Thứ Bảy , 27 Tháng Tư 2024
Home / truyện ngắn / NHỮNG CƠN BÃO BẤT NGỜ

NHỮNG CƠN BÃO BẤT NGỜ

ba

Chiếc xe đang chạy một tốc độ thật chậm, khoảng ba mươi lăm dặm một giờ, trên xa lộ chín mươi lăm từ Baltimore, Maryland vì ở ngoài đang có bão tuyết. Cơn bão không quá lớn nhưng cũng đủ làm cản trở lưu thông và gây khó khăn trên xa lộ nếu không cẩn thận. Cần gạt nước xe làm việc dữ dội nhưng không xua nổi cuộc tấn công của cơn bão. Tiếng bánh xe lăn xào xạc trên con đường về Virginia khá nguy hiểm vì đường sá đã bị trộn lẫn bởi nước đá và tuyết. Tâm, người lái xe im lặng như đang cố gắng giữ chiếc xe trong vòng kiểm soát của mình trên một con đường rất trơn trợt; còn, Hạnh, cô vợ ngồi kế bên cũng không nói gì để cho chồng tập trung lái xe. Hai bên đường có những hàng cây khô chiếu óng ánh bởi những nước đá treo lủng lẳng trên cành, y như thuỷ tinh sáng ngời khi những ánh đèn xe chiếu vào. Nếu là một ngày khác, hai vợ chồng này sẽ thấy thích thú với cảnh vật rất lãng mạn này, nhưng chiều hôm đó thì khác. Ở trong xe phải mở máy để làm rã tan làn nước trên kiếng xe, nhưng không sao thổi tan được nỗi bấn loạn trong tâm trí của hai người. Cho nên, hai bên cố gắng giữ im lặng để không gây xúc động cho nhau. Sự im lặng này đã phát nguồn bởi một tin khủng khiếp mà họ đã nhận được từ trong nhà thương Johns Hopkins, khoảng ba mươi phút trước đó…

***

Vào một ngày Chúa nhật giữa tháng mười hai, trong lúc Hạnh đang họp ban chấp hành hội thánh, đột nhiên cô bị một cơn đau nhói giữa ngực và bụng. Cô cố ra vẻ bình tĩnh, không dám để ai biết được nên cô ôm bụng và núp sau lưng cái laptop của mình. Cô ráng họp xong buổi họp rồi tìm đến nhà tín đồ gần đó để xin thuốc uống. Sau đó cô còn phải đi đến một hội thánh khác để tổng dợt cho chương trình Giáng Sinh chung trong vùng cho thứ Bảy tuần sau. Cô cứ tưởng bị đau bao tử vì những tháng qua đã làm việc quá sức cho hai chương trình Giáng Sinh nên bị vậy thôi. Cô uống thuốc chống đau rồi nằm nghỉ cũng khá lâu vì thấy rất khó chịu trong người. Rốt cuộc, Chúa cho cơn đau giảm bớt nên cô ráng đi để sắp xếp chương trình cho chu đáo.

Ngày hôm sau đi làm Hạnh vẫn còn đau nhói từ trước ngực ra sau lưng và thuốc đau bao tử không thắm thía vào đâu cả. Lúc đó, cô nhận biết việc này không bình thường nên đã gọi bác sĩ gia đình và được cuộc hẹn sáng thứ Ba liền. Lúc đầu bác sĩ gia đình cũng nghĩ cô đau bao tử nặng nên cho thuốc mạnh hơn, nhưng đồng thời bác sĩ cũng gửi đi làm siêu âm để xét nghiệm những bộ phận trong bụng của cô. Vì cô làm cho nhà thương nên được ưu tiên siêu âm ngay. Mọi người làm ở đó đều sửng sốt khi khám phá một cái bướu nước khá to trong lá lách của cô, hiền hay dữ thì chưa rõ. Cô bèn đem những hình ảnh cho bác sĩ mà cô làm việc chung xem thì ông đề nghị làm “CT scan” liền. Kết quả của CT scan không làm họ yên lòng chút nào mà còn lo lắng thêm. Các bác sĩ liền gọi nhà thương Johns Hopkins, là một nhà thương rất nổi tiếng nước Mỹ, để hẹn làm “biopsy” cho cô. Họ không nghĩ một nhà thương nào có thể chẩn đoán hay trị bệnh bằng Johns Hopkins trong trường hợp này; vì vậy, cô đành phải chấp nhận lời đề nghị của các bác sĩ dù nhà thương này cách nhà cô đến hơn một tiếng đồng hồ lái xe. Nghe đến nhà thương này, cô biết ngay việc này rất nghiêm trọng và không đơn giản chút nào.

Chương trình Giáng Sinh vừa xong, Hạnh và cả nhà lái xe đi một tiểu bang khác để họp mặt gia đình hàng năm. Chuyến đi lần này thật quan trọng đối với cô vì cô phải báo cho người nhà biết về bệnh tình của mình và một tương lai không mấy rõ ràng. Cô cảm nhận được sẽ có nhiều biến chuyển trong năm 2014 cho nên cô trân quý từng giây từng phút cô được ở với gia đình. Trong lúc ở đó, nhà thương Johns Hopkins gọi để hẹn cô một tuần sau phải trở về làm biopsy liền. Gia đình cô đã quay trở về ngay ngày Tết Tây để kịp thời lên nhà thương vào mồng hai. Thấy tất cả bác sĩ đều sốt sắng quá làm ai nấy cũng thấy làm lo.

***

Khi Hạnh vừa mở mắt ra, bác sĩ nói trong một giọng rất nghiêm nghị là cô phải đi gặp bác sĩ chuyên môn về lá lách để mổ lấy ra sớm, không thể nào để lâu được nữa. Hai vợ chồng chưng hửng về đề nghị này vì ông chưa biết kết quả của cái biopsy mà ông lại nói vậy. Ông đã thấy gì? Chính Hạnh và Tâm đã tìm hiểu về những cái bướu trong lá lách trong hai tuần qua, ngoại trừ “pseudocyst” (bướu giả), không có mấy loại hiền cả; nếu chưa là ung thư thì một ngày cũng trở thành ung thư vậy. Ung thư gì chứ ung thư lá lách là vô phương cứu chữa. Họ đã hiểu ý bác sĩ và không hỏi gì thêm nữa và sự im lặng bắt đầu từ đó…

Khi bác sĩ vừa nói chuyện xong, cô y tá lại hối thúc:  “Anh chị nên về Virginia liền trước khi bão tuyết nặng quá không về được.”  Khi nhìn ra cửa sổ, bầu trời đã xám đen, mây mù đã kéo đến. Những bông tuyết lất phất bay bay như không biết về đâu đã rơi vào lòng cô. “Bão tuyết à?”. Hạnh thầm nhủ, “bão tuyết ở bên ngoài đâu thắm thía gì bão tuyết ở trong lòng tôi.”. Thế giới yêu thương quen thuộc của cô dường như vừa sụp đổ thì ngại gì bão tuyết ở bên ngoài. Vì đã không xem tin tức về thời tiết nên họ không hề biết về trận bão này. Bão cuộc đời không được báo trước cũng đã ập tới một cách bất ngờ. Hai vợ chồng cô không có sự lựa chọn nào mà cứ phải đương đầu với cả hai trận bão cùng một lúc. Họ không biết làm gì hay nói chi với nhau nên đã âm thầm lặng lẽ ra về. Từng bước chân đi là mỗi bước lo lắng…

Trên đường về, tuyết tiếp tục rơi càng lúc càng nhiều, càng dồn dập hơn giống như cơn bão trong lòng cô. Nhìn những bông tuyết bám trên những cành cây, cô ước gì trái tim cô cũng băng giá như vậy để không còn cảm được nỗi đau đớn trong tâm hồn lẫn thể xác của mình. Dù Tâm không nói một lời nào, Hạnh vẫn biết tâm trạng của anh cũng không khá gì hơn cô. Tại sao bão tuyết không đến vào một ngày khác mà phải là hôm đó? Phải chăng đây là sự sắp xếp của Thượng Đế, vì dường như chỉ có cảnh vật mới thấu hiểu được tình cảnh và nỗi niềm của anh chị lúc đó? Hai bên cứ giữ sự im lặng vì trong hoàn cảnh như vậy ai sẽ an ủi cho ai? Bão tuyết có thể qua đi trong vòng vài ngày, nhưng bão cuộc đời thì bao giờ sẽ chấm dứt? Có thể lắm nó sẽ theo Hạnh đến hết cả cuộc đời ngắn ngủi còn lại của cô chăng? Hạnh phá bầu không khí im lặng một lần để hỏi Tâm cho chắc chắn:

“Hồi nãy em không có nghe lầm chứ? Cách bác sĩ nói như vậy là ông nghĩ là em bị cancer phải không?”. Cô vẫn mong rằng cô đã nghe nhầm lời của bác sĩ vì còn thuốc mê và giông bão cuộc đời này không thật sự đã đến. Cô thầm mong đó chỉ là một cơn ác mộng và cô sẽ thức giấc trong chốc lát thôi. Tâm vẫn cố gắng giữ bình tĩnh và trong một giọng rất thấp, trả lời:  “Em nghe đúng rồi, anh cũng nghe vậy mà.”  Rồi sự im lặng tiếp tục…

ba-2

Khi về đến nhà, Hạnh ngủ một giấc thật dài vì vẫn còn thuốc mê; nhưng lý do chính là cô không muốn đương đầu với thực trạng mà cô đang đối diện. Làm sao cô có thể đối diện với thực tế là không lâu cô sẽ để lại người chồng mới hơn bốn mươi tuổi phải goá vợ với một trách nhiệm nuôi dưỡng ba đứa con vừa lên bảy lên chín? Làm sao đương đầu với tương lai của hai đứa con gái song sinh của cô không có mẹ để hướng dẫn chúng qua tuổi thiếu niên đầy trắc trở? Làm sao dám nghĩ đến thằng con trai út của cô không có mẹ để nâng tay bế chân khi tan trường về? Ai sẽ trả lời cho chúng cái câu thường hỏi:  “Mẹ ngủ với chúng con được không?”. Ai sẽ xoa đầu, vuốt tóc khi mắt chúng lim dim? Rồi ai sẽ vỗ về chúng những khi bệnh hoạn, lúc té trầy tay trầy chân hay lúc bị chúng bạn ăn hiếp? Làm sao… làm sao… rồi làm sao…? Những câu hỏi ập đến như không có chỗ dừng lại. Cái suy nghĩ như phải gửi con cho người em nuôi cũng đã chạy xuyên qua óc cô. Trong cuộc sống tại sao có những quyết định đứt ruột, đứt gan như vậy? Những dòng tư tưởng này như bị cuốn vào thác nước trắng xoá đổ ào xuống vực sâu thăm thẳm. Có bao nhiêu người mẹ can đảm đủ để đương đầu với một thực tế như vậy? Ca dao Việt Nam có câu:

Nuôi con buôn tảo bán tần
Chỉ mong con lớn nên thân với đời
Những khi trái nắng trở trời
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên
Trọn đời vất vả triền miên
Chăm lo bát gạo đồng tiền nuôi con

Sau một vài tiếng đồng hồ Hạnh lại thức dậy, lúc đó là nửa đêm rồi. Trong cơn mơ màng, cô nghe tiếng khóc nức nở của ai đó, một tiếng khóc não nề như không thể tỏ cùng ai. Cô nhận ra là chồng cô đang trốn cô trong phòng tắm để trút hết nỗi lòng mà anh đã cố nén trong vài tiếng đồng hồ vừa qua. Cô liền lấy hết sức gọi:

“Anh Tâm!”  Cô nghe anh nín khóc nửa chừng và luýnh quýnh trong phòng tắm. Có lẽ Tâm không ngờ cô đã thức dậy. Khi anh xuất hiện thì cô chỉ biết đưa hai cánh tay ra để đón Tâm vào lòng, cô ôm thật chặt như một báu vật mà cô đã đánh mất bấy lâu nay bây giờ mới tìm lại được. Tâm oà lên khóc và nói:

“Xin lỗi em, lâu nay anh không biết quý thời gian mình đã có bên nhau. Bây giờ… bây giờ… anh…” cổ họng Tâm tắt nghẹn. Hạnh đã hiểu ý chồng và ôm anh càng chặt hơn và nói:

“Em hiểu, anh không cần nói nữa, em hiểu. Em cũng vậy, em cũng xin lỗi anh. Từ đây về sau mình phải hứa sẽ không bao giờ làm hay nói một lời nào đau lòng nhau nữa hén?”  Tâm gật gật đầu và nước mắt anh đã hoà với nước mắt của cô. Hai đôi má chạm vào nhau để sớt chia những nỗi niềm không tả nên lời mà đã vắng ngắt từ lâu giữa hai người. Những tiếng khóc xé lòng đã phá tan sự tĩnh mịch của căn phòng giữa đêm khuya. Ở bên ngoài bão tuyết vẫn ào ạt tới, nhưng không bao lâu bão trong lòng cô dường như đã dịu xuống dần.

Hạnh đã cầu nguyện để Chúa làm việc trong đời sống lứa đôi của họ nhiều năm. Qua một biến cố như vậy, cô nhận ra đây là một chương trình kỳ diệu của Đức Chúa Trời. Cô không rõ tương lai sẽ đi về đâu và như thế nào; nhưng khi thấy sự việc như vậy, cô chấp nhận mọi chuyện sẽ xảy đến cho mình và không thắc mắc gì về chương trình của Chúa cho cô và gia đình của cô cả. Cô cứ phó dâng mọi sự trong tay Chúa, mặc cho bão giông cuồn cuộn xô tới. Trong những cơn đau cô đã thấy được sự ủi an, chăm sóc của Ngài. Bài hát “Chổ Kẻ Đá Vững An” và câu Kinh Thánh Ê-sai 32:2 “Sẽ có một người như nơi núp gió và chỗ che bão táp, như suối nước trong nơi đất khô, như bóng vầng đá lớn trong xứ mòn mỏi” cho cô niềm hy vọng đó và đã giúp cô làm nên bài thơ Chốn An Bình:

Một góc trời một con chim nhỏ bé
Mỏi cánh bay vì thương tích thân gầy
Trời buốt giá gió bùng cơn phẫn nộ
Thân yếu mềm biết cầu khẩn ai đây?

Tội cho chim giữa trời đông giá rét
Tìm nơi đâu yên tĩnh để gối đầu
Giữa biển đời sóng cuồng phong nổi dậy
Thân mệt nhoài chống chọi những cơn đau

May cho chim khi tìm ra hốc đá
Đủ ấm thân trong cơn bão dập vùi
Sóng ầm ầm giữa biển cả mù khơi
Gió cuồn cuộn không dời lay chuyển nổi

Chim yên giấc giữ mình trong Hốc Đá (1)
Bão cuồng sôi không chạm đến thân gầy
Chỗ bình yên dẫu phong ba dậy sóng
Chốn an bình dù mưa gió bủa vây

Dù bão cuộc đời không một dấu hiệu thối lui, bàn chân Hạnh vẫn bước tới vì cánh tay Chúa đang dang ra để nắm lấy tay cô. Cô hình dung được Đức Chúa Giê-xu đang đứng trên mặt biển, đưa tay ngoắt cô như Ngài đã kêu Phi-e-rơ bước ra khỏi thuyền và đi trên mặt nước. Vì vậy, đến Chúa Nhật đầu năm, cô uống thuốc chống đau và cứ đi nhà thờ để lo chương trình thờ phượng như thường lệ. Cô vẫn giấu hội thánh, chỉ có gia đình cô và một vài vị mục-sư thân tình biết thôi. Họ đã ngày đêm cầu nguyện cho cô để có một phép lạ xảy ra. Họ cũng khích lệ cô vững lòng nơi Chúa vì cô sẽ không có cancer. Hạnh thì không phải không tin về quyền năng chữa lành của Ngài, nhưng chỉ phó thác đời sống mình để ý Chúa được nên. Các môn đồ ngày xưa đã thắc mắc tại sao giữa cơn bão dữ dội, sóng tạt vào thuyền đến nỗi sắp chìm tàu mà Chúa Giê-xu vẫn dựa gối mà ngủ. Họ đã quên Ngài có quyền trên những cơn bão táp của đời và “gió và biển cũng đều vâng lệnh Ngài”. Ngài phán một lời, giông bão liền yên như tờ. Ngài cũng đã khiến người chết sống lại và chữa lành bao nhiêu bệnh tật thì trường hợp của cô cũng không xa tầm tay của Ngài. Hạnh tin chắc chắn như vậy. Nhưng về phần con người, cô cũng chuẩn bị tinh thần để về gặp Chúa. Trong lúc thờ phượng, Hạnh cảm thấy dường như bài hát cô đang hướng dẫn bị kéo nhịp thật chậm như khúc nhạc buồn Adagio cung Sol thứ; và thời gian hình như cũng muốn ngừng lại để cô có thể nhìn hết tất cả con cái Chúa ở dưới. Lòng cô cảm thấy thương hội thánh vô cùng và luyến tiếc vì sẽ không có nhiều cơ hội để hầu việc Chúa với họ nữa. Cô cảm nhận một điều gì đó lớn lao cho cô đã được góp phần xây dựng nhà Chúa trong những năm qua. Cô xúc động gần như hát không được!  Nhưng chỉ có Chúa biết mà thôi.

Vài ngày sau, Hạnh có một cuộc hẹn để gặp bác sĩ mổ lá lách của mình. Cô và Tâm vẫn nuôi hy vọng ông sẽ nói không phải cancer. Ông bác sĩ trẻ có vẻ tự tin tóm lượt lại kết quả của những cuộc xét nghiệm. Ông để thì giờ kể rất chi tiết về các loại bướu trong lá lách và làm thế nào để chữa trị nó. Ông cũng giải thích thật khúc chiết về dự định của ông sẽ giải phẩu như thế nào trong trường hợp này. Anh chị vẫn chăm chỉ nghe bác sĩ không chớp mắt vì họ vẫn chưa nghe câu họ muốn nghe. Sự chờ đợi này làm cô nóng lòng, thiếu kiên nhẫn như một đứa trẻ trông mở quà Giáng Sinh vậy. Ông nói lòng vòng rồi đến cuối cùng ông kết luận:

“Theo kinh nghiệm và chuyên môn của tôi, tôi có thể nói cái bướu này hơn chín mươi phần trăm không phải cancer; nhưng vẫn phải giải phẩu lấy ra sớm. Để lâu sẽ không mổ được.”  Ôi, làm sao kể hết sự vui mừng này!  Sau bao ngày lo âu, buồn bã, một tia sáng ở đâu chiếu vào phòng khám bệnh và đem lại nụ cười trên môi cho đôi vợ chồng này. Dù bác sĩ không dám khẳng định một trăm phần trăm, nhưng hơn chín mươi phần trăm cũng là một con số quá tốt rồi. Miễn là không phải cancer thì sao cũng được đối với cô. Hạnh không đợi rời nhà thương mà đã gọi cùng khắp nơi để báo tin vui này. Sau đó hai vợ chồng cô hớn hở đi tìm một tiệm bò bít-tết thật ngon để ăn mừng và để cám ơn Chúa vì trong cơn hoạn nạn và thử thách “Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi”.

***

Mùa Đông năm nay rất là khắc nghiệt, vùng Washington DC bị rất nhiều trận bão tuyết khiến các trường học và tiệm quán thường xuyên đóng cửa; còn Hạnh cũng phải trải qua một vài cơn bão liên quan đến sức khoẻ của mình. Bão đến rồi đi, rồi lại đến nữa như cố tình trêu chọc cô. Cô đã thường xuyên ra vào nhà thương trong mấy tuần liên tiếp sau cuộc giải phẩu. Nó đã làm cô mất sức và mất cân khá nhiều. Cô là người mạnh khoẻ, xông xáo mà bây giờ cảm thấy mình yếu đuối vô cùng. Có lẽ vì cô đã cậy vào sức lực của mình nhiều quá, thay vì nhờ sức của Chúa, nên Ngài phải để cô trong trạng thái nầy để dạy cô biết nhờ cậy Ngài hơn. Cô cũng học được bài học là không phải vì sự bệnh hoạn, yếu đuối của mình mà Chúa không làm việc qua mình được.“Ân điển Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối…” (2 Cô-rinh-tô 12:9a)  Trong những ngày nằm nghỉ ngơi dưỡng bệnh, Chúa ra tay làm việc thật rõ ràng. Đầu tiên là hôn nhân của cô được Chúa hâm nóng trở lại. Tâm đã chăm sóc cho cô thật tận tuỵ nhiều tuần lễ mà không than vãn chi hết. Thứ hai, lời cầu nguyện của cô nhiều năm là được về sống gần gia đình, bây giờ Tâm cũng đã đồng ý và sốt sắng tiến hành ngay. Và thứ ba, hội thánh của cô đang trải qua những cơn sóng gió, Ngài lại dùng cô để nói lên những lời khích lệ. Làm sao bằng một người bệnh khích lệ những người khoẻ phải không?

b-3

Đến giữa tháng Ba mà vùng Washington DC vẫn còn bị bão tuyết. Con của Hạnh được nghĩ học ở nhà nhiều với vợ chồng cô, chúng thích thú lắm. Rồi mai đây, tuyết cũng sẽ tan dần, những cánh hoa xuân sẽ bắt đầu rộ lên, hoa anh đào sẽ từ từ hé nhuỵ. Và rồi… bao nhiêu cơn bão cũng sẽ qua.

* * *

À, mà chưa… Khi bão tuyết đã qua, bão cuộc đời từ từ lặng xuống, thì một cơn bão khác ngấm ngầm từ bao giờ thình lình nổi dậy. Cơn bão đức tin này đến cũng rất bất ngờ như hai cơn bão kia. Việc thay đổi chổ ở của gia đình trong lúc Hạnh chưa hoàn toàn bình phục là việc cực kỳ khó khăn. Bán nhà trong thời điểm này sẽ không dễ dàng và mà còn lỗ lã nữa. Những sóng gió trong Hội thánh đã làm cô và người bạn bất hoà với nhau vì hiểu lầm. Trong lòng cô có sự thúc giục để làm hoà, nhưng con người xác thịt của cô không cho phép. Cô đau lòng vì nghĩ rằng tình bạn này coi như đã mất và thì giờ để hàn gắn thì không còn bao lâu nữa. Bão cuộc đời đã dạy cô tin tưởng nơi Chúa hoàn toàn dầu thật sự không biết tương lai sẽ đi về đâu. Câu Kinh Thánh “tình yêu thương chẳng hề hư mất bao giờ” trong I Cô-rinh-tô 13 cứ đập vào não của cô thường xuyên. Nhưng cái tự ái và điều mình cho là mình đúng đã cản trở cô bước đi trong đức tin của mình. Nội tâm cô có sự giao chiến dữ dội nhiều ngày như vậy. Cơn bão này cứ đánh thức cô nửa đêm để dằn vặt tâm trí của cô. Chúa liên tục nhắc nhở cô “Phước cho những kẻ làm cho người hoà thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời!” (Ma-thi-ơ 5:9) Cuối cùng, cô đã quyết định làm một điều mà cô không bao giờ tưởng mình có thể làm nổi. Trước khi viết email cho người bạn này, cô đã khóc với Chúa gần như suốt cả đêm. Sáng sớm, cô cứ theo sự thúc giục của lòng mình viết email giải thích và chân tình xin lỗi về thái độ của mình. Email đã gửi đi, nhưng một ngày, hai ngày trôi qua vẫn không thấy hồi âm. Chúa cứ an ủi lòng cô qua lời của Ngài và trong những thì giờ tương giao với Ngài, “Hãy chờ đợi!”

Trong lúc đó, nhà cửa của Hạnh vẫn còn bề bộn, chưa sẵn sàng đăng quảng cáo để bán. Đột nhiên cô nhận được cú điện thoại của một người bạn nói là có người muốn mua nhà của cô. Trong vòng hai ngày điều đình với nhau về giá cả, họ quyết định mua căn nhà của cô “as is”, tức là không cần sửa sang hay dọn dẹp gì cả; và cô cũng giải quyết được “cục nợ” to lớn của ngân hàng, không dư không thiếu. Thật là một chuyện ngoài trí tưởng tượng của con người! Điều khó tin hơn nữa là buổi sáng cùng ngày cô đã nhận được email của người bạn vui lòng hàn gắn lại tình bạn trong Chúa với nhau. Ôi, bàn tay của Chúa thật nhiệm mầu, không sao diễn tả được bằng ngôn ngữ hạn hẹp của con người! Một lần nữa, Chúa đã nhắc nhở Hạnh khi cô bước đi trong đức tin, cánh cửa cơ hội Chúa cho không có giới hạn.

Thấm thoát mà bốn tháng đã trôi qua từ ngày Hạnh lâm bạo bệnh. Giờ đây hoa anh đào đã nở rộ lên. Bao nhiêu người đang nao nức để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên mà Thượng Đế đã ban cho con người. Lòng Hạnh cũng rộn ràng khi đứng dưới một khung cảnh trắng hồng tuyệt đẹp, thu hút lạ kỳ. Dù sức khoẻ chưa hoàn toàn hồi phục, cô vẫn cố gắng để được thưởng ngoạn cảnh đẹp ngắn ngủi vì không biết bao giờ có dịp này trở lại. Cuộc đời chỉ thế thôi!  Hạ đi, Thu đến, Đông qua, Xuân lại về. Bão đến rồi bão đi, hoa nở cũng sẽ tàn; nhưng “sự nhân từ Chúa hằng có mãi mãi và sự thành tín Ngài còn đến đời đời!”

Ngài ngừng bão tố, đổi nó ra bình tịnh, và sóng êm lặng. Họ bèn vui mừng vì sóng êm lặng; Chúa dẫn họ vào bến họ ước ao.”  (Thi-thiên 107:29-30)

THẢO NGUYÊN
Virginia 

(1) Hốc Đá là Đức Chúa Giê-xu Christ   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn