Thứ Sáu , 26 Tháng Tư 2024
Home / MỖI TUẦN MỘT SỨ ĐIỆP / TỰ DO KHỎI TỘI LỖI – bài 6

TỰ DO KHỎI TỘI LỖI – bài 6

Bài 6

Tự Do Khỏi Tội Lỗi (tiếp theo)

warren

Phao-lô đã cho các tín hữu ba lời chỉ dẫn trong sách Rô-ma 6 – Đó là biết, kể như, và phó dâng. Nếu chúng ta đi theo những chỉ dẫn này, chúng ta sẽ có sự đắc thắng trên xác thịt.

Chúng ta phải phó dâng gì?

Lời khuyên thứ ba của Phao-lô trong Rô-ma là phó dâng. “Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong xác hay chết của anh em, và chớ chiều theo tư dục nó.” (c.12) Có sự phân biệt giữa tội lỗi và thân xác. Thân xác không có tội, thân xác trung tính. Nhưng một lực đang hành động trong thân xác (Kinh Thánh gọi là xác thịt hay con người cũ) đó muốn sử dụng thân xác chúng ta cách tội lỗi. Trong câu 12 của Rô-ma 6, Phao-lô bắt đầu với một chữ nói với ý chí của tôi: “chớ để.” Tâm chí tôi phải biết lẽ thật, lòng tôi phải kể dựa trên lẽ thật này, nhưng ý chí của tôi phải hành động căn cứ trên lẽ thật này. “Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong xác chết của anh em, và chớ chiều theo tư dục nó.”

Tội lỗi đến như vị khách và trở thành bạn. Rồi bạn trở thành đầy tớ, và đầy tớ trở thành chủ nhân. Bạn tưởng mình đang kiểm soát tội lỗi, nhưng tội lỗi đang kiểm soát bạn. “Chớ nộp chi thể mình cho tội lỗi, như là đồ dùng gian ác.” (c.13) Tay tôi, chân tôi, lưỡi tôi – các chi thể trong thân thể tôi – có thể bị tội lỗi dùng cho sự bất chính; chúng cũng có thể được Đức Chúa Trời dùng cho sự công chính. Thân thể là trung dung, chính ông chủ mới khác nhau. Nếu tội lỗi là ông chủ của bạn, thì bạn sẽ sống trong sự bất chính. Nếu Đấng Christ là chủ của bạn, thì bạn sẽ sống trong sự thánh khiết. “Nhưng hãy phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời, dường như đã chết mà nay trở nên sống, và dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình.” (c.13)

Phao-lô đang nói về một sinh tế sống, một tế lễ “đã chết nay trở nên sống.” Chúa Jesus Christ chúng ta ngày nay đang ở thiên đàng với một thân thể vinh hiển. Ngài là sinh tế sống, vì Ngài mang dấu đinh trên thân thể vinh hiển của Ngài. Chúa Jesus là sinh tế sống. Trong Cựu Ước, ông Y-sác là một sinh tế sống. Y-sác phó mình cho cha và sẵn sàng chờ chết. Đức Chúa Trời đã ngăn Áp-ra-ham giết chết con mình. Trước mặt Chúa, Y-sác đã chết và đã sống lại từ cõi chết. Y-sác đã được giải thoát và trở thành một sinh tế sống. Phao-lô đã áp dụng chân lý này trong Rô-ma 12:1-2. Những câu này quá quen thuộc đến nỗi chúng ta bỏ qua hoặc coi thường. Chữ phó hay nộp trong Rô-ma 6 cũng có thể dịch là dâng phó. Trong Rô-ma 12:1, “Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em”

Thân thể của chúng ta

Đức Chúa Trời muốn bạn dâng thân thể mình cho Ngài. Điều nầy có vẻ bình thường, nhưng lại là một công việc thuộc linh nhất bạn có thể làm. Nếu Chúa sắp dùng bạn, Ngài phải có thân thể của bạn. Khi Chúa Jesus đến thế gian để cứu chúng ta, Ngài phải mang một thân thể. Khi đưa sứ điệp cứu rỗi của Ngài cho thế gian tội lỗi, Chúa Jesus cần một thân thể – là Hội Thánh. Chúa có thể dùng các ngón tay để viết thư. Ngài có thể dùng chân của tôi để đến thăm các gia đình. Ngài có thể dùng đôi môi của tôi để nói ra sứ điệp lẽ thật. Đó là lý do bạn phải chăm sóc tốt thân thể của bạn – đó là công cụ duy nhất bạn đang có. Hãy bảo vệ thân thể bạn. Chúa muốn thân thể bạn như một sinh tế thánh. Giống như Chúa Jesus Christ dâng thân thể Ngài trên thập giá vì bạn, Chúa cũng muốn bạn dâng thân thể bạn cho Ngài.

Nếu Chúa sắp dùng bạn, Ngài phải có thân thể của bạn. Khi Chúa Jesus đến thế gian để cứu chúng ta, Ngài phải mang một thân thể. Khi đưa sứ điệp cứu rỗi của Ngài cho thế gian tội lỗi, Chúa Jesus cần một thân thể – là Hội Thánh.

Tâm trí của chúng ta

enjoy enjoy_your_freedom_78922

Phao-lô tiếp tục nói trong Rô-ma 12:2, “hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình.” Chúng ta không chỉ dâng thân thể mình cho Chúa nhưng ta cũng phải dâng tâm trí của mình cho Ngài. Tại sao? Bởi vì tâm trí tôi điều khiển thân thể tôi. Bạn nghĩ gì là bạn làm gì. “Vì hắn tưởng trong lòng thể nào thì hắn quả thế ấy” (Châm 23:7) “Đừng làm theo đời này.” (Rô-ma 2:2) Đừng nghĩ cách thế gian nghĩ. “Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng” (Thi 1:1)

Ý chí của chúng ta

“Đừng làm theo đời này, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2) Đức Chúa Trời muốn bạn dâng thân thể, tâm trí, và cả ý chí của bạn cho Ngài nữa. Chúa muốn bạn dâng đời sống của bạn vì bạn yêu Chúa, vì bạn biết ơn những gì Chúa đã làm cho bạn. Bạn dâng mình cách vui lòng.

Kết quả của sự dâng mình

Khi chúng ta dâng mình cho Chúa, thì điều kỳ diệu xảy ra: Chúng ta đắc thắng tội lỗi. “Vì tội lỗi không cai trị trên anh em đâu; bởi anh em chẳng thuộc dưới luật pháp, mà thuộc dưới ân điển.” (Rô-ma 6:14)

Theo 1 Cô-rinh-tô 15:16 “sức mạnh của tội lỗi là luật pháp.” Rô-ma 7 dạy chúng ta rằng chính luật pháp bảo tôi điều không nên làm, lại dấy lên trong tôi ước muốn làm điều đó. Luật pháp là tốt, nhưng tôi là người tội lỗi. Luật pháp không bao giờ thay đỗi bản tính một người. Luật pháp không kiểm soát và không thay đổi được các tội nhân. Luật pháp làm được gì? Luật pháp phơi bày tội lỗi ra. “Sức mạnh của tội lỗi là luật pháp.” Ngay phút bạn nói với một đứa bé, “Đừng làm việc đó!” bạn sẽ thấy nó chuẩn bi để làm ngay việc đó. Tại sao? Tại vì nó có bản tính bên trong lòng không muốn vâng theo luật pháp. “Vậy thì làm sao! Vì chúng ta không thuộc dưới luật pháp, nhưng thuộc dưới ân điển, thì chúng ta sẽ phạm tội hay sao? Chẳng hề như vậy!” (Rô-ma 6:15)

Bạn và tôi phải dâng mình cho Chúa. Ngài sẽ trở thành chủ nhân của đời sống chúng ta. Chúng ta dâng cho Chúa thân thể, tâm trí, và ý chí của chúng ta. Chúng ta để cho lời Chúa thay đổi tâm trí chúng ta, và khi Ngài biến đổi tâm trí chúng ta bởi lời Ngài, thì Ngài dẫn dắt chúng ta bởi Thánh Linh Ngài và chúng ta trở nên tôi tớ của Đức Chúa Trời. Thật là điều vui sướng để được giải thoát khỏi đời cũ và bước đi trong điều Kinh Thánh gọi là “sự tươi mới của đời sống.

Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sau khi anh em làm tôi mọi tội lỗi, thì đã từ lòng vâng phục đạo lý là sự đã ban làm mực thước cho mình! Vậy, anh em đã được buông tha khỏi tội lỗi, trở nên tôi mọi của sự công bình rồi.” (Rô-ma 6:17-18)

Phao-lô đã áp dụng điều này trong câu 19 và 20, “Tôi nói theo cách loài người (tôi dùng thí dụ của người đời), vì xác thịt của anh em là yếu đuối. Vậy, anh em từng đặt chi thể mình làm tôi sự ô uế gian ác đặng phạm tội ác thể nào, thì bây giờ, hãy đặt chi thể mình làm tôi sự công bình đặng làm nên thánh cũng thể ấy. Vả, khi anh em còn làm tôi mọi tội lỗi, thì đối với sự công bình anh em được tự do.” Đó là sự tự do khủng khiếp, có phải không? Chúng ta vốn là nô lệ cho tội lỗi và chúng ta không thể làm các việc công bình. Bây giờ chúng ta ở trong Đấng Christ, công bình trong Chúa, vì thế chúng ta có thể được tự do khỏi tội lỗi.

Phao-lô đã đặt ra một câu hỏi quan trong trong câu 21, “Thế thì anh em đã được kết quả gì? Ấy là quả mà anh em hiện nay đương hổ thẹn.” Hãy suy ghĩ điều này: Bạn có muốn nói, “tôi thích trở lại cuộc đời cũ của tôi” hay không? Tôi hy vọng là không. Đời sống cũ của bạn có phước hạnh gì? Bạn có nhớ làm nô lệ cho tội lỗi đã ra sao không? Mỗi khi bạn bị cám dỗ để trở lại thế gian và phục vụ xác thịt, bạn hãy nhớ lại những gì trong quá khứ. Trong Phục Truyền Luật Lệ ký, Đức Chúa Trời bảo dân Israel hãy nhớ lại luôn rằng họ đã có lần làm nô lệ ở Ai-cập. Điều đáng buồn là mỗi lần dân Israel nghĩ về Ai-cập, là họ nghĩ đến củ hành, củ kiệu. Họ nhớ lại những điều hấp dẫn ở đó. Họ quên những chủ nô, những xiềng xích và ách nô lệ. “Thế thì anh em đã được kết quả gì? Ấy là quả mà anh em hiện nay đương hổ thẹn; vì sự cuối cùng của những điều đó tức là sự chết. Nhưng bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Đức Chúa Trời rồi, thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả, và sự sống đời đời làm cuối cùng.” (Rô-ma 6:21-22) Thật là điều lạ lùng, kết quả là thánh, một đời sống có kết quả tốt.

“Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.” (Rô-ma 6:23) Phao-lô không viết câu này cho những người chưa tin Chúa. Ông viết Rô-ma 6:23 cho các tín hữu trong một hội thánh địa phương. Ngày xưa Sam-sôn đã khám phá ra tiền công của tội lỗi. Khi một tín hữu la cà với tội lỗi, thì tội lỗi sẽ trở thành ông chủ, rồi ông chủ trở nên tên độc tài, và rồi tội lỗi trở thành kẻ hủy diệt. Vua Sau-lơ đã khám phá điều này. Có những tín hữu ở Cô-rinh-tô đã phạm tội và Đức Chúa Trời đã cất mạng sống của họ. Trong 1 Giăng 5:16, chúng ta thấy “có tội dẫn đến sự chết.” Nếu bạn làm việc cho tội lỗi, tội lỗi sẽ trả công cho bạn, và công trả của tội lỗi là sự chết. Nhưng nếu bạn dâng mình làm việc cho Chúa thì “sự ban cho (món quà) của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời qua Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta.” (Rô-ma 6:23). Bạn hãy lựa chọn.

Hãy biết. Biết gì? Biết tội lỗi gán ách nô lệ. Hãy biết Chúa Jesus Christ đã giải phóng bạn khỏi ách nô lệ và bạn phải biết chọn ông chủ của mình.

Hãy kể. Kể rằng những điều Đức Chúa Trời phán trong Kinh Thánh là thật. Hãy tin điều đó.

Hãy phó dâng. Hãy phó dâng thân thể, tâm trí, ý chí, và tấm lòng của bạn cho Chúa. Hãy để Chúa Thánh Linh làm việc trong đời sống của bạn để chiến thắng xác thịt và tạo ra kết quả cho Đức Chúa Trời. Đây là sự phó dâng hằng ngày. Đôi khi đây cũng có nghĩa bạn phải chiến đấu với tội lỗi; bạn có thể bị cám dỗ lại. Bạn có thể có lúc sa ngã. Rồi bạn chỗi dậy và nói, “Lạy Chúa, con xin lỗi, hãy tha thứ cho con!” Chúa tha cho bạn và bạn lại tiếp tục theo Chúa.

Một tác giả danh tiếng đã nói, “Đời sống Cơ Đốc Nhân đắc thắng là một loạt những bắt đầu mới.” Khi bạn dành thời giờ suy gẫm lời Chúa và cầu nguyện, khi bạn thông công với các tín hữu khác, bạn sẽ thấy mình lớn lên trong sự tự do của Đấng Christ. Khi Chúa Jesus chết vì bạn, Ngài không chỉ giải cứu bạn khỏi sự hình phạt của tội lỗi vốn là sự chết đời đời, nhưng Ngài đã chết để giải cứu bạn khỏi chính quyền lực của tội lỗi. Tôi cầu nguyện để bạn có thể kinh nghiệm đời sống kết quả đẹp đẽ và sự tự do quy vinh danh Chúa. Chúa chết không phải để khiến tôi thành nô lệ nữa. Ngài chết để biến tôi thành người con trưởng thành của Ngài.

Bạn hãy đọc Rô-ma 6 và hãy suy nghĩ đến ba lời khuyên đơn giản này: Hãy biết, hãy kể, và hãy phó dâng. Mỗi ngày hãy dâng mình cho Chúa. Sự tự do trong Christ của bạn sẽ giúp bạn tự do khỏi tội lỗi và bạn sẽ đắc thắng Ma Quỷ. Đời sống bạn sẽ quy vinh danh Chúa.

Mục sư Nguyễn Văn Huệ biên soạn theo sách ENJOY YOUR FREEDOM

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn