứng minh chúng ta phải cứ ở trong thứ bậc của mình và để cho Đức Chúa Trời thay đổi từ bề trong. Trước hết chúng ta đã được Đức Chúa Trời kêu gọi. “Theo như Đức Chúa Trời đã gọi” (1 Cô-rinh-tô 7:17) Ý niệm này đã được lặp lại trong các câu 18,20,21,22, và 24. Thực ra ông Phao-lô đã dùng chữ kêu gọi này đến chín lần trong sách này. Ông kết luận, “Hỡi anh em, ai nấy khi được gọi ở đấng bậc nào, thì phải cứ ở theo đấng bậc ấy trước mặt Đức Chúa Trời.” (câu 24) Điều này không có nghĩa là nếu bạn được thăng chức, tăng lương là bạn phải từ khước. Ông muốn nói rằng, vì bạn là một Cơ Đốc Nhân, bạn không cần cố gắng nhiều để thay đổi nhiều. Hãy để Đức Chúa Trời thay đổi. Bạn đã được Đức Chúa Trời kêu gọi.

Chúng ta đã được Đức Chúa Trời sắp đặt (chỉ định).

1 Cô-rinh-tô 7:17 chép, “theo ơn Chúa đã ban cho mình.” Chữ nầy có nghĩa là Chúa đã phân định, sắp xếp vị trí của chúng ta trong xã hội, công việc làm của chúng ta, các ân tứ của chúng ta đều do Đức Chúa Trời chỉ định. Đây là lý luận thứ hai của sứ đồ Phao-lô. Bạn đã được Đức Chúa Trời kêu gọi và bạn đã được Đức Chúa Trời chỉ định. Một số người nô lệ có thể nói, “tôi không thấy việc làm một nô lệ là một ân ban của Đức Chúa Trời!” Đây không phải là việc chúng ta tranh luận hay bàn cãi. Đức Chúa Trời biết việc Ngài đang làm và khi Đức Chúa Trời muốn làm việc thay đổi, điều đó sẽ xảy ra. Chúng ta không nên chạy đi đây đó để thay đổi chỉ vì chúng ta là những Cơ Đốc Nhân. Điều này cũng không có nghĩa là chúng ta không cố gắng để đạt đến tình trạng tốt hơn. Không một ai muốn ở mãi trong một tình trạng khó khăn. Nhưng nếu đây là chỗ đứng Đức Chúa Trời đã chỉ định, chúng ta phải chấp nhận đó như là ý Chúa cho đến khi chính Chúa thay đổi. Tuy nhiên, giống như Phao-lô đã nói với những người nô lệ, nếu có cơ hội tốt hơn xảy đến, hãy nắm lấy. Nhưng phải chắc là sự thay đổi đó đến từ Chúa.

Chúng ta thuộc về Chúa.

Lý luận thứ ba được nêu ra trong 1 Cô-rinh-tô 7:23, “anh em đã được chuộc bằng giá cao, chớ trở nên tôi mọi của người ta làm chi.” Bạn đang thuộc về Đức Chúa Trời. Giá trị của một vật được đánh giá bởi giá trả bạn đã bỏ ra mua nó. Chúa Jesus Christ đã đổ huyết ra vì chúng ta! Điều này tỏ ra giá trị cao quý của chúng ta đối với Đức Chúa Trời. “Anh em đã được chuộc bằng giá cao.” Bạn thuộc về Đức Chúa Trời, Ngài đã mua chuộc bạn. Vì thế, “chớ trở nên tôi mọi cho người ta làm chi.” Người nô lệ phục vụ người chủ đã mua mình. Chúng ta đã được Chúa mua chuộc, chúng ta phải phục vụ Chúa.

Chúng ta phải ở với Chúa.

Trong 1 Cô-rinh-tô 7:24, Phao-lô đưa ra lý luận thứ tư: “Ai nấy phải cứ ở theo đúng bậc ấy trước mặt Đức Chúa Trời.” Chúng ta phải ở với Đức Chúa Trời. Nếu bạn cứ ở nơi Đức Chúa Trời, làm công việc Chúa muốn bạn làm, bạn đang ở với Chúa. Nếu bạn chống nghịch lại ý Chúa, bạn sẽ không ở với Chúa. Nếu bạn không ở với Chúa, bạn không thể mang bông trái thuộc linh. Vì thế lý luận của ông đơn giản như thế nầy: Hãy ở lại nơi bạn đang ở. Hãy để Đức Chúa Trời thay đổi bởi vì Ngài chỉ định chức vụ của chúng ta trong cuộc đời này.

Áp dụng.

Khía cạnh thứ ba của sự tự do khỏi con người là sống tự do. Làm thế nào bạn và tôi áp dụng được cách cụ thể lẽ thật này trong đời sống chúng ta?

Tôi sợ rằng có nhiều người đang ở dưới ách nô lệ cho người khác. Họ sống trong sự sợ hãi người khác. Châm ngôn 29:25 nói rằng sự sợ loài người gài bẫy. Chúng ta sống quan tâm, chăm sóc người khác, nhưng chúng ta không nên để mình làm nô lệ cho ý kiến của người khác.

Chúng ta không ai có thể làm hài lòng mọi người. Chúng ta cẩn thận không hầu việc mọi người nhưng hầu việc Chúa. Nếu chúng ta phục vụ Chúa như đáng phải làm, chúng ta thấy mình cũng phục vụ người khác nữa. Luôn có đủ thì giờ để làm theo ý Chúa.

Một tác giả đã khuyên các tín hữu cách thực tế như sau: Mục sư bạn không phải là người nô lệ của bạn. Bạn nói, “nếu ông ấy không làm theo điều tôi muốn ông làm, tôi sẽ không đi nhà thờ nữa.” Đó là thái độ con trẻ, chưa trưởng thành. Mục sư của bạn ở đó không phải để làm nô lệ cho tất cả mọi người. Ông là tôi tớ của Đức Chúa Trời. Có lúc ông sẽ nói không với bạn. Tôi cũng đã từ chối lời mời của nhiều người. Tôi không nhận lời được. Có người buồn bực tôi. Nhưng tôi có việc phải làm, tôi phải suy gẫm, cầu nguyện, và viết sách. Tôi phải sống với các điều ưu tiên của tôi.

Chúng ta không nên để mình bị nô lệ cho các lệnh truyền của con người. Trong Ma-thi-ơ 15:9, Chúa Jesus cảnh giác chúng ta không nên nghe theo các giáo lý của con người, những mệnh lệnh của loài người. Ngày nay có quá nhiều truyền thống. Các Hội Thánh cũng có nhiều truyền thống không được sự hậu thuẩn của Kinh Thánh.

Trong Giăng 5:41-44, Chúa Jesus cảnh cáo về sự khen ngợi của loài người. “Ta chẳng cầu vinh hiển bởi người ta mà đến đâu; nhưng ta biết rằng các ngươi chẳng có sự yêu mến Đức Chúa Trời ở trong các ngươi. Ta đã nhân danh Cha ta mà đến, các ngươi không nhận lấy ta. Nếu có kẻ khác lấy danh riêng mình mà đến, thì các ngươi sẽ nhận lấy. Các ngươi vẫn chịu vinh hiển lẫn của nhau, không tìm kiếm vinh hiển bởi một mình Đức Chúa Trời đến, thì thể nào các ngươi tin được?” Hãy cẩn thận về sự khen ngợi của người khác. Điều này có thể nguy hiểm cho bạn.

Trong Ga-la-ti 1:10-12, Phao-lô cảnh cáo về thẩm quyền của loài người. Không để cho ai thống trị chức vụ của mình cũng không nên cố làm hài lòng người khác. “Còn bây giờ, có phải tôi mong người ta ưng chịu tôi hay là Đức Chúa Trời? Hay là tôi muốn đẹp lòng loài người chăng? Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng người, thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ.” Thật là lời tuyên bố thẳng thừng. Một số người cúi đầu làm hài lòng người khác, cúi đầu trước uy quyền và cứ thế họ không phục vụ Chúa được.

Hãy coi chừng về sự khôn ngoan của loài người. (1 Cô-rinh-tô 2:5). Phải chắc chắn theo sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Và cẩn thận về sự nể sợ loài người. Trong Ma-thi-ơ 10:24-28, Chúa Jesus đã giải thích rằng điều người khác có thể làm chỉ là giết chết thân thể của bạn, nhưng Đức Chúa Trời có thể hủy cả thể xác lẫn linh hồn trong hỏa ngục.

Đừng cúi đầu trước các mạng lịnh và truyền thống của loài người. Đừng sống để cho người ta khen ngợi . Đừng sống dưới thẩm quyền độc tài của người ta. Không để người khác điều khiển cuộc đời và chức vụ của bạn. Hãy coi chừng về sự khôn ngoan của loài người. Đừng sợ loài người. “Anh em đã được chuộc bằng giá cao, chớ trở nên tôi mọi của người ta làm chi” (1 Cô-rinh-tô 7:23)

Thật là kỳ diệu khi bạn khám phá sự tự do khỏi người ta, không lo lắng khi người ta thích bạn hay không thích bạn, chấp nhận chức vụ bạn hay không chấp nhận. Nếu bạn đang làm theo ý Chúa, theo lời của Chúa, trong quyền năng Thánh Linh của Chúa, vì sự vinh hiển của Chúa, thì bạn là tôi tớ Chúa. “Anh em chớ trở nên tôi mọi của người ta làm chi.” (1 Cô-rinh-tô 7:23)

Mục Sư Nguyễn Văn Huệ biên soạn   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn