Thứ Ba , 7 Tháng Năm 2024
Home / truyện ngắn / NGOẠI ĐÃ SẴN SÀNG

NGOẠI ĐÃ SẴN SÀNG

ngoaida

Sau ba mươi năm làm sư trụ trì, bây giờ Ngoại Ly đã trở về địa vị làm con của Cha Thiên Thượng.

Đức tin của Ngoại vô cùng đơn sơ.  Là người có trình độ học vấn, biết làm văn thơ, từng là sư chánh thuyết giảng tại Thiên Am Tự, núi Sam (Châu Đốc) nhưng khi quay lại tin thờ Chúa, đức tin của Ngoại chẳng khác nào đứa trẻ tin vào lời hứa của mẹ mình không hề nghi ngờ, hay thắc mắc gì.

Tôi ghé thăm Ngoại vào một trưa nắng tháng tư, tiết trời hầm hập nóng.

Ngoại nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, tấm thân gầy guộc khô cằn chỉ còn da bọc xương bẹp dí sát tấm nệm.

“Hậu quả của ba mươi năm ăn cơm với muối tiêu, muối xả đó chị.”  Ly thì thầm, giọng đầy bức xúc.

Tôi nhìn phía chân Ngoại, xách da Ngoại thường dùng đựng Kinh Thánh đi nhà thờ hàng tuần được để ngay ngắn bên góc giường.

*****

Hơn một năm trôi qua thật nhanh, có biết bao điều chúng tôi học được từ Ngoại.

Cầu nguyện tin nhận Chúa vào đêm truyền giảng tối thứ sáu, đến Chúa Nhật Ngoại đã có mặt trong lớp giáo lý Báp-Têm.  Ngoại là học sinh giỏi trong lớp này. Hai em thiếu niên nhỏ nhất: mười lăm tuổi, Ngoại cao tuổi nhất: tám mươi mốt.  Ngoại thích kể về chuyện Chúa chữa bệnh cho Ngoại.  Ngoại thích làm chứng về Chúa, Ngoại dùng từ ngữ bên Phật để làm chứng về Chúa.  Ví dụ Ngoại nói với bà Sáu em Ngoại: “Em phải mau mau giác ngộmà quay về với Chúa để được Chúa độ” hoặc “ Em phải sám hối những việc làm sai quấy của mình để Chúa giải thoát cho em.”

Thời gian ba tháng học giáo lý, Ngoại đọc gần hết quyển Kinh Thánh Tân Cựu ước.  Ngoại ôm Kinh Thánh đọc cả ngày, vui mừng hớn hở, ghi ghi, chép chép.  Ngày nào Ngoại cũng khoe Ly câu nào Ngoại thích, câu nào Ngoại cảm động về tình yêu của Chúa.  Ngoại nắn nót tô màu những câu Kinh Thánh mà Ngoại cho rằng Chúa phán riêng với Ngoại.  Ngoại học thuộc lòng câu: “Ta đã tạo ra thì sẽ gánh vác các ngươi, cho đến chừng các ngươi già cả, đầu râu, tóc bạc ta cũng sẽ còn bồng ẵm các ngươi”, câu: “Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi” và nhiều câu khác nữa Ngoại tô màu đỏ, màu vàng, màu xanh tùy theo ý nghĩa của câu Kinh Thánh.  Ngoại dạy Ly: “Câu nào là lệnh truyền của Chúa thì quan trọng lắm nên phải tô màu đỏ để mà học và làm theo, câu nào là lời hứa của Chúa thì tô màu xanh vì màu xanh là màu của hy vọng, mình phải hy vọng vào lời Chúa hứa ban cho mình”

“Còn màu vàng là ý gì hả Ngoại?”  Ly lắc tay Ngoại.

“Màu vàng là màu của Vua, nên câu nào nói về Chúa thì phải tô màu vàng.  Vì Chúa là Chúa trên muôn Chúa, là Vua trên muôn Vua.  Màu vàng phải để dành cho Chúa.  Con nhớ không?”

Hai đứa tôi thích thú với suy nghĩ của Ngoại, cả hai cùng rối rít:

“Ngoại hay quá, Ngoại sáng suốt quá, Chúa dạy Ngoại phải không?”

“Chứ còn ai, vậy mà cũng hỏi.”  Ngoại cười móm mém đưa tay vuốt đầu Ly.

Ngày cử hành lễ Báp Têm, Mục sư và ban chấp hành Hội Thánh quyết định “đặc cách” riêng Ngoại.  Tức là rưới nước lên đầu chứ không dìm mình xuống hồ nước, vì thấy sức khoẻ Ngoại yếu sợ dễ bị bệnh.  Ngoại cố năn nỉ Mục sư cho Ngoại được xuống hồ, Ngoại tha thiết:

“Tôi phải xuống hồ để đồng chết với Chúa con người xác thịt tội lỗi của mình và khi lên khỏi hồ là tôi được sống lại với Chúa con người mới mà theo Chúa.  Nếu không được như vậy tôi không thỏa lòng đâu.”

Cuối cùng Ngoại cũng được xuống hồ.  Ngoại cười khoe hai hàng nướu móm mém: “Thấy Chúa thêm sức cho Ngoại không?  Ngoại đâu có yếu, đâu có lạnh, đâu có bị chết ngộp mà Mục sư cứ lo lắng.  Hi… hi” Cả Hội Thánh đều vui mừng với nỗi vui của hai bà cháu Ly. Cả Hội Thánh được khích lệ từ một sư cụ tám mươi mốt tuổi bước xuống hồ nước, nhiều người đã đưa khăn tay lau nước mắt khi nhìn Ngoại ướt đẫm dưới hồ nước bước lên.

Từ ngày Ngoại trở về tin thờ Chúa, niềm vui mừng vì được có Chúa ở cùng khiến sức khoẻ Ngoại tốt hơn nhiều.  Ngoại thường nhắc chúng tôi: “Lòng vui mừng là một phương thuốc hay” (*) tại sao mình không vui mừng để được khoẻ mạnh, bình an chứ?  Chúa đã nói rõ vậy mà còn đi tìm kiếm thuốc bổ, thuốc hay gì nữa.  Chỉ cần vui mừng là như uống thuốc thần rồi, khỏi mất tiền mua mà lại bổ khoẻ nữa đó con.  Chúa không nói dối đâu ”.

“Sao Ngoại biết Chúa không nói dối?” Tôi trắc nghiệm Ngoại.

“Con đọc lại Kinh Thánh đi, Ngoại nhớ có câu “Ngài cũng từng bị cám dỗ như chúng ta nhưng Ngài không hề phạm tội.  Trong miệng Ngài không có chút chi dối trá, đúng không?”(*)

Hai chúng tôi vỗ tay khen Ngoại.

Cám ơn Chúa về trí nhớ và sự hiểu biết Chúa ban cho Ngoại.

Viêc Ngoại tin Chúa Giêsu làm rúng động cả dòng họ.   Ai cũng bảo:

“Ngoại già cả nên lú lẫn rồi.  Ai đời là sư trụ trì mấy mươi năm mà lại bỏ đạo đi theo đạo khác. Khi chết chẳng hiểu ai rước đây?”

Họ thắc mắc cũng phải.  Họ tin rằng phải tu nhân tích đức, ăn hiền ở lành thì mới lập được công nghiệp.  Họ đâu biết Chúa hứa: “Tin Chúa thì được cứu rỗi” (*) mà không cần phải làm gì cả.  Họ đâu biết rằng “Những việc làm thiện lành của con người chỉ như chiếc áo nhớp trước mặt Thượng Đế thánh khiết” (*)  Cám ơn Chúa nhân từ đã chọn và cứu Ngoại.  Cám ơn Chúa về đức tin vững vàng của Ngoại.  Ngoại không phiền vì những lời dèm chê, chỉ trích nhưng ngược lại Ngoại luôn lợi dụng mọi thì giờ, dịp tiện để nói về sự vui mừng được biết Chúa của Ngoại. Hơn một năm qua Ngoại đã làm chứng cho hết thảy những bà con ai đến thăm Ngoại về tin mừng cứu rỗi qua Chúa Giêsu.  Ngoại sốt sắng giới thiệu Chúa Giêsu với từ ngữ nhà Phật.  Ngoại nói với cậu Ba, dì Út của Ly:

“Các con không cần lo cho mẹ vì mẹ hiểu đâu là chân lý.  Các con mau sám hối mà quay về giác ngộ tin nhận Chúa Giêsu để được Ngài tha tội cho, Ngài sẽ lấy huyết vô tội của Ngài mà hoá giải cho các con được vào Niết Bàn.”  Mọi người len lén che miệng cười.

Ly khều Ngoại nhắc nhỏ: “Không phải Niết Bàn mà là Thiên Đàng, Ngoại”

“Niết Bàn hay Thiên Đàng cũng là một thôi con, chỉ là từ ngữ chỉ về cõi trên thôi mà.  Đó là nơi ở của Đức Chúa Trời là Đấng tạo hóa, Đấng tối cao không có con người nào sánh được” Ngoại giải thích. Hớp một ngụm  nước Ngoại hắng giọng tiếp:

“Các con, các cháu có muốn gặp lại Ngoại ở trển thì chỉ có một cách duy nhất là nhờ Chúa Giêsu thôi vì Ngài chính là đường đi, là chân lý, là sự sống, chẳng bởi Ngài thì không ai được đến cùng Đức Chúa Cha (*)  Nói thật, bây giờ Mẹ cũng không biết Phật Thích Ca, Phật bà Quan Âm và các ông thần, ông thánh mà trước đây Mẹ thờ có phải là phật, tiên, hay thần thánh gì không nữa.  Bởi vì Mẹ đọc trong Kinh Thánh không thấy Đức Chúa Trời nhắc đến họ.  Không biết họ được vào niết bàn hay không vì họ đâu có tin Chúa Giêsu?  Bởi thời đó Chúa Giêsu chưa Giáng sanh, chính Thái tử Tất Đạt Đa cũng đi tìm chân lý mà Chúa Giêsu chính là chân lý nhưng ông ấy chưa được gặp.”  Ngoại chặc lưỡi tiếc nuối.

Ngoại hăng hái nói hết suy nghĩ của mình đã được biết qua sự bày tỏ của Kinh Thánh:

“Lời Chúa là Kinh Thánh cho biết:  Mọi người đều phạm tội (*) tức là không chừa Thái tử Tất Đạt Đa, không chừa Quan Âm Thị Kính, không chừa Quan Công, không chừa ai cả.  Mọi người đều là tội nhân thì làm sao mà thành Tiên thành Phật, thành Thánh, thành Thần được.”

Ngoại hớp một ngụm nước, mắt nhìn xa xăm phía trước như muốn nhìn đến tận chốn hư vô để tìm kiếm gì đó, sau đó Ngoại nhìn quanh một vòng các con cháu bên cạnh Ngoại:

“E hèm, Chúa nhật này các con và các cháu cùng đi đến nhà thờ Tin Chúa Giêsu để được làm con Đức Chúa Trời, được gọi Ngài là Cha chứ không hỗn láo kêu ông Trời ơi, ông Trời hỡi, hoài nghe không.”

Sau hôm ấy mợ Ba và mấy đứa con gái có đến Hội Thánh tin nhận Chúa.  Cậu Ba thì không ý kiến gì vì cậu còn đang làm việc cho nhà nước.

Đến ngày giỗ của ông bà Cố (Hai ông bà Cố chết trùng ngày, trùng tháng nhưng cách nhau một năm) cậu Ba bàn bạc với Ngoại tổ chức cúng giỗ. Ngoại giải thích tận tường:

“Kinh Thánh dạy cho biết người chết thì đã trở về cát bụi rồi.  Linh hồn trở về nơi Đấng ban cho chờ ngày phán xét (*)  Khi trước mẹ không biết nên mới cúng ông bà Ngoại con, bây giờ biết rồi, cúng cũng có ai về ăn đâu. Thôi không phải cúng nghen con.”

Ngoại nói vậy nhưng cậu vẫn tổ chức đám linh đình.  Cậu Ba nói:

“Cứ ăn giỗ nhà người này người kia hoài.  Bây giờ phải trả nợ người ta chứ.”

Quá giận cậu, ngay hôm sau Ngoại bắt Ly chở đến nhà dì Út ở Thủ Đức hơn hai tuần.  Nhà dì Út xa thị trấn nên không ai đưa Ngoại đi thờ phượng Chúa được.  Hàng đêm Ly vẫn thường phone cầu nguyện với Ngoại, Ngoại nói Ngoại nhớ Chúa lắm, nhưng còn giận cậu Ba nên chưa chịu về.  Đầu tuần thứ ba, Ngoại nhắn Ly đến rước Ngoại về.  Vừa đến nhà Ngoại đi nhanh lên phòng Ly, ngồi trước hình Chúa khóc như mưa.

Ly ôm Ngoại, xoa nhè nhẹ lên tấm lưng xương xẩu:

‘Ngoại đừng khóc nữa, Chúa yêu Ngoại mà”

Ngoại khoanh tay trước ngực, mắt nhắm nghiền, nấc lên:

“Cha ơi, xin tha tội cho con, mấy tuần nay con giận con của con mà con bỏ Cha.  Con nhớ Cha nhiều lắm, bây giờ con ăn năn quay về xin Cha tha lỗi cho con, kể từ nay con xin chừa, con không dám như vậy nữa, hu… hu…”  Ngoại nấc từng tiếng nghẹn ngào khiến Ly cũng không cầm được nước mắt.

Lòng Ly vô cùng xúc động khi thấy Ngoại đầu tóc bạc phơ mà khoanh tay xưng tội và hứa với Chúa như đứa trẻ lên năm lên sáu.  Ly nhớ lúc còn thơ, mỗi lần phạm lỗi bị mẹ đánh đòn, sau đó phải vòng tay xin lỗi và hứa “Từ nay con xin chừa, con không dám vậy nữa.” Cô thầm nghĩ: “Chắc là Chúa thương Ngoại lắm”

Cám ơn Chúa về lòng yêu kính Chúa của Ngoại. Cảm động tình yêu của Chúa Ngoại làm thơ ca tụng Ngài. Bài thơ chúng tôi thích nhất là:

Bước theo chân Chúa

Một giấc êm đềm khỏe lắm thay,
Để con ở lại chốn trần ai
Bươn chải đêm, ngày lo cơm, áo,
Lặn hụp năm dài “kế sinh nhai”
Thảm nỗi cháu, con nhiều cung, cấp.
Vì không tin có Chúa trên cao.
Là nguồn ban phước cho mọi sự,
Là Đấng yêu thương, Đấng năng quyền.
Mẹ phải về hầu cha Thiên Thượng.
Mẹ đi rồi buồn lắm hở con?
Thôi tạm biệt con cháu lớn nhỏ,
Không gặp bà sớm, tối, chiều, trưa
Mẹ lần mò bước theo chân Chúa
Dầu ở đâu mẹ cũng nguyện cầu
Cho con, cho cháu, cho dòng họ
Sớm ăn năn quay gót trở về
Với Chúa Giêsu để linh hồn được cứu
Và sống đời đời phước hạnh nơi Thượng Thiên.
Tạm biệt con cháu lớn nhỏ.

Bà M.T.T

Cám ơn Chúa ban cho Ngoại khiếu văn chương để làm thơ ca tụng Ngài.

Ngoại cũng thích hát ngợi khen Chúa.  Mỗi lần ghé thăm, Ngoại thường yêu cầu tôi dạy một bài Thánh Ca mới.  Hôm dự lễ đặt tay cầu nguyện cho ban trị sự Hội Thánh nhận nhiệm kỳ mới.  Toàn ban ngợi khen Chúa Thánh Ca “Sẵn sàng” như lời hứa nguyện với Chúa.  Ngoại thích quá nhất định học hát và nhẩm tới nhẩm lui hoài nên thuộc được hai câu hát nghêu ngao cả ngày.

Với đức tin đơn sơ mà vững chắc, thêm lòng ham thích đọc và suy gẫm lời Chúa Ngoại trưởng thành trong Chúa thật ngoài dự tưởng của mọi người.  Khi cầu nguyện Ngoại không nói “Nam mô A di Đà Phật” sau khi “Nhân danh Chúa Giêsu” nữa.

Khi biết được nhu cầu của việc xây sửa nhà thờ, Ngoại dâng hiến cho Chúa hết cả gia tài gồm vàng vòng, tiền bạc của con cháu cho, Ngoại trầm ngâm:

“Ngoại đến với Chúa muộn màng quá, bây giờ có bao nhiêu thì lo dâng cho công việc Chúa cũng không thấm vào đâu so với ơn Chúa cứu mình.”

Thay đổi lớn nhất là sự tha thứ Ngoại dành cho người chồng phản bội mà bao năm Ngoại vẫn mang nặng trong lòng.  Ly nghe Ngoại cầu nguyện:

“Xin cha tha tội cho con và giúp con tha được cho ông ấy.  Không biết bây giờ ông ta sống hay chết và ở nơi nào nhưng nếu ông ấy còn sống thì Chúa cũng thương mà cứu ông.  Xin Chúa sai người nói với ông ấy về Chúa Giêsu để ông mời Chúa Giêsu làm chủ cuộc đời ông và dòng huyết Chúa Giêsu sẽ rửa sạch mọi tội lỗi của ông để ông ấy cũng được trở lại làm con Ngài và chúng con sẽ gặp lại nhau trên Thiên Đàng.  Con cám ơn Cha nhiều và thành kính cầu xin trong danh Chúa Giêsu Christ là cứu Chúa của con.  Amen”

Hai bà cháu ôm nhau, từng giọt lệ nóng hổi lăn dài xuống đôi gò má nhăn nheo của Ngoại.  Ly nhẹ vuốt lên những dấu chân chim hằn trên đuôi mắt Ngoại, thầm xin Chúa an ủi bà.

Một hôm Ly đi học về thấy Ngoại đang lau chùi cái túi xách da đựng Kinh Thánh và Thánh ca đi nhà thờ hàng tuần.  Cái xách này Ban trung niên của Hội Thánh tặng Ngoại trong dịp Ngoại học giáo lý Báptêm.

“Ngoại chùi sạch, da bóng lên đẹp quá.” Ly trầm trồ.

“Ừ Ngoại chuẩn bị sẵn sàng đó con.”  Ngoại ngưng tay nhìn Ly.

“Ngoại sắp đi chơi với cậu mợ Ba hả?” Ly ngạc nhiên.

“Đâu có, sao con hỏi vậy?”  Đến lượt Ngoại chưng hửng.

“Ngoại vừa mới nói Ngoại chuẩn bị sẵn sàng…”  Ly nhíu mày.

“Ừ thì Ngoại chuẩn bị sẵn sàng để bất cứ khi nào Chúa gọi là Ngoại đi liền.” Ngoại tiếp tục chùi chùi, lau lau, lấy sáp đèn cầy, cọ vào dây kéo cho khỏi bị rít.

Ly mở giỏ, mắt ngân ngấn lệ khi nhìn thấy: quyển Kinh Thánh, quyển Thánh ca, tờ giấy xác nhận đã làm Baptêm mà Ngoại thường gọi đó là tờ giấy khai sinh của Ngoại, mấy bài thơ Ngoại làm ca tụng Chúa.

Ly nắm tay Ngoại:

“Sao Ngoại không mang áo quần mới theo để ra mắt Chúa?”

“Không cần đâu con, Chúa sẽ cho mình mặc áo mới mà Chúa đã sắm sẵn cho mình trên ấy.” Ngoại vừa cười vừa vuốt đầu Ly.

“Ngoại nghĩ vậy sao?”  Ly thật sự ngạc nhiên khi nghe Ngoại nói.

“Con quên Chúa Giêsu đã hứa “Ta đi sắm sẵn cho các con một chỗ” (*) sao?  Chúa sắm chỗ ở cho mình lẽ đương nhiên Chúa sắm quần áo mới cho mình mặc nữa chứ.  Chúa yêu thương mình mà con.  Chúa chết đền tội cho mình thì huống gì mấy bộ quần áo mới hả con?   Ngoại tin như vậy!” Giọng Ngoại chắc chắn.

Ly ôm Ngoại vừa khóc, vừa cười.  Cám ơn Chúa cho Ngoại thấy được chân lý, cám ơn Chúa dùng Ngoại nhắc Ly điều này.  Ngoại rủ Ly hát lại bài Thánh ca “Sẵn sàng” cho Ngoại hát theo, cám ơn Chúa vì lòng yêu kính Chúa của Ngoại.

Hai tuần nay Ngoại trở bệnh, bác sĩ bảo “bệnh già”, sống được ngày nào mừng ngày ấy.  Ly đút cho Ngoại từng thìa súp, cậu Ba mời y tá đến nhà vô nước biển cho Ngoại.  Cô nhìn tấm thân mỏng manh của Ngoại lòng chua xót đắng cay,  thương Ngoại mấy mươi năm chôn đời nơi am tự, ngày hai buổi hẩm hiu cơm muối, cháo rau.  Tu thân, ép xác mong tìm gặp chân lý, nương nhờ cửa Phật để mong được hoá độ cho mình và cho chúng sinh.  Chẳng biết thế nào là hạnh phúc, vui mừng, cái niềm hạnh phúc của người mẹ khi được ở cùng, được dạy dỗ, được nuôi nấng con cái; cái vui của người bà khi thấy từng đứa cháu bụ bẫm tập bước từng bước chân vào đời, tập gọi từng tiếng mẹ, tiếng cha, Ngoại không được hưởng.  Hình ảnh sư cụ già tay niệm Phật, tay gõ mõ như hiện, như ẩn trôi theo màn lệ mờ ảo từ sóng mắt Ly.

“Cám ơn Chúa, bây giờ Ngoại là con gái yêu của Chúa, là công chúa của Vua thiên đàng.”

Hai bà cháu cùng reo:  “Halêlugia.  Ngợi khen Chúa.”

Tôi vừa bước vào phòng và cùng hòa giọng: “Halêlugia” trước khi chào Ngoại.

Thấy tôi Ngoại hé một vệt cười trên chiếc miệng móm mém:

“Ngoại đã sẵn sàng đi theo Chúa rồi con.”

Ly chỉ vào túi xách nheo mắt với tôi:

“Chị xem thử Ngoại mang gì theo Chúa nè.”

Cô trao tôi chiếc túi xách.

Tôi còn đang tần ngần chưa hiểu gì, nhìn Ly, nhìn Ngoại rồi nhìn chiếc túi xách.

“Gia tài của Ngoại đó, chuẩn bị sẵn sàng để khi nào Chúa gọi là Ngoại xách giỏ theo Chúa ngay đó con.”  Ngoại nhìn chiếc túi xách, rồi nhìn tôi thì thào.

Tôi quan sát “gia tài” của Ngoại.

Sóng mũi cay cay, mắt nhoè nhoè… Ôi! Ngoại chuẩn bị theo Chúa chỉ có ngần ấy thôi sao? Không một đồng bạc, không một phân vàng… Gia tài Ngoại mang theo Chúa là: lời của Ngài (*) và sự ngợi khen (**).

“Ngoại sẵn sàng rồi con.”  Giọng Ngoại vui mừng.

Tôi ngồi xuống mép giường một tay lau lệ, tay kia cầm tay Ngoại, lắc đầu nguầy nguậy:

“Không, Chúa chưa rước Ngoại đâu.  Ngoại còn công tác lớn lắm. Ngoại còn phải làm chứng cho các sư trên Thiên Am Tự nữa mà, Ngoại quên rồi sao?”

Ngoại thều thào, giọng tin tưởng:

“Ngoại hiểu, nhưng Chúa sẽ có cách để cứu họ khỏi trầm luân như Chúa đã cứu Ngoại.  Ngoại biết sức khoẻ Ngoại mà con”

Ngoại yếu hơn tuần qua, Ly cho biết Ngoại không ăn được chỉ uống chút sữa và nước súp, chắc Chúa sắp rước Ngoại rồi.

Ngoại muốn ngồi dậy.  Chúng tôi đỡ Ngoại tựa lưng vào thành giường, Ly đi pha sữa, tôi xoa dầu vào chân và mang vớ cho Ngoại.

“Ngoại sẵn sàng để con thâu băng giọng nói của Ngoại chưa?”  Tôi lấy chiếc máy thâu ra.

“Sẵn sàng rồi con.”  Ngoại nhanh nhẩu.

Hôm nay chúng tôi sẽ thu lại lời trăn trối là ước vọng sau cùng của Ngoại.  Tôi bấm máy:

“Tôi tên M. T. T trăn trối lại lời này, ước ao khi tôi ra đi các con cháu, dòng họ bà con làm theo ước nguyện của tôi là:  Mời Hội Thánh Tin Lành đến cử hành lễ tang cho tôi vì tôi đã trở lại tin Chúa Giêsu hơn một năm rồi.  Số vàng tôi dâng Chúa để sửa sang nhà thờ các con tôi không được quyền đòi lại.  Mong mọi người đừng làm trái ý tôi, mong các con cũng sớm trở lại thờ phượng Chúa để được gặp lại mẹ trên thiên đàng.  Mẹ đang lần mò bước theo chân Chúa, các con cũng hãy theo mẹ cho mẹ mừng. Anh chị em ơi, hãy trở lại tin thờ Chúa để được gặp lại nhau tại nhà Cha trên trời.  Xin Chúa cứu hết thảy mọi người bởi sự nhân từ, chậm giận và bởi tình yêu vô điều kiện của Ngài Chúa ơi.  Con thành kính cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu Christ.  Amen “- Giọng Ngoại chậm rãi, nhấn từng tiếng tuy yếu nhưng rõ ràng.

Ly lau dòng lệ đang rơi lã chã, tắt máy. Cô ôm ngoại nức nở.

“Nín đi con, sao lại khóc, Ngoại về với Chúa con phải vui mừng.”  Ngoại vuốt đầu Ly với bàn tay xương xẩu, khô héo.

“Ngoại ơi, xin Chúa khoan đem Ngoại đi, Ngoại ở lại thêm với con, hic… hic…” Ly nghẹn ngào.

“Ngoại về trển trước để chuẩn bị nhà cửa đón con với mấy cậu, mấy dì nữa chứ.” Ngoại cười nhẹ, hai hàng nuớu của chiếc miệng móm sọm trông giống trẻ chưa mọc răng.  Từ đuôi mắt nhăn nheo lăn dài hai dòng lệ vui mừng.  Cám ơn Chúa về đức tin con trẻ của Ngoại. Tôi nhớ đến lời Chúa Giêsu dạy “Nước thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ” (*)

Tôi cùng Ly cất giọng tôn vinh Chúa, Ngoại thì thào hát theo: “… Sẵn để cảnh cáo, hay rao kim ngôn, Sẵn vực muôn muôn linh hồn.  Sẵn sống, sẵn chết luôn luôn an tâm, Sẵn sàng nghinh Chúa phục lâm.  Sẵn tiến sẵn thoái theo ơn cha sai, sẵn tròn phận tôi tớ Ngài.  Sẵn để gánh trách nhiệm tuy tôn hay ti.  Sẵn phục linh ý mọi khi” (***)

Ngoại nhắm mắt, gương mặt bình an tràn ngập sung sướng, hai chúng tôi ngưng hát giọng Ngoại vẫn còn nhẹ vang: “Sẵn sống sẵn chết, luôn luôn an tâm, Sẵn sàng nghinh Chúa phục lâm… Sẵn sống, sẵn chết, luôn luôn an tâm… ”

Qua khung cửa, bầu trời trong xanh không gợn một áng mây bày tỏ sự bình an như lòng Ngoại đang an bình.  Tiếng chim líu lo trên cành như hòa cùng giọng hát của Ngoại để ngợi khen Đấng Tạo Hoá chí cao.  Chim đập mạnh đôi cánh sẵn sàng bay vào không gian vô tận.  Ngoại cũng đã sẵn sàng để chờ gặp Chúa nay mai.

HỮU-CHANG (thành viên của nhóm Facebook VIẾT CHO NIỀM TIN, giải nhì năm  2014)
Sata Ana, ngày 27/3/2014

——————————-
Chú thích:

(*) Kinh Thánh
(**) Quyển Thánh ca
(***) Thánh ca #375 quyển của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn