Thứ Tư , 8 Tháng Năm 2024
Home / Trang Chủ / Người Được Chúa Gọi

Người Được Chúa Gọi

MỤC SƯ LỮ THÀNH KIẾN

 

 

Giảng cho lễ phong chức Mục sư nhiệm chức Lữ Hải Đăng

Ê-sai 6:1-8

Tạ ơn Chúa cho tôi có cơ hội trở lại Fort Worth thăm lại Hội Thánh. Tạ ơn Chúa nhìn thấy Hội Thánh đông hơn, vui hơn. Tạ ơn Chúa vì còn rất nhiều người nhớ mình, vui vẻ chào đón mình. Tạ ơn Chúa nhiều hơn nữa vì được giảng cho buổi lễ License Minister của Hải Đăng. License theo cách gọi của người Mỹ là cấp chứng chỉ giảng đạo, có quyền giảng đạo, hợp pháp để giảng đạo. Giáo hội Tin lành gọi là Truyền Đạo, nhưng ngưòi Báp- tít gọi là Mục sư nhiệm chức, sau đó còn một lần phong chức chính thức nữa gọi là Ordaine. Mục sư nhiệm chức là một cấp bậc, nhưng chức vụ là Mục sư. Vì vậy, kể từ nay đối với tôi Hải Đăng là một Mục sư, một người đồng lao, cùng bước vào chức vụ để hầu việc Chúa

Để khỏi mất thì giờ, chúng ta đọc lại câu Kinh Thánh Ê-sai 6:8: Đoạn, tôi nghe tiếng Chúa phán rằng: Ta sẽ sai ai đi, ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa rằng: tôi đây, xin hãy sai tôi. Điều gì đây? Chúa gọi Ê-sai, và ông nhanh chóng đáp lời. Chúa gọi nghĩa là gì? Có phải tất cả chúng ta đều được Chúa gọi không?.

Tất cả chúng ta đều được Chúa gọi trở nên con cái của Ngài, nhưng Chúa gọi riêng một người cho mục đích kế hoạch của Ngài thì đó là việc khác. Trong Cựu ước Chúa gọi Áp-ra-ham ra khỏi xứ để lập một vùng đất mới, gọi Môi-se để lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ai-cập, gọi Ê-sai và Giê-rê-mi để làm tiên tri. Trong Tân ước Chúa gọi Phi-e-rơ gây dựng Hội Thánh, gọi ông làm Mục sư quản nhiệm Hội Thánh Giê-ru-sa-lem, gọi Phao-lô làm giáo sĩ.

Dù với mục đích nào, để làm một công việc đặc biệt, Chúa gọi. Không phải là người muốn, bèn là Chúa muốn. Không phải là ý của người đó, mà là ý của Chúa. Một người được chọn làm một công việc đặc biệt, người đó phải có tiếng gọi của Chúa và thật nghe tiếng Ngài gọi.

 

Tôi có một lần được mời trong ban thẩm vấn ứng viên Mục sư. Trong cuộc thẩm vấn mỗi người được đề nghị hỏi một lãnh vực. Sự kêu gọi là một lãnh vực quan trọng. Tôi được giao trách nhiệm hỏi về vấn đề kêu gọi, chỉ hỏi câu đơn giản, anh có nghe tiếng Chúa gọi vào chức vụ không. Nếu ứng viên nói , thì hỏi thêm câu nữa: như thế nào?

Tôi tin rằng Hải Đăng có nghe tiếng Chúa gọi. Nhiều năm rồi, tôi có thể chứng thực điều đó một cách quả quyết. Tôi nhớ cách đây hơn 20 năm, những ngày người thanh niên chưa vợ chưa con ốm nhom ốm nhách, bây giờ vẫn không mập hơn bao nhiêu, xách hai cái ghế vải cùng tôi đi vào khu vực một cái hồ nhỏ ở Maryland để học Kinh Thánh và cầu nguyện, ít nhất mỗi tuần một lần. Anh đã đáp ứng tiếng gọi của Chúa trong một buổi thờ phượng ở Đại Hội Báp Tít tại New Orleans 20 năm trước. Trải qua bao nhiêu thăng trầm cuộc sống, học xong chương trình M.Div và bây giờ là lúc Hội Thánh giúp anh đáp ứng tiếng gọi. Tôi cảm tạ Chúa vì Mục sư quản nhiệm ở đây mời tôi giảng cho buổi lễ hôm nay và nói: vì là hạt giống của Mục sư. Tôi tạ ơn Chúa vì hạt giống rơi vào mảnh đất tốt và mọc lên kết quả như ngày hôm nay, dù phải trải qua nhiều thử nghiệm lắm để có ngày hôm nay. Congratulations Mục sư nhiệm chức Lữ Hải Đăng. Nhưng với tôi, tôi sẽ không gọi anh dài dòng như vậy, tôi sẽ gọi anh là Mục sư.

Nhưng buổi lễ chỉ là để xác nhận chức vụ, và bắt đầu. Giai đoạn tiếp theo của Mục sư mới là điều quan trọng hơn.

CHỖ ĐỨNG CAO NHẤT

Trở lại câu chuyện Áp-ra-ham. Giống như Áp-ra-ham được Chúa gọi ra khỏi quê hương, gọi ra khỏi, chứ không phải ở chỗ cũ, đi đến một nơi mới ông chỉ nghe mà chưa từng biết. Mục sư là một tín đồ được Chúa gọi ra khỏi vòng dân sự, và gọi lên chốn cao hơn, để trở nên một tôi tớ Chúa. Mục sư đã lên cao hơn, đứng một chỗ cao hơn. Rõ ràng là cao hơn, vì sẽ không được gọi là tín đồ nữa, mà gọi là Mục sư. Mục sư cần biết là mình nay đã lên chốn cao hơn.

Mục sư thắc mắc: chỗ cao là ở đâu? Chỗ cao nhất trong nhà thờ có phải là bục giảng không? Có ai nhìn thấy bục giảng trong các nhà thờ tin lành truyền thống ở Việt Nam chưa. Tôi có thấy ít nhất một cái, là nhà thờ Nha Trang, nơi Chúa sinh ra tôi. Cái bục giảng cao ngất ngưởng và rất cách xa dân sự, là nơi chỉ dành cho các Mục sư chính hiệu đứng giảng, người hướng dẫn đứng ở một cái bục bên cạnh, chứ không được phép đứng chỗ đó. Từ chỗ bục giảng đến chỗ dân sự ngồi là một khoảng sân rộng trông giống như sự phân cách giữa dân sự và thấy tế lễ. Nhiều người mơ đứng chỗ đó, vì trông nó rất uy nghi và thiêng liêng, cách biệt dân sự…. Có phải là nó không?

Câu trả lời là không? Môi-se đã đứng chỗ cao nhất trong trận chiến A-ma-léc, chỗ nào? Xuất 17:9: Môi-se bèn nói cùng Giô-suê rằng: Hãy chọn lấy tráng cho chúng ta, ra chiến đấu cùng dân A-ma- léc; ngày mai ta sẽ đứng nơi đầu nổng, cầm gậy của Đức Chúa Trời trong tay.

Đầu nổng, top of the hill, trên đỉnh đồi. Một nơi cao hơn. Đứng ở đó, trông oai phong lẫm liệt không? Cũng có một chút, nhưng đừng quên là phía dưới là dân A-ma-léc với vũ khí đang nhìn ngắm, nơi cao đó, không phải là niềm vinh dự cá nhân, mà là một thử thách. Chúng ta nghĩ Môi-se đứng ở đó có an toàn không, hay chỉ có một việc là dơ gậy lên trời cầu nguyện? Phía dưới là dân A-ma-léc với đầy đủ cung tên giáo mác, cây thông đứng giữa trời đó là một một mục tiêu dễ nắm bắn, đối diện trực tiếp với kẻ thù dùng tên lửa bắn lên, điểm chính để ma quỷ nhắm bắn… Đứng nơi cao đó là một thử thách, những con mắt ở phía dưới nhìn lên và lắng nghe, mọi sơ xuất của Mục sư đều bị ống kính ghi lại. Có kẻ thù không đội trời chung, là ma quỷ, nhưng cũng có khi bị anh em bắt bớ, và rất có khi, bị đàn chiên húc cho, là điều không tránh khỏi.

Vì vậy, thưa Mục sư, chỗ tốt nhất của Mục sư, tôi khuyên, chỗ đứng tốt nhất, an toàn nhất, là chỗ đứng gần Chúa hơn. Đứng gần, sát vào người, và có thể, ở hẳn bên trong người như Chúa Jesus từng bảo: hãy cứ ở trong ta và ta trong họ, là một sự hòa hợp, hòa tan vào nhau. Môi-se trên ngọn đồi đó, chỗ cao hơn hết, gần Chúa hơn hết. Cây gậy của ông có thể chạm đến Đức Chúa Trời. Để bảo vệ mình, thưa Mục sư, không có gì khác hơn là cây gậy trên tay, giơ lên trời để có thể chạm vào Đức Chúa Trời. Lời cầu nguyện là điều quan trọng nhất để giữ Môi-se an toàn với cung tên giáo mác của A-ma-léc, giữ người tôi tớ Chúa an toàn truớc sự tấn công của ma quỷ.

Một chỗ đứng mà tôi muốn nhắc Mục sư là, không phải là chỗ cao nhất trên bục giảng, nhưng là tìm một chỗ đứng gần, gần đâu thưa Mục sư, gần Chúa là chắc chắn rồi, nhưng một khi ông gần Chúa, thì cũng có nghĩa là gần với bầy chiên của Ngài, bầy chiên mà Ngài yêu và bằng lòng đánh đổi mạng sống mình. Hãy đến gần bầy chiên trong mức độ có thể đến được, chạm vào họ, nắm tay họ, ôm vai họ, ôm choàng họ khi cần, ở giữa họ, trong lòng họ. Chức vụ của Mục sư là chăn bầy, thì phải đi gần, đi sát, đi vào trong bầy chiên để có thể khám phá những con chiên yếu đuối, bệnh tật, những con chiên rất dễ bị tổn thương.

Chúa Jesus chưa bao giờ đứng xa chúng ta. Chỗ của Ngài đúng ra là thiên đàng vinh hiển, nhưng Ngài muốn đứng trong lòng chúng ta hơn là đứng trên trời. A-men? Giăng 15:4: Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được.

BỔN PHẬN TỐT NHẤT

Bổn phận lớn nhất, trách nhiệm cao nhất của Mục sư là giảng lời Chúa. Không kể Cựu Ước, tôi đếm được có tất cả 171 chữ giảng trong Tân Ước. Chức vụ chính của Chúa Jesus là giảng đạo. Mác 1:38: Ngài phán: chúng ta hãy đi nơi khác, trong các làng xung quanh đây, để ta cũng giảng đạo ở đó nữa, vì ấy là cốt tại việc đó mà ta đã đến đây. Buổi thờ  phượng  Chúa có nhiều tiết mục như chúng ta biết, một số các tiết mục có thể thiếu, nhưng tiết mục không thể thiếu trong chương trình thờ phượng là bài giảng. Bài giảng như xương sống của thân thể, không có xương sống, thân thể không đứng vững. Nhiều người nói rằng họ đi nhà thờ chỉ để nghe giảng, tuy là sai, nhưng nói lên sự quan trọng của bài giảng. Người ta thay đổi là nhờ lời của Chúa. Hội Thánh khỏe mạnh, lớn lên, là nhờ lời của Chúa giảng ra qua môi miệng của người chăn bầy. Một Hội Thánh mời Mục sư quản nhiệm trước tiên là muốn nghe ông ta giảng, thử xem ông ta giảng ra sao, rồi mới xét đến các tiêu chuẩn khác.

Người giảng được ơn Chúa không nhất thiết nằm ở bằng cấp cao của họ. Tôi xin phép nói lại là không nhất thiết, chứ không phải là một định luật, xin đừng hiểu lầm, rất nhiều Mục sư có bằng cấp cao giảng rất tốt, nhưng không phải người giảng tốt phải là một người có bằng cấp cao. Chúa dùng các Mục sư có bằng cấp cao vào các công việc của một giáo sư, nghiên cứu, việc nghiên cứu dạy dỗ của họ làm cho con cái Chúa mở mang kiến thức Kinh Thánh, hiểu biết thêm về lời của Ngài. Một Mục sư giáo sư của tôi dạy rất giỏi, nhưng giảng thì rất buồn ngủ, rất xin lỗi ông, có lẽ vì ông học cao quá, giảng nhiều về thần học, khó hiểu nên buồn ngủ 🙂 Những sinh viên chúng tôi nói đùa với nhau khi biết nguời giảng cho buổi lễ ra trường năm ấy là ông: ráng ngủ cho đủ tối nay.

Nhưng một bài giảng đụng chạm đến lòng của tín đồ là một loại khác. Điều này gọi là ơn giảng dạy. Ơn giảng dạy không nằm ở bằng cấp. Theo suy nghĩ hạn hẹp của tôi, tôi nghĩ rằng một bài giảng được ơn Chúa không phải là một bài giảng nhiều chi tiết, nhiều lý luận thần học cao siêu, không phải để BIẾT, mà là nó có thể chạm đến tấm lòng người nghe hay không và giúp người đó thay đổi đời sống không. A-men? Tôi nghĩ nếu Hội Thánh đầu tiên quan trọng bằng cấp chắc phải mời Ma-thi-ơ vì ông là ngưòi tương đối có… học hơn các ông kia. Phi-e-rơ, người đánh cá, không bằng cấp…, đã giảng bài giảng có khoảng 3000 người tin Chúa. Ơn giảng dạy là do Chúa cho, là một ân tứ, không phải người nào bôn ba mà có được. Học giỏi là một khả năng (abillity) nhưng ơn giảng dạy là một ân tứ thuộc linh (spiritual gift)

Nhưng sự giảng dạy như thế này mới là điều quan trọng và được Chúa nhắc nhở.: Kinh Thánh: 2 Ti-mô-thê 2:15 Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Đức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng  giảng  dạy lời của lẽ thật. Điều đó có nghĩa là Mục sư phải đọc Kinh Thánh, suy gẫm Kinh Thánh, hiểu Kinh Thánh và giảng Kinh Thánh cho rõ ràng. Đọc Kinh Thánh thì chắc là ông có đọc, suy gẫm chắc cũng có, hiểu thì không biết hiểu đến đâu, nhưng hiểu chưa tới và hiểu sai là hai việc khác nhau. Hiểu chưa tới thì được, vì Kinh Thánh có nói: ngày nay chúng ta xem như trong một cái gưong, cách mập mờ, đến bây giờ chúng ta sẽ thấy hai mặt đối nhau, ngày nay tôi biết chưa hết, đến bây giờ tôi sẽ biết như Chúa đã biết tôi vậy. Ở đâu thưa Mục sư? 1 Côr 13: 12. Nhưng hiểu sai mà giảng sai thì sẽ người mù dắt người mù cả hai cùng lọt xuống hố. Cái này chắc cũng phải học hành cho tốt một chút, không phải đọc xong sách Ma-thi-ơ là có thể làm Mục sư được 🙂

Không chỉ giảng đúng, ông còn phải ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật. Chữ Kinh Thánh dùng là ngay thẳng, có nghĩa là đúng đắn, chính trực. Giảng chính xác lời của Chúa, không thiên vị bất cứ ai, ngay cả mình. Lời của Chúa nói sao thì giảng vậy, không bẻ cong một chút cho phù hợp với hoàn cảnh hay thời đại. Trong thời đại ngày nay, rất nhiều người chăn bầy đã giảng không ngay thẳng, đã cho nhiều bột ngọt vào thức ăn, cốt để cho người ngon miệng, nhưng sẽ làm người ta khát nước.

Chúa Jesus đã giảng cách ngay thẳng, làm phiền lòng rất nhiều người, đụng chạm rất nhiều người, đến nỗi người ta tìm cách tấn công và giết Ngài.

ĐỜI SỐNG TỐT NHẤT

Điều thứ ba, điều cuối cùng, Mục sư nói sao thì phải sống như vậy. Mục sư phải sống trung thực với những gì ông ta giảng ra. Ông ta có thể giảng không hay nhưng đời sống của ông phải được chứng thực là tốt.

Trong một kỳ gặp gỡ giữa các Mục sư cách đây đã lâu, một Mục sư đặt câu hỏi: theo quý vị, điều quan trọng nhất trong chức vụ Mục sư là làm gì? Người nói là bài giảng, người nói là làm nghi thức, người nói là huấn luyện, chứng đạo, chăm sóc… Mục sư lớn tuổi chậm rãi nói: làm gương. Tôi ngạc nhiên và kính phục, có cả sợ hãi nữa. Làm gương chính là cái cần nhất, và dĩ nhiên là cái khó nhất. Hình dung một tấm gương đứng đó để cho người ta soi. Tấm gương trước hết phải sạch sẽ, không dơ bẩn hay rạn nứt. Anh phải sống thế nào để người ta bắt chước.

Phao-lô là người làm gương tuyệt vời nhất, rất can đảm để nói câu: Hãy bắt chước tôi, vì tôi bắt chước Chúa. Chắc không có một Mục sư đời nay nào dám nói câu đó cả. Không cần nói, đừng nói, chỉ sống theo Chúa, mỗi ngày, mỗi ngày bắt chước một chút. Chúng ta ai cũng đã, đang và sẽ vấp váp cả, tấm gương có lúc vấy bẩn, nhưng nhìn vào tấm gương Chúa để xóa vết bẩn của mình. Thưa Mục sư, hãy bắt đầu thực tập sự bắt chước.

Câu Kinh Thánh này Chúa Jesus dạy chung cho mọi người theo Ngài, nhưng tôi nghĩ nó có thể áp dụng riêng cho Mục sư là người theo Ngài gần hơn: Lu-ca 9:23 Đoạn, Ngài phán cùng mọi người rằng: Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình theo ta.

Bỏ mình đi deny himself, từ chối mình, quên con người mình đi…. Điều này có nghĩa là mình không được sống theo ý muốn của mình nữa, mà phải sống theo ý Chúa muốn, cách mình sống thế nào trước đây giờ hãy quên nó đi, để sống cách mà Chúa muốn mình sống. Vác thập tự giá mỗi ngày mà theo ta, có nghĩa là phải chấp nhận gian khổ đau đớn nặng nề của chức vụ. Nói khác đi là sống như cách Chúa đã sống và Chúa đã làm gương đề mình sống theo. Đây là cách sống mà tất cả những người được Chúa gọi hầu việc Ngài. Khi Chúa Jesus rửa chân cho các môn đồ, Ngài đã nói rõ mục đích của Ngài. Giăng 13: 15 Vì ta đã làm gương cho các ngươi, để các ngươi cũng làm như ta đã làm cho các ngươi.

Quên mình đi nghĩa là sống không cho mình nữa, mà cho tín đồ, cho bầy chiên. Chăn chiên không hề là một điều dễ dàng. Chiên không phải là con vật dễ chịu. Nó ngang ngạnh, bướng bỉnh, như dân Y-sơ- ra-ên của Chúa. Nó còn lắm bệnh tật. Nếu không yêu chiên thì khó mà chăn chiên. Đây chúng ta hãy nghe Gia-cốp than phiền khi chăn chiên, Sáng 31:40: Ban ngày tôi chịu nắng nồng, ban đêm chịu lạnh lùng, ngủ nào có an giấc được đâu.

Điều kiện quan trọng nhất để chăn chiên ở trong Giăng 21:15-17, câu chuyện Chúa Jesus 3 lần hỏi Phi-e-rơ ngươi yêu ta chăng, Phi-e-rơ 3 lần trả lời có, 3 lần Chúa nói hãy chăn chiên ta. Có một người từng được thẩm vấn để được phong chức Mục sư kể cho tôi nghe rằng anh đã… bị hỏi đến 100 câu, toát mồ hôi trán. Nhưng Hội Thánh thấy Chúa Jesus đã thẩm vấn Phi-e-rơ bao nhiêu câu để gọi ông vào chức vụ chăn bầy? Chỉ có 3 câu thôi, và 3 câu giống y hệt nhau, hỏi đi hỏi lại làm cho Phi-e-rơ khó chịu, buồn lòng. 3 câu đó là ngươi có yêu ta chăng, và khi Phi-e- rơ xác nhận, Chúa phong chức cho ông ta làm Mục sư chính thức, chẳng có… nhiệm chức gì cả 🙂

Tới đây thì chắc Mục sư nghe mệt lắm rồi, nhiều thứ quá, nặng nề quá, cái gì cũng cao hơn, tốt hơn, đẹp hơn, làm Mục sư sao khổ quá vậy. Thật là quá tải so với một thân thể ốm nhách như Mục sư, tôi cũng thấy thương Mục sư lắm. Nhưng Mục sư không thể lui lại nữa, vì đã sát tường rồi. Lát nữa đây khi người ta lên đặt tay cho Mục sư, xác nhận chức vụ cho Mục sư, thì Mục sư không thể nói I don’t, mà phải nói I do. Nhưng đừng lo, Mục sư đã nghe tiếng Chúa gọi, thì Chúa sẽ lo cho Mục sư, Chúa nói như vậy, Mục sư có tin vậy không. Chúa yêu Mục sư, Chúa lo cho Mục sư, Mục sư có tin vậy không?

Và Mục sư đừng quên, sau lưng Mục sư, còn có vợ, vợ Mục sư yêu Mục sư, có các con, các con Mục sư yêu Mục sư, có các bạn đồng lao yêu Mục sư, và đặc biệt là bầy chiên của Chúa yêu Mục sư, có phải không Hội Thánh? Họ sẽ hợp tác với Mục sư, nếu Mục sư yêu họ và chăm sóc họ như một người chăn hiền lành của Chúa. A-men? Mục sư sẽ không có gì sợ hãi cả dù có quá nhiều yêu cầu đòi hỏi. Mục sư sẽ không bao giờ cô đơn. Mục sư có tin vậy không?

Cầu xin Chúa luôn ở cùng Mục sư trên mọi bước đường. Y hệt như Chúa nói với Giô-suê 1:9 Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng; Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đin

MỤC SƯ LỮ THÀNH KIẾN

 

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn