Thứ Sáu , 26 Tháng Tư 2024
Home / truyện ngắn / NGƯỜI SÔNG HẬU VƯỢT BIỂN

NGƯỜI SÔNG HẬU VƯỢT BIỂN

 

NGUOI SONG HAU

“Cá lớn” đã ra đến hải phận quốc tế, trong lòng chúng tôi thật nhẹ nhõm. Bây giờ là một đại dương mênh mông, bao la trước mặt, đầy cam go đang chờ đợi chúng tôi. Giữa một đại dương rộng lớn mới thấy mình nhỏ bé chừng nào. Bốn mươi bảy mạng sống trong lòng cá lớn dường như phải nhờ đến lòng vị tha của biển. “Cá lớn” thường ngày đi sông nay lại nhấp nhô trên mặt biển làm lòng tôi cũng hồi hộp theo những gợn sóng. (Chữ “cá lớn” và “cá nhỏ” được dùng cho ghe lớn và ghe nhỏ để tránh sự nghi ngờ trong khi tổ chức vượt biên.) Tôi đã chọn đi trong mùa ít bão và cầu mong rằng Thái Bình Dương đừng nổi cơn thạnh nộ và đưa chúng tôi đến Mã Lai an toàn. Để khỏi bị theo dõi, chúng tôi cũng đã chọn đi ra cửa biển vào một đêm tối trời như đêm ba mươi. Điều tiếc là tôi không thể nhìn lại miền đất thân thương một lần cuối.

Ban đêm chỉ xuất hiện lấp lánh một vài vì sao giữa bầu trời tối om, đen kịt; không biết đâu là biển đâu là trời, nhưng rất phẳng lặng. Loài người sao mà nhỏ bé so với một vũ trụ bao la, thăm thẳm như vầy? Tôi không thể nào chợp mắt được vì trách nhiệm của một chủ tàu với mấy chục người, trong đó có vợ và sáu đứa con nheo nhóc của tôi. Nói là “chủ tàu” cho nghe ghê gớm vậy thôi, chứ nhìn tướng tá ốm nhôm như cây sậy của tôi trong một cái quần sọt đàn bà thì oai cái nỗi gì! Đi giữa một khung trời tối đen như vậy, con mắt chỉ biết ngắm nhìn những vì sáng li ti ở trên trời. Tôi không biết bốn mươi sáu người kia nghĩ gì lúc đó, nhưng tôi thấy gần gũi Chúa vô cùng. Trong lúc này tôi thấm thía được cuộc đời nhỏ bé và ngắn ngủi của mình là thế nào.  

“Loài người giống như hơi thở, đời người như bóng bay qua.” (Thi-thiên 144:4)

Tôi thầm nói chuyện với Chúa, dâng cả con tàu cho Ngài và cũng hứa rằng khi tôi đến được bến bờ tự do, tôi sẽ dâng mình hầu việc Chúa trọn đời còn lại của tôi. Đây không phải những lời mặc cả với Chúa, nhưng là một lời hứa nguyện từ tấm lòng biết ơn sâu xa của tôi với Ngài.

Một ngày trôi qua trên biển cả thật yên bình. Chúng tôi hạn chế uống nước vì không biết sẽ phải ở trên biển bao lâu. Chúng tôi ăn phần nhiều những củ khoai lang đã nhổ lên từ sau vườn nhà tôi. Chúng tôi khám phá là nước biển mà dùng để hấp khoai thì thật là tuyệt nhưng đem nấu cháo thì nó đắng vô cùng, không ăn nỗi. Ngoại trừ tiếng sình sịch của máy tàu, gần như không có một tiếng động nào. Lâu lâu một vài cậu thanh niên phải tát nước vì chúng tôi khám phá nước đã vào ghe từ một kẽ hở nhỏ dưới lường. Hình như mọi người đã bị say sóng và trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Ở trên đầu họ được che nắng, che mưa bằng một tấm lều của quân đội đã dùng để che đậy hàng hoá cho nên họ không thấy được gì. Họ cũng không nghe được nhiều do tiếng máy ghe khá to ở dưới vì nó trước đây là máy của một máy cày. Vừa tiếng ồn ào của máy ghe, vừa mùi xăng nhớt từ máy ra, vừa chật chội, vừa mùi hôi của bao nhiêu người ở dưới tấm lều, làm sao một người tỉnh táo có thể chịu nổi? Chỉ có hai chữ “tự do” mới cho họ sức để cắn răng chịu đựng thôi. Trong những thì giờ yên tịnh tôi có thì giờ ôn lại hành trình mà đã bắt đầu hai năm vừa qua. Làm cách nào một người không tiền, không bạc như tôi có thể đang trên đường đến một vùng đất tự do? Thật là lạ! Tôi nhớ lại những ngày đầu lúc tôi quyết định vượt biên…

Hôm đó trên chiếc phà Cần Thơ, tôi và hai thanh nữ trong ban thanh niên hội thánh đang trên đường về sau cuộc họp bạn với một hội thánh ở Thành Lợi bên kia sông. Tâm hồn nghệ sĩ của tôi đang lững thững theo những ánh đèn nhấp nhô trên con sông quen thuộc, một trong hai cô đã phá bầu không khí:

“Phải những ánh đèn đó là bờ biển Singapore thì thầy trò mình sẽ quỳ gối xuống đây để tạ ơn Chúa phải không thầy?”

Tôi ngẫm nghỉ câu nói nửa đùa, nửa thật một lát; rồi một cái gì đó làm sống dậy một tia hy vọng mà đã mất trong tôi từ khi bàn tay của tôi bị dập nát bởi máy ép nước mía. Một ý tưởng vượt biên nảy trong trí tôi. Tôi nói với cô em trong Chúa:

“Em có muốn thầy làm điều đó cho em không?” Cô em trả lời: “Dạ, muốn chứ thầy.”

Lúc đó trí óc tôi lại đổi sang một đề tài mới: “Nhưng làm sao được? Tôi không có một cắc trong tay, làm sao vượt biên được?” Văng vẳng bên tiếng phà rẽ nước tôi nghe được tiếng nói của Chúa với bà Sa-ra: “Há có điều chi Đức Giê-hô-va làm không được chăng?” (Sáng thế ký 18:14) Chỉ nghe được câu nói này, tôi biết chắc chắn đây là ý của Chúa và cứ ngắm nó mà tiến bước.

Từ từ rồi ý Chúa càng phơi bày rõ ràng hơn. Tôi không cần thuyết phục vợ tôi về hành trình nguy hiểm này, dầu bà là người hay lo lắng. Trong lúc chúng tôi định bán nhà để có tiền vượt biên, thì một trong những học trò tôi dạy Anh ngữ đưa cha mẹ đến giao vàng để tôi có thể tổ chức vượt biên. (Sau này tôi mới hiểu là nếu tôi bán nhà thì sẽ bị theo dõi ngay.) Nhưng vì Chúa có chương trình nên lần lượt có người này người kia, cả những người không quen biết, hùn vào để tôi có thể thực hiện được chuyến vượt biển này mà không cần phải bán nhà. Tôi không sao kể hết được những chuyện lạ lùng đã xảy ra mà chính tôi cũng không hiểu. Thí dụ như cho đến phút cuối tôi vẫn chưa có một món đồ khá cần thiết cho chuyến vượt biển này, nhưng nó lại đến như có một bàn tay dàn xếp trước mọi sự. Một lần nữa tôi trở về quá khứ…

Tôi đang ngồi ở một quán cà phê nhỏ bên lề đường, tay nâng ly cà phê lên miệng như cái máy nhưng đầu óc thì đăm chiêu với những lo lắng–Không biết ngày mai có thể đi được không? Không biết các nhóm có sẵn sàng chưa? Không biết có ai sẽ phản bội mình không… vân vân và vân vân… Nhưng điều tôi lo nhất là vì đang thiếu một món đồ. Thời bây giờ ai cũng đi vượt biên nhiều quá, món này quí vô cùng, làm sao tôi có thể tìm được để đi ngày mai? Nếu không tìm được cái khác, tôi đành phải dùng cái đang có mà tôi không tin tưởng chút nào. Cà phê chưa xua được nỗi lo lắng thì đột nhiên có một bàn tay vỗ nhẹ lên vai tôi và hỏi:

“Cậu à cậu, cậu dào đây tui chỉ cho cậu xem cái này gồi cậu kiếm cách giúp tui được hông?” Những tư tưởng trong đầu đột nhiên bay mất. Tôi đi theo ông chủ tiệm vào trong để xem ông cần giúp điều gì. Tác người ông gầy gò, ốm o, cái lưng khom khom, đi một cách yếu ớt.

“Cậu coi nè,” ông cụ không đọc được tư tưởng tôi, “thằng con tui nó đã đi dượt biên mất gồi, nó để cái này lại mà tui hông biết nó là cái gì. Cậu biết nó là cái gì hông? Cậu kiếm người bán giùm tôi được hông?”

Khi ông mở bao ra thì tôi trố mắt nhìn món vật đang nằm trong tay ông, tôi tưởng chừng như mình đã tìm được một thúng vàng ở cuối cầu vồng vậy. Nó là một cái la bàn của hải quân! Có thật không đây? Tôi đang mơ đây à? Chúa ơi! Đây là món cuối cùng con cần rồi! Nhưng tôi cũng cố gắng giữ bình tĩnh để ông không thấy được sự xúc động của mình để ông khỏi nghi ngờ.

“Ông bán cái này bao nhiêu?” tôi hỏi.

“Tui đâu có biết bán nó bao nhiêu. Bao nhiêu cũng được, chỉ cần chút ít tiền mua gạo là được gồi.”

Tôi trao ông một số tiền và nói là sẽ “giải quyết” món này giùm ông rồi lặng lẽ khuất dạng nhưng trong lòng nhảy nhót, hớn hở, ca ngợi Chúa.

==========

Ngày hôm sau trên biển, chiếc ghe của chúng tôi tưởng là bình yên vô sự như ngày hôm trước; nhưng ngày thứ hai thì hoàn toàn khác. Từ xa xa chúng tôi thấy có một đóm xám hình như đang tiến về hướng chúng tôi. Thông thường thì ai nấy cũng sẽ thấy mừng rỡ; nhưng khi đóm xám đó đến càng gần, tôi lại cảm thấy nghi ngờ cho nên tôi không cho ra dấu hiệu cầu cứu. Tôi nói với người tài công:

“Mình chuyển hướng xem thử nó sẽ làm sao.”

Thì đúng y như tôi đã dự đoán, nó cũng chuyển hướng theo. Nhưng bây giờ thì không còn là một đóm xám nữa, mà là sáu chiếc tàu đánh cá. Tính theo hướng đi và thời gian trên biển, chúng tôi đoán đây là những chiếc tàu đánh cá Thái Lan. Tôi biết ngay đây không phải là dấu hiệu tốt và đã ra hiệu cho người tài công nhấn hết ga và chạy trối chết. “Cá lớn” của chúng tôi đã dựng đứng lên khoảng bảy mươi độ, chỉ còn một phần cuối ghe còn chạm mặt nước thôi. Sáu chiếc tàu kia cũng phun khói đen đầy trời và rượt theo. Sau một vài tiếng đồng hồ thì sáu chiếc tàu đó lại chịu thua và rút lui vì không tài nào đuổi kịp chúng tôi. Thật là một chuyện khó tin!

Lối nửa đêm hôm đó thì bầu trời với những vì sao li ti êm đềm của đêm trước đã trở thành một bầu trời đầy mây đen vần vũ. Gió cao cấp đã tung hoành tứ phía như muốn nuốt chửng chiếc ghe nhỏ bé của chúng tôi. Một trận bão có lẽ cỡ cấp ba, cấp bốn đã tự do hoành hành và cái chết là chắc chắn trong mắt chúng tôi. Một vài tiếng đồng hồ sau thì chiếc ghe vốn có chỗ hở ở dưới đáy đã bị nứt to hơn và nước bắt đầu vào trong ghe rất nhanh. Một số thanh niênđã phải tranh đấu bằng cách tát từng xô nước ra ngoài để không bị chìm ghe. Họ vật lộn với tử thần gần như cả đêm như vậy. Trong lúc chiến trận giữa cái chết và sự sống đang xảy ra, tôi đi lên mũi ghe giơ tay lên trời và kêu cầu khẩn thiết cùng Chúa. Tôi không biết tôi đã làm vậy bao lâu, nhưng thình lình tôi rớt xuống khỏi mũi ghe và lọt gọn vào vòng tay của một người đàn ông mà trước chuyến đi này chúng tôi không hề quen biết.

Rồi từ từ biển Thái Bình đã kềm hãm cơn giận của mình và trả lại sự yên bình cho cá lớn. Bầu trời lúc đó cũng đã ràng rạng ánh bình minh ở cuối chân trời. 

“…Ngài như nơi trú ẩn lúc giông bão…” (Ê-sai 25:4)

Tất cả mọi người đã nằm la liệt vì mệt rã người sau một cuộc chiến ác liệt vừa qua. Một số người vẫn còn phải thay phiên nhau tát nước vì ở dưới lòng ghe đã bị nứt trầm trọng. Tôi không ngờ được tôi vẫn còn sống mà không thương tích gì. Làm sao giữa cơn bão mà tôi có thể rớt từ mũi ghe vào lòng của một người ở dưới một cách gọn gàng như vậy? Trí nhớ tôi một lần nữa đã dẫn tôi về ba ngày trước đó, trước khi lên cá lớn…

Không biết vì lý do gì trước khi tôi lên cá nhỏ để ráp với cá lớn, tôi linh tính là có người bị bỏ lại. Tôi không nghĩ có thể xảy ra vì ông này đã giao tiền đầy đủ và có người quen đi chung. Người bạn của ông chắc phải báo cho ông biết giờ và điểm hẹn chứ. Tôi thấy không ổn nên quyết định ghé qua nhà ông trên đường đi để xem cho chắc ăn. Khi tôi đến thì còn thấy ông nằm trên võng huýt gió và không hề biết về cuộc hẹn ngoài cửa biển. Tôi la lên:

“Anh Hoè, anh còn làm gì ở đây? Mọi người đã ra cá lớn hết rồi!”

Anh Hoè luýnh quýnh gom hết đồ đạc của ông và chạy theo tôi. Vừa chạy, vừa bỏ đồ vào giỏ, không ngớt lời cám ơn tôi. Khi ông đã chụp tôi một cách gọn gàng, tôi hiểu ra thêm đây là người Chúa đã chuẩn bị để cứu tôi giữa cơn bão tố.

=========

Sau cơn bão và mấy ngày trên biển cả như vậy, hình dáng đất liền là cả một niềm vui cho người đi biển; nhất là lúc chiếc ghe đã bị nứt trầm trọng như vậy. Hòn đảo chúng tôi đến đã dành sẵn ưu đãi cho chúng tôi sau những ngày khó nhọc trên biển. Chúng tôi không thể ngờ là một dân tỵ nạn lại được thụ hưởng những thứ sang trọng như vậy. Nhà cửa trên đảo rất khang trang và rộng rãi, đầy đủ tiện nghi cho một ông lớn. Chắc chắn đảo này không phải đảo hoang nhưng lại không có một bóng người. Vì không ai trên đảo, nên chúng tôi đã tha hồ hưởng thụ chăn ấm nệm êm, hồ tắm nước ngọt, đồ ăn, thức uống sang trọng không tưởng tượng được trong một ngày một đêm như vậy. Dù ngắn ngủi, tạm bợ, nhưng chúng tôi như đã nếm được chút thiên đường. Ngày hôm sau, không biết ai đã báo cho nhà cầm quyền biết, cảnh sát Mã Lai đã sừng sộ đến với súng ống và mã tấu để trừng trị những người tỵ nạn cả gan này. Họ cho chúng tôi biết đây là một trong những chỗ vua Mã Lai dùng để đi nghỉ mát. Chính dân của Mã Lai cũng không được quyền đến đó. Lúc đó chúng mới biết hòn đảo này là đảo hoàng gia. Không hiểu tại sao đảo hoàng gia mà lại không có một người canh gác. Thú vị quá! Chúng tôi đã được làm vua một ngày một đêm J. Họ múa mã tấu trước mặt tôi và hăm he sẽ giết hết tất cả. Tôi thấy tình hình không ổn nên đã nói với họ:

“Tôi làm việc với giáo sĩ Mỹ; và trước khi đi tôi đã báo cho họ biết. Nếu tôi không đến bình yên, họ sẽ đi tìm tôi. Nếu họ khám phá ra là các ông đã giết tôi thì chuyện gì sẽ xảy ra với các ông?” Tôi hăm he vậy mà hình như họ sợ. Sau khi chúng đã lục soát và lấy gần hết những nữ trang và đồ vật quý giá, họ đòi kéo ghe chúng tôi ra khơi để đi tiếp tục. Tôi cũng không chịu:

“Máy ghe chúng tôi đã chết và lường ghe bị nứt trầm trọng nên không thể nào đi tiếp tục được. Chúng tôi thà chết ở đây chứ không trở ra biển khơi làm mồi cho cá.” Họ lúng túng, không biết phải phản ứng sao với một ông chủ tàu liều lĩnh như vậy. Sau khi bàn tính với nhau xong, họ nói là sẽ kéo ghe chúng tôi qua một trại tỵ nạn gần nhất. Tôi tiếp tục làm khó:

“Làm sao tôi biết là các ông sẽ không cắt dây khi ra ngoài biển? Tôi đề nghị các ông phải cho một người của các ông lên ghe tôi, như vậy thì chúng tôi mới đi.” Thấy bộ không khiển nổi cái ông chủ tàu bướng bĩnh này, họ đành phải đồng ý kéo cá lớn chúng tôi đến trại tỵ nạn trên đảo Pulau Penang. Ngày đó là ngày Lễ Phục Sinh.

Sự sống lại của Chúa Giê-xu lúc đó có một ý nghĩa sâu sắc và cao cả hơn những ngày Lễ Phục Sinh tôi đã từng dự qua. Tử thần đã không nắm giữ được Chúa Giê-xu thì nó cũng không bắt giữ được chúng tôi nếu Chúa không cho phép, dù chúng tôi đã giáp mặt với nó. Sự cam kết của tôi với Chúa bắt đầu ngay. Gia đình tôi và những con cái Chúa khác đã tổ chức Lễ Phục Sinh ngày hôm đó để dâng lời cảm tạ Chúa vì sự bảo bọc, che chở của Ngài trên chuyến đi hãi hùng đó. Một tuần lễ sau chúng tôi được chuyển qua Pulau Bidong. Lúc đó có nhiều người tỵ nạn đã đến đảo cho nên không có chỗ ở dưới chân núi. Chúng tôi phải tự lên rừng cưa cây để xây nhà ở tạm của mình trên núi. Trong lúc đó chúng tôi phải ở trên một chiếc tàu sắt trên bãi biển, nơi mà những người trên đảo đã dùng để làm nhà vệ sinh. Chúng tôi phải lấy xăng dầu còn lại để đốt cho đỡ mùi hôi và đã ở đó một tháng trong lúc chờ đợi xây cất nhà. Tấm lều mà đã che mưa, che nắng trên ghe đã tiếp tục làm nóc cho chúng tôi thêm sáu tháng nữa trên đảo. Ở đó tôi đã cộng tác với anh em con cái Chúa để hầu việc Ngài cho đến ngày rời trại để qua trại chuyển tiếp tại Kuala Lumpur, Mã Lai.

Tưởng đã thoát nạn, nhưng một lần nữa hoạn nạn đã đến. Khi đến đảo Pulau Bidong thì chúng tôi khám phá nhà tôi đã mang thai được hai tháng. Khi qua trại chuyển tiếp thì đã được tám tháng. Họ thấy thai quá to nên họ giữ lại cho đến khi nào sanh xong mới cho lên máy bay. Đến ngày sanh nở, bọc nước đã bể; nhưng khi vào nhà thương, họ chỉ cho một cái ghế cây để ngồi ba ngày như vậy. Tôi thấy nhà tôi đau đớn quá nên tôi đã đi kiếm những giáo sĩ Mỹ để can thiệp. Các giáo sĩ không biết tôi nhưng biết ông bà giáo sĩ Herman Hayes là người đã đem tôi đến với Chúa. Họ rủ nhau, năm, sáu người vào để can thiệp. Họ hăm doạ là sẽ đưa ra Liên Hiệp Quốc về những hành động thiếu nhân đạo của nhân viên nhà thương. Nhờ vậy, đứa con út của tôi được ra đời và mẹ con đều thoát chết. Dù da của nó nhăn nheo như trái mận khô do thiếu nước ba ngày, nhưng rất mạnh khoẻ. Nó đã trở thành niềm vui và là một dấu ấn để nhắc nhở chúng tôi về sự bảo bọc của Chúa trong những cơn hoạn nạn. Sáu đứa con đã cùng tôi rời Việt Nam nay đã trở thành một con số trọn vẹn với một tương lai sáng sủa đang đón chờ.

==========

Gần ba mươi lăm năm ở Hoa Kỳ, Người Sông Hậu đã làm trọn lời hứa nguyện với Chúa khi lênh đênh trên biển khơi, nên không thì giờ ghi chép lại chuyện này. Vào những ngày cuối đời của ông, ông quá yếu nên không tự viết lại được. Ông đã giao việc viết lại những ơn phước Chúa cho đứa con gái của ông. Người Sông Hậu nay không còn làm thơ, viết văn nữa; nhưng mong những dòng chữ này được lưu lại trong lòng hậu tự của ông mãi mãi. Ông dặn dò kỹ lưỡng cô con gái khi viết lại chuyện này thì đừng quên câu nói của Mục-sư Lê Văn Tôi, lúc Mục-sư Tôi đến thăm viếng ông khi ông oán hận Chúa vì đã để tai nạn xảy ra cho bàn tay phải của ông. Lời nói của đầy tớ Chúa vẫn vang vọng đến ngày nay:

“Có những điều tốt mà Đức Chúa Trời làm cho mình mà mình không biết. Chớ ông đừng tưởng rằng bàn tay ông bị dập nát là Chúa không thương ông.” (Vì nếu đã không bị máy ép nước mía nghiến dập nát bàn tay thì gia đình ông phải đi kinh tế mới, đâu có cơ hội để vượt biên.)

Đã có bao nhiêu người vượt biên và có những câu chuyện rất ly kỳ kể lại, nhưng phần nhiều tin vào sự may mắn, số mạng và khả năng tổ chức của con người. Nghe kể qua thì nó như một giấc mơ hay chuyện huyền thoại, chỉ có những người trong cuộc mới thấy rõ được sự dẫn dắt nhiệm mầu của Chúa. Đối với Người Sông Hậu, những việc xảy ra không thể là tình cờ hoặc may mắn và chắc chắn không nhờ vào tài năng của ông. Chuyến vượt biển của ông là một trong những bằng chứng sống động về quyền năng và chương trình diệu kỳ của Thượng Đế cho ông và gia đình của ông. Ơn phước Chúa không đã ngừng ở đây, còn rất nhiều điều để kể…

 

kim 13

THẢO NGUYÊN
Kỷ niệm một năm Mục-sư Đặng Minh Lành về nước Chúa   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn