Thứ Hai , 29 Tháng Tư 2024
Home / truyện ngắn / TÌNH THƠ

TÌNH THƠ

Bé tóc mây cột đuôi gà tinh nghịch
Mắt xoe tròn – ta cứ ngỡ mắt nai
Chân sáo tung tăng trên bãi cát dài
Miệng ríu rít nói cười như chim chích…

tinhtho

Nhật Tùng ngồi trầm ngâm nghĩ về Khả Hân, cô bạn dễ thương thân thiết với anh chàng từ thời tiểu học. Làm thơ là cách để Nhật Tùng thư giãn sau những giờ bù đầu với bài tập Toán, Lý, Hóa và những con số khô khan.

– Hùùù!…

Thúy Hiền từ nhà trong chạy ào ra:

– Em trai đang mơ mộng đến Nàng Hân bé nhỏ ngày xưa đó hả! Dòm mặt biết địa chỉ ngay mà.

Nhật Tùng tự hỏi: “Sao Ba không đặt tên chị là Lanh hay Sóc vì chị lanh như sóc. Thúy Lanh hay Thúy Sóc thay cho Thúy Hiền. Ngộ đó chứ! Ha ha..

Giấu biến bài thơ con cóc trong túi quần, Nhật Tùng chạy nhanh ra sân. Chị “Sóc” mà thấy là sáng mai sẽ đọc to cho Ba Mẹ nghe rồi cả nhà sẽ chọc quê. Mắc cỡ chết đi được!

Nằm trên chiếc ghế dài trước sân, Nhật Tùng nhìn những đám mây và tưởng tượng đủ các hình thù. Lúc là ngựa, là chó, là cừu, là thỏ, lúc thì như cô bé mặc chiếc áo đầm xòe giống Khả Hân ngày thơ bé.

Khi xưa ta bé với trưa trưa, chiều chiều trên con dốc quen thuộc; đôi bạn nhỏ luôn đi với nhau trong những giờ đến lớp, những buổi tan trường. Chiều về, đang ngắm những áng mây trôi nhanh trên đỉnh đồi xa xa, tưởng tượng đến đồi Gô-gô-tha xưa, Khả Hân quên mất có Nhật Tùng đi bên cạnh.

– Hôm nay, giờ vẽ tự do, Khả Hân vẽ gì?

Tiếng nói của Nhật Tùng làm Khả Hân giựt mình:

– Ùm … Hân vẽ hoa Happy cánh tròn tô đủ màu hồng, vàng, đỏ, tím là dễ nhứt. Còn Nhật Tùng vẽ gì dzậy?

– Tùng vẽ con công đó Khả Hân!

Khả Hân tròn mắt:

– Chèn ơi! Con công khó vẽ lắm! Sao Nhật Tùng vẽ hay dzậy?

Hai đứa còn đang ríu rít nói cười, bỗng nhiên trời đổ mưa. Nhật Tùng rủ:

– Hai đứa mình chạy nhanh núp vô mái hiên đằng kia kìa!

– Khả Hân thích đi luôn về nhà, không thích núp mưa!

Khả Hân không chạy mà vẫn từ từ đi. Nhật Tùng im im đi bên cạnh trong bụng tưng tức: “Khả Hân này ai cũng nói hiền mà bướng quá ta! Bữa nay mà biết trời mưa là đi về đường nhà ông Tư với tụi thằng Phước rồi!”

Nhật Tùng về đến nhà, thấy Mẹ cầm cái khăn như đợi sẵn từ lâu:

– Mau lau đi con! Hôm nay, lại bắt cá ở đường mương nhà ông Tư đó à?

– Dạ không, Mẹ!

Nhật Tùng chạy ào vô phòng khi thấy bóng chị Thúy Hiền. Chị hay ghép đôi, chọc ghẹo Khả Hân với Nhật Tùng nên phải trốn nhanh thôi.

Nhà Khả Hân và Nhật Tùng cách nhau khoảng nửa cây số nhưng do khác Phường nên lên Trung học, hai đứa không còn chung trường. Nhà Khả Hân theo Đạo Tin lành, nhà Nhật Tùng không có Đạo nên hai đứa không còn gặp nhau thường xuyên như thời Tiểu học.

Lên lớp Mười, Nhật Tùng học sát lớp Khả Hân nhưng anh chàng không dám sánh đôi cùng Khả Hân trong những buổi tan trường mà lẽo đẽo theo sau với khoảng cách xa xa. Mái tóc bum-bê của Khả Hân ngày nào giờ đã buông dài sau chiếc lưng thon thả… Có hôm mái tóc đó được cô chủ nhỏ buộc đuôi gà nhí nhảnh bằng chiếc dây ruy-băng xanh xanh…

Chiều nay, tan trường, Khả Hân ôm cặp đi thư thả. Gió thổi nhẹ trên con đồi, gió đung đưa cành lá rung trên vai Khả Hân… Một chút nắng trổ vàng, nghiêng nghiêng trên bóng cây bằng lăng với những chùm hoa tím ngắt. Bao giờ cũng vậy, trong giây phút ảo tưởng thoáng nhanh, Khả Hân lại thấy mình đang đi và đi trên những tảng đá, lên một ngọn đồi thật đẹp. Con đường dốc, hai bên là hai hàng cây xanh trổ hoa vàng che bóng. Từ cái vòm xanh quyến rũ đó, Khả Hân nghe những âm thanh dìu dặt của sóng theo gió vọng về. Khả Hân ước mong thời gian mai này cũng như hôm nay, hãy dừng chân lại nơi đỉnh bình yên hiền hòa!

Tan học sớm, Nhật Tùng lang thang trên dốc La San đến thăm cô Nhị, cô giáo dạy Khả Hân, Nhật Tùng năm lớp Năm. Cô đi vắng, Nhật Tùng ôm đàn ghi ta khảy bản Love Story và ngắm những chùm hoa phượng nở rực rỡ cả khoảng sân. Giai điệu du dương của tiếng đàn hòa cùng tiếng sóng biển trùng khơi vọng về như một bản hòa tấu tuyệt vời của con người và thiên nhiên.

“Mình phải hái cho Khả Hân một chùm phượng vĩ mới được!”. Nhật Tùng buông đàn, leo lên cây và hái chùm hoa tươi xinh nhứt. Bất giác, thấy bóng Trung Dũng, em họ của Khả Hân đạp xe ngang qua, Nhật Tùng kêu to:

– Trung Dũng! Trung Dũng!

Réét, réét … Trung Dũng thắng gấp xe:

– Anh Tùng kêu em?

Nhật Tùng vừa leo xuống gốc cây, mồ hôi nhễ nhại:

– Ùm, Dũng đem chùm phượng này về đưa Khả Hân dùm anh nghen.

Trung Dũng nháy mắt, cười:

– Sao anh Tùng không tự đưa?

Nhật Tùng đập nhẹ vào vai Trung Dũng:

– Thằng khỉ! Thắc mắc chi!

– Một chầu chè anh hén!

Trung Dũng cầm chùm phượng trên tay và đạp xe đi. Tiếng cười của thằng nhỏ át cả tiếng cót két của chiếc xe đạp cũ.

Đêm hôm đó, Khả Hân thức khuya hơn mọi ngày, loay hoay ép hoa phượng thành những cánh bướm xinh xinh. Khả Hân tách nhẹ đài hoa làm thân nhưng không đứt lìa và khéo léo đặt hai cánh phượng hai bên để làm cánh bướm. Sau đó, cô nàng gắn hai nhị hoa ở trên chóp đài để làm râu bướm. Trong mỗi hoa phượng, chỉ có một cánh đặc biệt sặc sỡ với màu trắng hồng có những chấm đỏ. Khả Hân để riêng ra và làm những bướm phượng đặc biệt. Những cánh bướm dễ thương ấy được cô nàng nhẹ nhàng ép vào những quyển truyện, trang sách.

Thu sang, mùa Thu ở phố biển không có lá vàng rơi lả lơi, nhưng hoa cúc bên thềm nở vàng hơn, cây bàng cuối đường lá đỏ hơn và mây trời trong xanh hơn …

Thu sang, mùa Thu ở phố biển không có lá vàng rơi lả lơi, nhưng hoa cúc bên thềm nở vàng hơn, cây bàng cuối đường lá đỏ hơn và mây trời trong xanh hơn …

“Gió Thu sang lay nhẹ mái tóc huyền
Bừng tỉnh giấc mãi chẳng tan hương mộng!” …

Nhật Tùng bước dọc theo bờ biển, đến trước sân nhà Khả Hân.

– Khả Hân có quyển truyện nào hay hay cho Tùng mượn nghen!

Khả Hân vô nhà chừng năm phút rồi trở ra, trên tay cầm một quyển truyện:

– Túp lều của chú Tom nè Nhật Tùng!

Rút vội trong túi ra một nụ hoa ngọc lan, Nhật Tùng nói nhỏ như sợ có người nghe:

– Cho Khả Hân đó! Tùng về đây.

Khả Hân tươi cười cảm ơn Nhật Tùng. Dưới ánh trăng cô nàng càng xinh hơn với chiếc áo đầm màu thiên thanh và hai bím tóc thắt gọn gàng nhưng Nhật Tùng không dám nhìn lâu vào gương mặt khả ái ấy.

Nhật Tùng vội cầm quyển truyện và rảo bước thật nhanh xuống bãi biển. Ánh trăng Thu soi xuống biển khiến bọt sóng tung lên như những hạt pha lê lấp lánh. Chiếc áo trắng của Nhật Tùng như trắng hơn dưới ánh sáng lấp loáng của trăng và sóng nước.

Khả Hân cầm nụ ngọc lan tỏa hương thơm dịu dàng bước vào nhà. Đêm đó, Khả Hân nằm mơ thấy từ những cánh hoa ngọc lan thơm ngát, những hạt pha lê sáng lấp lánh cứ bay ra nhẹ nhàng như bọt sóng dưới trăng …

Một tuần trôi qua, Nhật Tùng mang truyện đến trả và vội vã về ngay.  Khả Hân đặt truyện trên chiếc kệ gỗ màu trắng treo trên tường. Bất giác, một mảnh giấy nhỏ rơi ra.

– Ủa, tờ giấy gì vậy ta?

Khả Hân nhặt lên và nhìn thấy nét chữ quen quen với bốn câu thơ:

“Muốn nói cùng ai mùa Thu tới

Hoa phượng đỏ hóa bướm bay về đâu

Hương ngọc lan thơm ngát đến khi nào

Hay tất cả chỉ là cơn mộng ảo! …”

“À! Thì ra Khả Hân để quên bướm phượng trong quyển truyện đưa cho Nhật Tùng mượn luôn. Mà Nhật Tùng này bữa nay tập làm thi sĩ nữa chứ!”.

Thu tàn, Đông sang, Xuân đến, Hạ về … Biển như xanh hơn, yên bình hơn trong nắng hè. Trưa trưa, Nhật Tùng thường theo ghe máy một người cậu đi câu cá. Ngang qua cửa sổ nhà Khả Hân, Nhật Tùng trao vội một mảnh giấy rồi bước xuống biển. Chờ cho cái dáng cao gầy của người bạn thân bước hẳn vô ghe và tiếng “bặp bặp” của ghe máy cất lên, Khả Hân mới mở mảnh giấy ca-rô ra coi. Bên trong mảnh giấy gấp làm đôi có dán một nụ hồng khô bé xíu kèm theo bốn câu thơ:

“Xin tặng bé một nụ hồng anh ép
Là chứng tích ngàn sau anh sẽ nhớ
Để một mai đất trời dù dâu bể
Bé sẽ nhớ anh như nhớ xác hồng khô!”

“Bữa nay bày đặt xưng anh nữa chứ!” Khả Hân lẩm bẩm một mình rồi giấu vội mảnh giấy ép nụ hồng và bốn câu thơ của “chàng thi sĩ nửa mùa”vào quyển truyện, đút thật sâu vào kệ sách. Ai mà thấy sẽ chọc quê, xấu hổ lắm!

Khả Hân đâu ngờ đó là thời điểm Nhật Tùng từ ghe máy sẽ chuyển sang tàu lớn để vượt biên qua bên kia bờ đại dương. Khi đó, vượt biên đồng nghĩa với chia tay không hẹn ngày trở về!

Ngồi trên phiến đá bên những gốc dừa nhìn ra biển khơi, bất chợt những dòng thơ đối lại lời thơ xưa của Nhật Tùng vỡ òa trong tâm tưởng Khả Hân:

Hương ngọc lan tan nhanh trong cơn lốc
Cánh bướm xưa chỉ là xác phượng khô
Hỏi làm chi cho lòng buồn man mác
Cánh hồng phai, còn đâu mộng với mơ!? …

Tất cả chỉ còn là kỷ niệm! Khả Hân học Sư phạm Mẫu giáo, phụ với các anh chị trong nhà thờ hướng dẫn các em Nhi đồng rồi đi dạy. Như các cô gái cùng trang lứa, Khả Hân có người yêu. Cô nàng quen với anh chàng sinh viên mới ra trường tên Vĩnh Quốc. Chị Mỹ Nhung nói:

– Em mơ mộng vậy quen với Vĩnh Quốc là đúng! Quốc không làm thơ, viết văn nhưng chân chất, học giỏi. Em mà quen với ai như Nhật Tùng để hai đứa lơ lửng trên mây đàn ca, thơ thẩn hoài rồi ai cày nuôi con.

Khả Hân khúc khích cười… Cô nàng lên xe hoa mang theo những cánh bướm phượng, một nụ hồng phai và những dòng thơ đẹp như chuyện cổ tích thời hiện đại.

Rồi một bé gái ra đời đáp lại lời cầu nguyện hằng đêm của Khả Hân: “Chúa cho con sinh một bé gái, cười có hai đồng tiền hoặc hai đồng điếu và có năng khiếu âm nhạc”. Bé Nguyệt Cầm chào đời vào một chiều Trung Thu, cả dòng họ không ai cười có hai đồng điếu nhưng khi bé cười lộ rõ hai đồng điếu be bé, nhìn rất cưng.

Nhà Ngoại chuyển nhà từ biển lên dốc La San lúc Nguyệt Cầm được sáu tháng. Bé cảm thụ âm nhạc rất sớm nên mới hơn sáu tháng, bé đã khóc khi nghe nhạc buồn hay cải lương thảm thảm. Chị Mỹ Nhung thúc hối:

– Bồng cháu đi chỗ khác mau, để con bé khóc tội nghiệp!

Khi hát ru Nguyệt Cầm ngủ, nếu hát những bài Ru con Nam Trung Bắc là bé mếu máo khóc ngay, ai cũng lựa những bài hát thiếu nhi hay những giai điệu Thánh ca trong sáng, tươi vui: “Mến yêu Jêsus đêm ngày”, “Chúa yêu tôi lòng tôi vui thay”… bé mới chịu nằm ngoan và ngủ yên.

Giáng sinh 2010:

Đinh đoong, đinh đoong … Chuông nhà thờ Vĩnh Phước ngân vang trong đêm Noel. Sân nhà thờ đẹp hơn với đèn nhấp nháy đủ màu sắc, những chiếc áo dài trắng như cánh bướm xinh và những chiếc áo lễ cài nơ đỏ khiến gương mặt của các bé Thiếu Nhi Ấu xinh như những thiên thần nhỏ. Nhà thờ đẹp hơn và sáng trưng lên với cây thông màu tuyết treo nơ đỏ, những trái châu xanh với những chiếc kèn vàng. Gần tòa giảng, còn có chuồng chiên, hài nhi Jêsus nằm trong máng cỏ, bên cạnh là ông Giô-sép và bà Ma-ri với một đàn chiên trắng hiền lành. Trên cao, một vì sao lạ sáng choang bên dòng chữ Ánh Sao Tình Thương. Đêm nay, Nguyệt Cầm được chọn hát kêu gọi sau khi Mục sư Phan Văn giảng luận. Bài hát Lời Ước Đêm Nay, ngày xưa Khả Hân cũng từng tôn vinh Chúa trong mùa Giáng sinh:

…“Đêm nay, con muốn nằm giữa cỏ, giữa chiên bò
Nêu gương cho những em bé sống không no
Đêm nay, con muốn làm sứ giả giữa dân nghèo
Loan đi Tin Mới, Tin Linh thiêng, Tin An bình!
Đêm hôm nay Chúa đã đến rồi!
Người nghèo ơi! Chớ nên thất vọng …
Anh em ơi! Chúa đã đến rồi!
Nào cùng nhau chúng ta hòa ca”…

Sau lời kêu gọi của Thầy Truyền đạo Thuận Thiên, thấp thoáng bóng ai quen quen lên cầu nguyện tin Chúa trong hơn hai mươi tân tín hữu. Khả Hân nhủ thầm: “Chắc không phải Nhật Tùng đâu! Người giống người thôi!”. Sau buổi lễ Giáng sinh, gia đình Khả Hân chuẩn bị bước xuống bực tam cấp ra sân nhà thờ, một giọng nói ấm áp cất lên:

– Khả Hân phải không? Tùng từ Na-uy trở về nhưng ngôi nhà cũ của Khả Hân không còn. Tùng nghĩ chỉ còn cách đến nhà thờ tìm Khả Hân thôi!

– Mời Nhật Tùng cùng dự Reveillon với đại gia đình chúng tôi nhé!

Sau cái bắt tay thân mật, Vĩnh Quốc vui vẻ nói.

Nhật Tùng chần chừ, bé Nguyệt Cầm cứ “líu lo”:

– Mẹ cho con coi bướm phượng và nói chú Tùng là bạn thân nhứt của Mẹ hồi nhỏ. Chú Tùng ăn tiệc nửa đêm với con hén!

Mọi người cười vang:

– Con bé nói chuyện giống Mẹ Khả Hân hồi nhỏ quá! Chú Tùng làm sao từ chối lời mời đáng yêu của con được!

Vài ngày sau, Khả Hân nhận được bức tranh sơn dầu do Nhật Tùng tự họa đề tặng gia đình Khả Hân kèm theo một bức thư.

“Bình minh đã dậy! Mọi thứ đang mở ra…

Nhật Tùng chuẩn bị ra sân bay về Na-uy đây. Hẹn mùa Giáng sinh sau trở về sẽ cùng gia đình Khả Hân thực hiện ý nguyện ngày thơ trong bức tranh nhé!

God bless You!”

Khả Hân ngước nhìn bức tranh treo trên tường và mỉm cười kể lại lời ước năm xưa với chồng con:

– Hồi nhỏ, Mẹ bé Cầm mơ sau này lớn lên, làm nhiều tiền, sẽ mua một cây Noel khổng lồ và trang trí thiệt đẹp đặt trên bờ biển để mấy em nhỏ tha hồ ngắm! Và Mẹ Cầm còn cầu nguyện để bạn Nhật Tùng tin Chúa nữa!

Cảm ơn Chúa đã cho Nhật Tùng và gia đình Khả Hân một mùa Giáng sinh an lành và ý nghĩa! Khả Hân khe khẽ hát:

“Mùa Đông trong tôi là mùa ấm áp nhất vì Jêsus xưa giáng trần tìm tôi …”

Chắc chắn những người bạn thân thương chúng ta gặp gỡ trong dòng đời ngược xuôi, tấp nập này đều không phải là tình cờ hay ngẫu nhiên! Ước mong tất cả mọi người đều gặp gỡ người bạn tốt nhất trong cuộc đời là Cứu Chúa Jêsus!

Một chút gì để nhớ về những người bạn thời hoa mộng!

11055345_1654418271455658_6219051428066207980_n

   DIÊN VĨ   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn