Thứ Tư , 8 Tháng Năm 2024
Home / truyện ngắn / XIN CHÚA MỞ MẮT

XIN CHÚA MỞ MẮT

xinchua mo

Cô ấy có gương mặt tròn, làn da trắng hồng, mịn màng. Lỗ mũi cao thẳng mà người ta hay gọi “lỗ mũi dọc dừa.”

Ngày cô tượng hình trong bụng là ngày mẹ phải bước vào một lối rẽ mới. Bà ngoại không thể chứa mẹ trong nhà vì đã “có chửa hoang”.  Mẹ có tội gì đâu?  Ngày ấy, mẹ đi làm bồi phòng trong căn cứ Mỹ để kiếm tiền giúp bà ngoại nuôi các em vì ông ngoại qua đời sau cơn bạo bệnh không tiền thang thuốc.  Mẹ cố nén những giọt lệ tiếc nuối tuổi học trò; vì là chị cả nên phải nghỉ học lo cho đàn em bảy đứa. Những ngày đầu theo dì đi làm, mẹ ái ngại lánh xa bè bạn.  Sáng đi tối về không muốn tiếp ai. Cuộc sống tưởng êm trôi. Một hôm mẹ đang dọn phòng chợt người lính Mỹ ấy đẩy cửa bước vào, sặc nồng mùi rượu. Ông kéo mẹ lên giường thô bạo lột phăng quần áo mẹ, miệng lảm nhảm “I love you” đồng thời móc hết mớ đô la trong túi rải lên người mẹ. Theo bản năng tự vệ, mẹ định kêu cứu, nhưng khi thấy số tiền lớn phủ trên người, giờ khắc ấy hình ảnh bà ngoại, nay ốm mai đau; mấy đứa em lang thang, lưới thưới hiện ra trong trí.  Mẹ nhắm mắt xuôi tay mặc cho hai dòng lệ lăn dài tiễn đưa cuộc đời trinh nữ ở tuổi mười tám.

Với số tiền ấy, mẹ thôi đi làm bồi phòng cho Mỹ, mở một gian hàng tạp hoá tại nhà để nuôi gia đình. Tháng sau, mẹ  tắt kinh, mẹ thảng thốt đến lịm người, chẳng lẽ… chỉ một lần mà có thai, mẹ đau khổ âm thầm, cầu Trời khẩn Phật xin cho tai qua nạn khỏi.  Nhưng Trời Phật không nghe lời khẩn cầu của mẹ có lẽ vì họ ở quá xa. Đến tháng thứ hai mẹ “hôi cơm tanh cá”, ăn vào ói ra, oẹ lên oẹ xuống. Mẹ cố dấu những trận nôn thấu mật xanh, mắt hoa, tai ù, miệng đắng, môi khô, tứ chi rã rượi.  Mỗi lần đi tắm mẹ nhìn mãi vào bụng, cảm thấy vòng eo to hơn mặc dầu gương mặt hốc hác vì không ăn, thiếu ngủ.  Mẹ lấy thước dây đo bụng mỗi ngày, sững sờ khi thấy bụng lớn dần. Tháng thứ năm, áo quần đều chật, mẹ chết điếng trong lòng với sự thật hãi hùng “mình đã có thai thật rồi”.  Mẹ suy tới tính lui, nghĩ đi nghĩ lại đành thú tội với ngoại mong được sự giúp đỡ.  Ngoại lặng người, nước mắt rơi lã chã, im lặng bao trùm chỉ còn nghe tiếng thút thít của hai người đàn bà cô đơn. Chặp sau, cơn xúc động qua, ngoại kéo mẹ ra sau hè.

-Bắt buộc phải phá thai con à.  Các bác mà biết được sẽ cạo đầu hai mẹ con, má cũng không mặt mũi nhìn ai nữa.- Giọng ngoại đứt quãng.

Mẹ như rơi tỏm vào hố băng khi nghe hai chữ “phá thai”. Đầu váng, mắt hoa, lỗ tai lùng bùng, người chợt phát run cầm cập. Mẹ chạy vào phòng nằm vùi, trùm chăn kín mít, bao nhiêu câu hỏi dồn dập đến trong cái đầu đang trống rỗng.  Nhức nhối, nhức nhối khôn cùng, phải làm gì đây?

Mẹ sờ vào bụng, xoa qua, xoa lại, xoa tới, xoa lui, dường như đến giờ phút này mẹ mới cảm nhận được có một sự sống đang nhúc nhích, cựa quậy trong bụng.  Cảm giác yêu thương trào dâng dạt dào trong con tim đau khổ.

Một con người đang hình thành trong bụng, trai hay gái, da trắng hay vàng, mắt xanh hay nâu, tóc đen như mẹ hay màu hạt dẻ như ông ấy??? Mẹ chợt buột miệng: “Ôi con ơi” rồi như có một sức mạnh diệu kỳ vực mẹ ra khỏi giường, đi xuống bếp ăn ngấu nghiến sau bao nhiêu ngày không ăn. Mẹ có được sức mạnh cả xác lẫn hồn và suy tính những việc phải làm.      

Việc đầu tiên là phải đi tìm gặp “ông ấy”.  Hôm sau, mẹ đến đứng gần khu sở Mỹ hai ngày liên tục, nhưng không thấy bóng dáng ông ta. Mẹ nghe tin có một số sĩ quan đã trở về Mỹ trong tháng qua. Có lẽ ông ấy không còn ở Việt Nam nữa. Mẹ thất thểu quay về, cõi lòng lạnh giá nhưng với một quyết định nóng cháy: “Bằng mọi giá mẹ phải làm tròn bổn phận mình, con đừng lo, hãy nằm yên đó mà chờ ngày chào đời nha con”

Sau khi bàn bạc với ngoại, mẹ thu xếp ra đi đến một chỗ ở mới vì mẹ quyết tâm giữ bào thai trong bụng. Nhà dì Liên bạn của ngoại ở một thành phố nhỏ tỉnh ven biên miền tây.

-Đến ở với dì Liên, con hãy xem như mẹ.  Dì sẽ thay mẹ lo lắng cho con.- Ngoại sụt sùi.

-Má tha lỗi cho con nha má. Má giữ gìn sức khoẻ nha má – Mẹ siết chặt ngoại không muốn rời xa.

Bà dì Liên là tín đồ Tin Lành, nên đã giải thích cho mẹ hiểu biết về Đức Chúa Trời là Đấng sáng tạo muôn loài vạn vật trong đó có con người. Đức Chúa Trời là nguồn của tình yêu thương. Chúa Giêsu là Cứu Chúa của nhân loại.  Bà thật sự yêu thương mẹ Mỹ hết lòng. Luôn an ủi, làm mọi sự để mẹ vui, bà thường nói:

-Con đừng buồn lo gì cả, vì một cái buồn sinh ra tám thứ bệnh.  Lời Đức Chúa Trời dạy rõ trong Kinh thánh rằng: “Lòng vui mừng là một phương thuốc hay.  Còn trí nao sờn là đồ mục của xương cốt” (1)

Nhờ tình thương của bà, mẹ cũng đỡ nhớ ngoại.  Bà hay rủ đi nhà thờ nhưng mẹ xấu hổ vì không chồng mà có chửa nên không chịu đi.  Từ ngày về ở với bà Liên, mẹ tập tành nấu chè bán cho học sinh vì nhà ở cạnh trường cấp một của xã.  Học sinh rất thích chè chuối nấu với khoai mì và chè táo soạn của mẹ, vừa rẻ, vừa ngon.

Đến tháng thai thứ sáu mẹ ăn uống được nhiều hơn, đứa bé lớn dần, cọ quậy trong bụng rồi ra đời vào một sáng mùa thu. Mẹ suy nghĩ bao đêm cuối cùng quyết định chọn tên Mỹ với chữ Việt kèm theo để nhớ đến người cha không cùng quê hương, không cùng ngôn ngữ, và chắc chắn cũng không bao giờ biết đến sự có mặt của Mỹ trên cõi đời này. ” Mỹ mang trong người hai dòng máu, Trần Thị Việt Mỹ. 

Mỹ chào đời thiếu một tháng mười ngày theo luật định của Tạo hoá. Tâm tư mẹ đã tuôn trào những dòng thơ khi  nhìn thấy mặt Mỹ. Sự đau đớn trong khi sinh đã thay bằng hạnh phúc, sự buồn khổ đã thay bằng niềm vui.

Ngày con chào đời,
Mẹ chỉ có hai bàn tay trắng,
Và đôi chân vương chút bụi hồng trần.
Con ra đời chưa đủ chín tháng cưu mang,
Có lẽ con muốn sớm sẻ chia cùng mẹ.
Những buồn vui, đắng cay tủi nhục,
Những éo le uẩn khúc của cuộc đời…

Đang khi còn nằm tại bảo sanh viện, ông bà Mục sư và các con cái Chúa kéo đến thăm mẹ con Mỹ tấp nập. Mẹ đã cảm động tình yêu Chúa qua tình yêu của mọi người nên ba tháng sau mẹ mang Mỹ đến Hội Thánh để hai mẹ con trao phó cuộc đời cho Chúa Giêsu.

Năm Mỹ lên sáu, mẹ dắt Mỹ đến trường, nhìn các bạn khóc lóc níu áo cha mẹ không chịu vào lớp Mỹ thầm nghĩ: “Mình sẽ không khóc.” Cô giáo khen Mỹ ngoan, đáng làm gương cho các bạn.  Suốt buổi học đầu tiên ấy Mỹ nhớ mẹ vô cùng.

Ở trường các bạn hay trêu ghẹo: “Mỹ lai mắc cục chai ngay lỗ đít, mắc cục chì ngay lỗ tai.” Có bạn thấy da Mỹ trắng quá nên véo thử xem có đau không?   Đã nhiều lần Mỹ đưa mẹ xem những dấu đỏ biến sang bầm tím nơi cánh tay.

-Mẹ ơi, sao các bạn hay trêu chọc con và không ai chịu chơi với con cả.- Mỹ tức tửi.

-Không có gì đâu con, các bạn đùa vậy mà.- Mẹ siết chặt Mỹ vào lòng, giọng nghèn nghẹn.  Mẹ lấy dầu xoa cho Mỹ mà nước mắt lăn dài nên Mỹ không dám méc mẹ nữa.

Hai mẹ con sống đạm bạc với bà Liên, thỉnh thoảng ngoại đến thăm và mang quần áo mới cho Mỹ, thích nhất búp bê biết nhắm mắt, mở mắt ngoại thưởng vì Mỹ là học sinh xuất sắc cuối năm lớp một.

Năm bảy tuổi, Mỹ bị bênh nặng, đau ban, thầy thuốc bảo “ban bạch”, nếu không lo trị sớm thì sẽ sạch nhà.  Mẹ đem Mỹ đi thầy đầu sông, đến thầy cuối sông, hết thầy Việt đến thầy Miên, hết thầy bùa đến thầy pháp. Tay chân, mình mẩy Mỹ đau nát vì kim đâm, lưỡi lam rạch,  thịt da nóng, phỏng vì bị hơ lửa đốt tà. Mẹ chạy thầy chạy thuốc đến hết số tiền dành dụm.  Rương quần áo bằng lụa và gấm của mẹ đã không cánh mà bay ra chợ đồ cũ. Bệnh tình Mỹ không thuyên giảm, người luôn hầm hập nóng. Hơn tháng sau một trận nóng sốt cao độ lại đến, Mỹ mê sảng không còn biết gì. Khi tỉnh lại Mỹ chỉ thấy một đám mây đen trước mắt. Mỹ tưởng trời chưa sáng nên nhắm mắt định ngủ tiếp, nhưng bên tai âm thanh của bước chân mẹ đi tới đi lui lục đục trong bếp khiến Mỹ lại mở mắt nhưng vẫn không thấy gì.

-Mẹ ơi, trời sáng chưa mẹ. – Mỹ thất thanh. 

-Con thức rồi hả?  Con khoẻ chưa?  Trời đã sáng rồi.- Mẹ đi vội vào.

Mỹ cố nhướng mắt vẫn không thấy gì.

-Mẹ đâu rồi, mẹ ơi, sao con không nhìn thấy gì cả? – Mỹ hốt hoảng hai tay quờ quạng.

Mẹ bổ nhào tới ôm Mỹ vào lòng trấn an sau đó bảo Mỹ mở mắt ra.  Tay mẹ lạnh ngắt, tim nhảy loạn xạ, mẹ gào lên:

-Ôi đôi mắt con tôi, sao lại thế này, con có nhìn thấy bàn tay mẹ không?- Mẹ quơ quơ bàn tay trước mặt Mỹ. Từ hai tròng mắt mờ đục như mắt cá chết, hai dòng lệ nóng hổi đang  trào ra.

-Mẹ ơi con không nhìn thấy gì, con bị mù rồi hả mẹ? – Mỹ tức tửi.

-Ôi Chúa ơi, xin cứu con gái con Chúa ơi. – Mẹ ôm chặt Mỹ vào lòng, nước mắt rơi ướt đẫm mái tóc bum bê.

Hai mẹ con ôm nhau chết lặng, cõi lòng vỡ tan.  Tiếng con thằn lằn tắc lưỡi mấy cái như chia sẻ nỗi đau với họ.

-Mẹ ơi nếu thật sự con bị mù thì thà chết sướng hơn. – Mỹ khóc rống thảm thiết.

-Đừng con, mình sẽ cầu nguyện Chúa và mẹ sẽ tiếp tục chữa chạy cho con.  Con đừng nghĩ quẩn nha con, con đừng bỏ mẹ con ơi. – Mẹ hôn tới tấp lên đôi mắt Mỹ.

Hội Thánh hay tin, đến thăm viếng an ủi mẹ con Mỹ. Mọi người cầu nguyện cho Mỹ trong khi cõi lòng Mỹ vụn vỡ.  Mỹ khóc ngày, khóc đêm, khóc đến sưng vù đôi mắt.

Bắt đầu chuỗi ngày đau đớn tột cùng.  Hai mẹ con lại dọn về ở chung với bà Liên để bà giúp Mỹ khi vắng mẹ.

-Mẹ sẽ yêu thương và chăm sóc con cho đến chết, mẹ hứa, con đừng bỏ mẹ nha con.- Mẹ nhắc mãi với Mỹ câu này.

Thời gian là liều thuốc mầu nhiệm để xoa dịu những trái tim rướm máu.  Ngày qua ngày hai mẹ con cũng quen dần với cuộc sống mù lòa của Mỹ.  Nhờ vào tình thương của mẹ, của bà và của Hội Thánh, Mỹ nguôi dần nỗi đau, bỏ đi suy nghĩ bi quan, tiêu cực. Mẹ và bà Liên thay phiên nhau săn sóc Mỹ, bây giờ cái radio là bạn Mỹ.  Mỹ nghe tin tức, nghe nhạc, nghe kể chuyện cổ tích trước khi ngủ.  Mỹ thích nhất nghe vọng cổ và cải lương.  Mỹ thuộc rất nhiều bài hát của cô Út Bạch Lan vì giọng cô hát buồn quá, thương quá.  Mỹ thường ngân nga hát theo cô.

-Con gái mẹ càng lớn càng đẹp, lại hát hay nếu con sáng mắt chắc người ta mời con đi đóng tuồng rồi đó. – Mẹ âu yếm vuốt mái tóc dài ngang vai của Mỹ.

-Con hát có giống cô Út Bạch Lan không mẹ?- Mỹ nũng nịu.

-Rất giống nhưng con đẹp hơn cô ấy.- Mẹ vuốt nhẹ lên má Mỹ.

-Nếu con sáng mắt chắc người ta sẽ đem xe hơi đến rước con đi hát hả mẹ?- Mỹ  tưởng tượng.

-Ừ, chắc chắn.- Mẹ chùi nhanh hai dòng lệ đang lăn xuống má.

Dần dần Mỹ đã tự đi đứng và lo cho mình được.  Từ giường ngủ đến nhà bếp, ra giếng múc nước hoặc đi tắm Mỹ đều tự làm.  Mỹ đếm thầm từ chỗ này đến chỗ kia bao nhiêu bước, cố gắng không làm phiền mẹ và bà Liên nhiều.

Năm Mỹ 14 tuổi, ông Mục sư giúp hai mẹ con hoàn tất hồ sơ xuất cảnh theo diện con lai và được chấp thuận của phái đoàn cho qua Mỹ.  Mẹ có một nguồn hy vọng duy nhất là Mỹ sẽ được chữa chạy cho sáng mắt vì nghe nói bác sĩ Mỹ giỏi lắm.

Niềm hy vọng như cơn sóng cuồn cuộn trào dâng trong lòng Mỹ: Mình sẽ được sáng mắt, sẽ trở lại trường học, mình sẽ thi hát và sẽ được người đưa kẻ đón…

Sau khi ổn định, việc đầu tiên là mẹ xin cho Mỹ được chữa mắt.  Các bác sĩ khoa mắt hội chẩn trả lời rằng vì Mỹ khóc nhiều quá trong thời gian ấy nên làm hư hết các võng mạc không thể chữa được nữa. Trái tim Mỹ như ngưng đập, nỗi đau đớn lấn chiếm tâm hồn thơ ngây với bao hy vọng.  Nguồn nước mắt tưởng như đã cạn bây giờ lại tuôn trào theo tiếng gào thét vang vọng từ đáy lòng u uất.

Sao Chúa không thương Mỹ, không chữa mắt cho Mỹ?

Khi còn ở Việt Nam Bà Liên thường đọc Kinh Thánh cho Mỹ nghe rằng Chúa từng làm cho người mù được sáng, người què được đi, người câm được nói, ngưới chết được sống lại. Tại sao Chúa để Mỹ bị mù loà, Mỹ có tôi gì đâu? Hay là Chúa không có thật?

Mỹ nghi ngờ và giận Chúa, ghét đi nhà thờ, sống xa lánh mọi người.  Mục sư và Hội Thánh đến thăm Mỹ không tiếp.  Mỹ rút mình trong nhà suốt thời gian dài. Một lần nữa Mỹ lại muốn chết.  Mẹ không dám đi làm ở nhà chăm sóc và theo dõi Mỹ từng phút.

Biết Mỹ thích hát vọng cổ mẹ nhờ người quen mang từ Việt Nam qua nhiều CD cải lương và ca cổ cho Mỹ nghe. Nghe tới, nghe lui nên Mỹ thuộc nhiều trích đoạn cải lương và nhiều bài tân cổ giao duyên.  Mỹ hát theo giọng cô Lệ Thủy cũng được nhưng mẹ bảo giọng của Mỹ giống giọng cô Út Bạch Lan nhiều hơn.

Một tối đầu xuân mẹ chở Mỹ đi xem chương trình đờn ca tài tử được tổ chức trong cộng đồng Việt Nam.  Đến nửa chương trình là phần dành cho thính giả hát.  Được sự khích lệ của mẹ Mỹ xin hát bài “Cô gái bán sầu riêng”.  Từng tràng pháo tay kéo dài khi Mỹ xuống vọng cổ, mọi người đến ôm Mỹ khen ngợi và khuyến khích Mỹ nên học hát với đàn để đi hát trong những buổi  tiệc cưới hay sinh nhật. Chú Tám đàn ghita vọng cổ nhận dạy Mỹ miễn phí. Toàn ban đờn ca tài tử  vỗ tay rầm rập cám ơn tấm lòng của chú Tám và chúc mừng Mỹ là một thành viên nhỏ nhất trong ban.

Từ đó chú đến nhà dạy Mỹ.  Mỹ học rất nhanh với đàn vì từ nhỏ Mỹ đã nghe vọng cổ nên thuộc từng tiếng đàn, từng khung nhạc: xang, xế, xừ, liêu, cống… Ngoài sáu câu vọng cổ chú Tám còn dạy Mỹ những bài bản lớn nhỏ, chẳng bao lâu Mỹ trở thành nghệ sĩ tài tử. 

Chú Tám đưa Mỹ đi hát ở các tụ điểm, các đám tiệc, hết thôi nôi, đầy tháng đến sinh nhật, cưới, hỏi.  Hết người này đưa, đến kẻ khác đón, bà con cũng cho tiền khi Mỹ hát nên Mỹ không thấy mình bất tài, vô dụng nữa.  Có hôm Mỹ mang về đưa mẹ đến hơn năm trăm đô la, Mỹ vui với tiếng đàn câu ca từ đó.

Khi Mỹ cất cao giọng mọi người đều im lặng, khi hát bi mọi người đều rơi lệ, khi Mỹ hát các bài bản vui mọi người đều tươi cười. Giọng ca, tiếng hát của Mỹ như xuất thần vì cô để hết tâm hồn vào từng lời, từng chữ.

Tôi quen Mỹ vào ngày đầu xuân năm trước. Đầu xuân năm nay tôi mời Mỹ đi ăn kem với hy vọng khơi lại lòng yêu mến Chúa trong cô.

-Bây giờ thì em đạt được ước nguyện: đi xe hơi, có kẻ đưa, người đón rồi đó chị.- Mỹ  cho thìa kem vào miệng cười tươi.

-Như vậy là em đã được sáng danh rồi. – Tôi thăm dò.

-Nhưng có những lúc sau khi đi ca hát về em cảm thấy trống vắng vô cùng.- Mỹ nhíu đôi lông mày đã được xăm rất đẹp.

-Chị có câu Kinh thánh này muốn tặng em nhân dịp đầu xuân, em có muốn nghe không? – Tôi ý tứ.

-Dạ chị đọc đi.- Mỹ chăm chú.

Tôi đọc câu Kinh Thánh “Châm ngôn 17:22: Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay. Còn trí nao sờn làm xương cốt khô héo” cho Mỹ nghe và giải thích rằng sự trống vắng trong lòng cô do thiếu sự hiện diện của Đức Chúa Trời là cha nhân loại.

-Em đã không gặp được người cha về phần xác, mà lại từ chối người cha phần hồn lâu nay nên em thiếu bình an.  Em quay về với Chúa đi em.- Tôi ân cần.

-Nhưng em đã không đi nhà thờ mấy năm nay rồi. Chúa có còn nhận em không?- Mỹ  trầm giọng.

-Chúa luôn giang tay chờ em ngã vào lòng Ngài, em đừng ngại. Ở trong tình yêu của Chúa em sẽ có sự vui mừng thật em hãy thử đi rồi sẽ biết- Tôi sốt sắng.

Mỹ nhẹ gật, đôi lông mày lại nhíu như đang suy nghĩ điều gì.

-Em sao vậy? – Tôi bóp nhẹ tay Mỹ.

-Em nhớ mẹ.  Khi mẹ còn sống, em đã không chịu cùng đi nhà thờ với mẹ vì thế mẹ cũng ở nhà với em. Rồi mẹ bệnh nặng qua đời, em không còn cơ hội cùng mẹ đi nhà thờ nữa rồi. Em có tội với Chúa và với mẹ, phải không chị?- Mỹ nghẹn lời.

-Không đâu, mẹ có đức tin nơi Chúa thì sau này em sẽ gặp lại mẹ trên thiên đàng và cùng ở với Chúa đời đời, em đừng lo nghĩ nữa.- Tôi quyết giọng.

Sau khi mẹ qua đời Mỹ sống một mình trong sự tài trợ của chính phủ dành cho người khiếm thị neo đơn. Niềm vui của Mỹ là được đón đưa đi ca hát đó đây.

-Chúa Nhật này chị rước em đi nhà thờ được không?-  Mỹ ngập ngừng.

-Chị sẽ rước, 8giờ 30 nha, em dậy sớm nổi không- Tôi mừng rỡ.

-Thường tối thứ bảy em đi hát về khuya lắm nhưng em sẽ cố gắng. – Mỹ nắm tay tôi như muốn bảo đảm.

Chúa Nhật ấy, Mỹ đi thờ phượng Chúa.  Trước khi Mục sư giảng hội thánh hát bài thánh ca “Xin Chúa mở mắt con”. Mỹ lắng nghe, nhịp nhẹ ngón tay trên đùi theo điệu nhạc. Mỹ chăm chú suốt bài giảng của Mục sư với câu Kinh Thánh gốc “Nhưng trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều khác nữa.” (2)

Trên đường về Mỹ im lặng suy tư không nói cười như lúc đi.  Đưa Mỹ vào nhà cô mời tôi ở lại chơi.  Mỹ thút thít:

-Em thích bài hát “Xin Chúa mở mắt…” chị dạy cho em được không?

-Được chứ. – Tôi nhanh nhẩu.

Mỹ hát theo từng câu, giọng như nài xin khẩn nguyện. Mười phút sau Mỹ thuộc cả bài hát.

-Chúa Nhật tới em xin Mục sư hát bài này cho Chúa được không chị? – Mỹ ngập ngừng.

-Được, nếu em muốn tôn vinh Chúa hàng tuần bằng cổ nhạc chị sẽ kiếm những C.D cổ nhạc ngợi khen Chúa cho em tập.- Tôi hứa hẹn.

-Có cổ nhạc ngợi khen Chúa hả chị? Chị mua cho em nha, em sẽ tập hát cho Chúa vui nha chị.-  Mỹ phấn chấn.

-Ừ, bạn chị có sáng tác nhiều bài vọng cổ ca ngợi Chúa hay lắm.  Chị hứa sẽ xin cho em.

-Em thích nhất bài “Xin Chúa mở mắt…” chị à…Mỗi ngày em sẽ hát bài này xem như lời cầu nguyện của em với Chúa.  Xin Chúa cho em được sáng mắt.- Giọng Mỹ nghèn nghẹn.

-Bây giờ giữa  “sáng danh” và “sáng mắt” em chọn điều nào?- Tôi trêu Mỹ.

-Em chọn sáng mắt. –Mỹ nhanh nhẩu.

-Chị sẽ nhờ Hội Thánh cầu nguyện cho em, quan trọng nhất là sáng mắt tâm linh đó em.- Tôi giải thích cho Mỹ biết Đức Chúa Trời tạo nên con người có ba phần: thân, hồn và linh.  Về phần thân xác không có sự sống đời đời nhưng tâm linh thì được sống đời đời nếu hồn linh được kết chặt với Chúa là nguồn của sự sống.

-Vậy bài hát “Xin Chúa mở mắt con” là mắt tâm linh hả chị?- Mỹ thắc mắc.

-Phải, em giỏi quá.- Tôi khen.

-Bây giờ chị cầu nguyện ngay xin Chúa mở mắt tâm linh cho em đi.-  Mỹ thúc giục.

-Ừ, chúng ta hát lại bài hát ấy rồi cầu nguyện nha.

Mỹ cất giọng trong veo: “Xin Chúa mở mắt con, xin Chúa mở mắt con đặng con thấy sự lạ lùng trong luật pháp của Ngài. Hỡi Đức Chúa Trời lời Ngài, được vững lập đời đời trên trời, được vững lập đời đời trên trời. Nên lời Chúa là ngọn đèn, ngọn đèn cho chân của con, là ánh sáng cho đường lối của con, sáng luôn cho đường lối con.  Xin Chúa mở mắt con, xin Chúa mở mắt con…”

Nhìn Mỹ say sưa hát mà nước mắt tôi rơi lã chã.

“Lạy Chúa, lời Ngài được vững lập đời đời.  Xin Chúa mở cả mắt tâm linh lẫn mắt thuộc thể cho Mỹ.  Amen.”(3)

Mỹ ôm tôi, cất tiếng Amen thật to.

Santa Ana, 
HỮU CHANG

————————————————–
Ghi chú:    
(1) Kinh Thánh Châm ngôn 17:22
(2) Mathiơ 6:34
(3) Amen có nghĩa là “muốn thật hết lòng”   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn