Thứ Bảy , 23 Tháng Mười Một 2024
Home / Trang Chủ / VỀ THĂM TRƯỜNG XƯA

VỀ THĂM TRƯỜNG XƯA

thithien

Cô Mai vừa bước vào lớp, thì Phong vội đứng dậy mách:

-Thưa cô, nảy giờ cô vắng, không biết bạn nào cứ bắn thun vào lưng em.  Cô xem đây, mấy cục giấy em lượm được.

Cô Mai tiến gần Phong cầm những cục giấy là bằng chứng Phong nói.  Cô liền hỏi cả lớp:

-Em nào bắn thun bạn, hãy thành thật nhận lỗi.

Cả lớp im phăng phắc, ngồi khoanh tay trên bàn trông rất ngoan. Cô Mai thấy không em nào lên tiếng, cô liền hỏi lớp trưởng rồi lớp phó…

-Các em có thấy ai là thủ phạm không?

-Dạ không… dạ không! các em trả lời dứt khoát.

Thật ra cô Mai hiểu vì sao các em trả lời như vậy và cô cũng thừa biết em nào phá phách.  Cô giáo chủ nhiệm mà không hiểu học trò của mình thì làm sao chủ nhiệm tốt được.  Mấy trò này đâu phải lần đầu mà nhiều trò “thú vị” hơn nữa như vẽ trên tường, ăn vụng, “cọp dê”…  Dường như mỗi năm lớp học của cô đều có một vài thành phần cá biệt, từ hai đến ba em làm cho cả lớp náo loạn ảnh hưởng đến tinh thần học tập của các em trong lớp.  Sống nghề nhà giáo vui buồn lẫn lộn với học trò cộng thêm áp lực cũng lớn vì chỉ tiêu của nhà trường lớp năm phải tốt nghiệp một trăm phần trăm nếu không trường bị mất tiếng, mất thi đua…  Thành ra cô Mai luôn cố gắng hết sức mình dạy dỗ và giúp đỡ các em.  Có lời cho rằng “nhìn trò biết Thầy, nhìn Thầy biết trò” như lời Chúa Giê-xu bảo nhìn trái thì biết cây.

Học trò cô Mai bốn mươi em, nhiều đối tượng khác nhau về hoàn cảnh gia đình.  Có em nhà giàu gia đình hạnh phúc sống trong sự chăm sóc nuôi nấng cha mẹ, những em này có lòng tự tin và đạt nhiều thành tích trong học tập.  Còn những em cá biệt thì hoàn cảnh khá phức tạp từ đời sống, cha mẹ đến quan hệ…  Hoàn cảnh đặc biệt do cha mẹ bỏ nhau hoặc có cha mà không mẹ, hoặc giả em phải sống với ông bà… thiếu tình thương cha mẹ, thiếu vật chất, thiếu tình cảm anh em ruột thịt… đâm ra có cá tính đặc biệt.  Học sinh cá biệt cũng có hai dạng, một là trở nên buồn rầu ít nói cô lập không thích ai đến gần và nhiều mặc cảm.  Chẳng hạn một cô bé học rất giỏi đứng nhất nhì lớp nhưng luôn luôn im lặng lầm lì, không nói chuyện với bạn bè, chỉ mở miệng khi cô Mai hỏi cũng chẳng bao giờ giơ tay phát biểu ý kiến, luôn ngồi im thin thít không hề tham gia hoạt động vui chơi như các bạn trong lớp, nhưng lại rất thông minh hay dòm ngó và để ý, đó là một học sinh cá biệt.  Cá biệt như thế đối với cô không có gì lo ngại chỉ cần cô Mai gợi mở gần gũi thì cô bé có thể thay đổi.  Vài tháng thôi cô bé vui vẻ bắt đầu giơ tay tham gia văn nghệ của trường… Dạng thứ hai là thích nổi bật làm nhiều trò bậy bạ như chọc ghẹo quậy phá lười học… để mọi người chú ý mình nhiều hơn chỉ có vậy thôi. Nhưng cũng cần chữa trị ngay để lâu sẽ hình thành bản chất xấu hoặc tạo thói quen cho các hành vi tồi.  Điều đó cần thời gian và sự kiên nhẫn tâm tình của giáo viên-uốn cành non đâu phải một hai ngày. Thông thường những trẻ tưởng chừng không có vấn đề gì chúng lại sống rất độc lập và bản lãnh luôn tỏ ra khôn khéo hơn bạn bè cùng trang lứa.

***

Duy sống một mình với bà ngoại trong căn nhà nhỏ xíu bên góc hẻm, ba mất mẹ lấy chồng khác, nó ở với bà ngoại từ khi mới ba tuổi đến nay mười hai năm.  Bà ngoại thì bán rau ngoài chợ nuôi cháu.  Duy đã ở lại hai năm hồi học lớp ba và lớp bốn, năm nay là năm cuối tiểu học nếu không đủ điểm thì nhà trường buộc Duy thôi học. Duy thích mái tóc cao sau ót, mái dài trước mặt vén qua lỗ tai khi cúi đầu tóc xệ xuống che con mắt trái trông mới ngầu, nhuộm màu vàng, tóc highline.  Nước da ngăm đen, đôi mắt đen xách lên phần đuôi, mũi to, môi dầy, mặt vuông.  Thân hình cũng cao to bước đi nhanh nhẹn, giọng ồ ồ lớn lắm. Mười hai tuổi đang bước vào thời kì dậy thì thì phải. Nó chẳng biết sợ ai, già lớn trẻ nhỏ ai nói gì nó cũng có thể cãi lại tỏ ra biết chuyện, có lẽ không cha mẹ… nên sống theo bản năng tự bảo vệ mình không thua ai và hơn thế nữa không để ai ăn hiếp và coi thường.  Nó khá nổi tiếng ở xóm Đồng Tiến.  Nổi tiếng quậy và học dở.  Khi Duy ăn hiếp được một đối tượng thì Duy nuốn lãnh đạo làm đàn anh sai khiến đàn em… Từ từ Duy sẽ trở nên một tay anh hùng mười hai tuổi… một tay du đãng?! Quá sớm, còn có thuốc chữa không?!

Duy là học trò cá biệt nhất của lớp cô Mai mà toàn trường ai ai cũng biết.  Giọng nói xấc xược hỗn láo không biết kẻ trên người dưới, bước chân đi rầm rập, cái quần sọt ngắn và chiếc áo sơ mi trắng cũ mèm như cháo lòng xốc xếch luộm thuộm, có hôm nó cài nút kiểu gì mà để tà ngắn tà dài chẳng bao giờ mang phù hiệu, kiểu cách của Duy khiến cho bác bảo vệ để ý nhiều.  Mỗi lần bước đến cổng trường thì bác bảo vệ đón trước cổng chận lại hỏi vài câu coi Duy có mang dao hay kéo hoặc bất cứ một cái gì khả nghi và bác kêu vào phòng bảo vệ tra xét. Khi thấy ổn bác mới cho Duy vào lớp.  Ban giám hiệu cũng để ý tới nhưng trước tiên vẫn giao cho cô giáo chủ nhiệm lo việc này. Duy có nhiều vấn nạn từ mặt tình cảm gia đình rồi sức khoẻ, học tập và xã hội.

Một tháng ba mươi ngày, số ngày học của Duy đếm trên đầu ngón tay còn ngày nghỉ thì phòng giám thị ghi đầy trên sổ điểm danh. Thấy mà chóng mặt.  Cô Mai hỏi cả lớp vì sao Duy thường nghỉ học, các bạn bảo Duy trốn học lang thang chơi với mấy trẻ bụi đời cả ngày đến khi đói và mệt lả thì về nhà.  Bà Duy bán rau từ sáng sớm đến hai ba giờ chiều mới về, lúc ấy Duy mới có cơm ăn.  Buổi cơm chiều dư để lại làm phần cơm trưa hôm sau cho Duy.  Mỗi sáng đến lớp cứ khoảng chín giờ sáng thì Duy hay bị đau bụng rồi học hành được chi đâu nghe lỗ tai này lọt qua lỗ tai kia, chưa kể lúc cô Mai giảng bài Duy cứ ngáp dài ngáp ngắn lia lịa. Duy phải xuống phòng y tế nằm nghỉ khi tỉnh lại thì nó cứ dật dờ lờ đờ, ngồi trong lớp mà chẳng vào chữ nào cô Mai hỏi không bao giờ có câu trả lời đúng cả rồi còn mắc chứng bệnh ngủ gà ngủ gật trong lớp.  Cô Mai nhìn Duy và biết rằng Duy không có sức khỏe để học tập, tình trạng này kéo dài chắc chắn sẽ thi rớt thôi.

Cô đến nhà gặp bà ngoại để trò chuyện xem kết hợp với gia đình xem có cách nào giúp Duy không.  Khi nói chuyện với bà xong thì mọi vấn đề vẫn nằm đấy, chưa có gì khả quan hơn.  Bà ngoại lo cho Duy hai bữa cơm là nhiều rồi, bà không đủ sức lo thêm buổi ăn sáng.  Có hôm Duy chỉ có gói mì trong bụng hoặc cơm chan nước mắm.   Như vậy Duy không đủ dinh dưỡng thì sức khỏe đâu mà học tập, cộng thêm tình thương không có ai chăm sóc nâng đỡ.  Con người ta nghèo mà có cha có mẹ thì dù sao tinh thần cũng tốt hơn được dạy dỗ và nương dựa.  Một đứa trẻ như Duy thật đáng thương.  Cô Mai thường gặp những học trò như vậy mỗi năm, nhưng Duy là đứa trẻ đáng lo âu nhiều.

Trong giờ chủ nhiệm cô đưa vấn đề cho các em suy nghĩ, tìm một giải pháp

-Duy đi học không có ăn uống chi nên bạn hay đau bụng và không có sức khỏe học tập. Các em có cách nào không?

-Gây quỹ lớp đi cô. Lớp trưởng lên tiếng

-Cho Duy một gói xôi mỗi buổi sáng nha các bạn? Chi đề nghị.

-Vậy thì cô sẽ để hộp thiếc này trên bàn, mỗi tuần một lần sáng thứ tư các em bỏ vào hai ngàn đồng, làm quỹ lớp giúp đỡ bạn Duy và những bạn gặp khó khăn, phần còn lại làm quà cuối năm học và tất niên nhé các em. Cô cần một em giúp cô vào mỗi sáng dẫn Duy vào căn tin mua thức ăn sáng cho bạn.  Lời cô chưa dứt thì Ngọc giơ tay lên:

-Xin phép cô, em lo việc này.

-Lớp trưởng còn phải lo cho các bạn truy bài đầu giờ.  Không được đâu để em lo cho cô.  Chi nhanh nhẹn.

-Đúng rồi! Ngọc phải giúp các bạn đầu giờ, vậy thì Chi sẽ lo các em có đồng ý không?

-Dạ đồng ý.  Cả lớp đồng thanh.

Duy có buổi ăn sáng không tệ lắm có hôm xôi khúc xôi giò, hôm thì bánh canh, hôm bánh mì thịt… Ban đầu Duy tỏ ra rất mắc cỡ với bạn bè, Duy bảo:

-Thôi thì đưa tiền cho em tự vào căn tin.

-Không được, cô sợ Duy nhịn đói rồi lấy tiền làm chuyện gì đó mà cô không thể hiểu.

Duy nằng nặc với cô:

-Cô ơi! em lớn thế này mà để bạn cầm tiền trả tiền thì mất uy.

-Cô đã nói chuyện với các cô chú ở căn tin, mọi người sẽ lo phần ăn cho em.  Em hứa với cô mỗi ngày đi học đều đặn và ăn sáng đầy đủ nha.  Em phải đến trường lúc 6giờ45 ăn sáng rồi xếp hàng truy bài lên lớp như các bạn.

-Dạ thưa cô, em…em hứa ạ.  Duy gải đầu.

Nhìn cái gãi đầu của Duy cô Mai cũng chưa thấy gì tốt lắm có lẽ Duy chỉ hứa một cách miễn cưỡng, không gì phải lo cô Mai sẽ theo dõi thái độ của Duy.  Cô Mai luôn đến trường rất sớm, khỏang 6g30 cô đã có mặt và quan sát học trò của mình.  Sau một tuần cô thấy rõ Duy khỏe hẳn ra hết đau bụng, em có chú ý nghe cô giảng bài.  Duy cũng rất thích các món ăn được cô và các bạn ưu đãi, nó nghĩ như vậy là sướng rồi ở với ngoại làm gì có bánh mì thịt, bánh canh…, nó ăn ngốn nghiến ngon lành và từ đó Duy đi học đều đặn hơn.  Nhưng bài làm của em chưa có gì tiến triển lắm vẫn là những con số dưới trung bình.  Cô Mai biết rằng kèm một học trò mất căn bản thì phải cần nhiều thời gian ít nhất ba tháng, mà em cũng phải nỗ lực học tập nữa.

Cô Mai đến nhà gặp bà ngoại trò chuyện xem có cách nào giúp Duy tốt hơn không, nhưng bà bảo bà còn phải lo buôn bán kiếm sống lo cho Duy hai bữa cơm như vậy là nhiều rồi sức đâu bà lo …Mẹ Duy đã đi xa theo chồng rồi có con nhỏ.  Duy nó về nhà chẳng có ai trò chuyện, chỉ cái ti vi xem hoạt hình, rồi nó buồn tìm bạn hàng xóm… quậy phá… chẳng ai quan tâm học hành để mà nhắc nhở theo dõi.

Một tháng trôi qua, Duy đỡ hơn nhiều vì sức khỏe bây giờ tạm ổn, trông nó có vẻ sáng sủa lanh lợi hơn. Bỗng một ngày Duy lại nghỉ học.  Cô Mai lại lo âu chuyện gì? lại đi chơi với đám bụi đời sao?  Cô hỏi cả lớp:

-Các em có biết vì sao Duy nghỉ học không?

-Dạ không?

-Có thể bạn ở ngoài bệnh viện Nhi Đồng đó cô?

-Duy ra đó làm gì?

-Dạ, chiều hôm qua mẹ chở em đi ngang qua đó, em thấy Duy .

Đúng vậy âu lo của cô đúng mà, cô liền xuống phòng hiệu trưởng.

-Thưa thầy tình hình của em Duy thầy biết rõ, trước cổng bệnh viện Nhi Đồng là khu vực khá phức tạp, em Duy còn nhỏ lại bị trẻ bụi đời dụ dỗ bởi một số em lớn tuổi hơn Duy.  Tôi lo ngại không chỉ thành tích học tập của em thôi mà còn tương lai sau này… Ánh mắt cô long lanh ươn ướt.

Suy nghĩ một hồi, Thầy hiệu trưởng bảo:

-Tôi sẽ liên lạc với công an khu vực và đội bảo vệ dân phòng ở khu phố em Duy.

Cô Mai nuôi sự hy vọng này, hy vọng giúp đỡ một phần nào.  Hy vọng giải tán trẻ bụi đời bê tha ngoài cổng bệnh viện để rồi Duy không còn bạn bè và trở lại trường học nghiêm chỉnh.  Nhưng rồi ngày qua ngày cô không thấy tiến triển gì, Duy cũng thường nghỉ học đi lang thang.  Khi công an đến thì có đứa canh chừng từ xa ra hiệu thế là bọn trẻ tháo chạy hoặc chúng chia ra len lõi vào đám người đông đúc trước cổng.  Công an chỉ ghé qua vài phút nhiều lắm chừng nửa giờ rồi cũng bỏ đi lo chuyện khác, thế là bọn trẻ lại tụm năm tụm bảy đánh bài. Cô Mai nghĩ trong lòng, sau giờ học hôm nay cô sẽ đi bộ ra đó tìm Duy.  Cô quyết định như vậy.

Duy đang tụm năm tụm bảy chơi bài, thì từ xa nghe một thằng đàn anh bảo:

-Ê Duy tà áo dài tìm mày kìa! Hình như cô giáo của nó.

Duy ngước mắt lên hoảng hốt, liền đứng dậy và bỏ chạy.

-Duy! Duy! Duy! Cô gọi, nhưng nó cứ lao đầu chạy.

Cô biết nó không muốn gặp cô trong lúc này, có đuổi theo cũng vậy thôi nó lẩn tránh. Trở về nhà cô Mai cứ bị dằn vặt ăn không ngon ngủ không yên sao học trò cá biệt này khiến cô đau đầu.  Tình trạng của Duy chỉ có hai cách, một là đề nghị bà ngoại kí giấy thôi học vì không đủ điều kiện.  Nội quy nhà trường nghỉ trên mười lăm ngày lí do không chánh đáng thì bị bắt buộc nghỉ luôn nếu muốn ở lại thì gia đình phải có cam kết giáo dục đàng hoàng, coi như dứt cái nợ với học trò tên Duy để tâm trí cô thanh thản lo cho các học sinh còn lại, việc ấy thật dễ dàng cho cô và lớp cô chắc chắn sẽ tốt nghiệp một trăm phần trăm.  Hai là… cô coi Duy như đứa con của mình… phải chăng Duy cần một người Mẹ mà cô là cô giáo chứ đâu phải Mẹ.  Nếu trong hoàn cảnh này cô phải đóng vai Mẹ để cư xử hướng dẫn Duy thì cũng đáng lắm chứ.  Cô biết rõ ngoài việc ăn uống vui chơi trẻ con cần nhất là tình thương, tình thương người Mẹ.

Chúa của con! Duy học trò tội nghiệp đáng thương này con phải cưu mang, con không nỡ lòng bắt bà ngoại kí giấy cho Duy thôi học mặc dầu em không còn đủ tiêu chuẩn, làm như vậy quá nhẫn tâm Chúa ơi thật tội nghiệp hai bà cháu, gia đình xã hội bỏ em, nhà trường cũng bỏ và chính con đây cô giáo cũng đành lòng bỏ thì chỗ đâu em nương nhờ.  Không chỉ hiện tại mà tháng năm sau này ai sẽ lo cho em, đó có phải một câu hỏi cho gia đình và xã hội?!  Nhưng con tin Chúa có chương trình, xin Chúa gìn giữ em bảo vệ em, cho em có cơ hội gặp Ngài.  Lạy Chúa, con làm được không? có có đủ sức lo cho em không?  Xin Chúa thêm sức mạnh, xin cho con thương em Duy như Ngài yêu con chết thay cho con.

Một buổi sáng đẹp trời nắng ngã xuống sân trường, im lặng… dãy phòng thẳng tắp tiếng nói thầy cô giảng bài, hạt phấn rơi trên bảng gỗ vẫn chiếc bàn chiếc ghế áo trắng tinh khôi những khuôn mặt ngây thơ hồn nhiên của tuổi lên mười còn đó.  Cô Mai vẫn đi qua đi lại trên bục, mái tóc dài xõa bờ vai trong tà áo tím, một tay cầm thước chỉ bảng đen tay kia cầm sách và đọc…. Sân trường yên ắng chốc lát lại nghe vài con chim ríu rít bên ngoài hành lang.  Bỗng loa thông báo:

-Mời cô Mai xuống phòng hiệu trưởng gấp.

Cô Mai nhờ cô chủ nhiệm cạnh bên xem lớp dùm và lớp trưởng ghi tên bạn nói chuyện lên bảng. Bước xuống bậc tam cấp cuối cùng cô thấy bóng dáng ai đó đang ôm đầu máu chảy ràn rụa và khóc nức nở.  Cô biết ngay học trò của mình. Cô chạy đến ôm vai Duy hối hả:

-Em làm sao vậy, sao ra nông nỗi này? ai đánh em? có phải mấy đứa bụi đời không?

-Dạ cô… tụi nó đánh em… tụi nó lớn lắm… vì em không có tiền… Duy vừa khóc vừa la.

Nhìn thấy Duy mà cô đau đớn lòng.  Cô thấy trước tiên phải chăm sóc vết thương cho Duy:

-Đi mau.  Đi vào phòng y tế với cô. Cô dìu Duy

Vào phòng Duy ngồi xuống, cô Mai lấy bông gòn lau chùi vết thương rửa sạch với cồn tránh nhiễm trùng sau đó băng lại.  Vết thương tuy nhẹ nhưng chảy máu nhiều vì vùng đầu mà.  Cô Mai hỏi:

-Em có thấy đau…nhức đầu không Duy?

-Dạ không! Duy vẫn khóc òa

Cô y tá bảo:

-Trong vòng hai mươi bốn tiếng theo dõi xem có triệu chứng gì không? Nếu có vấn đề thì đưa Duy vào bệnh viện.

Cô Mai an ủi:

-Nín đi em… ở đây có cô rồi, khi nào có chuyện gì thì em hãy chạy đến gặp cô, chạy mau đến trường nha em.  Ở đây có bác bảo vệ thầy hiệu trưởng và cô em sẽ không sao…Vì sao em nghỉ học hoài, đi chơi với bọn bụi đời có ích gì đâu rồi còn bị ăn hiếp đánh đập.  Nhỡ bị thương nặng quá thì phải làm sao? Bà ngoại của em đâu lo cho em nổi.  Bây giờ nghe cô hỏi nè:

-Đi học và đi chơi cái nào ích lợi hơn?

-Dạ… đi học.  Nhưng cô ơi, học sao chán quá, chẳng hiểu chẳng làm bài được.

-Duy ơi! Tục ngữ có câu

Dốt đến đâu học lâu cũng biết. 

Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học.

Có học thì sau này mới có tương lai.  Có chữ mới có việc làm để nuôi sống bản thân chứ em.

-Cô ơi! em không có tiền để học thêm đâu.

-Không sao, bây giờ em trở lại trường học đi.  Cứ chiều 3giờ đến nhà cô học thêm hai tiếng nữa cô không lấy tiền đâu, chừng vài tháng em sẽ thấy tốt hơn. Cô ước mong em đậu kì thi tốt nghiệp này.

-Thiệt hả cô?

-Và hứa với cô không đi chơi với mấy tụi bụi đời nữa nha.

-Dạ thưa cô, em cũng sợ… sợ tụi nó tới nhà tìm em đòi tiền.  Duy nhăn mặt.

-Tiền gì?  Tụi nó biết em không có tiền mà.  Thật bất công.  Cô Mai đứng phắt dậy giận dữ khiến Duy giựt mình ngước mặt nhìn chăm

-Sao cô…giận vậy? Duy hốt hoảng.

Cô im lặng, trong chốc lát cô nghĩ vì sao trên đời có nhiều kẻ bất lương không chịu đi làm kiếm sống mà ăn hiếp trẻ nhỏ không tự bảo vệ được rồi còn tìm cách moi tiền nữa.  Đời sao bất công đến thế phải chăng người ta cũng khổ nên sanh tật và chà đạp người khác.  Bao nhiêu trẻ bụi đời xin ăn khắp quán trên hè phố làm tay sai cho bọn buôn người và rồi cuộc đời những đứa trẻ đi vào ngõ cụt… Không được, phải tìm cách giúp Duy, nếu lâu ngày nhỡ…. tụi bụi đời dụ dỗ Duy hút chích hay buôn bán ma túy sa vào con đường nghiện ngập thì sao!  Điều đó sẽ xảy ra trong gang tấc.  Cơn giận nguôi ngoai lại một chút lo âu nhỡ tụi nó đến nhà tìm Duy rồi ai bảo vệ Duy đây.  Cô lại xót xa tội nghiệp học trò Duy quá.  Sao Duy không có ai nương dựa vậy.  Cô quay lại nhìn  Duy đôi mắt đỏ hoe:

-Được rồi, cô sẽ nói chuyện với bà ngoại rằng sáng em đi học, sau đó về nhà cô ăn cơm ngủ trưa rồi 3giờ học bài, học xong cô sẽ đưa em về nhà một cách an toàn.  Em nhớ mang theo bộ đồ thay nhé.  Chiều về nhà với bà ngoại, em đừng đi ra ngoài nhiều nhất là bệnh viện Nhi Đồng ăn cơm xem tivi và đọc sách.  Đi ngủ sớm.  Đặc biệt không gặp bất cứ đứa nào trong đám bụi đời nữa nha em.  Bà ngoại nói gì em phải vâng lời đó.

-Dạ…thưa cô. Duy mỉm cười.

Cô Mai can đảm bảo vệ Duy không tên nào dám tìm Duy nữa.  Có lần cô mạnh dạn đi gặp đám trẻ bụi đời cô khuyên chúng hãy về nhà, hãy đi học… và cô cấm không cho đứa nào gặp Duy nữa.  Cô nói nếu làm điều gì sai cô sẽ thưa cảnh sát.  Chúng nó nghe một cô giáo nói vậy chúng len lén bỏ đi.  Mỗi ngày cô Mai dạy Duy học, Duy mất căn bản môn toán nhiều lắm.  Những môn khác chỉ cần Duy chịu khó đọc sách làm những câu hỏi trắc nghiệm thì xong.  Ba tháng trôi qua Duy có tiến bộ các môn học điểm số bảy, tám thật đáng khích lệ.  Có hôm bài văn được bảy Duy mừng quá chạy đến ôm cô Mai nhảy lên một cách vui sướng rồi bảo con đem về khoe với bà ngoại đọc cho ngoại nghe cô ơi. Từ đó Duy thích học hơn, chịu khó hơn.  Môn toán khó cực kì cuối cùng Duy cũng giải một số bài toán khó.  Điều quan trọng sự nỗ lực của Duy và bên cạnh cô Mai, một cô giáo đáng tin cậy và hết lòng thương yêu giúp đỡ học trò cá biệt này.  Tình thương ấy lớn dần, cuối năm Duy cũng đậu tốt nghiệp và bước vào ngôi trường mới.  Tình thầy trò chia tay từ đây.

***

Thấm thoát mười ba năm, ngôi trường xưa hẳn y nguyên hai dãy lầu ba mươi phòng học, cái trống trường to lớn trước phòng ban giám hiệu vẫn nằm trơ. Cột cờ cao lêu nghêu cờ bay trong gió. Thứ hai đầu tuần hai em học sinh được tuyển chọn đứng dưới gốc mà kéo cờ trong tiếng nhạc hùng hồn của bản Quốc ca… Cây bàng lớn hơn tàng lá xòe rộng hơn cho bao bóng mát bọn trẻ núp dưới vào giờ ra chơi.  Phượng nay già nua nhưng đến hè vẫn ra hoa đỏ thẵm như tình yêu của thầy cô không bao giờ tàn tươi thắm như sắc hoa.  Mưa mùa hạ bắt đầu tí tách mang theo nỗi niềm nhớ nhung tuổi ấu thơ.  Duy đứng trân ra như tượng gỗ nhìn về ngôi trường hồi tưởng tháng ngày đèn sách một thời với bao kỉ niệm tình thương mến bạn bè thầy cô. Đôi mắt bỗng khép lại, Duy ngơ ngác thả hồn theo mưa và ngắm nhìn hoa phượng rơi.  Từ xa xa thấp thoáng đâu đó tà áo tím thướt tha và mái tóc dài xõa ngang vai, nhưng bước chân chầm chậm hơn.  Duy tỉnh lại, bóng dáng rất quen, Duy nhanh chân chạy theo:

-Cô ơi! Cô Mai!

Tà áo tím ngoái đầu quay lại

-Em… em cần gì?

-Cô! Cô còn nhớ em không? Em là Duy

Cô Mai nhìn chăm chăm một hồi:

-À… Duy… Duy bụi đời đó hả?

-Dạ , em đây cô.  Duy cười mắc cỡ ngượng ngùng.

-Lớn quá, cô nhìn không ra.  Em khỏe không? bây giờ làm gì? Cô Mai cười tươi.

Duy vội giơ hai tay đưa cô Mai bó hoa hồng đỏ:

-Cô ơi, em khỏe lắm.  Xin gửi cô đoá hoa hồng.

Cô Mai ngạc nhiên:

-Lâu quá gặp lại em, cô ngỡ ngàng quá.  Sao… hôm nay lại tặng hoa vậy kìa.  Đi … đi vào phòng giáo viên với cô… em ngồi đi… nào hãy nói về chuyện của em… chuyện em rất thú vị.  Cô Mai lại vui.

-Mười ba năm rồi, em có được ngày hôm nay là nhờ cô.  Cái ngày ấy, ngày mà em bị đánh tơi bời hoa lá nếu không có cô thì em đã chết ngoài đường rồi.  Cám ơn cô nhiều, em bây giờ đang sống với mẹ.  Cô là người mẹ thứ hai của em.  Mẹ là cô, cô là Mẹ.  Nhờ cô giúp em học tập mà em bước qua nhiều khó khăn sau này. Em học xong sư phạm rồi cô à.

-Vậy à! Em dạy cấp mấy?

-Dạ… lẽ ra em dạy cấp ba, nhưng trường khuyết tật cần giáo viên nên em nộp đơn và làm việc.  Em đang nối nghiệp cô đây.  Ban đầu em tưởng dễ lắm nhưng bước vào thấy nhiều khó khăn ghê cô à. Em dạy một lớp mười em bị câm và điếc, nhà trường cho em đi học một khóa tâm lý và cách dạy học sinh này, học qua ngôn ngữ ra dấu.  Cũng vui lắm cô, làm việc vất vả với các em khiến em nhớ đến cô, giờ đây em hiểu thấu tâm trạng của cô ngày xưa đối với em như thế nào. Thật thấm thía cô à.

-Vậy là giỏi rồi.  Trò hơn thầy.  Người đời có câu Trò không hơn Thầy.  Nhưng cô không nghĩ vậy xã hội ngày càng phát triển nhất là nền giáo dục.  Thanh niên sau này rất giỏi gánh vác nhiều việc lớn mà phụ nữ đôi khi không đủ sức làm.  Thầy có hơn trò ấy là kinh nghiệm sống những va chạm cuộc đời thôi em.  Chứ kiến thức thì mai một nếu không chịu học hỏi thêm –học khôn đến chết, học nết đến già. À…lương bổng thì sao hả em?

-Dạ cũng đủ sống cô ạ, nhà nước bây giờ đầu tư cho giáo dục nhiều, nếu dạy thêm thì khá hơn phải không cô!

-Nhắc lại chuyện cũ, thật ra lúc ấy vì tình yêu thương vì hoàn cảnh em đặc biệt quá nên cô giúp em thôi. Cô rất vui mừng gặp lại em và kết quả như thế này tốt quá. Cô cầu nguyện Chúa cho em nhiều lắm.  Chúa yêu cô và yêu em.  À, bà ngoại em hồi này sao rồi?

-Dạ bà mất, em về ở với Mẹ cha nuôi và em cùng Mẹ khác cha.  Lúc đó em rất buồn, nhưng Mẹ thương em đưa em đến trường lo cho em ăn học.  Thấy Mẹ vất vả buôn bán nên em cố gắng học hành để Mẹ vui.  Vì ngoài Mẹ em còn biết dựa vào ai hả cô.  Ca dao Việt Nam có nhiều câu càng đọc càng thấm cô à:


Dẫu rằng thông hoạt,

Chẳng học cũng hư đời,

Tài chí bằng trời,

Chẳng học cũng là phải khổ.

Người không học như ngọc không mài phải không cô?!

-Vậy thì em nên cám ơn bà ngoại và Mẹ em nữa đó.

-Nhưng người đầu tiên đem đến cho em hy vọng và một con đường sống chính là cô đây.  Cảm ơn cô.  Duy thành thật trong đôi mắt trìu mến.

-Duy ơi! dạy học và giáo dục là nghĩa vụ và trách nhiệm của bậc làm thầy nền tảng của xã hội em à.  Học quan trọng lắm chứ:
Học là học để làm người
Biết điều hơn thiệt biết lời thị phi.
Học trò học hiếu học trung
Học cho đến mực anh hùng mới thôi.
Học là học để mà hành

Vừa hành vừa học mới thành người khôn

Một phương diện khác Chúa có chương trình cho cuộc đời của cô và em, Chúa yêu em nên gìn giữ em ban phước cho em có ngày hôm nay.

-Vậy hả cô? Chúa Giê-xu hay Chúa Trời gì đó, dem nghe người ta hay gọi Chúa…Chúa… Có phải Chúa mà cô nói không?

-Chúa là Đức Chúa Trời hằng yêu thương nhân loại, Ngài đến ban cho con người sự sống và dạy dỗ chúng ta làm người như thế nào. Vừa nói cô Mai lấy trong giỏ ra quyển Kinh thánh Tân Ước và bảo:

-Duy à! Nếu em muốn biết Chúa là ai, thì quyển sách này ghi rất rõ.  Mỗi ngày hãy đọc, đọc từng trang em sẽ hiểu và biết Chúa yêu em như thế nào Ngài làm gì cho em.  Nếu em có thắc mắc thì gọi điện hoặc gặp cô, cô sẽ giải thích rõ hơn.  Nói xong cô Mai ghi số điện thoại đưa cho Duy

-Dạ thưa cô.  Em tin những gì cô hướng dẫn luôn tốt đẹp, em sẽ đọc.

Một lần nữa cuộc đời Duy có ánh sáng có niềm vui.  Mười ba năm trước cô Mai giải cứu Duy khỏi tay bụi đời.  Mười ba năm sau cũng chính cô Mai dẫn dắt Duy tìm đến chân lý.  Một trang sử mới mở ra từ đây  Duy thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, càng ý nghĩa với công việc Duy đang làm một thầy giáo dạy trẻ khuyết tật.  Và sợi dây chuyền này sẽ tiếp tục lan tràn cho thế hệ sau như luồng điện chiếu sáng.  Thử hỏi, nếu con người ai ai cũng sống biết ơn thì xã hội tránh nhiều ưu phiền, một số ca dao tục ngữ rất thâm thúy:

-Công cha nghĩa mẹ ơn thầy.  

-Một chữ nên Thầy,

 Một ngày nên nghĩa.

-Trọng thầy mới được làm thầy….

Và trên hết lòng biết ơn Chúa là đấng tối cao là Thầy duy nhất dạy con người sống và làm theo lời Ngài.  Lòng biết ơn ăn sâu mọc rễ giúp con người hướng thiện sống biết ơn trả ơn.  Duy vui trong lòng hình ảnh Cô Mai là chân dung nhà giáo điển hình khiến Duy yêu mến đeo đuổi lý tưởng này.  Cuộc sống cần lắm những tấm lòng thầy cô, nhà giáo biết chăm lo nghĩ đến thế hệ con cháu vì giáo dục là nền tảng của xã hội, văn hóa đạo đức từ giáo dục làm nên.  Duy lại vui hơn nhìn thấy Chúa là Cha là Thầy… vị giáo sư vĩ đại cho tâm hồn thắp sáng cho Duy một con đường, đường dài…

***

Câu chuyện thật đã xảy ra khi tôi còn là giáo viên dạy chung trường với cô Mai.  Một giáo viên tận tụy với nghề nghiệp và học sinh, hết mình vì thế hệ tương lai.  Tôi đã từng chứng kiến em Duy như thế nào hình ảnh của Duy, một cậu học trò ngỗ nghịch đến nay tôi vẫn còn in trí từ hình dáng mái tóc cho đến giọng nói ồ ồ của em… Tôi viết câu chuyện này gửi gắm lời tri ân đến tất cả đồng nghiệp và nhắn nhủ em Duy hãy cố lên nhờ cậy Chúa nhé em.  Thời gian dần trôi làm sao quên những kỉ niệm đẹp in dấu trong tim bao lưu luyến suy tư…

Về thăm mái trường xưa
Hàng cây ghế đá hẳn nằm trơ
Bóng người xa khuất những đứa học trò.

Phượng vĩ già nua hoa sắc thắm
Tình yêu cô thầy tươi tắn một màu xanh
Phấn trắng nét nghiêng trên bảng gỗ
Áo tím thướt tha vươn bụi hồng.

Nữa chữ của Thầy mang nặng nghĩa
Ân tình sâu rộng mấy ai hay
Học để hành để làm người
Mai sau khôn lớn chớ quên phụ Thầy.
Không Thầy đố mày làm nên
Không Thầy ai nấy chớ nên làm Thầy.

Duy Thầy rộng lượng bao la
Bao nhiêu chữ nghĩa trọn trong Kinh Thầy
Con đường Thầy đã đi qua
Trũng sâu gai góc vấn vương mặc dầu
Nhìn Thầy nhắm hướng bước đi
Không xiêu vẹo, nản lòng thối lui…
Mai này Thầy sẽ trở lại
Các Thầy sum họp vui trên nhà trời.

THI THIÊN

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn