Thứ Năm , 2 Tháng Năm 2024
Home / truyện ngắn / VỢ CHỒNG NHÀ TRUYỀN GIÁO TIÊN PHONG

VỢ CHỒNG NHÀ TRUYỀN GIÁO TIÊN PHONG

 

Tại tỉnh Bông của Đế quốc La Mã có một khu định cư của người Do Thái, họ đến đây hơn hai trăm năm trước, ngay sau khi vua Sê-lêu-kít ở Sy-ri chiếm xứ Pa-lét-tin. Chủ ngôi Nhà Hội là ông A-mốt, có vợ là bà Na-ô-mi, gia đình họ sinh sống bằng nghề may trại. Các ngư phủ vùng Biển Đen thường đến mua vải bạt về dựng các túp lều tạm ven bờ biển, tiện cho việc đánh cá. Công việc làm ăn khá ổn định, ông A-mốt thuê thêm năm nhân công phụ giúp, dù là người Do Thái hay ngoại bang, ông đều cho họ nghỉ việc vào ngày Sa-bát, nhưng vẫn trả lương trong các ngày nghỉ. Chuyện này được cộng đồng người Do Thái tại tỉnh Bông hoan nghênh. Bà Na-ô-mi là một phụ nữ nhân hậu, thường giúp đỡ những người đồng hương nghèo khổ, để họ không phải sống trong tình cảnh đói kém. Gia đình ông A-mốt có ba người con: Cô chị Phê-bê, cậu em kế A-qui-la và cậu em út Ô-nê-si-phô-rơ.

A-qui-la là một thiếu niên chăm học và chăm làm. Cậu học tiếng Hê-bơ-rơ tại Nhà Hội, tiếng Hi Lạp và La-tinh tại trường học địa phương. Năm lên mười tuổi, cậu từng theo cha lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Ngũ Tuần. Trong lần đó, cậu đã tận mắt nhìn thấy các lưỡi lửa đậu trên đầu các môn đệ của Chúa Giê-su, kỳ lạ hơn là cậu đã nghe những người Ga-li-lê ấy nói thổ ngữ của xứ Bông—một nơi xa lạ mà họ chưa từng đặt chân đến—Sau khi nghe ông Phi-e-rơ giảng, cả hai cha con cậu đều xin qui Đạo và chịu lễ báp tem, cùng với ba ngàn người khác.

Lúc hai mươi tuổi, A-qui-la phải đứng trước một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, cậu phân vân trước ba sự lựa chọn: Một là ở nhà gánh vác công việc may trại của cha, hai là lên Giê-ru-sa-lem theo học trường của các ra-bi (đạo sĩ Do Thái), ba là sang La Mã tiếp tục học thêm về văn hóa và triết học. Theo truyền thống của người Do Thái, A-qui-la muốn lên Giê-ru-sa-lem để học Kinh Thánh, nhưng ông A-mốt khuyên can:

– Ba không muốn con lên Giê-ru-sa-lem vào lúc này. Nơi đó đang cơn bách hại Đạo dữ tợn lắm. Phần lớn các ra-bi đều thuộc phái Pha-ri-si, họ mù quáng chối từ Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế của nhân loại.

Bà Na-ô-mi đề nghị:

– Thôi thì… cứ để nó ở nhà phụ việc. Ông đã già rồi, nên giao dần việc quản lý xưởng may cho nó.

Ông A-mốt kiên quyết phản bác:

– Không được! Nó còn trẻ cần phải học hành cho đến nơi đến chốn. Việc cỏn con ở nhà, tôi vẫn lo được.

Rồi ông quay lại dặn dò A-qui-la:

– Con thu xếp hành lý. Tuần sau lên đường sang La Mã tiếp tục việc học. Ba có mấy người bạn quen bên đó, ba sẽ viết thư nhờ họ lo chỗ ăn chỗ ở và việc nhập học cho con.

Vâng lời cha, cậu khăn gói lên đường đến kinh thành La Mã.

***

Vừa đặt chân đến La Mã, A-qui-la ngỡ ngàng trước quang cảnh nguy nga sầm uất của kinh đô, cậu bỏ ra ba ngày để dạo xem phố xá và cung điện, tìm hiểu thêm về lối sống của dân chúng nơi đây. Lòng cậu buồn rười rượi vì khắp nơi đầy dẫy hình tượng, dân chúng bị lôi kéo vào chuyện đi xem và cổ vũ cho các trò tiêu khiển của vua quan như đua ngựa, bắn cung, giác đấu giữa người và thú hay giữa người và người,… Bình tâm lại, cậu cố quên đi mọi chuyện, chỉ chuyên chú vào việc học hành.

Một hôm đi học về, cậu bị một con ngựa chiến do một viên sĩ quan La Mã đang cưỡi lồng lên giẫm đạp. Cậu mê man bất tỉnh. May thay! Một nhà quí tộc đi ngang qua, thấy vậy, thương tình mang về nhà chăm sóc dưỡng thương. Nằm trong dinh thự của ông An-tô-ni-a cả tháng trời, hằng ngày cô con gái ông là Bê-rít-sin tận tình lo từng muỗng thuốc, từng chén cháo. Nhờ thế, thân thể của A-qui-la dần dần hồi phục, vượt qua cơn nguy kịch đến tính mạng.

Một vấn đề nan giải xẩy ra. Dù biết A-qui-la là người Do Thái, nhưng Bê-rít-sin vẫn đem lòng yêu thương cậu, còn A-qui-la thì không nỡ nào từ chối ân nhân cứu mạng mình. Ông bà An-tô-ni-a là những người có lòng rộng rãi bao dung, lại yêu quí cô con gái của mình nên không hề ngăn cản. A-qui-la đem chuyện này hỏi ý kiến cộng đồng Do Thái tại La Mã. Nói chung, những người bảo thủ cố chấp cực lực phản đối, họ cho rằng cần phải bảo vệ sự thuần chủng của dân tộc Do Thái như dưới thời E-xơ-ra và Nê-hê-mi; còn những người có khuynh hướng tiến bộ thì giải thích rằng Phúc Âm của Chúa Cứu Thế được rao truyền cho dân ngoại nên dân I-sơ-ra-ên và dân ngoại hiệp thành một dân tộc mới của Chúa, miễn là người ngoại phải tin nhận Chúa Cứu Thế. Vượt lên trên thành kiến của cả hai bên (bên nữ và bên nam), một đám cưới đã diễn ra. A-qui-la và Bê-rít-sin hạnh phúc được ở bên nhau. Nhờ của hồi môn của ông bà An-tô-ni-a cho, họ mua một căn nhà nhỏ để tạo lập một tổ ấm mới, với hai trái tim “bằng vàng”.

Cộng đồng Do Thái tại La Mã chăm chỉ làm ăn, không hoang phí tiền bạc vào những cuộc vui vô bổ như dân địa phương nên cuộc sống của họ ngày càng khấm khá. Điều này dẫn đến sự phân bì ghen tức của dân cư thành phố La Mã. Họ tìm cách kiện cáo lên Hoàng đế: Nào là dân Do Thái không chịu thờ lạy tượng Hoàng đế, nào là chúng làm nội gián cho bọn phản loạn ở Giê-ru-sa-lem, nào là chúng đầu cơ tích trữ hàng hóa và cho vay nặng lãi gây thảm họa cho thành phố,… Không cần phải mất công điều tra cho rõ sự tình, Hoàng đế Cơ-lốt ra lệnh trục xuất tất cả người Do Thái ra khỏi kinh thành La Mã. Dân Do Thái đành lòng bỏ lại nhà cửa và công việc kinh doanh lũ lượt ra đi. Đau lòng xót dạ nhất là đôi vợ chồng trẻ A-qui-la và Bê-rít-sin. A-qui-la rất thương vợ nên trằn trọc thâu đêm để suy nghĩ: “Nếu đem Bê-rít-sin theo thì nàng sẽ lìa xa gia đình mình, lại chịu nhiều sự hiểm nguy dọc đường; còn nếu nàng ở lại thì chao ôi!  Buồn biết mấy, biết đến khi nào mới gặp lại nhau” Cậu giãi bày nỗi lòng với vợ:

– Thôi em cứ tạm ở lại đây với cha mẹ. Anh ra đi một thời gian, khi tình hình lắng dịu sẽ quay trở lại ngay.

Bê-rít-sin gắt gỏng:

– Anh nói gì nghe lạ vậy! Anh đi đâu em sẽ đi theo đó, khó khăn cùng chịu, vui sướng cùng hưởng. Phận gái có chồng rồi thì phải theo chồng, gánh vác giang sơn nhà chồng.

A-qui-la nghe vợ nói thế thì an lòng. Sau khi từ giã gia đình ông bà An-tô-ni-a, hai vợ chồng lên chuyến tàu đi Cô-rinh-tô, thủ phủ của tỉnh A-chai. Tại thành phố đông đúc nhộn nhịp này, họ thuê một căn nhà rồi mở một xưởng may lều trại để sinh sống. Chừng mười ngày sau, họ vô cùng sung sướng được gặp Sứ đồ Phao-lô – người mà họ từng nghe danh tiếng từ lâu – Sau một lúc trò chuyện, hai vợ chồng chủ nhà mời Phao-lô ở lại. Phao-lô vốn biết về nghề may lều trại nên ưng thuận ở đây, vừa làm việc để kiếm chi phí sinh hoạt, vừa làm địa bàn để tiếp tục công cuộc truyền giáo tại thành phố Cô-rinh-tô.

Cứ đến ngày Sa-bát, cộng đồng Do Thái tập trung tại Nhà Hội. Phao-lô giảng luận, cố thuyết phục người Do Thái lẫn người Hi Lạp hãy tin nhận Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế. Tại đây A-qui-la và Bê-rít-sin đã học hỏi nhiều điều từ sự giảng dạy uyên thâm của vị Sứ đồ này. Khi Si-la và Ti-mô-thê từ tỉnh Ma-xê-đoan đến, có đem theo số tiền lạc hiến do các Hội Thánh gửi, thì Phao-lô thôi không may lều trại nữa, ông chuyên lo giảng dạy hằng ngày. Vì gặp sự chống đối dữ tợn từ người Do Thái bảo thủ nên ông chuyển sang giảng dạy cho cả người ngoại chưa tin. Công việc truyền giáo theo chiều hướng mở rộng phát triển tốt, nhiều người tin nên A-qui-la, Si-la và Ti-mô-thê cũng tham gia vào việc dạy Kinh Thánh, còn Bê-rít-sin thì chuyên dạy Kinh Thánh cho các phụ nữ mới tin Đạo.

Một hôm Ti-mô-thê nhận xét:

– Cô Bê-rít-sin và Rê-bê-ca có nhiều nét tương đồng: Cả hai đều xinh đẹp hơn người, cả hai đều từ bỏ quê hương và gia đình để ra đi lưu lạc nơi đất khách quê người. Nên từ nay, cháu xin phép không gọi cô là Bê-rít-sin nữa mà gọi là Bê-rít-ca nhé! Một đằng là để rút gọn dễ nghe, một đằng là để gợi nhớ chuyện tích ngày xưa.

A-qui-la cười:

– Ấy chết! Cháu đừng quá khen mà cô ấy nở phồng lỗ mũi to như quả cà chua chín đỏ. Không chừng nhớ nhà, bỏ chú mà lặng lẽ ra đi.

Bê-rít-sin e thẹn:

– Làm gì có chuyện đó!

Kể từ thời điểm này, cái tên Bê-rít-ca được dùng lẫn lộn với tên Bê-rít-sin để bày tỏ lòng mến mộ một người phụ nữ quí phái I-ta-li-a xinh đẹp, nhân hậu và có tinh thần truyền giáo, không ngại khó ngại khổ.

Sau một năm rưỡi ở lại Cô-rinh-tô, Phao-lô bàn với hai vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-sin lên đường trở về Sy-ri, luôn tiện để Bê-rít-sin đến thăm xứ Thánh I-sơ-ra-ên. Họ di chuyển đến Sen-cơ-rê, lưu trú năm ngày tại nhà bà Phê-bê, chị ruột của A-qui-la, cũng là nữ chấp sự của Hội Thánh tại đây. Một đêm kia Phao-lô nhớ lại chuyện mình (và Si-la) bị bỏ tù tại thành phố Phi-líp, bị vu cáo tại thành phố Cô-rinh-tô. Sáng ngày mai, ông quyết định cạo tóc để tỏ lòng tạ ơn Chúa đã cứu mình vượt qua hoạn nạn, theo đúng như phong tục truyền thống của người Do Thái. Sau đó, cả ba người từ giã các anh chị em trong Hội Thánh Sen-cơ-rê rồi đáp tàu thẳng đến thành phố Ê-phê-sô.Vì công việc Chúa tại Ê-phê-sô cần người giảng dạy và chăm sóc nên hai vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-sin phải lưu lại, còn Phao-lô thì tiếp tục lên đường về Giê-ru-sa-lem.

Ê-phê-sô là một thành phố ăn chơi trụy lạc, dân chúng mê muội thờ lạy nữ thần Ạc-tê-mít (người La Mã gọi là Đi-anh). Hai vợ chồng nhà truyền giáo vô cùng vất vả, vừa may lều trại kiếm sống, vừa tích cực rao giảng Phúc Âm cho những người xung quanh. Một hôm họ đến Nhà Hội của người Do Thái thì gặp A-bô-lô, một người gốc Do Thái sinh trưởng tại thành phố cảng A-léc-xan-đơ thuộc Ai Cập. Ông này “có tài hùng biện và am hiểu Kinh Thánh. Ông đã học Đạo Chúa, có tinh thần sốt sắng rao giảng và dạy dỗ một cách chính xác những điều về Đức Chúa Giê-su, mặc dù ông chỉ biết phép báp-tem của Giăng mà thôi” (trích dẫn Công Vụ 18:24,25) Khi Bê-rít-sin và A-qui-la nghe ông giảng, thấy có sự thiếu sót cần bổ trợ thêm. Họ mời ông về nhà để trao đổi, chỉ rõ rằng phép báp-tem của Giăng mới là bước khởi đầu cho người ăn năn trong giai đoạn Chúa Giê-su còn tại thế; hiện nay phải làm phép báp-tem nhân danh Chúa Cứu Thế Giê-su thì mới nhận lãnh Đức Thánh Linh (Ngài được Đức Chúa Cha ban xuống khi Đức Chúa Giê-su về trời). Ở tại Ê-phê-sô một thời gian ngắn, A-bô-lô chuyển hướng truyền giáo sang tỉnh A-chai, mà trung tâm hoạt động là thành phố Cô-rinh-tô đông đúc và trù phú.

Sau khi về đến Giê-ru-sa-lem, Phao-lô thực hiện chuyến hành trình truyền giáo lần thứ ba, ông ghé lại Ê-phê-sô kể cho vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-sin những chuyện đã xẩy ra sau khi họ chia tay lần trước. Thế rồi, cả ba người cùng thảo luận công tác rao truyền Phúc Âm tại Ê-phê-sô và vùng phụ cận: Nhiều Hội Thánh non trẻ cần chăm sóc, việc huấn luyện thêm cho các chấp sự, việc chọn lựa các trưởng lão và khuyến khích một số người tham gia vào đoàn truyền giáo… Một ngày kia, người nhà ông Cơ-lô-ê đến thăm, báo tin cho Phao-lô biết về sự bất hòa xẩy ra tại Hội Thánh Cô-rinh-tô. Ông liền viết thư khuyên nhủ Hội Thánh này (đây là thư thứ nhất, về sau còn viết một thư thứ hai nữa). Cuối thư có dòng: “Các Hội Thánh tại vùng A-si-a chào thăm anh em; A-qui-la, Bê-rít-sin và Hội Thánh nhóm trong nhà họ gửi lời thăm anh em trong Chúa”. Mục đích là nhắc tín hữu Cô-rinh-tô nhớ đến công lao khó nhọc của A-qui-la và Bê-rít-sin lúc trước, tình cảm sâu đậm của ông bà dù xa cách nhưng luôn luôn nhớ về họ. Chừng một năm sau, khi các Hội Thánh tại Ê-phê-sô tương đối vững vàng và khi hay tin việc bài trừ người Do Thái tại thủ đô La Mã đã mờ nhạt thì vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-sin quyết định chia tay Phao-lô để trở về La Mã, là quê nhà của bà Bê-rít-sin, sau bảy năm ròng xa cách.

Vừa đặt chân đến đây, hai vợ chồng vội vã về thăm cha mẹ vợ. Họ đau lòng khi biết tin bà An-tô-ni-a vì thương nhớ con gái mình là Bê-rít-sin mà lâm bệnh, rồi qua đời vào tháng trước. A-qui-la đứng lặng thinh không biết nói gì trong khi vợ mình tuôn tràn dòng lệ. Một hồi lâu, ông An-tô-ni-a lên tiếng:

– Thôi! Sự việc đã rồi. Các con nên nuốt lệ làm vui, nén nỗi đau thương mà sống. Hãy nhìn về phía trước, chứ đừng quanh quẩn mãi ở đằng sau.

Vâng lời cha. Vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-sin quyết tâm xây dựng lại sự nghiệp. Nhờ ông An-tô-ni-a giúp vốn liếng, họ mua một ngôi nhà nhỏ ở vùng ngoại ô La Mã, mở một xưởng may lều trại và khởi động lại công tác truyền giáo tại đây. Khác với các thành phố đã đến, việc rao giảng Phúc Âm tại thủ đô La Mã vô cùng khó khăn và nguy hiểm: Cộng đồng người Do Thái thì vừa sống trong tình trạng nơm nớp lo sợ chính quyền Đế quốc La Mã vừa ra sức chống đối Đạo Chúa; còn cộng đồng dân ngoại thì ham chuộng vật chất, ít ai quan tâm mấy đến vấn đề tâm linh. Dù vậy, hai vợ chồng vẫn kiên trì âm thầm truyền rao Lời Chúa. Bà Bê-rít-sin phụ trách việc cứu tế xã hội, giúp đỡ những người nghèo khổ, những người vô gia cư trong thành phố… nên tạo được một sự thiện cảm, thuận lợi trong việc truyền giáo cho thành phần thấp kém trong xã hội.

Cũng trong thời gian này Phao-lô trở lại thăm viếng các Hội Thánh tại tỉnh Ma-xê-đoan, nơi mà ông đã mở mang trong hành trình truyền giáo lần thứ hai, cách đây tám năm. Các tín hữu vui mừng chào đón Sứ đồ Phao-lô trong tình yêu thương nồng nàn quyến luyến. Nhân dịp này, ông dùng Lời Chúa an ủi và khích lệ họ vững vàng trong đức tin. Sau đó, ông di chuyển xuống phía Nam là khu vực chính yếu của nước Hi Lạp trước đây (nay gọi là tỉnh A-chai thuộc Đế quốc La Mã). Tại Cô-rinh-tô, Phao-lô viết một bức thư quan trọng gửi tín hữu tại La Mã, giãi bày kỹ càng về niềm tin trong Chúa Cứu Thế, đồng thời báo tin rằng mình sẽ đến thăm Hội Thánh tại đây. Cuối thư này, ông không quên dành vài lời để gửi đến hai người bạn đồng chí hướng: “Xin cho tôi kính lời chào thăm Bê-rít-ca và A-qui-la, những người cùng làm việc với tôi trong Chúa Cứu Thế Giê-su”.

***

Vì Hoàng đế Nê-rô rất tàn ác, luôn nghi kỵ người Do Thái; nên sau sáu năm ở tại kinh thành La Mã, vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-ca lại phải một lần nữa ra đi, càng xa càng tốt. Lần này họ đáp tàu đến tỉnh A-si-a, nơi mà ảnh hưởng của Hi Lạp vẫn còn bền bỉ và ảnh hưởng của La Mã có phần lỏng lẻo. Khi đặt chân đến đây, họ mới biết Phao-lô đã bị nhà cầm quyền Do Thái bắt tại Đền Thờ Giê-ru-sa-lem và đang bị quân đội La Mã giam cầm tại hải cảng Sê-sa-rê (bản doanh của tổng trấn miền Giu-đê). Trong tình thế này, công cuộc truyền giáo tại tỉnh A-si-a đặt nặng trên hai đôi vai của vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-ca, họ chỉ biết vâng phục ý Chúa, hết lòng hết sức làm tròn sứ mạng thiêng liêng, dù phải đương đầu với nghịch cảnh vây quanh. Lúc này hai vợ chồng không ở cố định lâu ngày một chỗ, nhưng luôn di chuyển từ nơi này sang nơi khác, nhằm tránh sự dòm ngó của những người Do-Thái cực đoan. Ngược lên hướng Bắc, họ trở về thăm lại quê nhà chồng tại tỉnh Bông. Cả hai ông bà A-mốt và Na-ô-mi đều đã qua đời, xưởng may lều trại giao lại cho con trai út Ô-nê-si-phô-rơ quản lý. Cũng như người anh A-qui-la, Ô-nê-si-phô-rơ vừa làm việc sinh sống vừa rao giảng Lời Chúa trong cộng đồng Do Thái. Sau một tháng ở lại với gia đình em trai, vợ chồng A-qui-la và Bê-rít-ca lại lên đường thăm viếng và chăm sóc các Hội thánh nằm về phía Đông của Đế quốc La Mã. Tình cờ khi đặt chân đến Ê-phê-sô thì gặp lại Ti-mô-thê. Anh ta cho họ biết Phao-lô đã được giải đến kinh thành La Mã. Ti-mô-thê còn đưa cho hai vợ chồng xem bức thư mà Phao-lô mới gửi cho anh: Đây là lời trăn trối của một người thầy sắp đi xa dành cho một người học trò yêu quí. Trong phần kết, có dòng viết:”Kính gửi lời chào Bê-rít-ca và A-qui-la cùng gia quyến Ô-nê-si-phô-rơ”. Đọc xong thư, bà Bê-rít-ca nghẹn ngào:

– Anh Phao-lô thật là tốt bụng. Đến giờ phút cuối cùng vẫn còn nhớ đến vợ chồng chúng ta.

Ông A-qui-la cảm động, ngập ngừng giọng nói:

– Ti-mô-thê, cháu à! Chúng ta phải noi gương Sứ đồ Phao-lô, tận tụy phục vụ Chúa cho đến hơi thở cuối cùng.

Chia tay Ti-mô-thê tại Ê-phê-sô, hai vợ chồng di chuyển xuống phía Nam. Đến Hội Thánh nào, họ cũng đem tình thương và ân phúc của Chúa Cứu Thế an ủi và khích lệ mọi tín hữu.

Đây là hai nhà truyền giáo đi tiên phong, dấn thân vào vùng “đất lạ” với muôn ngàn gian khổ khó khăn. Trong mười ba bức thư của Phao-lô thì có tới ba bức thư đề cập đến họ với những lời lẽ ân cần quí mến, mà không cần căn dặn hay chỉ bảo bất cứ chuyện gì (ưu ái hơn so với nhiều người khác). A-qui-la và Bê-rít-sin là hai tấm gương sáng chói cho mọi nhà truyền giáo từ xưa đến nay phải học hỏi và noi theo.

THANH NGUYÊN   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn