Chủ Nhật , 19 Tháng Năm 2024
Home / THẦY ƠI / Mô Hình Hội Thánh

Mô Hình Hội Thánh

HTTL Hà Nội – Mỗi một con dân Chúa đều mong Hội Thánh Chúa được phát triển mạnh mẽ, vững bền. Ai cũng mong Hội Thánh là Hội Thánh của những môn đồ trung tín. Và các lãnh đạo Hội Thánh khi tham khảo những Hội Thánh mà đã thành công và phát triển thì rất ao ước để làm sao Hội Thánh của mình cũng được phát triển như vậy. Họ bắt đầu tham khảo và áp dụng cho Hội Thánh của mình. Tuy nhiên dưới đây điều cần lưu ý khi thực hiện công việc này. Bài viết này phần lớn dựa trên công trình nghiên cứu của Joel Comiskey một nhà lãnh đạo, nhà phát triển Hội Thánh tế bào. Và quan điểm của người viết không nhất thiết đại diện cho quan điểm của cả Hội Thánh.

  1. Phải trả lời cho được câu hỏi Tại sao lại lựa chọn mô hình đó?

Các Hội Thánh ngày nay dường như bị đặt trong tình trạng “auto” trả lời cho các câu hỏi như thế nào? Làm gì? Từ đó họ luôn bị hướng vào các vấn đề kỹ thuật và lỗi từ chỗ này đến chỗ khác. Rồi lại vá chỗ này, vá chỗ kia. Lấy một ví dụ: Chúng ta phải giúp mọi người trả lời cho được câu hỏi “tại sao” cần xây dựng mục vụ nhóm nhỏ rồi mới trả lời cho câu hỏi phải làm mục vụ nhóm nhỏ “như thế nào”.

Trong trốn thương trường, doanh nhân Simon Sinek cho biết những công ty bắt đầu từ chỗ “Cái gì”, “Thế nào” thường sẽ sử dụng các kỹ thuật lôi cuốn hòng bán được sản phẩm nhưng nó chỉ thúc đẩy các lợi ích “ngắn hạn”. Sniek đưa ra nguyên tắc bắt đầu với câu hỏi “Tại sao” để đề cập đến mục đích, nguyên nhân, niềm tin. Tại sao công ty tồn tại? Tại sao mọi người nên quan tâm v.v.? [1]

Hội Thánh càng phải nghiêm túc hơn thế, Joel Comiskey cho biết phần lớn các tín hữu đều biết họ làm điều gì, biết cách để làm điều đó, tuy nhiên ít người hiểu tại sao mình làm những điều mình làm. Nếu giả sử Mục sư không thể truyền đạt lý do tại sao Hội Thánh tồn tại thì các thành viên sẽ dễ dàng hay khó khăn để đi theo? Nếu động cơ của tôi chỉ là “như thế nào”, “cái gì” thì tầm nhìn sẽ sớm khô hạn, lụi tàn. Động cơ từ chỗ thế nào, cái gì vốn dĩ không phải là động cơ cho cái lâu dài, vững bền.[2]

Vì vậy, khi bạn chọn mô hình cho Hội Thánh thì cũng cần xem Hội Thánh mà mình đang phục vụ có những điểm tương đồng nào, khác biệt nào về khải tượng, sứ mệnh với Hội Thánh mẫu? Có làm cho khải tượng, Sứ mệnh của Hội Thánh bạn càng rõ nét, dễ đạt được hay không? Có khiến dân Chúa thấy rõ hay làm cho dân Chúa càng mù mờ hơn? Có những điều kiện nào đủ, điều kiện nào chưa đủ? Thậm chí với nhiều Hội Thánh họ phải thay đổi cả khải tượng. Bên cạnh đó những nhà lãnh đạo cần nêu những nội dung giải thích cho câu hỏi “Tại sao” cho dân Chúa. Cũng đừng quên việc ước lượng số người ủng hộ hay phản đối, và cầu nguyện.

  1. Đừng vì “con số”.

Phải nói rằng đây là cám dỗ, cũng như một cái bẫy lớn nhất với bất kỳ một nhà lãnh đạo Hội Thánh nào. Đây thực chất cũng là hậu quả của việc trả lời cho câu hỏi thế nào, cái gì. Khi chúng ta thấy những Hội Thánh phát triển nhanh chóng từ một số lượng ít ỏi rồi tăng vọt 5000, 10000 người và chúng ta khăng khăng như thể nó là chân lý và phải làm như họ. Trong khi đó Hội Thánh phải là Hội của những môn đồ sẽ sản sinh ra những môn đồ, chứ không phải sự an ninh giả tạo về số lượng tín đồ. Hội Thánh dù ít hay nhiều thì trước hết cũng phải chú trọng trong chiều sâu với Đức Chúa Trời. Chúng ta tin rằng chỉ có Chúa Giê-xu mới giúp Hội Thánh phát triển và cách Ngài làm ban đầu không phải tập trung vào đám đông với số lượng lớn. Dù Chúa Giê-xu có thể cho 5000 người ăn, nhưng Ngài không tập trung vào đám đông mà đã lựa chọn mười hai người sãn sàng làm môn đồ của Ngài, bước đi theo Ngài, thực hiện ý định của Ngài. Một ví dụ chúng ta dễ thấy, đứng trước áp lực về con số, chỉ tiêu một lãnh đạo tổ tế bào nói cuối năm họ sẽ tăng gấp đôi lượng tế bào. Tuy nhiên vì áp lực con số, họ đã “tách” ra để có thêm nhiều nhóm nhưng rốt cục vì không chuẩn bị tốt cho “chất lượng” bên trong nên sự tách ra nhanh chóng thất bại và không đạt đến kết quả như tuyên bố.

  1. Hiểu bối cảnh và uyển chuyển.

Nghiên cứu của Joel Comiskey cho biết thông thường những mô hình được đóng gói sẵn sẽ không hoạt động hiệu quả trong bất kỳ bối cảnh nào khác nơi nó được sinh ra. Nó sớm gặp với những rào cản về chính trị – xã hội, văn hóa, giáo dục, hệ phái,  v.v. Ở Việt Nam chúng ta có rất nhiều những rảo cản bên trong lẫn bên ngoài Hội Thánh.[3]

Liệu mô hình của một Hội Thánh thành thị có thể áp dụng cho vùng cao, vùng nông thôn? Liệu mô hình tại Châu Phi có áp dụng được cho mô hình ở Úc, ở Việt Nam. Mô hình của hệ phái A, hệ phái tự do, Ngũ tuần … có áp dụng được trên mô hình truyền thống. Mô hình tại một nước mà tại đó sự tự do tôn giáo được khích lệ có áp dụng được trên một nước kiểm soát và không khích lệ tôn giáo? Đó là chúng ta chưa nói về nhận thức của tín hữu ở mỗi nơi là khác nhau.  Vì vậy, nếu bạn áp dụng y nguyên mô hình của người khác mà không có sự uyển chuyển thì có lẽ bạn sẽ gặp rất nhiều nan đề.

  1. Phải đi chậm và chắc, Tôn trọng tiến trình.

Tấm lòng sốt sắng cho sự phát triển Hội Thánh Chúa là điều tốt, tuy nhiên chúng ta không thể mong Chúa cầm cây đũa thần biến Hội Thánh được bùng nổ trong nháy mắt. Nóng vội khi áp dụng mô hình là một vấn đề đang xảy ra và ảnh hưởng tiêu cực đến Hội Thánh. Chúng ta nhận thấy rằng để một Hội Thánh từ A phát triển đến B một cách vững chắc tới một số lượng đông đảo, họ đã phải trải qua một tiến trình gian khổ, thậm chí thất bại. Họ đã trải qua đủ thứ rào cản. Họ đã phải trải qua sự dâng hiến, sự  phục vụ quên mình; sự trang bị, huấn luyện đủ mạnh để đạt đến nó.  Chúng ta không thể lấy những “kỹ thuật” mà chỉ tồn tại ở điểm B là điểm tốt đó để áp ngay cho hiện tại khi Hội Thánh của chúng ta đang ở A với những điều kiện thấp kém của A. Chúng ta sẽ lựa chọn việc đi tắt, đi nhanh hay lựa chọn việc đi đúng hướng?

Ví dụ: Chúng ta chuyển mô hình ban ngành sang mô hình tế bào và cắt giảm số buổi nhóm tập trung trong tháng. Nhưng chúng ta có nên cắt giảm số lượng buổi nhóm tập trung khi chưa hề có sự chuẩn bị thực sự tốt cho việc này? Chúng ta chưa hề tạo điều kiện tốt cho việc dịch chuyển đến B đó, liệu có nên thực hiện kỹ thuật này hay không? Và tôi nên thực hiện nó uyển chuyển như thế nào?

Như vậy khi bạn đã chắc chắn về một mô hình mà bạn sẽ áp dụng, đến khâu kỹ thuật bạn phải biết từ thời điểm A đến B sẽ trải qua bao nhiêu giai đoạn cần thiết, xây dựng các điều kiện vững chắc cho từng giai đoạn để Hội Thánh đi đúng hướng là gì. Cái gì cần thay đổi? Cái gì chưa cần thay đổi? Cái gì làm trước, cái gì làm sau?

  1. Cẩn trọng để không trở thành nô lệ cho người khác và gây chia rẽ trong Hội Thánh

Đối với các mô hình, kiểu mẫu đòi hỏi sự vâng phục hoàn toàn thì chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Ví dụ Hội thánh Truyền giáo Ân tứ Quốc tế (International Charismatic Mission – ICM) Bogota, Colombia. Hội Thánh đã tăng trưởng bùng nổ trong những năm 1990 và tạo nên một hiện tượng trên toàn cầu. ICM yêu cầu tất cả mọi người phải tuân theo mô hình của họ thay vì có thể áp dụng các nguyên tắc uyển chuyển, sửa đổi với từng hoàn cảnh khác nhau. Nhiều Hội Thánh từ bỏ hệ phái của mình gây ra chia rẽ đau đớn. Bí mật ở ICM là mô hình G12. Tuy nhiên theo thời gian ai cũng nhận ra G12 là mô hình tốt nhưng nó khá căng thẳng và ít Hội Thánh áp dụng có thành công như tại ICM. Và nó chỉ thành công khi được điều chỉnh các nguyên tác cho phù hợp với bối cảnh của Hội Thánh riêng của họ.[4]

  1. Cẩn trọng kẻo thiếu sự sáng tạo

Joel Comiskey nhắc lại cho chúng ta rằng Chúa là Đấng sáng tạo. Chúa vui mừng khi con dân Chúa tìm kiếm Ngài tiếp nhận lấy sự chỉ dẫn phong phú đến từ Ngài. Nếu việc học theo mô hình bên ngoài mà làm cản trở bạn trong việc nương cậy nơi sự hướng dẫn sáng tạo của Chúa, thì cách học của bạn là một cách học của sự hời hợt và bạn cũng gặp khó khăn trong việc khuấy động các lãnh đạo tìm kiếm sức mạnh từ nơi Chúa để đổi mới. Thay vào đó sẽ là bám chặt vào cuốn sách hướng dẫn do người khác viết, do mô hình sẵn có định hướng. Và khi cần điều chỉnh thì người ta sẽ không biết phải chỉnh sửa thế nào với hoàn cảnh khác nhau.[5]

  1. Cẩn trọng kẻo thiếu động lực 

Việc chạy theo mô hình của người khác có thể dẫn đến thiếu động lực. Đặc biệt khi gặp khó khăn, kết quả không thuận lợi người ta sẽ hỏi tại sao mình phải chạy theo điều này. Sự ngờ vực trong Hội Thánh xuất hiện điều đó sẽ là sự khó khăn để khích lệ và huy động dân sự bước tiếp trong mục vụ của mình. Joel giải thích, bởi vì một động cơ dựa trên sự tăng trưởng của người khác không khơi dậy trí tưởng tượng. Ví dụ: Đề cập đến việc xây dựng Hội Thánh Tế Bào và người lãnh đạo có thể nói việc xây dựng Hội Thánh tế bào là không hiệu quả nhưng thực chất việc chạy theo một khuôn mẫu mới là không hiệu quả.[6]

Động lực của con dân Chúa là tình yêu với Chúa, với Hội Thánh, nếu bất kỳ một mô hình nào được dân Chúa hiểu và nhận thấy sự hợp lý, chính đáng vì Đấng Christ và Thân thể của Ngài. Thì dân Chúa sẽ mong ước là nguồn lực hùng hậu cho sự phát triển của Hội Thánh. Do đó, thực chất cách áp dụng mô hình tốt nhất là cho dân Chúa không thấy mình đang áp dụng một mô hình nào nhưng cho họ thấy họ đang cùng lãnh đạo Hội Thanh xây dựng một mô hình mới từ tình yêu với Chúa với động lực vì Chúa. Nhưng người lãnh đạo cần uyển chuyển, định hướng và truyền cảm hứng đến dân Chúa.

Lời kết

Với bối cảnh Việt Nam, nhiều nhà lãnh đạo, nhiều phong trào Tin lành đang dấn thân để làm sao nước Chúa được mở rộng. Các mô hình về nhóm nhỏ, “tế bào”, One-to-one; Mở Hội Thánh mới đang có vẻ chiếm ưu thế trong những lựa chọn tốt cho Việt Nam. Nhưng không có một cái gì đến Việt Nam mà nó không cần phải chỉnh sửa để phù hợp và đặc biệt là kéo cả dân Chúa là nguồn lực hùng hậu cho sự phát triển Hội Thánh. Với các Hội Thánh truyền thống vấn đề của họ là vấn đề bên trong và với Giáo hội. Với các Hội Thánh Tư Gia họ đang có lợi thế lớn để có thể rao giảng Phúc Âm, sống đạo “nhà từng nhà” nhưng họ sẽ gặp vấn đề với quyền lực thế tục. . Điều mà chúng ta dễ nhận thấy rằng chẳng có luật nào cấm một gia đình đến với gia đình để thăm nhau và với đức tin của họ, họ cầu nguyện, hát thánh ca, đọc Kinh Thánh với nhau. Chẳng có luật nào cấm một tín hữu chăn bầy cho gia đình của anh ta. Chẳng có luật nào cấm! Vậy, mô hình nào càng làm phát huy bản sắc môn đồ cũng như dân Chúa thấy một mô hình mà họ có thể được làm chủ, được phát huy ân tứ, được tham gia cho lợi ích của Chúa và chính Thân thể Ngài mô hình đó sẽ chiếm lợi thế ở Việt Nam

 

Bài viết Chấp sự Nguyễn Trọng Bình

 

_________________________________________________

Ghi chú:

[1] Comiskey, Joel. Making Disciples in the Twenty-First Century Church: How the Cell-Based

            Church Shapes Followers of Jesus. Moreno Valley, CA: CCS Publishing, 2013.

(isbn. 9781935789420), phiên bản BH Carroll, p11-p12

 

[2] Comiskey, Joel. Making Disciples in the Twenty-First Century Church: How the Cell-Based

            Church Shapes Followers of Jesus. Ibid.

[3] Comiskey, Joel, ibid

 

 

 

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn