Thứ Năm , 9 Tháng Năm 2024
Home / truyện ngắn / VẾT SON ĐỎ TRÊN CÁNH TAY

VẾT SON ĐỎ TRÊN CÁNH TAY

Buổi chiều sau khi dùng cơm, chị Phượng nhìn bọn con Thanh bằng đôi mắt nửa khoan dung, nửa trang trọng như điều chị sắp sửa nói ra sẽ mang đến một đổi thay nào đó trong cuộc sống thường nhật của những đứa trẻ mồ côi sống nhờ tình thương của Dì Yến và các tổ chức, cá nhân từ thiện. Mà quả thật những lời tốt phát ra từ chiếc miệng xinh xắn không hề thoa son của chị Phượng. Tiếng nói của chị cất lên, âm thanh vút cao như chuông ngân, có hiệu lực như bàn tay kỳ diệu bấm vào công tắc điện và bỗng chốc ánh đèn sáng lòa khắp căn phòng, xoi thủng, làm biến dạng và bóng tối tan biến, đầy uẩn khúc của bọn  con Thành. Thứ đời sống thiếu thốn tình thương của người thân, cho dù những bàn tay săn sóc cần mẫn và nụ cười hiền từ, khoan dung như nụ cười của Đức Chúa Giê Xu của các chị trong nhà tình thương lúc nào cũng pha hơi ấm, muốn phục sinh nhưng tâm hồn lạnh giá, cằn cỗi của bọn  trẻ mồ côi.

vetson

Chờ cho tất cả các đôi mắt hướng về mình và tiếng lào xào lắng xuống, chị Phượng mới bắt đầu nói:

– Đúng vào đêm văng nghệ mừng ngày Chúa Giáng Sinh sẽ có bà mẹ đến đón một đứa con về nhà.

Tưởng gì chứ việc này đối với bọn con Thanh cũng chẳng có gì lạ. Hằng năm cứ đến ngày Giáng sinh, ngày Chúa Phục sinh, ngày Tết Nguyên đán thường có một vài gia đình nào đó giàu lòng từ thiện, hoặc hiếm muộn con đường tử tức thường trực tiếp đến gặp Dì Yến đón một trong những đứa bạn của Thanh về nhà chơi. Cũng có khi bọn con Thanh nhận được những món quà xinh xắn bọc trong giấy bóng màu kèm theo bao lì xì đỏ chói.

Có sự khác lạ trong Giáng sinh năm nay và chị Phượng đã cho bọn con Thanh sự khác lạ đó.

– Em nào được người đàn bá đó đến đón sẽ về nhà ở luôn với gia đình không trở lại đây nữa, vì bà mẹ đó chính là mẹ ruột của em này.

Đây chính là điều mới lạ, quan trọng, sự huyền nhiệm mà Thanh chờ đợi mười mấy năm nay. Tức thời hàng chục cái miệng cùng chu lên một lượt, như những chiếc mỏ háo đói của đàn chim mừng mẹ tha mồi về tổ vào một sáng màu hồng.

– Ai! Ai vậy hả chị?

Cùng lúc câu hỏi cũng bật lên trong trí tưởng tượng của Thanh. Ai sẽ là được diễm phúc này? Ơn phước mầu nhiệm sẽ tràn về đổ xuống một trong mười mấy đứa bé mồ côi, lạc lõng là lũ con Thanh như cơn mưa xuân tưới mát đầm đìa trên những thân cây khẳng khiu, cằn cỏi, để mai đây nhú ra những chiếc lá xanh, những búp hoa đẹp.

Chị Phượng đặt ngón tay trỏ lên môi ra dấu yên lặng:

– Các em trật tự, đừng có làm ồn, Dì Yến nghe rồi bị phạt bây giờ. Người mẹ ấy muốn dành sự ngạc nhiên trong đêm  Gáng sinh sau khi chương trình văn nghệ kết thúc, em nào được bà mẹ tiến lên sân khấu tặng bó hoa hồng trắng và hôn lên má, em đó sẽ theo bà về nhà đoàn tụ với gia đình.

Chị Phượng chấm dứt câu chuyện và xua bọn con Thanh ra sân vì đã đến giờ tập hát. Những tiết mục cũng không gì thay đổi khác thời khóa biểu mà bọn con Thanh đã thuộc lòng từ mấy năm nay. Sáng thức dậy đọc kinh cầu nguyện, đánh răng rửa mặt, điểm tâm, đi học, ăn cơm, học tối, cầu nguyện, đi chơi, học hát, đi ngủ, đều đều như thế từ thứ hai đến thứ sáu, có khác chăng là ngày thứ bảy được đi dã ngoại, sáng chủ nhật sau khi đi lễ ở Nhà thờ nghe Mục sư giảng đạo bọn con Thanh phải làm vườn, nhổ cỏ, tưới hoa hoặc lau chùi kính nhà thờ.

Ở đây mấy năm Thanh quen thuộc hết từng người và cảnh vật trong nhà tình thương của Dì Yến. Thanh còn biết cả tính tình khoan dung của Dì Yến, khuôn mặt khả ái với nụ cười rạng rỡ như đóa hoa hồng của chị Phượng

Vì lẽ đó nên giờ dạy của Chị Phượng thỉnh thoảng ồn lên như cái chợ. Trái lại, khi nào chị bảo trật tự là cả lớp im phăng phắc, không phải vì cây roi mây vụt vô mông mấy đứa già chuyện, mà bị phạt lau nhà, hoặc chị bắt đứng cầu nguyện…

Thanh cũng nhớ như in tính tốt của con Thúy, lòng nhường nhịn, chia xẻ của con Lan, cái miệng láu táu, hay ăn vặt của con Lệ…

Thanh cũng không quên những chiều chủ nhật cùng bọn chúng nó ra phố Đông Hồ, trèo lên đỉnh núi Bình San viếng lăng họ Mạc, qua núi Tô Châu ăn chè đậu đỏ, nhìn những chiếc tàu cá lướt trên mặt nước, vượt ra biển, lòng Thanh bỗng chớm lên niềm mơ ước được chấp cánh bay ra lên cao như những con chim biển.

Tại sao Thanh lại đến đây? Thanh là ai? Câu hỏi đã nhiều lần hiện đến những đêm mùa hè, Thanh thẫn thờ ngồi một mình ngoài sân nhìn những vi sao lóng lánh khắp bầu trời. Mắt Thanh đầm đìa những giọt lệ. Những giọt lệ tủi thân vẫn thi nhau lăn dài xuống má khi Thanh nhớ lại dòng chữ quái ác như những lằn roi tàn nhẫn của định mệnh, ghi lại trong phiếu lý lịch của Thanh. Nguyễn Thị Diệu Thanh không biết ngày tháng năm sinh, độ chừng ba tuổi được bộ đội tình nguyện Việt Nam moi ra dưới đóng gạch vụn của căn nhà đổ nát còn ầm ỉ cháy vì đạn pháo cùng mấy xác chết đã cháy đen mà người ta tin tưởng là cha mẹ, hoặc người thân của Thanh tại tỉnh Siêm Rệp của đất nước Cam Pu Chia do lính Khe me đỏ bắn giết những ai không theo họ. Không còn một giấy tờ hoặc dấu tích gì còn lưu lại về nguồn gốc thê thảm của Thanh, ngay cả tên họ. Nguyễn Diệu Thanh cũng chỉ là tên do Dì Yến đặt cho Thanh. Đã nhiều lần Thanh cố vận dụng trí tưởng tượng, bơi ngược dòng thời gian với hy vọng sẽ tìm thấy quãng đời thơ ấu của mình, cố hình dung ngôi nhà trước đây Thanh đã sống, những con đường in dấu chân tuổi thơ của Thanh, nhất là khuôn mặt của cha mẹ, anh em, những nét mặt mà Thanh tin là rất hiền từ khắc khổ dưới chế độ của Khe me đỏ. Thanh bất lực trong ước muốn đã nung nấu trong tâm tưởng Thanh từ tháng này, sang năm khác. Sự kinh hoàng, biến cố chết đi sống lại và những ngày mê man trong bệnh viện là tấm giẻ lau tẩy xóa hết những hằn năm tháng của Thanh. Trí óc Thanh trở nên mù mịt tối đen như tấm bảng đã chùi sạch vệt phấn quá khứ. Thanh nhớ đã có lần đến khóc với Dì Yến xin Dì khơi sáng phần đời dĩ vãng mù tăm tối. Nhưng Dì Yến cũng không biết gì hơn những điều đã ghi trong lý lịch bệnh án. Dì nhận Thanh từ trong bệnh viên, họ cũng như Dì có biết gì thêm nữa đâu. Vả lại Dì Yến cũng không thắc mắc làm gì. Dì chỉ biết một điều là Chúa Giê Xu nhân từ giao phó các con cho Dì và Dì có trách nhiệm nuôi dưỡng, dạy bảo bọn con Thanh thành người tốt, biết thương  yêu và hết lòng phụng sự Thiên Chúa.

Thanh trở về hoàn toàn chán nản nhưng cũng không dám trách Dì Yến. Nội việc  Dì lo cho bọn con Thanh đủ ăn hàng ngày ba bữa, chạy đến cơ quan từ thiện này xin áo quần, đến đoàn thể kia xin sách vở giấy bút, trợ cấp gạo tiền đã làm Dì Yến và các chị trong nhà tình thương mệt đừ người rồi, họ đâu còn thì giờ, tâm trí để điều tra xem trước kia bọn con Thanh đã sống ở đâu, con ai… dưới thời Khe me đỏ, gia đình nào cũng tang thương, khốn khổ đến thế thôi.

Thanh đặt câu hỏi biết đâu cha mẹ nó còn sống, chưa chết và ở đâu đó. Hy vọng vừa lóe lên khiến Thanh nhớ đến “người đàn bà” mà chị Phượng vừa kể trong buổi chiều. Không chừng bà ta chính là mẹ của Thanh đến đón Thanh trong đêm Giáng sinh năm nay. Lạy Chúa cho Thanh nghĩ đúng. Ý tưởng vừa đến khiến Thanh vui hẳn lên nhưng không dám nhảy nhót vì sợ nó sẽ vụt bay đi. Thanh quên hỏi chị Phượng người mẹ đó từ đâu đến.

Trong sân chơi chiều hôm ấy và những ngày tiếp theo đợt sóng xầm xì, bàn tán đã cuốn lấy bọn con Thanh chung quanh nguồn tin do chị Phượng tiết lộ. Bọn con Thanh bỏ hết trò chơi thường lệ, ngoại trừ những đứa vô tâm, chia thành từng nhóm tụm năm, tụm ba để đoán xem đứa nào trong chúng nó sẽ là kẻ may mắn, diễm phúc được “người mẹ” đón về gia đình.

Còn Thanh nó nghĩ: Cánh cửa đời đang thênh thang mở rộng để chờ nó bước qua hóa thân từ một đứa bé mô cồi trở thành kẻ có cha mẹ, ghi trang trọng trong tờ khai sinh. Sung sướng biết bao, con đường nối bởi những vòm hoa kỳ diệu, thân ái, nồng nàn, hạnh phúc sẽ được bước chân nó dẫm lên với sự hãnh diện trước hàng chục đôi mắt thèm thuồng vì kém may mắn.

Biết đâu Thanh là người may mắn ấy, có thể lắm chứ. Tại sao Thanh không thể trúng số trong bọn mấy đứa này. Ý nghĩ này khiến lòng Thanh rộn lên niềm sung sướng cảm động. Thanh ở lâu trong nhà tình thương này đã hơn mười mấy năm. Bây giờ Thanh phải chăm sóc mấy em nhỏ mới được Dì Yến đưa về. Mỗi đêm và lời nguyện cầu của  Thanh bỗng trở nên thành khẩn thiết tha. Trước khi đi ngủ Thanh thường lén ra sân, tìm xem ngôi sao nào bản mệnh của mình có sáng hơn trước chút nào không cho dù trong mùa đông những vi sao rất hiếm hiện ra giữa bầu trời. Sự băng giá của không gian đã xua đuổi cả những những vì sao nhưng Thanh hy vọng nó không ruồng rẫy thân phận của nó. Niềm hy vọng về sự thay đổi trong đời sống khiến Thanh quên mất gió lạnh của nhưng đêm cuối năm cho đến khi Thanh trở về phòng ngủ mới hay mái tóc, áo quần đã đầm đìa những giọt sương đêm.

Trong giấc ngủ, Thanh thường mơ những giấc mơ đẹp, sáng láng. Người nó nhẹ nhàng trong suốt như thủy tinh và Thanh vẫn tưởng như mình đang bay lên cao thanh thoát như hơi gió. Chung quanh Thanh phơi phới những cánh hồng, mây bồng bềnh trắng nõn như bông. Một “người đàn bà” về lơ lửng giữa những tầng mây dang  rộng tay đón nó vào lòng, âu yếm đặt lên má nó một nụ hôn. Thanh len lén đưa mắt nhìn lên khuôn mặt rạng rỡ và chợt nhận ra tấm thân người đàn bà óng ả mông lung như được kết bởi muôn ngàn sợi tơ trời. Bao nhiêu lời Thanh đã sắp đặt, nói đi nói lại nhiều lần bỗng chốc biến mất. Đôi vai Thanh rung rung vì xúc động và môi Thanh chỉ bật ra những lời nức nở:

– Mẹ của con! Mẹ chính là người con mong đợi bao nhiêu năm nay. Xin mẹ hãy thương lấy con gái khốn khổ của mẹ. Con muốn bay ra khỏi bầu không khí này, lúc nào cũng ngửa tay trông chờ sự bố thí của mọi người. Xin mẹ nhân từ thắp sáng vì sao hiu quạnh của đời con.

Nhưng mẹ của Thanh bỗng lắc đầu bay lên cao. Thanh thất thanh gọi lớn:

– Mẹ! mẹ đừng bỏ con.

Rồi Thanh cố bay theo nhưng không còn kịp nữa. Mẹ Thanh ngoái đầu nhìn lại, đôi mắt trìu mến long lanh hạt lệ. Thanh đón lấy một cánh hồng của mẹ vừa ném xuống nhưng gai nhọn đâm vào tay khiến Thanh kinh hãi thét lên.

Thanh giật mình thức dậy, miệng còn ú ớ những âm thanh vô nghĩa. Trán Thanh lấm tấm mồ hôi. Gió lạnh vẫn run rẩy trên những cành cây bên ngoài, khẽ đập vào cửa kính.

Cuối năm trời càng trở lạnh nhưng Thanh biết rằng mạch nhựa sống mạnh mẽ đang tiềm tàng trong cảnh vật, cây cỏ, kể cả con người. Sự đổi thay sẽ hiện hình khi mùa Giáng sinh trở lại. Băng giá rồi tan đi, cây cảnh sẽ khoác những chiếc áo tơ nõn, hoa nở đầy vườn trên những lối đi. Sự đổi thay mầu nhiệm nào sẽ đến với Thanh?

***

Sự chờ đợi đối với Thanh tưởng quá dài vậy mà đêm Giáng sinh đã tới. Dì Yến tổ chức đêm văn nghệ vào tối ngày 24 tháng 12. Trong những ngày này, cây thông Nô-en được trang trí ở nhiều nơi bằng cây thật. Trên cây người ta thường treo các đồ trang trí nhiều loại nhưng thường có những cặp chuông, dây giả tuyết, những chiếc ủng và các gói quà tượng trưng xinh xắn… mọi người kéo nhau ra đường chơi để hưởng thụ không khí của đêm Giáng sinh tràn ngập trên các nẻo đường, chủ yếu là thanh niên tụ tập trên các tuyến đường hướng tới các nhà thờ – hướng tới Chúa. Nhóm con Thanh, mọi người trở nên bận rộn. Những tấm thiếp đã được cho vào trong các phòng bì xinh xắn gửi đi các nơi. Cuối sân nhà tình thương chiếc sân khấu cao kết hợp bằng bàn ghế đã hoàn tất vào chiều, hệ thống âm thanh, đèn rọi, đèn màu cũng đã lo xong. Như chia xẻ với niềm vui và sự náo nức đang đầy ứ trong hồn bọn con Thanh, tấm màn nhung đỏ thẫm và những sợi giấy hoa đủ màu treo trên sân khấu thỉnh thoảng lại rung rinh, bay lượn  theo từng cơn gió thổi qua.

Mây bớt lạnh và mặt trời sau một ngày dài chiếu những tia nắng chiều xuống cảnh vật. Gốc mai phía trước phòng khách chưa có những nụ hoa vàng đầu năm. Những cành lan tím trông kiêu sa hơn bao giờ hết.

Bọn con Thanh được ăn cơm sớm hơn mọi ngày để lo trang điểm y phục, tập dượt lại chương trình văn nghệ lần chót trước khi cuộc trình diễn chính thức bắt đầu. Mùi kem, son phấn và quần áo mới đã gợi lên trong Thanh một cảm giác nao nao kỳ lạ. Nhưng nó biết chắc cảm giác này không gây ra do sự góp mặt của nó trên sân khấu một chốc nữa đây. Đây không phải là lần đầu tiên Thanh được tham dự vào buổi diễn văn nghệ do Dì Yến tổ chức để nhân đó giới thiệu bọn con Thanh với mọi người. Sự chờ đợi, bâng khuâng pha lẫn háo hức bắt nguồn từ biến cố có “người mẹ” mà chị Phượng là tác giả kiêm đạo diễn đã được loan báo trong thư mời.

Thanh chạy đi tìm con Nga với hy vọng sự hiện diện của Nga sẽ giúp trái tim nóng hổi của Thanh trở lại nhịp đập bình thường. Nga với Thanh vốn hai đứa nằm cạnh giường nhau từ mấy năm nay, chuyện vui buồn chúng nó đều san sẻ nhau và xem nhau như những hơi ấm trong những ngày tháng hiu quạnh.

Gặp Thanh, Nga reo lên mừng rỡ:

– A! vợ hiền xinh đẹp của ta.

Thanh và Nga đóng vai đôi uyên ương trong hoạt cảnh.

Thanh cầm lấy tay Nga, giọng run run:

– Tôi lo quá bồ ơi!

– Bộ khớp hả, nhạc cảnh này chúng ta tập dượt tốt rồi mà.

– Không chuyện đó đâu thành vấn đề, tôi muốn nói đến “người đàn bà” nhận con của mình..

– Ôi hơi đâu mà quan tâm. Chắc chị Phượng đưa ra vấn đề để làm món quà cho chúng ta. Vả lại nếu có thực làm sao mình rút trúng thăm độc đắc trong khi bọn mình mười mấy đứa và hơn chục trẻ em khác cùng chung một hy vọng như mình.

Thanh chạy về chỗ cũ vì sắp đến giờ trình diễn. Sau cái quắc mắt của Dì Yến làn sóng lao xao, rầm rì trên sân khấu bỗng im bặt. Tiếng dương cầm ngọt ngào của Chị Phượng đã dìu dặt vẳng lại trong một nhạc khúc buồn vui lẫn lộn cho tốp múa mở đầu chương trinh văn nghệ. Bọn con Thanh như đang sống trong một giấc mơ dịu dàng, hư ảo màu sắc. Thanh chải lại mái tóc, nhìn vào gương và rất bằng lòng với khuôn mặt tươi tắn của mình. Ít ra “người đàn bà” xuất hiên đêm nay sẽ hãnh diện khi nhận ra Thanh là con gái của mình. Bà sẽ gật đầu, mỉm cười trông đứa con gái đẹp, có đôi mắt đen láy, đôi môi như cánh hồng hé nở.

Đó là hình ảnh của người mẹ mà Thanh nhìn thấy trong giấc mơ. Hay bà mẹ chính là hình ảnh của Thanh do niềm ước mơ phóng lớn?

Thanh hôn lên đóa hoa lan mà nó chăm sóc từ lâu nay. Đó là đóa hoa đẹp nhất. Thanh định bụng sẽ dâng tặng mẹ sau khi bà bà đã hôn lên trán và nhận Thanh là con của mình trước đôi mắt ngạc nhiên của mọi người. Thanh nâng niu cành hoa lan tím mượt. Mạch sống của Thanh căng phồng hơn bao giờ hết, dạt dào, xanh mát như những thảm cỏ non trên núi Tô Châu, dưới thung lũng núi Đá Dựng.

Vở kịch chính của nhóm con Thanh diễn đang đến hồi kết cuộc. Nó trộm nhìn xuống khán giả lố nhố bên dưới. Lòng Thanh rộn ràng khi nhìn thấy người đàn bà đang ngồi cạnh Dì Yến ở hàng ghế đầu. Thanh cắn môi sung sướng, tiếng reo mừng rỡ suýt bật ra: Đúng rồi, đúng mẹ  của tôi rồi. Đôi mắt bà đen to, chiếc miệng xinh xắn như đóa hoa hồng, màu da ngăm đen đây mà.

Tiếng dương cầm dồn rập nổi lên, cuống quýt như trái tim Thanh. Bóng đèn sân khấu tắt, rồi bặt sáng lên và bọn con con Thanh xuất hiện cùng với  tốp múa, tốp ca …vừa nhảy múa nhịp nhàng vừa cất cao tiếng hát trong ánh đèn màu. Sự trở về sau những chia rẽ, đoàn tụ. Ước vọng hòa bình của mọi người khốn khố sau bao năm chiến tranh và chết chóc. Thỉnh thoảng Thanh nhìn xuống chỗ Dì Yến ngồi với bà khách và thấy đôi mắt bà nhìn lên long lanh chói lòa trong ánh đèn màu rạng rỡ. Nhạc cảnh kết thúc, những tràng pháo tay tán thưởng rào rào vang lên. Con Nga liếc nhìn Thanh, mỉm cười sung sướng. Sân khấu vẫn mở ngỏ và Dì Yến tiến lên bằng bước đi trịnh trọng. Giấc mơ của Thanh đã sắp trở thành sự thật. Dì Yến giới thiệu tên bà khách với quan khách và trường hợp may mắn tìm thấy lại con gái của bà sau nhiều năm thất lạc vì chiến tranh.

Tim Thanh đập mạnh và hơi thở cũng dồn dập hơn trước. Thanh nắm chặt nắm tay để khỏi run vì cảm xúc. Nước mắt đã rưng rưng trong rèm mi và trực trào ra. Bà khách rời khỏi ghế ngồi, từ từ tiến lên sân khấu, ôm trên tay một bóa hoa hồng. Dì Yến ngừng lại mấy giây chờ đợi rồi nói tiếp, giọng dì sang sảng như quan tòa:

– Xin giới thiệu với quí vị bà khách danh dự của đêm văn nghê hôm nay là mẹ của em Nguyễn Hồng Nga.

Mọi người ồ lên, tiếng nồng nhiệt vỗ tay chào mừng phút giây đoàn tụ. Miệng của Thanh há ra kinh ngạc. Đóa hoa lan trên tay nó rơi xuống, nó xô vẹt đám người chung quanh và chạy thất thểu về phòng như người mất trí, miệng lẩm bẩm:

– Tha lỗi cho tao nghe Nga, đáng lẽ tao phải đứng lại chứng kiến phút giây hạnh ngộ sung sướng của mày, nhưng tao không còn can đảm. Hãy vui với hạnh phúc vừa tìm thấy của mày. Xin giã từ mày, Hồng Nga bạn chí cốt của tao. Giã từ những chiều chủ nhật tao với mày lang thang phố Hà Tiên, lên Pháo Đài nhìn biển rồi ăn những ly chè mát lạnh. Giã từ những đêm đông rét run trốn chị Phượng nằm chung giường để truyền hơi ấm cho nhau.

Nước mắt của Thanh ràn rụa trên mặt gối. Thanh nghe những tiếng mảnh vỡ xung quanh và tưởng chừng vũ trụ sụp đổ dưới chân. Thanh cắn chặt đôi môi nhưng tiếng nức nở vẫn bật ra. Thanh là ai, là ai trong cuộc đời này? Nó thiếp đi…

***

Thanh mở cửa bước ra. Trước mắt nó một người đàn ông mặt chiếc áo màu xanh nước biển. Tay ông ôm bó hoa giọng nói lơ lớ:

– Ba là ba ruột của con. Ba đến trễ không xem con biểu diễn văn nghệ ba tiếc lắm…

Thanh len lén đưa mắt nhìn lên khuôn mặt của người đàn ông xa lạ.

Dì Yến và mọi người cũng vừa kéo đến. Dì nói:

– Ông đây là ba ruột của con đó. Dì đã lấy tóc của con đưa cho Mục sư đi xét nghiệm ADM của con và ông ấy rồi.

Giọng của Dì Yến, trầm bỗng như chuông ngân:

– Ngày người ta tìm thấy con và cũng tìm gặp ba con cách đó gần trăm mét. Ông ấy bị thương nặng, tuy được cứu sống nhưng mất trí nhớ. Ba của con được tổ chức từ thiện Tin Lành đưa qua  nước ngoài điều trị mấy năm mới hồi phục lại. Ông bảo, ông có đứa con gái trên cánh tay trái có bớt son đỏ. Có đúng vậy không?

Thanh vén tay áo lên, một vết son đỏ ập vào mắt mọi người.

– Đứa trẻ đó chính là con. Con hãy cám ơn Mục Sư và tạ ơn Chúa Giê Xu đã ban hạnh phúc cho con.

Thanh run lên vì xúc động và nó ngã vào lòng ba nó. Môi nó bật ra tiếng khóc nức nở… Dì Yến và chị Phượng cùng lũ bạn của Thanh vỗ tay mừng cha con của đoàn tụ sau mười lăm năm thất lạc. Một mùa lễ Giáng sinh đang rộn ràng gõ cửa. dòng người hướng về nhà thờ để được nghe tiếng chuông yên bình chúc mừng sinh nhật của Chúa mà lòng tràn đầy cảm xúc. Cây thông, vẫn giữ được dáng vẻ mạnh mẽ, vững chãi và màu xanh vĩnh cửu, những ngôi sao, những quả châu, dải kim tuyến lấp lánh, hoa màu trắng như sự trắng trong vô tội của Chúa Giê Xu nhân từ, sự khiêm nhường.

 MAI VĂN BÉ EM   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn