Thứ Hai , 20 Tháng Năm 2024
Home / truyện ngắn / TÔI ĐÃ Ở LẠI

TÔI ĐÃ Ở LẠI

z

Một sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời của tôi đó là biến cố năm 1975. Lúc đó, tôi còn là một thiếu niên 14 tuổi, thật thà và ngây ngô. Bây giờ đã 37 năm trôi qua, tóc nhuộm màu muối tiêu nhưng những hình ảnh của cuộc phiêu lưu đó vẫn không phai nhòa trong ký ức.

Đầu tháng Ba năm 1975, khi chiến sự tại Việt Nam bắt đầu và ngày càng có dấu hiệu gia tăng, Mục sư Nguyễn Công Huẩn là giám đốc Cô nhi viện Cơ Đốc Truyền Giáo Hội tại Tuy Hòa, Phú Yên đưa đoàn cô nhi của ông gần 30 em tản cư vào Nha Trang. Tôi hoàn toàn không biết gì hết về quyết định của ba má cho đến khi được ba tôi thông báo sau bữa ăn sáng của cả nhà:
 – Mục sư Huẩn đồng ý đưa các con đi theo đoàn cô nhi của ông ấy vào Nha Trang sáng nay. Ba không biết tình hình đất nước sẽ xảy ra như thế nào nên đưa các con đi trước. Nhà mình đông người nên năm đứa con sẽ đi với Mục sư Huẩn. Gia đình còn lại sẽ vào gặp các con sau. Anh trai kề, tôi, hai đứa em gái kề và một thằng út trai nữa là năm người sẽ ra đi. Nhà tôi còn lại là ba má, ba anh trai lớn, đứa con gái áp út và út gái mới một tuổi. Như vậy, gia đình tạm thời chia hai: Năm người đi, bảy người ở lại. Tôi chẳng thấy đó làm buồn mà còn có vẻ hào hứng nữa vì từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ được đi xa như thế, nên đồng ý ngay.
Thế là, năm anh em chúng tôi quơ vội mấy bộ quần áo, cái khăn, cái bót đánh răng và vài vật dụng cần thiết khác bỏ dồn vào hai túi xách. Ba tôi kêu một chiếc xích lô chở hết một lần năm đứa, còn ông thì lái xe honda mang theo hành lý của chúng tôi. Tôi không nhớ đã chia tay mẹ và các anh như thế nào nhưng có lẽ là rất vui, không có bịn rịn và nước mắt. Tại bến xe, chiếc xe ca đang nổ máy, Mục sư Huẩn có vẻ nóng ruột khi phải chờ đợi. Chúng tôi vội bước lên cửa trước, chỗ Mục sư đang ngồi, trên xe đầy người và đồ đạc. Tôi không kịp quan sát phía sau cũng như chào từ biệt ba tôi thì xe đã lăn bánh. Cuộc hành trình thật sự đã bắt đầu…
Chiếc xe ca cũ kỹ chậm chạp đưa chúng tôi qua đèo Cả, đường hẹp quanh co uốn khúc như con rắn dài vươn ra tận biển. Nó giựt giựt, gầm rú lúc lên dốc và khi cua qua những khúc quanh cánh chỏ, lúc đó tôi nghĩ có lẽ xuống xe đi bộ còn nhanh hơn. Tôi thấy anh lơ xe, tay xách cục gỗ nhảy lên nhảy xuống ở cửa, không biết để làm gì. Sau nầy tôi mới biết là anh cầm cục canh để chèn vào bánh xe khi nó không thể chạy lên được nữa… Thật là dễ sợ, tôi nghĩ thầm: Nếu xe tụt dốc thì sao nhỉ?
Đối với tôi, cái gì cũng mới mẻ và lạ lẫm vì nghe nói Nha Trang nhưng chưa bao giờ được đi. Trên đường xe cộ đi lại tấp nập, trông người ta có vẻ vội vã. Nhiều xe quân sự chở lính với cả súng ống chạy cùng chiều thật nhanh, vượt qua xe của chúng tôi mà không biết họ từ đâu, đi đâu… Quay lại quan sát trong xe, tôi thấy một đám trẻ phần đông là lứa tuổi của tôi trở xuống. Chúng là những trẻ em thượng du (sắc tộc) mồ côi mà sau nầy tôi mới rõ đó là dân tộc H’roi và Ê-đê, định cư ở phía Tây tỉnh Phú Yên, thuộc địa phận huyện Sơn Hòa lên đến tỉnh Phú Bổn (cũ). Những đứa trẻ cũng ngây ngô và hồn nhiên như tôi. Chúng ngồi chật cứng cùng với đồ đạc trông có vẻ không được thoải mái lắm còn tôi đang ngồi ở phía trước, rộng rãi và quan sát được nhiều hơn.
Đến quá trưa, xe mới vào đến Nha Trang. Nó len vào con đường nhỏ có tên là Sinh Trung, dừng lại đổ bọn nhóc chúng tôi xuống trước một căn nhà gỗ nhỏ, ọp ẹp. Tôi đánh giá ngay: Chà, từng ấy con người trên xe sẽ chui rúc vào cái ổ tò vò nầy đây, không biết ngày mai sẽ ra sao!
Bọn trẻ đã bước xuống xe, những gương mặt đen đúa, nhợt nhạt hay tái xanh sau một hành trình dài 120km. Những bao đồ được quăng xuống, có cả những bao than đầy bụi vung lên. Tôi thẫn thờ ngồi trên túi quần áo, chờ đợi sự sắp xếp của bà Mục sư Huẩn và những người giúp việc. Thế rồi, chúng tôi được xếp chen nhau trên một gác nhỏ. Ba mươi mấy đứa trong hai cái phòng chật chội ngăn đôi giữa nam và nữ. Tất cả là sàn gỗ, không có một cái ghế nào, anh em chúng tôi bắt đầu “nằm đất” từ đây. Giờ ăn, mọi người chen chúc xuống phía dưới, mỗi người một cái tô bằng nhựa tự bới cơm mà không có sự trợ giúp nào kể cả những đứa nhỏ. Thực đơn chỉ có hai món: Thịt heo muối mặn chát và canh rau nấu tép khô. Những đứa lớn ăn thật nhanh và bới tiếp được tô thứ hai, những đứa nhỏ chậm hơn và nhất là bọn con gái chỉ kịp “Cô rinh tô 1” thì đã hết mất rồi. Nhưng cũng công bằng đấy thôi: Còn nhỏ và con gái thì ăn chừng đó được rồi. Anh em tôi cũng chỉ kịp ăn một tô vì không quen ăn nhanh mà cũng kén ăn nữa nên đành bị xếp loại chung với bọn “chân yếu tay mềm”.
Mỗi tối, chúng tôi nhóm lễ bái cùng với các cô nhi. Bọn trẻ hát thánh ca rất hay và rất mạnh. Chúng tôi luôn cầu nguyện ngắn trước khi đi ngủ. Tất cả có thể chỉ là thói quen và bản thân tôi chưa cảm nhận được Chúa như thế nào…
 Cuộc sống cứ thế trôi đi, không biết là bao lâu, chắc khoảng hai tuần thì chúng tôi chuyển đến một trung tâm Cơ Đốc tại Cam Ranh, không biết rõ tên gọi là gì nhưng được tiếp đón chu đáo, chỗ ở rộng rãi hơn. Được hơn một tuần thì chúng tôi phải di chuyển vào tận Phan Thiết. Hành trình thật vất vả. Đường sá bị cày xới có lẽ vì bom đạn và mọi phương tiện lưu thông. Tôi thấy xe cộ nối đuôi nhau dài dằng dặc với tiếng còi xe inh ỏi trông thật hối hả nhưng lại rất chậm chạp… Sau nầy tôi mới biết, do tình hình chiến sự, người ta phải tản cư dần dần vô Nam, ồ ạt nhất là trước khi Khánh Hòa bị thất thủ ngày 1 tháng 4.
Tại Phan Thiết, đoàn được ở trong một cơ sở từ thiện nào đó cũng như thời gian bao lâu tôi chẳng nhớ rõ nhưng lại bắt đầu thấy nhớ nhà. Tuy nhiên, được ở chung với nhiều đoàn cô nhi khác của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam và Hội Truyền Giáo Cơ Đốc khiến chúng tôi có nhiều bạn bè và cảm thấy vui hơn. Anh em tôi hoàn toàn mất liên lạc với gia đình, vì chiến tranh và chạy loạn. Sau nầy, được Mục sư Huẩn báo tin ba tôi có vào đến Cam Ranh để tìm thăm chúng tôi nhưng không kịp gặp vì đoàn đã ra đi trước đó. Mãi về sau tôi nghe ba tôi kể lại rằng gia đình đã vào ở Nha Trang một vài ngày, ông tranh thủ đi Cam Ranh tìm chúng tôi nhưng không được thì quay lại Nha Trang và đưa cả nhà về lại Tuy Hòa. Gia đình tôi đã có một hành trình ngược: Trong khi mọi chuyến xe chở người đi vô thì nhà tôi lại đi ra. Sau nầy khi gặp lại, ba tôi mới nói rằng:
– Ba không thể bỏ bầy chiên của Chúa bơ vơ được. Là người hầu việc Chúa phải ở lại sống chết với bầy chiên thôi (dù bấy giờ bầy chiên cũng tan tác không còn bao nhiêu…).
Ở Phan Thiết không được bao lâu thì chúng tôi lại “Nam tiến”. Ấn tượng nhất của hành trình là đoàn được đi tàu thủy, thật ra nó chỉ là cái ghe lớn mà thôi. Nhiều đoàn cô nhi đã hiệp nhau để thuê một chiếc ghe đánh cá nhưng có thể chở được trên trăm người. Chúng tôi cùng xuống bến tàu ở cảng cá Phan Thiết. Mùi mắm thật là đặc sệt và mùi cá thì hôi tanh nồng nặc. Đây không phải là chuyến du lịch bằng tàu thủy hiện đại mà là một cuộc tản cư bất đắc dĩ. Có lẽ đường bộ Phan Thiết-Sài Gòn đã bị cắt đứt vì bom đạn hay không an toàn nên quí Mục sư đã chọn một cuộc hải trình giống như Phao-lô ngày xưa…
Tôi không biết Mục sư Huẩn được ai cho chiếc xe bốn bánh nhỏ kiểu xe Daihasu nhưng hiệu Honda màu xanh giống như Hội thánh của tôi cũng có một chiếc như thế. Ông thích quá nên tập lái xe và rồi đem nó xuống ghe luôn. Chiếc xe nằm vắt ngang gần hết chiều rộng của thân ghe. Những thuyền viên ràng rịt nó rất chặt bằng những sợi thừng lớn. Tôi nằm ngay trước đầu xe. Chuyến tàu bắt đầu khởi hành từ trưa nay và mãi đến trưa hôm sau mới đến được bến cảng Vũng Tàu. Trên đường đi, bọn trẻ chúng tôi nằm dán lưng xuống sàn ghe, mắt nhắm nghiền vì nếu mở mắt ra sẽ thấy bầu trời chao đảo và nếu đứng lên thì sẽ té nhào. Tuy nhiên, nằm mãi cũng chán thật. Khi một đứa trẻ la lớn: “Có con cá to kìa!”, chúng tôi lại ngồi bật dậy và thế là cơm cháo trong bụng trào ra xối xả. Tội nghiệp, có những đứa ói mửa trên đầu trên cổ những đứa khác mà nạn nhân đành phải “chấp nhận thương đau”, “sống chung với lũ”, chỉ có lau chùi sơ qua vì chỗ đâu mà tắm rửa, đành phải mang mùi sữa chua đó suốt cuộc hành trình.
z 2
Con tàu có lúc chao mạnh. Cái bánh xe chỗ tôi nằm lúc lắc trong tiếng kẽo kẹt của dây thừng. Tôi chợt nghĩ: Nếu nó đứt dây, chiếc xe sẽ lao xuống biển và không chừng nó mang tôi đi luôn. Hơi sợ, tôi muốn đổi chỗ nhưng không còn chỗ nào trống đành phải phó mặc cho số phận. Nhìn những hình hài xanh xao dúm dó, nằm phơi mình sắp lớp dưới tấm bạt che nắng tạm bợ, tôi có cảm tưởng như nhà ghe đang phơi cá trước khi xâu chúng lại thành từng xâu một và tôi là con cá chưa kịp khô khi đã nhanh nhẹn chui xuống dưới đầu gầm xe trốn nắng. Chúng tôi đã qua một ngày đêm ớn lạnh, mệt nhọc và đói lả ở trên tàu vì không ai ăn uống gì được cả, chỉ tạm dùng bánh mì và nước lã nhưng ăn vào bao nhiêu lại ra bấy nhiêu nên đành nhịn đói cho xong, khỏi phải tốn công ói mửa.
Đến cảng Vũng Tàu, đoàn nghe loa phóng thanh của đoàn từ thiện chào mừng nên cũng phấn khởi và quên hết mệt nhọc. Họ giúp đưa chúng tôi lên bờ. Những đứa nhỏ thì cần nhiều sự trợ giúp hơn nên tất cả đều lên bờ mau chóng và an toàn. Ngay tại bến tàu, những người trong đoàn từ thiện có đeo phù hiệu phát bánh mì và nước uống. Chúng tôi ăn ngấu nghiến dù còn rất mệt. Chiếc xe của Mục sư Huẩn được đưa xuống. Ông dùng xe để chở đồ đạc còn chúng tôi được xe của hội từ thiện đưa về Cô nhi viện Nhất Chí Mai để tạm trú ở đó. Đêm đến, tôi không tài nào ngủ được, cứ nằm xuống thì lại thấy nó chòng chành như muốn rớt xuống giường, cứ thế trải đến bốn năm đêm mới hết được cảm giác đó. Ở đây, chúng tôi được chăm sóc chu đáo, đầy đủ, tiện nghi lúc đó như thế là quá tốt rồi. Anh em chúng tôi thì gầy nhom có lẽ vì ăn ít và nhớ nhà còn bọn trẻ “dân tộc” thì khỏe như voi.
Một thời gian, đoàn lại được chuyển về cơ sở Nhà thờ Tin lành Vũng Tàu cùng với các đoàn cô nhi Tin lành khác. Lúc đó, Mục sư Đỗ Thành Ngỡi đang chủ tọa Hội thánh. Thời gian ở đây thật tuyệt vời. Chúng tôi có nhiều bạn mới, sự nhóm lại thường xuyên hơn và có thể đi ra ngoài phố thư giãn một chút…Vũng Tàu vẫn còn yên ắng so với các nơi khác.
Tại đây, các đoàn từ thiện người Mỹ đến thăm chúng tôi, phát quà bánh và đồ chơi cho trẻ em. Họ nói chuyện với chúng tôi bằng tiếng Anh có thông dịch. Tôi hiểu nôm na rằng họ sẽ đưa chúng tôi sang Mỹ để sống sung sướng ở đó. Tất cả sẽ đi bằng máy bay và chỉ một ngày là sẽ đến bến bờ tự do. Bọn trẻ ngơ ngác, những đứa lớn có vẻ vui mừng, những đứa nhỏ không biết nước Mỹ ở đâu nhưng nghe nói đi bằng máy bay thì cũng thích thật. Đêm về, tôi nằm suy nghĩ: Năm anh em tôi đi khỏi đất nước nầy chắc là chúng tôi và cả gia đình đều rất buồn vì đã không gặp mặt nhau một tháng rưỡi rồi. Vả lại, tôi còn đứa em gái út tật nguyền mà tôi rất thương. Hôm tôi đi, nó đã hơn một tuổi nhưng chỉ biết cười và nằm một chỗ trong nôi. Đi hết rồi, ai sẽ chăm sóc em khi các anh đã lớn, còn bé áp út thì mới có năm tuổi? Nước mắt tràn đôi má, tôi quyết định trong lòng sẽ ở lại để cho bốn anh em đi thôi. Nhiều ngày về sau, những đoàn từ thiện khác đến thăm viếng và cũng hứa hẹn một chương trình bảo lãnh cho cô nhi sang Mỹ nhưng lòng tôi đã quyết dù chưa nói điều này cho các anh em của mình.
Điều vui nhất là chúng tôi có cơ hội gặp lại gia đình cậu mợ Bốn Phiên cùng các anh chị cũng đang chạy loạn và tạm trú ở đây. Cậu mợ cho tiền bạc, quà bánh, mua giỏ xách mới và đồ dùng cho chúng tôi. Cậu tôi cũng xin Mục sư Huẩn cho ông được gửi ba đứa con trai gia nhập đoàn, hy vọng chúng sẽ đi trước qua bên kia, ông và gia đình sẽ tìm cách đi sau. Mục sư Huẩn đồng ý, thế là chúng tôi có thêm ba người anh họ chung sống.
Giữa tháng Tư, đoàn cô nhi được lệnh di chuyển vô Sài Gòn. Tin đi Sài Gòn khiến chúng tôi mừng lắm vì chỉ nghe nói rằng “Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!” mà chưa bao giờ được tận mắt xem thấy. Xe đưa chúng tôi vào trung tâm tiếp vụ của quân đội Sài Gòn trên đường Tô Hiến Thành, nay biến thành trung tâm tỵ nạn vì ở đó dân chạy loạn vào ở rất đông, có lính gác đàng hoàng. Chúng tôi thấy Sài Gòn đẹp thật, nhà cao tầng chen chúc nhau, đường phố rộng rãi, xe cộ tấp nập nhưng người dân có vẻ lo lắng, bon chen. Dấu chân của người tỵ nạn miền Trung rải khắp các ngã đường nên không còn sạch sẽ nữa, rác có khi chất thành đống mà không ai dọn dẹp…
Ở Sài Gòn một thời gian, chờ lâu không thấy động tĩnh gì nên cậu tôi đến gặp Mục sư Huẩn nhận lại ba đứa con, chia tay chúng tôi và dẫn đi đâu mất. Về sau tôi mới biết rằng ông và cả gia đình đi ghe ra đảo Phú Quốc và được tàu lớn tiếp đón đưa sang Mỹ. Đó là một quyết định khôn ngoan. Sau đó, tôi cũng biết rằng các đoàn cô nhi khác đã bay hết sang Mỹ nhưng không hiểu vì sao đoàn cô nhi của Mục sư Huẩn vẫn còn kẹt lại ở đây? Ông không chọn phương án đi tàu thủy mà cứ chờ đợi máy bay. Tuy nhiên, những ngày cuối vì quá gấp rút, máy bay lo di tản quân đội, công nhân viên chức Mỹ nên bỏ quên đám cô nhi ở lại…
Những ngày cuối tháng Tư, Sài Gòn bị bao vây tứ phía. Đêm đêm, nghe tiếng pháo với ánh lửa xé nát bầu trời nhưng chúng tôi không sợ hãi mà lại kéo nhau chạy lên sân thượng để xem và thích thú khi thấy nhiều hỏa châu trên bầu trời chiếu sáng cả thành phố không một bóng người ngoài đường. Ngày dinh Độc Lập và sân bay Tân Sơn Nhất bị oanh tạc, chúng tôi ở trên sân thượng giữa ban ngày chứng kiến tất cả. Cảnh máy bay ném bom lửa và khói bốc lên ngùn ngụt, cảnh máy bay rượt đuổi nhau, bắn nhau loạn xạ trên bầu trời mà không rõ máy bay nào của phía nào, sau nầy mới biết quân đội CS dùng máy bay Mỹ ném bom nên chúng tôi không phân biệt được…
Ngày 30 tháng Tư, quân đội CS tràn vô thành phố trong khi lính CH trút bỏ vội bộ quân phục. Nhiều người đem cho quần áo của mình, họ mặc vào vội vàng rồi biến mất. Cửa trung tâm tỵ nạn mở toang, chiếc xe Jeep chở bốn người lính CS cầm cờ và súng ống tua tủa chạy vào tiếp quản với tiếng loa sang sảng báo tin Sài Gòn thất thủ, kêu gọi quân đội Việt Nam Cộng Hòa đầu hàng và giao nộp vũ khí. Không khí hoảng loạn cực độ nhưng chúng tôi thì tỉnh queo, ngơ ngác khi lần đầu tiên nhìn thấy CS mà không biết sợ…
Một người lính CS đứng gác ngay cổng, thấy tôi xớ rớ ở đó hỏi:
– Cháu ở ngoài hay ở trong nầy?
– Dạ ở trong nầy.
– Trong nầy thì bước vào, đừng đi ra ngoài lúc nầy!
Tôi chạy u vào trong.
Bấy giờ, người dân bắt đầu phá cửa kho tiếp vụ của quân đội SG. Họ ào vô để khiêng sữa hộp, thịt hộp, cá hộp, dầu ăn còn sót lại trong kho. Bọn trẻ chúng tôi cũng lanh lẹ không kém, chen vào và ôm về vô số chiến lợi phẩm. Chúng tôi bắt chước họ chỉ lựa lấy thịt gà, thịt heo còn cá hộp thì bỏ lại. Tôi quăng quần áo ra và chất đầy các túi xách toàn là đồ hộp. Bữa ăn chúng tôi bây giờ thì thịt nhiều hơn cơm nên chưa lúc nào thấy vui như lúc nầy.
Sài Gòn đã mất, cơ hội ra đi không còn nữa. Tôi không thấy tiếc chút nào nhưng Mục sư Huẩn thì buồn lắm, ông gọi chúng tôi đến và nói:
– Không đi Mỹ được rồi, ông cũng không lo gì cho các con được nữa. Từ nay, ông sẽ kiếm cách đưa các con về quê thôi!
Chúng tôi chẳng buồn mà cũng chẳng vui vì đứa nào cũng nhớ quê, nhớ bà con anh em dù phần lớn cha mẹ họ không còn, thôi thì đành chịu vậy. Ông phát cho mỗi đứa 1.000 đồng tiền SG để tự lo cho bản thân. Lần đầu tiên chúng tôi có được riêng cho mình số tiền nhiều đến thế.
Gần cuối tháng Năm, Mục sư Huẩn gọi tôi, giọng xúc động:
– Con à! Tình hình đã ổn định rồi, đi lại không còn khó khăn nữa cho nên con sẽ về lại Tuy Hòa báo cho gia đình biết để ba con vào đón các anh em. Ông sẽ gửi cho một tín đồ tại Nha Trang, con sẽ theo xe về và bà ấy sẽ đưa con về Tuy Hòa. Phần cô nhi còn lại, ông sẽ giải tán và tìm cách cho chúng nó về quê.
Tôi chuẩn bị khăn gói lên đường với sự háo hức của một đứa trẻ. Sáng hôm sau, Mục sư đưa tôi ra bến xe. Thế là sau gần ba tháng lưu lạc, tôi sắp được trở về nhà, trong lòng xôn xao một niềm vui khó tả. Tôi không biết ở chỗ nào, chỉ thấy chiếc xe “ba lua” (xe tải) màu xanh đang chất hàng và người ta bao quanh đông đúc. Tôi được Mục sư đưa đến giới thiệu cho một người mà bấy giờ tôi mới biết là bà Lê Khắc Dương ở Vĩnh Phước, Nha Trang. Ông đỡ tôi lên tấm bửng xe bằng gỗ rất cao, tôi bước vào ngồi lọt thỏm trong đống đồ đạc cùng với nhiều người và bên cạnh bà Dương. Bà có vẻ như biết tôi nên thăm hỏi ân cần, thật ra biết ba má tôi là người hầu việc Chúa mà thôi.
Gần xế trưa thì xe bắt đầu khởi hành. Tôi không ngờ hành trình đi về lại tệ hại đến thế, còn tệ hơn cái xe ca cà tàng lúc mới bắt đầu cuộc hành trình…chạy loạn. Đường sá đầy dẫy ổ gà, ổ trâu khiến cái xe lắc chao dữ dội và bụi tung mù trời. Tôi nhắm mắt, nằm cong queo như con tôm, chỉ chờ dậy khi xe ngừng lại ăn uống thôi. Con đường 450km Sài Gòn – Nha Trang mà xe chạy gần như một ngày đêm. Trưa hôm sau mới lù lù về đến Nha Trang, tôi cùng bà Dương xuống xe.
Thấy tôi mang túi xách ì ạch, bà nói:
–         Đưa cái xách đây để bà xách cho.
Tôi đưa cho bà.
–         Ui da! Chớ cháu bỏ gì trong xách mà nặng thế!
Tôi cười, mắc cỡ không dám nói. Trong đó chỉ có vài cái quần áo cũ, còn lại là một xách đồ hộp “quân tiếp vụ”, chiến lợi phẩm mà tôi dành dụm đem về nhà. Ở nhà bà Dương khoảng vài hôm, tôi được tiếp đón chu đáo ân cần. Gia đình bà rất đông người, tôi không nhớ rõ là ai mãi sau nầy gặp lại mới biết… Một buổi sáng, tôi được bà Dương đưa ra bến, lên chiếc xe “Renaul” màu vàng cũ mèm để về lại Tuy Hòa.
Xe chạy ì ạch đến trưa mới tới. Tôi xuống xe, gọi một chiếc xe thồ chở nhanh về nhà. Cảnh phố xá Tuy Hòa không có gì thay đổi, nhưng có vẻ tiêu điều hơn. Ba tôi đi vắng, chỉ có mẹ và các anh em ở nhà. Họ la lên và chạy ra mừng, ngạc nhiên vô cùng khi thấy tôi trở về và càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng số còn lại sẽ về đông đủ. Cả nhà tưởng rằng chúng tôi đã đi được qua bên kia rồi, không ngờ bây giờ vẫn còn đây nên tâm trạng vừa mừng mà lại vừa lo… Tuần sau, ba tôi vô đón anh tôi và các em về. Tất cả đều mạnh giỏi và lành lặn. Cảm ơn Chúa! Các bạn cô nhi cũng về quê và tản mác mỗi người mỗi nơi…
Má tôi nói:
– Các con về là ba má rất mừng nhưng cũng rất lo đó. Mười mấy con người chứ ít gì! Tín đồ thì phần đông đi về quê hết rồi, mình sẽ sống sao đây…
Những năm bao cấp và về sau, gia đình rất khó khăn nên nhiều lần tôi suy nghĩ: Không biết ý Chúa thế nào mà để anh em mình lại đây? Những người đã ra đi bây giờ trở về sung sướng và giàu có. Công việc Chúa ở đây còn rất khó khăn, tại sao Chúa không cho đi được vài người nhỉ, dù tôi vẫn không hề hối tiếc đối với quyết định của bản thân mình.
Thế rồi, năm 1981, anh Ba tôi vượt biên sang Phi-líp-pin, sau đó sang Mỹ rồi bảo lãnh bốn anh em chúng tôi. Thoạt đầu, chúng tôi đều ghi danh vì nghĩ rằng cơ hội đã trở lại. Nhưng sau đó một thời gian, tôi và cô em gái kề xin rút tên ra khỏi danh sách vì lập gia đình mà cũng không thấy cảm động để đi Mỹ nữa. Còn lại anh kề tôi và đứa em gái út, tuy đã có gia đình nhưng vẫn cứ để tên và rồi họ được sang Mỹ năm 2002…
Phần tôi, thật sự gặp Chúa và dâng mình cho Chúa năm 19 tuổi. Đó là một kinh nghiệm mới mẻ. Anh em chúng tôi nhờ ơn Chúa cho có đời sống tin kính, đã góp phần giúp đỡ cho chức vụ của ba má suốt nhiều năm về sau trong sự gây dựng Hội thánh, các ban ngành, các khu vực và truyền giáo. Năm 30 tuổi tôi là TĐTN và hiện nay đã có chức vụ, được hầu việc Chúa tại một Chi hội. Các anh em chúng tôi đều được kêu gọi hầu việc Chúa cả: Anh Hai là Mục sư, Anh Tư là Truyền đạo, em gái tôi ba người đều là vợ Mục sư, Truyền đạo, em trai út là Mục sư còn hai người anh ở Mỹ thì hầu việc Chúa bằng sự góp phần dâng hiến cho công tác truyền giáo tại Việt Nam. Như vậy, Chúa có ban ơn và bù đắp cho gia đình chúng tôi. Tất cả các anh em đều được mạnh khỏe, có gia đình, nhà riêng để sinh sống với gia quyến đông đúc. Riêng em gái út của tôi, đẹp ý muốn Chúa đã yên nghỉ trong nước Ngài năm 1981, khi được 7 tuổi… Má tôi sau một thời gian lâm bệnh cũng về với Chúa năm 2007, hưởng thọ được 75 tuổi. Là một người mẹ hiền từ, chịu thương chịu khó, yêu mến và phục vụ Chúa hết lòng, cuộc đời bà đã ảnh hưởng sâu đậm trên đời sống của chúng tôi.
Năm 2002, tôi được vào Nha Trang để sinh sống và có cơ hội hầu việc Chúa. Rất tiếc, không gặp lại ông bà Lê Khắc Dương để nhắc lại kỷ niệm xưa và có một lời cảm ơn, vì Chúa tiếp rước ông bà vào nơi yên nghỉ trên trời. Gia đình ông bà là một trong những gia đình tín hữu đầu tiên và trung kiên của Hội thánh Chúa tại Vĩnh Phước.
Mục sư Nguyễn Công Huẩn hiện nay đang định cư ở Thụy Sĩ. Ông cùng gia đình rời Việt Nam trong khoảng 1978-1980, tôi không nhớ chính xác. Âu cũng là sự thương xót của Chúa…
Cậu mợ tôi sau khi được sang Mỹ với gia đình đầy đủ, thời gian đầu ông tìm kiếm chúng tôi khắp nơi nhưng không thấy ở đâu. Sau vài năm, lúc liên lạc được thì mới biết rằng chúng tôi đều ở lại…, cậu mợ tôi có vẻ tiếc nuối nhưng nhiều năm sau, đây là điều tôi nghiệm ra: Chúa có chương trình tốt đẹp cho mỗi người. Ở lại hay ra đi trong sự dẫn dắt của Ngài đều đem lại lợi ích chung. Riêng tôi, ý muốn Chúa cho cuộc đời của tôi là: Hãy ở lại Việt Nam…
 
THUẬN THIÊN

   

Trả lời

Hướng Đi Ministries Hướng Đi Ministries
9/10 1521 bình chọn