Thứ Năm , 2 Tháng Năm 2024
Home / Trang Chủ / THẰNG XÂY MỘ

THẰNG XÂY MỘ

Chuyện tôi sắp kể đây cũng đã qua lâu rồi, nhưng mỗi lần nghĩ lại, trong tôi vẫn sống động một cảm giác vô cùng khó tả. Chuyện xảy đến chỉ như một góc nhỏ trong quãng thời gian cuộc đời tôi, nhưng xâm chiếm và đeo đuổi tâm trí lẫn trái tim tôi suốt cuộc đời. Tôi không hiểu sự chọn lựa của Thượng Đế nhưng tôi biết mình không thể làm gì cho cuộc sống này ý nghĩa hơn nếu loại trừ Ngài. Hồi đó, tôi còn thanh niên…

204786_520207731329258_570882003_o

Người ta gọi anh là thằng xây mộ. Anh tầm bằng tuổi tôi, tóc rối, răng vàng, và ăn mặc cũng lôi thôi. Tôi không thích bộ dạng như thế của anh lắm, đến độ tôi cũng không thích tới gần vì anh có mùi hôi nách. Nhưng có một lý do để bây giờ tôi không giống người khác nhìn anh, tôi không thêm chữ “thằng” khi gọi anh, cũng không lãng quên anh như cách thông thường người ta hay lãng quên rất nhiều con người chỉ thoáng ngang qua cuộc đời mình. Với tôi anh cũng chỉ như cơn gió thoáng qua trong đời, nhưng lại là cơn gió thổi vào đời tôi luồng sinh khí mới để giúp tôi vững bước trên con đường hẹp gian nan này.

Lúc tôi vừa học xong năm nhất đại học, thì mẹ mất. Mẹ tôi qua đời vì ung thư. Tôi còn nhớ, chính tôi đã lên khu nghĩa địa để mua đất chôn mẹ mình. Đất nghĩa địa nằm ngay dưới chân núi Hàm Rồng, với vị trí cũng rất đặc biệt.  Một bên là biển, người dân làm muối và nuôi tôm. Bên kia là núi, người ta phát rẫy để trồng trọt. Còn chính giữa là con đường sắt cũ kỹ đến nỗi có những chỗ thanh ray ngang mục nát gần hết, người ta thay thế vào đó những khúc gỗ nguyên khối chắc chắn. Mỗi lần đến nghĩa địa, ai cũng phải băng qua con đường sắt đó. Trước đây chưa có trạm gác, sau này khi về quê thăm mộ mẹ tôi thấy họ đã xây trạm gác có nhân viên với đèn và còi báo đàng hoàng. Tôi chọn một mẩu đất nhỏ gần trung tâm khu nghĩa địa. Đất ở đây cũng có giá của nó, những người có tiền thì chọn gần cổng nghĩa địa vì như vậy họ sẽ dễ dàng viếng mộ hơn và không mất nhiều thời gian đi kiếm (sở dĩ phải đi kiếm vì càng nhiều người qua đời thì mộ càng lấn dần ra ngoài, người ta sẽ khó khăn hơn khi đến viếng mộ người thân).

Tôi đeo khăn tang lương thượng với chủ đất về chỗ mình đã chọn cho mẹ. Tôi là con trai trưởng. Tôi hiểu sự vững vàng của mình lúc này quan trọng như thế nào, tôi nén những bi lụy vào sâu thẳm trong tâm hồn mình và thực hiện cuộc giao dịch đó. Tôi tự nhủ dù đau buồn thế nào đi nữa cũng phải chôn cất thân xác mẹ cho xong xuôi đã. Mấy ngày sau khi chôn mẹ, tôi lên lại khu nghĩa địa, đi lòng vòng khắp xung quanh để tham khảo một kiểu mẫu nào đó phù hợp với ngôi mộ. Nhưng tôi không tìm được, lý do là lúc đó, người Tin lành như gia đình tôi rất ít ỏi trong xóm, mẹ tôi lại mất sớm. Mộ ở đây chỉ toàn mộ của người Phật giáo, họ vẽ rồng, sư tử, tượng chó, hoa sen… chứ không có mộ nào từng được xây cho người Tin lành qua đời.

Buổi chiều hôm đó, tôi đem cây thập giá gỗ cắm trước mộ, mộ chưa xây nên chỉ đơn giản là đống đất vun cao. Tôi cắm thập giá như vậy cũng là để đánh dấu. Tôi thấy lạc lõng và cô đơn trong lòng. Khi mẹ còn sống, chúng tôi là những người tin Chúa duy nhất trong làng. Đến khi chết, cũng chỉ trơ trọi mỗi một mình ngôi mộ mẹ tôi với cây thập giá, giữa một rừng mộ của những người xa lạ qua đời mà không biết Ngài. Thế nhưng, chính điều đó cũng an ủi tôi, mẹ tôi qua đời còn biết đến sự cứu rỗi kia mà, vậy thì còn gì hơn nữa. Vì niềm an ủi đó, tôi chọn câu Kinh Thánh “phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa” để in lên mộ khi nó được hoàn thành. Tôi nghe tiếng gõ cạch cạch từ đằng xa, và chiều hôm đó là lần đầu tiên tôi gặp anh – cũng là người xây mộ cho mẹ tôi.

Tôi tiến gần lại anh trong gió chiều lồng lộng dưới chân núi, tôi còn nhớ khoảnh khắc đầu tiên đối mặt anh. Anh đang cắm cúi dùng bay gõ những viên gạch sao cho thẳng hàng. Mái tóc rối và cứng đơ như vô cảm trước những cơn gió dù có lúc chúng bị thổi mạnh hơn. Một chút rùng rợn len lỏi trong tâm trí tôi khi hình dung một mình anh cô đơn giữa bao la ngôi mộ trong trời chiều.

Anh đang cắm cúi dùng bay gõ những viên gạch sao cho thẳng hàng. Mái tóc rối và cứng đơ như vô cảm trước những cơn gió dù có lúc chúng bị thổi mạnh hơn. Một chút rùng rợn len lỏi trong tâm trí tôi khi hình dung một mình anh cô đơn giữa bao la ngôi mộ trong trời chiều.

-Chào anh! Anh nhận xây mộ phải không?

-Ừ, tôi làm cho chủ đất, có gì anh liện hệ với chủ đất trước đi! – Tôi cảm nhận sự lạnh lùng trong câu trả lời của anh.

-Anh có biết xây mộ kiểu có thập tự giá không? Do gia đình tôi là người Tin lành!  – Tôi hỏi với hy vọng anh ta từng làm một ngôi mộ như thế.

-À, có thập tự giá hả? Tôi chưa làm bao giờ nữa, nhưng anh diễn tả đi rồi tôi làm cho cũng được.

Tôi thành người thiết kế mộ cho mẹ mình, tôi thảo luận với anh về vật liệu và hình dáng cùng với cách trang trí sao cho phù hợp. Trao đổi xong một hồi, anh nhận xét:

-Nếu làm vậy, mộ mẹ anh đơn giản hơn mấy cái khác nhiều rồi – anh hơi bất ngờ khi tôi không muốn trang trí tượng rồng hay búp sen như những cái khác.

-Ừ, anh xây mộ lâu chưa?

-Sáu năm rồi! – Anh ngước mắt, dùng tay vuốt ngược tóc lên, lẩm nhẩm tính trong miệng rồi trả lời tôi như thế.

Chúng tôi im lặng một lát. Tôi chăm chú nhìn anh làm việc. Mặt trời gần xuống núi, chiếu ánh vàng rực trên khắp khu nghĩa địa. Tôi bâng khuâng nghĩ về chuyện sống chết cuộc đời. Tôi đứng thẳng người lên, nhướng mắt nhìn đến tận chân núi, và đoán chừng có đến hơn trăm ngôi mộ đã được xây nên. Tôi nhớ đến sự ngắn ngủi của cuộc sống, tôi cũng không nằm ngoài quy luật đó. Bất kỳ ai cũng được sinh ra tại một lúc nào đó của cõi thời gian dường như vô tận, rồi đến lúc cũng kết thúc tại một nơi bình thường như thế này thôi. Tôi mạnh dạn hỏi anh.

-Anh xây bao nhiêu mộ rồi?

-Không đếm được đâu, tôi cũng không nhớ!

-Anh có nghĩ chết là hết không? – câu hỏi của tôi khơi mào cho một cuộc nói chuyện phức tạp giữa tôi và anh. Tôi tưởng rằng cuộc nói chuyện đó đã được những cơn gió nghĩa địa thổi bay xa vượt cả thời gian để đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in từng câu trả lời của anh.

-Chết là hết chứ sao nữa? Anh thấy trước mắt anh không ? Giàu nghèo hiền dữ gì cũng còn lại nhiêu đây thôi ! Vài cục gạch và vài mét vuông đất! – anh vừa trả lời, vừa lắc đầu, vừa cười nhẹ như khinh nhạo cuộc đời.

Tôi nghĩ đã đến lúc nói anh biết về Thượng Đế, về Chúa, về niềm an ủi mà tôi có được trong đau buồn khi mẹ tôi qua đời. Tôi bày tỏ niềm tin của mình với anh:

-Tôi thì khác. Tôi không nghĩ chết là hết. Tôi tin có Chúa ! Chúa sẽ xét xử công bằng cho mọi người khi họ qua đời – Tôi chân thành nói với anh.

-Anh có thấy ngôi mộ tôi đang làm đây không ? – Anh đáp lại tôi bằng một câu hỏi khác. Anh vừa hỏi tôi vừa lấy tay đặt thêm một viên gạch lên và gõ cạch cạch. Xong anh nói tiếp:

-Đây là mộ bà Hai, bà hiền lành, hay làm từ thiện và giúp nhiều người. Lúc còn sống bả cũng thường hay kêu tôi xây sửa này nọ để kiếm thêm. Bả đột quỵ chết. Tôi hỏi anh bả được lên với Chúa không ?

Tôi không biết trả lời anh làm sao. Câu hỏi của anh như khóa chặt miệng tôi lại. Trong giây lát tôi thấy mình như bị động trước anh, dù mới một phút trước chính tôi là người chủ động khơi mào cho cuộc nói chuyện này. Nếu tôi trả lời không nghĩa là tôi phủ nhận sự tốt đẹp của người đàn bà kia, nếu tôi trả lời có chẳng khác nào tôi phủ nhận sự cứu chuộc chỉ bởi tin Chúa Giê-xu. Không biết nói gì hơn, tôi nói ra những điều tôi biết :

-À… không. Con người không dựa vào những việc lành của bản thân để đến với Chúa được! Chỉ có khi nào anh tin Chúa thôi.

Anh không nói gì nhưng cười nhẹ đáp lại. Tôi biết anh không hề thỏa mãn câu trả lời của tôi chút nào. Chắc chắn là nó không thích hợp cho một người chưa biết gì về Chúa như anh. Còn tôi nhìn thấy sự thiếu sót của chính mình khi không trang bị cho bản thân những tình huống chất vấn niềm tin như thế. Tiếng chim trời chen ngang cuộc nói chuyện giữa hai chúng tôi. Mặt trời càng gần đỉnh núi. Có vẻ như anh đang cố xây cho hết mớ hồ đã trộn. Rồi anh chợt dừng lại, ngẩng mặt, chỉ tay về phía đằng xa :

-Anh thấy cái mộ nhỏ nhỏ đằng kia không ?

-Ờ, thấy, nó nhỏ xíu !

-Nếu Chúa xét xử công bằng, tại sao những đứa nhỏ vừa mới ra đời chưa được sống một giây phút nào và chưa làm điều gì ác cũng phải chết. Chính tay tôi xây đó.

Tự nhiên tôi thấy mình bị anh thuyết phục. Những gì tôi biết về lời Chúa chỉ trên lý thuyết mà không có chút kinh nghiệm thực tế nào. Lúc đó, tôi chưa hiểu nhiều về Chúa như bây giờ nên hầu như chỉ biết bất ngờ và ấp úng trước những lập luận của anh. Anh lạnh lùng và thật dữ dội. Niềm tin vô thần của anh còn mạnh mẽ và đầy sức thuyết phục hơn niềm tin đúng đắn của tôi nhiều lần. Anh tiếp tục tâm sự với tôi :

-Nói thật chứ, tôi xây hơn một nửa số mộ ở cái nghĩa địa này. Công việc hằng ngày của tôi mà, nhiều lúc thấy mình gặp mồ mả người chết còn nhiều hơn gặp người sống. Ai cũng vậy thôi à ! Anh đừng đau buồn quá. Tôi xây mộ cho đủ loại người, nhận ra cuộc đời ngắn ngủi thiệt. Nhiều lúc nghĩ đến lượt mình rồi không biết ai xây ? – Nói xong anh lại cười nhẹ.

Anh nói thế như để kết thúc cuộc nói chuyện giữa hai chúng tôi lại, nhưng tôi không muốn nó qua đi mà anh vẫn cho rằng suy nghĩ của mình đúng. Tôi muốn nhấn mạnh lại lần nữa niềm tin của mình, nên bày tỏ chân thành cảm xúc của tôi :

-Cảm ơn anh ! Đúng là đau buồn lắm, nhưng tôi tin vào Chúa nên biết chắc mẹ tôi sẽ yên nghỉ, dù sao tôi cũng có niềm an ủi.

-Mẹ anh sao qua đời ? – Anh hỏi tôi.

-Bị ung thư. – Tôi trả lời.

-Không biết nói gì với anh, nhưng nếu Chúa là thật sao lại để cho trên đời có bệnh ung thư quái ác. Nhiều lúc thấy cuộc đời nay sống mai chết đúng là vô nghĩa, nhưng nghĩ về Chúa như anh tôi vẫn không thấy an ủi nào. Tôi nói thẳng thắn đó.

Chính những lời thẳng thắn của anh đã giúp tôi nhìn nhận lại niềm tin của mình. Tôi không trả lời dứt khoát được ba câu hỏi của anh. Tôi chưa từng tự trả lời những vấn đề như thế. Chỉ đơn thuần tôi chấp nhận nó bằng cảm xúc của một người biết mình nhỏ bé tin vào Đấng Tối Cao mà không dùng lý trí để hiểu Ngài thật như chính Ngài. Và anh đã gieo vào lòng tôi những nghi ngờ. Nhưng tôi không chấm dứt niềm tin của mình bằng những nghi ngờ, tôi dùng những nghi ngờ đó để bắt đầu cho những tháng ngày sống và tìm hiểu về Chúa. Chúng tôi dừng cuộc nói chuyện ở đó, và chấp nhận rằng những lý lẽ biện hộ cho quan niệm sai trật của anh đã thắng những chân lý mà tôi được học. Thế nhưng, tôi cũng cố gắng bày tỏ lòng nhiệt thành của mình bằng cách tặng anh cuốn Kinh Thánh Tân Ước và sách chứng đạo nhỏ. Dầu vậy tôi cũng không hy vọng lắm về việc anh sẽ quan tâm và đọc nó. Tôi viết vội câu Kinh Thánh mình đã chọn để ghi trên mộ mẹ ra giấy và đưa anh.

-Anh nhớ giúp tôi nhé, khắc câu này lên phần trên của tấm bia!

-Ừ, được rồi! Anh về trước đi, tôi xây cho xong chỗ hồ đã trộn này đã.

Mặt trời khuất sau đỉnh núi hết một nửa. Ánh sáng tắt dần trả lại khu nghĩa địa bầu không khí u ám vốn có của nó. Tôi ra về mang theo trong lòng những câu hỏi của anh. Dù sao đi nữa tôi cũng đã cố gắng làm chứng cho anh nhưng thất bại. Tôi suy xét lại chính mình. Tôi tự nhủ sẽ tìm câu trả lời cho những vấn đề đó để một ngày không xa tôi sẽ trở lại và nói chuyện với anh.

***

Thế rồi, anh giúp tôi xây xong mộ. Anh nhắn ông chủ đất gọi điện bảo tôi lên xem câu Kinh Thánh anh đã gắn vào. Tôi chợt phát hiện ra chiều hôm nói chuyện với anh, do ghi vội nên tôi quên không ghi địa chỉ trong tờ giấy đưa cho anh.

-Ái chà, quên mất, tôi quên địa chỉ cho nó rồi ! – Tôi tặc lưỡi

-Địa chỉ gì nữa ? – Anh hỏi.

-Ý tôi là địa chỉ cho câu Kinh Thánh, nó nằm ở sách nào, đoạn nào, câu nào đó mà. Người Tin Lành thường ghi địa chỉ sau câu Kinh Thánh mà hôm trước tôi lại quên.

-Giờ sửa hơi khó do tôi canh lề nó khít rồi, muốn thêm chắc phải đập bỏ vài viên gạch rồi làm lại tấm khắc khác.

-Thôi không sao! Vậy cũng được, cảm ơn anh nhiều.

Tôi đành chấp nhận thiếu sót đó. Xong xuôi chuyện an táng cho mẹ, tôi vào lại thành phố học tiếp chương trình đại học. Từ đó tôi không còn gặp anh nữa. Tôi tiếp tục cuộc sống của mình và mong muốn được kinh nghiệm nhiều hơn những từng trải trong đời. Tôi cũng học cách không im lặng trước những vấn nạn của niềm tin nhưng cố gắng đối diện với nó. Tôi cảm ơn anh đã khơi dậy trong tôi những hoài nghi để giúp tôi có động lực trưởng thành hơn. Tôi đầu tư cho mình một nền tảng vững chắc trong lời Chúa, cộng với những tri thức nhân loại đủ khiến tôi tự hào với mọi người xung quanh. Và vẫn còn một ước ao không hề nguôi ngoai, là một ngày nào đó tôi trở về khung cảnh xưa để tiếp tục cuộc nói chuyện dang dở với anh. Tôi sẽ tìm gặp anh trong một vị thế khác. Khi tôi đã đủ tự tin để xua tan những nghi ngờ trong chính mình và có thể giúp hóa giải những hoài nghi của tha nhân về Thượng Đế. Tôi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành ngoại ngữ sau sáu năm học. Quyết định thực hiện ước ao khi xưa của mình, tôi trở về tìm anh.

***

Tôi ngỡ ngàng vì số lượng mộ được xây nên sau nhiều năm. Cũng có có vài lần tôi đã về thăm nhưng có vẻ như không có duyên gặp anh. Lần này tôi quyết tìm anh cho bằng được. Tôi tìm ngôi mộ của mẹ mình một cách khó nhọc. Mộ mẹ đã cũ, câu Kinh Thánh có vài nét đường xi măng trắng bị mờ và không hề có địa chỉ. Tôi bâng khuâng nhớ lại lần nói chuyện cuối cùng khi tôi giải thích cho anh hiểu địa chỉ câu Kinh Thánh nghĩa là gì. Tôi còn chuẩn bị cho mình câu trả lời cho những vấn đề anh đặt ra lúc xưa, và lòng nôn nóng muốn tiếp tục cuộc nói chuyện đã ám ảnh tâm trí tôi suốt thời gian qua. Buổi nhiều ngày tôi trở lại có vẻ như không có gì thay đổi so với tất cả những buổi chiều ở khu nghĩa địa này. Vẫn bầu không khí đó, những cảm giác đau buồn ngày xưa chôn mẹ trở về trong tôi hòa lẫn với một chút hào hứng gặp lại người quen cũ. Tôi nhoẻn miệng cười. Đôi mắt mong muốn được gặp lại mái tóc rối cứng đơ của anh luôn luôn vô cảm trước những cơn gió mạnh. Bỗng, tiếng cạch cạch đó phát ra đâu đây, xa lạ và thân thuộc. Tôi nhìn quanh để định hướng cho mình, có lẽ anh đang tiếp tục công việc như ngày nào. Những cơn gió nghĩa địa ở đây làm rối tung mọi thứ âm thanh khiến tôi không biết nó phát nguồn từ đâu. Rồi tôi chợt hình thấy ngôi mộ bà Hai. Như một phản xạ thân quen, tôi nhướng cổ về phía đằng xa hơn, nơi có những ngôi mộ nhỏ xíu của mấy đứa trẻ con chưa sống được ngày nào. Tôi tưởng tượng lại hình dáng anh đứng đó, lạnh lùng và cũng thật dữ dội, tôi nhớ lại những lập luận của anh để phủ nhận Thượng Đế. Không hiểu sao tất cả cứ tỏ tưởng như một thước phim sống động lạ lùng. Tôi thấy anh rồi ! Lại đang đặt những viên gạch lên rồi dùng bay gõ cạch cạch. Tôi len lỏi qua những ngôi mộ để bước vội về phía anh.

-Chào anh ! Còn nhớ tôi không ?

-Ờ, chào !

Tôi hụt hẫng khi khuôn mặt kia ngẩng lên nhìn tôi. Không phải anh mà là một thanh niên khác.

-Ủa, xin lỗi, tôi nhầm người, tôi muốn tìm anh xây mộ, tóc rối !

-Thằng Quắn đó hả ?

-Ờ tôi không biết tên ! – Tôi sực nhớ ra mình chưa từng hỏi tên anh. Khi nhìn nhận lại mọi việc, tôi hiểu ra mình hơn một chút. Trong cuộc nói chuyện buổi chiều năm đó, điều tôi quan tâm duy nhất là những lập luận lý lẽ của anh mà không phải là chính con người anh. Tôi tự trách mình lẽ ra phải hỏi han anh. Ít nhất cũng là cái tên chứ nhỉ. Tôi nhận thấy mâu thuẫn của chính mình khi đến với người khác, muốn hiểu người khác mà lại không quan tâm đến chính bản thân họ hơn là những lời nói bên ngoài của họ.

Người thanh niên xa lạ kia ngước mặt lên cao hơn như để nhìn tôi cho rõ.

-Nó chết rồi !

-Anh nói sao ?

-Xe lửa cán !

-Cái gì ?

-Thì đó, nó chết xong mấy ổng mới chịu xây cái trạm gác, chứ mấy đứa nhỏ chiều nào cũng chơi banh chỗ đó nguy hiểm quá.

Tim tôi đập dữ dội trong lồng ngực. Không giống như cảm giác đau buồn khi người thân mình mất, cũng không giống cảm giác thảng thốt, bàng hoàng khi nhận một cú sốc ngoài mong đợi. Tất cả như là xót xa, nhức nhối, không quá mạnh mẽ nhưng cũng khiến tôi đau lòng. Anh vẫn chưa biết gì về Chúa Giê-xu, tôi vẫn chưa nhắc đến danh xưng đó cho anh nghe. Tôi càng không hy vọng gì lắm một người chống đối kịch liệt như anh chịu mở ra những trang sách chứng đạo và Kinh Thánh tôi tặng. Vậy là tôi mất anh mà không một niềm an ủi nào. Tôi tự trách mình có phải lỗi tại tôi đã mất quá nhiều thời gian để có đủ  tự tin tiếp tục cuộc nói chuyện với anh không? Nghe xong lời nói của anh thanh niên xa lạ, tôi đưa tay che miệng như một hành động vô thức khi người ta quẫn trí không biết phải làm gì. Tôi cố giữ lòng mình bình tĩnh hỏi anh thanh niên :

-Chôn ở đâu ?

-Ở nghĩa địa này chứ đâu, tôi theo nó học nghề được nửa năm thì nó chết, giờ mộ ở đây đến lượt tôi xây, mộ nó tôi cũng xây.

-Dẫn tôi tới đó được không ?

-Chờ chút ! – Anh thanh niên bỏ bay xuống đống hồ, rửa vội đôi tay rồi dẫn tôi về phía cuối khu nghĩa địa.

Chúa sử dụng những tình tiết nhiêu khê của cuộc đời dể dạy tôi trưởng thành. Đôi khi Chúa đem đến những bất ngờ và cả những cú sốc để chứng minh tôi không phải là ông chủ của cuộc sống mình. Tôi biết điều đó. Thậm chí có khi, tôi nghĩ mình đã rút ra bài học hay cho bản thân nhưng thực sự nó chưa phải là điều quan trọng cuối cùng Chúa muốn nhắc nhở. Tôi mang trong mình lòng tự tin khi tranh luận về niềm tin với người khác ngay cả những người vô thần. Và đó là sai lầm lớn trong đời tôi. Ban đầu, Chúa đem anh đến và chỉ thoáng qua những ngày tháng trên đất của tôi để thôi thúc tôi tìm hiểu về Ngài. Rồi sau nhiều năm tôi trở lại, tôi cứ tưởng mình học được bài học hay về tầm quan trọng của việc trang bị niềm tin. Nhưng thực chất, đó không phải là điều cuối cùng Chúa muốn dạy tôi. Tôi vỡ òa trong nước mắt khi nhận ra: điều quan trọng Ngài muốn tôi phải khắc ghi là chính quyền năng thuyết phục của lời Chúa chứ không hề là kiến thức về niềm tin của chính mình. Tôi đứng trước ngôi mộ của anh với tất cả niềm ngỡ ngàng, xúc động, ăn năn, vui mừng, đau xót… những cảm xúc trái chiều nhau nhưng vô cùng hợp lý. Sở dĩ nó hợp lý là vì hình dáng ngôi mộ của anh làm rúng động cả trái tim tôi đến cuối đời.

-Anh xây ngôi mộ này sao ?

-Ờ, lúc còn sống nó cứ lo khi chết không ai xây, nó dặn phải xây mộ sao cho giống y chang mộ của cái bà kia kìa ! – Anh nói và chỉ tay về hướng mộ của mẹ tôi.

thangxaymo

Tôi ngước nhìn cây thập tự trên mộ anh in trên nền trời xanh nhiều mây trắng. Nhìn xuống phía dưới tấm bia, tôi sững sờ thấy câu Kinh Thánh đó mà hai hàng nước mắt tôi chảy dài như điều dĩ nhiên của Tạo Hóa. Anh không biết cách ghi địa chỉ của người Tin Lành với dấu hai chấm, mà ghi rõ ràng như cách khi xưa tôi giải thích cho anh: Sách Khải Huyền đoạn 14 câu 13. Làm thế nào mà một người chưa từng đi nhà thờ có thể biết địa chỉ của một câu nằm ở sách Khải Huyền nếu anh không đọc cho đến cuối Kinh Thánh. Tôi không biết bằng cách nào, có thể đã có ai đó hướng dẫn anh hoặc thế nào đi nữa cũng không còn quan trọng. Nếu tôi nghĩ năm xưa mình từng gặp một người sống, giờ trở về với sự chết thì thật sai lầm. Phải nói ngược lại rằng: Tôi đã từng gặp một người chết, và giờ anh đã thật sự sống trong ngày tôi trở về. Cuốn Kinh Thánh tôi tặng anh đã được Chúa dùng để thuyết phục con người anh, chứ không hề là những năm tháng nỗ lực của tôi để có đủ tự tin tranh luận với anh. Bây giờ tôi mới thấy mình thất bại ê chề. Thất bại vì lại nhận ra dù nhiều năm đã qua nhưng mình vẫn còn thiếu hiểu biết Chúa và không biết ý định lựa chọn của Chúa trong việc chinh phục tha nhân.

-Anh là người quen của nó hả ? – Anh ta thấy tôi khóc nên hỏi thế.

-Không, chúng tôi là anh em – Tôi trả lời với ý nghĩa công nhận anh như một người anh em trong niềm tin nơi Thượng Đế.

Mặt trời gần xuống núi, chiếu ánh vàng rực trên khắp khu nghĩa địa. Khung cảnh khi xưa lại trở về. Tôi quay sang hỏi anh thanh niên câu hỏi ấy:

-Anh có nghĩ chết là hết không ?

VI VI   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn