Chủ Nhật , 19 Tháng Năm 2024
Home / Tổng hợp / MOTHER’S DAY

MOTHER’S DAY

ME 3

Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ
Trên con đường thôn xóm một ngày thu
Những ngày ấy mẹ vẫn còn rất trẻ
Tóc mẹ xanh và mắt mẹ còn mơ.

Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ
Bên bờ sông thôn dã những ngày hè
Mẹ chở người về trên con thuyền nhỏ
Trên dòng đời mẹ cũng chở tôi đi.

me
Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ
Rét căm căm chiều trở lạnh sang đông
Manh áo nhỏ mẹ che không đủ ấm
Tay mẹ choàng suốt cả tuổi thơ con.

Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ
Nắm tay nhau đi dưới những đường xuân
Cánh đồng vàng bay lên mùi hương lúa
Cánh hạc bay vào nỗi nhớ mênh mông.

Tôi có lẽ sẽ buồn khi nhớ lại
Trên con đường phố thị những ngày về
Mẹ cơ cực như dòng sông quê cũ
Những ngày dài trong mắt mẹ lê thê.

Tôi có lẽ sẽ buồn khi thấy lại
Màu thời gian trên tóc mẹ tàn phai
Vết chân chim trên đồng khô cỏ úa
Mẹ vẫn bao la biển rộng sông dài.

Tôi có lẽ sẽ còn buồn hơn thế
Vào một ngày không còn mẹ bên đời
Tôi sẽ mang những niềm riêng sâu lắng
Đi vào đời thương nhớ mẹ mà thôi. 

Mẹ có lẽ vẫn còn ngồi đâu đấy
Chờ tôi về trong những sớm mai tươi
Tôi vẫn thấy mẹ tôi còn trẻ lắm
Mẹ trong lòng tôi mãi mãi hai mươi.

me 2

(Hình minh họa)
Lữ Thành Kiến 

Lữ Thành Kiến (LTK) là một Mục Sư Tin Lành, và cũng là một thi sĩ, văn sĩ có những đóng góp không nhỏ trên văn đàn ngoài xã hội cũng như trong văn chương Cơ-đốc. LTK đã từng đạt được giải thưởng văn chương Vinh danh tác giả viết về nước Mỹ 2007 của  Việt Báo xuất bản tại Hoa Kỳ. LTK đã xuất bản mấy tập sách văn chương mà tuyển tập thơ văn “Biển Rộng Hai Vai”  là một trong những tuyển tập để lại một dấu ấn đáng ghi nhớ trong lòng những người yêu văn thơ, nhất là văn thơ của đạo Tin Lành.
Lữ Thành Kiến (LTK) là một cây bút viết khá hay và có chiều sâu. Tôi rất thích đọc văn, thơ của LTK, vì văn, thơ của LTK rất dễ đi vào lòng người, bởi nó khá nhẹ nhàng, giàu cảm xúc, làm cho ta thêm yêu đời, yêu cuộc sống. Trước 1975, LTK đã từng có thơ, văn đăng khá nhiều trên một số tờ báo tuổi hoa niên lúc bấy giờ với một số các bút danh như Trần Nguyên Đán, Thương Vũ Minh và Phạm Khánh Vũ, được nhiều bạn đọc trẻ tuổi lúc đó yêu thích, đón đọc. Từng lời văn, lời thơ của Lữ như chứa đựng từng giọt tình cảm từ trái tim đong đầy yêu thương của tác giả. Tôi rất vui và được khích lệ rất nhiều mỗi khi đọc văn, thơ của LTK. Bài thơ “Những ngày tôi với mẹ” (trích trong tuyển tập thơ văn “Biển Rộng Hai Vai”)là một trong những bài thơ mà tôi yêu thích. Và nhân ngày Lễ Mẹ, xin gởi đến quý bà, quý chị em phụ nữ, bài thơ đáng yêu nầy để chúng ta cùng được khích lệ nhau và thêm lên niềm tin yêu và hy vọng trong cuộc sống đời thường.
            Bài thơ nói về hình ảnh người mẹ. Chưa cần nói gì hết, chưa cần nghĩ suy gì nhiều, chỉ cần vừa mới nghe tiếng “MẸ” thôi là không ai mà không cảm thấy như có một cái gì đó rất thân thương, gần gũi, đáng yêu, đáng quý, đáng trân trọng dâng lên tự trong lòng rồi.
“Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ”, đó là câu thơ mở đầu và đó cũng là câu thơ được tác giả lặp đi lặp lại đến những bốn lần trong bài thơ, khiến cho chúng ta phải suy nghĩ, phải đặt câu hỏi tác giả nhớ lại những gì đây nhỉ? Và những điều mà tác giả nhớ lại, đó chính là: hình ảnh mẹ lúc còn trẻ, còn nhiều mơ uớc cho gia đình, cho cuộc sống; đó chính là hình ảnh mẹ chèo đò đưa khách sang sông; đó chính là hình ảnh mẹ nghèo giữa mùa đông lạnh giá; và đó chính là hình ảnh mẹ dắt tay mình đi thăm Tết người thân. Hình ảnh mẹ hiện lên trong 4 khổ thơ đầu thật cảm động làm sao! Không một người mẹ nào mà không lo toan cho cuộc sống gia đình, nhất là lo toan cho con cái, như hy sinh cả đời mình cho chồng, cho con mà không hề băn khoăn, tiếc nuối. Phải chăng đó chính là tình cảm thiêng liêng mà Tạo Hóa đã đặt để trong lòng người phụ nữ?
            Khi nhớ lại sự hy sinh cao cả của mẹ dành cho mình như thế, nhà thơ đưa tầm nhìn mình tới tương lai và cảm nhận được rằng lòng mình chắc sẽ buồn lắm khi nghĩ đến mẹ vẫn tiếp tục hy sinh trong âm thầm, lặng lẽ vì gia đình, vì con cái với một tình yêu bao la, không bờ bến. Không một người con nào không cảm thấy buồn khi thấy mẹ sống lam lũ, cơ cực, khi thấy “màu thời gian trên tóc mẹ tàn phai”.
            Và nỗi buồn lớn nhất của người con là khi “không còn mẹ bên đời” với mình nữa. Nỗi buồn ấy chắc chắn sẽ theo mãi người con, sẽ “đi vào đời” với người con không bao giờ nguôi. Và để cho cái ngày “không còn mẹ bên đời” chậm đến với mình, tác giả đã mong ước mẹ mình được “trẻ mãi không già” để mình được luôn có mẹ bên đời. “Mẹ trong lòng tôi mãi mãi hai mươi” – Tác giả đã có một câu thơ kết thật ấn tượng đem đến niềm vui cho nhiều người – niềm vui muốn mẹ được mãi mãi tuổi hai mươi để luôn được có mẹ bên mình.
            Với lời thơ chân thực, nhẹ nhàng , bài thơ thể hiện được tình cảm chân tình của người con dành cho mẹ. Chính điều đó làm cho bài thơ đem lại sự cảm động thực sự trong lòng người đọc. Cảm ơn thi sĩ LTK rất nhiều vì đã có những bài thơ viết về mẹ thật xúc động, mà một trong những bài thơ như thế là bài “Những ngày tôi với mẹ.”
Người Quảng Nam  
                                                               
 

PHẠM KHÁNH VŨ

🙂 🙂

Từ ngữ trong bài thơ “Những Ngày Tôi Với Mẹ”

Từ ngữ trong bài thơ “Những Ngày Tôi Với Mẹ” nhẹ nhàng sâu lắng, chân thực nhưng cũng đầy hoa mỹ. Tôi thích bài thơ này vì cách viết về mẹ của tác giả rất độc đáo. Bài thơ đi vào lòng người một cách tự nhiên. Rõ ràng bài thơ mang phong cách hàn lâm, nó vượt lên trên những từ ngữ sáo rỗng, khiên cưỡng. Làm thơ là cả một nghệ thuật công phu, cũng giống như người thợ chăm sóc cây cảnh. Anh ta phải tỉa sửa những lá thừa, nhánh cây không nằm đúng vị trí….. Một bài thơ hay phải trau chuốt từng con chữ, từng ý tưởng để phô diễn cái hồn của nó.

Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ
Trên con đường thôn xóm một ngày thu
Những ngày ấy mẹ vẫn còn rất trẻ
Tóc mẹ xanh và mắt mẹ còn mơ.

Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ
Bên bờ sông thôn dã những ngày hè
Mẹ chở người về trên con thuyền nhỏ
Trên dòng đời mẹ cũng chở tôi đi.

Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ
Rét căm căm chiều trở lạnh sang đông
Manh áo nhỏ mẹ che không đủ ấm
Tay mẹ choàng suốt cả tuổi thơ con.

“mắt mẹ còn mơ, những đường xuân, cánh đồng vàng, mùi hương lúa, cánh hạc, nỗi nhớ mênh mông….” là những cụm từ xinh đẹp, mượt mà như dáng dấp một cô thôn nữ trên cánh đồng xanh ngát…. 
Tôi nhớ lại những ngày tôi với mẹ
Nắm tay nhau đi dưới những đường xuân
Cánh đồng vàng bay lên mùi hương lúa
Cánh hạc bay vào nỗi nhớ mênh mông.

Để viết được những câu như:

“Mẹ cơ cực như dòng sông quê cũ
Những ngày dài trong mắt mẹ lê thê.”

Tác giả phải là người có cặp mắt quan sát đầy thi vị và lãng mạn. Ai bảo làm thơ dễ lắm? Không dễ chút nào, nó là cả một nghệ thuật cao siêu đòi hỏi người cầm bút phải giỏi về ngôn từ, giàu ý tưởng và đầy chất sáng tạo.

Tôi có lẽ sẽ buồn khi nhớ lại
Trên con đường phố thị những ngày về
Mẹ cơ cực như dòng sông quê cũ
Những ngày dài trong mắt mẹ lê thê.

Đọc ba câu này:

“Màu thời gian trên tóc mẹ tàn phai
Vết chân chim trên đồng khô cỏ úa
Mẹ vẫn bao la biển rộng sông dài.”

Tôi ngạc nhiên thích thú với những cụm từ: màu thời gian, vết chân chim. Đó là cách viết của một thi sĩ lão làng … 
Tôi có lẽ sẽ buồn khi thấy lại
Màu thời gian trên tóc mẹ tàn phai
Vết chân chim trên đồng khô cỏ úa
Mẹ vẫn bao la biển rộng sông dài.

Tôi có lẽ sẽ còn buồn hơn thế
Vào một ngày không còn mẹ bên đời
Tôi sẽ mang những niềm riêng sâu lắng
Đi vào đời thương nhớ mẹ mà thôi.
“những sớm mai tươi” lần đầu tiên tôi gặp cụm từ này…ôi sớm mai tươi, từ ngữ hay quá. Như thế không gọi là sáng tạo từ sao được!

Mẹ có lẽ vẫn còn ngồi đâu đấy
Chờ tôi về trong những sớm mai tươi
Tôi vẫn thấy mẹ tôi còn trẻ lắm
Mẹ trong lòng tôi mãi mãi hai mươi.

Vâng, người mẹ trong lòng tôi mãi mãi hai mươi…. 🙂

 

Tuong Vi

______________

🙂

 

Nguồn Gốc Lễ Mother’s Day

m 1

Cách đây gần 100 năm, Anna Jarvis đã vận động chính phủ Hoa Kỳ thành lập một ngày lễ để tri ân những người mẹ. Để cổ động cho việc này bà đã viết bài đăng báo, thuyết trình tại các nhà thờ, gởi thư cho các viên chức chính phủ.

Trước tấm lòng và sự kiên trì của bà, ngày 8 tháng 5 năm 1914, Tổng Thống Woodrow Wilson đã ban hành một sắc lệnh chọn ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng Năm làm ngày Mother’s Day.  Kể từ đó, hằng năm không phải chỉ tại Hoa Kỳ mà hàng tỷ người tại hơn 65 quốc gia trên thế giới đã chọn ngày này để tôn kính người mẹ.  Hơn một chục quốc gia khác cũng chọn một ngày khác trong tháng Năm để tri ân mẫu thân.

Nguồn Gốc

Ann Maria Reeves Jarvis, mẹ của Anna Jarvis, là một phụ nữ đáng kính.  Bà là nguồn động lực khiến cho con gái của bà là Anna Jarvis đã vận động để thiết lập ngày Mother’s Day.  Cuộc đời của Ann Maria Reeves Jarvis đánh dấu bằng những chuỗi ngày yêu thương chồng con, góp phần cho Hội Thánh, và tận tụy với công tác xã hội.

Ann Maria Reeves sinh ngày 30/9/1832 tại Culpeper, Virginia.  Bà là con gái của Mục sư Josiah W. Reeves và bà Nancy Kemper Reeves.  Năm 1850, sau khi cha của bà được thuyên chuyển đến làm mục sư cho Hội Thánh Tin  Lành Giám Lý tại Philippi thuộc Barbour County, West Virginia, Ann đã lập gia đình với Granville Jarvis, con trai của một mục sư Baptist tại thị trấn này.  Theo gương của  hai người cha, Granville Jarvis cũng trở thành mục sư và hầu việc Chúa trong Hội Thánh Tin Lành Giám Lý.

Ann Maria Reeves Jarvis đã giúp chồng rất nhiều trong những năm tháng chồng bà phục vụ Chúa.  Bà làm giáo viên Trường Chúa Nhật dạy các em thiếu nhi suốt 25 năm.  Bà đã hổ trợ cho chồng trong việc xây dựng nhà thờ cho Hội Thánh Andrews Methodist Church tại Grafton, West Virginia (1873).  Ann sinh cho chồng 12 người con.  Do hoàn cảnh y tế vệ sinh trong thế kỷ 19, bốn người con mất từ những ngày thơ ấu, bốn đứa khác chết khi chưa đến tuổi trưởng thành.

Từ những kinh nghiệm đau thương mất mát trong gia đình, Ann Maria Reeves Jarvis không muốn thấy cảnh tang tóc xảy ra trong những gia đình khác.  Vấn đề thiếu y tế và vệ sinh là nguyên nhân khiến nhiều trẻ em bị mất sớm vào lúc đó. Khi theo chồng thuyên chuyển từ nơi này sang nơi khác để phục vụ Chúa, bà đã thành lập Câu Lạc Bộ Các Bà Mẹ tại các thành phố Webster, Grafton, Fetterman, Pruntytown và Philippi nhằm cải thiện những điều kiện vệ sinh và sức khỏe trong các gia đình.    Các câu lạc bộ này gây quỹ mua thuốc giúp người nghèo, kiểm soát thực phẩm và sữa mà các tiệm tạp hóa bán cho người dân, mướn người giúp con cái các bà mẹ bị bệnh lao.

Khi cuộc nội chiến Hoa Kỳ xảy ra,  Ann Maria Reeves Jarvis kêu gọi Câu Lạc Bộ Các Bà Mẹ đứng trung lập về mặt chính trị.  Họ cứu chữa thương binh cả hai bên.  Bà cũng kêu gọi các cộng đồng giữ sự hiệp nhất giữa những khác biệt chính trị trong thời nội chiến. Ann Maria Reeves Jarvis vận động thành lập Mother’s Friendship Day” – ngày tương thân của các bà mẹ – với mục đích tạo sự hiệp nhất giữa những gia đình đã chia rẽ vì những khác biệt đã xảy ra trong chiến tranh.

Ann Maria Reeves Jarvis ước mong cơ hội thân hữu này sẽ được tổ chức hằng năm và sẽ là dịp để tưởng nhớ các bà mẹ.  Tuy nhiên, những cố gắng đó của bà không thành, Ann Maria Reeves Jarvis về với Chúa vào ngày 9/5/1905 tại Bala-Cynwyd, Philadelphia.

m 2

Vận Động Thành Lập Lễ Mother’s Day

Cũng trong khoảng thời gian đó tại New York (1872), Julia Ward Howe, tác giả của bản thánh ca The Battle Hymn of the Republic, công bố Mother’s Day Proclamation.  Dưới sự vận động của Julia Ward Howe, Mother’s Day được tổ chức tại Boston được khoảng 10 năm rồi ngưng.

Anna Marie Jarvis, con gái của Ann Maria Reeves Jarvis, là người rất gắn bó với mẹ mình. Sau khi Ann Maria Reeves Jarvis mất, Anna Jarvis tiếp tục vận động để thành lập ngày Mother’s Day theo ước nguyện của mẹ.

Ngày 12/5/1907, Anna Jarvis cùng những người thân từ Philadelphia trở về Andrews Methodist Church tại Grafton, West Virginia, là hội thánh nơi cha bà từng làm mục sư, mẹ bà đã dạy Trường Chúa Nhật, để tưởng niệm người mẹ là bà Ann Maria Reeves Jarvis.

Anna Jarvis trình bày với hội thánh, nơi cha mẹ bà  đã gây dựng nhà thờ, ước nguyện của mẹ mình về việc thành lập Mother’s Day.  Với sự ủng hộ các bà mẹ trong các hội thánh và sự giúp đỡ của John Wanamaker, cựu Tổng Giám Đốc Bưu Điện Hoa Kỳ,  ý nguyện về việc thành lập ngày tưởng nhớ và tri ân các bà mẹ được loan truyền.  Sau đó, Anna Marie Jarvis tiếp tục vận động bằng nhiều cách để ngày tri ân các bà mẹ được trở thành ngày lễ chính thức.

Tháng Năm năm 1908,  một lễ kỷ niệm Mother’s Day chính thức được tổ chức tại nhà thờ Andrews Methodist Church.  Sau đó, một buổi lễ mở rộng cho công chúng được tổ chức tại Wanamaker Auditorium tại Philadelphia. Năm 1909, lễ Mother’s Day được tổ chức tại New York.  Năm 1910, Tiểu bang West Virginia chính thức công nhận lễ Mother’s Day.  Sau đó, các tiểu bang khác lần lượt công nhận ngày lễ này.  Ngày 8/5/1914, Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua một đạo luật công bố Chúa Nhật thứ hai của tháng Năm là ngày Mother’s Day. Từ đó, Mother’s Day trở thành ngày lễ chính thức trên toàn nước Mỹ.

Hoa Trong Ngày Lễ

Trong lần trở về Andrews Methodist Church tại Grafton, West Virginia vào năm 1907,  Anna Jarvis  và mỗi thân nhân đến dự lễ đều đeo một đóa cẩm chướng màu trắng, loài hoa mà bà Ann Maria Reeves Jarvis ưa thích.  Từ đó, vào dịp lễ Hiền Mẫu, những người có mẹ đã qua đời thường mang hoa cẩm chướng màu trắng.  Những người có mẹ còn sống mang hoa cẩm chướng màu đỏ sậm.

m 3

Hoa cẩm chướng (carnation), loài hoa mà bà Ann Maria Reeves Jarvis ưa thích, có tên khoa học là dianthus caryophyllus. Chữ dianthus trong tiếng La Tinh có nghĩa là hoa của tình yêu.

Như nhiều loài hoa khác, màu hoa cẩm chướng mang những ý nghĩa khác nhau.  Cẩm chướng đỏ nhạt biểu tượng cho lòng cảm phục.   Cẩm chướng đỏ sậm thể hiện tình yêu sâu đậm.  Cẩm chướng trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, ngọt ngào và nhẫn nại.  Cẩm chướng hồng bày tỏ lòng tri ân.  Người Việt chúng ta biết tình yêu của mẹ rộng lớn vô cùng.  Nhạc sĩ Y Vân đã so sánh lòng mẹ bao la như Thái Bình Dương.  Với nhận thức đó, nhiều người đã tặng cho mẹ mình một bó cẩm chướng đủ màu với dụng ý gói trọn tất cả những tình cảm sâu đậm nói trên cho mẹ.

Thánh Kinh dùng tình yêu của người mẹ để minh họa tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho loài người.  Thánh Kinh cho biết: Hiếm khi có phụ nữ nào quên cho con mình bú hay không yêu thương con ruột của mình. Ví dầu có những trường hợp như vậy, Chúa không bao giờ quên chúng ta.

Trong ánh sáng của Thánh Kinh, vào dịp lễ Mother’s Day, mong bạn biết rằng ngoài người mẹ yêu dấu của bạn, có một người khác yêu bạn vô cùng.  Người đó chính là Đức Chúa Trời.  Nếu bạn muốn đáp lại tình yêu đó, Chúa không cần những cành hoa, nhưng Ngài thích tấm lòng tri ân của bạn dành cho Ngài.  Mong bạn tặng món quà đó cho Chúa.

Phước Nguyên

 

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

 

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn