Thứ Năm , 2 Tháng Năm 2024
Home / truyện ngắn / GIÓ CUỐN LÁ BAY ĐI

GIÓ CUỐN LÁ BAY ĐI

giocuonla

Ông Ba Gà Mổ nằm co ro trong cái áo mỏng, mắt nhắm nghiền nhưng không ngủ. Ông nhớ cái thời huy hoàng nhờ nghề trồng mai Tết của ông. Thuở đó cứ mỗi mùa Tết tới là tiền chảy vào túi ông như nước nhờ bán mai. Rồi bia rượu chảy tràn trong nhà ông mấy ngày Tết. Xì phé, bài cào, bầu cua cá cọp tuỳ theo lứa tuổi cứ thâu đêm suốt sáng trong nhà ông. Nhưng mà mấy món đó chỉ là để cho người khác giải sầu mấy ngày Tết thôi, chứ cái món ông khoái nhứt là đá gà. Ông nhớ con Ô Kê đá đâu thắng đó như thần một thời của ông. Ông cưng nó còn hơn cưng trứng. Có lần đang ngủ, bỗng ông giật mình thức giấc, lò mò mở cửa ra sân hứng sương cho con gà độ của ông uống, người ta nói gà độ uống sương đêm đá mới sung. Vậy mà chỉ được một thời gian thôi. Sau đó bỗng nhiên con Ô Kê xuống dốc thảm hại, đá đâu thua đó. Nó càng đá thua, máu độ của ông càng sôi sùng sục. Thế là từ đó vàng bạc, nhà cửa, xe cộ, vườn tược và cả trăm gốc mai già trị giá cả trăm lượng vàng của ông lần lượt đội nón ra đi. Đã vậy tụi ác mồm ác miệng còn truyền tai nhau câu đố: “Đố mày biết trên thế gian này có con gà nào mổ sập nhà ? Hổng biết hả, đó là con Ô Kê”. Vậy là ông Ba có biệt danh “Ba Gà Mổ” từ đó. Nhà cửa tan nát, gia đình ly tán. Đã vậy, hoạ vô đơn chí. Chỉ sau một ngày bà bỏ ông đi không lời từ biệt, ông bị lên cơn đau thắt ngực dữ dội. Hàng xóm thương tình chở ông vào bệnh viện. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình nằm trong phòng cấp cứu, lẻ loi, không người thân. Người nằm giường bên cạnh nói hồi nãy có một cơn gió lớn lắm, thổi bụi bay mù mịt. Chắc là ông bị trúng gió đó. Ông khóc. “Ông Trời ơi, nếu thương con, ông hãy cho con chết luôn đi”. Vậy mà Ông Trời không cho ông chết. Tới tối, thấy khoẻ khoẻ trong người, nhân lúc phòng cấp cứu có đông người, lộn xộn, ông đánh bạo gỡ dây nước biển, giả đi ra ngoài rồi trèo tường bỏ trốn. Tiền đâu mà trả viện phí. Số phận đưa ông trôi dạt lên thành phố. Ngày đi lượm ve chai, tối về ngủ dưới hiên nhà người ta. Ông thở dài nhớ lại.

Đêm nay Giao thừa, người ta đi coi bắn pháo bông đông lắm. Một giờ sáng, giao thừa đã qua, người ta về gần hết, ông mon men ra để lượm bọc ni-lông và chai nhựa. Một nhóm năm bảy đứa thanh niên trai gái tíu tít đi qua. Một đứa con trai tiến về phía ông, đưa cho một túi xốp căng phồng.

– Chúc mừng năm mới, chú. Tụi con tặng cho chú quà nè.

Đưa tay nhận túi quà, ông khóc. Thằng nhỏ vẻ thông cảm, ôm lấy vai ông.

– Thôi chú đừng khóc. Năm mới mà chú.

– Chứ mấy cháu là “sanh diên” hả?

– Dạ, tụi con là sinh viên đi tặng quà cho những người cơ nhỡ đêm giao thừa. – Thằng nhỏ cười, có lẽ nó nghe cái giọng quê trớt của ông.

– Cám ơn các cháu. Trời sẽ độ lại cho các cháu.

Ông thầm nghĩ “Ngày xưa, nhà cửa, đất đai mình có đủ. Còn có cả vàng trong tủ nữa chớ. Bây giờ thì mình lại thành người cơ nhỡ”. Nước mắt ông lại chảy ra.

– Dạ, chú ơi. Trong túi quà có cuốn sách nhỏ nói về Ông Trời đó. Chú nhớ coi nhe.

– Vậy hả! Chú chỉ mong Ông Trời thương chú thôi!

– Chú ơi, Ông Trời luôn thương yêu chú, tha thứ cho chú, tại chú không biết thôi. Vui lên đi chú. Năm mới tới rồi, chú có ước nguyện gì không?

Thừ người ra, ông đáp:

– Chú muốn gặp lại vợ chú, chỉ để nói một lời với bả.

Mấy ngày Tết, vựa ve chai nghỉ, ông có thời gian rảnh để đọc tới đọc lui cái cuốn sách nhỏ trong cái túi quà đó. Tình Yêu Thiên Thượng. Ông nhớ tới lời của cháu sinh viên hôm nọ “Ông Trời luôn thương yêu chú, tha thứ cho chú, tại chú không biết thôi!”. Ông ngẫm nghĩ Ông Trời thương mình thật sao? Nghĩ lại tội của ông lớn lắm, chắc cũng thuộc vào hạng “tội lỗi trời không dung, đất không tha”, vậy mà cũng được ông Trời tha thứ sao? Ông nhớ có nhiều lúc ông muốn tự tử chết quách cho xong, nhưng cứ tưởng tượng đến cái cảnh mà ông xem trong hình vẽ thập điện diêm vương: đám quỷ sứ bu lại ông, đứa cắt lưỡi, đứa chặt chân tay, đứa móc mắt, rồi dìm ông vào vạc dầu sôi (?!)… ông không dám tự tử ! Trước đây ông tin rằng khi chết, ông sẽ xuống địa ngục, ông sẽ bị hình phạt đó. Vậy mà cuốn sách nhỏ này đã cho ông biết được rất nhiều điều khác hẳn những gì mà ông đã từng biết. Ông chắp tay, ngước mặt lên trời “Chúa ơi, nếu Chúa có thật, nếu Chúa thương con, hãy cho con gặp lại vợ con”.

o0o

Tháng ngày lầm lũi đi lượm ve chai, ông vẫn đau đáu một nỗi niềm muốn tìm gặp lại người vợ của mình để cầu xin một lời tha thứ. Ông muốn lắm, nhưng biết hỏi ai, tìm ở đâu? Thành phố này quá lớn và quá xa lạ với ông. Buổi trưa hôm đó ông đi ngang qua một ngôi nhà thờ nhỏ. Chợt ngước lên nhìn thấy ngôi nhà thờ đó có gắn cây thập tự giá và hai chữ “Tin Lành”, ông dừng chân. Ông nhớ đến quyển sách nhỏ mà ông được tặng vào đêm giao thừa, ông đã đọc đi đọc lại có đến vài mươi lần, cũng có nhắc đến hai chữ “Tin Lành”. Một cô gái từ trong đi ra nói:

– Chú ơi, chú lượm ve chai phải không?

– Phải.

– Chú đợi một chút, con cho chú một bao chai lọ nè.

Nói rồi cô gái ngoái vào phía trong nhà nói lớn:

– Hưng ơi, đem giùm cái bao chai lọ ra đây.

– Ơi, nghe rồi.

Một người thanh niên vác bao chai lọ từ trong đi ra. Ông ngạc nhiên:

– Ủa, có phải cháu …?

Người thanh niên nói như reo lên:

– Ủa, chú … có phải hôm nọ con tặng quà cho chú không?

– Đúng rồi. Đêm giao thừa… quyển sách nhỏ…

– Dạ đúng rồi, quyển truyền đạo đơn.

– Ừ. Trong quyển sách đó có nhắc đến hai chữ “Tin lành” nhiều lần. Hôm nay, chú đi ngang qua đây, thấy nhà thờ này cũng có hai chữ “Tin lành” y như vậy nên chú dừng lại.

– Con nhớ hôm đó, chú có ước là sẽ tìm lại được vợ chú. Vậy chú đã gặp vợ chú chưa?

– Chưa. – Ông buồn bã trả lời.

– Vậy chú hãy vào đây ngồi nghỉ, uống nước. Con sẽ mời mục sư ra gặp chú.

Hôm đó, ông nói chuyện với mục sư lâu lắm. Bao nhiêu nỗi niềm bấy lâu nay của ông như được trút đổ ra hết. Ông mục sư ngồi lắng nghe chăm chú. Sau đó mục sư nói:

– Ông Ba, tôi rất cảm thông hoàn cảnh của ông. Đức Chúa Trời rất yêu thương ông và Ngài đang có chương trình tốt đẹp cho ông. Ông có thấy rằng thật là kỳ diệu khi Chúa đưa bước ông đến đây không?

Ngẫm nghĩ một lút, ông Ba trả lời:

– Đúng. Không hiểu sao hôm nay tui lại đi ngang qua đây.

– Chính là chỗ đó. Chúa đang chờ đợi ông tiếp nhận Ngài. Đây là kỳ thuận tiện cho ông.

Vậy là ông Ba mềm mại ngọt ngào cầu nguyện tiếp nhận Chúa vào lòng. Mục sư khích lệ ông sắp xếp công việc để sáng chủ nhật mỗi tuần đến hội thánh thờ phượng Chúa.

– Trong Kinh thánh, Chúa Giê-xu có nói: “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”. (Ma-thi-ơ 6:33) Bây giờ điều mong mỏi nhất của ông là tìm gặp lại người vợ thân yêu phải không? Ông hãy trung tín thờ phượng Chúa trước đi, tôi tin Chúa sẽ trả lời cho ông.

Từ đó, ông Ba luôn trung tín đến hội thánh thờ phượng Chúa mỗi sáng chủ nhật. Ông vẫn luôn nhớ cầu nguyện Chúa cho ông được gặp lại vợ. Ngày tháng trôi qua, Chúa vẫn chưa nhậm lời cầu nguyện của ông. Ông vẫn chưa gặp lại người vợ của mình. Nhưng dường như điều đó không còn là một nan đề nặng trĩu trong lòng ông như trước kia nữa. Ông thấy lòng mình vui vẻ và nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều. Có nhiều lúc trên đường đi lượm ve chai, ông còn ca hát những bài nhạc thánh mà ông đã được biết trong lúc thờ phượng Chúa nữa. Thằng nhỏ quen đi lượm ve chai chung với ông cũng ngạc nhiên về sự thay đổi của ông.

– Chà dạo này thấy chú Ba yêu đời heng! Lẩm nhẩm ca hát gì hoài nhe! Chắc hát bài “đời tôi cô đơn …” chứ gì!

– Tầm bậy! Dạo này chú hết cô đơn rồi.

– Ủa, chú quen bà nào hả?

– Tầm bậy nữa! Chú có người bạn rất thân ở bên cạnh.

– Ủa, con có thấy ai đâu?

– Để chú hát cho mày nghe “Chúa với tôi thân mật, bên nhau khắn khít như hình bóng. Chúa đến trong đời sống, mang thay tôi nhiều lo lắng…

– Ờ, bài này nghe lạ, nhưng cũng hay hay. Mà con đâu có thấy Chúa nào ở bên chú đâu?

Ông Ba lấy tay chỉ vào ngực mình “Đây, Chúa ở đây”.

o0o

Một hôm đang đi lượm ve chai, bỗng ông Ba nghe tiếng kêu khiến ông giật mình:

– Anh Ba, phải anh Ba không?

– Tám, phải mày không Tám?

– Đúng rồi, Tám Bò đây. Sao anh ra nông nỗi này?

– Mày biết chuyện của anh rồi. Bây giờ anh còn gì đâu!

Tám Bò là “chiến hữu” ngày xưa hay rượu chè với ông, cũng là một nhân viên thư ký ở uỷ ban xã. Gặp Tám Bò, ông biết được tin tức ở quê nhà, nơi mà ông đã bỏ ra đi mấy năm nay. Và quan trọng nhất là ông biết được tin tức của vợ ông. Bà đã lặng lẽ về ở chung với một người em có họ hàng xa tại một tỉnh miền Tây. Một lần phải trở về địa phương cũ chứng giấy tờ, bà đã gặp Tám Bò. Mừng rỡ, ông Ba gọi điện cho mục sư:

– Mục sư ơi, tui có tin tức của bà vợ tui rồi.

– Vậy hả? Cám ơn Chúa. Chúa nhậm lời ông rồi đó. Vậy ông tính sao?

– Chiều nay tui sẽ đến vựa ve chai để xin lấy số tiền mà họ còn giữ. Mai tui sẽ đi. Mục sư cầu nguyện cho tui nhe.

– Xin Chúa ban phước cho ông. Có gì gọi cho tôi.

Vậy là ngay sáng hôm sau, ông tức tốc quảy chiếc ba-lô sờn rách lên vai, đáp xe đò đi miền Tây.

Ông gặp lại bà, bà chỉ đứng yên, mắt nhìn về nơi nào đó xa lắm, mặt không biểu lộ cảm xúc. Còn ông chỉ biết đứng đó và nói “Tui biết tui có lỗi nhiều lắm. Bà hãy tha lỗi cho tui. Mình hãy làm lại mọi sự từ đầu”. Dường như đau đớn quá nhiều đã khiến lòng bà trở nên chai sạn. Bà về làm vợ ông Ba ở một cái tuổi mà dưới quê người ta gọi là “gái ế”. Do mai mối, bà về làm vợ ông Ba một cách chóng vánh nên cũng chẳng có yêu thương gì đậm đà. Ông Ba là một người trồng cây kiểng “mát tay”, bán đắt hàng, tiền vô như nước. Những tưởng cuộc đời bà sẽ sống giàu có và trôi đi êm ả cho tới già, như bao cô gái có chồng bình thường khác, nào ngờ hai năm, rồi ba năm, bà vẫn không sanh cho ông mụn con nào. Buồn cho số phận không con, lại nghe nhiều lời dèm pha của nhiều người, sẵn có tiền trong tay, ông tha hồ ăn nhậu, cặp bồ ăn ở hết cô này tới cô khác. Bà khuyên hết lời nhưng ông vẫn bỏ ngoài tai. Đã vậy ông còn bắt đầu cờ bạc và mê đá gà độ nữa chứ. Đến một đêm, ông về, say xỉn, bà khuyên can, ông tát vào mặt bà “Bà không biết đẻ thì để tui kiếm người khác đẻ cho tui. Nói nhiều lời!”. Bà ôm mặt đau đớn, uất nghẹn, nói không nên lời. Sau đêm đó bà không còn nói với ông thêm lời nào nữa, ông muốn làm gì thì làm. Cờ bạc là bác thằng bần. Sau vài năm, tài sản của ông bà đã ra đi sạch sẽ theo những độ đá gà của ông.

Bây giờ thì ông và bà lại ở cùng một mái nhà. Chỉ có khác là đây là nhà của người quen chứ không phải là căn nhà của ông bà. Mấy ngày đầu bà không nói với ông lời nào. Vài ngày sau, thấy thái độ của ông ăn năn, hối lỗi, bà bắt đầu nói chuyện lại với ông. Ông bà cùng nhau chăm sóc vườn cây cho người em bà con đó. Liên lạc với mục sư, mục sư khuyên ông:

– Thôi thì ông cứ từng bước làm hoà và chăm sóc bà. Tôi sẽ cho ông địa chỉ của hội thánh ở vùng đó để chủ nhật ông đến thờ phượng Chúa. Ông nhớ giữ sự nhóm lại và kiên trì cầu nguyện nhé. Chúng tôi trên đây cũng sẽ hiệp sức cầu nguyện cho ông.

Lần đầu tiên, lúc ông nói với bà ông đi nhà thờ ngày chủ nhật, bà hỏi lại ông:

– Ông nói là ông đi đâu?

– Tui đi thờ phượng Chúa hôm nay, chủ nhật. Chút gần trưa tui về.

– Là ông đi nhà thờ hả?

– Ừ.

– Ông mà cũng theo đạo nữa à?!

Ông biết bà vẫn còn nghi ngờ ông. Ông vẫn nhẹ nhàng kể lại cho bà nghe việc ông tin Chúa. Nghe xong bà nói gọn lỏn:

– Ông làm gì tuỳ ông.

Ông biết là ông sẽ phải mất nhiều công sức để thuyết phục bà. Ông thầm đọc câu Kinh Thánh “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13). Chúa ơi, xin hãy giúp con chinh phục vợ con tiếp nhận tình yêu của Chúa – và cả tình yêu của con nữa!

o0o

Một hôm trong bữa cơm chiều, người em nói với ông bà:

– Anh Ba biết cái miếng đất hai công ở xóm trong mà em mới mua năm ngoái không?

– Phải miếng đất nằm ở cuối đường đi qua xã bên, phía bên trái, cách đây khoảng nửa cây số không?

– Đúng rồi anh. Em bận rộn quá chưa sắp xếp làm gì được. Thấy tình cảnh anh chị cũng tội nghiệp, lại không có con cái, hay là anh chị cứ vô ở, rồi trồng bông hoa bán kiếm sống đi, sẵn coi chừng đất giùm em luôn. Anh Ba có kinh nghiệm trồng bông hoa, em nghĩ anh chị sẽ sống được!

Vậy là ông bà được “ra riêng”. Ngày tháng dần qua, nhờ Chúa chúc phước, các cây hoa kiểng ông bà trồng đều tươi tốt và bán rất chạy hàng. Ông Ba cảm ơn Chúa đã sử dụng một người không phải ruột thịt nhưng có tấm lòng nhân hậu để cưu mang giúp đỡ ông bà trong lúc cùng cực của cuộc sống. Nhưng điều ông vẫn canh cánh trong lòng là ông muốn nói về Chúa cho bà, nhưng bà vẫn lờ đi, không nghe. Ông vẫn trung tín thờ phượng Chúa mỗi sáng chủ nhật và cầu nguyện đọc Kinh Thánh mỗi ngày. Bà cứ cúng kiếng mỗi mùng một và ngày rằm. Ông buồn lắm và cứ cầu nguyện luôn để Chúa thay đổi tấm lòng của bà. Ngày tháng trôi qua, việc trồng trọt buôn bán của ông bà được thuận lợi, bà có vẻ cởi mở, vui vẻ hơn với ông. Có những buổi chiều, công việc đã xong, hai ông bà ngồi dưới gốc cây vú sữa hóng gió, nhìn ngắm trời mây. Ông đan bàn tay của ông vào bàn tay của bà, nắm lại, như những đôi trẻ mới yêu nhau. Bà vẫn để yên như vậy, không tỏ thái độ gì. Có lẽ bà đã thấy được những sự thay đổi của ông. Lợi dụng những lúc rủ rỉ tâm sự này, ông làm chứng về Chúa cho bà.

– Có mùi thuốc lá đâu đây ha!

– Ừa, chắc của ông nhà bên kia.

– À, sau này tui thấy ông không hút thuốc lá à?

– Từ ngày tin Chúa, tui bỏ hẳn thuốc lá.

– Sao ông hay vậy? Ai đã ghiền thuốc rồi là không thể bỏ được. Tui nghe người ta hay đọc thơ giỡn chơi:

“Anh đây quyết bỏ thuốc lào

Đã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên”.

– Đó là do con người mình vốn dĩ yếu đuối, tự bỏ thì sẽ không thể nào bỏ được. Còn nếu mình dâng điều đó cho Chúa, thì Chúa sẽ hành động. Chúa sẽ làm cho mình bỏ được.

– Vậy sao? Tui mới nghe nói điều này. Mà ông cũng không uống rượu nữa phải không?

– Ừ.

– Không uống say, nhưng cũng uống chút ít cho hừng hừng chứ.

– Ồ, không. Một giọt cũng không. Từ ngày tin Chúa, tui hứa với Chúa là không bao giờ uống rượu nữa. Chính vì uống rượu mà tui đã làm khổ bà và tan nát cả gia đình.

– Thôi, ông đừng nhắc lại nữa. Chuyện qua rồi. Tui thấy ông bỏ được cả thuốc lá, cả rượu bia là hay lắm đó. Ước gì …

– Bà ước gì?

– Tui ước tất cả mấy ông đàn ông đều bỏ được rượu bia, thuốc lá. Bao nhiêu thứ bịnh tật cũng từ đó mà ra. Mà tui bảo đảm với ông là tất cả các bà vợ trên đời này đều không thích chồng mình ghiền mấy thứ đó.

– Tui biết mình là người yếu đuối lắm, rất khó để bỏ rượu bia thuốc lá, cho nên tui cầu nguyện Chúa nhiều lắm. Chính Chúa đã ban cho tui sức lực để tui bỏ được. Bà đã từng thấy nhiều người nói bỏ rượu, thuốc mà không bỏ được, vậy mà tui bỏ được. Bà có thấy đây là phép lạ của Chúa không?

Thấy bà khẽ gật đầu, ông nói tiếp luôn:

– Bà ơi, bà bỏ cúng kiếng và tiếp nhận Chúa đi. Chúa sẽ đổi mới đời sống của bà, như Chúa đã đổi mới đời sống của tui vậy.

– Thôi ông ơi. Ông vô đạo, đi nhà thờ, tui đâu có ngăn cản đâu. Tui cúng kiếng giỗ quảy quen rồi. Thôi, đạo ai nấy giữ đi. Miễn mình sống đúng với đạo làm người là được.

Nghe bà nói vậy ông buồn lắm, ông lẩm nhẩm “Chúa ơi, xin cho con lòng kiên nhẫn với vợ con”. Bỗng có một cơn gió mạnh thổi qua ào ào, bụi đất bay mù mịt. Bà hoảng sợ lấy nón lá che mặt, nép sát vào ông. Ông Ba nheo mắt chỉ tay ra xa nói lớn:

– Ây dà, sao có cơn gió thổi mạnh quá kìa. Coi kìa, gió cuốn cả đống lá bay qua đất bên kia kìa.

– Chà, sao tự nhiên có cơn gió mạnh dữ!

Một lát sau, khi bốn bên yên ắng trở lại, bỗng ông Ba chỉ tay ra vườn nói như reo lên:

– Kìa, bà coi kìa. Gió thổi mạnh cuốn cả đống lá cây qua vườn bên cạnh như vậy, mà bên vườn nhà mình chỉ có vài bông hoa bị rụng thôi!

– Ừ, lạ thật ta. Tui cứ sợ gió thổi mạnh quá, bông rụng hết trơn làm sao bán. Vậy mà chỉ có một ít bông rụng thôi, lạ thiệt!

– Trong Kinh Thánh, Chúa nói rồi “Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì chẳng hề một con nào rơi xuống đất” (Ma-thi-ơ 10:29). Cơn gió mạnh đó là do Chúa làm, hoa vườn nhà mình không rụng xuống đất cũng là do Chúa làm, Chúa thương vợ chồng mình.

Bà cũng gật gù như đồng ý với câu nói của ông.

Bất giác, ông nói khẽ “Gió cứ cuốn lá đi, để cho hoa ở lại”. Bà nghe được, nhìn ông cười tủm tỉm “Ông nói cứ như là làm thơ”. Đang nói chuyện vui vẻ, bỗng nhiên, ông ôm ngực, mặt mày xanh lét, há hốc mồm. Bà hốt hoảng ôm lấy ông, hét lên:

– Ông ơi, ông bị sao vầy nè?

– Tui… đau … ngực…

– Để tui dìu ông vào nhà.

– Khó … thở … quá.

Khó khăn lắm, bà mới dìu ông được vào nhà. Để ông nằm lên giường, bà lấy khăn nhúng nước lau mặt và lau ngực cho ông.

– Ông ơi, bây giờ tui làm gì cho ông? – Bà khóc

– Không… sao… đâu… Bà… lấy… cuốn… Kinh… Thánh… giùm… tui…

Bà lấy cuốn Kinh Thánh đưa vào tay ông. Ông ôm cuốn Kinh Thánh trước ngực. Bà nghe ông cầu nguyện:

– Chúa… ơi… xin… cứu… con…

Tay bà ôm lấy tay ông và cuốn Kinh Thánh. Bà khóc nức nở và buột miệng “Chúa ơi, xin cứu chồng con”.

Một lúc sau, ông thiếp đi, hơi thở đều đặn. Bà lo lắng, cứ ở bên ông, cứ một chút lại lấy khăn ướt lau mặt, lau người cho ông. Hồi lâu sau, ông tỉnh lại, gọi bà yếu ớt.

– Bà ơi, bà …

Bà mừng rỡ chạy lại ngồi bên ông

– Ông ơi, ông làm tui sợ quá. Bây giờ ông thấy trong người ra sao?

– Tui khoẻ rồi. Cám ơn Chúa cho con khoẻ lại.

– Ừ, tui cũng cám ơn Chúa. – Bà buột miệng nói.

Cả hai ông bà cùng nhìn nhau cười. Bà thắc mắc :

– Hồi lúc trước, tui nhớ ông đâu có bị như vầy !

– Ừ, hình như là vậy – Ông nhăn trán suy nghĩ.

– Thôi, để tui xuống bếp nấu cho ông miếng cháo.

– Cám ơn bà.

Bà đi xuống bếp rồi, còn lại mình ông nằm suy nghĩ lan man. Ông lờ mờ nhớ lại, năm đó, khi bà bỏ nhà đi, ông bị cơn đau thắt ngực dữ dội, bất tỉnh nhân sự. Tỉnh dậy, ông thấy mình trong phòng cấp cứu của bệnh viện. Phải rồi, hôm đó cũng có cơn gió thổi qua lớn lắm, bụi bay mù mịt, bay cả vào mặt ông, ông phải lấy hai tay bụm mặt mới thở được. Mà thôi, suy nghĩ làm gì. Ông cầu nguyện cảm ơn Chúa. Ông nhớ lời Kinh Thánh: “Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa”.

o0o

– Ông ơi, ông đâu rồi? Bưng ra giùm tui mâm đồ cúng đi.

– Ơi, tui đây nè. Để tui bưng ra.

Ông Ba khệ nệ bưng ra mâm đồ cúng đầy đủ lễ vật, nhang đèn, giấy tiền vàng bạc. Đặt mâm cúng xuống đất cho bà xong, ông đi về một góc sân ngồi xuống rót trà. Bữa nay là rằm tháng chạp. Sắp Tết tới nơi. Ông ngó qua nhà bên kia. Có mấy người đang hì hụi lặt lá mai. Vừa nhấp ngụm trà nghi ngút khói, ông vừa nghĩ chà năm nay lạnh kéo dài quá, mai nở trễ, mấy người trồng mai coi chừng bán không kịp Tết lại thua lỗ tội nghiệp. Bỗng ông thấy bà lại kéo ghế ngồi gần bên ông.

– Ủa, bà chưa cúng hả bà?

– À… ừ… chưa. Bà ngập ngừng. – Mà ông nè, chắc tui không cúng nữa đâu!

– Sao vậy? – Ông nhìn bà ngạc nhiên, lòng khấp khởi mừng – bà đổi ý rồi à?

Bà nhìn ra xa xăm, tránh nhìn vào mắt ông

– Mấy năm nay, cứ mỗi rằm, mùng một, tui đều cúng, nhưng có thấy được gì đâu! Cứ thấy lòng trống trải sao đó… và cúng hoài cũng không thấy được ơn phước gì cả…

Bà cứ “ừ… ừm…” trong miệng như muốn nói với ông thêm nhiều điều nữa, nhưng không thể diễn tả được. Ông hỏi bà:

– Vậy chứ bây giờ bà muốn sao?

– Thôi ông dẹp giùm tui mâm đồ cúng đó đi, còn bánh trái trên đó mình lấy ăn luôn.

Cám ơn Chúa, Chúa đã làm việc rồi. Ông nhủ thầm, mắt cay cay. Ông nắm lấy tay bà:

– Bà ơi, bà đã nghe tui.

Bà để tay yên cho ông nắm. Những giọt nước mắt nãy giờ dâng lên trong mắt, bây giờ đã trào ra thành dòng trên đôi gò má xương xẩu của ông. Cám ơn Chúa đã từng bước làm thành điều con ước ao cho vợ con. Sáng chủ nhật, dắt chiếc xe ra đi nhà thờ, ông mạnh dạn nói với bà:

– Hôm nay, bà đi nhà thờ với tui nha!

Bà không nói gì, leo lên ngồi sau yên xe. Ông cho xe chạy chậm như muốn tận hưởng cái mát lạnh của mùa gió giáp Tết.

Bước chân vào hội thánh, bà cảm nhận được cái không khí ấm áp, gần gũi. Mọi người đều chào hỏi bà vui vẻ, thân thiện. Những bản thánh ca trỗi lên thật nhẹ nhàng sâu lắng. Trong lòng bà, cảm giác mới mẻ ban đầu đã chuyển thành sự gần gũi, sự trống trải trong tâm linh bà dường như được lấp đầy. Đây là cái cảm giác mà bà đã tìm kiếm rất lâu rồi mà không thấy, thì nay bà đã tìm gặp được, tại đây.

Chiều hai mươi chín Tết, như thường lệ, ông bà Ba ngồi dưới gốc cây vú sữa tâm sự, tay đan tay nhau. Xa xa, mấy con gà đang bươi bươi kiếm ăn, ríu rít gọi nhau.

– Ông coi chừng mấy con gà nó bươi mấy gốc hoa đó.

– Không sao đâu, thả nó ra chút tui nhốt lại liền. Tết này có “gà đi bộ” đãi Mục sư và mấy anh chị em tới thăm viếng rồi.

– Nhớ ngày xưa người ta gọi ông là “Ba Gà Mổ”.

– Ừ, nhiều lúc nhớ lại cũng thấy buồn buồn. Nhưng không sao. Có quá khứ mới có hôm nay chứ. “Ba Gà Mổ” đã đi vào dĩ vãng rồi!

Tết năm nay, có lẽ là cái Tết vui sướng nhất trong đời ông. Bà đã đồng ý tin nhận Chúa trong ngày Mục sư và Ban chấp sự đến cầu nguyện chúc Tết cho gia đình. Nghe Mục sư cầu nguyện cho bà, nước mắt ông cứ trào ra. Chúa ơi, cảm ơn Ngài. Vậy là ước nguyện của con đã được Ngài làm thành. Ủa, mà sao mình mau nước mắt vậy kìa? Cứ xúc động một chút là nước mắt cứ tuôn ra. Tấm lòng cứng cỏi ngày nào, khi đã dâng vào tay Chúa rồi, thì Ngài làm cho nó trở nên mềm mại. Bàn tay của Chúa thật tuyệt diệu! Ông đưa bàn tay lên ngực trái của mình, bóp nhẹ, cảm nhận không phải là đang rờ đụng phần thân thể của mình, mà như là đang cầm lấy bàn tay của ai đang để sẵn ở đó. Có phải bàn tay của Chúa đang đặt lên tim con không?

o0o

Nhờ Chúa chúc phước, công việc của ông bà càng ngày càng phát đạt. Tuy mảnh đất nằm tít ở xóm trong, một nơi khá sâu xa, nhưng cây kiểng và hoa của ông bà vẫn tiêu thụ được đều đều. Tình yêu thương đã phủ đầy trên đôi vợ chồng này. Những người tiếp xúc với hai ông bà đều thấy ông bà yêu đời hơn, vui vẻ hơn.

– Cha, bữa nay gặp lại sao thấy hai anh chị không già chút nào, lại còn có vẻ trẻ ra nữa!

– Ha ha, cám ơn chú đã khen. Hai vợ chồng tui vẫn như vậy thôi. Cứ vui vẻ mỗi ngày là không già!

– Nhưng bí quyết gì để luôn vui vẻ?

– Bí quyết hả? “Nước nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình, Dân tộc nào được Ngài chọn làm cơ nghiệp mình có phước thay!”(Thi Thiên 33:12). Vợ chồng tui mời Chúa làm chủ gia đình mình, nên vui vẻ hạnh phúc là vậy!

Chiều chiều khi xong việc, theo thói quen, ông bà vẫn hẹn nhau ra ngồi dưới gốc cây vú sữa để nghỉ ngơi và tâm sự trước khi vào nhà lo bữa cơm chiều.

– Bà ơi, xong chưa?

– Ơi, tui đang lỡ tay tỉa mấy cái lá này một chút. Ông ra gốc cây vú sữa ngồi đợi tui nhe.

– Ờ, tui ra trước nhe.

Bà vừa làm vừa ngẫm nghĩ. Để nhớ coi, chủ nhật vừa rồi đi nhà thờ hát bài gì nè? À, đúng rồi “người bạn tôi lưu luyến, người bạn tôi thương mến, tràn đầy tình thương vững bền, sẽ đưa tôi vào nơi vinh hiển…”. Bà hát nho nhỏ. Ờ, mà bài này ông nhà mình ổng thích lắm đây. Cứ mỗi lần hát bài này là ổng nhắm tít mắt lại, hát một cách say sưa, như con nít vậy. Hì hì, mà giọng ổng hát nghe cũng được chớ, để lát ra khen ổng một câu… Bà nhoẻn cười một mình. Bỗng có một cơn gió thổi qua thật mạnh, bụi đất bay mù mịt, đập vào cây lá ào ào. Bà hoảng hồn ngồi thụp xuống, kéo cái nón lá che mặt. Kỳ lạ nhỉ, tự nhiên lại có một cơn gió gì thổi mạnh ghê! Mấy cái lá nhỏ bị gió cuốn rớt lả tả lên đầu, lên vai bà. Mấy năm trước, có một buổi chiều cũng có một cơn gió rất mạnh thổi qua thế này, cuốn cả đống lá bay sang miếng đất kế bên, bụi đất mù mịt. Bà từ từ nhớ lại. Vậy mà sau khi gió qua, ông chỉ cho bà thấy hoa trong vườn nhà chỉ rụng lác đác, không đáng kể! Đúng là Chúa làm điều gì cũng lạ. Chợt dường như có một tia điện cực mạnh chạy dọc theo sống lưng của bà. Bà hốt hoảng quăng cây kéo tỉa cành đang cầm trên tay, vội vàng chạy ra gốc cây vú sữa.

Cơn gió mạnh đã đi qua, bụi mờ cũng từ từ tan. Những cánh chim lướt gió trên bầu trời xanh với những gợn mây trắng trôi thật êm đềm, như chưa hề biết có cơn gió rất mạnh vừa thổi qua. Bây giờ chỉ còn lại cơn gió nhẹ nhàng như đùa giỡn hất mấy cái lá bay sang miếng đất kế bên.

Ông nằm đó, ngửa mặt lên trời, thật thanh thản, miệng như mỉm cười, bàn tay phải bíu chặt lấy ngực trái. Bà gục lên ngực ông, khóc nức nở “Ông ơi, ông, tỉnh lại đi ông. Chúa ơi, Chúa ơi, xin cứu chồng con…”

  Gió cứ cuốn lá bay đi,
              Để cho mùa hoa ở lại.
              Hoa ơi hãy nhớ toả hương
              Để cho lá còn xanh mãi.
              Gió đưa linh hồn của lá
              Bay cao lên tới Thiên Đường
              Lá ơi sao bay nhanh quá
              Hoa chưa kịp để yêu thương.

 LẠC LINH SA   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn