Thứ Hai , 20 Tháng Năm 2024
Home / SUY GẪM CÙNG CÁC MỤC SƯ / Ý Nghĩa Của Sự Cầu Nguyện

Ý Nghĩa Của Sự Cầu Nguyện

Vả, khi các ngươi cầu nguyện, đừng dùng những lời lặp vô ích như người ngoại; vì họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm.  Vậy, các ngươi đừng như họ; vì Cha các ngươi biết các ngươi cần sự gì trước khi chưa xin Ngài.

Ma-thi-ơ 6:7-8

Nếu Đức Chúa Trời biết hết các nhu cầu trước khi chúng ta cầu xin Ngài, vậy thì tại sao phải cầu nguyện? Đây là một câu hỏi hợp lý. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chính lời cầu nguyện là phương tiện để đáp ứng nhu cầu lớn nhất của chúng ta – đó là chính Đức Chúa Trời?

Điều gì sẽ xảy ra nếu giao tiếp với Đức Chúa Trời là một nhu cầu trong cuộc sống của chúng ta vượt trên tất cả các nhu cầu khác, và chính qua lời cầu nguyện, chúng ta có trải nghiệm với  Đức Chúa Trời và Ngài cũng trải nghiệm với chúng ta? Đây là tất cả những gì cầu nguyện được nói đến. Cầu nguyện là kết tình bằng hữu với Đức Chúa Trời. Cầu nguyện là dâng lên Đức Chúa Trời một tấm lòng biết lắng nghe và một đời sống đáp ứng lại những gì được nghe từ Chúa. Cầu nguyện là bao hàm Đức Chúa Trời trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống chúng ta.

Có thể chúng ta được thay đổi nhiều bởi kết tình bằng hữu  với Đức Chúa Trời hơn là nhờ bất cứ điều gì khác. Điều này giống như một đứa trẻ bước đi và nói chuyện giống như cha của mình, và thậm chí đứa trẻ cũng chọn những cách cư xử giống như cha của nó. Khi chúng ta dành thời gian cho Cha thiên thượng, sự hiệp thông với Đức Chúa Trời có thể thay đổi chúng ta. Có lẽ đây là  giá trị đích thực của đời sống cầu nguyện. Bạn muốn có trải nghiệm với Đức Chúa Trời và nhận biết Ngài? Vậy thì hãy cầu nguyện.

“TÔI CẦU NGUYỆN VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI ĐỂ NHẬN BIẾT NGÀI, ĐỂ TÌM THẤY SỰ HƯỚNG DẪN CHO ĐỜI SỐNG TÔI, VÀ TÔI ĐẶT CÁC NHU CẦU CỦA TÔI TRƯỚC MẶT NGÀI.”

“Anh em cầu nguyện mà không nhận lãnh được, vì cầu nguyện với một động cơ sai trật.”
(Gia-cơ 4:3)
🙂
Tại sao Chúa Giê-su cầu nguyện? Ngài bình đẳng với Đức Chúa Trời thì cần gì phải cầu nguyện? Ngài đã từng phán dạy rằng Ngài với Cha là một?
Khi Chúa Giê-su chọn con đường thập tự, sinh ra để làm Người, Ngài tạm thời từ bỏ vinh quang, quyền năng, trở nên trống không để sống một đời sống giống như chúng ta.
Ngài cầu nguyện vì một lý do giống như chúng ta: nối kết với Cha thiên thượng và tìm kiếm sự hướng dẫn trong bước kế tiếp. Tuy nhiên nhiều lần trong lời cầu nguyện, chúng ta thường xin Đức Chúa Trời phê chuẩn cho ý muốn của chúng ta thay vì đi theo ý muốn của Ngài. Cầu nguyện như thế là sai trật. Chúa Giê-su luôn cầu nguyện theo ý muốn của Đức Chúa Trời, cho dù điều đó có nghĩa là Ngài phải chết.
Một nhà thần học viết, “Cầu nguyện là đầu hàng trước ý muốn của Đức Chúa Trời và hợp tác với ý muốn ấy.” Nếu tôi quăng một chiếc neo từ thuyền cắm vào bờ và kéo, tôi sẽ kéo bờ biển đến chỗ tôi, hay tôi kéo chính mình xuống bờ? Cầu nguyện không phải là kéo Đức Chúa Trời về phía mình, nhưng là kéo thẳng chính tôi về với ý muốn của Ngài.
Hãy ném ra chiếc neo của sự cầu nguyện, nhưng nhớ rằng hãy để chiếc neo đó kéo bạn đến với tấm lòng của Đức Chúa Trời.
🙂
Tôi cầu nguyện để biết ý muốn của Đức Chúa Trời, để Ngài hướng dẫn đời sống tôi, và tôi đặt nhu cầu của tôi trước mặt Ngài.

Randy and Rozanne Frazee 

Translated by Tuong Vi 

2 Cô-rin-tô 12:7-10, “Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nhơ, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.” 


Đời sống Cơ đốc nhân có thể hình dung như một con thuyền đi trên sông. Giả định là mực nước ở sông phải sâu ít nhất ba mét để thuyền có thể đi được mà không bị mắc cạn. Nhưng nếu đưới đáy sông nhô lên một tảng đá chiều cao hai mét thì sao? Đây là một dòng sông hẹp và con thuyền không thể tránh được tảng đá lớn bên dưới. Bạn sẽ cầu nguyện theo cách nào sau đây:
– Lạy Chúa Giê-su xin Ngài cất tảng đá đi.
– Lạy Chúa Giê-su xin Ngài làm cho mực nước sông dâng cao thêm ba mét nữa để thuyền có thể đi qua.
– Lạy Chúa, con bế tắc rồi, con xin Chúa như sau (một lời cầu nguyện khác)….?


Trong trường hợp của Phao-lô, ông ba lần xin Chúa cho “cái giằm xóc” lìa xa cơ thể ông. Nhưng Chúa vẫn để nó ở đó. Nó vẫn còn y nguyên trong thân thể của vị sứ đồ.
Tuy nhiên Đức Chúa Trời bày tỏ cho Phao-lô một điều tốt hơn:
“Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Vì vậy Phao-lô tiếp tục mang cái giằm xóc ấy và ông bước đi tiếp trong ân điển, trong sức mạnh, trong quyền năng của Đức Chúa Trời. Điều này có giống như Chúa làm cho mực nước của dòng sông dâng cao lên, để thuyền của Phao-lô có thể đi tiếp, mặc dù tảng đá lớn bên dưới sông vẫn còn y nguyên?
Nước của dòng sông dâng cao lên – có thể hiểu là Chúa ban thêm ân điển để chúng ta có thể vượt qua các trở lực trong cuộc sống.
“Cái giằm xóc” mà Phao-lô đề cập có thể là những khó khăn trong cơ thể hay bất kỳ trở lực nào trong cuộc sống của bạn.

🙂
Lời cầu nguyện của chúng ta hôm nay là gì?

Admin

http://huongdi.today

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn