Thứ Bảy , 27 Tháng Tư 2024
Home / Trang Chủ / ƠN CÀNG THÊM ƠN

ƠN CÀNG THÊM ƠN

Anh em chớ để cho mọi thứ đạo lạ dỗ dành mình; vì lòng nhờ ân điển được vững bền, ấy là tốt, chớ không phải nhờ đồ ăn, là sự chẳng ích chi cho kẻ làm như vậy” (Hê-bơ-rơ 13:9)

Hội Thánh mà tôi quản nhiệm có một vị trí đặc biệt trong ân điển của Đức Chúa Trời. Chúng tôi nhận thấy rằng, nếu không nhờ vào ân điển của Chúa thì không một ai trong chúng ta có một cơ hội nào. Chúng ta cần ân điển của Chúa trong đời sống mình. Chúng ta cần nó mỗi ngày. Chúng ta được kinh nghiệm nó và chúng ta được cứu rỗi cũng chính vì ân điển. Vì thế nên chúng ta luôn đứng ở trong ân điển. Chúng tôi tin cậy vào ân điển và tình yêu của Chúa để tìm cách phục hồi đức tin của những người bị sa ngã.

Có những Hội Thánh bị thiếu hụt về ân điển của Đức Chúa Trời. Thường thì họ rất khó khăn, không được uyển chuyển, và  có những qui định gắt gao, nhưng lại không có chỗ  cho ăn năn và phục hồi. Anh không thể tưởng tượng được những sự khiển trách mà tôi phải chịu  vì chỉ muốn giúp người khác được hồi phục. Mỗi khi tôi thấy một đầy tớ Chúa bị sa vào bẫy của ma quỷ, tôi lấy làm tức giận với quỷ Sa-tan là kẻ luôn rình mò để cướp đi những người đắc lực hầu việc Chúa. Chúng tôi chú trọng rất nhiều vào ân điển của Chúa. Chúng tôi tin rằng Kinh Thánh dạy biết về Đức Chúa Trời là Đấng rất nhân từ. Đó là đặc điểm chính yếu mà Chúa đối xử với nhân loại. Vì nếu Ngài không là một Đức Chúa Trời nhân từ, thì không một ai trong chúng ta có thể sống được! Tất cả chúng ta đều cần đến ân điển và sự nhân từ của Đức Chúa Trời. Mỗi khi tôi cầu nguyện, tôi không bao giờ đòi hỏi Chúa về sự công bình của Ngài được áp dụng để phán xét tôi, ngoại trừ tôi cầu nguyện về người khác. Nhưng khi tôi cầu nguyện cho chính tôi, thì luôn luôn là, “Ân điển!” hoặc là, “Thương xót, Chúa ơi, thương xót! Thương xót con Chúa ôi! Chúa hãy đối xử công bình với kẻ làm hại con, nhưng với con, Chúa ôi con muốn sự nhân từ của Ngài.” Như vậy tôi có khách quan không?

Hãy nhớ là khi đã nhận được sự nhân từ, cũng như đã nhận được ân điển từ Chúa, thì Chúa đòi hỏi rằng chúng ta cũng phải bày tỏ sự nhân từ, và ban  sự thương xót cho kẻ khác. Ngài phán rằng, “ Phước cho những kẻ hay thương xót vì sẽ được thương xót!” (Ma-thi-ơ 6:15)

Trong sách Ma-thi-ơ 18, Chúa Jesus cho một ẩn dụ về sự cần thiết của sự tha thứ. Chúng ta thấy một người chủ bỏ qua cho người làm công của ông là 16 triệu đô-la. Nhưng người làm công của ông đi ra và đòi nợ một người khác thiếu ông ta chỉ 16 đô-la mà thôi, và bắt ông này bỏ tù vì không có tiền trả. Người chủ bèn gọi đầy tớ mình vào và nói, “ Hỡi đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi cầu xin ta; ngươi há lại chẳng nên thương xót bạn làm việc ngươi như ta đã thương xót ngươi sao? Chủ nổi giận, phó nó cho kẻ giữ ngục cho đến khi nào trả xong hết nợ” (Ma-thi-ơ 18:23-35)

Nếu chúng ta đã được tha thứ nhiều thì đương nhiên chúng ta cũng phải tha thứ nhiều! Khi đã nhận được sự thương xót của Chúa, chúng ta cần bày tỏ sự thương xót của Chúa đến những người bị sa ngã. Chính tôi cần ơn của Chúa mỗi ngày. Tôi sống trong ân điển của Đức Chúa Trời. Tôi đã được cứu bởi ân điển Ngài, chứ không phải bởi công đức, thế nên sự vinh hiển thuộc về Chúa qua những gì Ngài đã làm. Tôi không thể khoe khoang về những gì tôi đã làm vì tôi chẳng làm được điều chi. Vì chẳng phải bởi sự công bình của việc làm nhưng bởi ân điển Ngài mà chúng ta được cứu. Đây chính là một đề tàì chính mà chúng ta thấy suốt trong Tân Ước. Và chính đề tài này chúng ta đang nhấn mạnh.  Rô-ma và Ga-la-ti là những sách quan trọng bởi vì cả hai bày tỏ trực tiếp về ân điển của Đức Chúa Trời và sự công bình bởi đức tin. Đây là điều đối nghịch  với sự tự xưng công bình bởi những điều đạt được qua công đức và gìn giữ luật pháp.

Chúng tôi tin cậy trong sự tìm kiếm để phục hồi những người đã bị sa ngã như Phao-lô đã dạy cho tín đồ Ga-la-ti rằng, “ Hỡi anh em, ví bằng có người nào bị sa ngã, anh em là kẻ mạnh mẽ trong đức tin, hãy lấy lòng mềm mại mà phục hồi họ lại; anh em lại phải xem xét chính mình, e cũng bị dỗ dành chăng!” (Ga-la-ti 6:1). Tôi tạ ơn Chúa vì tôi thường nhận lãnh sự thương xót của Ngài, nên tôi hay tìm cách để ban lại cho kẻ khác.

Tôi hay tức giận với quỷ Sa-tan khi tôi nghe có một người có ơn hầu việc Chúa bị sa ngã. Những người được nhiều ân tứ và nhiều tài năng ở trong Chúa hình như là mục tiêu cho Sa-tan. Tôi không muốn để cho Satan được chiến thắng. Tôi cố gắng khôi phục những người này cho nước thiên đàng để họ có thể dâng tài năng cho Chúa.

Trong cuộc đời tôi, tôi cũng có cơ hội phục hồi nhiều người. Điều này đối với tôi thật thú vị. Tôi thích lấy những gì cũ kỹ hư nát mà tạo nên những  đẹp đẽ từ nơi chúng. Tôi có một chiếc xe hơi cũ năm 1957 hiệu Ford Skyliner. Nhưng  nếu bạn thấy nó khi tôi mới mua nó về, nó giống như môt đống sắt vụn. Nhưng sự thỏa thích là lấy những gì giống như vậy mà bỏ thời gian ra với nó, tháo ra từng mảnh, lau chùi, đánh bóng, sơn nó lại, và ráp nó lại với nhau, rồi thì cuối cùng nhìn thấy được cái vẻ đẹp tuyệt mỹ được tạo ra từ đống sắt vụn kia. Đó là điều vui mừng và thỏa nguyện. Tôi cũng thích sửa sang lại những ngôi nhà cũ. Con gái tôi thường mua lại những ngôi nhà cũ nát, gọi tôi và bảo, “Bố ơi, đến đây con chỉ cho cái này.” Tôi rất thích sửa sang lại những ngôi nhà cũ nát này và làm nên nó thành những ngôi nhà đẹp đẽ,  hiện đại trở lại. Và cũng như thế, cậy ơn Chúa chúng ta phải làm mới lại những đời sống mà Sa-tan đã làm tan nát.

Tôi rất thích sửa sang lại những ngôi nhà cũ nát này và làm nên nó thành những ngôi nhà đẹp đẽ, hiện đại trở lại. Và cũng như thế, cậy ơn Chúa chúng ta phải làm mới lại những đời sống mà Sa-tan đã làm tan nát.

Tôi rất thích cải tiến, sửa đổi, và gây dựng những đời sống đã bị hư hỏng. Trước kia, nhiều mục sư của Hội Thánh Calvary rất hư hỏng. Nhưng bây giờ Chúa đã phục hồi họ, và hãy nhìn vào sự thịnh vượng và giá trị được thể hiện qua đời sống họ. Đó là công việc tuyệt vời của Chúa ngày hôm nay. Những gì thế gian đã sa thải và cho là tuyệt vọng thì đã được biến đổi thành những công cụ đáng giá, dâng vinh hiển cho Chúa.

Chúng ta nhận lãnh sự tha thứ,  chúng ta cần phải tha thứ. Nhận lãnh sự nhân từ chúng ta phải bày tỏ sự nhân từ. Nhận lãnh sự thương xót chúng ta cần phải thương xót. Bày tỏ và phát triển ơn của Chúa là một phần rất quan trọng của Hội Thánh Calvary.

Theo Phúc âm Giăng chương tám, chúng ta thấy có một câu chuyện đáng chú ý. Sau khi Chúa vào trong đền thờ, và trong câu hai, khi Chúa ngồi xuống và bắt đầu dạy, bất thình lình, sự giảng dạy của Chúa bị gián đoạn bởi một sự xáo động bằng sự khóc lóc nức nở. “Bấy giờ, các thầy thông giáo và các người Pha-ra-si dẫn lại cho Ngài một người đàn bà đã bị bắt đang khi phạm tội tà dâm; họ để người giữa đám đông, mà nói cùng Đức Chúa Jesus rằng: “Thưa thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang về tội tà dâm” (Giăng 8:3-4).

Kẻ thù nghịch  Chúa Jesus luôn cố gắng vặn vẹo lời giảng dạy của Chúa để ngược lại với lời của Môi-se. Con người lúc đó thường nhận thức rằng chính Môi-se là công cụ đã đem luật pháp Chúa đến với họ. Đương nhiên là không có sự thắc mắc nào về sự ủy quyền của Môi-se, đương nhiên ông là tiếng nói của Chúa.

Nếu Chúa Jesus nói một điều gì trái ngược với luật pháp của Môi-se, thì Chúa Jesus không thể nào tự gọi mình là Đức Chúa Trời được. Nhưng Chúa không nói điều gì. Ngài cúi xuống và dùng ngón tay viết ra trên đất ra vẻ như Ngài không nghe gì họ. Thử xem Ngài viết gì trên đất? Tôi thật không biết, nhưng có lẽ Ngài viết là, “Còn người đàn ông đâu?” Vì họ đã nói rằng, “Chúng tôi bắt gặp bà này quả tang.” Đương nhiên họ không thể nào bắt gặp quả tang bà này và cũng không biết tên người đàn ông kia luôn. Chiếu theo luật pháp của Môi-se thì cả hai đều bị ném đá. Vậy nếu họ thật sự muốn áp dụng luật pháp Môi-se, họ đã phải kéo cả tên đàn ông kia luôn. Có lẽ tên nọ là một người bạn trong họ nên họ thả tên ấy đi. Thì đây không thật sự là công bình.

Đương nhiên họ không thể nào bắt gặp quả tang bà này và cũng không biết tên người đàn ông kia luôn. Chiếu theo luật pháp của Môi-se thì cả hai đều bị ném đá. Vậy nếu họ thật sự muốn áp dụng luật pháp Môi-se, họ đã phải kéo cả tên đàn ông kia luôn. Có lẽ tên nọ là một người bạn trong họ nên họ thả tên ấy đi. Thì đây không thật sự là công bình.

Những kẻ thù nghịch Chúa Jesus rất tức giận. Chúa chỉ vẽ dưới đất như là Chúa không để ý gì đến họ. Bởi thế họ càng hỏi tới, cuối cùng “Vì họ cứ hỏi nữa, thì Ngài ngước lên và phán rằng: Ai trong các ngươi là người vô tội, hãy trước nhất ném đá vào người”. Một lần nữa Ngài lại viết trên đất. Lần này tôi nghĩ là tôi biết Ngài viết gì. Có lẽ là Ngài viết những tên của những người đàn ông đang đứng trước mặt Ngài đã buộc tội người đàn bà kia, bắt đầu từ kẻ lớn nhất. Tôi nghĩ là Ngài liệt kê những tội lỗi mà người lớn tuổi này đã phạm. Có thể ông này có một cô bồ khác. Chúa bắt đầu ghi chi tiết những điều mà họ đã liên hệ với nhau. Và cuối cùng người đàn ông này nói “Ô, tôi nhớ là bà xã tôi nhắc tôi phải về sớm ngày hôm nay. Tôi phải về ngay” Và sau đó ông ta lìa khỏi chỗ đó và bỏ đi. Chúa lại bắt đầu viết xuống những điều của một người khác đã làm cho đến khi ông đó cũng bỏ đi. Từng người một tiếp tục từ người lớn nhất cho đến người nhỏ nhất, cho đến cuối cùng thì không ai còn ở đó nữa. Lúc đó Chúa đứng dậy và nhìn thẳng đến người đàn bà kia và phán rằng, “ Hỡi đàn bà kia, những kẻ cáo ngươi ở đâu? Không ai định tội ngươi sao? Người thưa rằng: Lạy Chúa, không ai hết. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta cũng không định tội ngươi, hãy đi, đừng phạm tội nữa” (Giăng 8:10-11)

Lời phán tuyệt vời của Chúa Jêsus: “Ta cũng không phán xét con đâu; hãy ra đi và đừng sống trong tội lỗi nữa”.

Khi có một tai nạn xe cộ, những chiếc xe đụng nhau nằm ngỗn ngang và nhiều người bị thương tích, máu chảy trên đường, thì thường có hai loại xe hú còi chạy đến. Loại thứ nhất  là  xe của cảnh sát, trách nhiệm của họ là làm thế nào để cho giao thông vẫn tiếp tục tiếp diễn. Sau đó họ lấy một cuốn tập để ghi chú về những chỗ nằm của xe, họ đo những đường trầy trên đường và sau đó họ bắt đầu khai thác các chứng nhân. Công việc của họ là tìm kiếm xem ai là người có lỗi. Ai là người sẽ chịu trách nhiệm. Điều chính yếu của họ là tìm xem người gây tai nạn, đã phạm luật nào dẫn đến ra tai nạn này.

Traffic accident.
Traffic accident.

Còn một loại xe khác là xe cứu thương, họ đến và không cần biết ai là người có lỗi. Họ thấy những người nằm chảy máu trên dường. Bổn phận của họ là phục vụ cho những người này. Họ đo nhịp tim, băng bó, xem họ có bị gãy xương không, đem họ lên xe cứu thương. Họ không quan tâm ai là người có lỗi, họ không đến đó để mà đổ lỗi, nhưng họ đến đó để giúp đỡ những người bị thương.

Cũng như vậy, có hai loại người mà tôi nhận thấy ở trong Hội Thánh. Một số người có bản tánh giống như những người cảnh sát vậy, họ soi mói vào đời sống của những người khốn khó, và họ bắt đầu áp dựng luật pháp trên người này, họ hành xử như một công tố viên: “Anh có quyền được im lặng, và bất cứ những gì anh nói có thể dùng làm bằng chứng để xử lý anh.” Họ đến để  áp dụng luật pháp và tìm kiếm những lỗi lầm. Ai là người có lỗi và họ sẽ truy tố người đó.

Nhưng rồi thì cũng có những người trong Hội Thánh là những người có bản tính giống như những người làm công việc cấp cứu. Họ không nghĩ gì về ai là người đã sai luật pháp, nhưng họ tìm cách để hàn gắn lại những mất mát. Tôi có thể giúp được gì? Có cách nào mà chúng ta có thể giúp đỡ những người khốn cùng, làm cách nào chúng ta có thể xoa dịu những nỗi đau?

Trong Giăng 8 cho ta thấy trường hợp những người Pha-ri-si. Họ mang luật pháp ra áp dụng: “Luật pháp của chúng tôi nói là phải ném đá bà này, Còn Ngài thì bảo sao?” Nhưng Chúa Jesus chú tâm đến người đàn bà này để giúp đỡ bà ấy, hàn gắn cuộc đời của bà ấy lại, chứ không phải là để xét đoán, “Ta không phán xét con đâu.” Chúa mong muốn là  phục hồi cuộc đời của bà.

Chúng tôi luôn giúp đỡ những người bị đau khổ. Chúng tôi muốn thấy họ được phục hồi, giúp họ tái lập lại cuộc đời. Giăng nói với chúng ta rằng là luật pháp đến với Môi-se nhưng ân điển và lẽ thật đến với chúng ta qua Chúa Cứu Thế Jesus. Nếu tôi là người hầu việc Chúa Cứu Thế Jesus thì tôi phải bắt buộc phải hầu việc bằng sự thương xót. Khi nhìn vào công việc Chúa ở trong các Hội Thánh, chúng ta thấy có nhiều người sử dụng luật lệ của Môi-se trong công việc Chúa. Họ rất nghiêm nghị và khắt khe. Khi một luật lệ đã bị phạm thì chính họ sẽ nêu ra đúng chính xác là điều luật nói gì. Và như thế, chúng ta thấy được Chúa nói rằng, “Ai là kẻ không phạm tội thì hãy ném đá trước,…ta cũng không đoán xét con.

Sự vui mừng của chúng tôi là đã có thể phục hồi nhiều người đã bị xét đoán bởi luật pháp. Tôi tin rằng trước khi sự phục hồi được thể hiện thì sự ăn năn phải có. Tôi cũng tin rằng luật pháp là một phương pháp để đem con người đến với Chúa Cứu Thế Jesus. Có những người chưa ăn năn thì luật pháp còn tác dụng trên họ, đương nhiên luật pháp có tác động riêng của nó. Luật pháp là trọn vẹn, công chính, và tốt, nếu áp dụng theo đúng nghĩa. Nhưng tôi nghĩ, đôi khi chúng ta lại quá cố chấp và muốn sự đoán phạt nghiêm chỉnh của luật pháp, mặc dầu người ta đã ăn năn vì chúng ta không muốn phục hồi họ. Chúa Jesus luôn bày tỏ ân điển và lẽ thật. Chúng ta nên luôn luôn tìm kiếm sự phục hồi, nhưng chúng ta cũng không quên rằng ăn năn là chính yếu.

Một điều tuyệt vời là khi nhìn thấy một cuộc đời bơi lội trong khổ đau đã được trở nên tốt đẹp trở lại ở trong nước Đức Chúa Trời. Nhưng tình yêu thì có thể bị lợi dụng. Tôi có thể  tha thứ cho một người nào đó và bày tỏ tình yêu với họ. Có thể là sự ăn năn của họ không thật lòng. Cũng có thể họ có mưu tính theo ý riêng mình. Tôi có lần bày tỏ sự thương xót cho nhiều người, mặc dầu họ vẫn không thay đổi và vẫn sống đời sống trong tội lỗi. Và cũng chính họ sau này đã làm hại tôi. Tôi biết tôi không hoàn hảo. Tôi lầm lẫn trong sự phán đoán mình và đã bày tỏ sự thương xót cho những người mà họ không thật sự ăn năn về những tội lỗi họ.

Có lần tôi đưa một người vào trong chức vụ, vì nghĩ là người đó đã ăn năn thật, nhưng sau đó người ấy vẫn đi vào con đường cũ, tôi đã cho anh ta có cơ hội. Nhưng tôi đã sai. Và trong tương lai, có lẽ tôi còn lầm lỡ nữa. Tôi muốn sự lầm lỡ của tôi nghiêng về phía thương xót hơn là về phía xét đoán của luật pháp.

Ở trong Ê-xê-chi-ên 34, Chúa quở trách những người chăn chiên. Vì họ đã để cho những con chiên đi lạc mà không tìm kiếm chúng nó. Chúa có lời quở trách nặng nề đối với những người chăn chiên mà không thật sự chăm sóc, lo lắng và phục hồi những con chiên đi lạc. Tôi tin rằng Chúa sẽ đối xử thật nhân từ với tôi trong những sai lầm về sự thương xót mà tôi đối với người khác hơn là nếu tôi đã đối xử với họ theo đường lối phán xét định tội một người nào đó mà đã được Chúa tha thứ và bỏ qua.

Có những câu Kinh Thánh đã cảnh cáo chúng ta về sự phán đoán người khác. “Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét” ( Ma-thi-ơ 7:1) Chúng ta tự đặt để cho mình vị trí nào khi chúng ta phán đoán người khác? “ Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc của chủ nó; song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng” (Rô-ma 14:4). Tôi rất sợ khi tôi sai lầm nghiêng về phía phán xét, đặc biệt là khi phán xét một người nào đã thật sự ăn năn. Tôi rất sợ khi rơi vào chỗ phán xét cách sai lầm. Thế nên nếu tôi có sai, tôi muốn được sai lầm về phía thương xót bởi vì tôi biết rằng Chúa sẽ có nhiều sự thương xót trên tôi hơn là nếu khi tôi phán xét một người nào đó một cách sai lầm. Tôi không muốn điều đó rơi vào tôi.

Rất dễ cho chúng ta rơi vào sự nghiêm khắc của luật pháp. Chúng ta cần phải thận trọng về phương diện này. Cẩn thận khi phải đưa ra quyết định một cách cứng rắn. Tôi có kinh nghiệm nhiều lần, khi một người quá nặng nề về phía Thần học cải chánh  thì họ rất nặng nề về tính nghiêm khắc của luật pháp. Họ muốn là chữ ‘T’ thì phải có gạch ngang, còn  chữ ‘i’ thì phải có dấu chấm. Thần học cải chánh có những điểm bén nhọn giống như con nhím vậy. Khi mình ôm quá chặt thì sẽ bị đâm vào người!

Có nhiều người không thích quan điểm của tôi, vì họ  thấy là đôi khi tôi lướt qua một vài câu Kinh Thánh. Họ có lý lẽ của họ. Nhưng khi lướt qua những điều có tính cách bàn luận, thì đó là  tôi có chủ ý; bởi vì câu đó thường có hai khía cạnh khác nhau. Và tôi nhận thấy điều quan trọng là không để bị chia rẽ và không để cho người ta trở nên tiêu cực về một vấn đề nào. Bởi vì khi họ bắt đầu tiêu cực thì sự chia rẽ cũng bắt đầu.

Một ví dụ điển hình: Làm thế nào để hiểu  rõ ràng Kinh Thánh nói về quyền năng tối cao của Chúa và trách nhiệm của con người. Kinh Thánh dạy về cả hai điều, nhưng ở trong sự hiểu biết của con người, thì nó có tính cách bất nhất. Nhiều người trở nên tiêu cực về vấn đề này nhận thấy rằng chúng ta không thể nào tin cả hai được, bởi vì nếu anh nhấn mạnh về quyền năng tối cao của Chúa một cách triệt để, thì vấn đề trách nhiệm của con người lại bị loại đi. Cũng như vậy, nếu mình nhấn mạnh về phía trách nhiệm của con người, thì quyền năng tối cao của Chúa sẽ bị hủy đi. Điều sai lầm này là khi một người đưa ra một giáo lý để rồi từ đó đi đến một định nghĩa có vẻ như hợp lý. Dùng lý lẽ của con người để lý giải uy uyền cai trị thần thượng thì nó sẽ mang đến cho chúng ta sự bế tắc mà thôi.

Vậy thì làm sao chúng ta giải quyết với phương cách phân tích Lời Chúa chính xác trên nền tảng của quyền năng tối cao của Chúa và trách nhiệm của loài người? Chúng ta cần phải nhận biết cả hai qua đức tin. Bởi vì tôi không thể giữ họ trên cán cân bằng sự hiểu biết của tôi. Tôi tin rằng, Chúa là Đấng có quyền năng tối cao, và tôi cũng tin rằng tôi có trách nhiệm và tôi sẽ chịu trách nhiệm với Chúa về sự lựa chọn của tôi. Tôi tin vào Chúa, và tin  hai điều khẳng định của Kinh Thánh là đúng.

Có một vị mục sư vừa ra một quyển sách nhỏ nói về thuyết Calvin, ở bìa trước có một cái cân, một bên  là ông John Calvin còn bên kia là Giăng 3:16. Anh chọn ở bên nào?

Đừng nên tiêu cực. Đừng để cho người ta bị tiêu cực vì khi mình trở nên tiêu cực thì anh đã mất đi một nửa Hội chúng bởi vì họ chia ra rất đều về vấn đề này. Thế nên khi anh chọn địa vị tiêu cực thì anh đã mất đi hết một nửa Hội chúng. Anh có muốn mất đi 50% Hội chúng không?

Anh có biết điều dễ chịu trong Hội Thánh Calvary là gì không? Là người ta không biết mình đứng ở bên nào. Khi anh đề danh Hội Thánh là A, người ta sẽ biết anh ở đâu và một nửa số người sẽ không bao giờ đến với Hội Thánh vì đó là A. Còn nếu đề là Hội Thánh B thì họ cũng biết anh đứng vị trí nào, và một nửa số người cũng sẽ không bao giờ đến với Hội Thánh bởi vì họ biết Hội Thánh B tin gì. Còn nếu đặt tên là C, thì ngay tức khắc họ sẽ nhận biết tính cách đặc trưng của anh là gì. Và họ không cần phải đến nữa.

Nhưng Hội Thánh Calvary có gì bí ẩn? “ Những người này họ tin gì nhỉ?” “Tôi không biết, hãy đến xem”.

PastorChuckSmith_Carousel

 

 

Chuck Smith

Translated by Tuong Vi   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn