Thứ Sáu , 26 Tháng Tư 2024
Home / Trang Chủ / 7 ĐIỀU THỬ NGHIỆM TÌNH YÊU

7 ĐIỀU THỬ NGHIỆM TÌNH YÊU

Walter Trobisch

7

Tôi biết có nhiều đôi bạn trẻ nói rằng: “Chúng tôi muốn bước vào hôn nhân bằng cửa tình yêu, nhưng làm sao chúng tôi có thể biết rằng tình yêu của chúng tôi đã đủ sâu đậm để dẫn chúng tôi đến cả cuộc đời gắn bó với nhau và đến sự trung thành trọn vẹn? Làm sao chúng tôi có thể chắc rằng tình yêu của chúng tôi đã trưởng thành đủ để tiến đến lời thề trong hôn lễ và hứa nguyện sống với nhau trọn đời? Nếu tính dục không phải để thử nghiệm cho tình yêu thì điều gì bây giờ”.

Đây là giải đáp của tôi:

1. Thử nghiệm về khả năng chia sẻ.

Tình yêu thật muốn chia xẻ, ban cho, bày tỏ, muốn nghĩ đến người khác, không nghĩ về mình. Khi quý vị đọc một cuốn sách nào đó, quý vị có thường nghĩ như vầy: “ Tôi muốn chia xẻ điều này với bạn tôi”. Khi quý vị dự tính một điều gì, quý vị nghĩ đến điều mình muốn làm đến điều làm cho bạn mình vui thoả?

Hermann Oeser, một tác giả người Đức đã nói: “Những ai muốn được hạnh phúc không nên lập gia đình. Điều quan trọng là làm cho người bạn đời của mình hạnh phúc – Ai muốn được cảm thông không nên lập gia đình. Điều quan trọng là cảm thông người bạn đời của mình.”

Vậy sự thử nghiệm đầu tiên là “chúng ta có chia xẻ cho nhau không? Tôi muốn được hạnh phúc hay tôi muốn mang hạnh phúc đến cho người bạn đời của tôi.”

2. Thử nghiệm về sức lực.

Có một lần tôi nhận được bức thư của một người đang yêu và đang lo lắng. Anh ta đọc được ở đâu đó rằng một người thực sự đang yêu sẽ sụt cân; điều đó làm cho anh ta lo lắng.

Sự thật là kinh nghiệm yêu đương sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của quý vị. Nhưng cuối cùng, tình yêu thật không làm quý vị mất hết sức khoẻ; thay vào đó nó sẽ đem đến cho quý vị năng lực và sức khoẻ mới, làm cho quý vị đầy vui mừng và năng lực sáng tạo khiến cho quý vị đạt được nhiều điều hơn.

Vậy sự thử nghiệm thứ hai là tình yêu của chúng ta có đem đến sức mới và năng lực sáng tạo không hay khiến chúng ta mất hết sức khoẻ và năng lực?

3.Thử nghiệm về sự kính trọng.

Tình yêu không thể thật nếu trong nó không có sự kính trọng, nếu hai người không tôn trọng lẫn nhau.

Một thiếu nữ có thể xem một thanh niên chơi banh giỏi, chiêm ngưỡng anh ta lúc đó. Nhưng nếu cô ta tự hỏi: “Tôi có chắc rằng người này có thể làm cha của các con tôi chăng?” Câu trả lời thường là không.

Một thanh niên có thể chiêm ngưỡng một thiếu nữ khi xem cô ta múa. Nhưng nếu anh ta tự hỏi: “Tôi có mong người này làm mẹ của các con tôi không?” Anh ta có thể nhìn cô ấy với cặp mắt khác.

Sự thử nghiệm thứ ba là chúng ta có quý trọng nhau cách đầy đủ không? Tôi có hãnh diện về người bạn tôi không?

71

4. Thử nghiệm về thói quen.

Có lần nọ, một thiếu nữ Âu Châu đã hứa hôn đến nói với tôi một cách rất lo lắng: “Tôi yêu nguời chồng hứa của tôi lắm, nhưng tôi không thể chịu nỗi cách anh ấy ăn quả táo.”

Có tiếng cười am hiểu từ phía thính giả.

Tình yêu chấp nhận người yêu với các thói quen của người ấy. Đừng kết hôn với một kế hoạch “trả nợ góp”, nghĩ rằng những điều này sẽ dần dần thay đổi. Thường là chúng sẽ không đổi. Anh em phải chấp nhận người ấy với con người hiện có, bao gồm mọi thói quen và các khuyết điểm.

Sự thử nghiệm thứ tư là chúng ta chỉ yêu nhau hay chúng ta cũng thích nhau nữa!

5. Thử nghiệm về sự cãi nhau.

Có một cặp muốn lập gia đình đến gặp tôi, tôi luôn luôn hỏi họ xem họ có từng thực sự cãi nhau chưa. Không phải sự khác biệt ý kiến thông thường mà thật sự tranh chấp.
Họ thường trả lời: – Ồ không, thưa Mục sư! Chúng tôi yêu nhau lắm!
Tôi bảo họ: – Hãy cãi nhau đã, rồi tôi mới làm lễ cưới cho các bạn.

Dĩ nhiên vấn đề không phải là cãi nhau mà là khả năng làm hoà mỗi khi cãi vã. Khả năng này phải được rèn luyện, thử nghiệm trước đám cưới. Không phải là thử nghiệm tính dục, mà là thử nghiệm về sự cãi nhau, đây là điều cần yếu phải có trước hôn nhân.

Sự thử nghiệm thứ năm là chúng ta có thể tha thứ nhau và nhượng bộ nhau không?

6. Thử nghiệm về sự thành thật.

712

Tình yêu thật sự thì không chứa đựng sự che giấu. Hai người yêu nhau không chỉ san xẻ cho nhau những niềm vui nỗi buồn hiện tại, mà họ còn phải trút cạn những nỗi niềm sâu xa nhất, đau khổ nhất, thầm kín nhất hằng lắng đọng trong cùng tận đáy lòng, và trao nhau những kỷ niệm được gìn giữ nơi sâu thẳm nhất con tim.

Để rồi, họ trở nên thấu hiểu nhau, cảm thông cho nhau, đồng cảm cho nhau và tha thứ cho nhau. Tình yêu thật sự thì không còn sự lo lắng, ưu tư, hoài nghi, lưỡng lự, v.v..
Tất cả những điều đó, dầu tốt đẹp hay xấu xa, đều góp nên một tình yêu trọn vẹn thanh cao.

Thành thật như thế mới xứng đáng gọi là tình yêu.

Một cô gái độ chừng hai mươi hai tuổi trước khi nguyện cùng chàng trai sống bên nhau trọn cuộc đời, đến hỏi tôi:
– Tôi là một cô gái đã có một đời chồng, nhưng không may sau khi chúng tôi cưới nhau chưa đầy một tháng thì anh ta bị tai nạn, rồi chết.
Cô ấy nói tiếp: – Thưa ông, tôi có nên nói ra tất cả sự thật về quá khứ này. Liệu điều đó có làm ảnh hưởng tới hạnh phúc giữa tôi và chồng sau này không?

Sau khi nghe cô hỏi như thế, tôi lặng im và chồm người tới một chút nhìn cô gái một thoáng, rồi nói:
– Tại sao lại hỏi tôi như thế? Cô nghĩ thế nào?
Nói xong, tôi nhìn đăm đăm vào đôi mắt cô gái. Quả thật câu nói đó tôi không trả lời, mà trong mắt cô như đang toả ra một niềm tin, sự chân thật, một tình yêu mãnh liệt về tình yêu mới. Đó là câu trả lời mà cô đã định trước khi hỏi tôi. Tôi chỉ nói vỏn vẹn: – Cô làm đi! Tình yêu sẽ trọn vẹn.

Ba tháng sau khi cô đám cưới, cô cùng chồng đến gặp tôi và nói:
– Cám ơn ông! Chúng tôi yêu nhau vô cùng. Tình yêu không thể trọn vẹn nếu thiếu sự thành thật.

7. Thử nghiệm về thời gian

Một cặp trẻ tuổi đến gặp tôi xin làm đám cưới. Tôi hỏi: – Hai bạn biết nhau được bao lâu rồi?
– Dạ, hơn ba tuần, gần bốn tuần.
Quá ít, ít nhất là phải một năm, hai năm thì an toàn hơn. Cần phải nhìn thấy nhau không chỉ vào những ngày lễ trong những bộ y phục đẹp đẽ, mà cả trong nếp sống thường ngày, mặc áo may ô, râu chưa cạo hoặc tóc cần phải gội chải, trong những trường hợp cấp bách hoặc nguy nan.

Có một câu nói xưa: “Đừng bao giờ kết hôn nếu bạn chưa trải qua mùa hè và mùa đông với người bạn mình!”

Trong trường hợp quý vị nghi ngờ cảm xúc của mình, thời gian sẽ là cầu trả lời.

Trắc nghiệm cuối cùng là tình yêu của chúng ta có trải qua mùa hè và mùa đông chưa? Chúng ta đã biết nhau lâu đủ chưa?

Và tôi xin nói điều cuối cùng này một cách minh bạch: “Tình dục không phải là điều cần thử nghiệm trong tình yêu.”

Sau đó, tôi viết dưới bảy điều ấy một câu bằng chữ in cỡ lớn:

“TÌNH DỤC KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỀU CẦN THỬ NGHIỆM TRONG TÌNH YÊU.”

Tôi không biết rằng bạn tôi, Daniel, dịch câu đó thế nào, nhưng tôi nghĩ chúng tôi đã tiến tới nhiều kể từ hôm kia đến hôm nay, chúng tôi có thể viết chữ “Tình dục” lên một tấm bảng đặt trên toà giảng.

Tôi giải thích là nếu một cặp nào muốn dùng tình dục để biết họ có yêu nhau không thì chúng ta phải hỏi họ: “Các bạn yêu nhau ít vậy sao?” Nếu cả hai suy nghĩ là đêm nay chúng ta phải thử – Nếu không người bạn của tôi sẽ nghĩ rằng tôi không yêu anh ấy hay anh ấy không yêu tôi. Sự sợ hãi về một sự thất bại có thể xảy ra đã đủ để cho cuộc thử nghiệm không thành công.

Tình dục không phải là sự thử nghiệm của tình yêu, vì chắc chắn rằng chính điều mà người nào muốn thử sẽ bị phá hủy khi thử nghiệm.

Ai quan sát được mình khi ngủ? Hoặc quý vị sẽ quan sát mình và rồi không ngủ được. Hoặc quý vị sẽ ngủ và không quan sát mình được.

Lấy tình dục để thử nghiệm tình yêu cũng là một điều giống như vậy. Nếu quý vị thử, quý vị không yêu. Hoặc quý vị yêu, quý vị sẽ không thử.

Để làm lợi cho tình yêu cần chờ đợi việc bày tỏ tình yêu qua thân xác cho đến khi nó có thể được bao gồm trong sức mạnh của tam giác.

Sự chờ đợi này thường khó khăn hơn cho người nam hơn là người nữ. Vậy nên trong lĩnh vực này người nam phải giúp đỡ vị hôn phu của mình vì theo bản tính tự nhiên thì người thanh nên dễ bị cám dỗ vội vàng đạt đến mục tiêu.

Điều đầu tiên người thiếu nữ có thể giúp đỡ ấy là học biết làm sao đáp “không” mà không làm tổn thương hôn phu của mình, làm sao từ chối mà không gây đổ vỡ. Đây là một nghệ thuật. Dầu sao cô ấy sẽ sớm khám phá được tiếng “không” đơn giản và dứt khoát là điều có hiệu quả nhiều, giúp ích nhiều hơn những lời giải thích, thoái thác dài dòng. Nếu anh ấy yêu nàng thì anh ấy sẽ kính trọng nàng nhiều hơn về điều đó. Nàng cũng có giúp anh hiểu rằng lời khen chân thật có ý nghĩa đối với nàng nhiều hơn là cái ôm nồng nhiệt.

Người thiếu nữ cũng có thể giúp đỡ hôn phu của mình nhờ khả năng đỏ mặt của mình. Có một người nói rằng trước kia các thiếu nữ đỏ mặt mỗi khi xấu hổ. Ngày nay họ lại xấu hỗ mỗi khi đỏ mặt. Nhưng tính đỏ mặt này, phản ứng tự nhiên do xấu hổ này không có gì phải hổ thẹn cả, vì đồng thời đó là cách để bảo vệ nữa. Các thiếu nữ nên xem cảm xúc xấu hổ của mình trong một số trường hợp như một ân tứ dùng để phục vụ tình yêu.

Lúc này cử toạ hoàn toàn yên lặng. Tôi biết cảm xúc xấu hổ, e dè này vẫn còn phổ thông ở xã hội Phi Châu và các khán giả bắt đầu không tin vào cảm xúc của mình nữa. Đây là lý do vì sao tôi nói một lời cho họ vững tâm.

Daniel và tôi vẫn đang đứng trước những hàng ghế đầu. Tôi hỏi ông ta về giờ giấc. Ông ta bảo tôi có thể tiếp tục mười hoặc mười lăm phút nữa. Cho nên tôi quyết định kết thúc với vấn đề đặc biệt của những cặp đã hứa hôn.

Bây giờ chúng ta hãy thử nghĩ đến một cặp không đi vào tam giác bằng cửa tình dục nhưng bằng cửa tình yêu, trường hợp của họ khác biệt hơn, chúng ta cần phân biệt một cách cẩn thận hai trường hợp này.

Họ đã biết nhau được một thời gian dài. Họ không cần phải thử nghiệm tình yêu của mình bằng tình dục. Họ đã học biết chia xẻ mọi điều với nhau. Cả hai đều được thêm năng lực và sức mạnh nhờ yêu nhau. Họ chấp nhận những thói quen của nhau và thật sự yêu thích nhau. H ọ đã cãi nhau và đã qua những cơn sóng gió. Họ biết có thể tha thứ cho nhau. Bây giờ đến thời điểm họ có thể hứa với nhau: “ Chúng tôi muốn gắn bó với nhau trọn đời.” Điều này có nghĩa là họ đã hứa hôn. Họ đã bước vào tam giác bằng cửa tình yêu – Tình yêu quyết định gắn bó. Nhưng bây giờ họ phải đối diện một sự lựa chọn có tính cách quyết định: “Chúng tôi nên đạt đến góc nào trước trong hai góc còn lại của tam giác?” Chúng tôi nên lập gia đình rồi ngủ với nhau hay nên ngủ với nhau rồi lập gia đình?”

Đám cưới

Tình yêu – – – – – – – – Tình dục

Tôi dừng lại, nhìn vào những người trẻ và nói: “Các bạn nghĩ sao?”

Với câu hỏi đó dường như ta đã vỡ bật một cái nút chai. Mọi người liền bắt đầu nói, Daniel cố gắng một lúc mới làm họ yên lặng trở lại. Tôi nhắc lại:
– Đây là trường hợp hoàn toàn khác biệt với những trường hợp của tình dục mà chúng ta bàn cãi. Đôi bạn này không xem tình dục là bước đầu tiên trước khi hứa nguyện với nhau. Sau một thời gian trắc nghiệm cẩn thận lâu dài, họ đã hứa nguyện với nhau. Họ thật sự không có những động cơ tư kỷ nhưng đã chấp nhận trách nhiệm đối với nhau.

Bây giờ họ hỏi: “Tại sao chúng ta không thể bày tỏ tình yêu cho nhau qua thân xác? Tại sao chúng ta phải có giấy hôn thú rồi mới ngủ với nhau? Có thật là mảnh giấy mới làm cho hôn nhân thành hình được không?”

Dĩ nhiên là không – Cũng như một giấy khai sinh không làm cho một đứa bé ra đời vậy. Như vậy nó có giá trị nhiều hơn chỉ là một miếng giấy. Nó bảo vệ mặt pháp lý của một đời người.

Giấy hôn thú cũng vậy. Nó bảo vệ mặt pháp lý của hôn nhân. Chúng ta thấy khía cạnh pháp lý cũng cần thiết cho sự phát triển vai trò của năng lực trong tam giác hôn nhân cũng như khía cạnh nhân bản và khía cạnh thân xác.

74

Những đôi bạn đã hứa hôn muốn bắt đầu cuộc hôn nhân ngay không chờ đám cưới đã bỏ qua sự kiện ấy là sự không thể biết trước được của cuộc đời con người. Làm sao họ có thể biết chắc rằng họ sẽ lập gia đình với nhau?

Nếu một trong hai người chết trước đám cưới thì sao? Tai nạn xe cộ, một cơn đau tim. Anh ta sẽ là một người goá vợ. Cô ta sẽ là một người goá chồng. Họ có thể để lại cho nhau những gì? Cô ta là một thiếu nữ hay một người đàn bà? Rồi trường hợp cô ta có thai thì đứa bé sẽ lấy họ thế nào? Những câu hỏi này cho ta thấy tờ hôn thú không đơn thuần là một mảnh giấy. Một khi họ chưa sẵn sàng để có bước liên hệ với pháp lý, họ cũng chưa đầy đủ trách nhiệm đối với nhau. Trách nhiệm đòi hỏi phải hợp pháp.

Có phải như vậy nghĩa là họ phải dập tắt mọi dấu hiệu bày tỏ tình cảm? Trước hết hãy đi đến toà giảng rồi sau đó chờ đợi khám phá lớn?

Không! Chắc chắn là không! Như vậy sẽ gây ngăn trở sự phát triển vai trò của các năng lực nhiều khi cũng bằng sự cản trở gây nên do sự không quan tâm đến mặt pháp lý. Bí quyết là những người yêu nhau phải phát triển và tiến tới cả hai phía một cách đồng đều và không bỏ qua một bước nào cả!

Tôi tiến tới bảng đen và vẽ những đường song song như vầy:

Đám cưới – – – – – Chung thuỷ

Tình yêu – – – – – – Nhân ái – – – – – Tình dục

Mỗi bước tiến trong sự chung thuỷ và đám cưới nên đi song đôi với bước tiến sâu xa hơn về lòng nhân ái, thân mật cho đến khi từ lối vào tình yêu họ sẽ đến hai góc kia. – Đám cưới và sự kết hợp thân xác – một cách đồng đều.

Vấn đề này chỉ được trả lời một cách thoả đáng do nghệ thuật thấy được mục tiêu từ xa. Điều then chốt là mức độ thân mật gia tăng chừng nào thì trách nhiệm và lòng chung thuỷ cũng gia tăng chừng ấy để luôn giữ quân bình.”

Tôi quay sang Daniel và hỏi một câu mọi người đều có thể nghe được:
– Các bạn của anh thì sao? Có thường tiến đến hai góc cùng một lúc không?

Mọi người cười lớn tiếng, ngay cả những người lớn tuổi. Daniel mỉm cười cảm thông và chờ đợi mọi người im lặng. Bấy giờ ông ta mới nghiêm nghị trở lại. Tôi ngồi xuống băng ghế đầu cạnh Maurice, anh ta nói thầm vào tai tôi những điều Daniel đang nói:
– Đây là điều thường xảy ra ở đây: “Khi một chàng trai nói với cô gái “anh yêu em” thì điều đó có nghĩa là anh ta chỉ tiến được một phần về hướng chung thuỷ. Những người thiếu nữ vui sướng quá đến đỗi để đáp lại cô ta cho phép anh ta tiến ba phần trong hướng thân mật.”

Một lần nữa mọi người cười ồ.

“Thế rồi chàng trai nghĩ điều mình nói có hiệu quả tốt nên anh ta tiến thêm một phần nữa về hướng chung thủy. Cô gái trả lời bằng cách cho phép anh ta tiến thêm bốn phần trong hướng thân mật. Trước khi họ nhận biết điều đó thì họ đã kết thúc ở góc tình dục mà không có khả năng gánh trách nhiệm toàn vẹn của bước này. Thay vì có những đường song song quý vị có những đường thẳng chạy xiên:

Đám cưới

Tình yêu – – – – – – Tình dục

TÌNH DỤC KHÔNG PHẢI LÀ ĐIỀU CẦN THỬ NGHIỆM TRONG TÌNH YÊU…..

Tôi hết sức ngạc nhiên về cách minh hoạ vấn đề thật đơn giản của Daniel. Ông ta ra dấu cho tôi, tôi trở về chỗ đứng để kết thúc bài giảng.

Tôi vừa nói vừa chỉ vào những đường xiên trong hình tam giác:
Như quý vị thấy, bây giờ có một khoảng trống trong hình tam giác. Đây cũng là trường hợp của nhiều cặp đã đính hôn ở Mỹ Châu và Âu Châu. Họ nghĩ họ yêu nhau. Rồi họ đi quá xa và quá vội. Một sự trống rỗng ăn sâu vào mối quan hệ của họ. Càng ngày họ càng không chắc về tình yêu của mình. Thế nên họ gia tăng sự thân mật với hy vọng nhờ đó tình yêu sẽ gia tăng. Càng làm như vậy, họ càng nghi ngờ tình yêu của mình.
Về mặt khác họ không dám bỏ đính hôn vì đã đi quá xa. Thế nên họ làm đám cưới nhưng đã đem sự trống rỗng ấy vào trong hôn nhân và đã lập nền tảng cho biết bao sự rắc rối, biết bao nan đề về sau.

Giữ những đường thẳng song song cho đừng chạy xiên là một điều khó. Cần một điều vượt hơn sức mạnh và sự khôn ngoan thiên thượng. Cần sự giúp đỡ từ nghệ sĩ bậc thầy của hôn nhân là chính Đức Chúa Trời.

Ngài biết vì sao Ngài nối kết ba yếu tố của hôn nhân – Lìa, gắn bó, một thịt – Chặt chẽ đến không thể tách rời chúng ra được. Chúng ta phải tin cậy, phó thác cho Ngài và biết rằng khi làm như vậy, Ngài không muốn mất của chúng ta một điều gì. Ngài giúp chúng ta thực hiện một tác phẩm nghệ thuật. Lòng tin cậy, phó thác nơi Ngài sẽ ban sức mạnh khiến chúng ta vâng theo ý muốn Thiên Thượng của Ngài.

Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó cùng vợ mình và cả hai sẽ nên một thịt.

Để kết thúc, xin quý vị lưu ý câu tiếp theo sau: “Vả, A-đam và vợ cả hai đều trần truồng mà chẳng hổ thẹn” (Sáng thế ký 2:25).

Câu này nằm ở một vị trí kỳ lạ trong Kinh Thánh. Nó ở giữa Pa-ra-đi và thế giới sa ngã. Nó là câu cuối cùng của cuộc sáng tạo; và ở ngay trước phần ký thuật sự sa ngã. Điều này lưu ý chúng ta rằng hôn nhân phản chiếu tia nắng yếu ớt của Pa-ra-đi ở giữa thế giới sa ngã.

 

75

“Trần truồng mà chẳng hổ thẹn.”

Nhưng mục đích tối hậu của tình yêu trưởng thành này chi dành cho những ai như câu trên đã nói: họ lìa cha mẹ, gắn bó với nhau, nói cách khác là họ đã cưới nhau một cách công khai, hợp pháp. Hai người này không phải là những người nên một thịt trước hôn nhân hoặc ngoài hôn nhân. Vì vậy, điều đó thật có ý nghĩa khi Kinh Thánh dùng từ “nên một thịt” chỉ trong vòng hôn nhân. Hai người này – Không phải là những người trước hôn nhân hoặc bên ngoài hôn nhân, sẽ thành công trong vấn đề vô cùng khó khăn, vấn đề đối diện con người thật của nhau, vấn đề sống với nhau trần truồng mà chẳng hổ thẹn.

“Trần truồng mà chẳng hổ thẹn”

– Đây là điều Kinh Thánh ngụ ý trong từ “ăn ở”. “A-đam ăn ở với vợ mình” (Sáng thế ký 4:1).

Chồng và vợ chỉ có thể ăn ở với nhau bên trong túp lều. Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó cùng vợ mình và cả hai sẽ nên một thịt.   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn