Thứ Hai , 13 Tháng Năm 2024
Home / Tổng hợp / Những Nguyên Tắc Của Lương Tâm

Những Nguyên Tắc Của Lương Tâm

Lương Tâm và Bậc Cầm Quyền

Principles_plan

Những Nguyên Tắc Để Noi Theo

Chúng ta hãy tóm lại một số nguyên tắc từ những gương mẫu trên đây để chúng ta noi theo. Việc nắm vững những nguyên tắc là rất quan trọng.

  • Sự kiểm soát hoàn toàn

Nếu bạn sắp chống lại luật lệ, hãy chắc chắn rằng lương tâm của bạn điều khiển toàn bộ đời sống của bạn chứ không phải chỉ một lĩnh vực nào đó.

Tôi đã từng biết về những sinh viên trường Đại học đã từ chối việc nhập ngũ vì lương tâm của họ. Nhưng lương tâm họ lại không cáo trách họ khi họ say xỉn. Lương tâm họ đã không cáo trách họ khi họ phá hủy một chiếc xe ô tô ở tốc độ cao. Lương tâm họ cũng đã không cáo trách họ khi họ gian lận trong các kỳ thi. Và tôi thật khó tin vào một con người có lương tâm về chiến tranh nhưng người ấy lại chẳng có lương tâm về những điều khác.

Chính vì vậy nguyên tắc đầu tiên đó là: Lương tâm phải điều khiển tất cả đời sống của chúng ta nếu chúng ta không vâng phục pháp luật. Nếu tôi thấy một ai đó có một lương tâm tốt, một ai đó đồng đi với Đức Chúa Trời, hoặc một ai đó có lương tâm hướng dẫn họ mỗi ngày, và người đó khước từ tham gia vào chiến trận, thì tôi sẽ thừa nhận điều đó. Tôi tin rằng người ấy thật sự có lương tâm khi chống đối lại việc phục vụ trong quân ngũ và họ thật sự muốn như vậy.

Nếu lương tâm bạn điều khiển tất cả đời sống của bạn và bạn luôn mong muốn tìm kiếm sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, thì khi đó bạn có thể chống lại pháp luật.

  • Lẽ Thật Nơi Thánh Kinh

images

Nguyên tắc thứ hai, đó là bạn phải đặt sự không vâng phục của bạn dựa trên lẽ thật của Kinh Thánh. Nói cách khác, bạn không vâng phục luật pháp của loài người bởi vì bạn vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời. Những bà mụ đã biết rằng không nên giết những bé trai. Chính vì vậy, họ vâng lời Đức Chúa Trời, chứ không phải loài người. Đa-ni-ên biết rằng ông không thể ăn thức ăn bị cấm đối với người Giu-đa. Đa-ni-ên cũng đã biết rằng ông không thể cầu xin loài người thay vì cầu xin Đức Chúa Trời. Vì Lời Đức Chúa Trời rất rõ ràng thờ phượng thần tượng là sai. Ba người trai trẻ Hê-bơ-rơ cũng đã bị ném xuống lò lửa vì biết rằng sấp mình xuống thờ lạy thần tượng là sai. Họ đã xác định rõ lẽ thật nơi Kinh Thánh.

Các môn đồ đã được ban mạng lệnh rao giảng lẽ thật, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem. Và họ đã xác định rõ nhà cầm quyền thuộc linh ở phía sau niềm tin của họ.

Có nhiều lĩnh vực trong chính trị và chính quyền nhà nước mà những người tốt và yêu mến Chúa phản đối. Nhưng đừng khiến những lĩnh vực đó trở thành một phép thử của niềm tin hay thuộc linh đối với người khác. Nếu bạn có một niềm tin chắc nơi Kinh Thánh về một vấn đề nào đó, điều đó rất tốt – hãy giữ vững nó – nhưng đừng ép buộc niềm tin của bạn trên người khác. Những con người tốt và yêu mến Chúa không tán thành ở một số lĩnh vực. Nhưng trên phương diện rộng hơn của cuộc sống, Lời Đức Chúa Trời rất rõ ràng. Giết người là sai, trộm cắp là sai, và sấp mình trước thần tượng là sai.

  • Lịch Sự, Nhã Nhặn

Phải thật dũng cảm để bạn có thể bất tuân mệnh lệnh, nhưng hãy chắc chắn rằng bạn làm điều này cách nhã nhặn với sự dũng cảm của bạn. Tôi rất ấn tượng với sự thật rằng những nhân vật trong Kinh Thánh bất tuân mạng lệnh đều hành xử rất nhã nhặn, tử tế và đầy yêu thương. Họ đã không chống phá một cách kịch liệt. Họ cũng không chiến đấu một cách khiêu khích đối phương. Họ chỉ đơn giản làm điều khác biệt. Họ đã cố gắng để giải quyết những vấn đề này trong cách tôn trọng nhà lãnh đạo nhất. Có thể tôn trọng bậc cầm quyền mà vẫn không tuân theo mạng lệnh. Có thể vâng phục Đức Chúa Trời mà vẫn không tuân theo loài người.

Đa-ni-ên có thể kêu gọi những cận vệ của mình vào trong tình trạng khó khăn này. Nhưng thay vì vậy, Đa-ni-ên đã nói: “Tôi xin ông hãy thử những kẻ tôi tớ ông trong mười ngày, cho chúng tôi chỉ ăn rau uống nước. Sau đó, sẽ nhìn nét mặt những kẻ trai trẻ ăn đồ ăn ngon của vua; rồi ông sẽ làm cho những kẻ tôi tớ ông theo như điều ông đã thấy.” Đa-ni-ên đã không có quyền dùng những cận vệ của mình trong tình trạng khó khăn này. Bạn cũng không có quyền đặt một ai đó ở trong tình trạng khó khăn bởi vì niềm tin của bạn. Chúng ta cũng phải tôn trọng niềm tin của người khác.

Tôi nghĩ đây là lý do tại sao Phao-lô thúc giục chúng ta cầu nguyện cho các bậc cầm quyền. “Vậy, trước hết mọi sự ta dặn rằng, phải khẩn nguyện, cầu xin, kêu van, tạ ơn cho mọi người, cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được lấy điều nhân đức và thành thật mà ở đời cho bình tịnh yên ổn.” (I Ti-mô-thê 2:1,2).

  • Cơ Hội Để Làm Chứng

Nếu bạn chuẩn bị chống lại luật pháp, hãy chắc rằng đó là cơ hội để bạn có thể làm chứng. Đây là điều quan trọng. Chúng ta chỉ phản đối một số luật sai, và chúng ta đang tìm kiếm sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Mọi điều chúng ta làm với tư cách là một Cơ Đốc Nhân sẽ ảnh hưởng đến cách mà người ta nhìn nhận về Kinh Thánh. Nó ảnh hưởng đến những điều mà mọi người nghĩ về Cơ Đốc Nhân. Và nó cũng ảnh hưởng đến thái độ của họ đến Tin Lành. Và tôi phải tự hỏi bản thân mình rằng, “Khi trải qua mọi sự chống đối này, liệu có dễ dàng để chúng ta có thể chinh phục những tội nhân cho Đấng Christ không? Nó có dễ dàng để chúng ta có thể làm chứng cho họ không? Và liệu Đức Chúa Trời có được vinh hiển hay không?”

Tít 3:1-2 chép rằng, “Hãy nhắc lại cho các tín đồ phải vâng phục những bậc cầm quyền chấp chánh, phải vâng lời các bậc ấy, sẵn sàng làm mọi việc lành, chớ nói xấu ai, chớ tranh cạnh, hãy dung thứ, đối với mọi người tỏ ra một cách mềm mại trọn vẹn.” Đó là điều rất dễ hiểu nhưng thật khó để làm. Khi ai đó xác nhận rằng mình chống lại luật pháp mà cãi cọ ầm ỹ và đánh nhau với một ác tâm và sự hèn hạ, thì tôi khó mà tin điều đó đến từ một lương tâm thánh sạch. Điều chúng ta nên làm đó là tìm kiếm cơ hội để làm chứng.

Những bà mụ Hê-bơ-rơ đã dâng sự vinh hiển lên cho Đức Chúa Trời. Đa-ni-ên cũng đã mang lại sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Các môn đồ cũng đã đem lại sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời, và nhiều người đã được cứu bởi cách cư xử của họ. Tôi e rằng một số sự việc chống lại pháp luật chỉ đơn giản là sự hèn hạ từ tấm lòng con người. Họ chỉ là không thích nhà cầm quyền, và vì thế họ dùng lương tâm để che đậy ác tâm của họ.

  • Gương Mẫu Của Chúa Jêsus Christ

Hãy bước theo gương mẫu của Chúa Jêsus Christ. I Phi-e-rơ 2:13-25 nói rất rõ rằng Chúa Jêsus đã rất nhu mì và khiêm nhường, Ngài đã phó chính  mình Ngài cho những kẻ nhục mạ Ngài và Ngài cũng đã rất kiên nhẫn vì cớ lương tâm mình. Phi-e-rơ đã viết: “Vì cớ Chúa, hãy phục theo mọi phép tắc loài người lập lên, hoặc vua, như đấng rất cao, hoặc các quan….Vì anh em làm điều lành để ngăn miệng những kẻ ngu muội dại dột, ấy là ý muốn của Đức Chúa Trời.” (I Phi-e-rơ 1:13-15). Chúng ta không phải được tạo ra với một cái miệng to nhưng bàn tay thì lại siết chặt – chúng ta được tạo dựng để noi theo gương của Đấng Christ.

Chúa Jêsus đã mất hết tất cả quyền công dân của Ngài. Vua Hê-rốt đã không giúp đỡ Ngài, Phi-lát cũng không cứu giúp Ngài, những thấy tế lễ Giu-đa cũng không cứu Ngài. Chúa Jêsus đã ở dưới ba quyền lực pháp lý khác nhau – Hê-rốt, Phi-lát và cả tòa công luận. Ngài đã bị mất đi quyền công dân của Ngài, nhưng Ngài cũng vẫn rất nhu mì và đầu phục Cha Ngài. Và chúng ta nên học theo gương mẫu của Đấng Christ.

(Còn nữa)

WARREN W. WIERSBE

Translated by Hoa Da Quy

    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn