Thứ Sáu , 26 Tháng Tư 2024
Home / truyện ngắn / NƠI ẤY, MỘT NIỀM TIN

NƠI ẤY, MỘT NIỀM TIN

nghe-may

Minh Hằng là một thợ may. Cả cuộc đời cô gắn bó với cái nghề ấy. Có người bảo rằng: “Sinh nghề, tử nghiệp”. Cô không tin. Suốt ngày, vì chén cơm, manh áo nên cô gắn bó với nó.

Dạo ấy, nghề may đắt khách lắm. Khách cứ đến mỗi ngày. Đồ nhận may ngày càng nhiều thêm. Cô cặm cụi bên cái máy may hiệu Sinco cũ kỹ từ sáng sớm đến chiều tối, rồi từ chiều tối đến tận đêm khuya. Dù bận bịu và mệt nhoài dường ấy để kiếm tiền lo cho cả nhà, cô cũng không hề kêu ca hay than thân trách phận. Cô chỉ chợt nghĩ rằng tại cái số mình nghèo, sinh ra là phải may như thế này để trả nợ đời trước đã nợ người ta. Cái nghĩ ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của cô tự lúc nào không rõ. Cô cứ sống lầm lũi như cái bóng. Suốt ngày chỉ có may và may. Cái máy may khua cọc cạch như những âm thanh êm dịu nhất mà cô được nghe. Nó cứ bám lấy cô cả khi cô ngủ nghỉ hay lúc đi chợ bán rau giúp mẹ. Lúc nào, cô cũng tự bảo mình: về nhà ngay! mai phải giao đồ, nếu không may xong, khách chờ là bà cụ “nhai” mãi, cô nhức đầu lắm.

Rồi, khách cũng thưa dần. Người ta ít đến hiệu để may đồ. Muốn mua sắm quần áo mới, họ đến các hiệu quần áo may sẵn để chọn mua cho thỏa thích. Cô nhận lời may gia công cho vài hiệu quần áo quen biết. Không lâu sau đó, nghề may đã đưa cô đến một thành phố lớn. Ở đó, người anh trai thứ ba của cô cũng là thợ may. Cô đến đó may quần áo cho nữ, anh trai cô thì may quần áo nam. Hai anh em sớm tối may quần áo, làm đẹp cho người. Lo cho cuộc sống vất vả của mẹ và chị hai ở dưới quê, cô đã chắt chiu từng đồng tiền kiếm được để gửi về nhà. Cô chẳng biết xài tiền. Nhận được bao nhiêu tiền công, cô gửi hết về quê để đỡ đần cho mẹ. Có khi, cô về thăm mẹ khi hay tin bà bệnh. Cứ thế, theo vần xoay của cuộc sống, cô đã trở nên thân quen với những người khách đến may đồ tại thành phố này. Một hôm, có một chị, tên Thoa, là bạn của chị dâu của cô, giới thiệu một người cho cô. Người đó tên là Giê-xu. Năm người sinh ra là mốc để chia đôi dòng lịch sử nhân loại, là ngày Nô-ên. Cô không hiểu gì cả. Nhưng, cô ấn tượng nhất là người đó hiểu được cô đang nghĩ gì. Người sẵn sàng chia sẻ cuộc sống với cô. Người đó đảm bảo cho cô có cuộc sống đời đời ở Thiên đàng sau khi cô qua đời. Cô cũng chẳng để ý đến những điều đó vì cô còn phải may quần áo. Cô cần có tiền để gửi về quê cho mẹ.

Tuy nhiên, từ khi biết cô, người khách tên Thoa ấy đến may đồ thường xuyên hơn. Đến hiệu may của người anh, chị ấy cứ lân la ngồi cạnh cô, nói với cô về người có tên là Giê-xu đó. Nghe riết, cô có lẽ đã thuộc những lời chị Thoa nói về Chúa Giê-xu. Đến sáng Chủ nhật nọ, chị Thoa mời cô đi nhà thờ, cách đó có mấy cái nhà thôi. Vì nể tình chị Thoa là khách hàng thường xuyên, nên cô cũng nhận lời. Đến nhà thờ, cô thấy mọi thứ đều mới mẻ đối với cô. Mọi người gặp nhau, tay bắt mặt mừng, chào hỏi rối rít rất rộn rã. Thích nhất là được nghe hát Thánh ca. Cô ngắm nhìn người ngồi trước cái dương cầm lặng lẽ đàn cho cả nhà thờ hát. Âm thanh réo rắt, lúc trầm lúc bổng đã níu kéo cô. Cô lắng nghe lời một bài hát được hát đơn ca “Dầu ai ai, tranh giàu sang thế gian; Có Giê-xu, phần tôi thỏa rồi…” Cô gái ấy đứng hát mà sao cứ mãi nhìn và cười với cô. Cô cảm nhận như vậy nên cảm thấy bối rối. Sau đó là khoảnh khắc thật bình yên tràn ngập tâm hồn cô.

Cùng với âm thanh của cái máy may, cô đã trở thành người có tuổi trung niên từ lúc nào không rõ. Cái tuổi 45 đã lấy đi nét xuân xanh, làn da trắng mịn, mái tóc dài buông xõa bờ vai của cô. Giờ đây, những bệnh lý thời kì hậu mãn kinh đã đến với cô. Tự lúc nào, cô không biết tại sao mình không thể ngồi may được nữa. Hai cái tay của cô không còn nhanh nhẹn như trước. Cái lưng đã còng xuống tự lúc nào. Bàn chân đã chai sạn như khô ráp và trở nên cứng cỏi. Tóc của cô đã rụng đi nhiều giờ đã điểm bạc. Thay đổi nhiều nhất là đôi mắt. Giờ đây, cô không thể tự mình xâu kim nữa. Cô biết đã đến lúc phải từ giã cái nghề đã từng ấy năm gắn bó máu thịt để nuôi sống gia đình cô.

Cô bắt đầu trồng rau. Rau của cô được chăm sóc kĩ lưỡng để có thể làm hài lòng những người khác ở quê. Từ giã cuộc sống chốn phồn hoa đô thị, cô trở về với tấm thân héo hắt, gầy guộc, yếu ớt như sương buổi sớm mai. Người ta tìm đến tận nhà để mua rau không chỉ vì rau của cô non, tươi mà còn vì muốn ủng hộ cô. Đó là cách tốt nhất giúp cô có tiền để trang trải cuộc sống gia đình cô: một mẹ già tuổi 82, một người chị gái lỡ thì, tuổi 54. Tất cả họ đều ăn chay từ nhỏ. Cho đến một ngày, tự nhiên cô bị ra huyết rất nhiều đến ngất xỉu bên bờ đê. Có người đã nhân từ đưa cô đến bệnh viện rồi tìm cách để báo tin cho người nhà của cô hay. Bệnh viện tuyến thị xã không phát hiện ra bệnh, đến khi phát hiện ra thì sức khỏe của cô rất kém. Họ phải chuyển cô lên bệnh viện tuyến trên để điều trị. Cô lại đến nơi cô đã may suốt hơn mười năm ròng. Cũng cái nắng như thiêu đốt, cũng cái gió hắt hui, cũng cái cảnh xe bị tắt đường này cô đã trải nghiệm suốt bao năm, giờ đây trở nên xa lạ. Cô không còn đủ sức, dù chỉ để ngồi ngắm những cảnh xung quanh ập đến mắt mình. Cô nằm thiêm thiếp trên cái giường trải ga màu trắng khô khan đến rợn người. Tự nhiên, cô nghĩ đến một người tên Giê-xu mà một người khách tên Thoa đã giới thiệu với cô. Cô đăm chiêu nhìn qua khung cửa sổ: giờ đây mình đang bị bệnh, biết người tên Giê-xu đó có sợ ô uế vì bệnh của mình không. Nghĩ thế, ý định muốn gặp người khách quen thuộc tên Thoa không còn nữa. Cô cứ ngồi rồi lại nằm đó trong thấp thởm lo âu vì không biết mình sẽ quy tiên khi nào. Đôi lúc, cô không cho phép mình nghĩ như vậy, nhưng dường như cô không làm chủ được bộ não của mình nữa. Hễ cô nằm xuống lại nhớ đến Giê-xu, một người cô chưa từng nhìn thấy nhưng đã thấy quen như gặp gỡ tự bao giờ!

Một ngày nắng đẹp, người khách hàng quen thuộc xuất hiện trước giường cô. Tự nhiên, có gì đó nâng sức cho cô ngồi bật dậy.  Chị Thoa bước đến cầm tay cô và không kềm chế được nữa, cô quàng tay ôm choàng lấy cổ chị ấy. Quá bất ngờ hay cảm động vì cái ôm quá chặt, chị Thoa đã òa khóc. Cô cũng bị sức mạnh của giọt nước mắt làm cho vỡ òa. Nước mắt cô từ lâu đã không còn vì phải khóc cho chính cuộc đời long đong của mình, giờ đây như được khơi dòng để tràn tuôn không dứt. Chị Thoa hiểu ý đã vội vỗ vỗ vào lưng cô để xoa dịu vết thương lòng. Họ ngồi bên nhau như chị em và hơn thế nữa, rất lâu không ai nói được lời nào. Sau đó, chị Thoa đã đọc câu Kinh Thánh và nói với cô rằng Chúa Giê-xu khuyên cô “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ” (Ma-thi-ơ, 11: 28). Đang trong hoàn cảnh tuyệt vọng vì căn bệnh ung thư, cô đã tìm được chốn nương náu mình. Và, cô đã cầu nguyện tin nhận Chúa ngay trên giường bệnh. Từ đây, cô trở thành chị em với chị Thoa và được chị ấy dẫn đi nhà thờ mỗi sáng Chủ nhật. Thân thể cô vẫn mang căn bệnh nan y nhưng mặt cô đã ánh lên nụ cười tươi tắn. Cô an lòng vì biết rằng bất cứ lúc nào cô chết cũng đều được Chúa Giê-xu tiếp lấy linh hồn và cô sẽ sống lại trong đời sau với Chúa. Cô cảm thấy cuộc sống mình giờ đây thật ý nghĩa. Ôi, ước gì cô được khỏe mạnh như chị Thoa để về nhà trồng rau và cũng có cơ hội giới thiệu Giê-xu cho mẹ và chị gái của mình.

Thời gian lặng lẽ trôi. Mới đó đã hai năm, cô nằm trên giường bệnh. Giờ bệnh viện cho phép cô về nhà dưỡng bệnh nhưng phải uống thuốc định kì. Thế là, cô được trở về nhà sau bao ngày vắng mặt. Căn nhà vắng ngắt chỉ có ba mẹ con sống nương tựa nhau. Căn bệnh của cô làm cho mẹ và chị gái lo lắng. Họ dùng tài sản ít ỏi của mình để chữa bệnh cho cô. Nhưng, bệnh vẫn vậy thậm chí diễn tiến ngày một xấu đi, làm cô phải đến bệnh viện nhiều lần sau đó. Bây giờ, nhìn cô ốm yếu, xanh xao, bất cứ ai cũng không kềm lòng được. Những người hàng xóm đến thăm đều gửi gia đình cô ít tiền để thuốc thang cho cô. Hội thánh lạc quyên tiền và cử người đem đến để phụ lo chữa bệnh cho cô. Nhưng, dường như sứ mạng của cuộc đời cô đã hoàn tất. Chúa đã đem cô về với Ngài trong một đêm mưa. Cô trút hơi thở cuối cùng sau khi trăn trối lại cho người nhà là cử hành tang lễ của cô theo nghi thức của giáo hội Tin Lành. Niềm tin đơn sơ và lời đề nghị của cô được đáp ứng. Trong nhà, dù không có ai là đạo Tin Lành nhưng tang lễ được tổ chức theo nghi thức giáo hội. Đến khi nhìn thấy được sự giúp đỡ tận tình về vật chất lẫn tinh thần của những người cũng tin Chúa Giê-xu như cô, người ta mới biết những người trong cùng đạo rất yêu thương nhau. Dù rằng lúc còn sống, cô và gia đình cô không bao giờ đi đám tiệc của những người hàng xóm xa gần, nhưng những người hàng xóm không bỏ rơi cô. Họ cảm kích trước lòng hiểu thảo và sự chịu thương, chịu khó của cô lúc sinh thời. Có nhiều lời chứng được gieo ra trong khi tang lễ chưa kết thúc. Nhiều người đi dự tang lễ được nghe đến danh Giê-xu.

peace

Cơn mưa như trút nước sau khi hạ huyệt cô xong. Người tin Chúa ngợi khen Chúa vì đó là cơn mưa phước sau khi sự chết chóc đã ngự trị gia quyến cô suốt hai ngày qua. Khi sống, cô là người giúp việc cho bà nội, đến khi qua đời, cô cũng chỉ được chôn bên cạnh mộ bà nội. Mộ bà nội thì được xây dựng khang trang, nằm trong gia trang, còn mộ cô nằm cạnh mộ bà nhưng phía ngoài hành lang của gia trang. Xót xa thay kiếp người sống không có danh, chết lại không có chỗ gửi thân phải gửi nhờ phần gia trang của người dì. Dì của cô là người theo Phật giáo, sau bao nhiêu lời phản bác, họ vẫn cho phép người nhà cô chôn cô trong phần gia trang cao quý của gia đình họ.

Tôi vô tình là người chứng kiến những thời khắc quan trọng trong cuộc đời cô. Ấy là ngày đầu tiên cô đến nhà thờ xưng nhận đức tin và được Hội thánh tiếp nhận. Cô cứ hai, ba tuần đi nhà thờ một lần cho đến khi cô bị bạo bệnh thì không đi nhà thờ nữa. Dường như niềm tin của cô đã bị đánh cắp. Mọi người e rằng đức tin cô đã nao sờn và chắc chắn sẽ bỏ Chúa Giê-xu để trở về truyền thống của gia đình là ăn chay và tu tại gia. Tiếp theo, tôi chứng kiến cảnh cô lầm lũi sống như con rùa chậm chạp và đau đớn vì bệnh nan y mà Chúa cho mình phải gánh. Cô vật vã sống và lúc nào cũng cảm thấy lòng bình an. Cô luôn miệng nói đến người tên Giê-xu mà cô tôn kính khi họ đến thăm cô tại giường. Giờ đây, tôi chứng kiến cảnh cô qua đời. Tang lễ của cô làm cho tôi cảm thấy được cảnh tỉnh. Cuộc đời con người sống trên đất có bao lâu đâu, vì vậy hãy sống cho có ý nghĩa để đến khi trút hơi thở cuối cùng được như cô: bình yên và thỏa lòng. Cô làm cho một số người giàu có đi dự tang lễ phải chịu phục vì đức tin và đời sống thỏa lòng ấy. Danh Chúa Giê-xu được đồn ra trong lúc tang lễ diễn ra. Đến giờ, những người trong xóm của cô mới có dịp bày tỏ sự chân thành của mình qua lời khen: Con Hằng hiếu thảo như vậy mà sao Chúa cất đi sớm quá!” Số phận đã an bài và nằm trong sự tể trị của Chúa. Minh Hằng đã làm trọn trách nhiệm vì đã sống hết mình cho danh Chúa suốt đời mình.”

Tôi đến thăm mộ cô sau khi chôn ba ngày. Người thế gian sẽ làm lễ mở cửa mả cho người thân nhân dịp này. Tôi có mang theo hai cây kiểng để trồng phía trước hai bên gốc mộ cô. Tôi nghĩ, nhất định sẽ chứng kiến cảnh mở cửa mở mả đúng với nghi thức đường hoàng. Nhưng, không! Khi tôi đến nhà cô, mọi thứ xung quanh vẫn im lìm, không có động tĩnh gì. Thì ra, dù cô không trối lại nhưng gia đình vẫn không mở cửa mả theo nghi lễ truyền thống. Nhưng, nguyên nhân sâu xa nhất là gia đình không có đủ tiền để lo một cái lễ cho cô dù rất nhỏ. Tôi xót xa cho một kiếp người lầm than, cơ cực. Gia đình người dì, khi biết được gia đình không cúng, thờ cô nên họ đã trở mặt. Sở dĩ như thế vì gia đình cô không cúng giỗ cô nên họ cũng không nhận được của cúng gì dù rằng họ đã cho cô được gửi xác trên đất của mình. Thế là tôi nhờ chị hai của cô trồng hộ hai cây kiểng phía sau vườn rau, nơi cô đã lặn lội sớm hôm để kiếm cớ sinh nhai suốt quãng đời còn lại sau này.

Từ đây, tôi bắt đầu cầu nguyện cho gia đình cô có cơ hội tin Chúa. Gia đình họ có một thành viên hiếu thảo như vậy nên họ phải được ban cho cơ hội để sum họp gia đình, cũng chứng kiến cảnh cô được ban thưởng trong nước của Giê-xu. Mỗi lần đến thăm nhà, tôi đều mang theo một ít thức ăn chay để biếu gia đình cô. Tôi tìm đọc các sách nói về việc ăn chay trường, rồi cũng học cách chế biến và thực hành ăn chay để có thể cảm nhận được suy nghĩ và thói quen của người ăn chay. Mục đích của tôi là bằng mọi cách để đem người thân của cô đến với Giê-xu trước khi kì của họ trên đất sẽ mãn. Lặng nhìn hai con người gầy guộc, xanh xao, tôi không cầm lòng được. Tôi đã khóc mà không biết mình khóc vì ai hay cho chính cuộc đời mình. Tôi đã nợ cuộc đời này quá nhiều nên có cuộc sống sung sướng hơn cô. Còn cô, cuộc đời này cô có nợ bao lăm mà cô bị đòi lại sớm quá! Nhưng, Chúa Giê-xu thật rất nhân từ trên gia đình này. Nhờ tang lễ cô diễn ra long trọng theo nghi thức giáo hội nên người dân bản xứ có cơ hội nghe đến Giê-xu. Cô đến khi chết đi vẫn còn nói!

Tôi lẳng lặng ra sau vườn. Hai cây kiểng của tôi đang thì sung sức cành lá xum xê. Nhìn về nơi xa ấy, tôi biết cô đang được ở nơi mà Chúa sắm dành cho những người tin Ngài. Ngày nào đó, khi kỳ mãn, Chúa Giê-xu của cô sẽ quang lâm. Cô sẽ là người được sống lại trước nhất để gặp Chúa Giê-xu mà cô yêu mến. Còn người thân của cô sẽ ra thể nào khi đến giờ họ vẫn chưa tin Giê-xu như cô. Tôi nhận thấy mình có trách nhiệm với người thân của cô. Nếu không, mai này khi gặp lại cô, tôi sẽ rất khó xử. Kể từ khi điêều đó xuất hiện trong suy nghĩ của tôi, tôi biết mình đã được thay đổi để sống tiêu chuẩn của Chúa: yêu người như mình. Tôi sống không chỉ sống cho mình nhưng cũng sống cho người khác nữa. Nếu như cái chết đau đớn của cô không làm cho người thân của cô có cơ hội tin Giê-xu làm Chúa và Chủ cuộc đời mình như cô, thì cái chết ấy ít nhất cũng làm thay đổi thái độ sống của tôi và chinh phục tôi cho Chúa. Ngẫm lại, đôi khi trước cái chết, con người chợt nhận ra mình chưa thực sự sống! Cảm ơn Chúa vì bài học muộn màng nhưng chưa hẳn là trễ này. Đó là sự gắn kết từ niềm tin của cô đến với tôi, để đức tin ấy ngày một lớn lên và đem lại sự cứu rỗi cho linh hồn tôi. Và, đến khi kỳ mãn, cái chết của tôi cũng tương tự cái chết của cô: người chết hãy còn nói!

LAM TRIỀU

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn