Thứ Bảy , 27 Tháng Tư 2024
Home / Trang Chủ / TÂM TÌNH VỚI CON

TÂM TÌNH VỚI CON

Đêm dường như đã khuya lắm rồi. Ngoài đường vắng tiếng xe cộ và người qua lại, mà  Ông Tân vẫn chưa ngủ được.  Ông nằm yên lặng để theo dõi từng hơi thở yếu ớt, rời rạc và thỉnh thoảng lại thêm tiếng thở dài phiền muộn của người bạn đời đang nằm cạnh Ông.  Hình như bà cũng có mối trăn trở lo lắng như Ông vậy. Thỉnh thoảng Ông nhướng người lên để thử nghe có tiếng xe ngừng trong sân và tiếng chìa khóa lách cách mở cửa của con Ông không.

tamtinh

Đã mấy tuần nay, đứa con trai cưng chiều yêu quý của Ông bà bỗng nhiên thay đổi hẳn tính nết và nếp sống hiếu thảo, mẫu mực vốn có từ lâu trong gia đình.  Nó thường bỏ học đi rong chơi, đêm thường về nhà rất muộn, có khi lại ngủ hẳn ở nhà bạn bè.  Ông bà tìm mọi cách dò hỏi khuyên răn thì nó chỉ im lặng, tìm cách lánh xa họ.

Đợi cho hơi thở của Bà sâu lắng, đều đặn, Ông mới rón rén ngồi dậy, bước ra ngoài và đến ngồi bên chiếc bàn học kê gần cửa sổ.  Ngoài trời tối đen.  Thỉnh thoảng một vài tia chớp ngoằn ngoèo xé rách màn đêm, như muốn báo trước một cơn giông có thể kéo đến bất cứ lúc nào.  Vậy mà con Ông vẫn chưa về.  Ông ôm đầu suy nghĩ miên man… Những kỉ niệm buồn, đắng cay tủi nhục của một thời gian khổ đã qua, chợt hiện đến như một đoạn phim quay chậm, khiến Ông bị xúc động mạnh.  Ông vội vớ lấy tập giấy trên bàn và cặm cụi viết… viết như tuôn chảy hết những điều từ lâu Ông muốn nói với con, mà chưa nói được:

Con ơi, bây giờ con đang bình yên sống ở Hoa Kỳ, một đất nước mà sự bình đẳng, nhân quyền, tự do được đề cao và tôn trọng.  Bình đẳng trên mọi lãnh vực, đến nỗi tương quan giữa Ông bà, cha mẹ và con cái cũng được bình đẳng về danh xưng “You” and “I”.  và sự bình đẳng này đã ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nơi trên thế giới.  Bởi vậy, một đứa bé mới sáu tuổi đời (cái tuổi rất ngây thơ trong trắng và thuần phục cha mẹ) khi vừa đặt chân xuống phi trường Portland và trên chuyến xe đi về nơi ở mới, em đã nhìn thẳng vào mặt người mẹ đang vòng tay ôm mình, rồi đắc ý nói:

-“Bây giờ mà mẹ còn đánh con nữa, con sẽ gọi cảnh sát bắt mẹ đó.”

Ba cảm thấy một nỗi buồn bỗng xâm chiếm lòng mình và lo nghĩ đến ngày mai khi những đứa bé như thế nầy lớn lên trong một môi trường mà mọi giá trị vật chất được nâng lên hàng đầu, và giao tiếp với phần lớn bạn bè quen với cuộc sống tự do phóng túng, thì thử hỏi nó có còn là một người con đúng nghĩa trong gia đình của người Việt Nam hay không?  Hay chỉ là hình ảnh của một người Mỹ tóc đen trong một gia đình có nề nếp Á Đông?

Hay khi một đứa con trong một cơn cãi vã với người Cha, đã vênh váo thọc hai tay vào túi quần, đứng hiên ngang trước mặt Cha mình và đốp chát lại bằng một câu rất Mỹ:

-“I don’t care”.

Người Cha bỗng lặng người đi trong sự kinh ngạc và thất vọng…

Ba bàng hoàng nhận thấy nền tảng phụ quyền trong luân lý Việt Namđược hình thành và tôn trọng qua bốn nghìn năm văn hiến đang bị lung lay và trở nên lỗi thời trên đất nước mới mẻ nầy.

Con thì chắc là không như vậy.  Ba dám khẳng định về điều ấy.  Nhưng có những biến chuyển mới đáng ngạc nhiên trong tâm tính và cử chỉ của con, khiến ba mẹ chạnh lòng lo nghĩ.  Gần đây con hay tỏ ra tự phụ về những việc làm của mình và hay làm ngơ trước những lời khuyên răn dạy bảo của Cha me.  Con chỉ làm theo những gì con ưa thích, chẳng cần biết việc đó có làm Cha mẹ lo lắng hơn không?  Và dần dà mối liên hệ với gia đình, sự ràng buộc tình cảm với Cha mẹ, anh chị em trong lòng con ngày một nhẹ đi.  Phải chăng nếp sống vị kỷ, sự tương giao có tính toán sòng phẳng trong xã hội văn minh vật chất ở xứ người đã sớm xâm chiếm một phần lớn trong tâm hồn Á Đông còn non kém của con.

Xã hội Mỹ vốn nặng về văn minh vật chất nên xem thường những giá trị về tinh thần, không mấy chú trọng đến những tình cảm thiêng liêng, những ràng buộc sâu đậm trong mối thâm tình ruột thịt như người Á đông.  Tuy vậy, người Mỹ vẫn duy trì được một tập tục vô cùng tốt đẹp và đáng kính nể hơn mọi biểu lộ về sự tôn trọng luân lý của nhiều dân tộc khác.  Đó là hằng năm họ dành hai ngày (đã được ghi vào niên lịch quốc gia) để vinh danh công ơn sâu nặng của người Cha và người Mẹ.  Đây là một dịp để nhắc nhở cho những người con tạm ngưng với công việc bận rộn hằng ngày để nhớ đến công ơn Cha mẹ mình, để hồi tưởng lại những hy sinh to lớn, những khó khăn vất vả, những tình cảm sâu đậm không gì so sánh được mà cha mẹ đã dành cho mình, nhất là người Mẹ.

Con ơi, chắc con không hề để ý đến hình ảnh một người mẹ cưu mang một bào thai chín tháng mười ngày với biết bao nhiêu là mệt mỏi nặng nhọc, đi đứng khó khăn, chưa kể đến những nỗi khốn khổ ê chề mà thai nhi đã hành hạ  người thai phụ đến đứng ngồi không yên từng phút, từng giây. Rồi đến khi lâm bồn, người mẹ lại phải chịu đưng sự đau đớn tột cùng của thể xác để trả giá cho sự chào đời của một đứa con.

Tuy vậy, vẫn chưa hết đâu con. Chưa kịp tắt nụ cười mãn nguyện khi nhìn thấy đứa con yêu dấu, tác phẩm diệu kỳ của mình được lành lặn, đầy đủ từng chi tiết nhỏ trên thân thể nhỏ bé đáng yêu đó, người mẹ còn tiếp tục đón nhận lấy những khó nhọc, lo lắng, vất vả triền miên mà đứa con đã vô tư trao phó trong suốt cuộc đời của mẹ.  Cho đến một ngày mà hơi thở của mẹ ngưng lại, thì quả tim từ ái của mẹ mới không còn tính năng sinh tồn để yêu thương, lo lắng, ấp ủ hình bóng thân yêu của con mình nữa.

Con ơi, chắc con không thể nào hình dung được ngày con mới ra đời, Ba đang bận trực hành quân ở đơn vị.  Được tin vui, Ba vội phóng về Bệnh Viện Phụ Sản trên chiếc xe Honda 50 phân khối của người bạn.  Và vì mải mê tưởng tượng về con nên Ba đã không để ý đến một con bò to lớn đang chuẩn bị băng qua đường.  Đến khi Ba chợt nhìn thấy bóng dáng con bò lướt qua trước đầu xe, thì Ba chỉ kịp nhắm mắt để chờ đợi…  “BÌNH”, cả chiếc xe lao vào bụng con bò, và Ba không hiểu động lực nào đã hất Ba văng qua khỏi thân hình to tướng của con bò rồi lộn mấy vòng trên con đường nhựa trong một buổi trưa hè vắng người và xe cộ lưu thông.  Hình ảnh mà Ba chợt cảm nhận được là con bò hự lên một tiếng lớn rồi tiếp tục lết qua đường.  Còn Ba thì lồm cồm ngồi dậy, ngao ngán nhìn bánh trước của chiếc xe bị cong vòng số 8 mà không hiểu tại sao bản thân ba lại được an toàn một cách lạ lùng, ngoại trừ hai đầu gối quần bị cày rách tả tơi.  Ba chỉ biết cảm tạ ơn Chúa đã quan phòng, che chở cho Ba được tai qua nạn khỏi.

Sau khi giao chiếc xe Hon đa cho một người lính trong đơn vị, Ba lên xe Jeep của mình đến ngay bệnh viện và nhìn thấy con thật dễ thương nằm ngủ bên cạnh Mẹ.  Còn Mẹ con thì đang tần ngần đếm kỹ từng ngón tay, ngón chân nhỏ xíu của con, xem thử có thừa thiếu ngón nào không?  Rồi Mẹ còn mãn nguyện khoe với Ba:

-Anh xem nè, con mình lành lặn và đẹp trai ghê chưa?…

Ba thật sự quên hẳn mọi rủi ro vừa rồi  và cảm thấy vô cùng hạnh phúc với sự xuất hiện của một thành viên mới trong gia đình của mình.

Con sống bình yên giữa sự quây quần đùm bọc thương yêu của Ba mẹ và anh chị em cho đến chưa đầy ba tháng tuổi, thì biến cố đau thương của đất nước chợt xẩy đến.  Mẹ con phải một mình đùm bọc con và dẫn dắt mấy anh chị em của con chạy xuống xà lan để được chuyển sang tàu lớn di tản vào Sài Gòn.  Con không thể tưởng tượng được cái cảnh hỗn độn của thời buổi loạn ly.  Xà lan thì chật như nem, người ta chen chúc nhau đông như kiến để giành giật nhau một chỗ đứng chật hẹp, khó thở. Cảnh cướp giật, xô đẩy, la hét chửi bới nhau là điều không tránh được.  Một thân hình yếu đuối như Mẹ con phải chống chọi để bảo vệ con an toàn trên tay vừa phải che chở dẫn dắt mấy đứa con thơ dại khác nữa.  Phải chịu đựng đói khát, nắng mưa, mấy ngày đêm mới được chuyển qua tàu lớn neo ở ngoài khơi.  Vì xà lan quá thấp so với tàu lớn nên Mẹ con phải chờ khi có một đợt sóng lớn nâng chiếc xà lan lên cao gần bằng chiếc tàu mới bồng từng đứa một ném qua để nhờ người trên tàu bắt lấy.  Đến lượt con, vì phải quấn trong chiếc khăn lông lớn, nên khi người ta chụp được chiếc khăn thì… con suýt bị rơi xuống nước!  Mẹ con thật muốn chết ngất vì đứng tim!…

Cuộc ra đi vội vàng, tức tưởi và đầy nước mắt nầy, nhiều gia đình phải gánh chịu biết bao là đau thương than khóc, mất vợ chồng con cái.  Như gia đình một người bạn của Ba mẹ, lúc xuống xà lan thì gồm sáu người, hai vợ chồng và bốn đứa con.  Nhưng khi sang tàu lớn, vì đám đông hỗn loạn chen lấn xô đẩy… hai đứa nhỏ vì níu tay nhau nên bị rớt chùm xuống nước!  Người Mẹ điên cuồng gào thét rồi nhảy luôn xuống biển để chết theo với núm ruột không rời của mình.  Gương mặt hung tàn của biển cả còn phải cau lại để đón nhận thêm một thiên tình Mẫu Tử bi đát nhất của thời đại.  Vẫn chưa hết đau khổ đâu con. Lại thêm một đứa con nữa của họ bị mất tích trong khi tàu ghé bỏ bớt người xuống và bốc thêm người lên ở các bến cảng miền Duyên Hải khác. Rồi khi tàu cập bến Sài Gòn, chỉ còn lại hai cha con với hai chiếc bóng cô đơn thất thểu trên các đường phố thủ đô đang sôi sục vì không khí chiến tranh.

Trong cơn dầu sôi lửa bỏng đó, Ba không thể đi cùng để giúp đỡ Mẹ và các con được, vì Ba đang đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng của một đơn vị, nên Ba phải ở lại đến giờ phút cuối cùng, khi thành phố Đà Nẵng thất thủ Ba mới xuống tàu để vào Nam.  Đêm tàu ra khơi, Ba buồn tủi đứng trên boong tàu để nhìn lần cuối bến cảng Đà Nẵng bị đối phương pháo kích tơi bời trong ánh sáng lòe chớp không ngừng của đủ loại trọng pháo và  hỏa tiễn xuất phát từ trên các đỉnh núi cao của Đèo Hải Vân.  Ba lặng người đi trong niềm đau ly biệt Thành phố thân yêu, ly biệt những Chiến Hữu trong mọi Quân Binh Chủng đã một thời lẫy lừng trong chiến trận, mà nay phải bị bỏ lại một cách oan uổng.  Còn Ba, tuy có được một chỗ đứng trên tàu, nhưng lại phải ra đi trong tâm trạng hờn đau của một kẻ chiến bại.

Cuối cùng thì Ba cũng tìm lại đầy đủ mấy mẹ con. Cám ơn Chúa, Ba không hiểu nổi năng lực huyền bí nào khiến mẹ của các con có được sự khôn ngoan tuyệt vời và dũng cảm phi thuờng để bào vệ các con qua khỏi cơn giông tố phũ phàng.  Có phải là do sức mạnh vô song của tình thương yêu và lòng hy sinh vô bờ bến dành cho các con mà Mẹ đã trở thành hiên ngang như vậy?

Ba không ngờ vượt qua bao nhiêu gian khổ chết chóc để rồi chúng ta lại đoàn tụ với nhau trong cảnh nồi da xáo thịt, chia rẽ hận thù của một giai đoạn lịch sử đất nước.  Những ngày sau đó Ba và các cựu sĩ quan khác đều phải bị lùa vào lao tù cải tạo tập thể… nói sao cho hết những buồn đau tủi nhục phải không con?

Con ơi, sau ngày Ba vào tù thì Mẹ và các con cũng phải đi khai khẩn đất hoang ở vùng “Kinh Tề mới”. Mới có năm tháng tuổi đời, làm sao mà con có thể hiểu được nỗi khốn khổ tận cùng mà Mẹ con phải gánh chịu ở vùng đất đọa đày rừng rậm hoang vu đó.  Với một thân hình mảnh mai nhỏ thó của một nhà mô phạm, với đôi bàn tay búp măng chỉ chuyên cầm viết, với hành trang chỉ gồm một bầy con thơ dại… thì làm sao mà Mẹ con có thể khai hoang được một “công” rừng rộng một ngàn mét vuông (10mx100m)  gồm những cỏ gai bạt ngàn và thân cây Bằng lăng cả một vòng tay ôm không xuể để lấy đất mà trồng trọt canh tác. Cuối cùng Mẹ con bỏ cuộc, đành gửi con trong căn chòi lá của bà cụ hàng xóm tốt bụng, và suốt ngày con bò lê la chơi với mấy con gà, con vịt để Mẹ dắt mấy anh chị em con đi xa hàng cây số, tìm mót  từng dé lúa nguời ta gặt còn sót lại trên các nương đầm, ruộng rẫy. Và mỗi buổi chiều trở về nhà, cả nhà mới xúm lại tuốt từng hạt lúa bỏ vào trong chiếc nón sắt, và Mẹ con ngồi giã lộc cộc, cố gom lại từng nắm gạo quý giá hơn cả vàng ngọc để nấu nồi cháo “đại dương” nuôi sống các con cầm hơi qua ngày.

Đắng cay gian khổ như vậy cho đến một ngày Mẹ gửi các con ở lại với bà con xóm giềng để lặn lội đi thăm Ba lần đầu tiên ở trong Trại cải tạo. Ba thật không thể cầm được nước mắt trước một thân hình quá tiều tụy của Mẹ con. Còn đâu nữa bóng dáng trẻ trung đài các, với mái tóc óng mượt, với đôi bàn tay trắng trẻo tuyệt đẹp rất ít khi đụng chạm tới việc rửa chén quét nhà…vậy mà thời gian và sự lao khổ đã tàn phá dung nhan của con người một cách tàn nhẫn. Ba không biết nói thế nào để con hiểu hết được sự xúc động của Ba trước tấm lòng hy sinh vô bờ bến của Mẹ đối với các con. Đó là chuyến thăm nuôi lần đầu mà cũng là lần cuối cho đến ngày Ba được thả về. Ba không báo tin những lần thăm nuôi kế tiếp khác cho Mẹ biết (mặc dù Ba luôn luôn đói khát và thèm ăn đủ mọi thứ) vì Ba không muốn Mẹ chia sớt cho Ba phần ăn quá thiếu thốn và kham khổ của các con. Ba cũng tự hứa với lòng mình là trong những tháng năm còn lại của cuộc đời, Ba sẽ dành hết tất cả tình thương yêu vợ chồng cho Mẹ con để bù đắp lại một phần nào muôn vàn khó nhọc và hy sinh lớn lao mà Mẹ đã một mình âm thầm gánh chịu vì sự sống còn của các con.

Con ơi, bây giờ đã qua khỏi bao nhiêu đắng cay giông tố phũ phàng, qua khỏi một thời đạn bom chết chóc, qua khỏi thời kỳ hy sinh xuân sắc vô cùng quý báu của người Mẹ, qua khỏi sự trả giá quá đắt một phần đời trong chốn lao tù đày ải của người Cha… Con mới được vinh dự đặt chân đến đất nước tự do nầy, đến vùng đất hứa mà hàng chục triệu người khác dù có mơ đến hết cuộc đời của mình để được may mắn như con, thì  giấc mơ đó cũng khó có thể trở thành sự thật được….

Vậy mà, trong ngày Lễ Mẹ vừa qua, hàng triệu người con sống trên đất nước Hoa Kỳ nầy đã nô  nức đi mua Hoa, mua quà để dâng Mẹ, gởi về cho Mẹ để tỏ lòng biết ơn Mẹ đã hy sinh suốt cả cuộc đời cho mình… thì con lại vô tình đến nỗi chỉ lo nghĩ đến những người dưng xa lạ khác mà quên hẳn Mẹ đang ở ngay bên cạnh con, và đang trải lòng mình ra để mong đợi một cử chỉ tỏ lòng biết ơn của con.

Con ơi, con đâu hiểu được rằng Mẹ con sẽ âm thầm buồn tủi biết bao nhiêu, khi mỗi năm một lần con bỏ lỡ cơ hội đó qua đi… và cuộc đời của Mẹ thì còn được bao nhiêu cơ hội như thế nữa để con còn có dịp được vinh danh Mẹ !.

Con ơi, không có tình thương yêu nào tha thiết và vĩnh cửu hơn tình thương yêu của Cha Mẹ. Không có công ơn nào lớn hơn công ơn của Cha Mẹ . Không có tình nào đẹp hơn tình Mẫu tử. Không có hy sinh nào rộng lớn bao la như lòng hy sinh của người Mẹ đối với con. Và không có niềm ân hận nào ray rứt gậm nhấm tâm tư người con bằng khi biết nghĩ đến công ơn của Cha Mẹ, thì Cha Mẹ đã không còn sống trên cõi đời nầy nữa…

Trong niềm cảm xúc và suy tư chợt đến, Ba đã vắt cạn con tim của mình để viết nên những giòng tâm huyết nầy, mong rằng con đọc lấy và suy gẫm. Cầu xin CHÚA đầy lòng nhân từ thương yêu đẫn dắt con trở về lại con đường ngay thẳng an bình mà con đã từng đi qua… Con yêu quý của Ba Mẹ…

Viết đến đây, Ông thấy trong người quá mệt mỏi rã rời. Ông gục đầu xuống bàn và chìm sâu vào giấc ngủ say nồng như trẻ thơ. Trong cơn mê, Ông cảm nhận hình như có người đứng cạnh Ông, gỡ nhẹ bàn tay Ông ra để lấy tập giấy… Rồi có những giọt nước mắt nhỏ xuống và cứ lăn dài trên mái tóc đã bạc màu thời gian của Ông… Cảm ơn CHÚA, Ngài là Đấng Thành tín Nhân lành.

                                                                           LÝ KHOA VĂN   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn