Thứ Sáu , 26 Tháng Tư 2024
Home / truyện ngắn / CHO ĐẾN MỘT CHIỀU THU

CHO ĐẾN MỘT CHIỀU THU

yhothi

Một buổi chiều trôi đi thật chậm chạp, bầu trời đầy mây đen xám xịt với những cơn mưa không lớn nhưng cũng đủ làm ướt áo kẻ qua đường. Ở cái giải đất miền trung eo hẹp nầy thời tiết thật khắc nghiệt, mùa khô hạn thì nắng rát da, nóng hầm hập ngột ngạt vô cùng, còn mùa mưa thì bão lũ tai ương…

Thời khắc nầy đã vào thu, ở đây không có không khí man mác của cái dáng thu buồn trong thơ văn miêu tả, không bâng khuâng luyến nhớ như bao chiều xa vắng, và thật cũng ít có cảm giác hoài niệm miên man…Thế nhưng vẫn ắp đầy những chiếc lá vàng rơi rụng, những cành hoa giấy đủ màu tươi thắm, những tiếng ve sầu của mùa hạ cuối vẫn còn râm ran đây đó, những cánh đồng còn trơ lại gốc rạ với những con diều no gió bay cao vời vợi, làn khói lam chiều bay ra từ những mái nhà thơ mộng của cái làng quê êm ả. Những cơn mưa rào đổ xuống như thác, nước mênh mông đầy ắp cả sân đường, lũ trẻ con trần truồng chạy đây đó với những chiếc thuyền giấy mong manh, rồi cũng có những cơn mưa trầm tịch rả rích suốt đêm, tiếng quốc ai oán vọng về theo nhịp thở của non sông…

Xuân Được ngồi một mình … anh hồi tưởng 19 năm về trước…

Cũng vào lúc bước vào mùa thu khi mà hoa sữa ngọt ngào tỏa lan đây đó… nắng vàng dịu ươm màu cỏ úa ngả dài theo những tán lá bàng trước sân nhà thờ Tin Lành Trường An năm ấy, thầy cô Truyền đạo Nguyễn Văn Chờ về nhận nhiệm sở. Với chức vụ đầu tiên còn biết bao ngỡ ngàng, xa lạ và lo lắng…

Việc đầu tiên của tôi tớ Chúa là ổn định lại tất cả các sinh hoạt của Hội Thánh, và rồi Chúa đã thương xót những năm tháng trong chức vụ vô cùng gian lao thử thách nhưng với lòng nhiệt huyết của thầy cô nên Hội Thánh Chúa phát triển không ngừng ngoài sự cầu xin và suy tưởng…

Sau đây là một vài kết quả khiêm tốn mà tôi là Thư ký có được như sau:

Trường Chúa nhật có 8 lớp: 1-Lớp các ông các bà  2-Lớp Trung tráng niên   3-Lớp Thanh niên  4-Lớp Thiếu niên  5-Lớp Thiếu nhi 1  6-Lớp Thiếu nhi 2   7- Lớp Nhi đồng  8-Lớp Ấu nhi mỗi lớp có chừng 15 đến 30 học viên, mỗi năm tổ chức 2 cuộc thi, tổng kết và phát thưởng vào dịp Lễ Giáng sinh, mỗi lần chấm thi số giáo viên ít nhất từ 4 đến 6 người vì lúc ấy tôi còn làm Trưởng ban Trường Chúa nhật nên nắm khá rõ, trong dịp lễ Giáng sinh còn có lễ phát thưởng cho con em học văn hóa từ khá giỏi trở lên mà phải có giấy khen hoặc bằng khen của nhà trường, và có hàng trăm xuất quà như vậy, truyền giảng mỗi tháng hai lần vào những đêm trăng sáng, trừ mùa mưa lũ ra, mỗi lần truyền giảng lúc nào cũng có thân hữu tham dự và luôn có người tin Chúa, vậy là mỗi năm có chừng 50 người đến cả trăm thậm chí có năm trên cả 100 linh hồn trở lại với Chúa, thế mới có con số 735 linh hồn hơn 7 năm trong chức vụ khi cố Mục sư Nguyễn Văn Chờ còn sống…

Với hơn 20 đến 50 người chịu lễ Báp têm được cử hành cho tân tín hữu tại hố Bà Thai, ấp 5 Song Bình hoặc sông Ái Nghĩa mỗi năm tổ chức được hai lần lễ Báp têm như vậy.

Ngày ấy, Hội Thánh còn gặp nhiều khó khăn về tài chính, hơn nữa cơ chế nhà nước lúc bấy giờ có những nghị định gây khó khăn cho việc xin tái thiết trùng tu nhà thờ tư thất, ấy vậy cho nên tôi tớ Chúa phải tận dụng để cơi nới phòng ốc gian chái để đủ chỗ sinh hoạt ban ngành, thậm chí tận dụng bóng mát dưới tàng cây vú sữa để sinh hoạt cho ấu nhi. Đúng như câu thành ngữ “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” được áp dụng với những người khôn ngoan theo lúc theo thời…

Có ai đó đã nói một câu khá hay đó là: “Phía sau sự thành công của đàn ông là bóng dáng của phụ nữ”, mà quả đúng như vậy… Thầy đã thành công trong chức vụ bao nhiêu là công khó của Cô bấy nhiêu… người đàn bà ấy có một tấm lòng nhân hậu với trái tim yêu thương… chịu thương chịu khó vô bờ bến nhất là giai đoạn năm 1996 tức là sau hai năm ông nhận làm Quản nhiệm, một nữ sinh cấp ba vừa tốt nghiệp phổ thông trung học loại ưu tú nhưng bị ma quỷ ức hiếp, thầy cô cùng cả Hội Thánh cầu nguyện không mệt mỏi, trong hơn một tháng thầy cô đã nhường phòng ngủ để cho người bệnh trú ngụ, ôi! Giai đoạn đó vô cùng vất vả cho thầy cô, nhất là Cô chịu khổ cực thức đêm canh giữ, săn sóc, cho ăn uống và cầu nguyện không ngừng, nhưng Cô là người bị bệnh nhân đánh trả nhiều nhất, với những cú đạp vô cùng khủng khiếp, những cái tát tai rõ mạnh, những vòi nước bọt phun vào mặt người, mà Cô vẫn cứ nhẫn nhục yêu thương dìu dắt…

Những đầu gối đã quỳ xuống đau buốt tê cứng, những dòng nước mắt đã đổ ra, nhiều người tình nguyện kiêng ăn một đến hai bữa trong ngày, suốt một tháng ròng rã với sự cầu thay của các tôi tớ con cái Chúa ngoài Hội Thánh cùng sự hợp tác cầu nguyện của các đầy tớ Chúa có ân tứ… nên Đức Chúa Trời đã giải cứu cô ta, năm đó thật vô cùng vui vẻ trong lễ Giáng sinh 1996 số người trở lại với Chúa rất là đông, cảm tạ ơn Chúa cô ta đã mạnh khỏe và tiếp tục đi học trở lại, năm sau cô thi vào trường Cao đẳng Y tế thành phố Đà Nẵng, cô học khoa điều dưỡng, ba năm sau cô tốt nghiệp ra trường với mảnh bằng xuất sắc, cô được Ban Giám Hiệu nhà trường giới thiệu trực tiếp về công tác tại bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, và được bố trí làm khoa hồi sức nhi cho đến ngày cô theo chồng sang định cư tại Hoa Kỳ đầu năm 2013…

Hội Thánh cũng đã tổ chức thành công được lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Thánh 1926 – 1996 trong năm nầy trước Lễ giáng sinh năm đó 6 tháng để tri ân những người có công khó, những người chăn bầy qua các thời kỳ…

Ôi nhớ làm sao! Ngồi một mình mà hình ảnh thân thương cứ quay trở lại như một cuốn phim quay chậm trong đầu, hiện lên từng chi tiết không thể nào quên… Xuân Được! anh không sao nói hết trong câu chuyện viết về cuộc thi viết truyện ngắn viết về niềm tin năm thứ nhất do Đặc San Hướng Đi tổ chức mà đã được đăng cuối năm đầu với bài “Thầy tôi” được.

Một người hầu việc Chúa khiêm nhu, mềm mại, nhẫn nhục đến đều…

Có một lần sau khi nhóm cầu nguyện của Hội Thánh, khi ra sân ngồi quây quần bên hai cây ngâu thật đẹp xanh rì, thầy nói thứ bảy tuần đến truyền giảng, một anh em nói “thầy mời diễn giả chưa?” Thầy buồn vô kể, thầy chỉ lau nước mắt và nói “anh em cầu nguyện cho tôi chớ”. Một câu nói vô tình làm cho trái tim của thầy đau xót, vì anh em cứ nghĩ là truyền giảng thì phải mời diễn giả cho hay… sau câu nói của thầy tôi cảm xúc vô cùng, thế là anh em hối hận, họ trở về ăn năn với Chúa và cầu nguyện cho thầy, thế là đêm truyền giảng đã cho một kết quả không ngờ, có 12 linh hồn đầu phục Chúa và Chúa đã chúc phước cho bài giảng mang sứ điệp Trở về nhà Cha ở Tin Lành Lu-ca 15 thầy chia sẻ rất cảm động rất là hay nữa là đằng khác.

Không thể không nhắc đến đời sống tận hiến của thầy… nào là thầy đã từng nhổ đậu, bẻ bắp. tuốt lúa với tín đồ ngoài đồng khi trời nắng chang chang hoặc lúc mưa dầm gió cuốn, tôi thích nhất là tài bơi ghe của thầy, có lần sau khi cử hành lễ Báp têm cho con cái Chúa trên sông Ái Nghĩa sau nhà ông Nghị viên Huỳnh Sáu, thì thầy bơi ra sông thật xa, mà con sông nầy nước chảy xiết, thầy bơi lộn thật ngoạn mục, tôi cố theo, nhưng mà chịu thôi… thầy thích thể thao và mê bóng đá, có lần thầy đã tổ chức được một giải bóng đá mi ni cho các em thiếu niên một số Hội Thánh lân cận trận đấu được diễn ra ở nhà thi đấu Nguyễn Tri Phương thành phố Đà Nẵng, khán giả đi xem thật là đông… Phải chăng, thầy được sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hạ Nông huyện Điện Bàn, nơi sản sinh ra rất nhiều người hầu việc Chúa có tài năng, tài hoa và dũng khí…

Viết tới đây, tôi lại nhớ lịch sử Hội Thánh Tin Lành Trường An, từ những năm mới thành lập, vào đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, biết bao thăng trầm  lịch sử mà Hội Thánh đã trải qua nào là giặc Pháp đốt phá rồi lập đồn bót chiếm giữ, con cái Chúa phải sơ tán tìm nơi mới nhóm lại, nào là Hội Thánh bị bán cho một Giáo hội khác, người ta đem hình tượng vào trong nhà thờ, được tin báo giáo sĩ D.I Jeffrey từ Đà Nẵng lái xe ô tô vào bắt người bảo vệ bỏ vào xe bịt bùng chở đi, giao nhà thờ lại cho Hội Thánh, nào là Mục sư Trần Xuân Phan không được bầu vào Ban Trị sự Tổng Liên Hội trong Hội đồng nên ông ta đã dẫn gần phân nửa Hội Thánh qua Giáo hội Sa Bát tức Cơ đốc Phục lâm…Lại cũng từ dòng sông nầy, trên thị trấn nhỏ bé nầy cách đây khoảng 80 năm về trước, gia đình ông bà Biện Toản ở Ái Nghĩa có hai người con đi tắm sông không may bị nước cuốn trôi kẻ chống đối Tin Lành đã làm một bài thơ Đường để sỉ nhục Đạo Chúa, bài thơ ấy như sau:

“…Theo đạo chồng tôi thật nhiệm mầu

Báp têm làm lễ dưới sông sâu

Đường trời lặng lẽ lên quên thở

Nước Thánh mênh mông rưới một bầu

Khổ lụy Tin Lành khôn trách đó

Lỡ duyên cầu nguyện biết về đâu?

Phải chi Chúa cứu đôi mươi nữa…

Khổ quỷ Sa tan đến đụn đầu…”

Họ như hả dạ đắc thắng qua bài thơ nầy…Nhưng Đức Chúa Trời hằng hữu Ngài vẫn là Đấng hằng sống và tể trị hoàn vũ nầy, Ngài đã cho ông Chánh Tuận ở làng Đại An làm một bài thơ họa đối lại như sau:

“…Muốn học Môi Se hóa phép mầu

Dắt dìu con đỏ xuống lòng sâu

Mở lòng hà hải thêm ba thước

Thâu lụy tan thương lại một bầu

Ái Nghĩa thêm trong dòng nước đó

Anh hùng nào phụ núi sông đâu?

Gẩm thương mấy kẻ chìm trên cạn

Ngọn sóng trần ai phủ lút đầu…”

Cuộc bút chiến đã xảy ra quyết liệt, nhưng bài thơ nầy đã làm cho kẻ ghét bỏ Tin Lành đành phải câm miệng, Hội Thánh được củng cố, danh Chúa được vinh hiển. Bài thơ nầy đã được đọc lại nhân ngày lễ kỷ niệm 70 năm Thành lập Hội Thánh.

Xuân Được… anh đang miên man với ký ức xa xưa… Một năm sau ngày Mục sư Nguyễn Văn Chờ về nước Chúa, tức là năm 2003 thì một cô nhân viên bưu điện Đại Lộc đến và trao cho một phong bì, anh vội vàng mở ra, thì đây là tờ giấy từ bệnh viện tim mạch Thành phố Hồ chí Minh gởi báo cho ông Nguyễn Văn Chờ nhà thờ Tin Lành Trường An xã Đại Quang huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam vào để kiểm tra và tiến hành phẫu thuật tim, thế là ngày ấn định giải phẫu đến sau ngày ông đã yên nghỉ trong nước vĩnh hằng của Chúa từ ái…

Anh bồi hồi nhớ lai cái ngày ấy cách đây đã 11 năm… Mục sư Nguyễn Văn Chờ đã về nước Chúa một cách đột ngột vì bị một cơn nhồi máu cơ tim, tin ấy với anh như sét đánh ngang tai, cây cổ thụ đức tin đã đổ xuống như mấy câu thơ của một nhà thơ nào đó mà anh còn nhớ trước năm 1975:

“…Ngàn tinh cầu vỡ tan từng mảnh vụn

Vòm trời yêu mất hẳn một vì sao!

Sân ga không đủ sức giữ con tàu

Thượng Đế gọi anh ứng hầu nước Chúa…”

Nhớ ngày ấy anh đã làm đơn gởi Ban Tôn giáo huyện Đại Lộc xác nhận Mục Sư nhiệm chức Nguyễn Văn Chờ là Thành viên trong Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam để họ cùng giới thiệu qua Ban Thương binh Xã hội cứu xét để miễn giảm chi phí ca phẫu thuật tim mạch cho một thành viên Mặt trận và họ đã nhiệt tình chứng thực giới thiệu…

Anh đang theo dòng chảy của thước phim ấy thì nhà bên âm thanh từ đĩa CD vang ra bài hát:

“… Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt?

Mùa thu nào cho người tình thăm bến xưa

Một người đi đi giữa trời mơ

Về đồi sim ta nhớ người vô bờ…”

Quả thật! hơn lúc nào hết anh nhớ cố Mục sư Nguyễn Văn Chờ quá chừng…Anh còn nhớ có một lần nào đó về thăm Hội Thánh, sau khi nhóm xong bà quả phụ Mục sư Nguyễn Văn Chờ gọi tôi riêng ra đứng gần cây vú sữa của ngày nào, bà hỏi thăm sức khỏe, công việc, gia đình v.v…sau đó bà đọc mấy câu thơ của thi sĩ Đinh Hùng cho tôi nghe:

“…Trời cuối thu rồi em ở đâu?

Nằm trong đất lạnh chắc em sầu!

Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy

Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu”

 

Theo tôi được biết nguyên trước đây bà từng là một cô giáo với tên gọi quen thuộc cô Hồ Thị Liên Kiều nguyên là Hiệu Trưởng của một Trường tiểu học nào đó, nên chất thơ của nhà giáo còn đọng lại trong bà. Mỗi lần về Việt Nam, bà thường xin tiền của ân nhân để giúp đỡ con cái Chúa làm công trình vệ sinh, phòng tắm, giếng bơm v.v…bà thường xuyên dâng hiến lo công việc Chúa của Hội Thánh trong dịp lễ Giáng sinh và học Kinh thánh mùa hè…

Tôi nhớ ngày trước khi hầu việc Chúa tại Hội Thánh Trường An, bà thường hay đi chợ nấu ăn, tuy bà nấu ăn không ngon, nhưng mỗi lần có con cái Chúa đến thì bà đem ra tất cả cùng ăn không giữ lại một chút gì trong tủ cả, một việc thường xảy ra ấy là bà mỗi lần đi chợ Cầu Chìm, ai nấy đều gọi bà mua hộ vì thấy bà dễ dãi, thế là bao nhiêu bà cũng đem về, nào là chuối, nào là mít, trái cây đủ loại, và nhiều loại thức ăn khác như cá thịt, rồi cũng bao nhiêu lần đó… là bao nhiêu thứ của ôi, của hỏng… làm ông la rầy… nhưng đâu lại vẫn vào đấy…

Các bạn thân mến!

Mùa thu đã để nhiều cảm xúc cho con người, mấy câu thơ của thi sĩ họ Chế mà tôi nhớ mãi:

“…Ai đâu trở lại mùa thu trước

Nhặt lấy cho tôi những lá vàng

Với của hoa tươi muôn cánh rã

Về đây đem chắn nẻo xuân sang…”

Họ Chế không thích mùa xuân nên ông cứ muốn mùa thu ở mãi cho thỏa thích. Dưới mắt của nữ sĩ Tương Phố mùa thu thật hiu hắt buồn:

“…Trời thu ảm đạm một màu

Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em

Trăng thu bóng ngả qua thềm

Tình thu ai để duyên em bẽ bàng…”

Mùa thu thật buồn qua kiệt tác truyện Kiều của Nguyễn Du:

“…Sầu đong càng lắc càng đầy

Ba thu đọng lai một ngày dài ghê…”

Nhưng với tôi mùa thu thật vô cùng ý nghĩa, bởi vì những ngày tháng hầu việc Chúa với cố Mục sư Nguyễn Văn Chờ đã cho tôi những ấn tượng khó phai, cái ngày ấy Hội Thánh nhận được tiền để mua chiếc xe Cup70 cm3 lúc đó là quý giá vô cùng mà ông dành cho anh em nhân sự chúng tôi ra đi thăm viếng chăm sóc, chiếc xe đó đã từng dùng chuyên chở sản phẩm nông nghiệp cho con cái Chúa từ ngoài đồng về, đến năm tôi mua được chiếc xe 100 cm3 loại Trung Quốc đầu đời năm 2001, tôi đã khuyên ông đi xa nên dùng xe tôi cho khỏe, ấy thế mà ông nhiều lần từ khước, tôi rất buồn… sau nầy nhiều lần tôi năn nỉ nên ông có đi được hai lần ở Tam Kỳ để họp Ban Tôn giáo tỉnh mời, thế là tôi cũng mãn nguyện khi ông đã về nước Chúa năm 2002.

Chiếc xe đó đã được Ban Chấp sự họp thống nhất bán lại cho con cái Chúa dùng qua bắt thăm cho công bình, với giá 6.500.000 đồng, cùng với số tiền trên 6.000.000 đồng lo lễ tang của Mục sư còn dư lại, gia đình bà quả phụ Mục sư cùng con cái đã thống nhất giao lại cho Hội Thánh để làm quỹ xây dựng nhà thờ và được ký thác vào ngân hàng để sinh lãi, với số tiền trên 12 triệu đồng lúc ban đầu làm nền móng cho sau nầy tiếp tục lạc quyên dâng hiến để xây dựng…

Khi Hội Thánh đã phát triển mạnh mẽ, ngày ấy ông đã thành lập Ban xây dựng lâm thời của nhà thờ, tiến hành lạc quyên để những năm tới Chúa cho có cơ hội là xây dựng nhà thờ được ngay. Trong khi chờ đợi, ngày ấy ông giao cho tôi Thư ký Hội Thánh tiến hành làm thủ tục giấy tờ chủ quyền đất của Hội Thánh và làm hồ sơ xin làm tường rào cổng ngỏ, ngày ấy xin giấy phép quả là khó khăn vô cùng, thế rồi Chúa cho có giấy phép xây dựng được tường rào cổng ngỏ thật kiên cố, khuôn viên nhà thờ thêm sạch đẹp. Bây giờ nhà Chúa xây dựng gần xong, khang trang đẹp đẻ vô cùng thì ông đã ra đi từ rất là lâu rồi…

Tôi đến nghĩa trang Tin Lành Điện Nam huyện Điện Bàn vào một buổi chiều, đặt lên mộ cố Mục sư Nguyễn Văn Chờ một bó hoa tươi thắm để tưởng nhớ đến người… rồi tôi lại quay về quê tôi bên dòng sông Vu Gia nơi có hai nhà thờ Tin Lành đang tọa lạc… nơi ấy có những đồi sim đang chín mọng với những cánh hoa sim tim tím đang nở rộ…

…Chiều thu vẫn cứ lặng lẽ êm đềm, hoa sữa vẫn ngọt ngào nơi cuối phố Hội An…Lời bài hát “Thu hát cho người” của thi sĩ Vũ Đức Sao Biển chỉ còn lắng đọng lại trong tôi một vài câu cuối:

“… Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ!
Về đồi sim…Ta nhớ người vô bờ…”

                                   HỒ GALILÊ    

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn