Chủ Nhật , 28 Tháng Tư 2024
Home / truyện ngắn / CHÀNG SINH VIÊN NGHÈO

CHÀNG SINH VIÊN NGHÈO

Trời vào đông lạnh buốt. Gió táp vào mặt. Sương quất vào môi. Lạnh tê tái, người run lên từng cơn bần bật. Hai hàm răng va vào nhau cồm cộp. Đà Lạt chuyển mình đón tiết đổi thay. Sáng sớm, nó đưa tay hứng những giọt sương mai lóng lánh đọng trên lá mít non. Sương giăng kín một góc trời. Sương bay tựa khói nơi nơi.

hoadaquy

Trưa trưa nắng lên rồi. Tia nắng xé tung trời phơi mình xuống mặt đất. Nắng tinh nghịch soi vào tận mắt. Nó giật mình đưa tay chận ngang vầng trán dồ cao.
Mới đó, mà chiều xuống khi nào, mưa rơi nhẹ lên hàng mi, đôi mắt. Chiều buông xuống lòng nó buồn, nhớ mẹ. Nó ngồi nơi gốc mít của khu trọ ngắt từng lá mềm, xé nhỏ chúng ra. Tay xé lá, nó nghe lòng thổn thức. Không biết bây giờ mẹ làm gì? Mẹ ăn cơm tối chưa? Mẹ có nhớ nó không?
Nhập trường hôm ngày 2 tháng 9. Tính đến hôm nay mới có 59 ngày. Vậy mà nó nhớ mẹ đến quay quắt. Cũng tưởng mình trưởng thành rồi, 19 tuổi đâu còn là thơ dại. Thế mà… vẫn nhớ mẹ.
Không biết tụi con Linh, con Thủy, cái Thu có nhớ mẹ không nhỉ? Sao không thấy đứa nào nhắc gì đến mẹ, đến cha? Tụi nó giấu nỗi nhớ trong lòng hay không biết nhớ? Chịu. Tụi nó khác, mình khác. Nhớ mẹ có gì xấu đâu. Đưa tay gạt nước mắt nó đứng lên đi nhanh vào phòng để tránh ánh mắt Thu đang tò mò nhìn nó.
– Có chuyện gì vậy Dã Quỳ?
– Không có gì?
– Mầy bị đau ở đâu à?
– Không
– Thế sao mầy khóc.
– Tao… tao…
– À tao biết rồi
– Mầy biết gì?
– Mầy nhớ mẹ chứ gì?
– Sao mầy biết?
– Hồi năm nhất, tao cũng giống mầy, khóc suốt. Giờ tao quen rồi.
– Mầy đừng nói với mấy đứa trong phòng nhé. Bọn nó cười tao chết.
– Ừ. À mà tao có một cách để vơi đi nỗi nhớ đấy
– Cách gì?
– Mầy ăn gì chưa?
– Chưa
– Đi ăn bánh xèo với tao. Trời lạnh. Ăn bánh xèo là thú vị nhất. Ăn cho no vào là hết nhớ. Chẳng phải: “Lòng nhớ mẹ cào ruột con”. Ăn vào thì no, no thì lấy cái gì cào ruột mà không cào thì không nhớ nữa, đúng chưa?
– Cái con này, ai cho mầy đọc trộm bài thơ của tao?
– Ai bảo mầy để nó trên bàn, tao vô tình chứ bộ.
– Gì? Tao cất vô cặp rồi mà.
– Cất đâu mà cất, nhà bác học bỏ bài thơ ngay trên bàn kia kìa.
– Chết… Vậy mà còn chọc tao nữa.
– Mầy biết không, bánh xèo ở số 8 Bùi Thị Xuân của cô Tư là ngon nhất.
– Mầy sành ăn nhỉ?
– Tao ăn nhiều lần ở đó rồi. Mầy tưởng tượng đi. Trời lạnh nhé. Ngồi co ro chờ cái bánh xèo nóng ra lò.
– Để tao diễn tả cho mầy nhé: Đầu tiên cô Tư cho chảo nóng lên rồi đổ dầu vào. Cho giá nè, tôm nè, mực nè. Hải sản tươi sống không đó… rồi xèo…xèo…
– Cái gì phát ra tiếng xèo?
– Thì bột gặp dầu…Hai đứa bị đốt, nóng bức cả lên, nóng quá chúng rên: “xèo”, “xèo” hehe. Người ta lấy âm thanh của nó đặt làm tên bánh đó.
– Chứ không phải bột được ôm mực, tán tôm nên khoái chí kêu xèo xèo à?
– Hè hè, chí lý, chí lý.
– Chưa hết đâu, ở đây còn có bánh xèo trứng nữa. Bánh nóng giòn, thơm ngon.
– Rau xanh, non, tươi, sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh.
– À, còn nước mắm nữa. Ngọt vừa, này nhé có độ mặn của mắm, độ ngọt của đường, độ chua của thơm, cà. Tuyệt lắm…
– Chưa hết đâu, sau khi đậy nắp lại, chờ bánh chín. Bánh xèo phát ra mùi thơm của mực, tôm,,,
– Hấp dẫn zễ sợ.
– Này nhé, khói từ lò đút bánh hòa với hơi nóng từ cái bánh xèo bốc lên quyện vào không khí bay lơ lửng trên không, đáp nhẹ lên mắt, mũi, miệng, tóc tai, đầu, cổ …Cả người toàn mùi bánh xèo, hihi không trốn đi đâu được. Thể nào sau khi về phòng mấy đứa sẽ tra khảo là hai đứa mình trốn đi ăn bánh xèo mà không rủ bọn nó. Hehe…
– Nghe mầy kể bắt thèm.
– Xem tao làm nè: Gắp một miếng bánh xèo nóng giòn cuộn với một lá cải non, chấm nước mắm cá cơm, cho vào miệng cắn thử. N…g…o… n… hì hì
– Thôi, đi ăn đi, nãy giờ nhìn mày diễn tả làm tao xèo cả ruột.
Nói rồi hai đứa kéo đi ăn bánh xèo.
– Cô Tư ơi, cho 2 đĩa bánh xèo.
– Có ngay, có ngay
– Ồ, rau ngon quá.
– Ừ ăn đi, chúc hai cháu ngon miệng.
– Người Đà Lạt lịch sự nhỉ.
– Thôi ăn đi cho nóng. Thu giục tôi.
Chúng tôi cầu nguyện rồi ăn. Đang ăn, Thu vỗ vai tôi:
– Anh chàng kia nhìn đẹp trai chứ?
– Ăn đi, mệt quá. Mầy thiệt là… Lúc nào cũng liếc ngang, liếc dọc, nhìn anh này, ngắm anh kia.
– Ai cấm? Còn mầy thì lúc nào cũng thơ với thẩn.
– Thôi ăn đi cô nương, bánh nguội hết rồi kìa.
– Cô bán bánh ơi,
– Em ăn bánh gì? Trứng, mực hay tôm?
– Ăn rau có tính tiền không cô?
– Không. Ăn thoải mái. Cô chỉ tính tiền bánh xèo thôi.
– Rau và mắm miễn phí hả cô?
– Ừ.
Nghe cuộc đối thoại của anh chàng đẹp trai ấy nó phì cười. Ai lại tính tiền rau bao giờ? Hỏi gì mà ngô nghê thế nhỉ? Rồi anh ta ra bàn đối diện và ngồi ăn bánh xèo. Chốc chốc, nó lại nghe anh ta gọi: “Cô ơi, cho em thêm đĩa rau”
– Con trai mà cũng thích ăn rau nhỉ?
– Ăn nhiều là đằng khác.
– Chắc muốn dùng rau dưỡng da luôn. Hì hì
Thì thoảng Thu đưa cái nhìn về phía anh chàng ấy nhưng chàng ta cứ ăn mà không liếc nhìn mọi người, mọi vật xung quanh…
Đang cắm cúi ăn, tôi và cả Thu đều giật mình khi nghe tiếng cô Tư gọi: “ Em gì đó ơi, em chưa trả tiền.”
– Ui, đàn ông mà cũng đãng trí nhỉ?
– Quên cả trả tiền.
– Hay nảy giờ mầy nhìn người ta quá, làm tim người ta đập loạn xạ, quên hết mọi thứ rồi?
– Cái con khỉ, khéo đùa.
– Anh ta quay lại kìa.
– Uhm, Uhm… Hồi nãy cô nói ăn rau không tính tiền. (Mặt anh chàng sinh viên đỏ bừng)
– Ừ, đúng rồi.
– Em chỉ ăn rau , với nước mắm thôi.
– Em không ăn bánh xèo à ?
– Dạ không ạ.
– Ừ, vậy thôi em đi đi.
– Cảm ơn cô.
Nó thấy cô Tư lấy tay quẹt nước mắt và nhìn theo chàng trai ấy dù bóng anh đã khuất xa cùng chiếc xe đạp cũ. Đĩa bánh xèo còn nguyên trên bàn. Tự nhiên nó thấy mắt mình cay cay.
Nó bước lại quầy tính tiền và trả 20.000 đồng cho phần ăn của hai đứa và 10.000 đồng cho anh chàng Sinh viên mà nó còn chưa kịp biết tên. Nhưng cô Tư dứt khoát không chịu nhận, dầu vậy nó thấy lòng mình nhẹ hơn.
Đêm nay, trời Đà Lạt lạnh buốt. Cái lạnh thấm sâu tận tim gan. Cái lạnh như muốn xé da, căng thịt. Thu cuộn tròn trong chiếc mềm bông đánh một giấc ngon lành, còn nó sao cứ trằn trọc mãi. Hình ảnh chàng Sinh viên ăn rau khi chiều sao vấn vương hoài trong tâm trí nó.
Không biết chừng đó rau miễn phí có đủ làm anh ấy no ? Chừng đó rau có đủ để chống chọi với cái bao tử réo gọi suốt đêm ? Và ngày mai thì sao ? Có món gì miễn phí cho anh không nhỉ?
Lần đầu tiên trong đời, nó cúi đầu cầu nguyện cho một người xa lạ. “Chúa ơi, con ước muốn cho anh gì đó cùng mọi người ấm no, an lành, hạnh phúc trong mùa đông này. A men”.
Nó lại mở Nhật ký. “Con cảm tạ Chúa đã nuôi con những tháng ngày qua một cách đủ đầy, chưa một lần phải ăn rau thay bánh xèo như những gì con thấy chiều nay. Con xin lỗi Chúa vì chưa một lần con biết tạ ơn Chúa khi con có cơm ăn đầy đủ mỗi ngày…”
“Mẹ ơi, con cảm ơn mẹ tần tảo suốt chừng ấy tháng năm, dõi theo con âm thầm, lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ. Dù hoàn cảnh nhà mình không lấy gì làm khá giả cho mấy”.
“Có Chúa dưỡng nuôi đời tôi thấy thỏa lòng, dù nghèo vật chất mà đời sống tâm linh không nghèo. Quanh đêm luôn ngày Ngài nuôi tôi như cánh chim non. Phong phú đức tin giàu sức sống tình yêu…” Giai điệu của bài Thỏa lòng đã đưa nó chìm vào trong giấc ngủ từ lúc nào không biết.
Thời gian vần xoay, hôm nay Ngày Sinh viên 9/1, hình ảnh chàng Sinh viên ấy đã gợi lại trong nó nhiều cảm xúc, lắm suy tư và cũng không thiếu những trăn trở trên đường đời ngược xuôi này.
Chúng ta cần những tấm lòng mở ra như cô chủ hàng ấy, cần những điều giản dị, rất bình thường để những câu chuyện cuộc đời được viết lên, tuyệt đẹp. Nó lại cầm bút:
Điều giản dị!
Trên đường đời tấp nập
Có lắm cảnh khó nghèo
Ngay trong quán bánh xèo
Người ăn rau với mắm
Không ăn bánh xèo nóng
Để giảm bớt chi tiêu
Để lại tôi đôi điều
Làm tâm tư trăn trở
Đọng vào trong hơi thở
Chạy vào giấc ngủ sâu
Chàng Sinh viên ăn rau
Một câu chuyện giản dị
Một câu chuyện bé tí
Dệt bức tranh tuyệt vời
Cô hàng bánh không lời
Nhòa hai hàng nước mắt…
Thỉnh thoảng, nó có ghé quán bánh xèo của cô Tư nhưng không gặp anh chàng sinh viên ấy mà thật lòng nó cũng không mong gặp. Chỉ một lần trong đời sinh viên ở hoàn cảnh ấy là đủ rồi. Nó không muốn nhìn thấy lần thứ hai với anh ấy hoặc với bất kỳ một sinh viên nào khác.
Giờ đây sau gần hai thập kỷ, mỗi lần ghé quán bánh xèo nào ở quê nhà , nó vẫn không quên hình ảnh xưa. Tận trong sâu thẳm của đáy lòng, nó nguyện cầu cho chàng sinh viên nghèo năm xưa ấy có cuộc sống sung túc hơn. Có thể bây giờ anh đã lập gia đình, có vợ và có các con. Không biết có bao giờ anh kể lại câu chuyện của chính cuộc đời mình tại quán bánh xèo năm xưa cho vợ con nghe. Nhưng với nó, câu chuyện của anh đã trở thành chuyện kể như một kỷ niệm đẹp, giản dị của một thời sinh viên nghèo khó.
Câu chuyện chàng Sinh viên nghèo ấy nhắc nó biết trân trọng những gì Chúa ban cho mình, biết chăm chỉ học tập và làm việc vì đó là phương cách thoát nghèo và dạy nó biết mở lòng trước những cảnh đời khó khăn như điều Chúa dạy:
“Nếu ai có của cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng túng mà chặt dạ, thì lòng yêu mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được! Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật”.(I Giăng 3:17, 18)
hoadaqui
HOA DÃ QUỲ

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn